Ngày 16. 01. 2006 (Tiếp)

  1. Chuyện Vợ Chồng Người đời còn gọi là Duyên Phận Thực ra là thế nào?

– (Tâm): Theo cô thì chuyện vợ chồng là do Chúa an bài hay ta cứ tự do lựa chọn ?

– (Thủy): Chú cô gặp nhau có cầu xin Chúa không?

– (H. Trinh): Có cô, cầu xin nhiều lắm chứ!

– (Tâm): Tôi thì chỉ cầu xin Đức mẹ thôi!

* (Tôi lại xin mở một cái ngoặc ở đây, biết đâu có bạn trẻ nào đó sẽ học cách của tôi, tôi nghĩ đời sống gia đình tôi cũng không tệ. Riêng tôi thì cảm nhận là chúng tôi sống hạnh phúc! Tôi trước khi gặp Trinh, thì có nhờ Đức Mẹ, Năm đó có thể là tôi mới chỉ 20, hay 21 tuổi thôi! Tôi còn nhớ hôm đó mình nói trước tượng Đức Mẹ ở phía cuối nhà thờ, nhưng phía bên trong. Tượng rất đẹp, giống như một tấm ảnh tôi đã nhìn thấy. Đức Mẹ trong ảnh hình như giống người thiếu nữ thành Nazaret. Năm đó chưa có tượng Nữ Vương Hòa Bình đứng ở công viên phía ngoài nhà thờ. Dạo đó tôi chưa biết Trinh là ai (chưa đi dạy học), nên chỉ xin Đức Mẹ mang lại cho mình người con gái tốt theo ý Mẹ, và phó thác đời mình cho Đức Mẹ).

– Cô với chú nhờ cầu xin Chúa và Đức Mẹ, và cũng là nhờ hai người đều có thành ý trong lúc cầu xin, nên được Chúa, Đức Mẹ nhận lời. Còn Chúa thường không có rảnh rỗi để tìm cho mọi người “một tình yêu”, như ta nghĩ (ý cô muốn nói là người ta bày ra cái chuyện ông Tơ Bà Nguyệt xe duyên, còn người có đạo thì cho rằng Chúa An bài). Chúa chỉ là chứng giám cho “Lời Hứa Hôn nhân” của ta, là chia sẻ cùng nhau trong cuộc đời, nếu ai sai thì coi chừng!

  1. Giống như đồ cúng, nhưng không phải cúng.

– (Thủy): Cháu hỏi chú nhé! Tết ta đem đồ vật tỷ như bánh chưng, bánh dầy, hương, hoa … bày lên bàn thờ chỗ Chúa, Đức Mẹ ngự … chú nghĩ có gì sai không?

– Không, trong tinh thần dâng kính, thì không sai! Miễn đừng nghĩ là để cho người bên kia hưởng thì mới sai!

– Cháu nói khi trước các sách dạy không được trưng bày tượng ảnh … nhưng rồi ta vẫn cứ treo, cứ tạc tượng để lên bàn thờ là tại sao? Thưa, vì ta muốn nhìn đến Chúa bằng một tấm lòng chân thật, cả bằng tâm lẫn mắt. cái nọ phụ trợ cái kia. Đấy cũng là cách ta thể hiện lòng yêu Chúa, yêu Đức Mẹ. Chúa không có trách ta mang đồ vật lên cho Chúa, thì vì sự công bằng, Chúa cũng không có trách ta nhớ đến ông bà, anh chị em khi mang đồ vật lên cho họ với lòng yêu thương mà nhớ đến. Nếu vì lòng yêu thương, tưởng nhớ mà làm thì đối với Chúa không có sai chú ạ!  … Cháu xin lỗi chú cháu có việc phải đi, cháu chào cô chú, chào mẹ!

– Chúng tôi chào cô, cám ơn cô!

Lời Bàn: Từ sau Công Đồng Vaticano II, Giáo hội cho phép và khuyến khích đem đạo Chúa tới các nền văn hóa của các dân tộc, nên những việc trước kia không cho thì nay cho, như đặt bánh trái, hoa quả lên bàn thờ trong những ngày lễ có sắc thái dân tộc, với ý niệm Dâng Chúa Hoa quả đầu mùa, biểu lộ lòng chân thành mến yêu. Cũng thế, xưa cấm ăn của cúng, nhưng sau, vì bác ái, người Công Giáo sống hòa hợp với mọi tôm giáo, nên khi được tôn giáo bạn mời thì người CG được phép tới tham dự các ngày lễ, các nghi thức của các tôn giáo bạn với tính cách ngoại giao, và sau đó nếu họ mời ăn, thì cũng được ăn uống cũng với tính cách ngoại giao. Còn việc mang đồ ăn, thức uống lên bàn thờ trong những ngày giỗ, hay Tết dân tộc mà cô Thủy nói theo ý nghĩa ấy (như cô vừa nói với tôi) thì tôi hoàn toàn đồng ý với cô, không có vấn đề!

Nhưng cô có ý nói với tôi, như câu mở đầu “Cháu hỏi chú nhé!  …. Và kết thúc câu hỏi đó bằng mệnh đề … chú nghĩ có gì sai không?”, thì tôi biết ngay, là vì tôi có lần đã tỏ ra như không vui khi thấy bà thông gia của tôi bày đồ cúng lên bàn thờ, và làm cử chỉ không khác là cúng vái người quá cố. Theo tôi hiểu đó là vì bà không bỏ được tính “mê tín dị đoan” của gia tộc khi trước – Bà vốn là người ngoại giáo theo đạo chồng là người CG – Một lần khi tôi nói bà không nên làm như vậy. (Trong đầu tôi nghĩ là có thể tạo gương mù cho các cháu còn nhỏ không biết, hiểu lầm về bà nội mình đi đạo hai bên) Ngay khi đó bà không vui, và bảo: “Một năm có một lần (ý là giỗ) không cho ăn, để người ta đói … à!” (điều tôi hiểu là bà “cúng”, đã không sai! Vì cúng có nghĩa là: Đồ cúng tế được bày biện có mục đích cung phụng, kính thờ). ý nghĩa này hoàn toàn khác với ý nghĩa cô Thủy nói trên. Cho nên mọi việc làm còn tùy thuộc vào cái Tâm. Sau này có lần cô Thủy hay tôi một trong hai người đặt trở lại vấn đề, và trước mặt cô Thủy (tin là như vậy) cũng như tôi, bà Quý cũng nói lại câu đã nói trên. Và cô Thủy đã trả lời bà: “Con cho mẹ hay, nếu người chết mà trở về ăn được, thì người sống cũng té (ngã) ngay ra mà chết! Mẹ nên biết rằng ăn, hay uống là chuyện của thể xác. Khi xác đã không còn, thì chỉ còn vấn đề của linh hồn là ta có xin lễ, đọc kinh cầu nguyện cho họ hay không mà thôi! – Câu chuyện này về sau tôi không cần ghi lại nữa!

Ngày 20. 01. 2006 (20:15)

  1. Tưởng là biết tin LH. Diện Hôm trước về xin cầu nguyện.

  • Và chuyện các LH cứ Tết tới thì … buồn! Vì là cơ hội được Chúa xét lại, nhưng người thân thì lại ơ hờ không xin lễ, cầu nguyện cho.

– (Thủy): Cháu chào chú vui, hôm nay sắp Tết, chú có muốn hỏi về chuyện mà ta cứ đem đồ cúng lên chỗ Chúa … có mắc tội không?

– Chào cô Thủy! hôm trước vấn đề này chúng ta đã thảo luận rồi!

– nhân tiện chuyện ấy, cháu cho biết một việc là khi Tết tới mà các linh hồn không được thân nhân lưu tâm, thì buồn lắm! Chúa biết điều đó, nên soi sáng cho Giáo Hội đặt ra cứ một năm thì các cha, các giáo dân dâng lễ cầu nguyện cho họ, song cũng không được ơn nhiều bằng có người nhớ đến không phải là cách chung chung.

Hôm trước cháu được Đức Mẹ gọi, hôm mà cháu phải đi vội. Hôm đó Đức Bà bảo cháu phải liên lạc với các Thiên Thần tìm những LH còn ở trong Thanh Luyện đã lâu nhưng với điều kiện là khi trước có công, dù là sau thì mắc lỗi (tất nhiên là lúc còn ở trên trần đời), để được Chúa duyệt xét lại. Hôm ấy cháu gặp Thiên Thần của ông Diện, cháu được cho biết là ông ấy còn có người thân có lòng là hai cô chú.

– Thiên Thần của Diện cho biết, hay là Diện nói ?

– Chú biết không, Thiên Thần khi mà được … Xin lỗi cháu bận phải đi! Cháu hẹn khi khác nói tiếp.

Ngày 22. 01. 2006 (11:05 am)

  1. Sự cực khổ đớn đau các linh hồn phải chịu Trong Thanh luyện, ngôn ngữ loài người không đủ để diễn tả.

– (thông qua thủ tục chào hỏi như thường lệ): Hôm nay chú cháu mình có chuyện gì để bàn cãi không ạ?

– Cần cho tâm linh thì điều gì lại chẳng cần. Cô có gì muốn chia sẻ không?

– (Bà Quý): Mẹ nghe trong cuốn băng “Thanh luyện cuối cùng”, có nói việc đổ chì vào miệng; Các LH bị bỏ qua bỏ lại chỗ nóng chỗ lạnh. Mẹ hỏi con chuyện này có thật không?

– Con cho mẹ vui là: Cứ có đức yêu thương, và nhịn nhục, tha thứ thì không có vấn đề gì cả! Cô thì hay quá, mẹ cháu thì không có tin!

– (Bà Qúy): Không có xác thì miệng đâu mà đổ chì?

– Con cho mẹ biết khi mà được ơn nhìn thấy, thì các vị thấy được những điều này! mới kể lại. Có thể cô và chú bàn thảo vói mẹ cháu cách rõ hơn!

– (Trinh): Tôi đọc một số sách kể nhiều thứ cực hình các LH phải chịu. Ngay như trong Phúc Ấm Chúa cũng kể câu chuyện ông Lazarô và người phú hộ. Ông Phải chịu cái nóng đến độ phải xin Tổ phụ Abraham bảo ông Lazarô nhỏ cho mình một giọt mồ hôi cho đỡ, thì chị biết là nóng tới cỡ nào! Nhà tôi kể ở tù Việt cộng suốt bao năm tháng chẳng có thức ăn nào khác ngoài mấy hạt muối hột. Mới vô thì nhìn mấy hạt muối đó mà ăn không vô, nhưng ở miết rồi thì miếng khoai mì độn cơm (chứ không phải cơm độn khoai mì) nhai với hột muối, nó ngọt lịm như ngậm cục đường. Ở ngoài ta nghe có tin đưọc không? thế nhưng nhà tôi cam kết phải ở tù Việt cộng rồi mới cảm nghiệm được điều đó! Nên tôi tin những cực khổ, đau đớn các LH được Chúa cho về bảo cho biết là sự thực! Còn đã không có xác thì miệng đâu mà đổ chì, thì phải để nhà tôi cắt nghĩa với chị.

– (Tâm): Chị ạ, thân xác con người chị có bao giờ nghe nói là hết sức giới hạn không? Nghe thì không nghe được những câu nói hơi xa, hay khá xa! Nhìn thì không nhìn được cây kim xa ta vài thước! Ngửi thì ở ngoài ngõ không thấy gì, phải bước vào trong nhà mới cảm thấy đói bụng vì thơm hơi của nồi cơm vừa chín bốc ra v.v… Nhưng nói thế thì ta vẫn chẳng có gì để so sánh mà nhận ra cái giới hạn của thân xác! Phải nhờ có cô Thủy cho biết: trong thế giới tâm linh, khi LH được Chúa cho vui (chứ chưa phải là đã được lên Thiên đàng đâu nha!) thì chỉ cần mình nghĩ tới ai, hay một cảnh vật nào, hoặc người nào nghĩ tới mình, thì cái đó, người đó, hay cảnh vật đó lập tức có ngay trước mặt mình. Còn như chị nghĩ đi, bây giờ mà muốn tới hội người già của ông Truyền (không xa lắm), một là phải có người tới chở mình đi, hai là đành phải ngồi nhà thôi, chứ không làm sao mà bảo cái hội ấy nó lập tức xuất hiện ra trước mặt mình được! Thế thì giữa thân xác với linh hồn có sự khác biệt cỡ nào mình cũng không thể hình dung ra được! Lại nữa, như cô Thủy ngay bây giờ đây, cô thấy chị, thấy chúng ta và cả mọi vật trong nhà cách rõ ràng. Còn ta có biết hình dáng cô ấy bây giờ ra sao? Chúng tôi thì chịu! Chị bất quá chỉ tưởng tượng ra một cô Thủy – đứa con gái của mình – năm mười lăm, mười sáu tuổi của bốn mươi năm về trước. Đó chỉ là một hình ảnh, chứ sự thực thế nào ta không biết, còn thế giới cô đang ở, có lần cô Thủy nói lúc vừa mới chết, cháu được nhìn thấy “một quang cảnh đẹp không thể tả được! Nếu cháu còn sống trên đời, chắc một điều là cũng sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy ở bất cứ nơi nào tuyệt đẹp đến như thế được!”. Cô ấy tả như thế chị có tưởng ra được cảnh sắc ra sao không? Đó là vì cái gì? Thưa là sự hạn hẹp của ngôn ngữ loài người! Ngôn ngữ của chúng ta không có đủ từ để cho cô ấy diễn tả! Vậy khi Chúa cho một người nào đó được thấy qua Hỏa ngục, hay luyện tội, mà Ngài muốn cho người đó trở về kể lại, để cảnh giác người ta lo hoán cải đời sống, hầu sau này không phải khổ, thì Chúa phải cho họ thấy bằng hình ảnh, mà hình ảnh dù ghê gớm, khiếp đảm bao nhiêu cũng chỉ là hình ảnh, chứ chưa phải là sự thực!

Chị còn nhớ khi người vợ cũ của anh Dũng là bà Hoài sau mấy chục năm, được cô Thủy dẫn về cho anh Dũng gặp, bà ấy trách anh thê thảm là đã không cho chị được một Thánh lễ, để cho chị bị kiến cắn, giòi bọ rúc rỉa đầy mặt, đau đớn khủng khiếp suốt mấy chục năm nay! Lúc đó chị không nghĩ sao xác thân bà Hoài không phải đã chết từ lâu lắm rồi sao?

Trong cuốn “Mẹ đến lần cuối” viết về sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du (Medjugorjy), một chị trong số mấy thanh niên nam nữ được diễm phúc Mẹ hiện ra để gửi cho nhân loại những Thông điệp từ Trời. Chị này đã được Mẹ dẫn đi cho coi những nơi từ Hỏa ngục, luyện tội, lẫn chỗ các LH đã được vui. Tôi đọc đã lâu, nên chỉ nhớ thoáng qua là cô ấy nhìn thấy các LH mặc áo dài đi phất phới, có nhóm thì màu xanh, có nhóm màu hồng, nhóm màu trắng. Họ đi trong một nơi tựa như khu vườn rất đẹp và rất lớn. Chị có thắc mắc các LH không có xác sao lại có thể mặc áo dài không? Tôi nghĩ đó chỉ là cách Chúa muốn nói theo ngôn ngữ của loài người chúng ta mà thôi! Ngoài ra chỉ có cách (tôi cười) xin Chúa “gọi” ta về ngay bây giờ, ta sẽ nhìn được mọi sự cách xác thực ngay thôi! Nhưng tôi biết chị chưa muốn về!

– (Thủy): Vâng, điều này cô chú đã nói đúng! Song cháu bổ túc thêm là khi Chúa đã giao phó cho một vị nào làm công tác truyền thông cho thế gian, thì cho vị đó một cái thấy rất là tường tận! (ý cô bảo rằng đừng có cho đó chỉ Là hình ảnh đơn thuần, mà lại nghĩ rằng sự thật chắc làm gì có như vậy, rồi cô bảo:) mẹ cháu nghĩ đúng như thế đấy! Giống như mẹ cháu không tin! Có khi chỉ là người ta bịa đặt! Nhưng đối với các Thánh (các Thiên Thần) thì lại khác! Các ngài còn biết tội của mỗi người, biết rõ hình phạt như thế nào, và bao lâu!

  1. Con người vốn dĩ là “Nhân chi sơ tính bản thiện”

Chỉ lớn lên mới tự mình rẽ lối đi hoang.

– (Tâm): Tôi có một thắc mắc nhỏ: Chúa là Đấng thông biết hết mọi sự, biết cả trước lẫn sau, nghĩa là Chúa đã nhìn thấy trước những ai sinh ra và sẽ làm điều ác, rồi chết sẽ bị ở chỗ sâu thật sâu. Vậy nếu như Chúa đừng dựng ra họ có hơn không? Vì là:

                    1) Chúa không phải buồn vì họ.

                    2) Linh hồn đó không sinh ra thì đâu có phải chịu khổ.

                    3) Nhiều người khác không bị khổ lây ngay khi còn ở thế gian, chỉ vì một kẻ làm ác, thí dụ như chỉ không có một ông Hồ Chí Minh, thì dân tộc Việt Nam đã đỡ khổ biết là bao nhiêu rồi!

– Cháu nghĩ Chúa sinh ra họ là chỉ muốn cho họ được tốt lành theo ý Chúa, nhưng khi họ phạm tội thì Chúa buồn lắm! Nhưng vẫn cho họ có cơ hội đền tội. Chỉ khi nào họ từ chối thôi!

Còn Chúa chẳng bao giờ nghĩ là kẻ dữ được tạo thành, vì trong bàn tay tạo dựng của Chúa thì ai cũng tốt lành theo ý Chúa. Cháu nói rõ hơn là khi ở tuổi hai, ba, bốn, năm, sáu các trẻ đâu có gì lầm lỗi, còn khi vào đời thì tự họ làm ra.

***ở đây tôi cũng xin mở ngoặc, vì hôm đó cô nói hơi tóm tắt, nên tôi chỉ muốn vừa công nhận vừa chứng minh điều cô nói là chính xác. Kinh Thánh đã viết rằng sau khi Thiên Chúa đã tạo dựng lên mọi sự thì Ngài thấy tất cả đều rất tốt đẹp (St 1,31). Vấn đề là Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27), là con người không chỉ có tình yêu, mà Chúa còn ban cho con người được làm chủ mọi vật và chính cuộc đời mình, và có quyền tự do hành xử, kể cả việc tự do có muốn chọn Chúa hay không, chứ Chúa không ép.

Ghi-Chú: Tất cả những phần chữ nghiêng như: Bàn rộng, Lời Bàn, Luận, Ghi chú, Chú Thích V.V… là những phần phụ đính của tác giả, chỉ được thêm vô khi khởi sự đánh máy từ năm 2017 mà thôi.

  1. Định mệnh có hay không?

– (Tâm): Trên trần đời, người ta cứ hay nói tới hai chữ “Định Mệnh”, hay là rõ hơn “Định Mệnh đã an bài”. Cô cho mấy chữ này có ý nghĩa gì?

– (Thủy): Cháu phải đi hỏi Chúa (…  …  …) Chúa bảo: Chúa cho các người được trí tuệ. Chúa cho mọi người có quyền kiếm sống, bằng cách này hay cách khác. Song không ai có thể nói được giờ chết của mình! Cái đó thì chỉ có Chúa định mà thôi!

Chúa chỉ nói một chút thế thôi, vậy để tùy chú suy nghĩ!

***Luận: Bạn đã đọc số: 164. chuyện vợ chồng; Rồi số: 168. Chúa cho con người làm chủ cuộc sống mình, lại hoàn toàn tự do chọn lựa. Ở đây, Chúa cho biết chỉ có sự (ta được tạo thành con người khi nào, rồi cũng khi nào) Ngài gọi ta về, còn ngoài ra hoàn toàn do ta tự định. Vậy Giới hạn của Thuyết Định Mệnh đã rõ ràng! Tuy nhiên, nếu trong cuộc sống ta phó thác, trông cậy vào Chúa, thì có thể những khó khăn, hay trong những hoàn cảnh đặc biệt, hễ ta cầu xin Chúa, hay nhờ vào lời cầu bầu của Đức Mẹ, thì các Ngài cũng có thể can thiệp nếu các Ngài xét là đáng (x. 164)!

– Còn nữa, khi đọc trong Tin Mừng, ta gặp câu: “Một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng đã được đếm cả rồi” (Lc 12,7). Chắc chắn Chúa không rảnh để ấn định ví dụ như qua đêm nay, phải có bao nhiêu tỷ sợi tóc của những người nào trong số gần 9 tỷ người trên thế giới, phải “ra đi không một lời giã biệt”! Có lời khuyên khi đọc Kinh Thánh chớ nên chỉ hiểu theo nghĩa đen, mà phải để tâm, để trí mà suy, mà xét! Vậy ta phải hiểu thuyết Đinh Mệnh An Bài là như thế nào? Xin thưa, đó là bao gồm mọi nguyên lý, mọi định luật Thượng Đế đã an bài trong vũ trụ ngay khi Ngài tác tạo thành, trong thiên nhiên, trong mỗi loài cá biệt và khác nhau (Mỗi loài trong mọi loài là cá biệt, nhưng trong những cá biệt ấy, chúng vẫn hoàn toàn khác nhau). Thậm chí ngay cả những cái mà người đời quen gọi là “lẽ tự nhiên”, nhưng thực ra không phải là tự nhiên, vì cũng nằm trong định luật, hay trong nguyên lý tự nhiên cả! Những định luật, những nguyên lý Ngài đặt ra còn phụ thuộc vào những Nguyên tắc của sự chồng chéo lên nhau mà sinh sinh, hóa hóa. Thí dụ: Vạn vật sinh tử theo chu kỳ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đời người cũng như vậy. Nhưng vẫn có dăm ba chiếc lá rơi không chỉ trong Thu úa, đông tàn, mà vì cây héo hắt, không người chăm bón, hoặc bị các sinh vật mùa màng phá hoại v.v… Con người cũng thế! Vẫn biết con người sinh ra lớn lên có trưởng thành như Xuân Hạ, rồi bước vào buổi chiều của cuộc đời thì phải chấp nhận lão, bệnh. Đến khi quá độ như biết bao sinh vật trong vũ trụ thì con người phải “đi về” Tàn Đông như định luật đã an bài. Nhưng giống như chiếc lá, tựa như bọt sóng, con người cũng phụ thuộc vào các nguyên lý tự nhiên như môi trường, cùng với các nguyên lý tác thành, mà cuộc sống vì thế đã ra ngoài quy luật thứ tự của thời gian, nên có kẻ ra đi cách này, hoặc vội vã trở về với Thần Linh cách khác. Đó là phát xuất từ các nguyên nhân cá biệt để di tới những hậu quả dẫu không giống nhau mà vẫn nằm trong những quy tắc của định luật an bài, phát xuất từ Thượng Đế. Nên dẫu Ngài không định mà là định, còn ta vẫn được tự do, nhưng là tự do trong những nguyên tắc.

(Chú Thích: Định luật là luật nhất định; Nguyên lý: vừa là lý đầu tiên, vừa là nguyên nhân của một quy tắc; Nguyên tắc: Quy tắc chung của nhiều hiện tượng; Quy tắc: phép tắc đặt ra để theo đó mà hành sự).

  1. Trinh hỏi lại về người em họ,

Thiên thần của Diện sửa lại tên Thánh cho trúng.

– (Thủy): Cô có muốn về ông em không ạ?

– (Trinh): dạ, tôi muốn biết tin về Diện … được không cô?

– Để cháu đi mời về (… đi … ) Thiên Thần cho biết ông ấy tên Thánh là Phanxicô Saviê, không phải là Đa Minh.

– Dạ, hôm trước về tôi đã nghĩ ra là mình lộn, nhưng tôi tin là Chúa biết! vì cả làng đó đều là Phanxico Sa-vi-ê.

– Cháu cho cô hay là chú ấy và mấy người bạn còn đang chờ! Vì cô chú đã gửi tiền về, nhưng Thánh lễ chưa xin!

– Chúa ơi! Vậy tôi check lại cô ạ!

  1. Vấn đề Tử vi, Tướng số.

– Chú có hỏi gi?

– Cô có thêm gì về vấn đề Định mệnh không?

– Cháu xin bổ túc thêm, cháu nghĩ là phần những người theo Chúa tin vào Chúa thì ít, thí dụ như miệng nói phó thác, xong rồi tự mình tính toán, buôn bán lợi lộc, cứ ý mình mà làm, tham phú phụ bần … đa số đều nói như chú bảo là người đời ai cũng bảo là “có số”, có định mệnh an bài, song an bài cách nào, đúng hay không thì họ cũng không thể biết, khi chết hồn họ sẽ về đâu, và chịu những hình phạt thế nào? Kể cả lương hay giáo.

– Những người tin vào Tướng số, Tử vi … có tội, hay lỗi gì không?

– Chúa không có xét điều này! Trong dân gian lại còn có câu: “Bói ra ma, quét nhà ra rác”. Cháu nghĩ ma quỉ cũng không có ở trong đó! Có đưa tiền cho người ta thì có! chứ ma quỉ còn làm những điều ghê gớm hơn, chẳng hạn có những người ở trên bàn Thánh còn bỏ áo! Hay người tự bỏ mạng sống mình. Tuy nhiên hễ ai cứ tin vào Chúa thì ít, mà tin bậy bạ nhiều, thì tuy Chúa không có xét! Song cũng chẳng nhận được ơn của Chúa, thì chú nghĩ đi, một khi đời sống mà thiếu ơn Chúa thì cuộc đời họ sẽ ra sao?

  1. Có những tội nhân dù ta cầu nguyện cũng phải có điều kiện.

 

– (Thủy): Cháu hỏi cô chú cầu nguyện cho gia đình, cô chú có cảm thấy được ơn gì chưa?

– (Tâm): Khó biết lắm! Nếu như mình cầu nguyện cho người sống, thì còn có thể biết được chút ít, chứ cầu nguyện cho một linh hồn nào, nếu như không có cô để hỏi, hoặc nhờ, thì chẳng làm sao biết được! Tỷ dụ như trường hợp cậu Diện, chúng tôi chẳng phải chỉ gởi tiền xin lễ, mà chính mình cũng phải cầu xin cho cậu ấy nữa! Vì nghĩ đã mấy chục năm rồi, thì thương người ta lắm! Hôm nọ, Trinh phôn sang Mỹ gặp người em dâu của cậu ấy, bảo hai vợ chồng cầu nguyện và xin lễ cho Diện, cô ấy trả lời tỉnh bơ: “Giờ này anh ấy lên Thiên đàng từ lâu rồi!”  Thực ra mình cũng không trách cô ấy làm gì, vì hầu hết người ta cứ hay nghĩ như vậy cô Thủy ạ!

– Để cháu đi hỏi lại xem sao? (… … …) Thiên Thần bảo có nhận được ơn cầu xin cho việc này … song chưa đủ!

(Tôi với Trinh có bàn riêng với nhau một chút, rồi tính ra điều kiện là Thánh lễ Ba Mươi, thì có lẽ là cha chưa làm đủ lễ, mà mình cầu nguyện cũng chưa đủ ngày, nhưng mà nhờ cô Thủy vợ chồng mình cũng biết được là LH có nhận được ơn! Như vậy mình có hy vọng, và tiếp tục cầu xin).

  1. Cầu nguyện cho một đôi vợ chồng trẻ (Hôn nhân bị rạn nứt).

(Trường hợp của Giang + Đệ)

– (Tâm): Cũng là cầu nguyện cho gia đình, có một trường hợp chúng tôi cũng đang lo lắng và cầu nguyện cho gia đình của đứa em: Chồng tên Đệ, vợ tên Giang. Vợ đi làm văn phòng của  một công ty Du lịch trong một số năm, nên có tình cảm với một thanh niên cùng phòng. Mới đây chồng tâm sự cho chúng tôi hay vợ muốn ra tòa ly dị.

*** Phụ chú: Chuyện xảy ra ở VN. Giang là con của một gia đình Cán bộ Cộng Sản miền bắc, nhưng cô lớn lên và đi học ở Sài Gòn. Đệ Giang quen nhau trong thời học sinh. Mặc dù hoàn toàn khác biệt về lý tưởng: bên Quốc gia, bên Cộng sản; bên Thiên Chúa, bên vô thần, hai người vẫn tiến tới hôn nhân. Giang tình nguyện xin Rửa tội. Trước khi Giang thông báo cho Đệ biết ý định muốn ly dị của mình, thì họ đã có với nhau một đứa con trai đã được vài tuổi. Đệ tất nhiên rất buồn, vì đây chỉ là ý kiến của một bên.

 – Cô nghĩ mình có thể cầu nguyện cho người phụ nữ này bỏ được ý muốn ly dị chồng … được không? (Còn Tiếp trong TGTL35)