Vẫn ngày 20 tháng 5 năm 2011

  1. nhà có chỗ nào bị giột, thì ta phải sửa chỗ đó trước! Tên Thủ lãnh thế gian và con thú từ biển đi lên

– (Th): (Chúng tôi xin nhắc lại câu hỏi của cô Thủy trong kỳ trước): vậy thì điều mà Đức Mẹ giao phó, chú quên sao?

– (T): Dù ở đâu việc Đức Mẹ giao thì mình cũng vẫn làm chứ cô! Làm sao tôi có thể để Đức Mẹ buồn và thất vọng về mình được! (tôi cười): Đó là tôi chỉ nói về chuyện Đức Mẹ giao cho làm thôi! chứ bảo đọc kinh nhiều, thì tôi không dám nói! chuyện đó Đ. Mẹ biết rồi! mà cô cũng biết luôn, cô đừng cười! Còn việc chia sẻ thì mình có phải là cha đâu mà quan trọng hóa vấn đề? Ngày xưa Chúa cho người ta ăn Man-na miết, ngta còn than chán, huống chi ngta nghe mãi một người, người ta cũng phải chán thôi! Cô biết không, khi tôi đi xa, đám trẻ đã có sơ H (một sơ Đa Minh trong Tiểu Bang ở thời điểm này). Tôi nghĩ thỉnh thoảng mình cũng nên giúp anh em, bà con, các bác lớn tuổi, thay đổi không khí, tốt hơn là ta ở lâu mọc rễ, có khi còn mang tiếng là độc quyền sở hụi. (Tôi cười): Nói chơi vậy thôi! Mọi chuyện để Chúa sắp xếp!

– (Th): Cháu muốn nói lại điều cha Qui dặn dò là “Chúa rất yêu Đức Mẹ! Và khi ta được Đức Mẹ giao phó điều gì, thì tuyệt đối phải làm, không được từ chối! Còn bây giờ cháu nghĩ việc giáo dục các trẻ nhỏ thì cũng rất tốt! Song có điều cháu ví dụ như cái nhà mà có chỗ bị dột, thì phải sửa chỗ đó trước, chú nghĩ sao?

– (T): Cô nói đúng! Tôi đồng ý!

– (Th): Thế thì cháu lại nói, ví như trong số các em, đối với chú dù là bên này hay bên kia, giả dụ như có em nào có máu ham tiền bạc, vật chất, thì sẽ không tốt về phương diện đạo đức. Đây là cháu ví dụ thôi, khi ấy thì sẽ ảnh hưởng đến con cái! Vậy muốn cho tất cả đều đẹp, thì ta phải chuyển những điều đúng hay sai cho họ trước khi nghĩ đến các cháu nhỏ! Chú nghĩ sao?

– (T): Cô bảo tôi phải chuyển những điều đúng hay sai đến họ như thế nào? Hồi nãy tôi đã nói hầu hết các cha mẹ trẻ hôm nay, ai cũng đầu tắt, mặt tối lo đời sống cơm áo, gạo tiền. Cuộc sống như biển động, mình khác nào như con thuyền giữa đại dương. Vấn đề không phải là mình chống chõi với con cháu, mà là với tên thủ lãnh đang làm chủ và gây sóng gió trên đại dương.

(Liên tưởng: Sở dĩ tôi đang liên kết chuyện biển động với tên thủ lãnh xưa Chúa đề cập tới với các môn đệ, là vì trong lúc nói chuyện, tôi liên tưởng ngay đến con thú từ dưới biển đi lên trong sách Khải Huyền của Thánh Gio-an, “nó có mười sừng và bảy đầu; trên mười sừng đều có vương miện. Nó được con Mãng Xà ban cho nó quyền hành tuyệt đối và toàn thể cõi đất thán phục đi theo con thú” (Kh 13,1-3). Nên tôi trang trọng đưa ra nghi vấn với người nữ sứ giả của Mẹ):

– Cô nghĩ đi! thế nào gọi là phong trào, và trào lưu. Tên thủ lãnh thế gian mà Chúa đã đặt tên cho nó, cùng với “con thú mười sừng bảy đầu, trên mười sừng đều có vương miện”. Thiên hạ hôm nay tôn mỗi vương miện của nó lên thành một ông vua của trào lưu thời đại mang tầm vóc quốc tế. Chúng nó tạo phong trào rất giỏi. Mỗi phong trào đều có các “siêu sao” riêng của nó là những đứa con của con thú. Chúng không cần áp lực, mà vẫn có “power” tức mãnh lực lôi cuốn, hay thu hút, khiến người ta thán phục và chạy theo. Cứ mỗi dấu hiệu của nó là một hiệu lệnh ban hành, để người ta nhìn đó mà thay mốt, thậm chí là có khi đổi đời theo nghĩa tối. Tuổi trẻ luôn xem mốt như là ấn tượng của lối sống mà họ thích. Cô nghĩ mình nói những điều nào là đúng, cũng như bảo họ những điều nào là sai, họ có nghe không? Con cháu mình có nghe không? Lời nói đơn phương của mình có thể trở thành ấn tượng không?

– (Th): Cháu cũng nghĩ là rất khó, song có vẫn hơn không! Chú nghĩ đi, ta cứ nói cho họ nghe, lâu ngày cũng thấm vậy!

  1. Đức Bà đang nghe chú nói, chú phải thực hiện những gì mình đã nói.

– (T): Cám ơn cô đã khích lệ!

Thực ra đối với con cháu mình, thì cũng không phải là không thực hiện được điều cô cổ súy.

Vấn đề chỉ là cơ hội và thời gian. Như lúc nãy tôi có nói: Vấn đề không phải là mình chống chõi với con cháu, mà điều quan trọng là những vấn đề của thời đại.

– (Th): Xin chú nói rõ hơn điều gì chú muốn đề cập hôm nay về các vấn đề của thời đại?

– (T): Tôi nhớ là mình đã từng bàn đến các hiện trạng suy đồi của thời đại nhiều lần trong quá khứ. Một thời đại mà Thánh G.H. Gioan Phao-lô Đệ Nhị đã khoác cho tấm áo choàng “Văn hóa sự chết”. Tôi nghĩ là tấm áo choàng này phủ kín từ đầu tới chân thời đại chúng tôi và những người đang sống (Mời quí thính giả nghe lại TGTL#94, cũng tạm gọi là điển hình). Nên hôm nay chúng ta không nói đến các hiện tượng đó nữa! Tôi đang có ý nghĩ là để đáp lại tấm lòng ưu ái của cô, cũng như của Cha Quy mới đây đã về nhắc nhở tôi, khuyên tôi không được quên công việc Đức Mẹ đã trao phó. Còn hơn thế nữa, chính cô còn lo lắng cho tôi như lần cô đã thỉnh Chúa đích thân Chúa tới dạy dỗ, chỉ bảo, giải thích cho tôi tường tận, hóa giải cho tôi niềm ưu tư, xao xuyến, và ban cho tôi sự bình an để bền vững thực hiện chương trình của Đức Mẹ đã trao cho mình, và xin nhớ rằng trong đó cũng có cô. Thì hôm nay tôi nghĩ là ngày đặc biệt để tạ ơn Chúa, cám ơn những sứ giả của Mẹ trong TGTL. Tôi xin được một lần đề cập tới một trong những vấn đề cũng của thời đại hôm nay, nhưng rất quan trọng, đó là những sứ điệp của Đức Mẹ nhắn nhủ giới trẻ khắp nơi trên thế giới nói riêng, và nhân loại nói chung trong suốt mấy thế kỷ của Thời Cận Đại này.

– (Th): Cháu rất vui khi nghe chú nói điều này! Đức Bà cũng đang nghe chú nói, cho nên chú không được quên! Và phải thực hiện những gì mình đã nói. Đối với Chúa nói tức là hứa! Còn người ta tin hoặc có nghe hay không, hãy để Đức Bà làm! Đức Bà chỉ đòi hỏi sự cộng tác của con người. Bất cứ ai cộng tác vào công việc của Đức Bà, thì có Đức Bà mà cũng có cả Chúa đứng sau lưng! Cháu đề nghị với chú là khi nào chú thực hiện cuốn sách này, chú hãy để ra một chương cho những điều chú vừa nói hôm nay. Nhưng chú phải nói bằng những cách của chú ít nhất là cho giới trẻ, vì thời buổi này người ta rất làm biếng đọc! Nhưng trước đây cháu đã có nói rồi! Dù thế, việc viết, chú vẫn cứ phải viết!

– (T): Vâng, tôi sẽ làm, vì tôi biết là chẳng phải tôi làm đâu! Mà Chúa và Đức Mẹ sẽ làm ở trong tôi. Lúc nãy cô đã quan tâm đến những đứa con của chúng tôi, khi cô bảo nhà có dột thì phải chữa, vậy cô có gì nói với các em không? Xin mời cô!

 

  1. Sứ giả của Mẹ tiêu biểu thời cận đại. Thánh Nữ Gertrude thời trung cổ. Tiên tri Daniel thời Cựu Ước, họ nói gì với giới trẻ hôm nay?

– (Th): Chú đã nói thế thì cháu cũng xin nhắn với các em một điều, chỉ một điều thôi, mong là các em sẽ nghe. Chị xin nói đây: Tiền bạc, của cải, vật chất nếu ta xem thường thì Chúa sẽ cho nhẹ gánh, còn nếu ta coi trọng những thứ đó, nó khiến ta cứ phải chạy đua rất mệt mã, trong cuộc chạy đua do Satan chúa quỷ bày ra, khiến tâm hồn con người rã rời cho đến khi cuộc đời chấm dứt, khi ấy nhìn lại thì sẽ biết rằng tất cả chỉ là những cái bẫy đời, do tên chúa quỉ bày ra, để sau một thời, hết một đời, ta sẽ thuộc về nó và kết quả thì sao? uổng công Chúa xuống trần ban ơn cứu độ cho ta, còn ta mãi mãi làm nô lệ cho chúa quỉ và các ác thần của nó!

– (T): Vâng, cám ơn cô Thủy! Chúng ta cũng hãy nghe những lời tương tựa như thế của Thánh nữ Gertrude ở thế kỷ thứ 13: “Hỡi những ai chỉ nghĩ đến việc hưởng-thụ ở trần gian như tiền của, các cuộc vui chơi, giàu sang, phú quí và địa vị … hãy nhớ rằng sự chết sẽ chấm dứt mọi sự thoả thích trần thế. (Th. nữ Gertrude). Câu nói của Tiên tri Daniel – một nhân vật thời Cựu Ước – cũng không khác: “Tất cả ra như trấu trên sân lúa mùa hè bị gió cuốn đi, không còn dấu vết đâu nữa.” (Đn 2:35). Xem thế thì đó không phải là kinh nghiệm của một thời, hay của một người, mà là của mọi thời bởi những người đáng tin cậy.

– (Th): Hôm nay cháu vui lắm! cháu cám ơn chú! Bây giờ đã đến lúc cháu phải đi rồi! con chào cô chú và mẹ! – (T): Chúng tôi cũng cám ơn cô nhiều!

 

  1. Chúa Giêsu rất yêu Đức Mẹ, và muốn ta gắn bó với Đức Mẹ ra sao? Thế nào thì gánh nặng được cất đi. Vô tri được lấp đầy, và giới hạn được tháo gỡ?

(Chú Thích: Nhân câu nói của Thánh nữ Gertrude, các bạn cũng nên biết: Qua chị Thánh, ta thấy Chúa Giêsu rất yêu Đức Mẹ, và muốn ta gắn bó với Đức Mẹ ra sao. Chị Thánh sống trên trần gian vỏn vẹn 46 năm. Sanh năm 1256 và được Chúa đón về trời năm 1302. Một lần kia khi Gertrude hỏi Chúa điều gì làm Người hài lòng nhất, thì Chúa đã trả lời chị: “Con hãy yêu mến Mẹ của Cha. Gắng sức ca ngợi Mẹ cho thật xứng đáng”. Trong những năm đầu tâm sự với Gertrude, Chúa thường nói với chị: “Cha ban Mẹ rất dịu ngọt của Cha để Mẹ nên Đấng bảo vệ con. Cha cũng trao phó con cho Người chăm sóc”. Khi gặp gian nan thử thách, Gertrude kêu cầu Chúa thương giúp đỡ, Ngài nhắc lại: “Cha đã trao con cho Mẹ đầy tình thương của Cha, nên qua Mẹ, Cha sẽ ban các ơn của Cha cho con”. Từ đó, Gertrude luôn luôn xin Mẹ dọn lòng chị thánh Rước Lễ, nên trong thời gian đó, Chúa Giêsu thường hiện ra và sống thân tình với chị.

Sau hết, tác giả cũng xin có một lời gởi tới các bạn trẻ: “Sống là gánh nặng được xây dựng trên sự vô tri và giới hạn. Sự vô tri đối với sinh và tử, vì chúng ta đã không biết lúc mình được chào đời, sinh ra để làm gì và khi nào thì chấm dứt. Giới hạn giữa hiện thực và mộng tưởng. Đó là hai lãnh vực mà suốt cuộc đời, chúng ta thường lẫn lộn! Chuyện thực là đời sống hạnh phúc miên viễn trong Thiên Chúa, thì cứ cho là ảo, xa xôi và mù mờ! Còn chuyện ảo là đi tìm hạnh phúc vu vơ trên cỏi đời, thì lại cho là thực, để rồi cứ miệt mài tìm kiếm. Nhưng nếu bạn học được những bài học từ các nhân vật trong TGTL và cố gắng thực hiện, thì gánh nặng sẽ được cất đi. Sự vô tri được lấp đầy, và giới hạn được tháo gỡ!

* Và sau đây là phần chót của buổi nói chuyện hôm 20 tháng 6 năm 2011. Trong buổi nói chuyện, có lúc Bà Quý hỏi cô Thủy đại khái bà nghĩ là Chúa khó. Khi ấy cha Quy bảo: Ai khi về bên Chúa rồi cũng sẽ thấy là mình đã không kịp, vì khi sống có cơ hội đã không lo làm điều Chúa muốn. Do đó cô Thủy đã yêu cầu tôi: “cháu mong lát nữa có giờ, xin chú giải thích kỹ cho mẹ cháu hiểu, chứ mẹ cháu chưa hiểu gì về Chúa hết! Nếu cần, quí vị nghe lại TGTL#102).

 

  1. Con tim ân hận là đã không làm được điều gì đó cho người mình yêu

– (T): Cô Thủy đã đi rồi, lúc nãy cô ấy muốn tôi giải thích để chị hiểu rằng Chúa không khó với chúng ta, có điều là khi cuộc đời của ta trên trần gian chấm dứt, về bên kia thế giới, ta sẽ nhìn được hết tất cả mọi việc của mình làm khi trước, lúc đó mình sẽ nhận ra là mình đã để mất rất nhiều thời gian trong đời làm những điều vô bổ, trong khi cái cần làm, mình đã không làm, mà thời giờ thì không còn nữa! Chính điều đó làm cho mình ân hận! Chị đã có bao giờ nghĩ lại trong quá khứ có những điều phải ân hận, vì đáng làm mà lại không làm bao giờ chưa?

– (BQ): Tôi nghĩ mình cũng đâu có làm điều gì quá đáng mà phải ân hận!  … chỉ có cái lần tối hôm trước ngày con Thủy nó chết, tôi rầy rà, la mắng nó, tôi đã kể cho anh nghe một lần rồi đó! Ngay ngày hôm sau nó bị tai nạn chết làm mình cứ ân hận, giá biết trước thì cái buổi tối cuối cùng ấy mình đâu có để cho nó buồn!

– (T): Tôi có nghe chị kể! trong suốt cuộc đời chuyện mẹ con, cha con, ngay cả vợ chồng cằn nhằn nhau thì có đáng gì, phải nói là bình thường! Nhưng có một lúc nào đó nó khiến người ta ân hận, như chị nói đó, chính là do tình yêu! Cái mà người ta gọi là “sự ẩn ức và thổn thức trong con tim”! Nhưng muốn có được cái đó, phải có điều kiện! Bây giờ thiếu gì lúc chị hay tôi mắng con, cằn nhằn cháu, nhưng mình không có cảm giác ân hận, là vì thiếu những điều kiện cần thiết chị thấy không? Thí dụ trước một cái chết bất ngờ như cô Thủy chẳng hạn!

– (BQ): Anh nói thì cũng có lý, nhưng mà chỉ khi nào mình không kịp làm điều gì cho con cháu, mà lại rất cần thiết, ví như mình không tận khả năng, mà để cho nó chết, thì khi đó mình mới hối hận chứ!

– (T): Chị bắt đầu thấy vấn đề rồi đó! Nguồn gốc của vấn đề là TY. Tình yêu dành cho con cháu, nhưng cũng có tình yêu đối với tha nhân. Có thể chị không cảm nghiệm được TY đối với tha nhân là quan trọng, nên tôi kể chị nghe câu chuyện này trước.

– (BQ): Chuyện thế nào anh kể đi, tôi nghe xem có đáng để ân hận không?

– (T): Vâng, tôi xin kể: “Có một chàng trai đã gấp 1.000 con hạc giấy tặng người yêu. Lúc đó anh chỉ là một nhân viên thường trong một công ty, tương lai chẳng có gì sán lạn, nhưng tình yêu của họ thì đẹp. Cho đến một hôm nàng nói với anh là nàng sẽ đi Paris, và không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa! Nàng rất lấy làm tiếc về điều này và an ủi chàng rằng, rồi nỗi đau của chúng ta cũng sẽ trở thành dĩ vãng. Hãy để cho nó ngủ yên trong ký ức của mỗi người. 

Chàng trai cúi đầu ngẩn ngơ với một trái tim tan nát, rồi đành giã biệt. Từ dạo ấy, anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm, cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều mà trước đây vì thiếu nó mà người yêu đã rời bỏ anh. Nó còn giúp anh hàn gắn vết thương lòng của những năm tháng cũ. 

… Thế rồi một buổi chiều mưa tầm tã, trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ trông thấy một đôi vợ chồng già, cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió. Chàng trai chợt nhận ngay ra đó là cha mẹ của người yêu xưa. Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại. Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh. Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng anh bây giờ đã có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng, đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Vâng, chính anh, chính người mà trước đây con gái họ chối từ, đã làm được điều đó.

(… … …) Đôi vợ chồng già cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng, anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ. Trong nghĩa trang, anh đã gặp lại người yêu xưa của mình, vẫn với nụ cười dịu dàng, đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ. Cạnh cô là món quà của anh, những con hạc giấy ngày nào, là dấu chứng của tình yêu. Đến lúc này, nghe hai ông bà kể lại, anh mới biết một sự thật: nàng đã không hề đi Paris. Nàng đã mắc phải căn bệnh ung thư và biết không thể qua khỏi. Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc, anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh, sự nghiệp. Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Nàng mong ước cha mẹ sẽ đặt những con hạc giấy lên mộ nàng, để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa, anh có thể đem chúng về bầu bạn. Bà cụ bảo:

– Nó cứ dặn mãi tôi: “Mẹ nhớ đặt những con hạc này vô lồng kiếng và đặt trên mộ bia để con nhìn thấy chúng, vì anh ấy đã làm chúng với tất cả tình yêu dành cho con. Nhưng nếu khi nào gặp lại ảnh, mẹ bảo anh cho chúng về để chúng bầu bạn với ảnh, vì chúng đã đợi ở đây lâu lắm rồi!” (Trích trong Loveland/petalia)

Chàng trai bật khóc. Anh hối hận vì dạo ấy mình đã không chịu tìm hiểu, mà vội vã quay lưng! Mình đã phụ tấm lòng hy sinh mà nàng vì yêu chàng đã chấp nhận cô đơn, một mình lui vào trong bóng tối của tử thần, để người yêu vì thế mà rộng đường tiến thân. Tuy rằng nàng chết vì bịnh ung thư, chứ không phải vì chàng, nhưng tấm lòng hy sinh cao quí của nàng dành cho người mình yêu, cũng gần được như lời Chúa nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng cho người mình yêu” (Ga 15,13). Tôi xin mượn khúc hát bài ca “Một mình” của Lam Phương khóc cho một câu chuyện tình:

“Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành,

Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình.

Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh.

Đường xưa quen lối, tình dối người mang.

Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình

Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh”.

– (BQ): Câu chuyện thật cảm động! Người con trai hối hận là phải!

– (T): Anh ta hối hận, vì trong anh ta có quả tim đã từng xót xa vì yêu. Chị có đồng ý không? (Chị Quý gật đầu, tôi tiếp): Chị biết không, khi tạo dựng nên con người, Chúa cho con người mang hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). Chị lại biết: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8), nên con người có tình yêu. Mọi người sinh ra trên đời đều là con của Chúa, và là anh em, chị em với nhau. Có cha mẹ nào lại không muốn các con cái yêu thương nhau? Đùm bọc nhau, chia sẻ những gì của mình có cho nhau. Thế cho nên, trong bữa tiệc ly Chúa đã nói: “Điều Thầy truyền dậy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17). Khi anh em, chị em thật sự yêu thương nhau, thì không ai nỡ để người anh em, chị em của mình chết đói, chết lạnh, trong lúc mình dư ăn, thừa áo! Chị có đồng ý thế không? Vậy một ngày kia khi ta chết đi, chỉ là chết đi cái vỏ bọc của một con tim, một khối tình. Con tim biết yêu đó, khi trở về với Đấng là Tình yêu – Đấng đã sinh ra nó – Nếu Đấng ấy cho nó xem thấy những người anh em, chị em của nó chết vì đói trong lúc nó có thể chia cơm, sẻ áo, thì nó lại đang mải miết, miệt mài trong những cuộc vui chơi, hoan lạc ở đâu đó. Xin hỏi chị nếu nó có một con tim biết yêu, như Đấng là Tình yêu đã sinh ra nó, và cho nó giống Ngài, thì hỏi nó có ân hận hay không? Nó cũng chính là chúng ta, và hỏi cũng chính là trả lời! (Xin mời quí thính giả nghe Chương Đặc Biệt về “Sứ vụ Tình Thương của Mẹ đến cùng nhân loại” theo yêu cầu của cô Thủy)