Thứ Hai, ngày 17. 9. 2007 (Tiếp theo)

  1. Là con người thì dù có là đại diện cho Chúa cũng có lúc sai. Vì người đại diện Chúa không đúng, mà ta bỏ Chúa thì ta sai nặng!

*** Chúng ta hãy nghe Lời Chúa về vấn đề Ly hôn và tái hôn, Một căn bệnh trầm kha của thời đại!

– (Th): Chú nghĩ có khi nào Chúa không đúng không? Cháu đặt câu hỏi như vậy là vì có những người bỏ Chúa vì lý do này nọ, chứ nếu Chúa luôn luôn đúng thì họ đâu có bỏ Chúa … phải không ạ? Cũng như ông triết gia nào đó cháu nghĩ là chú biết, có thể ông ta đã từng lộng ngôn, viết và làm những điều chống lại giáo lý của Chúa, mà không thấy Chúa lên tiếng bằng cách này hay cách khác, hoặc sửa phạt ông ấy, nên ông ta mới mạnh miệng tuyên bố “Thượng đế đã chết”!

– (T): Tôi cười vì nhớ cô cứ bảo là cháu khi xưa học ít, hay là đã qua thế giới tâm linh mà ông ta vẫn còn nổi tiếng, làm cô phải để ý? Câu hỏi đầu tiên của cô thì chắc tôi không phải trả lời rồi! Bắt chước Thánh Phêrô “Bỏ Thầy con biết theo ai”. Chúa mà còn không đúng, chẳng lẽ thế gian có một loài thụ tạo đúng hơn hay sao?

(Ghi chú: 1. Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan “ông Phêrô đáp: bỏ Thầy con biết theo ai? Vì Thầy mới có Lời ban sự sống” (Ga 6, 68);

  1. Triết gia mà vô thần thì không chỉ có một, nhưng kẻ tuyên bố “Thượng đế đã chết”, thì chỉ có mình Friedrich Nietzche. Nhưng những năm tháng cuối cùng của Nietzche, tuy sống mà rất cô đơn: bất hạnh với gia đình là mẹ, chị và người tình Salomé, trong sự quẫn trí, tư tưởng của ông luôn phản ảnh những ý nghĩ muốn tự vẫn. Về thế giới bên kia, chắc ông đã gặp được Đấng không bao giờ chết, và lại biết được rằng Ngài là suối nguồn hạnh phúc).

– (Th): Chú nói đúng! Chúa không bao giờ sai! Tuy nhiên cháu cũng cần chia sẻ điều này: Chú biết câu “Bệnh tòng khẩu nhập” chứ? Đa số bệnh hoạn của người ta phụ thuộc vào vấn đề ăn uống! Nói cách khác, cơ thể mình bịnh nhiều hay ít tùy theo những thức ăn mình cho phép nó vào qua cửa miệng! Nghĩa là cái gì xảy ra nó cũng có nguyên nhân. Tội người ta bội bạc với ơn Chúa, thì rồi Chúa cũng sẽ tính, hay ta nói cách khác là Chúa xét. Nhưng chú nghĩ đi, không phải tự nhiên người ta bỏ Chúa! tỷ như chuyện ông Tư Phụ kể lại với cô chẳng hạn. Ta cứ nói cha là đại diện cho Chúa, vậy nên khi ông đại diện làm đúng thì Chúa không có vấn đề, còn khi ông đại diện làm sai thì có phải Chúa bị mang tiếng không? Cho nên ai cũng vậy, khi chia sẻ Lời Chúa, thì phải đào sâu và tìm hiểu những điều Chúa nói. Còn khi ta nghe, thì cũng phải biết phân biệt cái gì sai, cái gì trúng! Thứ nhất là biết sai để tránh. Thứ Hai là có thể cho những người thân trong nhà biết cũng để tránh. Và thứ ba là các con đỡ đầu biết để tránh! Nếu ta làm tốt được việc này, thì Chúa còn cho ta phần thưởng nữa. Các cha đại diện cũng chỉ là con người, đâu phải không có lúc sai mà lại cứ sợ tội phạm vào chiếc áo chùng, mà không dám nói là sai. Chúa không có bắt lỗi!

– Cô nói tôi cũng nhớ chuyện một cha bên VN không tiện nêu tên, cứ mỗi lần về ở nhà các chú, đi lễ nghe cha kỳ thị Đức mẹ, y như ngài xuất thân từ một giáo phái khác! Từ khi ngài được thuyên chuyển tới, thì các sơ không dám cho ca đoàn hát bài hát về Đức mẹ cuối lễ. Cấm đọc kinh Trông Cậy sau lễ. Ông mắng giáo dân mới tạ ơn Chúa xong, quay ra trông cậy Đức Mẹ là sao? Dạo ấy ngài cũng không nhận dâng lễ cầu cho các linh hồn, và bảo tất cả đều là con Chúa, chết rồi hễ không bị sa hỏa ngục là vào Thiên đàng hết, không việc gì phải cầu xin! Phải chi ông ấy mà được gặp cô Thủy cho thấy các LH cần chúng ta cầu nguyện cho họ là như thế nào? Sau thì không biết là ông có thay đổi lập trường để nhận tiền xin lễ của giáo dân hay không?

– (Th): Chúa cũng để cho mọi người tìm ở nơi sai phạm của ông cha đó, mà có niềm tin vào Đức Mẹ nhiều hơn! Còn ông ấy thì khi mà Chúa đến, ông ta sẽ biết! Phần giáo dân, khi mà họ đã không chịu nổi, thì ông ta sẽ phải đi chỗ khác!

(Bên lề sự việc: Có một lần Thúc Lưu Ly Thảo – con gái của chúng tôi – chia sẻ nỗi buồn về một sự bất đồng “lý đoán” sau đây – Tôi dùng từ lý đoán theo cổ ngữ – xưa người ta vẫn cứ thường có câu “mỗi cha một lý đoán”, để ám chỉ trường hợp có cha thì cho rằng thế này là có tội, trong khi cha khác bảo là không! chứ đã gọi là giáo lý thì không thể bất đồng với nhau được! Nhất là giáo lý của Đức Giêsu Kitô. Lưu Ly Thảo sinh hoạt một nhóm trẻ có tên gọi là “Đồng Hành” trong giáo xứ, có mục đích làm từ thiện bác ái, giúp những người tàn tật, neo đơn, đói khổ ở VN. Ngoài công tác từ thiện, nhóm cũng có mục đích giúp nhau sống đạo, nên trong một năm ít nhất cũng có đôi ba dịp tổ chức tĩnh tâm. Những dịp như thế, họ mời các LM trẻ tới giúp! Không may, trong một lần Tĩnh tâm, đã xảy ra một vấn nạn mang tính thời đại.   Tuổi trẻ Hải ngoại hôm nay, nhất là ở các quốc gia Tây phương, không ít bạn bị nhập nhiễm thứ văn hóa mà Thánh GH. Gioan Phaolô đệ Nhị hồi sinh thời, đã đặt tên là “Văn hóa sự chết”, bao gồm nhiều vấn đề thuộc bề trái của các sinh hoạt trong đó có Tình bạn, Tình Yêu, Hôn nhân, Phá thai, Ly dị, Đồng tính v.v… Khi một tệ nạn đã được nâng lên hàng “văn hóa”, dù là văn hóa sự chết, thì sức tấn công, đồng hóa, hay nhuộm bản sắc của nó đã có tính cách bao trùm và sâu đậm. Trong nhóm Đồng Hành nói trên cũng có trường hợp bạn trẻ yêu đương rồi sống chung, sống thử trước hôn nhân, nên họ đưa ra thảo luận trước giờ có linh mục tới hướng dẫn. Rất nhiều bạn cho là nên, để sau hôn nhân không bị đổ vỡ! Sau buổi thuyết giảng một bạn đã nêu câu hỏi: Nếu như tụi con chỉ còn một tháng nữa là làm đám cưới, thì chúng con có thể sống trước với nhau được chứ? Cha biết không giới trẻ Úc bây giờ hầu hết là họ sống chung với nhau, thậm chí có một hai con rồi, bấy giờ mới làm đám cưới. Chúng con nghĩ vấn đề quan trọng là ở hai con tim, chứ hôn lễ chỉ là vấn đề thủ tục. Sau khi trao đổi thảo luận qua lại với nhau một hồi, vị LM trẻ chấp nhận: Nếu chắc chắn là sẽ lấy nhau thì được! Lưu Ly Thảo của chúng tôi ngay từ đầu vì cương quyết bảo vệ lập trường ngược lại, nên từ sau buổi tĩnh tâm đó, cô buồn và cảm thấy mình không còn là người đồng hành với nhóm được nữa!

** Mới đây trong một cuộc điện đàm với một cô em gái ở bên Mỹ về vấn đề thời đại bây giờ người ta xem nhẹ việc ly dị, rồi lại tái hôn với người khác. Cô cho biết bây giờ có một số cha trẻ dễ lắm! Các ngài bảo chồng nó cứ mỗi lần uống rượu vào là đánh đập vợ, thế bây giờ không cho cô vợ ly dị, thì cả đời cô ta sống thế nào được với ông chồng ấy? Tôi cũng đã nghe thấy câu nói tương tự như thế ở bên Uc châu. Một vị Linh mục nọ trong bài giảng, ông có nói với giáo dân rằng vấn đề hôn nhân ngày nay, đã được giáo hội rộng rãi và cởi mở. Ngài bảo chính Đức Giáo Hoàng bây giờ đã cho phép giải quyết những trường hợp hôn nhân, mà người phụ nữ phải sống với những ông chồng vũ phu, bạo lực. Không phải chỉ bởi quan niệm của một số linh mục, mà ngay trên thượng tầng, chúng ta cũng gặp một số vị thần học lý luận, bàn cãi về vấn đề tương tựa trong lãnh vực Hôn nhân thời đại. Thí dụ như Hồng Y Kasper, trong cuộc tranh luận về ly dị và tái hôn: Ngài bảo nếu những người Công Giáo ly dị và tái hôn này có thể thực hiện một sự hiệp thông thiêng liêng với Chúa Kitô bất chấp tình huống của họ, thì tại sao họ lại không thể lãnh nhận một cuộc hiệp thông bí tích với cùng một Chúa Kitô này? – Câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này là: ai vẫn tiếp tục ở trong tội trọng thì không được Rước Lễ (Giáo Luật, các điều 915-916).

Sự lập luận của H.Y Kasper ra như đối kháng lại với ĐGH. Bênêđictô XVI (bây giờ là Giáo Hoàng Danh dự) khi Ngài Tuyên bố rằng đây là một “vấn đề mục vụ phức tạp và làm người ta bối rối”. Ngài xác nhận rằng “Dựa trên Thánh Kinh (xem Mc 10:2-12), tập tục của Giáo Hội là không cho người ly dị và tái hôn được chịu các bí tích”, tuy nhiên, cùng một lúc, * ngài thúc giục các mục tử dành “quan tâm đặc biệt” cho những người liên hệ: với uớc mong họ được “sống cuộc sống Kitô hữu càng trọn vẹn bao nhiêu càng hay, qua việc thường xuyên tham dự Thánh Lễ, dù không được rước lễ, họ cần được lắng nghe Lời Chúa, thờ lạy Mình Thánh Chúa, cầu nguyện, tham dự sinh hoạt cộng đoàn, làm việc đền tội, và cam kết giáo dục con cái”.

Bàng bạc trong TGTL chúng ta được biết: Thời đại này là thời đại quỉ vương hoành hành. Chúng đánh phá GH cách mãnh liệt. Mới đây, một phụ nữ Á Căn Đình, nói là bà đã viết thư hỏi ĐGH. Phanxicô xem bà có thể được chịu các bí tích hay không dù bà đã ly dị và đã tái hôn ở tòa đời, cho hay Đức Giáo Hoàng nói bà “an tâm” rước lễ. Tin này do người bạn đời của người phụ nữ tiết lộ trên Facebook, bị nhiều người hoài nghi và chính Tòa Thánh bác bỏ, nhưng vẫn được báo chí đời loan truyền rộng rãi, khiến cho nhiều vị (dĩ nhiên trong số có các cha, các đấng bậc) càng hiểu lầm, và cắt nghĩa sai Giáo Huấn của GH.

Sự thực có đúng như thế không thì chúng ta sẽ phải tìm hiểu cách nghiêm chỉnh qua các Hiến chế của GH, cũng như các Tông Huấn của ĐGH về việc ly hôn và tái hôn trong thời đại.

– Robert Fastiggi, Ph.D. Giáo sư thần học hệ thống tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Detroit, Hoa Kỳ, liền sau khi nghe bài diễn văn của Đức HY Kasper, trong một bài đăng tải trên L‘Osservatore Romano, đã cho hay một số nhận định của HY Kasper về người ly dị và tái hôn là có vấn đề!

– Còn Tiến sĩ William Oddie thì cho rằng Đức Phanxicô đứng về phía Đức HY Muller, chứ không phải Đức HY Kasper, trong cuộc tranh luận về ly dị và tái hôn, vì Ngài luôn tiếp tục bảo vệ Thánh truyền trong vấn đề này, như ngài vẫn làm xưa nay.

– Ts. William Oddie cũng viết rằng người ta đang xuyên tạc tư cách đạo đức của ĐGH Phanxicô, và ông khẳng định cách chắc chắn rằng ĐGH không bao giờ cho phép những người mang tội trọng có thể rước lễ, mà người ly dị tái hôn rõ ràng là mang tội trọng. Ông còn viết: Đức Phanxicô là Người con trung thành của Thánh Giáo Hội Công Giáo. Điều này được chính ngài xác nhận trong bài giảng Thánh lễ tại Nhà Thánh Matta vào buổi sáng tháng Giêng năm 2014 trong đó, Ngài bảo: “Ta tiếp nhận sứ điệp của Tin Mừng như một hồng ân, và ta cần chuyển giao nó như một hồng ân, chứ không phải là một điều của riêng ta: Nó là hồng ân ta đã lãnh nhận”.

Có liên hệ vợ chồng với một người không phải là phối ngẫu của mình là một tội trọng vì là ngoại tình. Nếu Giáo Hội cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ, thì điều này có nghĩa một là hôn nhân không bất khả tiêu, hai là ngoại tình không phải là một tội trọng.

Đức Thánh GH Gioan Phaolô II đã viết: “Nếu những người này [ly dị và tái hôn] được phép Rước Lễ, thì các tín hữu sẽ bị dẫn tới chỗ sai lầm và mơ hồ liên quan tới giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân”.  (Tông Huấn Familiaris Consortio, số 84 do Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 22 tháng Mười Một năm 1981).

* Tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 14 tháng Chín năm 1994 về việc rước lễ của các tín hữu ly dị và tái hôn nhấn mạnh rằng thực hành của Giáo Hội trong vấn đề này “không thể bị thay đổi vì các tình thế khác nhau” (số 5)

Tuyên bố cũng minh xác rằng các tín hữu liên hệ không thể tự ý lên rước lễ dựa trên chính lương tâm họ: “Nếu họ phán đoán họ có thể làm như thế, thì các mục tử và các cha giải tội… có nhiệm vụ nghiêm trọng phải khuyên nhủ họ rằng một phán đoán lương tâm như thế mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội một cách công khai” (số 6).

* Và Tòa Thánh còn Lưu ý rằng: Cần phải tránh việc chúc lành cho các cuộc kết hợp bất bình thường, “kẻo lẫn lộn sẽ phát sinh nơi các tín hữu liên quan tới giá trị của hôn nhân”. Chúc lành cho một liên hệ vốn mâu thuẫn với thánh ý Thiên Chúa, tự nó đã là một mâu thuẫn ngay trong ngôn từ rồi (bene-dictio có nghĩa được Chúa thừa nhận).

Vì quen sinh hoạt với Thế Giới Tâm Linh, nên từ Perth, Ngày 02.7.2017 tác giả đã gửi một lá thư cho cô Hợp và bà Qúy, liên lạc với cô Thủy – Sứ giả của Đức mẹ – để hỏi về vấn đề này, vì tin rằng trong TGTL Chúa Giêsu & Mẹ Maria hằng quan tâm tới các biến động của loài người trong thế giới hôm nay. Đức Mẹ đã khóc rất nhiều về con cái của Mẹ, lại nữa, khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “… Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời …”, vậy thì trên Trời, Chúa muốn con cái của Chúa nơi trần gian trong thời đại này, phải biết sống thể hiện ý Chúa như thế nào trong việc hôn nhân, mà người ta cứ đang phải bận tâm bàn cãi? Thì Thứ Tư, 05. 7. 2017 lúc 9.00 tối tại Melbourne, sau khi cô Thủy trình lên Đức Mẹ, Đức Mẹ cho biết Bí Tích là thuộc thẩm quyền của Chúa, nên vẫn lời cô Thủy, Đức Mẹ và các thánh đã trình lên cho Chúa, và sau đây là lệnh truyền của Chúa:

“Con hãy biên chép đều này, Chúa dậy: những ai không biết thì không có tội, nhưng Đức Giáo Hoàng thì biết (1)! Song Ta cũng xét phần việc của họ nếu như họ vì thời thế mà phải sửa đổi thì không sao, còn muốn nghịch với đạo Chúa thì Chúa sẽ không tha thứ (2)! Con nghĩ đi Đức Giáo Hoàng cũng là một con người như các con (3). Song được sự giao phó của Chúa nên ngài được thế giới tôn trọng, nhưng khi mà về với Chúa thì ai cũng đêù bằng nhau cả (4). Hơn nhau ở chỗ ta theo những điều Chúa dạy, không phân biệt các cha hay là các bậc cao trọng hơn, các con hiểu không (5)? Các con biết Ta đã có nói tình yêu thương, sự khiêm nhường, tha thứ là điều mà không cần phải lề luật vẫn tốt đẹp (6). Còn như tội lỗi kéo đến thì lề luật cùng thua (7). Các con cứ theo như lời Ta nói thì các con sẽ bình an, và khi đến chỗ Ta các con sẽ có nhiều phần thưởng (8)”.

Sau cùng, tác giả nắm được ý của cô Thủy – sứ giả của Mẹ – muốn tác giả triển khai một chút cho mọi người hiểu cách rõ ràng hơn ý Chúa nói, vì qua câu kết của cô Thủy nói với Hợp là “Chị nghĩ chú Tâm sẽ hiểu về tâm linh chính xác hơn! Chào em và mẹ”. Nên tác giả xin triển khai một vài ý cần thiết sau đây:

Câu (1): “Những ai không biết thì không có tội, nhưng Đức Giáo Hoàng thì biết”. Khi trước Chúa Giêsu chưa xuống thế, thì luật Hôn Phối của Chúa người ta chưa biết. Luật đã được ghi trong Tin Mừng, tất nhiên ĐGH thì đương nhiên ngài biết vì Tin Mừng là Lời Chúa.

Câu (2): gồm hai mệnh đề: Mệnh đề thứ nhất Chúa cho phép các ĐGH có thể sửa đổi, hay canh tân Giáo hội cho hợp với thời thế, nhưng mệnh đề thứ hai khẳng định: sự sửa đổi không được nghịch với đạo Chúa. Vì nếu nghịch với giáo lý của Chúa, thì Ngài sẽ không tha thứ!

Còn các câu khác thì Chúa nói một cách minh nhiên cho mọi người đều rõ điều gì nên làm, điều gì không nên làm!

Luật về Hôn Nhân trong Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô thì đừng nói chỉ ĐGH biết, mà tất cả các Kitô Hữu khi làm đám cưới ai lại chẳng biết, và còn ghi trên thiệp mời: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).

Bởi vậy tôi đồng ý với cô Thủy: Khi ta nghe bất kỳ ai chia sẻ Lời Chúa, thì cũng phải biết phân biệt cái gì sai, cái gì trúng, để chính mình, rồi tới những người thân trong nhà, và cả những con cái đỡ đầu biết sai để tránh! Thời này là thời đại của sự ham muốn sống phóng túng, và để biện minh cho những lối sống sai trái và lỗi phạm, người ta cứ tự mình phát ngôn cách bừa bãi là “Giáo hội bây giờ đã rộng rãi”, hoặc “Đức Giáo Hoàng đã cho phép”! Trong Tin Mừng Chúa Giêsu nói “một chấm, một phết trong lề luật cũng không được bỏ” (Mt 5,18-19) là nói lên tầm quan trọng của lề luật; Và Chúa còn tiếp: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào nước trời (Mt 5,20). Cũng vậy, lần khác Chúa lại nói: “Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!” (Mt 5, 26). Chứ không như tại một giáo xứ kia, ông đại diện Chúa bảo “hễ đã là con Chúa mà không sa hỏa ngục, thì vào Thiên đàng hết chứ không cần các ông bà phải xin lễ, hay cầu nguyện cho”. Vậy để đối kháng lại với các đệ tử của “thần thế gian”, mọi Kitô hữu chúng ta phải nhiệt tình học hỏi Lời Chúa, và còn phải hăng say loan báo Tin Mừng cho khắp nhân trần như lời ủy thác của Chúa Giêsu Kitô trước khi Người về trời).

 

  1. Tôi lại được tiên báo về một việc làm mới.

– (Th): Chú hỏi tiếp đi!

– (T): Tôi nghĩ là cô có thể ủng hộ, hay … trợ lực cho tôi viết về Đức Mẹ được không? Cô nhận giúp chứ?

– (Th): Cháu góp ý. Chú chỉ cần thêm khói thuốc là mọi việc suông sẻ! Chú chọn cách hành văn nào? Cháu thấy chú có biệt tài biến chủ đề thành một câu chuyện. Giống như người ta tiểu thuyết hóa đó mà!

– (T): Cô lại đùa! Tôi thấy cô cũng có phần giống bố quá! Bàn chuyện đứng đắn mà cứ giỡn chơi!

– Chú cho là cháu giỡn chơi à? Cháu thấy khi nào viết chú cũng hút nhiều mà, không phải vậy sao? Nhưng mà chú định viết thế nào?

– (T): Tôi định viết cách nào có thể kích thích người ta thực hành những Sứ điệp của Đức Mẹ. Cô nghĩ sao?

– Cháu góp ý: Già thì tự phụ đã hiểu rồi! Trẻ thì không thèm đọc, nên thời buổi này rất khó truyền đạt! Tuy nhiên, viết thì chú cứ viết! Nhưng chuyện mà ta cần nói: Thứ Nhất là chú moi móc khắp hang cùng, ngõ hẻm, ghi nhận bằng hình ảnh ở trong đầu, để khi cần thì tức khắc chứng minh! Thứ Hai, muốn họ không xem sách mà biết, chú phải hy sinh, dù gặp khó khăn, chống đối! Nếu muốn làm việc cho Đức Mẹ: Phải thuyết giảng! Cháu lại biết chú đang được tìm gặp các giới trẻ. Điều này muốn cho họ hiểu, thì chú phải đọc nhiều chi tiết về Đức Mẹ, để truyền bá càng nhiều, càng tốt!

– Tôi sẽ để tâm!

– Chú cứ làm đi, có các Thánh trợ giúp!

– Cám ơn cô! Tôi sẽ làm!

 

  1. Có những đứa em, hay cháu không còn nghe được tiếng Chúa nói trong tâm hồn.

*** Nuôi ơn gọi là một phương thức của thời đại.

– (Th): Chú cô có thấy là cháu có vẻ như chỉ dẫn nhiều quá không? Chú cô hỏi đi!

– (H. Tr): Cô càng nói nhiều, chúng tôi càng thích nghe. Chúng tôi phải nói là mình rất cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã sắp xếp để cho được tiếp xúc với cô! Đâu phải ai cũng được ơn này!

– (Th): Thưa chú cô, khi một người nào đó mà họ khô khan, ta khuyên họ rất khó, ta cầu xin mà không được như ý, thì với Chúa, có thể ta sinh ra phân vân … Chú nghĩ sao về ý cháu đưa ra?

– Tôi thì cũng có đôi khi áy náy, nghĩ việc cầu nguyện của mình có thể là chưa đạt được ý Chúa, Đức mẹ muốn! Nhưng cũng có những lúc nghĩ là tại lòng họ không chịu mở ra, như cô thường bảo. Như trường hợp các em hay cháu, cứ có những đứa lương tâm như đã chai lỳ, không còn nghe được tiếng Chúa nói trong tâm hồn, hay là chỉ còn những âm thanh vang vọng của ma quỉ? Nên khi nghĩ như vậy thì lại có chút thất vọng, và buồn!

– (Th): Cháu xin chia sẻ với cô chú điều này, nếu cô chú thấy đúng cũng được, mà cho là không đúng, cũng không sao! Vì ta không có ý phạm tới Chúa hay Đức Mẹ. Đây chỉ là ý riêng của cháu thôi! Cô chú cứ cầu xin bằng tất cả những cách thức nào mà mình có thể! Ví dụ như cầu nguyện liên lỉ, xin lễ … nhưng cô chú cứ phải nghĩ một điều là không phải tại ta, mà tại vì cửa lòng của họ không mở, hay chưa mở! Bây giờ biết được như thế, thì không lẽ ta chịu thua! Cho nên kế tiếp ta lại đặt câu hỏi: Nếu muốn họ mở lòng ra thì ta phải làm sao? Cô thử trả lời xem sao?

– (H. Tr): Tôi thì chỉ biết cầu xin, trông cậy và tín thác vào Chúa, chứ chẳng còn biết làm gì hơn!

– (Th): Rất nhẹ với cái cửa đóng chặt. Cháu nghĩ phải đem đá hay xà-beng đến mà nạy ra!

– (H. Tr): ý cô nói là nuôi ơn gọi … phải không?

– (Th): Vâng! Cháu nghĩ như thế là điều mà mình làm được! Nặng ký hơn việc ăn chay. Song xin nhớ cho là cháu không có bảo việc ăn chay là không tốt! Cháu chỉ bảo rằng vì cửa chặt quá nên phải lấy đá ném vào thì mới mong cửa không chịu được phải bể ra!

– (T): Tôi hiểu rồi! Cô nói vậy là tôi biết rằng nuôi ơn gọi là “mạnh” nhất! Các LH ở chỗ tối, chỗ sâu, chỗ khổ nhất, ta muốn giúp cũng cần cách thức này.

 

(Bàn: Tôi không nhớ mình đã ghi vào đâu, nhưng có lần thảo luận với cô Thủy, thì đại khái cô nói thời đại từ nay về sau ơn gọi càng ngày càng ít dần, việc khủng hoảng ơn gọi sau này sẽ xảy ra ở các xứ văn minh. Cho nên khi ta nuôi ơn gọi chính là cộng tác với giáo hội, đóng góp một bàn tay vào việc cổ vũ ơn Thiên Triêu. Thêm một LM. sẽ có thêm được biết bao nhiêu Thánh Lễ, cũng như cứu được bao nhiêu linh hồn. Cho nên tôi đã đồng ý với cô Thủy: Đây là phương thức mạnh nhất của thời đại!).

 

  1. Biết người ta lỗi phạm, nhất là phạm vào các phép Bí Tích Mà nói tức là điều Chúa muốn ta làm! Y như dọn đường, san gò bạt đống.

– (T): Khi thấy một người lỗi phạm về hôn nhân, mà cứ rước lễ. Nếu mình nói thì có phạm vào tội đoán xét không?

– (Th): Tất nhiên kẻ phạm sự Thánh thì đời sau sẽ bị xét! Còn ta nói thì cũng không bị lỗi, vì Chúa cho ta được rao giảng Tin Mừng. Chúa nói hãy dọn đường cho thẳng, gò đống hãy san bằng, mở đường cho Chúa đến! Đây là con đường ta cần phải dọn! Chú biết không, cháu ví dụ chú cho các em, hay cháu một số tiền, thì chú cứ chỉ biết là mình cho vậy thôi, chứ không cần biết họ dùng số tiền đó ra làm sao! Nếu mình đòi hỏi hay đoán xét thì mình mắc lỗi! Còn chuyện tai nghe, mắt thấy những điều tội lỗi nói trên, thì không những ta được Chúa thông cảm, mà Ngài còn bảo con hãy nói, vì đây là điều Chúa muốn!

Chú bây giờ cháu có việc phải đi rồi! Cháu chào cô, chú và mẹ! Xin hẹn ngày tái ngộ.

Chúng tôi cám ơn cô Thủy, và xin chào cô!

 ————————————————

HẾT BỘ I