Vẫn ngày 20. 5. 2009

  1. Chuyện Mua Bán trong Nhà Chúa, với sào huyệt của bọn cướp.

– (Tôi tiếp tục nói chuyện với chị Quý về yêu cầu của cô Thủy): Bây giờ chúng ta vô đề đi thôi! Trong khi thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu ở thành Giêrusalem, Ngài đã tới viếng Đền Thờ, nhưng khi vô tới Đền Thờ, thì Người vô cùng chướng tai, gai mắt và giận dữ, vì thấy người ta bày bán đủ thứ, kể cả thú vật, trong nhà Cha Người! Người đã nổi cơn thịnh nộ, “Lấy giây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền Thờ; Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2, 15&16); Thánh Mac-cô còn viết: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Cha Ta là nơi cầu nguyện của các dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cuớp!” (Mc 11, 17).

Đó là phần tôi trích dẫn từ Tin Mừng để chúng ta nhớ lại, và cho thấy tại sao Chúa giận và nổi cơn thịnh nộ. Ấy là khi người ta làm ô-uế nhà Chúa.

Từ chia trí nghe thì xoàng lắm! vì quá đỗi quen thuộc! Lúc đầu cô Thủy lại phân tách cho chúng ta biết, có đủ mọi hạng người đang đối diện với Chúa, còn Chúa thì đang lắng nghe, nhưng thực ra họ lại chẳng nói gì với Chúa cả! Trong đó, có kẻ thì đang tính toán chuyện làm ăn, buôn bán; Có kẻ suy nghĩ làm ap-phe; Có người đang lo chuyện đãi đằng, suy tính chuyện ăn uống; Lại có những bạn trẻ suốt buổi lễ chỉ nghĩ đến việc sắp xếp chỗ ăn chơi, hẹn hò với người yêu, hay cả với bạn bè và chỉ chờ cho Thánh Lễ mau kết thúc v.v… Như vậy, đối với Chúa nếu nhà thờ không bị người ta biến thành nơi buôn bán, chỗ du hí, thì cũng thành nơi sào huyệt trộm cướp của trí não! Đúng không?

– (BQ): Thế nào là sào huyệt trộm cướp của trí não?

– (T): Mới đây chị có đồng ý với tôi về chuyện: nếu như một tuần ta kiếm được 500 đồng, thì dễ biết hơn là một tuần mình có thêm được bao nhiêu tư tưởng. Cũng thế, nếu ta nghe ai nói có người bê mất thùng tiền trong nhà thờ, thì ta đã xác định ngay được tội ăn cắp rõ hơn, là ai đó lấy trộm thời gian của Chúa trong nhà cầu nguyện của các dân tộc! Chị nghĩ coi: Một nơi mà có nhiều người chuyên “ăn cắp, ăn trộm” của Chúa như thế, thì có đúng với câu Chúa nói: “Các ngươi đã biến nhà Cha Ta thành sào huyệt của bọn cướp” không?

Trước đây, tôi nhớ có lần chị hỏi cô Thủy: “Các cha xây nhà thờ cho giáo dân đi lễ, cầu nguyện, lại lo tiền bạc trong nhiều năm thì cũng cực lắm chứ, mà sao Chúa lại bắt tội? hôm ấy cô Thủy bảo là con phải đi hỏi Chúa, lúc trở lại cô cho hay: “Chúa bảo khi các cha vì muốn xây nhà thờ cho to, cho đẹp, nên mất nhiều năm cứ lo chuyện tiền bạc, lẫn lo cho danh dự mình, để sự phục vụ bị sao lãng! Làm cái gì cũng để hết tâm trí vô đó! Chúa bảo các cha khi ấy cũng không khác gì làm tôi hai chủ vậy!”

(Ghi chú: Bạn có thể đọc, hay nghe lại TGTL#45; số 309 về câu Chúa nói đó).

Chị thấy không, các cha mà bị Chúa bảo là làm tôi hai chủ thì nặng lắm! mà chủ vật chất thì cứ sờ sờ ra đó, chứ Chúa thì vô hình, nên người ta dễ quên, và coi nhẹ lắm! Cha cũng là con người thôi! Mà Chúa thì lại rất sành tâm lý khi Ngài nói: “Hễ tiền bạc của cải ở đâu, thì lòng trí của họ ở đó”. (Tới đây thì buổi nói chuyện tạm ngưng vì đã trễ).

 

  1. Ghi chú đặc biệt: Sợi giây & Cây cột. Đời người như cuộn phim. Lửa Tình yêu trong bàn tay cha Pierre Teilhard de Chardin.

Tác giả cũng xin nhắc lại câu đố của cô Thủy ngày 20. 5. 2009 khi nói về chuyện con người ai cũng thường hay chia trí trong những giờ đọc kinh, cầu nguyện, hay dâng lễ. Nhớ tối hôm ấy cô bảo trí óc con người chẳng khác nào như một con vật bất kham! Muốn thuần thục nó, có khi ta phải dùng giây cột, rồi mới điều khiển nó được! Cô Thủy ảnh hưởng phần nào óc khôi hài của cha cô và cũng có chút châm biếm. Cô còn bảo là cô tin tôi sẽ nghĩ được cách chế ngự con ngựa bất kham trong đầu mình! Sáng hôm sau, ngay lúc mới bước chân vô nhà thờ, tôi đã có ý tưởng phải chi có sợi giây vô hình nào đó để cột con ngựa bất kham của mình vào cây cột trong góc nhà thờ, để mình hiệp dâng Thánh lễ sốt sáng hơn! Từ đó “Sợi giây và Cây cột” ám ảnh trong tôi, và tôi nhất định sẽ có một ngày tìm ra sợi giây và cây cột vô hình này, chứ chẳng lẽ lại chịu thua!

Sợi giây và cây cột, luẩn quẩn trong tâm trí tôi một thời gian, rồi nó cũng bị “cuốn theo chiều gió”, y như mảnh đời vỡ vụn của Scarlett, người thiếu nữ trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Margaret Mitchell – Cuốn Gone with The Wind – Scarlet lớn lên phía sau màn khói thời chinh chiến, với bầy ngựa của mấy khu đồn điền ở Tara. Tôi cũng từng lớn lên trong một quê hương xứ sở đầy mùi thuốc súng, nên hiểu được tâm trạng những cô “gái thời loạn”. Từ buổi chia tay tuổi bình mình rực rỡ ở Tara; Giã từ tình yêu thơ mộng, đơn sơ, thanh khiết trong lòng cô thiếu nữ miền quê, trong một chiều thu có lá khóc tiễn đưa; Để người thiếu nữ mắt nai sớm nhuộm màu tịch liêu của những hoàng hôn xám tối.

Hôm nay tôi thi vị hóa câu chuyện “Sợi giây & Cây cột” một chút, để nói về Cuộc sống nhìn chung thì ai cũng vậy! Thời gian như cỏ rối bận bịu vướng gót chân, nhưng rồi tất cả mọi người đều phải ráng bước đi, đôi khi còn phải tháo chạy. Tâm não con người giống như người thợ quay phim đuổi theo đời mình. Từng mảnh đời được thâu vô tiềm thức: Từ tuổi thần tiên đến vào đời lăn lóc, để rồi cứ đến mỗi chặng dừng chân, thì những thước phim, bất kể là những gì có cần được chọn lọc hay không, cứ thế xả ra! Có thể nguồn gốc của sự chia trí là ở đó!

Nhưng khi Thượng đế ban cho bộ óc khả năng hoạt động như một cái máy thâu hình, thì Ngài cũng muốn chúng ta có những lúc dừng chân, đứng lại, vừa để nghỉ mệt, lấy sức đi tiếp, mà cũng đồng thời đưa ta lần về kỷ niệm. Chính những kỷ niệm mới cho ta thấy ý nghĩa và sự phong phú của cuộc sống, y như đời người của một cô gái trong “Cuốn Theo Chiều Gió”. Đấy là nói chung cho tất cả mọi con người trong nhân loại.

Còn hễ ai tin vào Thiên Chúa, thì khả năng nhìn về quá khứ đời mình, còn giúp con người khám phá những điều tuyệt diệu phát xuất từ tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho từng cá thể.

Cũng vậy, trong chính những thời gian nhìn lại, tôi khám phá ra nhiều điều thuộc về những ngày tháng đối diện cùng trò chuyện với Người của TGTL. Những cuộc gặp gỡ thần thánh, Những Lời dạy bảo của Chúa. Những câu trả lời trực tiếp của Mẹ, đã làm rung động một tâm hồn chai cứng như tôi. Đã khai thông bức vách chắn ngang con đường sạn đạo, giống như câu nói của cha Pierre Teilhard de Chardin (1): “Sẽ tới một ngày, sau khi đã chế ngự không gian, gió, thủy triều, và trọng lực, chúng ta sẽ chế ngự năng lượng của tình yêu thay cho Thượng đế. Ngày đó, lần thứ nhì trong lịch sử của thế giới chúng ta khám phá ra lửa”. Tôi suy ngẫm câu nói đó của vị LM tài danh, và nghĩ bất kỳ ai cũng có những vấn đề cần chế ngự, từ những bước cản này, tới những vệ tinh xa lạ của thuở vào đời, như những sa thạch cứ thế liên tiếp bắn vào hành tinh đời mình, nhưng rồi Thượng đế lại bù đắp cho ta sự khám phá mới về năng lượng của tình yêu. Vì chính ngọn “Lửa Tình Yêu” của Chúa đã đốt cháy không chỉ thời gian và không gian, mà ngay cả khoảng cách bí mật và huyền diệu giữa hai thế giới, để con người và Thiên Chúa được gần gũi, cận kề. Tôi đã có được những cảm nghiệm rất thực như vậy rất nhiều lần trong suốt mười năm qua, cứ y như Thiên đàng hiện hữu ngay trong không gian mình đang sống. Một TGTL sống động có kẻ ra, người vào, nhất là những linh hồn đã quen thuộc. Còn Chúa và Đức Mẹ thì ngự trong một khoảng cách rất gần, có thể là ngay bên, lúc nào cũng nghe những câu chuyện tôi đang nói dù chơi hay thật với sứ giả của Mẹ, và có đôi lúc Người cũng trả lời, hay bảo ban tôi. Tất cả những sự kiện ấy trong suốt mười năm trời, đã làm nên chất liệu cho cuốn sách bạn đang nghe, hoặc đang đọc: Đó là “Thế Giới Tâm Linh” của tôi và của bạn. Tôi muốn mượn ý của Nathaniel Branden, một nhà tâm lý học, để viết: “Có những cuốn sách phong phú và đa dạng, vì nó cung cấp cho chúng ta những giá trị của một chân trời mới. Mỗi người sẽ tìm ra ở đó một số hình ảnh của mình, những hình ảnh làm rung lên những sợi giây nhậy cảm, mà vì yêu thương, ta lại muốn chia sẻ cho mọi người”. Ở đây tôi muốn thêm rằng không chỉ là một thế giới mới, mà là thế giới chắc chắn chúng ta sẽ gặp. Nếu biết trước về thế giới ấy, có thể sẽ giúp chúng ta thích thú và hăm hở khi sắp sửa bước vào, chứ không phải là một sự gì phải đương đầu trong lo sợ! Thế giới ấy ấy chính là Thế Giới của Tâm Linh.

 

(Chú thích: Linh mục Pierre Teilhard de Chardin, thuộc Dòng Tên, ông sinh năm 1881 tại lâu đài Sarcenat, nước Pháp, qua đời năm 1955, tại Dòng Tên, Hoa Kỳ. Ngài là một triết gia lỗi lạc, cũng là nhà địa chất học và cổ sinh vật học danh tiếng. Dựa trên công trình nghiên cứu khoa học, Cha Teilhard đã khai triển một nền thần học biến hóa, trong đó mọi sáng thế đều phát triển hướng tới một “Điểm Omega” là Chúa Kitô. Ngài từng được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI khen ngợi là một nhà thần học, triết học & Khoa học của thời đại, nhưng thành công bao nhiêu, thì cuộc đời của cha Teilhard cũng “đầy sóng gió, bão táp” bấy nhiêu. Đó là điều cũng làm tôi suy nghĩ! Một trong những tác phẩm được nhiều người biết đến là “Thánh Lễ trong sa mạc”, hay “Thánh lễ vũ trụ”. Đây là một tiểu luận được nhiều người ưa thích – Tiểu luận về Lửa – Cha Teilhard đã biến toàn bộ trái đất thành bàn thờ. Ngài dâng lên mọi lao công và đau đớn của thế gian. Bánh lễ bao gồm mọi sự đang bừng lên, đâm chồi nở hoa và kết trái; rượu lễ là mọi sự đang bị sói mòn, tàn tạ và những xao xuyến, chết chóc hóa thành máu. Trong ý nghĩa đó, Chúa Kitô ở khắp mọi nơi, và thế gian được truyền phép thành chính máu thịt Người. Khi vươn tay cầm lấy “bánh rực lửa, ngài tìm thấy Thiên Chúa: “Người được đầy tràn tình yêu tha thiết Chúa Giêsu ẩn tàng trong các sức mạnh đang đem lại sức sống cho trái đất. khi rót vào chén thánh là rót vào sự đắng cay của mọi xa cách, mọi giới hạn, mọi đau khổ, dâng lên Chúa và ngài nghe tiếng Chúa nói: ‘Tất cả hãy uống chén này”).

Bẵng đi thời gian đã lâu, sau khi tưởng như khám phá ra nguồn gốc của nhửng vấn đề khiến cho con người luôn bị chia trí, thì sẽ tìm ra được cứu cánh của mục tiêu câu hỏi là làm thế nào để triệt tiêu chúng theo ý muốn những khi cần thiết? Nhưng không dễ như ta tưởng! Hầu hết chúng ta được chỉ dạy phải tập trung tư tưởng vào việc suy niệm. Nhiều lần cô Thủy cũng nói mẹ cô: “Mẹ đọc kinh mà không suy niệm, miệng đọc mà trí nghĩ đến chuyện này, chuyện kia, thì không ơn ích gì cả!”. Tôi bắt đầu quan tâm tới việc “Suy Niệm”.

Chữ Suy niệm, hay Tĩnh tâm (Méditation) của người Công giáo quen dùng đồng nghĩa với chữ Zen trong tiếng Nhật, là Dhyana và Samadhi trong tiếng Phạn, hay là chữ Thiền của người Trung Hoa. Thiền (Dhyana) thường đi đôi với chữ Định (Samadhi), thành một từ ngữ kép đầy đủ ý nghĩa hơn. Vì Thiền có nghĩa là suy gẫm, tưởng nghĩ về một điều thuộc chân lý. Định là thanh tịnh, là yên tĩnh, là lắng lòng. Vậy để việc suy niệm có kết quả, ta phải tĩnh tâm, tức lòng mình phải lắng xuống, rồi trí thì suy xét, tưởng nghĩ về Chúa. Thực ra trên lý thuyết thì ai cũng biết là như vậy, nhưng khi thực hành thì ở trên tôi vừa nói là không dễ! Vì có điều kiện sinh hoạt, nên tôi đã làm một cuộc xét nghiệm, thì 99% những câu trả lời là không làm sao điều khiển được tâm trí theo một độ bền nhất định! Người nào cũng chỉ kéo dài được dăm ba phút là cùng, hoặc có người rơi vào tình trạng căng thẳng sau đó! Con số 1% bảo là được, thì hoàn toàn nằm ngoài dự tưởng của tôi. Tôi đã bỏ ra một năm trời ngay sau đó, thử nghiên cứu môn Thiền định phương Đông. Tuy nhiên, tôi không có điều kiện để tham dự một khóa tọa thiền như linh mục Nguyễn Tầm Thường, hình như cũng cùng thời gian tôi có dự tính, thì ngài đã cất công qua tận xứ sở phát xuất môn học thiền định là Ấn Độ, ghi danh và thực hành (tôi biết vì đọc sách ngài có viết về chuyến đi đó). Cuối cùng thì tôi đành phải bỏ giờ nghiên cứu trên sách vở, chung qui cũng chỉ vì một câu đố, mà mình quyết tâm đi tìm cho được “Sợi giây & Cái cột”.

Nhưng ngay sau khi đụng vào sách vở, khái niệm của môn học đã nói cho tôi biết, những người chưa tập thiền định cần biết rằng lý thuyết suông sẽ không đưa người ta đến được sự thông đạt nghĩa lý sâu thẳm. Nói một cách khác là sẽ không thể gặt hái được kết quả của sự mong muốn nếu không thực hành! vì bốn chữ “Tâm viên ý mã” nằm ngay trước cửa động, tức là trước Thiền Môn (Các bạn trẻ cần biết: Thiền là thiền định đã được giải nghĩa ở trên; Môn là cửa. Thiền môn là ngay ngưỡng cửa của môn Thiền định). Viên là con khỉ; Mã là con ngựa. Nghĩa là tâm của con người khác nào con khỉ, luôn nhẩy nhót, chẳng lúc nào chịu ở yên; Ý của con người giống loài ngựa hoang, cũng là thứ ngựa rừng. Muốn điều khiển chúng, ta phải làm cách gì thuần được nó? Gần như điều trước kia cô Thủy nói! Dĩ nhiên tôi không dễ bỏ cuộc! Tôi đọc hết cuốn này sang cuốn khác để tìm hiểu cách tu tâm, dưỡng tánh. Vì trên lý thuyết: Tâm tạo nên những tư tưởng, vì tâm thức là cái biết của lý trí; ý thức là cái biết của ngũ quan. Nó làm nên tánh khí con người. Tánh theo Tây phương gọi là bản năng, những cái có chiều hướng xu phụ các thói quen, tật xấu, cho nên: Tu tâm là học cách điều hòa cái tâm, định tâm, bình tâm, sao cho cái tâm của mình thản nhiên trước mọi ngoại cảnh, mọi biến cố của cuộc đời. Luyện tánh là để thông cái ý cho nó có khả năng diệt các thói quen hư hỏng, hay tật xấu; Nhất là xa lìa các nhục dục, khoái lạc, buông ra các sự thèm muốn của giác quan, vì chúng là nguyên nhân khiến ta lâm vào mê muội, hoặc sinh những tánh “ghiền”. Muốn diệt cái này, luyện hay tập cái kia, ta phải hiểu, phải biết tức là học một chữ “thức”. Muốn hiểu chữ thức, ta còn phải học sáu căn và lục trần. Sáu căn bao gồm: Mắt, lỗ tai, lỗ mũi, lưỡi, thân (bao gồm da, thịt) và ý (ý là cái thuộc phạm trù vô hình – Tây phương gọi là giác quan thứ sáu); Lục trần thì bao hàm: Sắc (hình thể), Thinh (cái tiếng – lặng thinh: im tiếng), Hương (cái mùi), Vị (cái chất có thể nếm), Xúc (Cái cảm giác do đụng chạm bởi da, thịt), và Pháp (cái để hiểu biết, hay diễn tả sự vô hình). Độc giả hoặc Thính giả muốn hiểu rõ xin đi vào nghiên cứu, nhưng tác giả đã nói ở trên: Nếu chỉ thuần bằng lý thuyết thì cũng không đạt sở nguyện. Bạn nào có điều kiện, hãy theo chân LM Nguyễn Tầm Thường qua Ấn Độ ghi danh học Thiền Định Thực Hành, hy vọng đạt được kết quả.

 

  1. Vẫn trong phần Ghi chú đặc biệt: “Chuyện không cầu mà tới”.

Euréca! Tôi đã tìm thấy!

 

Ngày tháng trôi đi qua mau, tôi đã dường như chịu thua không có đáp án cho câu đố của cô Thủy là làm thế nào để thuần hóa được con “ngựa chứng” trong đầu của mình! Vào một ngày bất ngờ của vài năm sau đó, tôi đang ngồi đọc sách, chợt nghĩ tới “Sợi giây & Cây cột”. Tôi dừng lại và tiếp tục suy nghĩ. Đúng rồi, tại sao tôi lại không nghĩ ra một việc làm đơn giản như thế! Có khi nào đọc sách mà trí óc ta nghĩ sang những chuyện khác bao giờ! Nếu đọc sách mà óc lại thường xuyên chia trí, thì sẽ chẳng ai học hành gì được cả! Thôi đúng rồi! Thế là tôi bắt đầu thực tập ngay Thánh lễ sáng hôm sau. Tôi bảo đảm với các bạn nếu các bạn dùng sách suốt từ đầu tới cuối Thánh lễ, bạn sẽ không có một phút nào bị chia trí! Với thời đại hôm nay, sách vở, máy móc cung cấp đầy đủ cho bạn các ngôn ngữ dùng trong các Thánh lễ: từ các phần đối đáp, các bài đọc, cho tới Phúc Âm mỗi ngày trong suốt năm. Tôi xin nhấn mạnh: Ngay các phần đối đáp với chủ tế là những câu ai cũng có thể thuộc lòng, nhưng nếu chỉ đọc xuông miệng, thì đầu óc bạn vẫn có lúc bị phân tán! Từ đây, con vật bất kham trong óc bạn đã bị con mắt làm sợi giây, cột nó vào những giòng chữ trong sách, và nó bị dẫn đi theo những ý từ ở trong cuốn sách bạn cầm trên tay. Cuốn sách trở thành “Cây cột”. Bạn biết không, sự khám phá bất ngờ này cũng làm cho tôi thú vị, như khi nhà Khoa học cổ đại Archimèdes đang tắm trong giòng sông, bỗng ông khám phá ra sức đẩy của nước, khiến ông đã la lên cách điên cuồng: Euréca! Euréca! (tôi đã tìm thấy! Tôi đã tìm thấy!). Tôi cũng đã cố ý kéo dài đoạn này để bạn cần theo dõi, vì trong đời có những điều rất bình thường, nhưng lại thật quan trọng! Cụ thể như việc chia trí trong nhà thờ, nếu chỉ nói sơ, thì bạn dễ bỏ qua! Tuy nhiên tôi thành thật xin lỗi, nếu có ai đặc biệt không bị rơi vào trạng huống bình thường này! Và nếu có được ơn đó, thì bạn là người may mắn nhất để cảm tạ ơn Chúa! Vì chia trí là bịnh của mọi người./.