1. Trinh hỏi ý cô Thủy giúp cho

một LH bị giam cầm nơi thật sâu: LH. Giuse Phiệt.

– (c. Thủy tiếp): Cháu trở lại một câu chuyện cũ: Cô có muốn cháu tiết lộ điều gì mà cô muốn hỏi không ạ?

– Dạ, cô vẫn còn nhớ, lại biết trong tư tưởng tôi có điều thắc mắc thật là Chúa ban cho. Tôi xin nhờ cô giúp cho điều này là thằng em họ của tôi nó tên Giu-se Phiệt – con người mợ của tôi tên là Nguyện – Hôm trước cô đã cho biết là nó ở sâu, vì tội tự hủy hoại thân mình. Khi tôi

 nghĩ tới nó, thì chắc nó cũng đang muốn tôi làm gì cho nó. Vợ chồng chtôi có ý định xin “lễ 30” cho nó … cô thấy sao? Có hy vọng gì không?

– Cháu nghĩ là mình cứ nên cho LH ấy nhiều ngọn nến sáng, để soi đường đi cho cậu ta! Song đừng có tiếc của, tiếc công … thì mới tạm gọi là hy vọng.

– Vâng, cám ơn cô !

– Cô ngĩ sao, cháu sợ chú lại nghĩ là cháu vẽ !

– (Tâm mỉm cười): Cô có biết câu ca dao tục ngữ xưa:

“Sông sâu còn có kẻ dò,

Lòng người ai dễ mà đo cho cùng”.

– (Thủy): Vậy cháu dùng sai thước rồi … chú ạ ! Bây giờ cháu đề nghị nhé ! Một là cô chú tìm cha nào nghèo tiền lễ. Hai là cha ở chỗ người em này chết ! Chú ạ, cháu phải đi rồi ! Cháu hẹn chú hôm khác, cháu khi trước hỏi chú có người bạn thân nào chết ở trong tù, hoặc ở chỗ chú làm việc không ? Chú cố gắng nhớ lại xem nhé !

Ngày 16.01.2006 (lúc 12:45)

  1. Một LH hơi có vẻ khái tính về xin. Đã 40 năm hơn, tánh khí người này vẫn không đổi !

– (Cô Thủy): Cháu chào cô chú. Cháu xin lỗi hôm trước vì cần phải đi gấp, nên đã không kịp từ giã. Chú muốn hỏi về điều cháu đưa ra hôm trước phải không ?

– Tôi thật tình không nghĩ ra mình có người bạn, hay người thân nào đã chết trong tù (sau vụ vượt biên bị bắt), nếu có thể xin cô cho biết, để chúng tôi cầu nguyện cho người ta.

– Cháu mời về (… … …) Cháu cho chú biết LH này nam, chứ không phải là nữ.

– (L.H.): Tôi chào anh chị, ngày xưa tôi nhờ chị một lần, chị không giúp thì bây giờ chị có giúp không?

– (Tâm): Xin cho biết LH tên gì ?

– (LH): Chị biết!

– (H. Trinh): Phải Đa Minh Diện không?

(Tôi phải mở một cái ngoặc ở đây để độc giả biết chuyện: LH này mới đầu tôi chưa kịp nghĩ ra, nhưng nhà tôi thì chỉ qua một câu hỏi đã nhận ra được ngay. Ngược giòng thời gian: Khoảng bốn mươi năm trước ba chúng tôi cùng dạy chung trong một trường Trung học. Diện có họ với nhà tôi, nhưng ở vai dưới. Tôi là người được mời tới để thay thế Diện, vì anh ta bị bệnh ung thư máu đã đến lúc sức khỏe không cho phép đứng lớp, nhưng Diện vẫn tạm thời tiếp tục làm công việc của một Giám học. Nhờ có thời gian còn làm việc như thế, chúng tôi mới biết và quen nhau. Một năm sau khi tôi tới, thì bệnh tình anh ấy cũng đã đến hồi trầm trọng. Khoảng một tháng trước khi mất, Trinh không mấy buổi chiều không tới thăm vì hai người là chị em họ với nhau. Lúc ấy trong đám chúng tôi chưa ai bước tới cái tuổi hai mươi lăm, nên còn độc thân cả. Huệ Trinh thì tính tình cởi mở, những lúc ngồi lại chuyện trò với nhau trong tình đồng nghiệp, nàng cười đùa vui vẻ, nhưng một phần cũng cốt để cho cậu em có niềm vui mà quên đi tháng ngày cuối cùng đang cận kề, hầu thoa dịu phần nào cơn đau thể xác, cộng với nỗi buồn gậm nhấm tâm tư của kẻ đã nhìn thấy “Đường đi một mình”. Giai đoạn này Diện đã phải nằm trên giường bịnh, ít đi lại, vì sức không còn mấy.

Sau khi câu chuyện đã xảy ra rồi, Trinh mới kể cho tôi nghe: Một buổi chiều vô thăm Diện, hai chị em nói chơi, nói đùa một lúc, thì Diện bảo:

– Hễ tôi chết, chị vào vuốt mắt cho tôi … được không?

Đang lúc nói đùa, Trinh hứa đại:

– Được rồi, cậu cứ chết đi, tôi vuốt mắt cho!

Trinh nói với tôi:

– Hôm ấy vì nói chơi, nên hứa vui cho qua chuyện đó mà, ai ngờ lại xảy ra thật!

Những kẻ đi dạy xa thì thường chỉ về nhà vào cuối tuần. Diễn mất đúng vào một dịp cuối tuần. Thời đó ở Việt Nam điện thoại chỉ có ở những nơi công sở, hoặc những công ty thương mại. Tư gia chưa có, ngay cả các trường học cũng chưa! Tuần ấy tôi lại không về nhà, nên đã chứng kiến giờ ra đi của Diện, người mà mình đã thế chân. Diện chết mở mắt! Người trong nhà ai vuốt cậu ấy cũng không chịu nhắm! Sau này nghe Trinh kể lại lời hứa “cuội”, tôi mới biết Diện vẫn chờ người chị họ về vuốt mắt cho mình! Tôi để chữ “cuội” trong ngoặc kép, vì nàng thực ra là không biết, chứ không phải biết mà không tới vuốt mắt cho Diện! Sáng thứ hai khi Trinh sang để dạy học, thì Diện đã đi ra ngoài nghĩa trang.

Câu chuyện kể lại một lời hứa chơi, vậy mà bốn mươi năm qua đi, linh hồn ấy vẫn nhớ như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua, khiến Trinh – nhà tôi – phải giật mình! Bây giờ xin mời độc giả nghe tiếp:   

– (LH): Chị có quên không ?

– (Trinh): Lâu rồi ai mà nhớ được! Bây giờ em nhắc thì chị nhớ! Nhưng có đúng là Đa Minh Diện không?

– (LH): Thôi thì cứ tạm cho là như thế! Còn anh có đồng ý không?  Tôi xin hai người giúp cho LH tôi được đỡ nóng … có được không?

– (Tâm): Chúng tôi đồng ý … nếu có phải là Đa-Minh Diện thì để chúng tôi xin lễ cầu nguyện cho.

– Cứ xin theo như cách các LH còn bị ở chỗ Thanh luyện.

(Trinh đưa mắt nhìn tôi ngầm nói: Con người này tính tình vẫn như xưa, không có gì thay đổi!

– (Trinh hứa): Vâng, chúng tôi sẽ xin Thánh Lề cầu cho như ý chỉ.

– (LH): Chị biết không, vì có mấy LH bạn cũng muốn nhờ vào lễ cầu xin này. Nếu như tôi có ý xin một mình, thì cần phải có tên Thánh, song chị xin lễ cha nào cần lễ, nếu như anh chị rộng lòng hoài cảm, thì xin cho lễ ba mươi.

(Từ ngày gặp các LH, tôi mới biết cái từ “Thánh Lễ 30”, xin nói để ai cần xin cho những LH đặc biệt: Thánh Lễ 30 = vị linh mục nhận làm, sẽ dâng lễ 30 ngày liên tục cầu cho LH mình có ý xin. Đó là lý do LH nói ta nên xin cha ở những nơi ít người xin lễ, như ở các vùng xa xôi, các giáo xứ nghèo V.V…)

– Được rồi chị hứa!

– Cám ơn! Tôi cũng xin gửi lời cám ơn bà cụ đã phiên dịch (Người phiên dịch đây là người chạy “cơ”, và nói cho biết). Khi nào tôi và các LH bạn được bớt phần nóng sẽ cùng nhau cám ơn, trước là anh chị, sau đến bà cụ.

– (Tâm): Chúng tôi sẽ làm càng sớm càng tốt! Hãy xem như bổn phận của người sống, không cần phải cám ơn!

  1. Chuyện ngụ ngôn của Người thế giới Tâm linh:

Đậu đỏ, đậu đen và cái lọ biết cử động.

– (Thủy): Chú đã biết cháu không vẽ!

– (Tâm): Cám ơn cô Thủy đã giúp chúng tôi làm việc Tông đồ. Nhưng tôi có khi nào nói cô vẽ đâu!

– Hôm nay cháu xin chia sẻ trước, là hỏi chú có nhớ trong Phúc Ấm mấy điều mà Chúa đưa lên hàng đầu là những điều gì ạ ?

– Tôi nghĩ là: Khiêm nhường, yêu thương và tha thứ.

– Với ba điều trên, thì chú đã làm được thế nào rồi ?

– Khiêm nhường thì đang tập. Yêu thương thì cũng đã cố gắng! Còn tha thứ thì … mình xét thấy mình chẳng có hận thù, giận hờn ai.

– Chú cần phải tập, song đây không phải là cháu chê chú. Đây chỉ là vấn đề mình vừa tìm hiểu, mà cũng vừa thực hành … Chú có đồng ý không?

– Chê là phước cho tôi lắm đó!

– Chú biết không, khi trước cháu đi học, có được học bài học là: Có một ông kia tuy hay quên nhưng lại có chí lo làm việc lành, nên đã để ra hai cái lọ. Hễ làm được một việc lành, thì bỏ một hạt đậu đỏ vào trong một cái lọ. Việc không tốt thì bỏ hạt đậu đen vô cái lọ kia. Chắc chú đã học qua! Còn bây giờ nếu ta muốn bắt chước người xưa, nhưng thay thế bằng một kiểu cách mới, thì chú bày ra cho cháu với !

– Ráng tập thôi! rồi chịu khó xét mình, cùng với việc đi lễ, chứ kiếm cách gì bây giờ ?

– Vậy là chú thua cháu! Vì đã không có cách thay thế “ lọ”. Để cháu bày cho chú nhé! Cái lọ của cháu đây là “ cái lọ cử động” , mà có thể chú không quan tâm tới ! Nếu như cái lọ này bị bệnh, cháu cho chú biết hãy tập theo phương thức yêu thương cái lọ, và phải luôn tha thứ! Chú cần phải bớt nóng! Chú hãy tập từ trong nhà tập đi! Vì ở đây đi đâu cũng lên xe. Thí dụ như ở VN, người ta ra đường còn có hể gặp bạn hữu, người thân, họ hàng xa gần … để mà tiếp xúc, nói chuyện. Khi ấy những câu chuyện có thể đưa đến cho người ta những sự không vui khó nghe, mất lòng … thì ta mới có cơ hội thực hiện đức khiêm nhường, yêu thương và tha thứ. Còn như ở đây, ta đi xe, về xe, vào giường … nói chung ra vô chẳng mấy khi gặp ai, ngoài vợ con. Cho nên cháu mới nói cô chẳng khác nào như một cái lọ quí để chú có thể để dành những việc làm yêu thương, khiêm nhường và tha thứ bỏ vô đó!

– Thiệt không ngờ người Tâm linh mà cũng châm biếm, cũng dí dỏm! Có lẽ tôi bây giờ phải sưu tầm và học thuộc lòng những chuyện tiếu lâm, để mai này về bên ấy có chuyện để mà kể cho các LH bạn nghe đỡ buồn, quên thời gian chờ Chúa đến cứu xét!

– Cô có hỏi gì cháu không ạ ?

  1. Mấy người bạn của ông Diện là ai ?

– (Trinh): Tôi có chút thắc mắc, hay vương vấn trong đầu nãy giờ, khi LH Diện nói là có mấy người bạn cũng muốn được hưởng chung trong Thánh lễ Ba Mươi mình xin, thì không biết có phải là mấy người em họ không?

– Vâng, cô đã nghĩ đúng đấy ạ ! Cháu xin chia sẻ thêm là các linh hồn ấy cũng muốn nhờ ông ta giúp, vì họ là những LH chẳng còn ai quan tâm đến!

  1. Thuốc đắng mới hết tật!

– (Thủy): Con nói cho mẹ vui! Chúa đến với mẹ bằng hình ảnh Chúa bay trong giấc mơ, nhưng mẹ không biết là Chúa … đúng không?

– Con nói vậy thì mẹ cám ơn! Nhưng có phải là điềm Chúa gọi về không?

– (cô Thủy cũng nói với chúng tôi): Cháu nói cho mẹ cháu biết để bà đừng có mơ hồ, phân vân mà lo sợ! (Thủy nói tiếp với mẹ cô) Con cho mẹ biết: mẹ đuợc ơn này là đã có sự khiêm nhường trong gia đình vừa mới đây. Hình ảnh mà Chúa cho ai thấy như vậy, có nghĩa là khuyến cáo ta cứ lo làm tiếp tục.

– Chúa cho thế thì tôi cũng chẳng nghĩ ra được!

– Cháu cũng cần phải bổ túc thêm, Chúa cho nhiều ý và nhiều cách, ví như chú, có phải chú hằng thấy Chúa ở trong lòng không ạ ?

– Tôi cảm nghiệm có Chúa, hay Đức Mẹ trong tâm trí những khi viết. Nhiều khi gặp được ý la, thì cũng cám ơn Chúa Mẹ liền, vì biết là các Ngài soi sáng cho mình!

– Cô thì có Chúa trong việc làm. Cô cứ nghĩ ta phải làm, không thì sợ làm không kịp.

– Cháu cho chú cô biết là con cô chú thì chưa được Chúa cho thấy bằng mấy cách mà cháu nói trên. Cô chú có biết tại sao không?

– Dạ biết! Chúng nó còn lu bu công việc, lẫn lo con cái, chưa có để tâm vào những vấn đề tâm linh đâu !

– Cháu nghĩ không hẳn là thế ! Là do thiếu sự thương yêu ! Chú cô là chỗ cháu cảm mến, nên cháu nói có làm cô chú buồn thì cháu xin lỗi !

– Không sao ! Tuổi trẻ chưa có nghĩ đến những vấn đề tâm linh nhiều ! Cho dù có thì những vấn đề của cuộc sống vẫn làm cho tâm linh bị lu mờ! Hồi còn trẻ chúng tôi cũng vậy cô ạ !

– Chú biết không, nếu như ta thấy một người nghèo, thì ta cũng không thể không giúp đỡ. Trong vấn đề tâm linh, đối với cháu cũng tuơng tựa như vậy. Điều gi cháu biết được cháu cũng muốn giúp để gia đình ta sau này được bớt phần nóng, lạnh, hay cùng cực tối tăm. Vì thế nếu có điều mất lòng, cô chú thông cảm!

– Cho dù cô có cho biết, hoặc chỉ dẫn những điều lớn lao hơn thế, chúng tôi cũng phải cám ơn mới đúng, làm gì có chuyện mất lòng! Thuốc có đắng, tật mới hết! Cô khách sáo quá … đấy!

– Chú biết không, nói gì thì cháu cũng chỉ nhấn mạnh đến 3 điểm: Tình yêu thương, tha thứ và khiêm tốn. Vì Chúa là Tình Yêu, nên hễ ta sống yêu thương là có điểm với Chúa nhất! Ai thi hành việc thương yêu, chính là chọn con đường tắt sau này. LH sẽ tránh được những cực hình trong thanh luyện.

(Chúa dậy ta sống (Lc 6,36-38) : (1) Nhân Từ (Hiền lành); (2) Đừng xét đoán; (3) Đừng lên án ai; (4) Hãy tha thứ; (5) Hãy cho đi (yêu thương, bác ái).  

  1. Thiên Thần Bản mệnh là có thực.

Quỉ cũng có quyền phép là có thực luôn.

– (Cô Thủy): Chú có hỏi gì không?

– Hồi nhỏ tôi học Bổn tức giáo lý căn bản với các sơ trong trường Đạo, sơ dạy mỗi người đều có một Thiên Thần Bản Mệnh, hay còn gọi là Bổn mạng. Lớn lên tôi cũng vẫn thích hình ảnh Thiên Thần bảo vệ em bé đi qua cây cầu gẫy mất một tấm ván. Nhà họa sĩ vẽ cả hai cùng xinh, đặc biệt là nhờ có Thiên Thần che chở, nên đứa bé không chút sợ hãi. Mặc dù không thấy, và đôi khi xem ra có vẻ truyền thuyết, nhưng suốt cuộc đời tôi vẫn cứ tin là có thật! Nhưng mà nay thì có người từ trong thế giới Tâm linh về, tất nhiên là chuyện hiếm hoi, nhưng lại có thật! Nên tôi nghĩ không tội gì mình lại không muốn biết sự thật, để cũng nhân tiện đây phổ biến cho mọi độc giả của tôi biết đến sự thật này. Vậy xin cô Thủy nói cho chúng tôi biết: Thiên Thần Hộ Mệnh (tôi dùng thêm từ ngữ khác, để các con cháu quen mà hiểu rằng các từ chỉ là một) có thực hay không? Nếu có thì thật sự công việc của các Thiên Thần Hộ Mệnh như thế nào ?

– Chú hỏi có lý ! Trước hết cháu khẳng định mỗi người sinh ra Chúa đều ban cho có một Thiên Thần Hộ Mệnh. Việc này hoàn toàn đúng chứ không phải là truyền thuyết. Kế đến cháu xin nói cách tổng quát công việc của các vị ấy làm. Ây là các ngài có nhiệm vụ chỉ dẫn, an ủi, phòng ngừa, trong đó có báo động. Hầu hết là các ngài xử dụng tiếng nói lương tâm trong mỗi con người, để thực hành những điều cháu vừa nói. Khi phần thể xác của con người chết đi, thì công việc của các Thiên Thần Bản Mệnh vẫn chưa hết. Các ngài vẫn phải lo lắng cho mình trong suốt thời gian mình ở Thanh luyện. Các vị ấy đi lên, đi xuống, đi tới, đi lui, vì chỉ sợ ta từ chối Chúa thì các ngài mất việc! Cháu nhắc cho cô chú nhớ: Mỗi lần cô chú, mẹ cháu, Hợp, anh Dũng, chị Giang hay bất cứ ai nhờ cháu đi tìm cho một LH để hỏi han, hay đưa về … thì việc đầu tiên là cháu tìm đến các vị ấy để hỏi đấy! Vì vậy cháu mới phải hỏi cô, chú tên Thánh, tên gọi của người đó, và cả nơi chết, nơi chôn … cho dễ kiếm và chính xác. Vì các Thiên Thần Hộ Mệnh biết hoàn toàn, biết tất cả lý lịch lẫn đời sống về người của mình. Khi mình phạm tội, Thiên Thần rất buồn. Khi mình bị ở sâu, ở chỗ tối Thiên Thần của mình cũng buồn lắm!

       Lại nói tới khi ta được Chúa cho vào chỗ vui, thì Thiên Thần của ta cũng mất việc luôn, nhưng ngài không buồn. Khi đó thì các vị Chúa sẽ trao phó cho làm việc khác. Còn rất nhiều chỗ cần đến các Ngài. Các Thiên Thần cũng giúp cho cả người chết nữa. Cho nên hôm nay, cháu đan cử một việc mà mẹ cháu không biết:

       Con cho mẹ hay là: Quỉ … Chúa cũng cho nó có quyền phép dành giật những linh hồn tội lỗi, để chúng thu về làm tay sai. Giờ phút mà chúng tấn công người ta nhất, chính là giờ phút con người hấp hối. Lúc đó, Thiên thần cũng đánh động lương tâm con người, và ngài cũng mong con người khước từ mọi hình ảnh ma quỉ đem tới để quyến rũ, lôi cuốn. Mẹ biết không, Chúa rất yêu ta, nhưng sự Công Chính của Chúa là để cho ta tự do lựa chọn: Một là ta theo Chúa, hoặc là ta theo ma quỉ.

– (Bà Quí): Mẹ nghĩ khi đó ai dại gì theo ma quỉ!

– Nếu được như thế thì tốt! Nhưng con cho mẹ hay những người phạm tội trọng quen rồi, lương tâm của họ đã quá chai lỳ, nên sự thúc bách của lương tâm do Thiên Thần đánh động không có tác dụng! giống như ở trong nước hôm nay, người ta có từ vô cảm, để chỉ những tâm hồn chai đá, những sợi giây rung cảm trong trái tim của họ đã bị sơ cứng! Còn một điều nữa là: Ma quỉ dùng những hình ảnh khiêu khích và đánh trúng tâm lý, thị hiếu của mọi thú đam mê con người, mà các thứ tội con người phạm đều phát xuất từ những đam mê. Cho nên thời xưa, người ta vẽ tranh ma quỉ đen đủi, xấu xa, có đuôi, có sừng là sai! Chúng xấu xa thật đấy, nhưng lại biến hóa ra những hình tượng quyến rũ và lôi cuốn thì người ta mới thích theo nó!

       Mẹ sẽ trúng, không ai dại gì theo nó, nếu nó hiện nguyên hình một thằng quỉ đen đủi, xấu xa. Nhưng nó không làm thế! Nó biết người ta thích cái gì, nó sẽ mang lại những thứ người ta hàng ngày vẫn mơ ước! Cho nên phải tỉnh thức! Chính vì vậy, con cũng nói cho mẹ biết: Số người theo ma quỉ nhiều hơn theo Chúa! Và xưa Chúa cũng đã nói: Được gọi thì nhiều, nhưng được chọn thì ít!

– (Thủy tiếp): Chú biết không, VUI là khỏi bị hình phạt, nhưng không có nghĩa là được ở hẳn bên Chúa, hay Đức Mẹ, nhưng có thể được làm việc, nếu như có việc.

  1. Vẫn chuyện Thiên Thần Hộ Mệnh

– (Tâm): Bất cứ ai sinh ra đều có được một Thiên Thần Bản mệnh đi với mình suốt cả cuộc đời, hay chỉ khi nào ta chịu phép Rửa tội (Tức vô đạo Chúa) thì Chúa mới cho một Thiên Thần Bản Mệnh theo để gìn giữ ta ?

– (Thủy): Điều này thuộc về Chúa, để cháu đi hỏi. (… thời gian … vài chục giây …) Chúa bảo Chúa đã sinh ra mọi người đều thuộc về chi thể của Chúa, cho nên Chúa ban cho mỗi người, ai nấy đều có đưọc sự chỉ dẫn của Thiên Thần. (cô Thủy nói): Trong ta ai cũng có Thiên Thần hết, bất phân tôn giáo – nghĩa là không chỉ người theo Chúa Giêsu Kitô mới có – Cũng vậy như cháu đã nói, khi chết linh hồn nào cũng gặp Chúa để nghe phán xét, bất phân tôn giáo. Ngoại trừ người phạm tội trọng thì ma quỉ dẫn đi, bằng không thì trong Thanh luyện LH bị quản chế bởi chính Thiên Thần bản mệnh của mình, cũng như cháu đã nói ở trước rồi!

*Lời bàn riêng: Như tôi đã nói với cô Thủy rằng từ lâu tôi đã tin rằng bên mình luôn luôn có sự bảo vệ và giữ gìn của Thiên Thần cho mình khỏi sa ngã. Mặc dù xưa cũng chưa được rõ lắm như bây giờ, nhưng vì biết, lại tin, nên khi đã trưởng thành về tâm hồn, thì tôi xem Thiên Thần Hộ Mệnh (TTHM) của tôi như một người thầy và cũng là người bạn – Một người bạn thân tín nhất – Không dám để bạn mình đi bên cạnh mình suốt cả cuộc đời mà phải chịu cảnh cô đơn, âm thầm, hiu quạnh, mà không được nghe mình nói với một lời. Cho nên tôi, ngoàì Thiên Chúa, Đức Mẹ, thêm Thánh Giuse Quan Thầy nữa, thì nhất định mình phải trở nên người bạn thân thiết nhất của TTHM. Thế rồi đi đâu, làm gì tôi cũng nhờ bạn tôi hoặc cùng làm với tôi, hoặc giúp tôi giải quyết công việc. Đó cũng là một cách mình nói chuyện với TTHM. Chẳng hạn cứ bước lên xe bất kỳ đi đâu, ngoài việc trước nhất là mời Chúa, Mẹ, Thánh cả Giuse cùng ngồi xe với mình, thì mình luôn luôn nhờ TTHM cùng lái xe với mình, ngó chừng đường với mình, đừng để có vấn đề gì không hay xảy ra. Khi làm việc khác cũng vậy. Từ ngày quen biết cô Thủy thì tôi lại có thêm người của thế giới Tâm linh – mà chính LH người chú của tôi là cha Quy đã cho tôi biết cô là Sứ giả đặc biệt của Đức Mẹ – để nhờ, như lúc mình viết bài, chuẩn bị những đề tài để đi nói, chia sẻ cho các anh chị em trong Huynh đoàn, và ngay cả lúc nói chuyện với anh chị em nữa! sao cho mình nhớ được các tư tưởng hay, nói cho mọi người hiểu điều mình trình bày v.v… Nói tóm lại, tôi muốn nhân đây, chia sẻ với các độc gỉa của tôi: Các bạn ai cũng được Chúa ban cho một TTHM, một người bạn chí thiết của bạn! Bạn đừng quên người bạn này luôn luôn đi bên cạnh cuộc đời mình, đừng để bạn mình cô đơn, buồn tủi vì mình quá vô tâm, và người bạn này luôn quan tâm giúp đỡ, bảo vệ mình, thì mình đừng quá vô tình! TTHM của bạn sẵn sàng nâng điểm của bạn lên với Chúa nữa, nếu bạn cần Ngài.

  1. Trong Thế giới Tâm Linh có việc:

“Một người làm quan, cả họ được nhờ” không?

*Người chết có còn thấy, hay biết người thân của mình ở trần gian?

– (Tâm): Tôi xin hỏi cô rằng có phải chỉ linh hồn nào được Chúa cho về tiếp xúc với người trần chúng tôi, như cô, bố cô, cha Quý, chú Trường Linh v.v… thì mới được nhìn thấy người nhà của minh, còn không thì đâu có thấy được người thân của LH … phải không?

– (Thủy): Thường thì các LH khi đã được Chúa cho VUI rồi, thì không cần về, hay muốn về! Chỉ cần về, hay muốn về là khi cần đến sự giúp đỡ của thân nhân. Cháu lại nói rõ hơn: Bố cháu bị quản thúc, cháu có xin với Chúa cho cháu nhận trông nom ông. Bố cháu khi trước mắc tội mê gái làm mẹ cháu giận, và ông còn bị lỗi là bỏ Chúa không đến nhà thờ, và cứ nghĩ là đọc kinh, làm dấu là được! Chú biết không, bố cháu cứ tự cho là phải, không chịu nghe ai nói – mất đức khiêm nhường – Còn mắc tội cứ cho là mình đúng!

Thứ đến là cháu xin nói cho biết các LH rất gần gũi với ta, mỗi khi ta nghĩ đến họ, khi đó họ có được sự cảm nhận bằng Tâm linh. Chỉ có điều là nếu họ đã phạm tội trọng, hay bị thanh luyện, thì họ biết ta nghĩ đến họ, song họ rất đau khổ, vì không làm cách nào để nhờ vào người thân giúp cho họ, như xin lễ, cầu nguyện, hay làm các việc lành chỉ cho họ.

– (Tâm): Tôi thấy trường hợp của bố cô – ông Trường Sơn – những lần vê chơi, thấy ông vui đùa thanh thản như vậy thì rõ ràng là ông không có bị khổ như người ta ở trong Thanh luyện.

– Chú nhận xét đúng! bố cháu được cháu xin cho vui, nên không phải chịu cực hình. Nhưng cháu đã nói là vẫn chịu sự quản thúc! Thực ra bó cháu không được về thăm gia đình, người thân. Chỉ có được đi cùng với cháu về mà thôi!

 

*(lời Bàn): Thế mới biết câu châm ngôn: “Một người làm quan, cả họ được nhờ” không phải chỉ có giá trị ở trần gian, mà ngay ở trong thế giới Tâm Linh cũng vẫn còn hiệu nghiệm! Chúng ta đã được học giáo lý về 4 chữ “Hội Thánh Thông Công” nghĩa là khi sống thì có bổn phận cầu cho người chết, mà người chết hễ được về Thiên đàng, thì bầu cử lại cho ta lúc còn sống, cũng như khi ta đã chết mà còn ở trong Thanh luyện. Trường hợp của ông Sơn với cô Thủy là một bằng chứng sống.

– (Tâm): Cô Thủy này: Tôi nhờ thật tình đó nha! Mai sau tôi chết, tôi muốn nhờ cô bảo lãnh cho khỏi cực hình … có được không cô ?

– Được! Nhưng chú phải có lòng yêu thương trước, thì sau đó cháu mới bảo lãnh được! Cô có ý như chú không?

– (H. Trinh): Có chứ! Lúc nào tôi cũng cần cô bảo lãnh cho chứ! Cô có hứa giúp cho không?

– Cô phải lo làm việc cho các Linh hồn vui, và cô sống với đức khiêm nhường nhiều hơn, đấy là điều không cần nhờ cháu mà vẫn được vui !

Hôm nay cháu cho cô chú biết:

(1) Yêu Thương

(2) Khiêm nhường

Hai điều này rất đẹp lòng Chúa.