20giờ11’ Ngày 06 – 4 – 2005
-
Câu hỏi về ĐGH. Jean Paul II mới băng hà ngày 03.4.2005, lúc 06 giờ sáng.
– (Bà Quý): Quái sao lại cứ chạy lung tung thế này ?
– (Cô Thủy): Con đang tập, cái bàn này viết đẹp! Có thể là một danh họa cao niên!
Nói một chút về “bàn cơ”:
(Tôi cười, nghĩ cô Thủy này cũng khéo đùa . Chả là tôi mới vẽ lại bàn cơ, vì bàn cơ cũ của chị “sui” tôi (ch. Quý) đã quá cũ, không biết có từ bao giờ, chữ đã mờ! Bàn này khác ở chỗ hàng chữ trên hết, tôi viết Chúa và Đức Mẹ để xác định cho những ai ngồi quanh đây, luôn có một niềm tin vào quyền phép của Chúa và Đức Mẹ, thay vì những bàn cơ của người ngoại mà trước kia tôi có dịp thấy, thì trên cùng, người ta viết: Tiên, Thánh, Thần, Ma, Quỉ. Người ta còn bảo muốn cho cơ linh thì đi kiếm nắp hòm cải mả, cắt hình trái tim làm con cơ. Bàn cơ thì nên dùng giấy bổn đắp mặt người chết, viết chữ lên đó trước khi ép plastic. Ở đây, chẳng có gì phải cầu kỳ, bà Quý chỉ dùng miếng cạc-tông, bình thường làm bàn. Một đồng bạc cắc mười sen “10 cent”, thế là cơ tung hoành, Đông Tây, Nam, Bắc. Người lương phải thuộc bài thần chú, để gọi hồn. Bà Quý thuở xưa thế nào không biết, có lẽ bà chỉ nói mấy câu mà tôi thường nghe: “Thủy ơi Thủy, con có rảnh về chơi với mẹ một lúc, hôm nay có cô chú Tâm qua chơi. Con về nói chuyện cho vui!” Về sau thì tôi đề nghị thêm: Dâng cho Chúa, Đức Mẹ buổi nói chuyện, để mọi sự đều đẹp lòng Chúa và Mẹ Người, vì chúng ta có thể coi thời gian này cũng là thời gian hoạt động Tâm Linh, như khi mình cầu nguyện vậy!).
– Con chào mẹ và cô chú, hôm nay có tin gì vui không ?
– Xin chào cô Thủy! Tôi cũng bình thường!
– Ở nhà trước khi sang đây … Chú thử nhớ lại xem ?
– Không, có gì đâu!
– Thôi cháu bật mí! … Vì có lẽ chú quên rồi! Chú có ý đem các linh hồn vào trong lời cầu nguyện, và như thế chú tự nhiên cảm thấy vui. Cháu thấy chú cười thầm nhiều!
– Tôi không để ý nên không nhớ mình có cười hay không, nhưng dường như có niềm cảm khái và an tâm, khi nghĩ về ĐGH chăng. Cô có thể cho biết tin tức mấy ngày nay về Đức Giáo Hoàng không ?
– Con cho mẹ biết là thứ Sáu tới này, mẹ nên hợp ý với Giáo hội như lời Phụng nói
(Phụng vừa nói trong bữa ăn, và cô ấy đã nghe được ngay! Thứ Sáu này là ngày an táng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài vừa qua đời chủ Nhật 03.4.05, khoảng gần 06 giờ sáng, sau khi đã dâng lễ kính “Lòng thương xót Chúa”).
– Còn chú hỏi về Đ.G.H. xin tha lỗi, đó là việc của Chúa! Cháu chỉ được phép nói những gì Chúa cho phép, và làm những gì Chúa cho phép làm. Chẳng hạn như hôm đem ông Tr. Linh và bà Hoài về để nói cho người nhà biết. Điều này nếu ta nói ra thì cũng chẳng có ai tin cả!
-
Tại sao cha mẹ tôi
Không cho tôi biết tình trạng chú Trường Linh?
Cháu biết chú còn muốn hỏi về những điều chưa biết! Chú có muốn hỏi không ?
– Cha mẹ nào cũng thương con. Ngay như cô Thủy cũng đã tỏ ra thương bố mình, bảo lãnh cho ông, rồi còn luôn quan tâm đến tình trạng đạo nghĩa của người nhà, về giúp mọi người. Vậy mà sao cách nay 2 năm, cô giúp cho cha mẹ tôi về gặp tôi, sao các cụ lại không báo hay nói gì về tình trạng của chú Tr.Linh cho tôi biết. Giá như tôi được biết sớm hơn có phải là tốt cho chú ấy hơn không ?
– Các cụ không có quyền! Các cụ cũng còn đang ước ao muốn gặp Chúa! Con nói như vậy không biết chú có cảm nhận được không ?
(Bạn đọc hẳn còn nhớ trước đây, cha mẹ tôi nói là đã được vui. Mẹ tôi còn bảo “các con không phải lo lắng cho má”. Nhưng theo câu nói này của cô Thủy, ta hiểu là các cụ tuy đã được Chúa cho vui, nhưng không có nghĩa là đã được ở bên Chúa luôn. Theo từ ngữ thế gian có nghĩa là chưa “lên Thiên đàng” đâu. Khi hiểu như vậy thì ta vẫn có bổn phận xin lễ, cầu nguyện cho họ. Sau này có dịp tôi hỏi kỹ thì cô Thủy cho biết rõ hơn. Xin bạn chờ).
-
Vấn đề “Kiếp luân hồi”
– Tôi hiểu! … Vậy tôi xin sang đề tài khác: Trong thế gian, không ít người tin có kiếp luân hồi: Con người sau khi chết, ở thế giới bên kia một thời gian, ngắn dài tùy lúc họ sống trên dương thế, rồi họ sẽ được đầu thai trở lại như thế nào chưa biết. Cô nghĩ sao về thuyết này ?
– Cháu cho biết: Khi đã được ở bên Chúa, thì ví như có được đầu thai trở lại làm Hoàng đế, Linh hồn đó cũng sẽ cực lực xin không đi!
– Đó là trường hợp được hưởng phúc Thiên đàng. Còn những linh hồn khác, chưa được diễm phúc ở bên Chúa, họ còn đang ở vòng ngoài. Nói trắng ra, vùng thanh luyện, có linh hồn nào được phép đầu thai trở lại không ?
– Chú có thể hỏi bằng một sự thành thật hơn không ? Nghĩa là, chú có nghĩ rằng sau khi chết, người ta còn có nhiều đạo, nhiều đường, nhiều ngã rẽ khác để đi không ? Xin cho biết ?
– Tôi xin khẳng định: Đối với tôi, tuyệt đối tôi không tin có sự “đầu thai trở lại”! Nhưng vì tôi còn ở kiếp này, tôi không thể làm cho người khác cũng tin như mình được! Họ sẽ bảo: Tôi cũng chẳng biết gì! Nên tôi mong có người ở kiếp trên – Chính người trong thế giới Tâm Linh – bảo cho họ biết rõ thật sự thế nào ?
– Cháu biết là chú có nói cũng khó! Người ta vẫn cho là chú bịa ra! Nhưng vì chú muốn thì cháu xin trả lời: Sau Chúa, còn một tên muốn bằng Chúa. Nó luôn luôn đợi chờ những linh hồn sa ngã. Nó luôn luôn dụ người ta bằng mọi cách. Trong đó có cả cách nó nói: Sau kiếp này rồi, người ta sẽ lại đi đầu thai vào kiếp khác. Song cháu xác quyết rằng: Hễ ai tin vào nó, thì chết sẽ biết: Chẳng có một đường lối nào khác, ngoài nơi tối tăm vô cùng tận!
-
Cuốn phim cuộc đời của mỗi người.
– Cám ơn cô! Rất nhiều tài liệu, nhân chứng cho biết: Có một cuốn phim đời mình, người ta sẽ được thấy tất cả những gì mình đã làm. Từ những việc tốt lành đến những tội lỗi lớn nhỏ, mình đã phạm trong đời. Cô đã trải qua rồi, vậy xin hỏi: Người ta sẽ được thấy cuốn phim đó vào lúc nào ? Lúc sắp tàn hơi, hay ngay sau khi vừa chết ?
(Chị Vassula Rydén, người được Chúa Giêsu chọn làm Sứ giả Hiệp nhất giữa Công giáo và Chính thống giáo. Chị viết cuốn “Sự thật trong Thiên Chúa” là những sứ điệp của Chúa Giêsu đọc cho chép, và cũng là người được nhìn thấy cuốn phim đời mình, nhưng không ở trong những trường hợp vừa nói trên. Chú Thức (Thúc Tri Thức, em tôi) cũng đã kể lại trong thời gian hôn mê không biết gì, sau vụ tai biến mạch máu não, mà Bác sĩ quả quyết không qua khỏi. Thức kể lại rằng: Đã nhìn thấy hết những tội lỗi mình đã phạm, như xem một cuốn phim).
– Cái đó còn tùy từng trường hợp Chúa xét đối với mỗi một linh hồn. Ở đây, cháu chỉ đưa ra từng thí dụ: Có bệnh nhân, trước lúc lâm chung, Chúa cho nhớ lại và biết được khi trước mình đã phạm vào những tội gì nặng nhất. Chẳng hạn như: Tội làm cho người ta không được vui, như có những đàn ông dụ dỗ, làm hại đời những cô gái còn trong sạch. Đàn bà tham tiền đã để cho người nghèo phải đau khổ. Đó là cháu mới chỉ nói có hai điểm mà thôi! Nếu nói hết ra thì hơi dài! Những LH này nếu biết ra, mà nhân lúc còn tỉnh, hãy năn nỉ xin Chúa tha, thì khi chết mới được các Thánh cho biết Chúa cho ở chỗ nào trong việc đền tội. Con cho thí dụ thêm: Con người khi gần chết, Thiên thần bản mệnh chờ, để người bệnh có còn nghĩ đến Chúa không ? Nếu không, thì sẽ được ma quỉ đón đi ngay. (Cô ngắt ra một chút rồi hỏi mẹ cô:) Mẹ có sợ không ?
– (Ch.Quý): Sợ, chớ sao không sợ!
– Con cho mẹ vui, có con giúp! Nhưng mẹ phải bỏ những ý nghĩ lơ mơ đi! Mẹ phải vững niềm tin vào Chúa, bỏ đi những hoài nghi về tôn giáo, và những thói quen mê tín, dị đoan. Cộng thêm với việc siêng năng đọc kinh, đi lễ, thì con có thể giúp mẹ được!
(Xin nhắc lại: Bà là người đi đạo theo chồng, nên giáo lý rất yếu! và mặc dầu đã theo đạo, nhưng những ngày giỗ, vẫn làm theo thói quen khi trước, là cho người chết ăn, giống như người ta cúng gà, cúng vịt … Bà từng nói “Năm có một lần, không cho người ta ăn … để người ta đói … a ? Cũng đã có lần, cô Thủy bảo bà: “Con nói cho mẹ hay, nếu người chết mà về ăn được, thì người sống chắc cũng sợ quá lăn ra mà chết!”. Lần khác cô nói: “Nếu như bầy hoa trái, vì đó là nếp sống văn hóa dân tộc, thì Chúa cũng không trách, và Giáo Hội ngày nay đã cho phép. Nhưng nếu làm vì tin tưởng quàng xiên, thì Chúa buồn!)
– (Cô Thủy quay qua hỏi Phụng): Phụng có gì vui không ? Em có muốn chị nói về em không ?
-
Cô Thủy nhắc Phụng
được ơn Đ. Mẹ, vì có điều làm Đ. Mẹ vui.
– (Phụng): Em thì tuần này vui! Chị có gì thì xin cứ nói đi!
– Em được Đ.Mẹ nhận lời từ hôm em có ý định đón Đ.Mẹ về nhà
(Tại địa phương này, có thể cũng giống như nhiều nơi có đông người Việt Công giáo, thường có thói quen như ở VN, một số địa phương, các thôn xóm tổ chức đón Đ.Mẹ về nhà, đọc kinh gia đình mỗi chiều Chủ Nhật luân phiên. Việc đọc kinh thì tốt, nhưng lại có tục lệ bày ăn uống. Tới phiên nhà nào đọc kinh, nhà ấy phải lo tiệc tùng cho mấy chục người ăn. Sau nhiều năm, vấn đề ăn uống leo thang do có một số gia đình khá giả, có nhân sự để đãi đằng, tạo ra gánh nặng cho những gia đình đơn chiếc, hoặc vợ chồng già, hay gia đình bận rộn con thơ, khiến cho có một số gia đình rút lui. Vợ chồng Phụng cũng rất bận rộn: Mẹ già, các con còn nhỏ, hai vợ chồng đi làm, Chúa Nhật đi ca đòan nhiều khi còn phải ở lại tập hát, nên đã một lần từ chối. Sau khi từ chối, cô Thủy có về mắng em là tại sao em lại giám từ chối Đ.Mẹ đến nhà. Phụng có nói lý do nhưng cô Thủy bảo “Phải Hy Sinh” cho nên lần này tới phiên, Phụng không từ chối nữa! Thực ra từ khi qua Melbourne, tôi có tham dự những buổi đọc kinh tại nhà chị Qúy tức nhà vợ chồng Phụng, và thấy không đồng ý lắm về việc phục vụ ăn uống, sau buổi đọc kinh. Nhiều khi gia chủ cứ lo loay hoay nấu nướng hơn là kinh sách. Rồi thời giờ ăn uống kéo dài gấp mấy thời giờ cầu nguyện. Nhiều chỗ biến thành cơ hội ăn nhậu. Bên Tây Úc người ta cũng tổ chức đọc kinh như vậy, nhưng cấm việc bày biện ăn uống, chỉ trà nước chút đỉnh thì được! Các ông bà Dòng Ba cũng có những tháng đọc kinh trong năm, như tháng Mân côi, tháng các linh hồn, nhưng cũng cấm bày biện ăn uống như bên Tây Úc vậy. Tôi thấy như vậy tốt hơn, không gây mặc cảm cho những người già hoặc hoàn cảnh neo đơn! Thực ra đọc kinh mà kèm theo ăn uống đáng coi là một hủ-tục cần bãi bỏ).
Chị cho biết em rất được Đ.Mẹ thương, nên đã cho em không ngờ … là có việc mà giống như không có việc
(Hình như là Giám đốc cho học, huấn luyện nghiệp vụ trước, mà vẫn có lương. Tôi chỉ nghe phong phanh, vì không thích hỏi sang những chuyện đời tư, dù là của con cái. Tôi vẫn có thói quen như vậy đối với tất cả mọi đứa con. Nếu điều gì chúng cho biết thì mình nghe. Chừng nào chúng muốn hội ý thì mình mới nói. Không thì thôi! Dứt khoát không xen vô, khi chúng đã có gia đình, đã thành thân).
Điều này chị đã nói với em là bí mật. Chắc bây giờ em đã có đáp số rồi ! Em có vui không?
(Dĩ nhiên trong nhà bà Quý vẫn có những cuộc tiếp xúc riêng với cô Thủy, bất cứ lúc nào bà muốn. Nhưng theo chị Qúy kể lại, thì từ xưa tới giờ mẹ con chỉ nói chuyện vui chút đỉnh, còn cô Thủy mục đích cô xin Chúa về chỉ để nhắc nhở chuyện đọc kinh, đi lễ. Nếu làm biếng thì cô nói, không về nữa! Chứ không bàn chuyện này chuyện nọ, vì chị Quý bảo chị cũng không biết gì về đạo mà hỏi. Cả gia đình thủa trước có lẽ không có thói quen siêng năng đọc kinh đi nhà thờ, vì ông Sơn vốn cũng vậy! Có khi chị Quý bảo con Thủy nó bảo cả nhà phải đi lễ, thì mọi người lại cho là bà chỉ bịa! Ngay cô Giang là người chị lớn trong nhà, cũng không bao giờ tin. Trước kia cô rất siêng đi sinh hoạt đời. Anh Phi chồng chị là người Tàu Việt sống tại Căm-pu-chia theo đạo vợ, là chịu rửa tội mà thôi, anh cho đạo là ở tâm, chứ không lệ thuộc vào việc đọc kinh đi lễ. Bây giờ thì cả nhà đã có sự đổi mới rồi!).
– Vâng em rất vui, rất vui!
-
H. Trinh lo lắng về người em gái
Cô Thủy nói: Cô cứ tuyệt đối tin tưởng vào Chúa!
Đến đây cô Thủy lại xoay qua nói chuyện với nhà tôi:
– Cô rất là được Chúa và Đ.Mẹ lưu ý, vì cô đã hết lòng cậy trông, duy có một điều theo cháu biết là cô đang có một ý nào đó trong tâm tư, nhưng cô lại không dám hỏi ?
– Cô nói thì tôi mới dám hỏi … Tôi có một đứa em gái, đang sống trong vòng tội lỗi. Không biết sau này, có một cơ hội nào đó, khiến cô ấy ăn năn trở lại không ?
(Trong số mấy người em gái của H.Trinh, có một cô em tên là Hòa, chồng tên Thành. Hai vợ chồng hiện đang sống ở Mỹ, cả hai đã lỗi luật “hôn phối” đối với Thiên Chúa, thì đã là trọng tội rồi! Cô Hòa lại đang sống trong tội lỗi với một người đàn ông khác, ông này cũng đã có vợ con và cũng là người Công giáo, bỏ vợ con đi ở với người tình là Hòa. Cuộc sống tội lỗi của họ làm Chúa đau khổ rất nhiều năm tháng, nhưng các chị khuyên bảo thế nào cũng không nghe, không chịu trở về bên Chúa. Riêng H.Trinh hằng lo lắng cho em, và hằng cầu xin Chúa và Đ.Mẹ ban cho em mình ơn trở lại. Thực ra H.Trinh biết Chúa đã có đánh động cô ấy nhiều rồi, nhưng tâm hồn người em đã quá chai đá).
– Cháu nghĩ sẽ có một ngày, cô ta cũng sẽ tự ý làm điều như cô muốn. Chẳng có việc gì mà Chúa không làm được! Song điều Chúa cần ở ta là chuyện tuyệt đối tin tưởng vào Ngài.
Cô lại xoay câu chuyện sang mẹ cô:
-
Ơn Chúa Đ.Mẹ ban cho gia đình.
– Mẹ có muốn hỏi rõ hơn không ? Con thí dụ, bố tin có Chúa, nên khi sắp chết đã biết sợ, và nhờ đó mà được Chúa thương. Còn mẹ thì chưa chết, mẹ có sợ không ?
– Chưa chết thì làm sao mà sợ! … (Lúc sau bà nói): Còn tin Chúa thì tao tin chứ!
– Thế là chưa tuyệt đối tin vào Chúa, mẹ có biết không ?
(bà Quý thực ra có tiến bộ nhiều, tuy vẫn còn có chút, dị đoan như kiêng cữ, cúng quải … giống người lương. Tuy nhiên có điều này: Không biết động cơ nào đã khiến bà vô Dòng Ba Đa Minh, trước khi tôi qua Melbourne, nhưng tôi thấy không cần thiết phải hỏi bà về điều này).
– Trong thời gian qua, Chúa có ban cho đại gia đình ta rất nhiều hồng ân! (Phụng nói): Xin chị chia xẻ cho gia đình! (Cô Thủy quay qua tôi):
– Cháu chưa nói hết, mẹ cháu chỉ khi nào trông thấy mới tin. Còn bây giờ tin chỉ vì sợ Chúa bắt tội! Song điều này Chúa không chấp kẻ ngoại. Còn Phụng yêu cầu, chị sẽ nói chi tiết rõ ràng hơn: Nhà ta được Chúa ban cho vui, điều thứ nhất là có cô chú săn sóc đến các con cháu. Đấy là một tình thương mà Đ.Mẹ muốn cho thấy, và còn một người vốn là ghét … chuyện đọc kinh, đi lễ, thế mà mau mắn trở lại cách vui vẻ
(ý nói anh H.Phi, nhưng cũng như là ngầm nói với nhà tôi là “vững tin vào Chúa về chuyện người em”).
Đấy là Đ.Mẹ cho biết: Cứ cậy trông, chẳng có điều gì Chúa không làm được! Có điều lòng em còn nhiều vấn đề, em có muốn hỏi chị không ?
– Thôi chị để lúc khác, Thằng bé nó quấy phá quá, em không tập trung được! (Lúc đó Nhật Ban – mới 2 tuổi – đang hờn, làm ồn, ầm ĩ cả nhà).
-
Mê tín, dị đoan, Cúng quải.
Người chết có thèm gì không ?
– (C.Thủy): Em lại quên, là em có ý muốn hỏi tại sao lại cho người chết ăn uống hoặc hút sách? (Mới đây một người chị của Phụng ở VN phôn qua nói rằng: Mơ thấy bố về bố bảo bố thèm ăn gà, vì vậy chị đó liền phôn cho Phụng nói mẹ (b.Quý) phải cúng gà cho ông ấy! Bà Quý hỏi cô Thủy buổi trưa nay về chuyện đó, c.Thủy cho biết: Bố ưa phạm kỷ luật! Hay thích nói, mà đáng lý ra chưa được phép nói. Tuy cô Thủy có xin với Đ. Mẹ cho bảo lãnh và quản thúc ông, nhưng vừa rồi ông đã tự ý đi về VN – Đúng ra là không được phép – Có lần Phụng cho tôi biết: mỗi lần “mẹ con” tức b. Quý về VN chơi, đều có gọi chị Thủy về nhưng “bố” không bao giờ lên cả! Như vậy tức là “bố con” không được phép về VN. Trong khi ở Úc thì b. Quý vẫn được cô Thủy dẫn ông gìa về nói chuyện với gia đình là thường. Nhưng tính ông không cẩn thận, hay nói lung tung, lại hay nói đùa lẫn nói thật, nhiều khi đối phương không biết, tưởng là thật, lại thêm mất đức tin. Chẳng hạn chị Quý vốn dĩ đã quen cúng cơm như hồi chưa theo đạo Chúa – Truyền thống của những gia đình theo nho giáo, đạo Phật, hay thờ cúng ông bà – Bây giờ và cả về sau, mặc dù đã được cô Thủy giải thích, bà vẫn cứ mua đồ, bày biện cúng vái trong những ngày giỗ, Tết … Người ta có thể kính nhớ tổ tiên, người chết theo văn hóa dân tộc, như Công Đồng Vaticano II đã cho phép, nhưng nhiều khi rõ ràng bà nói ra miệng: “Một năm có một lần, không cho ăn thì lại để đói!”, thì đó không còn là nét văn hóa nữa! Mà là sự mê tín dị đoan, cũng như bà rất kiêng cữ việc xông đất ngày mồng Một Tết v.v… Thậm chí cả nhà đi lễ về đều phải vô cửa sau, không được vào cửa trước. Tin kiêng như vậy chắc chắn sẽ làm Chúa, Đ.Mẹ buồn, nếu như ta bảo rằng “Mọi sự con trông cậy vào Chúa”. Chính vì ô. Tr. Sơn không giữ miệng – nói chung là vi phạm kỷ luật – nên c. Thủy cứ luôn luôn phải kiềm chế ông. Mới đây cô Thủy cho bà Quý và Phụng biết: Ông già đã lén về VN và đi vào giấc mơ của một người chị của Phụng, ăn nói bậy bạ (thèm gà, thèm thuốc); Rồi lại về với bà Hướng trong giấc mơ (người bạn của gia đình ông Sơn, bà Quý, cũng ở Úc), khiến bà Hướng phôn lại chị Quý kể cho hay … Vì vậy cô Thủy cho biết: Đ. Mẹ phạt không cho bố về gia đình nữa, và cô xin gia đình hãy cầu nguyện nhiều cho bố chịu khó tu sửa và giữ gìn. Cô cũng bảo, cô đang giận bố, vì bố đi lung tung và đùa giỡn bậy bạ … Cô biết trong đầu Phụng hiện lên ý tưởng muốn hỏi, người chết đòi ăn, hút là sao, có thực không ? Và tại sao bên lương người ta cứ hay cúng cơm cho người chết ? Không lẽ là những nhu cầu thực ? nên cô phải giải thích):
– Hôm nay, cháu cũng nói cho chú ghi chép: Chuyện cho người chết ăn uống … chỉ là điều người sống tự nghĩ ra cho người chết mà thôi! Người chết không có hưởng gì hết! Nếu người chết mà ăn uống được giống như người sống, thì người cúng sẽ lăn ra mà chết … chứ đừng có nói là “con thương bố vô cùng!”, hiểu chưa Phụng ? Em có hiểu không ?
Em nghe cho kỹ chị nói đây: Về phần tâm linh, chỉ quan trọng ở việc ta có cầu xin, cầu nguyện cho linh hồn hay không ? Còn việc trình diễn thế gian, ví dụ như để một điếu thuốc, một chén cơm … trong ngày ghi nhớ người quá cố, để thể hiện nét văn hóa dân tộc, cho con cháu nhớ ngày giỗ của người thân mình, và không bị Tây hóa, thì cũng được, không sao cả! Nhưng nhớ đó là dấu hiệu làm cho người sống nhớ tới người chết, chứ người chết thì chẳng hưởng gì cả đâu! Vì linh hồn không cần vật chất! Nhớ kỹ!
-
Thế nào là “Yêu Thương” và “Vâng phục” ?