Vẫn ngày 22 tháng 6 năm 2010
Tại nhà Phụng-Uyển
(Lược tóm phần phiếm luận trong số TGTL93: Cô Thủy cho những hiện tượng mà người ta gọi là “Nhà có ma” hầu hết là không có, mà do sự hoang vắng thiên hạ đồn đại ra! Chỉ có trường hợp do sự thù oán khủng khiếp, mà người chết vì ôm mối hận lòng đến không sao giải quyết được (ta hiểu là người ấy tự tử), rồi LH nghe lời chúa quỉ hứa hẹn, trao cho việc làm, nhưng trường hợp này cô Thủy bảo là … cũng rất hiếm! Buổi phiến luận vẫn tiếp tục):
- Pháp sư có thể trừ ma, trừ quỉ không?
– (BQ): Gặp trường hợp căn nhà có ma do quỉ giúp, hay sai hồn người ta làm như vậy, thì phải làm sao? Mẹ thấy bên Chúa thì có cha trừ quỉ, bên lương thì họ có pháp sư, thày bùa … đúng không?
– (Th): Con nghĩ nếu như Chúa thương thì sẽ dẹp được ngay! Còn bùa phép nhiều khi cũng lừa thiên hạ để lấy tiền, chứ không ăn thua gì trong trường hợp quỉ lộng hành!
– (T): Tôi cũng đồng ý với cô một phần! còn phần khác nữa là pháp sư họ cũng thờ ma quỉ, thì cũng có thể là có trường hợp quỉ nó giúp cho pháp sư, để có nhiều người tin vào các ông thày pháp, thày bùa, mà khi những người đã tin vào các ông ấy, thì cũng như là tin theo ma quỉ vậy! Cô nghĩ sao?
- Ai cũng nghĩ có Chúa ở trong lòng; Có Chúa ở trong nhà thờ; Có Chúa ở tại gia, sao lại vẫn bị ma quỉ ám ảnh?
– (Th): Chú nói đúng! hồi cháu còn sống thì cháu chưa gặp trường hợp này, nhưng cháu biết là quỉ nó làm được những chuyện như thế! Cháu còn biết rằng trong ta ai cũng có một con quỉ cả. Chú có tin không?
– (T): Người ta thường nói nơi mỗi con người đều có thần thiện và thần ác. Theo Tin Mừng thì Tâm hồn người ta cũng giống như thửa ruộng, có lúa mọc mà cũng có cỏ lùng. Cỏ lùng thì do kẻ thù lén gieo vào. Nếu ta có Chúa thì quỉ không ở được! Tuy nhiên nó luôn rình rập để có cơ hội là nó cám dỗ mình. Tôi nghỉ là vậy!
– (Th): Cô chú và mẹ thử xét mình xem có quỉ ở trong tâm hồn không? Mẹ trước?
– (BQ): Tao chả nhìn thấy, mà cũng không biết nó ở khúc nào! Tao chỉ nghĩ là khi dâng Mình Thánh thì mình cũng chú ý, nhưng mà cứ nghĩ lung tung, thì không biết có phải là do quỉ không? Nếu có thì mày dẹp nó giùm đi!
– (Th): Con phải nói sao cho mọi người hiểu, vì đây là chuyện có thật, nhưng lại rất phi lý, vì ai cũng nghĩ có Chúa ở trong lòng; Có Chúa ở trong nhà thờ; Có Chúa ở tại gia, thì sao lại bị ma quỉ ám ảnh? Còn bây giờ xin mời cô cho ý kiến?
– (HTr): Tôi nghĩ, cái vụ ma quỉ ám ảnh khác, còn quỉ ở trong lòng thì lại là chuyện khác! thí dụ như nó cám dỗ, mời mọc, chẳng hạn như mùa chay thì theo lẽ mình ăn ít, tiêu ít, để tiền cho người nghèo, nhưng quỉ nó cám dỗ bằng mọi cách để mình phá luật.
– (T): Tôi nghĩ khi mình rước lễ thì Chúa ở trong lòng mình chứ! Nhưng liệu trong ngày, hoặc trong tuần mình có kết hợp được liên lỉ với Chúa không? Nghĩa là mình có sống với Chúa, hoặc nói như các Thánh là “Chúa sống trong tôi” – Mình có được như các Thánh vậy không? Nếu không, thì giống như bài Tin Mừng Chúa nói về dụ ngôn Cỏ lùng. Khi ta ngủ thì kẻ thù gieo giống xấu vào ruộng, Vậy những khi ta không sống với Chúa, hoặc không để Chúa sống trong ta, chính là những lúc ta ngủ – Đối với LH thì có nghĩa là không cảnh giác – và ma quỉ đã cám dỗ ta, nghĩa là nó gieo vào trong tư tưởng ta bằng đủ mọi cách cả tình lẫn dục!
(Ghi chú: theo triết lý đông phương, con người có bẩy thứ tình và sáu dục (tức Thất Tình và Lục Dục). Bẩy Tình gồm có: Hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. (Hỷ là mừng vui, ưa thích; Nộ là phẫn nộ, bừng bừng, giận dữ; Ai là thương tiếc, thảm thương; Cụ là kinh sợ, sợ hãi; Ái là yêu, thương; Ố là ghét, chán và cũng là nhiễm; Dục là lòng ham muốn). Sáu dục gồm có: Sắc, thính, hương, vị, xúc, pháp. (Sắc dục tức ham muốn nhìn sắc đẹp; Thính dục là ham muốn nghe những âm thanh kích động; Hương dục là ham muốn ngửi mùi thơm quyến rũ; Vị dục là ưa chuộng thức ăn ngon miệng, hoặc lựa chọn những đồ ăn, thức uống kích thích; Xúc dục là ham muốn những chuyện làm xác thân sung sướng; Pháp dục là ham muốn sự làm cho ý nghĩ thỏa mãn).
(Luận: Theo cái hiểu biết đơn sơ của ta thì cứ yên trí là trong lòng ta có Chúa, thì ma quỉ không thể vào, thì không thể làm gì được! Thế nhưng đặt câu hỏi tại sao ta sa ngã, thì câu trả lời đã hiện ra trước mặt: Ma quỉ hằng ở bên cạnh ta, nếu không muốn nói rằng sự xúi dục của ma quỉ có từ trong tâm trí. Cả Đông phương lẫn Tây phương đều quan niệm: Không chỉ trong thế giới chúng ta đang sống, mà ngay trong mỗi con người chúng ta đều tồn tại hai khuôn mặt đối lập, đó là Thần thiện và Thần ác. Mới đây người ta thực hiện một cuốn phim từ cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của Dan Brown lấy cùng tên là “Thiên thần và ác quỉ” (Angels & Demons – một bộ phim truyền hình Mỹ sản xuất năm 2009). Nói theo các nhà đạo đức thì bên hữu ta có Thiên thần, bên Tả ta có Satan. Cách nói nào cũng như nhau cả! “Trong hay ngoài” chỉ là do sự tượng hình của ngôn ngữ. Cách tốt nhất ta nên dùng từ: Sự hiện hữu, hay tồn tại của cả Thần thiện và thần dữ. Ngay như Chúa Giêsu khi trong thân phận con người, Ngài cũng vẫn bị Satan cám dỗ (Mc 1,13). Mặc dù trong Ngài mang cả bản thể Thiên Chúa. Cho nên ta có thể hiểu lý do tại sao cô Thủy nói: “Con phải nói sao cho mọi người hiểu, vì đây là chuyện có thật, nhưng lại rất phi lý, vì ai cũng nghĩ có Chúa ở trong lòng; Có Chúa ở trong nhà thờ; Có Chúa ở tại gia, thì sao lại bị ma quỉ ám ảnh? Cô Thủy dùng chữ “ám ảnh”, hay hơn chữ cám dỗ, vì nghĩa cũa từ ám ảnh là làm cho tâm trí, linh hồn người ta thành “bóng râm”, “bóng tối” (Từ điển Hán Việt của nhà xuất bản Văn Hóa) mà bóng tối đồng nghĩa với đêm, lúc ai nấy đều đã ngủ. Như thế thì rất gần gũi với dụ ngôn cỏ lùng mà Chúa nói: “Khi mọi người đang ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất” (Mt 13,25). Chính vì sự hiện hửu của thần dữ là Satan, nên Giáo hội lúc nào cũng khuyên ta: Đời sống như một cuộc chạy tới, và người đời thường cứ mặc sức bon chen, nên mỗi người phải có những lúc dừng lại để xem mình đang sống kiểu gì, có bị rơi vào những cơn cám dỗ? Hay đang ngủ say trong cạm bẫy của quân thù? Hãy luôn cảnh giác rằng: Nếu cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa, thì đồng thời cũng có thể là một chuỗi những cạm bẫy, hay cám dỗ. Xã hội loài người càng văn minh tiến bộ, thì con người càng sa lầy vào những cạm bẫy tối tân của ma quỉ, ngụy trang bằng đủ thứ màu sắc quyến rũ: Nào là những sự mượt mà của thân xác; Nào là các phương tiện ăn uống, vui chơi, chế tạo các thứ thuốc kích thích thân xác, làm cho đòi hỏi, hưởng thụ và chiếm đoạt, dưới mọi hình thức sảng khoái. Chúng khiến con người tư bản, kinh doanh chế tạo đủ mọi loại sản phẩm và bán buôn các thứ trò chơi đóng cửa tâm hồn, bịt mắt con tim, như các trung tâm du hí, các hộp đêm, các khách sạn đen, các phòng trà trá hình, làm cho thanh niên, thiếu nữ trở nên mù quáng, sống trong đam mê, quên đời, phóng đãng. Ở lứa tuổi này, ai cũng thích nghe “tiếng nói của con tim”. Vì nó là tiếng nói rất ngọt ngào và dễ say đắm! Nhiều khi ta cứ ngỡ tiếng nói thiên thần, chứ nào ngờ âm thanh của ác quỷ! – Quỷ không như người ta vẽ! – Quỷ từng đã là thiên thần, nên nó giả vờ làm thiên thần thì loài người rất dễ rơi vào cạm bẫy. Một anh chồng, hay một cô vợ đang sống trong một mái nhà hạnh phúc, với thời gian nắng nhiều thì phai màu, mưa nhiều thì mái giột. Ngày ngày mỗi người một công việc, chiều về mỗi người một bổn phận, không còn ai nhìn ra được bóng dáng yêu kiều của những ngày xưa thân ái! Quỷ bắt đầu sai quân đi đặt bẫy khắp nơi. Cho nên mới có những gia đình bỗng một ngày có người quên bổn phận, làm cho thời giờ tự nhiên thay đổi thất thường. Có những buổi sáng đi sớm, lại có những buổi chiều về trễ, thỉnh thoảng xen vào những tối họp đêm. Con người tự nhiên bận rộn với những cuộc nhắn tin, hẹn hò, ăn tối, hoặc nghe nhạc. Tiếng nói của con tim bắt đầu thổn thức, nó rung lên những cung điệu khác thường ru ngủ cảm giác của lương tâm. Khi lương tâm đã ngủ yên, thì Dù cho sự phản bội chưa đến, con tim cũng có đủ lý lẽ khiến người ta bỏ bê gia đình để đi tìm lạc thú riêng. Khi tình yêu lên ngôi là lúc tình yêu thành “mù quáng”. Tình yêu mù quáng bít cả đường về. Ở một nơi nào đó người ta chỉ còn biết lao vào vòng tay của nhau, vượt qua mọi rào cản của đạo lý cũng là của tôn giáo.
Cái bẫy này đối với ma quỷ thì bình thường và rẻ tiền lắm, nhưng chúng rất thành công, nhất là trong thời đại hôm nay.
Đối với những kẻ trí thức, chúng làm cho đầu óc cao ngạo, hám danh, trục lợi. Chúa quỉ Satan cũng rất giỏi tạo phong trào, tung chiêu bài kêu gọi người ta “Sống là trường tranh đấu không ngừng nghỉ”, nhưng thay vì chiến đấu chống lại nền văn minh của sự chết, chống lại những con lốc xoáy của thời đại phá hoại các quy luật tự nhiên của loài người và vũ trụ, tức hủy diệt sức sống thiên nhiên và vạn vật, như phá thai, nạo thai, hoại tử, hôn nhân đồng tính, cho mướn tử cung và đầu độc môi trường v.v… Thay vì thế, chúng khiến nhân loại xử dụng tất cả mọi phương tiện khoa học, kỹ thuật để phục vụ con người chiến đấu chống lại nhau: Nước này chiến đấu với nước nọ; Dân tộc này chủ trương tiêu diệt dân tộc kia; Và cũng chưa có thời kỳ nào con người độc hại đến chỉ vì mưu cầu cuộc sống cá nhân, mà người này tẩm độc vào thực phẩm đem bán cho người khác tiêu dùng! Hiện tượng này đang tràn lan nhiều nơi trên thế giới, mà VN đang là nạn nhân của một thứ tệ nạn độc hại đó.
Sự phát triển tăng tốc đột xuất của nền văn minh vật chất, nhất là sự ra đời của bộ óc điện tử là Computer đã khiến nhân loại nhiều người quay lưng lại với Thần Thánh. Tuổi trẻ như đã chuẩn bị đóng gói nền luân lý đạo đức ngàn đời cho vào viện bảo tàng, họ vui vẻ và hăng hái rủ nhau nhảy lên xe trượt tuyết lướt trên băng dốc tội lỗi, không cần biết phía trước là vực thẳm!
Giáo hội hôm nay luôn kêu gọi người tín hữu khôn ngoan hãy năng cảnh giác những cạm bẫy giữa đời. Chúng luôn là đòn lừa của Satan, Trái đời càng đẹp, càng quyến rũ, thì càng tựa hồ như trái cấm thời xưa! Không biết ai đã làm cố vấn cho hãng apple quả quyết chơi ván bài thách đố, rằng loài người bây giờ đã cười lên trái táo ngày xưa, và bảo rằng: thật đã quá xưa rồi! và cứ chọn logo là một trái táo người xưa đã cắn, để được lặp lại cách hiểu ngầm một câu nói rất xưa rằng: “Cứ cầm lấy mà dùng đi! Bạn sẽ khôn lên và biết được đủ thứ trên đời trong cái apple này!”. Chủ nhân của câu nói này ngày xưa, vẫn còn tồn tại và hiện hữu trên thế giới này chứ không phải là cái gì trừu tượng pha trộn trong con người và thế giới, và cũng không phải là một nhân vật trong tưởng tượng! Baudelaire viết: “Chiến thắng lớn nhất của ma quỉ là làm cho chúng ta tin rằng ma quỉ không hiện hữu”. Khi bạn tin nó không hiện hữu, tức là không có thật, bạn sẽ không bao giờ đề phòng, hay cảnh giác! Đức Giêsu Kitô từng khẳng định nó là Satan và Ngài còn định nghĩa: “Hắn là kẻ nói dối và là cha của sự dối trá” (Ga 8,44). Chân phước Giáo hoàng Phaolô đệ VI, cũng khẳng định: “Ma quỉ là kẻ thù số một, nó cám dỗ rất tinh vi. Chúng ta phải biết rằng nhân vật tối tăm và phá rối này thực sự tồn tại và tiếp tục hành động”. Đừng nói chỉ có Adam, Eva ăn trái cấm, hoặc nhìn hai vị nguyên tổ bằng một con mắt khác lạ. Lịch sử có nhiều cái vẫn thường tái diễn, nên những nhà chính trị và quân sự mới viết ra sách lược hay binh pháp nhờ vào kinh nghiệm của quá khứ, và biết rằng sẽ còn lặp lại ở tương lai. Wendell Philips viết: “Kitô giáo là một trận chiến, chứ không phải là một giấc mơ”. Tất nhiên là trận chiến giữa thiện và ác. Giữa con cái Thiên Chúa với đội quân của Satan. Trong TGTL#46 Đức Mẹ đã cho biết Satan đang hết sức nỗ lực hủy diệt địa cầu này. Nó cũng đang dùng giới trẻ để phá hoại gia đình, hầu cướp cho được nhiều Linh hồn. Pascal nói: “Người là cây sậy biết suy nghĩ”. Cho dù biết suy nghĩ, cây sậy cũng dễ ngả nghiêng trước gió. Chính vì thế, chúng ta chỉ có một cách thế là nương tựa vào Chúa. Những cách thế ma quỉ dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, cũng là những cách chúng cám dỗ chúng ta ngày hôm nay. Có lẽ không ai trong chúng ta không biết ba vấn đề, cũng là ba yếu tố lớn trong cuộc sống dễ cuốn hút con người vào đam mê, thì Satan đều mang ra cám dỗ Chúa Giêsu hết! Tôi xin tóm gọn ba yếu tố đó là: Thứ nhất thú đam mê tiền của, vật chất qua câu chuyện “Quỷ xúi Chúa truyền cho những hòn đá hóa bánh”; Thứ Nhì thú ham mê danh lợi, qua câu chuyện “Tên cám dỗ đem Chúa lên thành thánh, khích Người nhảy xuống, vì sẽ có các thiên sứ tay đỡ, tay nâng”. Và Thứ Ba, Satan dụ Chúa Giêsu về quyền bính, “nó đưa người lên đỉnh núi cao, cho Người thấy tất cả các nước trên thế gian, rồi bảo: Tôi sẽ cho ông hết tất cả vinh hoa, lợi lộc của các nước, nếu ông sấp mình bái lậy tôi” (Mt 4,1-11). Tác giả không cần phải nói “tên dối trá” ấy không chỉ cám dỗ Chúa Giêsu một lần trong hoang địa, nhưng nó đã cám dỗ Ngài suốt cả cuộc đời trong thân phận làm người trên trần thế, nhưng cuối cùng ma quỷ đã thất bại hoàn toàn!
Ngày nay, khắp nơi trên thế giới, từ nước giàu xuống tới những nước nghèo, đâu đâu con người cũng lo phục vụ thân xác. Nghèo như VN mà tại các thành phố cứ thấy ăn nhậu suốt đêm, từ ngõ hẻm tới những nhà hàng lớn. Người ta đua đòi hưởng thụ sa hoa, tôn thờ nhục dục khoái lạc, phô bày thân xác! Không có cám dỗ nào lớn bằng cám dỗ về tiền bạc của cải, từ đứa trẻ mới có trí khôn, đến người kề miệng lỗ! Từ phường buôn bán giữa chợ, tới các bậc vị vọng ở chốn tôn nghiêm. Rồi không cám dỗ nào mãnh liệt bằng cám dỗ về tình dục! Nó hủy hoại tất cả những giá trị đạo đức, băng hoại đời sống gia đình, làm suy sụp xã hội, đạo đức và tôn giáo. Những kẻ đam mê danh vọng phát xuất từ những cơn xúi dục khiến mơ ước làm sao đạt được những địa vị có thể nâng cao đời sống trở nên giàu sang, phú quí! Có nhiều kẻ vì mê danh vọng mà hy sinh hạnh phúc gia đình, hoặc khi đã đạt được mục đích rồi, thì “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”, làm đảo lộn giá trị hạnh phúc và đạo đức!
Nhưng cám dỗ về quyền lực vẫn là một cám dỗ đáng sợ nhất. Giấc mơ của những kẻ muốn có quyền lực trong tay để chỉ huy và điều khiển những người khác, thường gây nên các cuộc tranh chấp, nhỏ thì tạo ra những cuộc xáo trộn, gây hiềm khích, mất tinh thần yêu thương, bác ái, ngay trong các hội đoàn, hoặc giữa các hội đoàn với nhau. Nhất là khi kèn cựa nhau về lời ca tiếng hát! Lớn có tầm vóc quốc gia, thì lòng trí toàn chứa đựng những mưu đồ đen tối; Bày mưu tìm kế thủ tiêu, ám toán, dần dần thì tiến đến tình trạng phát sinh giặc giã chiến tranh và gieo rắc tang thương, đau khổ, có khi cho cả một dân tộc, như trên quê hương VN suốt gần 80 năm qua, không ai không biết!
Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của ma quỷ. Chúng ta là con Thiên Chúa, ma quỷ chắc chắn không bỏ qua chúng ta, nhưng nhờ vào quyền năng của Chúa, Lại có Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ – Đấng đã đạp dập đầu con rắn là Lu-xi-phe – Chúng ta cũng sẽ vượt qua được những cám dỗ từng giây, từng phút, và từng ngày đối với kẻ thù, mà cô Thủy bảo nó thường xuyên hiện hửu trong tâm trí của mỗi người, chứ không thể coi thường được! Chúng tôi lại mời quí vị trở lại bàn thảo luận với cô Thủy).
- Quỷ hình dạng ra sao, đẹp hay xấu?
– (Th): Cô, chú, mẹ có hình dung được quỷ hình dạng ra sao không? Xấu hay đẹp? Mẹ trước!
– (BQ): Tao thì không hình dung ra được! Chỉ thấy hình người ta vẽ rồi in ra thì rất xấu!
– (HTr): Tôi cũng thấy vậy!
– (Th): Cô, mẹ không thấy, thực vậy! Còn chú thì sao?
– (T): Cô chắc nhìn thấy quỷ, chứ tôi làm sao thấy được! mà tôi cũng không muốn thấy! Nhưng khi nó cám dỗ mình thì chắc chắn nó mượn những hình ảnh đẹp và hấp dẫn theo lối thế gian. Vì tôi đã có dịp chứng kiến một ông già khi hấp hối, ông ta là người gác dan cho trường học nơi cha tôi dậy. Bình nhật ông cụ hiền lành, nhưng nghe nói là ông bị ghiền hút. Ông biết nơi có bàn đèn. Trong ngày cuối đời, ông luôn xua đuổi cụ bà, và trong cơn mê sảng, ông cứ vẫy gọi các cô và nói ra miệng, còn gọi là “người đẹp hãy tới đây!”. Ai chứng kiến cũng biết là ma quỷ đang hiện hình các cô gái để cám dỗ ông cụ! Nhưng cuối cùng thì ông cũng chịu đủ các phép trước khi lên đường. Nhưng nhớ có lần cô bảo, người ta trong cơn mê sảng thì Chúa không chấp … đúng không? Chúa chỉ tính những việc người ta làm khi tỉnh thôi! phải không?
– (Th): Cháu kết luận. Sự kết luận của cháu cũng cho vui thôi! Nếu không trúng với ý nghĩ của ba vị, cũng xin thông cảm cho! (chú thích: Tôi hiểu tính cô, những gì không quan trọng, và cần thiết, thì cô không muốn làm phật lòng ai! Cô tiếp): Vậy hai ý kiến của cô và mẹ cháu giống nhau, nghĩa là hai người chỉ thấy trong hình ảnh, hình dáng quỷ rất xấu. Còn chú thì bảo trong cám dỗ dù là trong tư tưởng, hay những hình ảnh bên ngoài chúng mượn, thì rất đẹp, và vừa ý thích của người ta. Cháu thấy cả hai cách trả lời đều có cơ sở, vì chẳng ai thấy bộ mặt thật của nó cả! Xong cháu cũng có thể nói chắc là nó hình dáng không xấu, nhưng làm những việc xấu! Hành động của nó là xấu … cô, chú, mẹ có nghỉ là thế không?
(Còn tiếp)