Thứ sáu, ngày 26. 3. 2010 (7.20pm)
Hợp nói chuyện với chị Thủy tại tư gia
(hôm nay là ngày giỗ của chị Thủy, Hợp mời chị và bố món bún chả giò Hợp cho biết chị Thủy rất thích ăn khi còn sống)
- Bầy chuyện ăn uống để nhớ ngày giỗ, có nên không? Lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình!
– (H): Hôm nay ngày giỗ chị Thủy, em có làm món bún chả giò nhớ là lúc còn sống ở đời, chị rất thích món này! Nhân dịp này, em hỏi cứ những ngày giỗ, người sống bày chuyện ăn giỗ, đối với người chết em biết là chẳng có còn cần chuyện thế gian nữa, vậy khi người nhà bày ra chuyện ăn uống, thì người chết nghĩ gì?
– (Th): Vấn đề này chị phân ra thành hai phần: Thứ nhất là dâng hay bày biện đồ ăn gọi là để cúng người chết. Thứ hai là tổ chức dâng lễ, rồi về nhà tụ họp con cháu, có khi mời cả bạn bè, người thân tới đọc kinh, rồi bày tiệc tùng gọi là ăn giỗ nhớ tới người chết.
Việc thứ nhất đã có lần chị cắt nghĩa cho mẹ nghe về việc cúng giỗ người chết rồi! Nếu chỉ thuần về vấn đề văn hóa Á đông là để nhắc nhở con cháu nhớ tới người chết thì tốt! mà Giáo hội cũng đã cho phép! Nhưng bảo rằng cúng con gà, hay chén cơm, quả trứng cho người chết ăn, kẻo sợ họ đói thì sai! Nếu người chết mà đói của trần gian, thì một năm bây nhiêu đó sao gọi là đủ? Chị được biết người VN dù đi khắp thế giới, đâu đâu cũng phải tìm cho được chai nước mắm. Nếu chị bây giờ mà thèm nước mắm, thì đời đời có phải là quá khổ không? vì TGTL không có nước mắm. Nói tóm lại, thân xác người ta là thể chất, khi xác thân còn sống thì vật chất mới còn có ý nghĩa, khi thân xác đã rũ xuống rồi, thì ngay cả vàng bạc, châu báu quí là bao, cũng đều trở nên vô nghĩa hết! Bấy giờ hãy chỉ nghĩ tới phần hồn! Vì người sống không chắc biết người chết đã được về bên Chúa chưa, nên tốt nhất hãy cứ biết một điều là LH người chết lúc nào cũng cần ta cầu nguyện cho họ. Cho dù LH mà ta cầu cho đã được về bên Chúa rồi, thì lời cầu của ta cũng không sợ dư thừa! Thí dụ hôm nay em đi dâng Thánh lễ cầu cho chị, thì trước hết là Chúa sẽ ban ơn cho em, vì em đã làm được một việc bác ái. còn chị thì chị lại dâng cho Chúa để chỉ cho LH nào khác mà chị biết họ đang cần! Em hiểu rõ chưa?
– (H): Dạ, em hiểu!
– (Th): Chị nói sang phần thứ hai là nhớ ngày giỗ mà báo cho nhau đi dâng lễ, rồi về nhà đọc kinh cầu xin cách sốt sáng cho LH được Chúa xét sớm, thì việc làm này đã có lần bố về cám ơn cả nhà bằng cả một nghĩa cử rất vui, chưa từng thấy, lần đó cả nhà đã biết rồi! Vậy chị chỉ đề cập đến việc cả nhà, có khi cả họ bày tiệc ăn uống. Chuyện này em nghĩ sao? Đúng hay sai?
– (H): Theo em nghĩ việc bày ra ăn uống, tỷ như nhà đông con, nhiều cháu thì cũng nên, để thành nền nếp, lâu đời thì là phong tục, tập quán, thúc đẩy con cháu ít nhất một năm cũng còn nhớ tới người thân của mình đã qua đời, ít nữa là được một lần! Nhất là nhớ tới công ơn sinh thành và dưỡng nuôi đối với mẹ cha. Mà hễ có nhớ thì mới có cầu nguyện, chứ như văn hóa Tây phương có lẽ đời sống văn minh vật chất bây giờ cao quá, phủ lấp đi đời sống tinh thần. Câu “phú quí sinh lễ nghĩa” có đấy, nhưng chỉ là khi còn thấy nhau thôi! Chứ hễ đã khuất núi, thì người ta cho khuất luôn! Cho nên sống ở đất nước này, em chỉ thấy người ta lo làm Birthday cho nhau, chứ chẳng có ngày giỗ gì hết! Chắc họ quan niệm Chết là hết! Tiễn nhau ra Nghĩa trang là xong! Văn minh Tây phương có nhiều điều hay, nhưng về mặt này, em chẳng là gì mà dám phê bình, nên chỉ mạo muội nói một chữ thôi, chữ kép chị ạ, là “hơi tiêu cực”!
– (Th): Em của chị tiến bộ khá lắm! Điều em nghĩ hôm nay thì rất trúng! Nhưng trước kia thì không … chị nói có đúng không?
– (H): Trước kia em là con người tội lỗi mà chị! Nói thế không có nghĩa là bây giờ đã đạo đức đâu nha … chị!
– (Th): Chị thấy không cứ gì là Tây, người mình bây giờ qua đây cũng nhiễm nhiều lắm rồi đấy! nhà nào, nhà nấy không bỏ sót một cái birthday của ai trong gia đình, từ trẻ tới già! Có khi chưa tới ngày đã nhắc rồi, nhưng giỗ đằng thì đã lơi dần, có nhiều nhà bỏ luôn, không còn nhắc gì tới nữa! Cho nên chị cho em biết, những LH gọi bằng danh từ mồ côi càng ngày càng tăng, phải nói là gấp bội so với những thế kỷ trước!
– (H): Hồi nãy ý em muốn hỏi là theo lẽ giỗ, nhớ tới người chết thì phải buồn, nhưng khi bày ra ăn uống vui vẻ, rượu vào lời ra, em nói đây không phải là say sưa quá chén đâu, chỉ là ngụ ý anh chị em, con cháu lâu ngày có dịp tụ tập, thì vui quên không nghĩ gì tới sự vắng mặt của người thân đã qua đời, thì có làm cho người vắng mặt tủi, buồn không? Cứ thí dụ luôn là chị đi, chị thấy mọi người ăn uống, vui đùa, quên hẳn chị đi, chị có buồn không?
– (Th): Câu hỏi em đặt ra hay lắm! Nhưng trước khi chị nói cho em biết khi gia đình ăn uống vui vẻ nói cười, đùa cợt như vậy, thì chị có buồn hay không? Chuyện ấy chị sẽ nói sau! Bây giờ chị hãy kể lại cho em nghe những ngày sau khi Chúa sống lại đã: Em biết là sau khi sống lại, Chúa không sống với các Tông đồ những ngày tháng như Ngài đã từng sống với họ trước cuộc Tử nạn, cũng như trước ngày Chúa chết. Chúa chỉ từng đợt hiện ra với các ông. Khi với người này, lúc với người nọ; đôi khi với các bà, hoặc cũng có khi Chúa hiện ra với tất cả, nhưng rồi Ngài lại biến mất! Trong số những lần ấy, có lần kia trên bờ Biển Hồ Ti-bê-ri-a, Chúa đã nướng cá ăn với các môn đệ.
(Tác giả) Trích dẫn để minh họa điều cô Thủy nói: Khi ấy trời đã sáng, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển “9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây! “11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn! ” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai? “, vì các ông biết rằng đó là Chúa.13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết“. (Ga 21, 9-14)
– (Cô Thủy vẫn tiếp tục nói với cô Hợp): Đó em thấy không, Chúa cũng thích những người thân của mình ăn uống vui vẻ để nhớ tới Chúa. Họ chưa kịp bày ăn, Chúa đã dọn sẵn cho họ nữa đấy! Chị bảo thật, sau này cứ mỗi lần các Tông đồ có dịp ngồi nướng cá, ăn bánh nhất là trên bãi biển, các ông không thể nào quên được Chúa cái lần ngồi nướng cá, ăn bánh với các ông! Ta cứ thấy cử chỉ và hành động của Chúa như thế, thì dù Chúa không nói, ta cũng biết Ngài thích cái quang cảnh những người thân của Chúa xum họp, ăn uống, vui vẻ! Chị và các linh hồn cũng vậy! Trong TGTL người ta không còn ích kỷ nữa! Ai cũng lấy cái vui của người khác, làm niềm vui của mình! Hôm nay, chị được phép tiết lộ cho em biết: Cứ mỗi lần gia đình những người thân tụ họp nhớ đến LH, thì Chúa vẫn cho phép các LH dù ở chỗ chưa được vui cũng được về xum họp, và tất nhiên là nhìn thấy được hết tất cả sự vui vẻ của mọi người, có điều LH muốn tới từng người để cám ơn là đã đi dâng lễ, đọc kinh cầu nguyện cho mình, tiếc rằng người sống không biết những chuyện đó! Vậy, chị trả lời cho em biết nhé: Cho dù cả nhà ăn uống vui vẻ, quên nghĩ tới chị, chị cũng rất vui khi nhìn thấy mọi người thân của mình đang sống vui, mà chị không có vương vấn một chút buồn! Em của chị rõ chưa?
– (H): Dạ, em rõ! từ nay em sẽ cố gắng học bài học chị vừa dậy: Bỏ tính ích kỷ nhỏ nhen! Lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình! Em cám ơn chị!
- Hãy ca ngợi Lòng Chúa Thương Xót, vì dẫu cho ma quỉ cầm buộc thế nào, mà hễ người ta ăn năn hối tội, thì Chúa vẫn tha.
– (Th): Chị cũng được phép cho em biết một điều rất quan trọng nữa, là khi ta đọc Kinh Thánh thấy Chúa bảo ở nơi đó, chúng sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Em có nghĩ là hễ ai đã rơi vào nơi đó đều vô phương cứu chữa không?
– (H): Tất nhiên là em phải nghĩ như thế rồi! Vì đó không phải là hỏa ngục sao? Một khi đã xuống hỏa ngục thì sẽ phải chịu “đời đời, kiếp kiếp”, đó là điều em đã được học từ nhỏ.
– (Th): Căn cứ vào các dụ ngôn Chúa đã mạc Khải, thì đó là Hỏa ngục, bởi vậy hôm nay chị được Chúa cho phép nói cho em biết một điều rất quan trọng là: Cho dù LH nào bị cầm buộc ở nơi đó Chúa vẫn tha, chỉ khi nào mà ta từ chối Chúa! Kẻ xuống đến chỗ tận cùng, 1 năm vẫn có 1 ngày được cơ hội hỏi đến. Các thánh lo làm việc này nếu linh hồn nào hối lỗi vẫn được Chúa cho cơ hội. Bởi thế Chúa mới nói tội nào cũng được tha, chỉ có tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức Thần Linh của Chúa, là những kẻ dứt khoát từ chối Thiên Chúa. Thậm chí chị nói cho em biết ngay cả Chúa quỉ là Lucifer nếu nó hối hận và xin Chúa thứ tha, Chúa cũng sẽ tha! Nhưng vì nó kiêu ngạo và cứng lòng, không hề biết ăn năn và hối tội!
*Ghi chú (về những dụ ngôn có tương quan): Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu: Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. Chúa Giêsu còn dùng nhiều dụ ngôn khác nói với đám đông, và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: “Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa”.
Bấy giờ Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp: “kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người (là Chúa). Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái ác thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu, và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người. Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe” (Mt 13, 24-30 & 36-43).
– (Cô Thủy vẫn đang nói với em mình là cô Hợp): Chính lò lửa mà họ bị quăng vào, nơi họ sẽ phải khóc lóc và nghiến răng là Hỏa Ngục. Chị cho biết: Nơi ấy cô Thanh, cậu Phiệt cũng như người thanh niên có dạo giúp lễ mà em biết, nhưng đã tự hủy hoại đời mình v.v… Họ là những người đã từng bị cầm buộc trong đó, nhưng vì đã biết hối hận, cầu xin Chúa tha thứ, và được chúng ta cầu nguyện cho, nên họ đã được ra khỏi nơi giam cầm đó! Cho nên em hãy ca ngợi Lòng Thương Xót vô biên của Chúa bây giờ và mãi mãi!
– (H): Dạ, con chúc tụng và thờ lậy Chúa đến muôn đời!
- ý nghĩa của một giấc mơ không được ghi chép. Thế nào là tích của vào ngân hàng Tâm Linh?
– (Th): còn giấc mơ thì chị phải đi xin phép Chúa vì toàn chuyện lạ. (It giây sau cô Thủy trở lại cho biết): Chị đến với Chúa, Ngài bảo ông cụ đó là Thánh ở bên cạnh để ghi chép. (Chúng ta cũng có thể hiểu đó là thiên thần bản mệnh). Còn trong giấc mơ, em thấy 3 người đến giao hàng mà sai địa chỉ, thì có nghĩa là mình còn phải làm việc nhiều cho các linh hồn này.
– (B. Q): ý là sao, mẹ chẳng hiểu?
– (Th): Con thí dụ, một hôm mẹ đang ngồi ở nhà, có một xe giao hàng đậu trước cửa, rồi người giao hàng xuống gặp mẹ, họ nhìn số nhà rồi cho mẹ hay họ đang đi tìm địa chỉ, nhưng không phải nhà mình, khi ấy họ có giao hàng cho mẹ không?
– (B. Q): Không phải thì sao mà giao được!
– (Th): Trong giấc mơ thì hơi khác! Vì em Hợp biết mình đang cầu xin cho ba người, con cũng biết họ, vì con ở trong TGTL. Trước thì Hợp không hiểu, nhưng sau khi nghe con nói thì Hợp tất hiểu liền, và em phải tiếp tục cầu nguyện cho họ.
– (B. Q): Thế nếu như mơ họ giao hàng thì mình được cái gì?
– (Th): Con cho mẹ biết: Một khi các linh hồn đã được vui, tức là ta đã được các linh hồn biết đến, do lời cầu nguyện của ta. Con thí dụ là cho bất cứ LH mồ côi nào đi, dĩ nhiên là ta không biết họ, nhưng họ biết ta, thì cũng giống như mình để của vào nhà băng vậy! Mẹ có thể chưa hiểu, nhưng Hợp thì hiểu, chị nghĩ em nói thêm cho mẹ biết!
- Một giấc mơ khác, cần cầu viện tới Thánh An-Tôn.
– (Tâm: Sau khi hỏi cô Hợp về giấc mơ này, thì cô chỉ có thể tóm tắt trong sự hồi ức, chứ dạo trước cô đã không ghi chép lại như có lần tôi nói, vì cô Hợp không có thời gian, nên chỉ ghi lại phần cô Thủy nói, để nhớ mà xin lễ, và cầu nguyện cho các LH về nhờ. Giấc mơ được tóm lược như sau: Hợp mơ vào một căn nhà lạ. Nhà thì đẹp nhưng lại vắng tanh, không người. Khi cô đi ra lối sau, có cổng thì gặp hai người con gái nằm chết ôm nhau. Cô nói: Lúc cháu nhìn ra cổng thì bên ngoài có mấy sọt bánh mì, nhưng cháu không quan tâm vì bắt đầu thấy sợ, không dám lại gần chỗ hai người con gái nằm chết! Cháu vội trở lại bên trong nhà định ra lối trước, thì lúc này nhà lại đông người, có cả kẻ ra lẫn người vào, nhưng không tìm được ai quen cả, thì cháu tỉnh dậy. Cháu cố nhớ lại để khi gặp chị Thủy thì hỏi).
– (Th): Chị đi hỏi chuyện 2 cô gái chết! (sau đó, cô Thủy trở lại cho biết:) Chị được thánh Antôn bảo họ là Hai người con “địa chủ”, bị cộng sản đuổi ra lấy hết của và không một ai dám chứa! Họ chết vì bị để đói! Họ không công giáo, nhưng theo chị biết là thánh Antôn tìm người chết đói! Vậy thứ Ba này em đi lễ Thánh Antôn, xin thánh Antôn cầu bầu với Đức Bà cho họ.
– (B. Q): Mẹ hỏi này, tại sao Thánh Antôn lại đi tìm những người chết đói? Bộ sang thế giới bên kia, họ vẫn còn đói sao?
– (Th): Hợp! Em có nghĩ trong TGTL vẫn còn có các LH bị đói không?
– (H): Em nghĩ họ có xác đâu mà đói! Tuy nhiên, em vẫn có thể hiểu chữ “đói” theo một nghĩa khác – Họ thiếu những lời cầu nguyện của kẻ sống – đúng không chị?
– (Th): Em trả lời rất trúng! Con giải đáp cho mẹ biết: Thứ nhất Chúa luôn luôn thương xót, và động tâm đối với những người đói khổ, vì trước khi tạo dựng con người, Ngài đã làm lên đủ mọi thứ sinh vật, thảo mộc, và hoa trái cho con người được hưởng cuộc sống sung túc và hạnh phúc. Nhưng giống như trong dụ ngôn về cỏ lùng, ban đêm kẻ ác đã đi gieo giống xấu vào ruộng để hại lúa, thì đây con người cũng vậy! Nên Chúa có ưu ái đối với họ. Thứ Hai là sinh thời thánh Antôn rất quan tâm và có lòng bác ái với những người nghèo nàn, đói khổ, nên về trời, ngài xin Chúa và Đức Bà cho ngài trông nom, săn sóc nhửng LH loại này. Trong thời gian qua, vì họ bị kẻ ác hãm hại, nên Chúa tuy chưa cho họ vui, nhưng họ cũng không bị ở chỗ chịu cực hình. Theo thời gian, họ được Đức Bà cho các thánh tới an ủi, dạy dỗ và chỉ bảo họ, hướng dẫn họ hiểu biết về Chúa. Hiểu biết giá máu Ngôi Hai Con Thiên Chúa đã xuống thế hy sinh cứu chuộc nhân loại, trong đó có họ. Khi gặp họ, chị được biết cả hai cô gái này đều muốn theo Chúa. Chị hỏi thì được biết: Cô thứ nhất chết lúc 15 tuổi; Cô thứ Hai 13 và là hai chị em ruột. Bố mẹ đều bị chôn sống! Họ sẽ được Chúa tha, song cũng cần một thời gian nữa! Chuyện này thì để Chúa xét, song em cũng có thể cầu cho họ cách chung! Tên cô chị là Phan thị Mai, cô em là phan thị Cúc. Em hãy xin lễ và cầu nguyện cho hai chị em Mai & Cúc vào thứ ba này có lễ kính Thánh Antôn trong tuần.
(Mời quí thính giả nghe tiếp trong TGTL89)