Thứ Sáu, Ngày 01.4.05

  1. Linh Hồn Bị Giam Cầm  Về Cho Hay: Chúa Xét Như Một Ánh Chớp.

Hôm nay, thứ Sáu, 01.4.05 sau buổi đọc kinh chung hàng tuần

(Từ ngày chúng tôi – Thúc Linh Tâm, Huệ – Trinh sang melbourne, thì cứ mỗi thứ sáu cuối tuần, chúng tôi sang nhà Thanh-Uyển – Kim Phụng tổ chức buổi đọc kinh chung cho con cháu có thói quen) lần này có cả anh Dũng tham dự. Buổi đọc kinh chung này đặc biệt cầu nguyện cho ba LH (Nicholas Trường Linh, Maria Hoài và Maria Thanh). Buổi đọc kinh xong, chúng tôi có ngồi lại chia sẻ Thánh Kinh với nhau, vì anh Dũng từ khi là bổn đạo mới, anh không thường đi lễ, rồi sau bỏ luôn, nên không hiểu về giáo lý, cũng như không biết về Chúa bao nhiêu (Đây không phải là lần đầu anh tham dự đọc kinh chung, từ ngày anh biết tin về chị Hoài, là anh đã tham dự cùng chúng tôi). Sau phần chia sẻ Thánh Kinh, bà Quý cho hay tối qua bà có hỏi Thủy (K. Phụng ghi chép):

– Con có thể cho mẹ hay, từ nọ tới nay, việc xin lễ và cầu nguyện cho ba LH có được Chúa nhận lời, và giảm bớt chút gì cho các LH đó không?

– Chị Hoài nhờ chuyển đến anh Dũng: Chị được vui, lý do: Vì nhờ anh hết lòng ăn năn và cầu xin. Anh cũng dốc lòng tin có Chúa, nên chị Hoài đã được một Thánh mang lên khỏi chỗ tối, nhưng vẫn phải cầu xin Chúa tha tội liên tiếp. Vì vậy, nếu như anh Dũng bỏ cuộc thì sự việc vẫn như cũ. Hôm nay chị Hoài gởi lời: “Tôi xin cám ơn đến tất cả mọi người đã cầu nguyện cho tôi khỏi đất vùi, kiến đốt (Dĩ nhiên ta phải hiểu là LH cảm nhận được cái đau đớn của hình phạt, chứ thực ra thân xác đã chết có biết gì! Cũng như LH cảm thấy vô cùng nóng nảy, hoặc lạnh lẽo khôn lường, thì đó cũng là cảm nhận của LH, chứ không phải của một thể xác đã chết).

Tôi cũng xin Chúa cho tôi được về để nói rằng: “Chỉ có Chúa là Đấng đã chết để chuộc tội cho mọi người. Ai tin vào Ngài sẽ được sống đời đời. Tôi đã nói xong! Tôi hứa sẽ cầu xin cho anh Dũng được “vui” như ý muốn. Tôi cũng cám ơn bác đã đọc kinh và cầu nguyện cho cháu. Cháu xin cám ơn nhiều, và cũng xin bác chuyển lời với anh Dũng là hãy xiêng năng lo nhiều đến phần hồn. Nếu chậm trễ thì sẽ khổ vô cùng. Đây là bản án chung, nếu ai chết thì sẽ biết! Cháu xin bác nói với anh là: Anh có chút hoài nghi trong việc đọc kinh xem lễ, khi anh nói là phải chờ sáu tháng sau. Thực ra Chúa xét như một ánh chớp! Cháu xin Chúa cho biết ai được Chúa tha cho tội trọng? Chúa cho biết là Người ăn năn và dốc lòng chừa, và giật mình

(Chú thích: Chị dùng chữ này, người ngoài cuộc thì cho là kỳ, và nghĩ tại sao lại phải giật mình, nhưng kẻ trong cuộc thì biết ngay, như anh Dũng thì khi nghe chị Hoài lần đầu cho biết về mình và lối sống của anh khi trước sẽ mang đến hình phạt vô cùng khủng khiếp ở đời sau, thì ngay lúc đó không những anh “giật mình”, thót ruột, và còn cảm thấy lạnh người nữa! Chính tôi cũng vậy, ngay khi nghe chú Trường Linh nói câu “em lạnh lắm” là sự hối hận về việc mình đã không quan tâm cầu nguyện, xin lễ cho em mình, để em mình phải chịu khổ suốt mấy chục năm qua, đã khiến mình thót ruột, lạnh toát mồ hôi, suốt từ lúc đó trở đi, trong tâm hồn buồn bã vô cùng, đêm đêm ngủ không được, hoặc ngủ chẳng yên, cũng y như tâm trạng của anh Dũng đã mô tả vậy!)

– Phải Tin vào Chúa cách tuyệt đối! Chị Hoài tiếp: Chỉ một điều mình suy nghĩ là không biết có được hay không thôi, cũng đủ làm cho Chúa buồn. Cháu chỉ nói được đến đây thôi, nếu sau này được Chúa cho về thì cháu sẽ nói tiếp! Cháu chào bác và gởi lời cám ơn anh Dũng (tức Hùng Phi) đã lo cho cháu khỏi tay ma quỉ, cũng như cám ơn mọi người đã thương và cầu nguyện cho. Cháu nghĩ là chị Giang không thích cháu, chị cầu xin chỉ là vì chị sợ cháu không có vui! Chào bác!”.

– (c. Thủy): Con hé cho mẹ biết: Hôm nay các Thánh “Họp” (Có lẽ cô dùng ngôn ngữ trần gian cho ta dễ hình dung), đem các LH về cho Chúa xét. Điều này mẹ phải nói cho cả nhà biết! Vì theo ý Chúa, sau này cho mọi người biết về Chúa nhiều hơn để tránh tội nặng.

– (bà Qúy): Chị Hoài bây giờ có thể về bàn cơ nói chuyện trực tiếp với anh Dũng được không? Hay phải qua con?

– Chị Hoài vẫn phải nhờ con. Còn tại sao thì con không được nói! Chỉ khi nào chết thì mới hiểu.

Thứ Ba, ngày 29.3.05.

(Cuộc nói chuyện ngắn giữa bà Quý & cô Thủy do cô Hợp ghi)

  1. Khi Thật Tâm Hối Hận, Sẽ Có Nhiều Thiên Thần Giúp Đỡ.

(Những cuộc nói chuyện ngắn giữa hai mẹ con thì bình thường, theo bà Quý nói lại thì bất kể ngày hay đêm, hễ lúc nào tôi (bà Quý) muốn thì nói, nhưng nó không nói nhiều với tôi, nó chỉ nói chút xíu cho tôi vui rồi nó bảo nó bận, nó phải đi.  vì có lẽ nó biết là tôi không hiểu nhiều về đạo, và thường chỉ là chuyện vớ vẩn không đâu, từ ngày có anh về đây – ý nói là có tôi: Juse Thúc Linh Tâm – thì nó mới nói nhiều chuyện về tâm linh, để qua anh, anh cắt nghĩa cho cả nhà nghe, hơn nữa anh mới có nhiều cái lạ để hỏi, còn tôi không biết cái gì để hỏi, tuy nhiên nhiều khi nó cũng ra điều kiện cho tôi, nếu mẹ muốn con về nói chuyện với mẹ, thì mẹ phải đi lễ, hoặc đọc kinh, còn nếu không thì con sẽ không về!).

– (C. Thủy): Con cho mẹ biết: Chị Hoài hy vọng Chúa xét lẹ, vì anh Phi dốc lòng cầu xin Chúa. Tuy vậy nếu mai đây, vì một lẽ nào mà anh bỏ cuộc thì sự việc lại như trước!

Còn ông Trường Linh thì nhờ có xin nhiều lễ mới đây, và còn nhờ chú Tâm thật sự hối hận và nuối tiếc, cũng như chú rất ân hận một cách thật lòng, nên có nhiều Thiên Thần cảm động và giúp đỡ.

Chú còn hứa, nếu như con giúp ông Trường Linh được Chúa & Đ. Mẹ cho vui, thì chú ấy sẽ làm một việc gì cho mọi người chưa biết sẽ biết.

Còn chị Thanh thì hơi khó, vì Chúa giận. Con có tìm cách song cũng chưa giám nói là được!

Tuy nhiên Chúa cũng cho thời gian (Tức là vẫn còn có hy vọng! điều mà trước đây ta vẫn quan niệm, hễ tự tử thì mất LH, tức sa hỏa ngục).

NÓI CHUYỆN CẦU NGUYỆN

(Giữa bà Quý – C. Thủy – và Phụng)

(Trong tháng 3.2005)

  1. Muốn cầu nguyện một cách đắc lực cho ai thì phải Dọn lòng mình cho thanh sạch. Thật lòng xót xa và thương đau cho LH mình cầu nguyện cho.

(C. Thủy): Việc cầu nguyện, mẹ có biết làm thế nào cho có hiệu lực không?

– Mẹ đâu có biết làm sao thì có hiệu quả?

– Con xin hỏi mẹ: Khi mẹ muốn cho ai ăn thì mẹ phải làm sao?

– Mẹ phải mời họ.

– Đúng ! Có điều ta mời ai thì phải mời đích danh, rồi phải dọn thức ăn, nhưng phải sạch sẽ, để bữa tiệc được hoàn mỹ và có ý nghĩa. Con cho mẹ biết có nhiều người đọc Thánh Kinh mà không cần biết đến chiều sâu hay ngụ ý Chúa nói.

– Con phải nói rõ hơn chứ làm sao mẹ hiểu được!

– Vâng, trước khi dọn bàn ăn, thì cũng ví như ta cầu xin cho ông Trường Linh, bà Hoài v.v… Điều tiên quyết là chính trong tâm hồn ta, ta phải thầm thĩ xin rằng: Lậy Chúa con biết hai LH này ao ước được Chúa thương xót. Lỗi cũng bởi tại con quên Chúa đi, nên đã một thời gian con không cầu nguyện cho hai LH này. Xin Chúa thứ tha và hãy nhận lời con. Nếu được, xin Chúa xét lại, và cho hai LH con xin hôm nay được Chúa ban ơn cho vui và mát mẻ.

(C.Thủy tiếp): Còn chỉ cầu cách như chị Giang, sợ bà ta phá. Còn mình thì vì qua chị Giang, (có sự liên hệ với chị Giang), mới có sự cầu nguyện cùng Chúa cho bà Hoài. Thì tuy cũng được! nhưng sự hiệu nghiệm thì hơi lâu! Mẹ hiểu không ?

– (Phụng): Vậy theo chị, cầu nguyện thế nào là tốt đẹp nhất ?

– Chị nghĩ là em phải đọc kỹ điều chị nói ở trên. Em phải cầu đích danh, tức đọc tên thánh, hay kèm theo tên của người mình muốn cầu cho (Ý cô muốn nhấn mạnh để người cầu đừng hời hợt, giống như chuyện làm lấy lệ, chứ không phải Chúa cần mình nói rõ tên, Chúa mới biết mình cầu nguyện cho ai). Nhưng quan trọng phải là vấn đề thuộc “Tâm Linh”  (Tâm trí nghĩ về, xót xa về LH ấy ) – Có nghĩa là phải thật lòng xót xa, thương đau cho hai LH này đang phải chịu đau khổ và đang muốn được Chúa ân xá. Nếu như ta chỉ vì một bà chị hay một ông bố vợ, thì tuy Chúa cũng nghe, xong việc cứu rỗi hơi chậm em hiểu không ? Còn khi chị nói thức ăn được dọn ra nhưng phải sạch sẽ, có nghĩa là khi em đi dâng Thánh lễ để cầu xin, hay đọc kinh cầu nguyện mà muốn được Chúa chấp nhận, thì lòng mình phải thanh sạch.

CHỊ DẠY EM

(Nghe Phụng kể lại vào khoảng đầu tháng Ba)

  1. Phải Tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa.

(C.Thủy): Em có nghĩ của cải thế gian không phải là gánh nặng không ?

– (Phụng): Rất là nặng! Chị không ở thế gian, lập gia đình, sinh con đẻ cái, chị không biết! (Thời gian này Phụng đang thất nghiệp, đi kiếm việc mãi không được, nên chắc có nhiều ý nghĩ phức tạp ?)

– Đúng! Tao thấy mày sắp điên vì tiền! … Tao buồn lắm!

– Chị nói thế chứ, em thí dụ như mình trồng một cái cây, đâu phải chỉ việc cắm xuống đất là xong! Mình còn phải tưới nước hàng ngày, phải mua thuốc xịt sâu, giệt cỏ dại, phải bón phân cho nó, nó mới tốt. Con cái mình sinh ra còn hơn thế nữa!

– Đó là vấn đề dạy dỗ con cái, tập tành nhân đức. Còn mọi chuyện, nếu em có lòng trông cậy vào Chúa. Chị bảo thật: Mọi sự sẽ diễn ra như ý nhiệm màu. Em phải tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa! Chị cho em biết điều này: Sự gì càng nôn nóng bao nhiêu, thì sự việc càng chậm trễ bấy nhiêu! (Thỉnh thoảng cô cũng dùng từ “mày, tao”, một phần nói lên sự gần gũi, như thật sự mình còn sống bên cạnh đứa em, một phần để nói lên sự chỉ dạy mà vì em lỗi, có thể mất lòng Chúa mà em không biết, nên chị “bất bình” để em thấy rõ mà sửa).

11giờ30, ngày 03.4.2005

  1. GẶP lại EM TRƯỜNG LINH

Con cơ chạy đến chữ “giận” rồi cứ nằm yên đó không chịu đi một lúc lâu.

– Con giận mẹ vì mẹ cứ nói là ngồi “đồng”

(Thỉnh thoảng bà Quý cứ đùa, nói là ngồi đồng, vì ngày xưa trước khi lấy chồng, bà vốn dĩ là người bên lương) Con xin nói cho mẹ biết rằng nói thế là không được! và cũng không nên nói thế! Vì đây là một việc làm nghiêm chỉnh. Nếu Chúa không cho phép, con đã không làm!

– Xin lỗi con!

– Con chào cô chú!

– Chúng tôi chào cô! Xin Chúa chúc lành và ban ân huệ cho cô!

– Cô có muốn tham gia về cõi mà mình chưa biết không ?

– (Huệ Trinh): Nguyện xin Chúa & Đ.Mẹ ban ơn lành cho buổi hội họp của chúng ta hôm nay.

– (Jos.L.Tâm): Trước hết, tôi muốn nhờ cô Thủy cho biết thêm tin tức về chú Trường Linh không biết có được không ?

– Chú yên tâm, Cháu khi trước đã nói: Thứ Nhất là nhờ vào nhiều lễ xin Chúa gần đây. Sau nữa là vì chú hết lòng cầu xin, nên được các Thánh giúp đỡ, điều này mẹ cháu biết!

– Chú có hỏi gì không ?

– Tôi vẫn xin được biết tin rõ về Trường Linh được không?

– Cháu muốn biết trong thâm tâm chú có muốn ông Trường Linh về không?

– Dạ, muốn lắm chứ! Nếu có thể được!

(Ngay lúc ấy Trường Linh xuất hiện trên bàn cơ, dĩ nhiên chữ xuất hiện theo nghĩa của cơ là trực tiếp, chứ không phải qua cô Thủy):

Em còn muốn xin lễ đời đời được không?

(sau đó cơ cứ chạy đến hết chữ “buồn”, rồi “giận”, xong lại tới chữ “khóc”. Làm tôi vô cùng lo lắng, áy náy, không biết mình lại sai điều gì? Hay chú vẫn còn buồn tôi?)

– Anh có xin cho em vào sổ dòng Phan-sinh, để được hưởng lễ và cầu nguyện đời đời của nhà dòng!

– (Trường Linh): Em giận bọn ở VN láo với anh! Em cho biết, trước khi chúng nó đi xin lễ, đã bàn tán nhiều, không phải là tiếc tiền, vì là tiền của anh gởi về. Song họ cứ nghĩ là em đã được ở bên Chúa từ lâu rồi, còn anh thì họ bảo bị ma quỉ cám dỗ, xui khiến!

(Lần trước khi chú Tr. Linh về cho biết mình rất lạnh lẽo, và như đã nói, tôi thực sự nghĩ là trách nhiệm này về mình, vì cái chết của chú, chính là do tôi đưa đi vượt biên. Nếu bạn đọc là lớp người thuộc thế hệ con cháu về sau đối với thế hệ chúng tôi, thì nên biết rằng, có một thời kỳ cả triệu người Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi bằng mọi cách, vì chính sách trả thù dân tộc, cũng như đường lối cai trị hà khắc của Cộng sản. Họ du nhập chủ thuyết vô thần Quốc tế vào VN, với một chế độ Tam vô: Vô gia đình, vô Tổ quốc, vô Tôn giáo. Tôi không chủ trương đem chính trị vào đây, nên chỉ tóm tắt vài lời vậy thôi! Vào thời kỳ đó, số người ra đi bị chết có thể hơn số người đến được bến bờ tự do. Vì ân hận về cái chết của chú, lại thiếu bổn phận tâm linh đối với em mình, nên tôi vận dụng đủ mọi cách để có thật nhiều Thánh lễ cho em. Vì lý do đó tôi mới phôn về VN, nói cho các em cầu nguyện và xin lễ thật nhiều cho Tr. Linh. Tôi nhờ xin cho em Thánh lễ Ba mươi (tức xin cha làm cho ba mươi ngày liên tục). tại Úc, tôi xin Thánh lễ đời đời tại dòng Phanxicô, và tôi cũng nhờ “Hội bạn các LH trong luyện ngục” vì chúng tôi là hội viên. Mọi chuyện đều tốt lành, chỉ không ngờ ở VN, có mấy em nào đó, đã nói ra, nói vào những điều không tốt, làm chú Tr. Linh buồn, giận. Thực ra rất đại đa số người Công giáo cứ nghĩ người thân của mình đã lên Thiên đàng rồi! sau một thời gian tưởng là đã dài. Sau này bạn đọc sẽ gặp thêm trường hợp khác, một LH nhờ chúng tôi cầu nguyện. Để làm tốt cho LH, chúng tôi báo cho thân nhân của LH ấy biết, để họ cùng với chúng tôi cầu nguyện. Nhưng trong cuộc điện đàm, người kia nói tỉnh bơ: “Bác ấy lên Thiên Đàng từ lâu rồi”. Thực là tai hại không nhận biết con người lúc ở trần gian đã làm mất lòng Chúa biết là bao nhiêu?)

– C. Thủy): Cháu xin chú cho biết ông Trường Linh có ý nói gì ?

– Khi gởi tiền về cho các em ở VN nhờ xin Thánh lễ “Ba Mươi”, đồng thời tôi cũng vận động các em tự mình xin lễ hay câu nguyện cho T. Linh càng nhiều càng tốt, và để cho các em không thắc mắc tại sao lại làm như vậy, vì từ trước chưa từng làm, nên tôi đã nói thật cho các em biết tình trạng đau xót của Trường Linh, mong các em ấy cảm nhận được cái điều mình mong muốn. Song ngược lại, chúng lại không tin tôi! Thật đáng buồn! và cũng đáng giận! Như vậy, vì không tin nên có lẽ cho dù chúng đi xin lễ, chúng cũng không thật sự cầu nguyện với thành tâm, thành ý!

– Chú nghĩ đúng! Khi trước cháu đã nói, chú đừng có bảo với ai về chuyện cầu cơ, vì họ sẽ cho là ta theo ma quỉ.

– (Tr. Linh tiếp): Em nghĩ là nên nói cho anh hiểu rõ ràng: Hôm xưa em mắc tội là không chịu hy sinh, trốn tránh trách nhiệm, cầu an cho bản thân mình. Điều mà Chúa muốn, mình lại làm theo ý riêng. Đại khái là sợ chết, hoặc nghĩ là khi ta ở chỗ yên ổn, vẫn có thể tu. Nhưng nếu Chúa không muốn, ta làm theo ý ta, thì vẫn bị mắc tội trọng, anh hiểu không?

– Nếu ở vào trường hợp em, anh cũng đã làm như vậy!… Như vậy rồi đây anh cũng sẽ bị như em thôi!

(Tuy không nói ra nhưng tôi có ý nghĩ: Làm sao biết được ý Chúa muốn trong trường hợp vượt biên này? Tôi sẽ không cho việc Việt Cộng bắt lính đi sang campuchia gây chiến tranh là “lý tưởng”, và nếu là Tr. Linh, tôi thế nào cũng lại chọn lựa y như vậy! Lậy Chúa làm sao con biết được ý Chúa đây?)

– Anh yêu, em thương anh, em không có thể về thường, hôm nay được các Thánh bảo lãnh, vì là Lễ đặc biệt (Hôm nay lễ kính “Lòng Thương Xót Chúa”). Nếu anh có thương xin hãy nghĩ là em rất cần nhiều người cầu nguyện và nhiều lễ! Không biết là những điều em xin anh, có ảnh hưởng đến gia đình không? Xin cho biết?

– Không đâu em! Anh hứa với em! Nhưng thôi, ta cũng đừng giận những anh chị em ở bên VN nữa! Giận! làm Chúa & Đ. Mẹ buồn! Còn gia đình anh thì em đã biết rồi! Chị thương em như anh thương em, không có gì khác! … Em còn lạnh không? Từ nọ nay, Chúa có thương giảm bớt đau khổ cho em không?

– (Thủy): Chú yên trí, có kết quả VUI, điều này chú Trường không nói được! Chú ấy sắp đi!

– Em còn muốn nói với anh gì nữa không? Cô Thủy nói với anh như vậy, em nghĩ sao?

– (Tr. Linh): Em vui! Cám ơn anh đã hết lòng thương. Vì quá vội nên quên cám ơn chị! Chị khi trước đã có nhiều lúc nghĩ đến em, đó là một nghĩa cử rất đẹp! Trước khi đi, em xin chào anh chị và cám ơn rất nhiều!

  1. Tôi hứa với cô Thủy: “Làm điều mà nhiều người chưa biết … được biết”

Hôm nay, con muốn nói về “Tâm Linh”, chú có điều gì muốn biết và hỏi không?

– Tôi tin là cô đang giúp cho chú Tr. Linh và để đền đáp lại, cô muốn tôi làm gì? Xin cô nói rõ cái ý của câu: “Làm điều mà nhiều người chưa biết được biết.”. Phần tôi, tôi sẽ cố gắng hết mình, chỉ sợ khả năng của tôi rất hạn hẹp, không biết tôi có thể hoàn tất được không ? Điều mà tôi sợ là nếu mình hứa mà thực hiện không được thì là một món nợ rất nặng, không biết thế nào để trả! Xin cô nói rõ hơn việc tôi phải làm ?

– Chú cứ yên tâm, không khó lắm đâu! Có nhiều điều người ta chưa biết cần cho biết, chỉ cần trong phạm vi khả năng của chú thôi! chẳng hạn như: Cho người ta biết về những gì do chú tiếp xúc với cháu mà biết được, dĩ nhiên một cách khôn ngoan, chứ đừng như việc chú bảo các em của chú ở Việt Nam hôm vừa rồi, gây ra phiền nhiễu cho chú, và cả chú Tr. Linh là khiến cho chú ấy phải bực bội … Rồi biết bao hiện tượng lạ mà chú đã có cơ hội nghiên cứu, sưu tầm trong sách vở. Cháu nghĩ là chú sẽ làm được việc này (Việc này mãi đến tháng 10 năm 2008 tôi mới có cơ hội thực hiện rõ rệt trong tờ “Chân Lý” của Dòng Ba ĐaMinh, mục “Thế giới quanh ta” hoặc các đề tài khác. Tuy nhiên tôi cũng lồng những hiểu biết của mình qua các cuộc tiếp xúc với cô Thủy bàng bạc trong những bài viết đăng trong các báo “Chân Lý” và “Dân Chúa Úc Châu”, sau lại in thành sách “Tâm Linh & Đời Sống I” … ). Điều này không phải do ý cháu, và cháu cũng xin hé cho chú biết là: Chú sẽ là một thừa sai theo như ý Đ. Mẹ muốn. Nhưng đấy là cháu mau miệng thôi! Chú hãy theo như cháu nói, là hãy cứ để cho thời gian nó tới! Cháu biết rằng chú sẽ có cơ hội thôi! Không bao lâu, một khi Đức Mẹ muốn (Đành rằng từ lâu, tôi vẫn cầu xin Chúa và Đức Mẹ “hãy cho con được làm khí cụ bình an của Chúa. Cho dù là một khí cụ cùn nhụt nhất! Miễn rằng cuộc sống của con không trở thành vô nghĩa. Xin đừng để con trở nên giống người đầy tớ bất trung, là đem nén bạc của mình vùi xuống đất!” Nhưng nghe cô Thủy bảo rằng tôi sẽ là một thừa sai theo như ý Đức Mẹ muốn, thì quả thực tôi đâu đáng, ngượng chết đi được! hoặc là tôi hiểu nghĩa của chữ thừa sai nó quan trọng quá chăng? Có lẽ không nên hiểu vậy! Hạ nó xuống thật thấp đi thì được!). Chú có muốn cháu giải thích thêm không?

– Vâng!

– Hiện giờ chú đang nghĩ mình phải làm sao để có được nhiều người cầu nguyện, đúng không?

– Cho chú Trường? Tôi hỏi.

– Chú đã tính chưa? Chú đã có đáp số chưa ạ?

– Tôi có nghĩ đến hai việc: Việc cầu nguyện thì nhờ Dòng Ba, rồi như tôi đã làm là ghi tên chú Trường vào sổ cầu nguyện đời đời của Dòng Phan Sinh. Còn việc làm như cô bảo: Làm sao cho nhiều người biết những điều họ chưa biết, thì tôi dự trù là mình sẽ viết sách, nhưng trong hiện tại tôi sẽ xử dụng báo chí đạo.

– Cháu nhắc lại, khi nào Đức Mẹ muốn, chú sẽ có dịp được như ý muốn! Tuy nhiên điều này theo cháu nghĩ là chưa cần vội! Điều mà cháu nói đây thì rất cần cho chú Tr. Linh. Cháu cho chú biết: Đồng ý là các cụ dòng Ba mỗi lần hội họp là có một danh sách những người xin cầu cho rất nhiều LH, và nhiều khi các cụ chỉ cầu chung chung vậy! Chú muốn xin nhiều người cầu cho một người thì phải làm sao?

– Thứ nhất như tôi đã nói là vô danh sách cầu nguyện đời đời của Dòng Phan Sinh, kế đến là tôi cũng đã ghi danh Tr. Linh vào danh sách những LH được Hội “Ân nhân các LH trong luyện ngục” của Thế giới xin lễ cầu nguyện cho (Hội này sau đổi thành: “Hội Bạn các LH trong luyện ngục”).

– Hôm nay nghe nói chú đã làm như vậy là đúng ý chú Tr. Linh muốn rồi!

  1. BÀN VỀ TÂM LINH: 4 LỖI (TỘI) NẶNG Thường làm MÀ KHÔNG BIẾT!

– Hôm nay chú cháu mình bàn về một số những tội được gọi là “tội trọng” nhé!

Trước hết là tội nói dối. Có nhiều người quen nói dối, hay nói dối quen cũng vậy, rồi cho là nói dối không phải là tội trọng. Lại có những hình thức xét bề ngoài thì không phải là nói dối, nhưng chính là nói dối, cháu thí dụ: Cứ khoe là mình đạo đức, chịu khó đi lễ, đóng góp tiền bạc, của cải … Song lại không có lòng yêu thương vợ, hay chồng, con cái, bố mẹ, dâu rể, anh em, bà con, họ hàng … thù ghét, nói xấu, phê bình v.v… Hành động đạo đức bề ngoài đó chính là hành động “nói dối”. Và đó là tội trọng!

Thứ Hai: Tội tham. Theo chú thì “tham” có mấy thứ ? Cái nào nặng tội nhất!

– Tôi nhất thời xin kể ra mấy thứ: Tham lam tiền bạc, của cải, tham danh vọng, quyền chức. Tham sắc, tham tài. Tham sống sợ chết …

– Chú sai hết! hay là nói cách khác: Biết như vậy thì xoàng thôi! những cái tham ấy ai lại chẳng biết, chỉ là người ta không tránh được thôi! Cháu cho biết: Có một cái tham nguy hiểm là: Muốn “chết lên Thiên đàng ngay”. Trong khi không biết mình phạm biết bao nhiêu điều làm Chúa buồn, Chẳng biết có được bao nhiêu ưu điểm gì không ? Tự cho mình cái quyền muốn lên Thiên đàng ngay, phải chăng là kiêu ngạo ?

– Các Thánh thế nào thì không biết, chứ con người đâu có ai dám nghĩ là mình có thể , hay cầu lên Thiên đàng ngay! Chưa kể không biết sẽ phải ở luyện ngục đến bao lâu chưa biết! Tôi nói.

– Các ông bà dòng, các ông Trùm thì cứ cho mình đã hoàn hảo! Sau này chú chia sẻ với họ, cháu nghĩ là chú phải có tài hùng biện, chứ nếu không thì họ chả chịu! Chú có nghĩ đến chuyện này không ?

– Thật sự chưa nghĩ tới! Nhưng dù có nghĩ cũng tùy vấn đề. Có những cái chưa chắc mình dám nói thẳng, vì mình đâu phải cha cụ.

– Họ cứ như một con vẹt! Ai cũng nói là được Chúa đánh động, trong khi về nhà thì chẳng ai làm đẹp lòng Chúa cả! Họ bị chuyện thế gian lôi cuốn.

– (Bà Quý): Tao cũng ở Dòng Ba, nói vậy là đụng chạm!

– Con xin lỗi mẹ! Mẹ có một khuyết điểm là, nếu mẹ hỏi thì cứ làm mọi người “giật mình”, vì câu hỏi của mẹ không giống ai! Họ thì tự cho là hiểu lời Chúa, còn mẹ thì chẳng hiểu gì cả! (Quả thực bà Quý thì không được hiểu biết nhiều về vấn đề “đạo”, vì là bổn đạo mới, theo bà kể thì trước kia lại cũng ít đi lễ, hay đọc kinh cầu nguyện, nên cũng ít nghe giảng. Có lần bà kể: “Khi người ta chia sẻ đoạn Phúc Âm về Chúa là cây nho, chúng ta là cành nho. Cành nào kết hợp cùng cây thì trổ sinh hoa trái, cành nào lià cây sẽ khô héo. Và người ta sẽ quang nó vào lửa. Bà dơ tay chia sẻ: Tôi nghĩ mình đừng quang vào lửa, uổng! cứ thu gom để đó, nấu bánh chưng thì càng tốt!” làm người nghe “giật mình” là vậy! Nói tóm lại Cô Thủy cũng thường hay đi theo nghe hoặc dự kiến những buổi hội họp nên cô biết hết! Sau này cũng có lúc cô đề cập đến những buổi có tôi. Ở giai đoạn này, tôi chỉ mới gia nhập Dòng Ba mà thôi! mọi sự còn lạ!).

Chú biết không, nhiều người họ cứ như là thông thái, biết tất cả, cái gì cũng biết. Nhưng thực ra, có những điều rất thường trong cuộc sống như những tội mà cháu vừa nói, họ lại không chịu biết! Đ. Mẹ biết tất cả! Cho dù họ đi lễ, đọc kinh nhiều, nhưng họ lại cứ phạm đi phạm lại những tội trọng này, thì một ngày kia, muốn được Chúa xét, cũng còn hơi lâu! Nên Đ. Mẹ muốn họ hiểu, để họ càng tránh được nhiều thì Đ. Mẹ sẽ yên tâm hơn! Những điều cháu được phép nói đây, chú có cho là hoang đường không ? (Tôi không biết cô dùng chữ hoang đường ở đây có đúng không ? hay có ý gì khác ? Nhưng tôi biết những điều cô nói là trúng chứ không sai!).

– Tôi nghĩ những điều cô vừa nói là đúng không có gì sai!

Thứ Ba: “Yêu không đúng chỗ!”. Chú! Có khi nào chú yêu một người mà chú sợ nhất không? Ví dụ, chú được về một nơi mà chú sợ. Nói rõ hơn, một LH chưa biết đến Chúa, chẳng hạn như người hàng xóm của chú, bất chợt họ chết, vì họ không có đạo, nên chú không nghĩ đến việc phải cầu nguyện cho họ. Chủ đề cháu đặt ra cho vui thôi! “Yêu nhầm”, “Yêu không đúng chỗ”, có nghĩa là: Dù mình ghét cái người ấy, mình không thích người ấy, nhưng mình vẫn cầu nguyện cho họ, đọc kinh cho họ.

– Đâu có sao! Chúa dạy ta phải cầu nguyện cho kẻ thù nữa mà!

(Thực ra tôi nói câu này, cũng chỉ là trên lý thuyết thôi! Trên thực tế, tôi cũng chưa làm được điều này, hoặc có thì cũng rất ít! Lâu lâu tuy tôi có cầu nguyện cho những người Cộng Sản là những người tôi không ưa họ nhưng tôi biết là tôi thường cầu cho chế độ của họ sụp đổ nhiều hơn là cầu cho họ ăn năn trở lại!)

– Chú có ý tốt! Điều này thực hiện cũng khó! Thường khi, mình sợ ai, thì đề phòng người đó, còn ghét ai, thì khó mà cầu xin cho người ấy! Vì thế cháu nói cho chú hiểu là: Ta đừng có phân biệt dù trước họ là kẻ thù của ta, chú hiểu không ?

– Cô nói đúng! Khó thực hiện đấy! Nhưng cô nhắc cho nhớ thì có thể từ nay mình chú tâm, mình sẽ dễ tập hơn trước, còn kỳ thị thì mình sẽ không kỳ thị nữa! Nói thế thôi chứ không thể quả quyết được. Con người vốn dĩ yếu đuối mà!

– Chú có biết không, cháu hay nói thí dụ mà nhiều khi cũng khó diễn đạt! Bây giờ cháu nói:

điều 4 cũng là thứ 4: song điều này cũng quy về điều 3 thôi! Tình trạng khi người ta bị bệnh nặng. Chú có biết không, người bị bệnh nặng hay than phiền. Có người thì biết trông cậy vào Chúa, phó thác cho Chúa, hy sinh chịu đựng dâng Chúa để chỉ cho các LH trong thanh luyện. Nhưng có người thì thậm chí đau quá, còn hỗn hào cả với Chúa, nhưng Chúa không bắt tội. Chúa chỉ xét, và tính lúc họ sống và còn mạnh khỏe thôi! Cháu nói điều này có ý là: Dù thấy một người sắp chết, họ có thái độ hay lời nói xúc phạm đến Chúa, có khi vì thế mà làm cho mình ghét họ, hoặc biết người đó không có đạo, chưa biết Chúa đi chăng nữa, nếu ta không cầu xin cho họ, ta cũng lỗi bác ái. Chú cứ tập làm các việc này cho thành thói quen đi! Cháu bảo đảm nếu ta tích lũy được nhiều điều làm cho Chúa vui trong lúc ta còn sống, còn mạnh khỏe, thì khi bệnh, hoặc lúc Chúa gọi về, cứ yên trí. Chú hãy suy gẫm, và truyền đạt cho chị Linh Giang của cháu, vì chị cứ hay cho mình là hay hơn người khác, nhưng kỳ thực, chị chẳng biết gì cả đâu!

(Theo bà Quý thì trước kia bà cũng thường hay nói: “Con Thủy nó nhờ tao nhắc nhở tụi bay phải đi lễ, và chịu khó đọc kinh, nó bảo mọi người trong nhà lười biếng lắm, chỉ lo tiền bạc, của cải thôi, Chúa buồn lắm!” Nhưng không ai tin, đều cho là bà bịa ra chuyện cô Thủy để nói! Ngay cả khi Ông Tr.Sơn (chồng bà) còn sống, ông cũng bảo: “Bà chỉ bịa! và vì vậy, hễ ông thích thì đi, không thì thôi, mãi đến gần cuối đời, thì ông mới đi thường.).

Chú ạ! Bây giờ cháu phải đi! Chú tha lỗi, khi khác sẽ nói tiếp! Con chào cô chú và mẹ, cám ơn chú đã nghe cháu nói mà không chán!

– Chúng tôi cũng cám ơn cô nhiều và chúc cô được thêm nhiều ơn Chúa!