Thứ Sáu, ngày 09/10/2009 (9.45pm)
nói chuyện với chị Thủy tại nhà Hợp
- Một Giấc Mơ: Cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái, dù nó sống hay đã chết!
– (H): Sáng thứ ba 06/10/09 (lần đầu tiên em nằm mơ vào buổi sáng) em nằm trên giường nghỉ ngơi, vì đang trong thời gian ở nhà để dưỡng bệnh. vào khoảng 9.30 sáng em nằm để điều dưỡng chứ không phải là ngủ, lúc đó bác hàng xóm đang dọn nhà, bên ngoài xe truck đang khiêng chất đồ đạc lên xe rất ồn ào, khiến người ta chẳng thể ngủ được, vậy mà em lại ngủ thiếp đi không hay và em nhìn thấy có 1 đứa bé xuất hiện bên ngoài cửa sổ đang nhìn em cười. Nó có 1 cái răng khểnh, tóc quăn, da ngăm đen, em đoán nó là con trai, em nhớ rất rõ nó mặc chiếc áo thun màu xanh đậm, quần màu vàng. Em lại nghe có tiếng nói bên tai của mình nói là: Tội nghiệp thằng bé mới được khoảng 6 tuổi. Điều lạ nữa là trong giấc mơ mà em vẫn nghe được tiếng ồn ào ở bên ngoài. Em còn tự nói với mình rằng sao buổi sáng mà lại ngủ được, mà lại còn nằm mơ nữa! Tiếng ồn bên ngoài sau đó to hơn nữa, nên đánh thức em dậy. Em nhìn đồng hồ lúc đó là 10.30 sáng. Em muốn hỏi đứa bé ấy là ai? Và tiếng nói đó là của ai?
– (Th): Trước hết là giấc mơ ban ngày, để chị đi kiếm. (chút xíu chị Thủy trở lại cho biết): Chị đi hỏi được biết linh hồn này là một cậu bé nhà nghèo, bố mẹ đem vào nhà xứ nhờ Cha nuôi, nếu cha thấy được thì cho nó đi tu luôn. Khi được 6 tuổi, cậu bé đó bị bệnh đậu mùa rồi chết. Tên thánh là Gia-cô-bê, vì còn bé nên gia đình nghĩ không cần cầu nguyện cho cậu ta, cứ cho rằng còn nhỏ thì đương nhiên lên Thiên đàng! Tuy còn nhỏ thì cũng không có tội gì nặng, song phải có người thay mặt gia đình xin ơn Chúa cho nó, giống như hai vợ chồng họ, dù có nhờ cha xứ nuôi để mai này cho đi tu, thì cũng phải vào nói với cha. Đó là trách nhiệm, bổn phận đối với đứa con mình đã đẻ nó ra, chứ không phải cứ sanh con ra, rồi nó muốn ra sao, thây kệ nó là không trúng!
(Luận về Sinh tử: Chúa trao cho ta một đứa con, cũng giống như câu chuyện dụ ngôn về nén bạc người kia được trao phó, nhưng đã đem chôn, cất dấu đi, đợi đến khi chủ về thì trả lại. Như thế tức là không có trách nhiệm và bổn phận gì cả!
Rất nhiều người đứng trước sự sống hay cái chết, cứ y như là kẻ vô trách nhiệm, nhẹ thì xem như sự may rủi của cuộc đời; nặng thì cho là một tai nạn! Đừng nói là chết, ngay cả sanh một đứa con ra, đáng lẽ phải lấy làm trân trọng cảm tạ chúa, đã vì yêu thương mà ban cho hai người một tình yêu mới, là chính mầm sống mới nơi một con trẻ. Thế nhưng đã có không ít người lấy chuyện mang bầu, sinh con làm sự buồn rầu, đau khổ; Có khi bực bội, vội vã trách trời, oán Thượng Đế, vì coi nó như là một tai nạn ông trời giáng họa xuống cho đời mình!
Tuy rằng quyền sinh tử nằm trong tay Thượng Đế, nhưng khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do, và không chỉ làm chủ vạn vật, mà còn làm chủ cuộc đời mình. Chính Thiên Chúa đã phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như* chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi vật bò dưới đất.” (St 1,26). Trong phần chú thích Kinh Thánh sách đã dẫn: Con người là hình ảnh Thiên Chúa vì là một bản vị có lý trí, ý muốn, quyền năng, và nhất là sẽ còn được ân sủng, được thông phần thiên tính trong Đức Kitô, vì thế con người là chóp đỉnh của tạo thành. Sách Thánh Vịnh cũng đã viết: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6&7). Giống Thiên Chúa tức là một con người hoàn toàn tự do, và làm chủ lấy mình. Bởi vậy không có gì mà không do mình tạo ra, vì lẽ vô nguyên nhân bất thành hậu quả. Nguyên nhân ấy bởi mình, sao lại trách trời? Thiên Chúa chỉ muốn đồng hành, hay cộng tác với chúng ta, chứ Thiên Chúa không áp đặt! Ngài là Thiên Chúa của Tình Yêu, chứ không phải là một Chúa Tể của độc tài, và áp bức! Ngài gọi chúng ta là con, chứ không bố thí kiểu dàn dựng trên những kiếp đời nô lệ, mà nhiều khi con người dàn dựng ra cho nhau! Cô Thủy lại tiếp tục nói với Hợp):
– (Th): Em biết không, trong TGTL một chút gì cũng đều có qui luật cả! Dẫu rằng ai cũng được Chúa thương, dầu vậy, sự ban phát tình thương của Chúa cũng được Chúa đối xử theo qui luật của sự công bằng, đối với tất cả các linh hồn. Nay cậu bé đó tuy đã đến ngày giờ được Chúa xét. Chúa vẫn muốn có sự đồng hành của thế nhân. Em hãy thay gia đình kia, dâng lễ, cầu nguyện giúp cho cháu ấy! Tên của cậu bé là Gia-cô-bê Nguyễn văn Thương. Còn những ngoại cảnh khác xảy ra trong giấc chiêm bao, kể cả tiếng nói, đều là cách thức đánh động của thánh bổn mạng cậu bé làm nơi em.
Còn em cũng đừng thắc mắc gì hết, rằng tại sao mình lại phải lãnh trách nhiệm của cặp vợ chồng kia! Em hãy nhớ lại dụ ngôn về nén bạc, vị quân vương kia đã bảo các tôi tớ của ngài rằng “ai đã có thì được cho thêm, còn ai không có thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi”. Vậy em cứ nhân cơ hội tiếp nhận vào những cái mình được ban cho, hầu bù lại những cái mình đã, hoặc sẽ bị lấy đi vì chính những yếu đuối, hay lỗi phạm của mình trong cuộc sống, bởi xưa đã có câu “Không ai nắm tay thâu ngày tới sáng”. Cậu bé kia giống như nén bạc người nọ đã phủi tay không thừa nhận, thì bây giờ nó được trao cho em, hễ em cầm lấy thì phần sinh lời sẽ thuộc về em mai này khi em bước vào cỏi sống Tâm linh. Đó là chị bảo thật!
Chú thích: Dụ ngôn về nén bạc: “… Rồi người thứ ba đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Ông nói: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!’ Rồi ông bảo những người đứng đó: ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén’. Họ thưa ông: ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi’ – ‘Tôi nói cho các anh hay: Phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; Còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” (Lc 19,20-26).
- Giấc mơ: Cuộc sống là một sự liên đới. Không có cái gì tự sinh và tự hủy.
– (H): Đêm thứ ba cùng ngày, em mơ thấy trong ca đoàn có một người bị chết. Ca đoàn phụ trách những buổi hát lễ tang. Khi tất cả có mặt trong nhà thờ để hát, thì em được giao cho giữ một baby. Em không biết nó là gái hay trai. Khi em ẵm nó trên tay thì thấy nó đã bị đói lả đi rồi! Em vội vàng lấy một ít bánh mì, nhai nát ra và đút vào miệng nó, vì nó là baby chưa biết nhai, nên em phải mớm cho nó, nó nhận thấy có gì bỏ vô miệng nên nó bú nuốt và nó tỉnh táo lên một chút. Em tiếp tục nhai bánh mớm cho nó, nhưng khi em đưa chiếc bánh lên miệng để cắn, thì chiếc bánh đó lại phồng to lên trông giống như mặt của đứa bé mới sanh và khi em cắn 1 miếng thì chỗ em cắn lại là mặt của nó, làm mặt nó bị chảy máu và máu còn dính vào 2 bên khoé miệng của em. Em muốn hỏi đứa baby này là ai? Tại sao em lại thấy mặt một baby khác khi em cắn miếng bánh?
– (Th: Sau mấy giây đi hỏi, cô Thủy cho Hợp hay): Giấc mơ ban đêm của em chị đi hỏi thì được biết: chuyện đứa con của một người mẹ đang phải ở một nơi tăm tối, chị này ở nơi đó, vì khi sống có sanh non một đứa bé, song vì nghèo không muốn nuôi, nên chị ta đã gói vào giấy và vất vào chỗ bụi gai. chuyện này chị nghĩ người mẹ thì chắc là mình khỏi hỏi thăm, vì không phải nghèo là có thể được bỏ đứa con mình vừa sinh nó ra, và chị ta cũng chưa có dấu hiệu được Chúa xét! Song đứa nhỏ mà trong giấc mơ em được trao cho ãm là con của chị ta. Chị nghĩ em nên xin cho nó được vui, vì thánh An-tôn chị được biết là quan thầy của bố nó, đã được Chúa cho ngài thương và cứu giúp nó. Chính thánh An-tôn đã đặt nó vào giấc mơ của em. Gia đình này tuy có đạo, nhưng khi vợ về kể lại chuyện mình đã gói gém cẩn thận, thì chồng cũng không hỏi kỹ, và cả hai cùng không cầu xin cho LH đứa nhỏ con mình gì hết cả! Vì thế đã lâu lắm rồi, bây giờ cháu bé nếu tính theo thời gian, năm tháng trên trần gian, thì nó cũng đã lớn chút ít, song nó được đưa về với hình ảnh bị mẹ bỏ một cách vô trách nhiệm, đó là nói lên mục đích, cùng lý do đứa trẻ được chiếu cố. Còn hình ảnh em thấy nó biến ra một baby mới sanh trên mặt nó bị chảy máu, là biểu thị việc em bé vừa sinh ra là bị vất trong bụi gai. Vậy chỉ cần em dâng lễ, cầu nguyện cho LH An-tôn, vì cháu được thánh An-tôn nhận, như đã nhận làm quan thầy của bố nó, thì em bé sẽ được Chúa ban cho về bên Chúa.
(Lời bàn: Đây cũng là trường hợp cha mẹ vô trách nhiệm. Cho đến số này, chúng ta đã gặp khá nhiều chuyện cha mẹ bỏ con. Thường người ta cứ hay nghĩ đứa bé bị bỏ, thai nhi bị hủy diệt, thì chúng đâu có tội tình gì mà cần cầu nguyện cho các em bé đó? Thế gian lại thường nói câu: “Tội ai nấy chịu”, thế nên cha mẹ làm, cha mẹ chịu. Nói như vậy nghĩa là con cái vô can? Đi vào thực tế cuộc sống, cái gì cũng có sự liên đới. Có liên đới tất có ảnh hưởng. Bản chất của sự liên đới thoát thai từ nguyên lý vũ trụ được tạo thành. Ngay từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã làm nên cái này cho cái nọ; Ngài lại tạo dựng cái nọ cho cái kia. Hầu hết các nhà khoa học đều công nhận: “Năng lượng không tự nhiên sinh ra hay mất đi, nó chỉ truyền từ vật này sang vật khác”. Cũng vậy, ánh sáng được tạo nên cho bóng tối. Sáng gọi là ngày, tối gọi là đêm. Đêm cho ngày nghỉ ngơi; Sáng gọi đêm thức dậy. Mây, mưa, nắng, gió gọi tên bốn mùa. Không có nắng, cỏ cây không sinh hoa, kết trái; Không có mưa, đất đai khô cằn, vạn vật héo hon, báo hiệu sự chết chóc. Chẳng có gì trên đời tự lập, tự thao, tự tác; Không có sự gì mà không liên đới với nhau: Gió kéo mây, mây đem mưa, sau cơn mưa trời lại nắng. Cha mẹ bất hòa thì con cái lêu bêu, vất vưởng. Người lớn phạm tội đi ở tù, thì đám nhỏ ở nhà đói rách, khốn khổ, bần hàn v.v… Ta cứ nhìn vào lịch sử của một đất nước: Một người đứng đầu đi trật hướng, kéo theo cả một dân tộc trăm năm sau chưa chắc đã ngóc dậy nổi, tỷ dụ như nước VN hôm nay! Tại sao người xưa có câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”? Nguyên lý của cả phúc lẫn họa đều nằm trong sự liên đới! “Một người làm quan cả họ được nhờ”, thì cũng ngược lại! “Một con sâu làm rầu nồi canh”. Aristote định nghĩa “Người là con vật có lý trí (animal rational). có lý trí là biết có tình liên đới. Có tình liên đới là có trách nhiệm với nhau. Có lý trí vẫn chưa đủ! còn một điều cao hơn, đó là giá trị tâm linh: “Nhân giả thiên địa chi tâm”. Cái tâm bao gồm cả Trời đất. Người có cái tâm bao dung, hay chứa đựng được cả đất trời, là nhờ có Đức Ái. Chính cái đó làm thăng hoa con người thành hình ảnh của Thiên Chúa (ST 1,27 viết: Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa). Người mẹ giết con làm sao mang hình ảnh của Thiên Chúa được! Chiếu theo nguyên lý về sự liên đới, mà ở đây liên đới có tính cách ràng buộc. Nên sự ràng buộc tiến sâu thêm một bước, gọi là quan hệ mẹ con. Trong quan hệ ràng buộc, đứa bé trở thành đứa con của tội lỗi. Sự liên tưởng cho ta nhớ lại thánh vịnh 50 của Vua Đa-vit có câu:
“Này con, con đã chào đời trong ô uế, và trong tội, mẹ đã hoài thai con.” (Tv 50,7)
Tv. nổi tiếng của vua David về ăn năn, xám hối. Câu trên David nói về đứa con do vua và bà Bat-se-va vợ của ông U-ri-gia đã phạm tội với vua mà sinh nó ra. Do đó, đứa bé đã phải chết.
Thiên Chúa thiết lập một Hội Thánh Thông Công giữa Thiên đàng, Luyện ngục và trần thế chính là ơn ích của sự “liên đới” (khoản này đã được nói rồi). Thì cũng thế, Ngài cột sợi giây trách nhiệm vào những kẻ quan hệ với nhau, để cho biết rằng khi mình làm tội, thì hậu duệ của mình sẽ bị khổ. Nói một cách khác, đó chính là hình ảnh thu hẹp đã được mặc khải về tội tổ tông. Cũng vậy, khi chúng ta sinh ra mà chưa được rửa tội, chúng ta vẫn là con cái của tội lỗi, mà con cái của tội lỗi là con cái của sự chết! Chúa đã xuống thế để giải thoát con người khỏi làm nô lệ của tội lỗi, để cho con người được sống. Nhưng nếu con người vẫn tiếp tục làm nô lệ cho tội lỗi, thì sự chết còn tiếp tục bao phủ, vây hãm và lôi kéo con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Giấc mơ trên tác giả nghĩ chỉ là một trường hợp điển hình, giống như một dụ ngôn mà có thật. Một sự thật đã xảy ra có tương quan trong cả hai thế giới: Thế giới khi người mẹ diễn ra thảm kịch tội lỗi lúc sống trên đời, và thế giới tâm linh nơi người mẹ bị cầm buộc và đứa con bị ảnh hưởng).
Thứ ba, ngày 9. 2. 2010 (9pm) nói chuyện với chị Thủy tại nhà Hợp
- Giống như ở đời ta nạp đơn xin cứu xét. Hãy năng cầu nguyện cho các LH mồ côi.
– (Th): Năm con Cọp chưa đến, song em có muốn hỏi về sức khỏe không? Chị nói cho vui thôi. Chị nghĩ là em không thích, mà chỉ trông cậy vào Chúa. Tết ai cũng muốn họp mặt nhau để vui chơi, mình thì kẻ còn người mất, nhưng được Chúa cho thực hiện điều mà chị nghĩ giống như khóa học vậy! Hay là ta cứ đánh bạc xem sao, em có sợ không?
Hôm nay chị vui lắm, nên đùa cho em sợ!
– (H): Em không có máu đánh bạc, nên không sợ! Nhân chị về thì em cũng xin chị giải thích cho em một giấc mơ (Chú thích: khi gửi tài liệu cho tác giả, cô Hợp đã không ghi chép lại giấc mơ. Lúc T.G đánh máy thì thời gian đã mười mấy năm sau, nếu có phôn hỏi thì chắc cô cũng không thể nào nhớ lại được, nên T. G theo dõi phần giải mộng của cô Thủy cho Hợp, để tạm tóm gọn ý chính của giấc mơ là: Xưa có một NGƯỜI CON GÁI ngoan đạo, khi sống trên đời có làm được những việc lành theo như Chúa dạy, nhưng chết trong cô đơn. Các bạn sẽ có được kết thúc câu chuyện, sau khi nghe cô Thủy giải đáp giấc mơ sau đây):
– (Th): Bây giờ chị đi tìm cô gái ấy cho em. (Vài giây sau cô Thủy trở lại): Chị đi hỏi thì được biết cô ta khi sống ở trên đời có quen một bà sơ. Khi đất nước chia đôi, bà sơ trốn đi thì được cô giúp đỡ … rồi một thời gian sau cô bị bệnh chết. Cô gái đó có ơn với các vị con cái Chúa, Đức Mẹ, nên được bố đem về. Chị mở một cái ngoặc cho biết: Đôi khi Chúa giao việc cho các linh hồn đã được vui. Cho nên Chúa cũng có giao cho bố tìm kiếm theo sự chỉ điểm của các thánh, vì thế nên bố đã về dùng em. Nói cách khác là em được bố trưng dụng để tiếp tay.
Tên cô ta là Phan thị Nguyệt chết lúc 36 tuổi, không có chồng con, làm nghề hàng sáo (chú thích về nghề “hàng sáo”: Thời xưa trong làng có những người mua lúa về xay, giã thành gạo, rồi gánh ra tỉnh, hay thành phố, gánh đi bán lẻ kiếm sống. Ngoài miền bắc gọi những ai làm nghề đó là nghề “Hàng sáo”). Trong mơ, em thấy mình nghe được lời Đức Bà, theo như chị đoán thì đó là ơn đặc biệt Đức Bà cho em. Việc cầu nguyện cho cô ấy, chị nghĩ đây giống như là mình nạp một lá đơn cầu xin Chúa xét, nên không cần phải nhiều.
– (H): Em có nên xin lễ cho cô ấy không? Làm như thế thì cô ấy sẽ được Chúa cho vui sớm phải không chị?
– (Th): Chị biết em đang nghĩ là cha cầu vẫn được Chúa nhậm lời hơn mình, vì cha là đệ tử của Chúa có đúng không? Song cũng không hẳn như em nghĩ đâu! Trong trường hợp này em cầu nguyện cho cô ấy cũng có thể được! Một là Chúa đã biết và Chúa sẽ cho cô ta vui sớm. Đó là nhờ vào việc làm của cô gái ấy khi còn sống! Dẫu vậy, chị ví dụ như phần đời cho em dễ hiểu, như là ta làm đơn khiếu nại, hay xin cứu xét, nếu không có 1 lá đơn, thì dù là chuyện đời hay đạo, muốn được xét, cũng hơi lâu! Ở đây, về mặt tâm linh, chị bảo em hãy cầu nguyện cho LH chị đó, cũng như bảo em hãy nạp giùm cho chị ấy một lá đơn. Chị nói thêm, tỷ dụ như nhà mình có ông cha hay bà sơ qua đời, nếu ta cứ nghĩ họ đâu có tội, hay là một đời làm việc cho Chúa, thì cần gì phải cầu xin cho họ! như thế là vô tình ta đã bỏ quên họ! Dẫu việc ta quên Chúa biết, nhưng Chúa vẫn đòi phải có lời cầu, y như một lá đơn xin cứu xét vậy.
– (H): Vậy trong trường hợp không có ai nạp đơn, tức là cầu nguyện cho thì sao chị? Chẳng lẽ cứ mãi ở trong thanh luyện?
– (Th): Vì vậy Hội Thánh mới dạy ta phải năng cầu nguyện cho các LH Mồ Côi. Ngoài ra thì H. Th. Cũng có ấn định những ngày lễ các cha phải làm, để chỉ cho các LH bị lãng quên. Nhưng em phải nhớ là số các LH bị lãng quên nhiều lắm! Đông vô số kể! nên không chỉ các Linh mục, các sơ, mà toàn thể giáo dân, ai cũng nên cho mình có bổn phận cầu nguyện cho các LH mồ côi. Rồi đến phiên mình, biết đâu đời sau lại chẳng lơ là, để mình cũng lại rơi vào trường hợp của những người đi trước? (Ghi chú: Cha mẹ chúng tôi khi được Chúa cho phép về gặp chúng tôi, các ngài đã dặn: “các con hãy năng xin lễ cầu nguyện cho các LH mồ côi! Hễ các con càng cầu nguyện cho các LH mồ côi nhiều, thì cha mẹ càng được Chúa cho quà!” Quí thính giả có thể tìm thấy ở Bộ I của TGTL).
XIN MỜI QUÍ VỊ THEO DÕI TIẾP TGTL87.