14. Những điểm lịch sử về việc Tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ:
– Năm 1891, phong trào vận động rầm rộ xin dâng Thế giới cho Tr. T. Đ. Mẹ tại Ý.
– Năm 1900 ở Pháp, Lm. Deschamps dòng Tên phát động việc thành lập Hội Kính Tr. T. Đ. Mẹ tại Toulouse.
– Năm 1906, Tổng hội Đức Bà Chiến thắng Paris tỗ chức Trưng cầu ý dân về việc dâng hiến thế giới cho Tr. T. Đ. Mẹ và đã đạt được 707.845 chữ ký thỉnh cầu lên Đ.G.H.
– Năm 1907. Cha Gebharb, bề trên dòng Montfortains Canada thay mặt Đức TGM Ottava dâng lên Đ.G.H. 46.690 chữ ký.
– Năm 1914, Trong dịp Đại Hội Thánh Thể tại Lộ Đức, Đ.G.H. Pio X nhận được rất nhiều đơn thỉnh nguyện của các Đại Hội Thánh Mẫu quốc gia và quốc tế, như: Lyon, Fribourg, Einsiedelm, Paris, Chartres, Lourdes, Boulogne-Sur-Mer v.v… Riêng hàng Gíám mục Pháp họp tại Lộ Đức ngày 27.7.1929 đã bày tỏ nguyện vọng xin hiến dâng nhân loại cho Tr. T. Đ. Mẹ.
– Năm 1926 và 1929 Chúa Giêsu và Mẹ Maria hiện ra với chị Lucia – lúc ấy chị đang ở trong nhà dòng – Các Ngài giục chị phải truyền bá lòng Sùng Kính Tr. T. Đ. Mẹ, và vận động hiến dâng nước Nga, cùng cả Thế giới cho Tr. T. Đ. Mẹ. Lần này, chính Đức Mẹ nói với chị Lucia: “Đã đến lúc Thiên Chúa đòi Đ.Th. Cha, hợp cùng tất các G.M. thế giới, dâng nước Nga cho Trái Tim Mẹ. Chúa hứa cứu nước này bằng cách ấy”.
– Ngày 13.5.1931, hàng Giáo phẩm Bồ Đào Nha tuân theo mệnh lệnh Đ.M. Fatima, đã hiến dâng Tổ quốc cho Tr. T. Đ. Mẹ
– Năm 1932, Lm. Garrigou Lagrange dòng Đa Minh, Tiến sĩ Thánh Kinh đã viết bài đăng báo La vie spirituellle về việc hiến dâng loài người cho Trái Tim Đ. Mẹ, với lý do ngài nêu lên là cần phải có Tr. T. Đ. Mẹ để chống đỡ lại các tà thuyết đang phá hoại Giáo hội.
– Ngày 13.5.1938, hàng Giáo phẩm Bồ đào Nha đệ đơn thỉnh nguyện lên Đ.G.H. Pio XII xin hiến dâng nhân loại cho Tr. T. Đ. Mẹ.
– Ngày 02.7.1940, Chúa Giêsu hiện ra nói cho chị Berthe Petit biết: Người rất khát khao việc hiến dâng loài người cho Tr.T.Đ. Mẹ, mà Người gọi là phương thế cuối cùng để cứu vãn nhân loại.
– Trong tác phẩm của hầu tước De la Franquerie có viết về việc Chúa đã hiện ra với một Linh hồn ẩn danh, Chúa nói: “Việc hiến dâng nhân loại cho Tr. T. Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria, chiếm địa vị thứ nhất đối với Thế giới, sau mầu nhiệm nhập thể. Việc hiến dâng ấy, đã đưọc chọn làm phương thế duy nhất, để nước Thánh Tâm Cha trị đến … chỉ cần hiến dâng cho Tr. T. Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ, chúng con đừng tìm đường lối nào khác. Cha ban cho Tr. T. Mẹ tất cả các thế lực, để thắng phục các sự công thẳng Cha. Hãy đội triều thiên tôn phong Mẹ là Nữ Vương mọi tâm hồn. Rồi các con sẽ thấy xuất hiện nhiều sự lạ lùng của Đấng Tối Cao… Các con hãy Hiến dâng mình, gia đình mình, và hiến dâng cả thế giới cho Tr. T. Mẹ. Đây là phương pháp cuối cùng của Cha ban”.
* Trong cuốn sách “Cum clamore valido” (Tiếng gọi khẩn cấp), Cha P.H. Monier Vinard, dòng Tên còn ghi trõ hơn: “Từ năm 1935-1940, Chúa Giêsu hiện ra với một linh hồn ưu tuyển và vì Chúa không muốn cho ai biết tên chị, nên chỉ đặt cho chị là “La petite proie de Son Coeur” (tức là “con mồi nhỏ của Thánh Tâm Chúa”). Trong khoảng những năm ấy Chúa đã dạy chị những bí quyết của lòng Tôn sùng Tr. T. Đức Mẹ. Ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08.12.1936, Chúa phán với chị: “Trái Tim Mẹ Cha vừa là một Cung Thánh tinh tuyền, vừa là một nguồn mạch, cũng là cái nôi ấp ủ tình âu yếm đã nhập thể của Cha. Con hãy ngắm nhìn Trái Tim Mẹ để ca ngợi, và nhờ đó ca tụng Cha”.
– Ngày 31.10.1942 Đức GH. Pio XII, từ Vatican đọc thông điệp truyền thanh “Benedicite Deum Coeli” hiến dâng nhân loại cho Tr.T. Đ. Mẹ, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Rồi Ngài cất cao tiếng: “Trong giờ phút bi đát của lịch sử nhân loại, chúng con kính dâng lên Mẹ, phó thác nơi Mẹ, nơi Trái Tim Mẹ, khong những Giáo hội, mà toàn thể thế giới đã bị dập nát vì những bất thuận, hận thù…”.
– Ngày 08.12.1942 (Ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm) Đ.Th.Ch. lại long trọng và chính thức hiến dâng một lần nữa Giáo hội và nhân loại cho Rất Thánh Trái Tim Đức Mẹ, tại đền thờ Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của 40 Hồng Y, Giám mục đoàn, ngoại giao đoàn, các vị quốc khách và hơn 100.000 giáo dân.
– Ngày 07.7.1952 qua bức thư “Sacro Vergente Anno” gửi các dân tộc Sô Viết, Đ. Th. Cha lại hiến dâng nhân loại một lần nữa, và đặc biệt là hiến dâng nước Nga cho Tr.T. Đ. Mẹ.
– Ngày 25.3.1984, Thánh G.H. Gioan Phaolo II đã dâng Thế giới cho Tr.T. Vô nhiễm Mẹ Maria lần nữa, và Ngài khẩn xin Mẹ “giúp chúng con chiến thắng sự dữ, với những hậu quả khôn lường của nó đang đè nặng lên cuộc sống hiện tại, và xem ra làm tắc nghẽn những đoạn đường dẫn đến tương lai… Xin Mẹ giúp chúng con lướt thắng mọi tội lỗi: Tội lỗi của con người, tội lỗi của thế giới, tội lỗi dưới mọi hình thức. Nguyện xin quyền năng cứu rỗi vô biên của ơn cứu chuộc, quyền năng của tình thương lân tuất, được tỏ hiện lần nữa trong lịch sử thế giới. Nguyện xin ánh sáng hy vọng được tỏ hiện cho tất cả mọi người trong Trái Tim Vô nhiễm Mẹ, Amen”.
15. Đức Mẹ Mễ Du (Medjugorje) – Nam Tư cũ (nay là nước Bosnia & Hercegovina)
Đức Mẹ Mễ Du còn được gọi là Nữ Vương Hòa Bình đã hiện ra với sáu thiếu niên ở Medjugorje (Mễ Du), nước Bosnia và Hercegovina (thời điểm năm 1981 là nước Nam Tư).
Mễ Du là một làng nhỏ nằm giữa hai ngọn núi Krizevac và Podbrdo với dân số vài ngàn cư dân, thuộc tỉnh Mostar. Ngày 24 tháng 6 năm 1981, sáu em nhỏ trong làng đã nhìn thấy hình bóng sáng chói của một người phụ nữ bồng trên tay một trẻ sơ sinh trên triền đồi Pobrdo. Các trẻ em này bao gồm: Vicka Ivankovic (sinh 1964, lúc đó 17 tuổi), Mirjana Dragicevic (sinh 1965, 16 tuổi), Marija Pavlovic (sinh 1965, 16 tuổi), Ivan Dragicevic (sinh 1965, 16 tuổi), Ivanka Ivankovic (sinh 1966, 15 tuổi) và Jakov Colo (sinh 1971, 10 tuổi). Ðức Mẹ đã hiện ra với 6 em nhỏ này từ năm 1981 và các tin tức báo chí cho biết hiện nay Đức Mẹ vẫn còn hiện ra với một số em. Mẹ đến thế giới để mang thông điệp của Thiên Chúa gởi cho nhân loại: “Thiên Chúa hiện hữu và Ngài là sự sống sung mãn. Ðể hưởng sự sung mãn và bình an, nhân loại phải hoán cải và trở về với Thiên Chúa”. Đức Mẹ cũng kêu gọi: “Các con hãy tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Các con hãy phó thác hoàn toàn cho Mẹ”. Năm mệnh lệnh của Ðức Mẹ mong ước mọi người thực hành như sau:
1. Cầu nguyện (cầu nguyện chuỗi Mân Côi bằng cả tâm hồn)
2. Ăn chay (ăn chay vào các ngày thứ Tư và thứ Sáu bằng bánh mì và nước lã)
3. Ðọc Kinh Thánh
4. Xưng tội (Ðức Mẹ khuyên nên xưng mỗi tháng 1 lần)
5. Năng dự Thánh lễ.
Mặc dù đây là hiện tượng đương đại thu hút nhiều khách hành hương, nhưng vẫn chưa được Tòa Thánh công nhận.
Ngày 21 Tháng 10 năm 2013, Sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ, thay mặt cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ra thông báo ngăn chặn các cuộc tụ tập đông người như những năm trước đây.
Ngày 17 tháng Giêng 2014, ủy ban mới chỉ loan báo chính thức hoàn tất cuộc điều tra và chờ Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ công bố chung cuộc về vấn đề này. Vì lý do đó, mặc dù tài liệu về sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Mễ Du nhiều hơn bao giờ hết, nhưng chúng ta cũng phải dừng lại để chờ sự phán quyết của Tòa Thánh.
16.Sơ Kết các sự kiện được nói về việc Đức Mẹ đến thăm con cái loài người tại nhiều Quốc gia trên Thế giới
*** Dưới nhãn quan người giáo dân CG, Đức Mẹ hiện ra nhiều lần và nhiều nơi, mặc dầu chỉ có một số nơi được Hội Thánh công nhận, ngoài ra rất nhiều nơi còn đang trong vòng điều tra, cứu xét. Trong công việc tham khảo để tìm hiểu, tác giả đã có thể tổng kết cách sơ khởi được khoảng 115 địa điểm trên thế giới, gồm nhiều quốc gia. Chắc chắn là có thể còn hơn nữa, chỉ là tác giả chưa đủ thời gian và công sức có hạn để tìm tòi nghiên cứu, hầu nắm bắt toàn bộ các dữ kiện cho thấy đã đến thời điểm Thiên Chúa không còn giữ lại một chút gì mà không mạc khải, và Ngài đã sai Thần Khí Chân Lý xé toang màng bọc bí ần về Nước Trời, để dẫn dắt nhân loại tới sự thật toàn vẹn, như Đức Giêsu Kitô đã hứa với các Tông Đồ hai ngàn năm trước ở vào những giây phút cuối cùng trong bữa Tiệc Ly rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 12-13). Sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu hứa đó, chính là Đức Nữ Vương Thiên Đàng – Đấng là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ nhân loại – Đấng đã Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Cứu Thế, và đặc biệt trong chương trình và kế hoạch sau hết Thiên Chúa dành cho nhân loại. Bởi vậy trong thời cận đại này, chỉ còn những kẻ có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy, ngoài ra ai cũng biết, ngay cả các cơ quan truyền thông, báo chí trong hàng ngũ những người bàng quang và chưa nhận biết Thiên Chúa, cũng đã loan tin rất nhiều về các lần Đức Mẹ từ Trời xuống gặp gỡ con cái loài người, cũng như Mẹ biểu lộ sự lo lắng, xót xa, và ân cần chỉ dẫn cho con cái của Mẹ thoát hiểm trước các mối họa diệt vong, mà Satan thâm độc và quỉ quyệt đã dàn trận và bày ra. Chúng tấn công ngay vào thành trì của giáo hội, là đánh thẳng vào các đấng bậc, và đã có một số vị gục ngã!
Một lần nữa để chứng minh rằng đây là chương trình và kế hoạch sau hết Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chúng tôi xin lặp lại Lời của Chúa Giêsu quí bạn mới nghe: “Việc hiến dâng nhân loại cho Tr. T. Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria, chiếm địa vị thứ nhất đối với Thế giới, sau mầu nhiệm nhập thể” (là mầu nhiệm Chúa Giêsu xuống thế làm người – Thường những chỗ mở ngoặc là dành cho các bạn trẻ hải ngoại). Và Chúa Giêsu cũng dạy: “Việc các con Hiến dâng mình, gia đình mình, và hiến dâng cả thế giới cho Tr. T. Mẹ, là phương pháp cuối cùng của Cha ban”. (Chú thích: Ngay cả “Cuộc đời của Đức Mẹ” cũng đã được mạc khải cho Bà Đáng Kính Maria d’Agreda trong cuốn “The Mystical City of God”).
Chúng tôi xin tạm kết luận: Ngay cả từ khi Chúa Con chưa muốn tỏ lộ bí mật tuyệt diệu về Mẹ mình, thì Mẹ cũng đã chiếm một vị trí quan trọng trong Trái Tim Chúa Giêsu, đến nỗi Phúc Âm thánh Gioan nêu rõ việc can thiệp của Mẹ trong tiệc cưới ở Cana (Ga 2,4). Việc can thiệp ấy cho dù ở vào thời điểm “giờ của Đức Kitô” chưa tới, thì cũng đã phải tới trước kỳ hạn, đủ biết Chúa yêu mến Đức Mẹ là dường nào; Rồi khi giờ đã tới thật sự và công trình đã hoàn tất (Ga 19,30), thì Ngài phó thác loài người cho Mẹ mình qua nhân vật biểu tượng là Gioan, người môn đồ yêu dấu (Ga 19,26). Cứ những dấu chỉ ấy, thì chúng ta phải thấy đặc điểm của vai trò Đức Maria đóng giữ trong phương án của Thiên Chúa là quan trọng ra sao, và điều đó trả lời cho chúng ta thấy tại sao trong giai đoạn cuối cùng này, Chúa dành quyền phép cho Đức Mẹ làm biết bao nhiêu phép lạ trong thế giới này, để mở mắt cho chúng ta thấy mà tin vào quyền năng của Thiên Chúa cũng như sống phó thác toàn thân và trọn vẹn cuộc đời mình cho Đức Mẹ. Cho nên khi chúng ta hết lòng chúc tụng, tán dương các đặc ân, đặc quyền của Đức Maria, thì tất cả cũng khởi nguyên từ nguồn gốc thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, còn chúng ta thì được diễm phúc làm con của Đức Mẹ Chúa Trời và được làm em của Đức Giêsu Kitô vậy.
* Trước khi chúng tôi xin tạm liệt kê các quốc gia được Đức Mẹ đến từ Trời, mà chúng tôi sưu tập được, chúng tôi xin có một chú thích chung về chữ “Trường hợp” mà chúng tôi dùng, điển hình như khi nói:
– Tại Pháp có 9 trường hợp Đức Mẹ hiện ra. Chữ “trường hợp” ở đây để chỉ các sự kiện khác nhau, tại các địa điểm khác nhau, với các thị nhân hoàn toàn khác nhau qua 9 trường hợp ở nước Pháp. Mỗi trường hợp, có thể Đức Mẹ chỉ hiện ra với một người, hoặc hơn, hay nhiều người, và trong mỗi trường hợp, Mẹ hoặc là chỉ hiện ra một lần, vài lần, hay có khi nhiều lần tùy từng trường hợp. Chúng tôi xin liệt kê tiếp:
– Tại Bỉ có 3 trường hợp Đức Mẹ đã hiện ra. La Mã: 1 Trường hợp; Việt Nam: 6 trường hợp; Mễ Tây Cơ (Mexico): 1 trường hợp; Tây Ban Nha: 5 trường hợp; Ý: 14 tr. hợp; Đức: 6; Phi Luật Tân: 2; Roumanie: 1; Bồ Đào Nha: 2 (trong đó có một trường hợp nổi tiếng cả thế giới đều biết là tại làng Fatima với ba trẻ nhỏ, và đã được Tòa Thánh công nhận, sau 13 năm điều tra); Hungarie: 2; Hoa Kỳ 10; Brésil (một quốc gia ở Nam Mỹ): 1; Áo: 2; Ecuador (cũng ở Nam Mỹ): 3; Ireland: 11; Balan: 3; Ukraina: 5; Nam Tư: 2 (trong đó có trường hợp Mẹ hiện ra ở Mễ Du cũng được cả thế giới biết, nhưng chưa được công nhận); Hòa Lan: 1; Tiệp Khắc: 2; Lithuania (một quốc gia ở phía đông Bắc Ấu): 1; Ai Cập: 2; Georgia (một nước ở phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ): 1; Canada: 4; Australia: 1; Iraq: 1; Nhật Bản: 1; Venezuela: 2; Nicaragua: 1; Đài Loan (tức Trung Hoa QG): 1; Rwanda (Phi châu): 2; Syria: 1; Chi Lê (Nam Mỹ): 1; Argentina: 2; Thụy Sĩ: 1; Anh Quốc: 1; Đại Hàn (hay Hàn Quốc): 1
17. Lịch sử Đức Mẹ Trà Kiệu ở Duy Xuyên, thuộc tỉnh Quảng Nam.
(Chú thích: Trước đây chúng tôi đã nêu lên trường hợp Đức Mẹ hiện ra ở La Vang – Quảng Trị, và để kết thúc việc trình bày các sự kiện Đức Mẹ đã từ Trời đến với các con cái của Mẹ trên địa cầu, chúng tôi xin ghi lại đây thêm một trường hợp rất điển hình tại VN, một phần vì là một nước nhỏ trong “thế giới thứ ba”, ít được các nước quan tâm theo dõi, phần khác là sau cuộc “Boat-People” vĩ đại năm 1975, hơn hai triệu người cam tâm vượt biên, hầu thoát ách Cộng Sản, nhưng có đến phân nửa số người ra đi bị chết trên biển cả, một ít bỏ xác trong rừng sâu. Số người Việt Nam tỵ nạn CS hiện nay đang ở rải rác khắp nơi trên Thế giới cũng đã lên tới vài triệu người, mà đa số giới trẻ sinh ra và lớn lên ở Hải ngoại, không biết nhiều về quê hương, xứ sở mình. Việc ghi lại chút gì nơi đây, cũng xin được xem là chút quà của một thế hệ gởi tặng cho một thế hệ.)
Đức Mẹ Trà Kiệu là tên gọi mà người công giáo Việt Nam dùng để gọi Đức Maria trong đền thờ được xây dựng năm 1898, trên Ðồi Bửu Châu, phía đông Trà Kiệu, thuộc Xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam. Ðền thờ được dâng kính “Ðức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu”, với mục đích ghi nhớ sự kiện Ðức Mẹ phù hộ cho giáo hữu nơi đây trong cuộc chiến chống lại Phong trào Cần Vương năm 1885 (Nguồn từ Bách khoa toàn thư – Wikipedia)
Tên gọi Trà Kiệu: Theo một thuyết, chữ Trà được lý giải do người xưa gọi người Chiêm Thành là Chùm Chà, chữ Chà được đọc trại ra là Trà, gợi ý nhắc nhở đó là phần đất xưa của người Chàm. Còn chữ Kiệu, do chữ Kiều đọc trại ra, vì kiều nghĩa là người ở xa đến (giống như Việt kiều ở Úc chẳng hạn), ở đây có nghĩa là dân Ðàng Ngoài di cư lập nghiệp trên phần đất người Chàm xưa (Thời Pháp thuộc, Miền Nam gọi là “Đàng trong”; Miền Bắc gọi là “Đàng Ngoài).
Cùng với phong trào di dân từ Miền Bắc và Miền Trung vào phía Nam, vùng đất Trà Kiệu trở thành nơi dừng chân của nhiều đoàn người di dân. Làng công giáo Trà Kiệu đã được dựng lên vào khoảng năm 1628.
Từ năm 1883, sau khi Vua Tự Ðức băng hà (chết), thì nổi lên Phong Trào Cần Vương nhằm đánh đuổi quân Pháp và tàn sát người Công giáo. Ngày 01 tháng 9 năm 1885, quân lính Văn Thân kéo đến vây làng Trà Kiệu. Linh mục Bruyère (thuộc Hội Thừa sai Paris) và giáo dân trong làng bị ở vào thế tự vệ, nên biến thành một cuộc giao tranh giữa làng công giáo Trà Kiệu và quân lính văn thân kéo dài trong nhiều ngày. Trong cuốc Tự vệ chống lại phe Văn Thân, người công giáo đã bày tượng Ðức Mẹ trên bàn thờ để cầu nguyện. Trong khi thanh niên lâm chiến, thì người già và trẻ con tập trung đọc kinh trước ảnh tượng Đức Mẹ. Khi xong trận, họ lại quay về tạ ơn Mẹ. Khẩu hiệu tiến quân của giáo dân là 3 tên thánh: Giêsu, Maria, Giuse. Mỗi khi quân Văn thân tiến đến giáp lũy tre phòng thủ, thì đồng loạt tất cả giáo dân hô to khẩu hiệu và ào ra giao chiến.
Sau đó quân Vân Thân tăng viện thêm đại bác. Họ đặt đại bác trên Ðồi Kim Sơn và Bửu Châu để bắn vào nhà thờ, nơi được xem như là trung tâm xuất phát các trận phản công, đồng thời là biểu tượng của tinh thần kháng chiến của giáo hữu. Nhà thờ bị trúng đạn 1 lần nhưng tổn thất không đáng kể. Một khẩu đại bác đặt cách nhà thờ chừng 100 thước nhưng không sao bắn trúng được nhà thờ. Theo truyền tục thì võ quan chỉ huy đã thú nhận rằng ông ta cố tình nhắm bắn thì thấy “một người đàn bà xinh đẹp, bận áo trắng, đứng trên nóc nhà thờ nên không thể nào nhắm trúng được”. Thông tin này đã khiến quân lính trong phe Văn Thân xôn xao.
Vị linh mục và giáo dân nghe vậy đều nghĩ rằng phép lạ Ðức Mẹ làm, cũng mong được nhìn thấy, nhưng không ai trông thấy ngoại trừ một người đàn bà, tên Chỉnh. Ðồng thời phe Văn Thân còn thấy nhiều trẻ nhỏ mặc áo đỏ, áo trắng từ trên không trung bay xuống qua lũy tre xanh, tay cầm gươm bạc sáng ngời vả đánh giúp giáo dân.
Ngày 21 tháng 9 năm 1885, phe giáo dân chiếm lại bộ chỉ huy của Văn Thân đặt trên Ðồi Bửu Châu. Trà Kiệu được giải vây từ đó. Ðêm đến, mọi người họp nhau trong nhà thờ sốt sắng tạ ơn Thiên Chúa, và cảm ơn Mẹ Maria trong tước hiệu “Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu”
Năm 1898, giáo dân Trà Kiệu xây cất một đền Thờ trên ngọn Ðồi Bửu Châu để ghi nhớ công ơn Đức mẹ. Từ thuở ấy đến nay, Linh địa Đức Mẹ Trà Kiệu nổi tiếng là linh thiêng, nhiều người đến cầu khẩn Mẹ lành và đều được Mẹ ban ơn. Nhiều người lại cho rằng đã được khỏi bệnh bằng lá Non Trược trên Ðồi Bửu Châu.
Ngày 31 tháng 5 năm 1971, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi Giám mục Đà Nẵng, chọn Trà Kiệu làm Trung tâm Hành Hương Thánh Mẫu của Giáo phận Đà Nẵng. Và theo thông lệ thì 3 năm một lần, Giáo phận tổ chức ngày “Đại hội Đức Mẹ Trà Kiệu” vào ngày 31 tháng 5. (còn tiếp)