Vẫn 16 Tháng 4 năm 2009 – Trả lời một giấc mơ (Tiếp theo)
- Khi thấy người chết về trong giấc mơ, ta dâng lễ cầu nguyện cho họ.
– (Th): Chị cho biết bà cụ trong giấc mơ của em là Thánh Bổn mạng của phụ nử, như bà Thánh Anna là thánh Bổn mạng của mẹ chẳng hạn. Khi ấy bà thánh xin quá giang là bà có ý tìm nguời cầu xin, nguyện giúp cho LH của người nữ nào đó bà coi sóc, mà LH đó lúc sống đã xa Chúa.
– (Tâm hỏi): Tại sao khi bà thánh lên xe thì xe bị hết xăng, đi không được nữa, dù mấy mẹ con cô Hợp đẩy cũng không nổi?
– (Th): Cháu nghĩ bà Thánh có ý làm cho Hợp em cháu vì bị đủn xe mà khi tỉnh dậy vẫn còn thấy mệt, mà không quên được giấc mơ, mới đem hỏi cháu. Còn hai LH lấy hình ảnh con Tố và con Lành; Một người đẹp như cô Tường Vi em Hợp thấy với một thanh niên ngồi kế cô ấy, là ý cho Hợp biết đó là một gia đình người em quen, có thể là bạn. Gia đình này chết tai nạn!
– (H): Em nghĩ có thể là gia đình anh Tuấn, anh này xưa là bạn học. Em biết họ đi vượt biên, chết cả nhà, gồm hai vợ chồng với hai đứa con gái … kể thì cũng hơi lâu rồi!
– (Th): Chắc là đúng! Chị nói cho em biết, khi mà bà Thánh nhờ, thì em hãy xin Chúa tha cho họ – Những người mà khi sống vì cách này hay cách khác, đã quên Chúa – Tuy nhiên họ cũng có điểm nào đó được Chúa xét, nên mới được bà Thánh dẫn về cho em dâng lễ, cầu nguyện cho họ. Còn người chồng, bạn học với em, thì em phải xin Chúa cho khỏi sự cầm buộc của ma quỉ!
– (H): Em sẽ làm như chị nói! Chị có biết người thanh niên vào tiệm hớt tóc của em, mà em nói là em biết, tên thánh của anh ta là gì không?
– (Th): Chị hiểu người thanh niên đó khi sống có làm những điều tốt, song anh ta chỉ tìm hiểu về đạo, chứ chưa theo, nên chưa có tên Thánh. Em cứ xin lễ cầu nguyện có ý chỉ cho anh ta là Chúa biết!
– (C. Th. lại nói tiếp với mọi người chúng tôi): Cháu hiểu, khi mà cháu cứ mang về đây những LH nhờ cầu nguyện, thì cháu cũng cảm thấy là mình quá làm phiền phức cho cô chú, mẹ cháu cũng như em Hợp! Song các việc cứ tự nhiên đến, giống như cháu không có thể nào tránh được, nên cũng xin cô chú mẹ và hợp em cháu thông cảm cho!
– (T): Tôi xin thay mặt cho mọi người trong nhà cam đoan với cô Thủy là không có gì gọi là phiền phức hết cả! (Cô Hợp thêm): Em cũng rất sẵn lòng làm mọi việc để xin lễ, hoặc cầu nguyện cho các LH.
- Thiên Chúa không tạo dựng sự gì vô nghĩa cả! Trí, tri hai ngả cách biệt.
– (Hợp): Trong những giấc mơ, nếu em mơ gặp những người mà họ đã chết, thì em biết mình phải làm gì, nhưng còn những người mà em mơ thấy họ, biết họ chưa chết, thì có phải là có một dấu chỉ gì đó không?
– (Th): Chị nghĩ cứ bình thường thì em không phải xin lễ cho họ, vì họ chưa chết! Nhưng một khi ta mơ thấy họ, thì cũng có thể có nguyên nhân. Để tìm hiểu xem, thì em thử sắp xếp lại giấc mơ xem sao. Đầu tiên ta thấy gì? Người ta gặp dáng vẻ ra sao? Họ có muốn gửi cho ta một thông điệp gì, hay ít nhất là muốn nói với ta về một điều gì chăng? Trong bối cảnh gặp họ, diễn ra thế nào? Bỏ qua thì cũng được, vì hầu hết ai chả như vậy! Nhưng nếu ta là một người có cuộc sống nội tâm, ta sẽ không bỏ qua. Một khi đã có một nhân vật còn sống hiện lên trong giấc mơ của ta, thì ta cũng cần phải suy nghĩ xem, những gì có thể sẽ xảy ra trong tương quan với người trong giấc mơ. Chị bảo thật, không có gì trở thành vô ích! Vì nếu trong cuộc sống, em cứ thường động tâm, và vận trí, thì cũng giúp cho sự vận chuyển giác quan thứ sáu trở nên tinh tường. Em cứ nghĩ đi, Thiên Chúa dựng nên cái gì, ban cho ta sự gì từ lớn cho chí nhỏ, không có gì vô can, hay vô dụng hết! Chỉ có điều là ta không vận dụng hết được thôi, hoặc ta làm biếng, không chịu vận dụng những khả năng Chúa ban cho ta!
(Luận bàn: Âm nhạc VN có những bài hát mang tính luận ngữ nhân gian. Tuy bình dân, dễ hát, nhưng nó ngầm chất chứa đặc tính nhắn nhủ người ta hễ biết động tâm, vận trí trước ngay cả những sự, những vật, hay những cái tầm thường, ta gặp hàng ngày trong cuộc sống, thì dù là những cái nhỏ nhất, quen thuộc nhất, đôi khi cũng có thể cho là vớ vẩn nhất, chúng cũng vẫn đem lại cho con người ý nghĩa của cuộc đời, và hơn thế nữa, không gì bằng chính những cái bình thường đó … lại ban phát cho chúng ta những niềm vui, niềm hạnh phúc của cuộc sống. Chẳng hạn như bài “Đố Ai” của Nhạc sĩ Phạm Duy. Tác giả chỉ xin trích vài câu để khỏi mất thời giờ, như: “Đố ai biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng … Đố ai biết gió ở đâu? … Đố trăng mấy tuổi trăng già? (Thời) em lên tiếng mặn mà yêu anh. Đố ai nằm ngủ không mơ, nửa đêm trăng xuống đứng chờ ngoài hiên v.v và vv…
Chuyện giấc mơ trong cuộc đời của mỗi người, đúng là chuyện nhỏ, nhưng nếu ta biết lợi dụng những giấc mơ đó, để mà giúp các LH thoát khổ, thì cả cuộc đời của chúng ta chính là thánh hóa những giấc mơ nhỏ đó, thành những sự thật vĩ đại trong thế giới tâm linh. Là vừa làm được những việc yêu thương đối với các LH, mà cũng vừa mang lại lợi ích, rất lợi ich cho chính mình ở đời sau! Các bạn có thấy đúng như vậy không?
Hôm nay, nhân việc Người Nữ Tâm Linh bàn với chúng ta về việc “động tâm, vận trí”, tác giả lại chợt nghĩ đến một người trẻ trong khu xóm mình ở. Cậu này là một người trí thức (nhưng có thể lại không có tri thức!). Cậu sinh trưởng trong một gia đình Công Giáo. Lúc nhỏ, cậu đi lễ như mọi người trong nhà, nhưng sau khi đạt được học vị với bằng cấp cao trong xã hội, thì Thiên Chúa không có chỗ trong cái gọi là kiến thức đã đầy ắp trong não bộ của cậu! Cậu không còn chấp nhận được Thiên Chúa nữa! Và chấm dứt ngay việc đi nhà thờ. Bằng vào sự tự hào về con người trí thức của mình, cậu khẳng khái nói với những người bạn cũ trong cái xóm giáo xưa quen thuộc rằng: Lúc nhỏ không biết thì khác! Còn bây giờ, trước mắt mình có quá nhiều tôn giáo! Tại sao mình không dừng lại cho tới khi nào biết được đạo nào đúng nhất để đi? Hay đạo nào cũng chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người mà ra!
Đã mười mấy năm qua rồi, người thanh niên ấy vẫn đứng y nguyên ở vị trí trước bao nhiêu ngã rẽ! trước bao nhiêu ngả đường. Cậu chưa chọn tôn giáo nào hết! Phải chăng với bằng ấy thời gian, cậu ta vẫn chưa khám phá, hay nghiên cứu ra được con đường chân lý nào nằm trong sách vở? Với thời gian, nước chảy thì đá mòn! Nhưng với một tâm hồn và một lý trí xơ cứng, thì chẳng có chân lý nào soi mòn, hay đặt được dấu chân lên trên đó cả! Ngay cả đối với một con tim không có dấu chân, thì tìm đâu ra dấu ấn của một mơ ước? Khi một LH không có ước mơ, thì cuộc đời của nó đóng khung vào kiếp sống chỉ thuần là vật chất! Và cũng chỉ trong thế giới này … họ không tin vào đời sau! Như thế thì kiếp sống quá ư là mong manh, và tạm bợ. Và cái gọi là trí thức của nó dẫu có cố vươn lên tới đâu, cũng không thể đụng được tới trời! Cậu trí thức kia sẽ chỉ phải đứng ở đó mãi, vì không bao giờ cậu với được cái chân lý hằng sống, bằng vào cách suy nghĩ của cậu ta! Thiên Chúa là Chân Lý. Không có cái gì trong thể xác người ta có thể sờ, hay đụng vào được Thiên Chúa, kể cả cơ quan đầu não, sản xuất ra cái gọi là trí thức! Ngoại trừ có một cái có thể sờ, hay nắm bắt được Thiên Chúa qua cảm nghiệm, cái đó chính là tâm hồn! Khi ta có thể đụng vào chính Thiên Chúa qua cảm nghiệm của tâm hồn, cũng chính là lúc ta ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong ta.
Thật là tội nghiệp cho nhà trí thức trẻ kia! Cùng một khoảng mười mấy, hai mươi năm qua, trong khi cậu ta dậm chân tại chỗ, thì bên cạnh đang có biết bao người trẻ như cậu, đã gặp gỡ Chúa Kitô, và Ngài đã đang đồng hành với họ tiến sâu vào con đường tâm linh dẫn về quê trời. Bằng vào cái nhìn con mắt của tâm linh, ta sẽ nhìn thấy được một khoảng cách xa vời vợi giữa hai quan niệm về cuộc đời.
Sách Khôn ngoan dạy: “Khờ dại thay, tất cả những người không chịu nhận biết Chúa, và cả những người không biết căn cứ vào các sự vật hữu hình để tìm hiểu Đấng Tự Hửu, và không chú ý đến các công trình sáng tạo, để nhận biết Đấng Hóa công… Nếu họ chỉ vận dụng sự khôn ngoan một chút thôi, thì đã thấy được chính sự cao sang tốt đẹp của tạo vật, bảo cho biết có Đấng tạo dựng mọi loài … Chính họ cũng không đáng được tha thứ, vì nếu họ có khả năng nhận thức để truy tầm càn khôn, sao họ lại không nhận thấy cách dễ dàng hơn về chính Đấng là chúa tể của càn khôn?” (Kn 13, 1-9).
Chú Thích: 2 chử Càn Khôn: Càn = Kiền; Kiền và Khôn là 2 quẻ trong Kinh Dịch; Kiền hay Càn là đầu muôn vật cho nên là trời, là dương, là cha. Khôn là quẻ đối của Càn, nên là đất, là âm, và là mẹ. Vậy càn khôn tượng trưng cho trời đất, cho vũ trụ. Trong văn chương còn có chữ “Túi càn khôn” để chỉ tri thức trong nhân loại. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có hai câu thơ bà dùng để chê bọn trí thức, nhưng lại không có tri thức, thì ví như “túi càn khôn” trong họ đã khép lại! Hai câu thơ như sau:
“Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,
Miệng túi càn khôn khép lại rồi.”
Kết luận: Thực ra đời cũng chỉ là một giấc mơ thôi! Mỗi người có rất nhiều giấc mơ con, trong một giấc mơ lớn. Nhưng hễ ai không tỉnh, thì cứ đem hết cả cuộc đời vào việc xây dựng những chuyện trong mơ, mà lại cứ nghĩ là thực! Uổng lắm thay!).
- Ít phút lang thang trong những tâm tư vụn vặt.
– (Th): Cháu thấy trong ý nghĩ của chú cứ băn khoăn không biết CS có chết không, có đúng thế không ạ?
– (T): Cô hay quá! tại vì trong năm qua, những biến cố tại Tòa Khâm Sứ, rồi Giáo xứ Thái Hà, DCCT Hà Nội, quá sôi sục trong tâm huyết mình, bởi hai lý do: Một cái là khách quan, cái thứ nhì là tự tại. Khách quan là nhà nước mặc dầu nắm quyền lực trong tay, nhưng lại chơi theo lối của những kẻ tiểu nhân, phường vô lại là đã ăn cướp, mà còn cứ chửi bậy. Hơn 800 cơ quan truyền thông bao gồm hết toàn bộ báo, đài đều nắm trong tay chế độ, mà tối ngày sáng đêm bôi bẩn vị chủ chăn đáng kính, và đáng yêu của Giáo hội CGVN Miền Bắc, là Đức TGM. Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt. Thực ra, tôi quan tâm vì tầm quan trọng của vấn đề, nếu sau này thuận dịp tôi sẽ đề cập tới, chứ việc mất đất và bị ăn cướp các cơ sở của các tôn giáo – không riêng gì Công Giáo – xảy ra ngay từ sau năm 1954 ở miền bắc, và sau năm 1975 tại miền nam – đã nhiều lắm rồi! Tôi nghĩ là cô Thủy cũng quá biết! Và tôi tin là chúng vẫn còn tiếp tục ăn cướp, vì “ngày tàn của chế độ” càng đến gần, thì đất nước nói chung, càng thêm tan hoang và thảm khốc. Chúng ta phải dùng tới chữ thảm khốc, vì ngay cả miếng đất cỏn con, mảnh ruộng nhỏ bé của những người dân lam lủ, nghèo túng ở nông thôn, chúng còn cắt xén, đem bán lấy tiền vơ vét, đến nỗi tiếng than van, khóc lóc của người dân oan, tôi nghĩ cũng đã thấu tới trời! Nói theo kiểu nhân gian, còn ta thì phải nói rằng: Chúa cũng đã biết tội ác của chúng!
Lý do thứ hai, chỉ là cá nhân thôi! Gia đình họ Thúc nhà tôi lớn lên từ giáo xứ Thái Hà, Hà-nội. Trước Di cư năm 1954 thời chúng tôi còn ở ngoài đó, đất đai của giáo xứ Thái Hà rộng tới sáu chục ngàn mét vuông (6 hecta, tức là 6 mẫu tây) do các cha DCCT mua. Lúc đó người ta chưa dùng từ Gx. Thái Hà, mà gọi là Nhà Thờ Nam Đồng, vì nhà thờ nằm trong phố có tên là phố Nam Đồng. Sau này VC đổi là phố Nguyễn Lương Bằng. Nhà Thờ Nam Đồng còn có tên gọi khác nữa là Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Giáo dân khắp nơi ở Hà-nội cứ chiều thứ bảy là lủ lượt kéo về chầu lượt – tức là có nhiều giờ chầu trong buổi chiều các ngày thứ bẩy, họ gọi là đi “Đền” (bao hàm ý nghĩa làm việc tôn kính, và xin ơn Đ. Mẹ HCG).
Suốt khoảng đời từ ấu thơ tới thời niên thiếu của Thúc Linh Tâm tôi, với bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu mộng mơ cô Thủy biết không, là những dấu chân chạy dài trên khắp vùng đất rộng của giáo xứ Thái Hà, Hà-nội. Sang đầu thế kỷ 21, tôi mới có dịp trở về thăm quê hương. Trong lòng người tha hương viễn xứ, có ai không muốn lội ngược giòng thời gian, để tìm về những dấu chân kỷ niệm của tuổi thần tiên? Tôi dẫu biết chốn thiên thai, hoa mộng của thời niên thiếu đã tan tành, nhưng lòng vẫn muốn tìm về. Hôm ấy, tôi chôn chân trước cổng Giáo xứ Thái Hà một lúc lâu, mà vẫn không tìm đâu ra đường xưa lối cũ! Tất cả đã đổi thay không thể nào ngờ! To thì hóa nhỏ, rộng thành hẹp. Khoảng đất dài thủa xưa tưởng chừng thẳng cánh cò bay, với bao nhiêu ao cá, với mấy sân banh, một khu nhà dòng với bao nhiêu trường lớp, với những hội trường, với hồ nước Đức Mẹ … tất cả đã không còn nữa! Duy nhất chỉ còn lại một ngôi Thánh đường xưa, với một khu nhà các cha, các thày ở mới làm sau này! Chẳng còn vết tích một dấu chân kỷ niệm nào của thời niên thiếu, bao năm tôi vẫn tưởng nó sống mãi trong tôi! Nữ nghệ sĩ đấu tranh: Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Nguyệt ánh đã viết trong bài “Một lần đi” là một lần vĩnh biệt! Còn tôi, một lần về mới chính là lần vĩnh biệt tất cả những kỷ niệm trong hồn mình, vì trước mắt đã không còn lại hình ảnh nào của ngày xưa cũ! Đó là hai lý do khiến tôi cứ băn khoăn trong những năm tháng đợi chờ ngày tàn của một chế độ buôn dân, bán nước! và cứ tự hỏi nó tàn bằng cách nào?
Tại cô hỏi, nên tôi mới lang thang trong những tâm tư vụn vặt! Xin lỗi cô đã phải lắng nghe!
- Đừng tưởng người của TGTL không nói chuyện phiếm.
– (Th): Cháu biết chú rất nóng lòng trông đợi! Song cháu chưa dám nói, vì là thời gian của Chúa, hễ ta chờ thì thấy rất lâu, nhưng khi đến thì lại rất mau. Một khi Chúa đã ra tay, thì chế độ sẽ phải xập. Nhưng chú cháu mình thử bàn xem, theo chú khi Chúa ra tay, thì chú nghĩ là con người đánh con người, nói ra vẻ chính trị một chút là người ta thanh toán lẫn nhau, hay là sẽ do thiên tai ập xuống?
– (T): Thiên tai thì vẫn có hoài rồi, cho dù sau này thì những tai họa ngày càng lớn hơn! nhưng chỉ trong một tô giới nào đó thôi! Tôi nghĩ thời này, Chúa không xóa sổ theo kiểu những thời kỳ trong Cựu Ước – nghĩa là không như Đại Hồng Thủy, hoặc giống như thành Sô-đô-ma, thời ông Lót! Nhân loại hôm nay khác con người thời xưa! Tôi nghĩ Chúa cũng sẽ xét xử theo túi khôn của loài người!
– (Th): Thế nghĩa là theo chú thì họ sẽ đổ theo kiểu thanh toán lẫn nhau?
– (T): Tôi cũng không nghĩ như vậy! Những chế độ độc tài, chúng thanh toán nhau để củng cố quyền lực, chứ không phải tàn sát nhau tới chỗ chẳng bên nào sống còn!
– (Th): Chú cũng không hy vọng kiểu đó! Thế hay là sẽ có một cuộc “cách mạng nhung” mà nước Mỹ sẽ châm ngòi?
– (Tôi cười): Tôi thật không ngờ cô biết dùng từ đó!
– (Th): Chú thật là … hết ý rồi! Tại chú là người trần gian, nên cứ cho mình khôn hơn người của thế giới khác?
– (T): Chuyện đó thì tôi chẳng dám! Tôi chỉ thấy Chúa bảo: “Con cái thế gian thì khôn ngoan hơn con cái sự sáng” (tôi cười).
– (Th): Chú viện chứng hay quá, làm cháu nhớ chuyện công nương Diana của Nước Anh, dạo bà ta đến viếng Nữu Ước, có người đã bỏ ra cả 100 ngàn đô để chỉ xin được ngồi gần công nương trong bữa tiệc thành phố đãi đằng. Cháu nghĩ giá thời ấy chú Tâm mà có tiền, thế nào chú cũng mua cái chỗ của ông đó với giá 200 ngàn đô, để cho cả thế giới biết tiếng?
Người tâm linh khờ lắm chú ạ! Nếu có số tiền như vậy, thì lại đem tổ chức một bữa ăn cho những người nghèo khó! Cho nên cháu còn phải học chú nhiều!
– (T): Thôi đi, cô đừng có châm biếm tôi nữa! Tôi thua cô! Nhưng mà cô Thủy này, nếu như sau này tôi ghi chép tất cả những chuyện đùa giỡn này, cô nghĩ … thiên hạ có cho là tôi bịa ra không đấy?
– (Th): Cháu đã nói với chú từ lâu rồi, là chỉ có cô chú, mẹ cháu, và các em, sau này có thể các con, cháu của cô chú là có thể còn tin cháu, chứ thiên hạ thì giống như câu nói của Tổ phụ Ap-bra-ham nói với ông phú hộ, khi ông ta xin cho Ladarô trở về báo cho các anh em của ông, để họ khỏi sa vào chốn cực hình như ông, nhưng Apbraham nói: “Nếu họ không chịu nghe ông Mô-sê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu nghe đâu” (Lc 16,31). Đó là cháu nghĩ vậy! (Còn tiếp)