Vẫn ngày 26. 3. 2010 tại nhà Hợp
- Thế nào là “Cầu cách chung chung”. Phải nhìn thấy Chúa trong tha nhân! Dù là con mình hay bất cứ ai! Khi cầu nguyện ta sốt sáng kết hợp với Chúa, thì mọi chuyện sẽ quên!
– (H): Lúc nãy chị bảo là chỉ cần cầu cách chung chung. Vậy cầu cách chung chung có phải là chỉ cầu sơ sơ thôi không?
– (Th): Chị nghĩ là em đã hiểu sai rồi! khi mà em không thể tách rời từng người ra được, thí dụ khi ta cầu cho những người ngoại giáo; Cầu cho những người tội lỗi biết ăn năn trở lại; Cầu cho những kẻ dữ, cho những người có lòng tham biết hãm lại dục vọng và thôi làm điều bất chính! Ngay cả cầu cho các LH mồ côi v.v… thì buộc lòng ta phải cầu cho họ cách chung, chứ phàm là người thân, hay trong gia đình, thì ta đã biết, mới có thể xin lễ riêng, hoặc cầu riêng cho người ấy với ý chỉ, em hiểu không? Tuy nhiên, dù cầu chung hay riêng, không nhất thiết cho mình, cho ai – dù là kẻ sống, hay người chết – Chủ tâm của việc cầu nguyện quan trọng là phải hết lòng tín thác vào Chúa, Đức Mẹ. Trong lúc cầu nguyện tâm hồn phải lắng đọng, lòng phải cảm thấy tha thiết yêu thương, khi ấy dù có sự gì quan trọng xảy đến cũng không được vì chuyện đó mà lo ra, hay là buồn giận, bực bội. Thí dụ như có đứa con mà mình không muốn cho đi chơi, mà nó cứ nhất định đi vào lúc mình đang cầu nguyện, như em thì lúc đó em giải quyết làm sao?
– (B. Q): Khó thật đấy! Tao mà đã không cho, mà lại lợi dụng lúc ấy để đi, thì bực lên, thế nào cũng phải bước ra, nếu không thể đánh, thì cũng phải chửi cho một trận!
– (Th): Thế là mẹ hỏng rồi! Con nghĩ là ta phải quên hết mọi chuyện!
– (H): Chuyện nó sờ sờ ra trước mắt như thế, làm sao mà quên được! Thấy mà như không thấy, nghe mà làm ra không nghe! Chị bảo làm sao mình có thể? Em thấy làm theo chị bảo … khó!
– (Th): Chị cũng biết là khó, nên kèm theo là phải cho người sống ân huệ, như Chúa bảo: trong người họ có Chúa hiện diện.
– (H): Lúc đó em chỉ nhìn thấy nó là đứa con thôi! Em không thể nào nhìn nó mà ra Chúa được! Mặc dù em công nhận chị nói thì đúng như trong Phúc Âm Chúa dạy! nhưng chị nhớ rằng em là con người mà chị, chứ đâu đã là thánh!
– (Th): Chính vì là con người, chúng ta mới phải học hỏi Lời Chúa! Và Chúa biết con người có thể dạy được, Chúa mới dạy! Chứ nếu Chúa cho rằng con người là vô tri và bất trị, thì Chúa đã không phải xuống thế làm người, hy sinh chịu chết để cứu chuộc và dạy dỗ, cùng chỉ đường chỉ lối cho người ta về Thiên Quốc!
Theo chị thì cứ như mẹ và em nói là quá khó, vì khi cầu nguyện mình thiếu sự sốt sắng. Khi cầu nguyện mà sốt sáng, kết hợp với Chúa, thì mọi chuyện quên đi dễ dàng lắm! Lúc đó mẹ và em có thể chỉ nghĩ về Chúa mà quên được hết mọi sự!
(Ghi chú: Quí bạn có thể nghe, hoặc xem lại TGTL73 & TGTL74 cô Thủy đã nói về cách cầu nguyện cho các LH mồ côi).
- Cầu nguyện cho người chết, dễ hơn cầu nguyện cho người sống.
– (H): Chị ạ, sao em thấy mình cầu nguyện cho người chết, lại dễ hơn cầu cho người sống! Chị có thấy vậy không?
– (Th): Đó là vì em không thấy được tình trạng các LH ra sao! Ngoại trừ trường hợp đặc biệt như nhà mình hiện nay, chị được phép về để cho biết. Còn người sống thì ít nhiều gì, em cũng thấy và nhận được tin tức phản hồi từ nơi họ. Thí dụ như cầu xin cho một người đang đi đàng tội lỗi, sống xa Chúa. Đây là những trường hợp chẳng hạn như người thân mà ta biết rõ, chứ không phải là do sự đoán xét là điều Chúa không cho phép, như người ngoại tình công khai, bỏ vợ, bỏ chồng, chung sống với người khác phái ngoài hôn nhân v.v… Nếu người ấy tiếp nhận ơn Chúa xuống cho họ, mà họ bỏ lối sống tội lỗi, quay trở về với Chúa, thì em thấy ngay! Còn như họ cứ cố chấp nghe theo sự cám dỗ, xúi dục của ma quỉ, mà từ chối ơn Chúa, thì em cũng thấy được! Con người còn xác thịt, thì còn nặng nề, mà quỉ thì ở ngay trong lòng người ấy. Bởi vậy em luôn thấy việc làm của mình là khó! Tuy nhiên, qua sự gặp gỡ từ trước tới nay, dù gì em cũng được biết là có nhửng LH ở trong luyện ngục khá lâu, đúng không?
– (H): Dạ, nhiều LH về nhờ em xin lễ, cầu nguyện, hỏi ra thì đã ở trong thanh luyện mấy chục năm rồi!
– (Th): Cho nên nhân câu hỏi của em, hôm nay chị muốn em cần biết rõ điều này là: Hiệu quả của việc cầu nguyện phải tùy thuộc cả hai: Một là người cầu xin, cầu Chúa với một cấp độ nào? Cầu cho có lệ, hay cầu bằng cả một tấm lòng yêu thương tha thiết? Mức độ trông cậy và độ bền thành tín ra sao? Chính sự hiệu quả đầy vơi, nhiều ít đối với các LH trong luyện ngục hầu hết là phụ thuộc vào mấy điều kiện này!
Hai là về phía người được ta cầu giúp, họ có chịu mở lòng ra không? Vế này thì hầu hết là đối với những kẻ lạc đàng! Vì các LH đang đau khổ thì họ chỉ mong sớm được Chúa xét thôi, chứ còn gì khác nữa đâu mà không thống hối ăn năn! Dĩ nhiên là ta cũng không thể loại bỏ trường hợp đền tội nhiều hay ít, tùy theo lối sống và mức độ của sự cố chấp khi sống trên trần đời.
- Kẻ sống và người chết, trước mắt ai cần hơn ai? Bó hoa dành cho người chết, tặng người sống.
– (H): Em nhiều lúc cũng có ý nghĩ cầu cho người sống khó quá, thôi thì tạm để đó, bỏ giờ cầu nguyện cho các LH thì hơn! Như vậy có phải là thiếu ơn bền đỗ không?
– (Th): Chị vừa nói cho em nghe mấy điều kiện về sự cầu xin rồi! Trường hợp như vậy là em thiếu mức độ trông cậy và không có độ bền thành tín! Chị lại hỏi em câu này: Theo em thì giữa kẻ sống và người chết, ai cần hơn ai?
– (H): Em nghĩ cả hai đều cần!
– (Th): Đúng! Cả hai đều cần! Nhưng chị đang hỏi trước mắt, nghĩa là cái em đang thấy, tỷ dụ trước mắt em có một người đang sắp chết đuối, em có nên cấp thời ra tay cứu người ấy không? Hay tạm thời bỏ đó, để lo chôn cất một người đã chết?
– (H): Chị đưa ra hai hình ảnh ấy thì em biết việc gì phải làm ngay rồi!
– (Th): Trong Tin Mừng, Chúa luôn dạy ta bổn phận đối với những người chung quanh là chính! Tức những người còn sống! Trước khi về trời, Chúa Giêsu truyền lệnh cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Ghi chú: Mt 28,19). chỉ một “di chúc” ngắn gọn đó Chúa Giêsu đã nói lên đầy đủ tất cả bổn phận và nghĩa vụ của một Kitô hữu. Khi em đi thi hành Lời Chúa dạy là làm cho những người chung quanh mình thành Môn đệ, tức là mọi người trở thành anh em với nhau trong Chúa Kitô, và cùng với Đức kitô ta thừa hành sứ vụ của Ngài cứu giúp những người anh em mình ra khỏi kiếp đời nô lệ cho ma quỉ. Một sứ mệnh quan trọng như vậy sao có thể bảo là tạm bỏ đó mà nghe cho được?
– Còn nữa, không phải chỉ có đoạn Kinh Thánh trên đây, mà còn có những điều quan trọng khác trong bộ Tân Ước, Chúa Giêsu đã dạy cho ta biết Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất, nhưng đồng thời Thiên Chúa duy nhất lại là Cha và Con và Thánh Thần. Chị hỏi em này: Mầu Nhiệm trung tâm của Đức tin Ki-tô giáo là mầu nhiệm gì em có biết không?
– (H): Chị biết nhà mình ai cũng yếu Giáo lý, chị còn mang Thánh kinh ra hỏi là chết em luôn! Em bây giờ chỉ biết có một điều là chị bảo em cầu nguyện, hay xin lễ cho ai là em có thể làm được, theo khả năng và sự cố gắng của mình thôi!
– (Th): Chị cho em biết trước: Em sẽ phải học Kinh Thánh! Hôm trước chị có nói rồi: Học cũng phải có ơn Chúa, người không có ơn Chúa không học được! Hôm nay, em và mẹ phải nhớ kỹ điều này: Mầu nhiệm được gọi là Trung Tâm của Đức tin Kitô giáo là “Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa mạc khải qua Đức Giêsu Kitô, không phải là Thiên Chúa đơn độc, nhưng là một cộng đoàn Ba Ngôi, trong đó, mỗi Ngôi hướng về Hai Ngôi khác bằng tất cả tình yêu trao ban và đón nhận. Em có biết trung tâm là gì không?
– (H): Em biết chứ! Là điểm ở chính giữa. Hồi nhỏ đi học xoay com-pa để vẽ vòng tròn. Cái tâm của vòng tròn là điểm chính giữa. Không có tâm điểm, không vẽ nên vòng tròn! Cho nên cái tâm rất quan trọng!
(Chú Thích: Thiên Chúa mạc khải về một Thiên Chúa Ba ngôi ngay hôm Đức Giêsu chịu phép rửa trên sông Giô-đan. Câu chuyện đã được chép lại rằng : “ Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17). Ta cũng lại nghe câu nói này khi Chúa biến hình trên núi Ta-bo. Hằng ngày chúng ta vẫn sử dụng trong Phụng vụ lời cầu chúc của thánh Phaolô. Chẳng hạn, lời chào Chủ tế chúc khởi đầu Thánh Lễ: “Nguyện xin Ân sủng Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (x.2 Cr13,13; x. Ep 4,4-6) Cho ta biết sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.)
– (Cô Thủy tiếp): Điều này cho thấy chúng ta được mời gọi sống hiệp thông với Chúa và với mọi người. Tất cả Chúng ta trở thành những người con trong gia đình của Thiên Chúa. Nên mọi người con phải luôn biết yêu thương nhau, để thể hiện tình yêu của Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống chúng ta. Khi mang thân phận làm người, Đức Giêsu Kitô đã chạnh lòng thương yêu khi nhìn thấy con người đau khổ, tật nguyền. Ngài cứu chữa cho họ tất cả mọi thứ bệnh tâm hồn cũng như thể xác. Cũng vậy, khi em biết thế nào là Trung tâm điểm đời sống Đức tin của người Kitô hữu, là em phải nghĩ đến trọng điểm của cuộc sống làm người trên dương thế. Thánh Phaolô đã viết: “Tôi đã ăn ở như người yếu để chinh phục những kẻ yếu. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng (1 Cr 9, 22-23). Bởi vậy, chị nghĩ người sống trước mắt cần hơn người chết.
(Liên tưởng: Khi nghe câu nói này của cô Thủy, tác giả chợt liên tưởng tới một câu chuyện ý nhị của Bennet Cerf kể về một chuyến xe buýt chạy về miền quê phía nam Hoa Kỳ như sau: “Tại băng ghế ngồi có một ông lão tay cầm một bó hoa tươi như vừa mới hái. Nơi bên kia cách lối đi, một cô gái cứ nhìn chằm chằm vào bó hoa của ông cụ, như là cô ta chưa từng thấy những bông hoa đó bao giờ. Ông cụ thấy được điều đó nơi ánh mắt cô gái. Thế rồi đến trạm ông cụ phải bước xuống. Chiếc xe buýt từ từ dừng lại. Bất ngờ ông đặt bó hoa trên đầu gối cô gái và nói: “Tôi thấy cô thích những bông hoa này lắm phải không, và tôi nghĩ rằng vợ tôi muốn cô có được chúng! Tôi sẽ nói với bà ấy rằng tôi đã tặng bó bông của bà cho cô”. Cô gái còn đang ngạc nhiên, thì đã thấy ông cụ vừa bước xuống khỏi xe buýt, đang đẩy cánh cổng song sắt của một nghĩa trang nho nhỏ và chầm chậm bước vào”. Câu chuyện nói lên ý nghĩa của một món quà tặng, có lúc người ta cũng cần phải có một sự chọn lựa giữa kẻ sống, người chết. Bạn có nhớ một câu nói rất ý nghĩa thế này bao giờ chưa: “Hãy rải tình yêu khắp nơi con tới: Trước tiên và trước mọi điều là trong chính ngôi nhà các con. Hãy yêu các con của con, vợ hoặc chồng của con, người láng giềng của con. Đừng để một người nào tới với con mà không được vui hơn hay hạnh phúc hơn, khi người đó lại ra đi. Hãy là biểu tượng sống động lòng tốt của Thượng Đế: Lòng tốt nơi khuôn mặt của con, lòng tốt nơi cái nhìn của con, lòng tốt nơi nụ cười của con, lòng tốt nơi sự đón tiếp ân cần của con” (Mẹ Tê-rê-sa Calcutta). Đó chính là Tình yêu – là Năng Lực sáng tạo giá trị nhất – mà ai cũng có thể thực hiện được trong thế gian).
- Truyện Kiều có câu: “Khéo dư nước mắt khóc người tình chung”, nhưng đây cũng chẳng phải là người tình chung!
– (H): Chị ạ, thời đại vật chất bây giờ làm con người ta hư hỏng, sống thác loạn! Nên người ta xa Chúa nhiều lắm! Nhất là tuổi trẻ! Chính mình cũng đã có kinh nghiệm về một thời! Vậy giá như người nhà của mình, con cháu mình, mình quan tâm cũng đành! chứ người đời ai hơi đâu mà cứ phải nghĩ tới, hay bận tâm lo lắng! em e rằng không chừng ta mắc phải chứng đa đoan?
– (B. Q): Mẹ cũng nghĩ như thế đấy! Người xưa có thơ đề: “Khéo dư nước mắt khóc người tình chung”, đây lại cũng chẳng phải là người tình chung!
– (Th): Em nghĩ đi sống có tiền nhiều mới gửi vào nhà băng để một là có lời, hai là không sợ mất, thì chuyện mà ta gửi điều ân đức cũng tương tựa như thế! Khi ta cầu nguyện cho ai đó, dù là cá nhân, hay cách chung cho những kẻ lạc đàng, như chị đã nói. Cứ hễ ta cầu nguyện với tất cả tâm thành và tha thiết, vì thương LH người ta phải hư đi đời đời, thì mỗi lần như vậy đã là một hành động bác ái rồi! Không cần biết đến bao giờ họ mới ăn năn trở về với Chúa! Em cứ quên chuyện đó đi, là cách dễ nhất để đặt sự tín thác, bền bỉ vào Chúa! Em có muốn tích đá xây nhà đời sau không?
– Con cho mẹ biết là Chúa gửi mẹ một nén vàng, thì mẹ phải sinh lời! Chúa nói bằng chuyện cho những ai cần, không phân biệt! Nếu như mẹ được sang đây – tức là được đặt chân tới nước Uc – đã là một điều Chúa thương. Còn như ta đã biết Chúa thương thì phải làm sao? Cám ơn Ngài một triệu lần, hay đọc kinh một ngàn lần, điều này cũng đúng thôi! Song Chúa không muốn vậy, Chúa chết cho tội lỗi của ta. Chúa chết cho tình yêu thương. Chúa muốn ta cũng phải làm việc Chúa bảo làm! Là phải biết hy sinh cho kẻ khác! dù không vác nổi Thánh-giá như Chúa, nhưng ta cũng có thể lau chùi Thánh giá được chứ (?) điều này tùy vào chuyện thế gian và tùy từng trường hợp ta gặp, nhưng lòng phải sẵn sàng, chứ đừng bảo không phải chuyện của tôi, và tôi không thích chuyện đa đoan! Xưa Chúa đi hết thành này sang thành nọ chữa lành cho người ta, dạy bảo người ta đường vào Nước trời, Chúa có phải là đa đoan không? Mẹ chắc chưa nhìn thấy giọt nước mắt dư của Chúa Giêsu đâu đấy nhỉ? Nhưng mẹ đã từng nghe con nói “Đức Mẹ khóc cả Thiên đàng đều biết”. Mẹ có dám nói là Đức Mẹ “khéo dư” nước mắt khóc loài người không? Con nói cho mẹ và em Hợp hay: Một giọt nuớc mắt, một nụ cười, một ánh mắt, khi phát xuất từ một tấm lòng, thì cũng như chuyện Nước Trời trong dụ ngôn của Chúa về hạt cải, xuất phát từ một sự rất nhỏ, nhưng tạo thành lại lớn lao không thể nào tưởng được! Đó là hình ảnh về mầu nhiệm của Tình Yêu.
(Liên tưởng: Bằng vào óc liên tưởng, tác giả vừa nhớ tới một chuyện kể của Antoine de Saint – Exupéry. Câu chuyện có tên là Nụ Cười. Saint Exupéry là một phi công thời chiến chống Đức quốc xã, ông đã bị bắt và bị tống ngục. Ông kể: “Tôi tin chắc mình sẽ bị giết. Trong lúc bồn chồn và giao động khủng khiếp, tôi lục được một điếu thuốc còn sót trong túi, nhưng không có diêm quẹt, vì bọn chúng đã lấy hết cả rồi! Tôi nhìn tên cai tù qua chấn song, rồi đánh bạo hỏi hắn: “Anh có một que diêm không?” Hắn nhìn tôi, nhún vai, rồi bước đến gần. Khi hắn đưa que diêm cho tôi đốt điếu thuốc, đôi mắt hắn vô tình gặp đôi mắt tôi. Tôi mỉm cười nhìn hắn, mà không biết tại sao tôi làm thế! Dù sao thì tôi đã mỉm cười. Trong khoảnh khắc đó, một tia sáng đã lóe lên giữa hai trái tim chúng tôi, giữa hai tâm hồn con người chỉ có một mẫu số chung là nhân loại. Chưa chắc hắn đã muốn điều đó, nhưng nụ cười của tôi đã nhảy qua chấn song và làm nảy sinh một nụ cười trên môi hắn. Hắn châm lửa đốt điếu thuốc cho tôi xong mà vẫn đứng gần tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi và tiếp tục mỉm cười. Tôi tiếp tục mỉm cười với người đàn ông mà lúc này, tôi không còn thấy anh ta là người cai tù, nhưng là một con người. Cách hắn nhìn tôi dường như cũng thay đổi. “Anh có con không?” Hắn hỏi tôi. “Có! Đây, đây”, tôi lục nhanh trong túi mấy tấm ảnh gia đình. Hắn cũng rút nhanh ra tấm ảnh các con của hắn từ trong bóp (ví) và bắt đâù nói về những dự định và những hy vọng ấp ủ cho chúng. Lệ trào dâng trong mắt tôi. Tôi nói với hắn rằng tôi sợ không bao giờ gặp lại gia đình, tôi không có cơ may trông thấy các con tôi lớn lên. Đôi mắt hắn cũng đầm đìa lệ. Bất ngờ, không nói lời nào thêm, hắn mở xà lim của tôi và cho tôi bước ra trong im lặng. Khỏi nhà tù một cách lặng lẽ, và bằng nhừng con đường mòn nhỏ hẹp dẫn ra khỏi thành phố. Người cai tù đã thả tôi, và không nói lời nào, anh ta đi về thành phố. “Một nụ cười đã cứu mạng tôi”. Đúng, Nụ Cười – sự cảm thông chân thành, tự phát, giữa hai con người. Và để kết thúc tất cả cuộc đối thoại hôm nay hàm chứa trong một chủ đề ngấm ngầm là “Hãy sống với những người chúng ta đang sống”, xin các bạn nhớ câu nói sau đây của Mẹ Teresa: “Hãy mỉm cười với nhau – với ai không quan trọng lắm – Nhưng điều đó sẽ giúp các con lớn lên trong một tình yêu lớn lao hơn dành cho nhau – (Saint-Exupéry sinh ngày 29 tháng 6 năm 1900 – mất tích ngày 31 tháng 7 năm 1944, là một nhà văn và phi công Pháp nổi tiếng. được biết tới nhiều nhất với kiệt tác văn học “Le Petit Prince”).
(còn tiếp)