Vẫn ngày 20/12/2011
(Nhắc lại câu của Thúc Linh Tâm hỏi cô Phạm Nhật Thủy trong số TGTL 109: “có lần cô tả lại cho bà Quý với cô Hợp nghe là cô đã gặp một ông cha lưỡi dài, hàm bạnh. Còn Huệ Trinh nhờ cô đi tìm giùm một ông chú, gặp LH ấy rồi, cô tả ông này nói rất khó nghe. Như vậy lấy gì là đẹp? Cho nên tôi cho là tuy người trong TGTL không cần quá khứ, và tương lai, nhưng thấy được tương lai và quá khứ của người trần chứ?”)
- LH trong TGTL đương nhiên là không còn phân biệt già, trẻ. Không có hình hài, nên cũng không có dị tật!
– (Th): Trước hết trường hợp em cháu mơ thấy ông cha bị tụi Vệt Cộng thắt cổ chết. Người chết vì bị thắt cổ, thì bao giờ lưỡi cũng chảy dài ra, hàm cũng bạnh ra. Nên cháu phải tả như vậy, thì em cháu mới tin là cháu đã gặp đúng người. Trường hợp cháu đi gặp LH ông chú của cô, cháu phải nói là ông này nói cháu rất khó nghe. Cháu chỉ cần nói thế thôi, thì cô và chú biết là cháu không có lộn với LH nào khác, vì ông này sinh ra đã bị ngọng rồi! Vả lại cô có tới mấy ông chú đạ! Mà nhiều khi tên Thánh lại giống nhau. Cô chú hiểu ý cháu không ạ?
– (T): Dạo trước cô nói tôi đã biết rồi! Chứ người chết về bên ấy có xác đâu mà thấy lưỡi với hàm! Các LH lại trao đổi với nhau bằng tư tưởng, thì làm gì có chuyện người ngọng nói khó nghe! Tôi biết cô có máu tiếu lâm giống ông già cô!
– (Th): Chú lại nói sai rồi! Về bên này cháu gặp mấy ông thương phế binh mất máu, nên cháu cho hết máu rồi! Cháu chẳng còn giọt nào của bố cháu nữa đâu!
- Cô thấy được tương lai của tất cả mọi người … đúng không?
Chú biết có câu “Tiên cơ bất khả lậu”, vì vậy cho dù cháu có biết thì cũng không có quyền nói! Chuyện tâm linh cũng gần giống như người học ở đời: Người học lớp cao, thì được dạy cao.
– (T): Cô biết nói đùa! Tuy nhiên, vẫn còn nửa câu hỏi cô chưa trả lời: Trong TGTL ví dụ như Chúa thì không có quá khứ, mà Ngài cũng không cần phải có tương lai, vì Thiên Chúa là hằng hữu. Các LH khi về với thần linh, thì cũng giống thần linh, nhưng từ đó mà nhìn thế giới hữu hình, thì mọi sự trước con mắt tâm linh cô, cái thế giới hữu hình đều bày ra hết chứ! Điều đó có nghĩa là nếu muốn thì cô cũng thấy được tương lai của tất cả mọi người … đúng không?
– (Th): Thưa chú, cho dù cháu có biết thì cũng không có quyền nói! Từ ngày gặp chú, cháu cũng có nghe chú nói vài lần câu “Tiên cơ bất khả lậu”, như thế có nghĩa là chú đã biết rồi, thì còn hỏi làm chi nữa! Tuy nhiên, trong sự quí mến, ngay như ở đời người ta cũng còn không muốn làm mất lòng nhau, thì hôm nay, cháu được phép nói cho chú biết một chút về nguyên tắc là trong TGTL cũng có cấp bậc và giới hạn. Cháu thí dụ: Cũng là các Thánh, nhưng Thánh Giuse thì ngay trong Giáo Hội cũng được mạc khải cho biết Ngài là Thánh Cả. Còn giới hạn là không phải Thánh nào cũng được nói tiên tri. Không những thế, phải nói tiên tri cách nào còn tùy thuộc vào việc làm của Chúa Thánh Thần! Chứ không phải cứ phơi bày hết mọi sự cho người ta thấy! Còn người ta có hiểu được hay không, cũng tùy thuộc vào ơn CTT, hễ Ngài ban cho ai, thì người đó được hiểu. Cho nên Chúa Giêsu từng nói: “Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” là thế đó! Chuyện tâm linh cũng gần giống như người ta học ở đời: Người học lớp cao, thì được dạy cao. Có những người chỉ muốn biết, nhưng lại không chịu học, như những ông biệt phái, những ông kinh sư xưa! Chúa giảng dạy cho hết mọi người “ai có tai thì nghe”. Các ông ấy không muốn học Chúa, mà chỉ muốn hỏi để bắt bẻ điều này, điều kia. Ngày nay những người như thế nhiều lắm! Họ không thích học hỏi Lời Chúa, mà cũng chẳng muốn lắng nghe, chưa kể có nhiều người cũng không muốn biết, không lẽ vì thế mà Chúa cứ phải ban ơn hiểu biết cho họ hay sao? Chú có nghe câu: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho” không? (cc: Mt 7:7) Chú cứ thế mà suy thì hiểu được nhiều lẽ huyền bí! Còn như cháu được phép Đức Mẹ cho tìm chú để nói về việc Đức Mẹ giao phó, thì cháu chỉ nói được từng đó. Cháu không có quyền nói thêm. Song việc nhìn thấy tương lai những người gia đình cháu, thì cháu nhìn thấy, nhưng không có nghĩa là Đức Mẹ cho về để làm thầy bói, thầy lý số, để ai hỏi cái gì về tương lai cũng nói … là lỗi nguyên tắc, kẻ lỗi nguyên tắc thì bị phạt! Cháu chỉ được Đức Bà cho về để hễ thấy ai tỷ như sống xa Chúa thì mình được phép giúp, và dẫn dắt cho khỏi mắc tội trọng, nhưng hễ ai không chịu nghe thì cũng phải chịu thôi! Cháu nói thế chắc chú rõ!
– (T): Vâng cám ơn cô! Hồi đó có người hỏi sao gia đình cô Chúa cho như vậy, thế những gia đình khác, không được như thế, thì Chúa có công bằng không?
– (Th): Họ không nên hỏi như vậy! Chúa là Đấng vô cùng công bằng! Đặt ra với Chúa như thế, khác nào như xét Chúa. Cháu cho biết: Hỏi như thế là có tội nặng! Người nào, nhà nào, dân nước nào cũng đều là con cái của Chúa hết! Ai cũng đều được Chúa quan tâm và ban ơn. Ơn Chúa ban tùy thuộc vào tâm trạng và hoàn cảnh của mỗi người! Nhưng giống như những nén vàng trong dụ ngôn của Chúa. Hễ nén nào không sinh lời thì sẽ bị lấy đi và Người trao thêm cho kẻ đã có và biết làm cho sinh sôi, nảy nở (Mt 25,14-30). Cháu cũng xin nói trước cho chú biết: Rồi đây, những người ấy cũng sẽ biết việc Đức Mẹ trao phó cho chú, trong kế hoạch và chương trình giúp cho mọi người biết, để tránh những cạm bẫy của Satan giăng trong thời đại. Nhưng rồi sẽ có những người nghe, người không muốn nghe, và cả những người thấy, với những người không muốn thấy! Cháu nói thật, ơn Chúa như mưa rào, nhưng kẻ không muốn hứng, thì suốt đời sẽ chẳng có gì!
- Lợi và hại của Internet (tức “Mạng lưới Toàn cầu”).
– (T): Ngày nay internet tức “Mạng lưới Toàn cầu” rất phổ biến trong nhân loại. Sự kỳ diệu của nó là đã biến một thế giới rộng lớn trên dưới mười tỷ người, cho dù người ta ở cách nhau rất xa, mà cũng thành ra như đang sống chung với nhau, trong một ngôi làng nhỏ bé. Bởi bất cứ chuyện gì xẩy ra ở bất cứ nơi đâu, chỉ một tích tắc, là ai muốn biết đều được biết! Bởi tính chất hay đặc tính ấy, người ta đặt tên cho thời đại này là “Thời đại Tin Học”, hay “Thời đại Tín liệu” (là thời đại phát minh ra các nhu liệu hữu hiệu và nhanh chóng cho việc truyền tin, hay thông tin – Tác giả cho rằng định nghĩa này lột tả được ý nghĩa chính xác hơn dùng từ “thời đại kỹ thuật số” ở trong nước đang xử dụng, vì nghĩa của chữ “kỹ thuật” và “số” rất mông lung, không sáng tỏ). Câu hỏi này chưa hỏi đã mất một, hai phút rồi thưa cô Thủy, ý tôi muốn nói rằng trong thời đại tín liệu này, người ta ai cũng có thể cập nhật, săn tin, học hỏi, nghiên cứu, và ngay cả bày tỏ quan điểm cá nhân giữa đại chúng, hay quảng bá bất cứ một cái gì, hay vấn đề gì. Bên cạnh những lợi điểm của nó trong thời đại, thì cũng lại có những khuyết điểm, có khi là những tệ hại, hay trở thành phương tiện chuyển tải những sự xấu xa mà kẻ thù có thể lạm dụng để tấn công hay đầu độc các thế hệ về các giá trị truyền thống trên mọi phương diện chân thiện mỹ. Ngay cả những kẻ tung tin với một tinh thần trách nhiệm không có, cũng làm phương hại đến những đầu óc non trẻ. Ở thời đại trước đây, những người viết sách luôn luôn nghiên cứu thận trọng, đắn đo tỷ mỉ, vì ai cũng phải có trách nhiệm về đứa con tinh thần của họ là tác phẩm, là cuốn sách họ bỏ công thai nghén, nhiều khi phải vất vả lắm mới cho ra đời được! Nhưng những công việc đó đã bị người ta xem nhẹ đi rất nhiều trên internet, và có nhiều người đem nhiều vấn đề lên trên mạng một cách vô tội vạ!
Mới đây, trên internet, người ta tranh luận với nhau về một vấn đề khá vui là: Con người có bản tính thiên Chúa, hay không có?
- Trong mỗi người chúng ta có bản tính thiên Chúa, hay không có?
– (Th): Chú thấy họ bàn tính vui ra sao xin chia xẻ cho cháu biết với được không?
– (T): Có hai phe cô ạ! Một phe bảo từ xưa tới giờ Giáo Hội dậy ta rằng chỉ có Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa xuống thế làm người, để cứu chuộc nhân loại, Ngài mới có hai bản tính: Một là bản tính Thiên Chúa, hai là bản tính loài người ta. Phe kia lập luận: Con người được Thiên Chúa tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27); Loài người hơn loài vật ở chỗ có linh hồn. LH thuộc Thần linh, tức là phát xuất từ Thiên Chúa, và nó sẽ trở về cùng Thiên Chúa, lại giống Chúa ngay từ khi được tạo dựng, vậy thì con người phải có được bản tính Thiên Chúa. Đây là tôi chỉ tóm tắt thôi cô! Tôi nói trước để cô khỏi hỏi: Cứ theo lập luận của cả hai phe, thì tôi thấy phe nào cũng trúng! Nhưng chẳng lẽ tôi lại bảo cả hai cùng trúng, thì mình thành người ba phải! Tôi vốn không thích đi chàng hảng, hay làm người hai mặt. Hạng người này, ngay trên thế gian người ta cũng chẳng thích! Vì vậy tôi muốn người của TGTL cho một lời giải đáp chính xác?
– (Th): Cháu xin phép để đi hỏi Chúa. (Khi cô trở lại cho biết): Bây giờ Mẹ, cô, chú hãy thờ lậy Chúa. Chúa đến để nói cho chú biết.
– (Chúa): Các con sao lại tối tăm đến thế! Ta đã cho con người có trí khôn, và một trí khôn có thể trưởng thành, sao lại không biết! Các con ngay từ khi chào đời Ta đã cho ai cũng có một trái tim. Trái tim nào cũng có sự yêu thương, thì đó chính là mang bản chất của Chúa! Khi thể xác của con đến kỳ hạn, nó chết đi là trở về lòng đất, trở về chính chất mà Ta đã dùng để nặn ra con, nhưng tình yêu thương của con thì không bao giờ chết, và chỉ có nó mới được linh hồn mang theo để về bên Ta. Vậy hễ ai từ lúc ra đi đến khi trở về mà đánh mất tình yêu thương, thì có còn giống Ta nữa không? Con người được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa, Mất đi hình ảnh của Chúa, con nghĩ nó giống ai?
– (T): Lậy Chúa, con tôn thờ và kính mến Chúa. Thưa Chúa, khi con người đánh mất hình ảnh của Chúa, thì nó trở nên con cái của ác thần, vì ác thần không có tình yêu, và nó không trở về được với Thần Linh là Thiên Chúa.
– (Chúa): Người ta tranh cãi gì thì mặc họ, song con phải biết, và nói cho mọi người biết là: Hễ ai muốn gọi Ta, thì họ phải mở lòng ra, Ta mới đến được!
– (T): Con tạ ơn Chúa! Con vô cùng cảm tạ Chúa là Thiên Chúa của con.
- TGTL rất nhiều LH, nhưng không có sự ồn ào, không có tiếng động, vì ai cũng nghe trong thinh lặng, và nói với nhau, trao đổi với nhau trong thinh lặng.
– (Th): Chúa đi rồi, chú ạ!
– (T): Tôi cám ơn cô đã thỉnh Chúa chỉ bảo cho tôi cách rõ ràng!
– (Th): Thực ra bất cứ điều gì Chúa nói đều có y như vậy, nghĩa là ai gọi, ai cần, Chúa đều tới với họ, như là khi chú cần một lời giải thích, thì Chúa đến ngay với chú! Chúa chỉ cần người ta mở lòng ra thôi! Hôm nay, Chúa dùng cháu như là một phương tiện để đến với chú. Không có cháu, Chúa vẫn đến, như Chúa vẫn đến với các cha, các sơ, và với tất cả mọi người mở lòng ra cho Chúa vô. Nhưng các cha, các sơ thì biết rõ hơn giáo dân, vì họ có thời gian thinh lặng, nên họ nghe được tiếng Chúa nói, hay bảo ban. Cháu nghĩ là chú hiểu cách nói của cháu, và cháu cũng tin là chú có được sự cảm nhận về tiếng Chúa nói trong thinh lặng.
– (BQ): Mẹ thua, mẹ chẳng khi nào nghe thấy Chúa nói!
– (Th): Tại tâm hồn mẹ không đủ lắng đọng, và mẹ phải tập nghe tiếng Chúa trong tâm hồn, chứ không phải nghe bằng tai. Khi nào chết, về bên này, mẹ sẽ biết. một TGTL rất nhiều LH, chưa kể còn có các Thánh nữa, nhưng không có sự ồn ào, không có tiếng động, vì ai cũng nghe trong thinh lặng, và nói với nhau, trao đổi với nhau trong thinh lặng.
– (BQ): Mày nói thật, hay lại nói chơi! Nói mà im lặng thì nói thế nào?
– (Th): Mẹ đã quên rồi! Con từ lâu đã nói với chú Tâm trước mặt mẹ: Trong TGTL, các LH, các Thánh trao đổi với nhau bằng tư tưởng! Chú còn điều gì hỏi cháu nữa không ạ?
- Có gì khác biệt giữa hai nhóm từ: Ơn Cứu Độ & Ơn Cứu Chuộc
– (T): Trên mạng, tức cũng bởi internet, người ta hay đưa ra những thắc mắc chẳng hạn như thế nào là “Ơn Cứu Chuộc”, và sao lại có người dùng từ “Ơn Cứu Độ”. Cô nghĩ sao về hai từ này?
– (Th): Cháu lại muốn nghe ý kiến của chú trước? Chú có cho là hai nhóm chữ này khác nhau về ý nghĩa không?
– (T): Cứu độ nằm trong nhóm chữ “cứu nhân độ thế” mang ý nghĩa: Cứu giúp người đời thoát thế giới khổ đau. “cứu độ” vì thế chỉ giúp một lối đi; Đưa ra một cách sống khả dĩ giúp người ta thoát ra khỏi cảnh sống khổ đau này, sang một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Một vài tôn giáo khác, như Phật giáo chẳng hạn. Triết lý này đưa ra một phương thức thực hành như đã chỉ bảo, thì sẽ thoát khổ. Người như Đức Phật là người đã tìm ra được phương thức, hay nói cách khác là cho nhân loại một phương thuốc chữa khổ, đưa người ta ra khỏi bến mê, sông dục, biển hận, nên ngài được thiên hạ tôn là Phật, là đấng cứu độ chúng sinh. Theo nghĩa đó thì chính Phật cũng dậy: Ai cũng có thể thành Phật, tức là người tự giải thoát chính mình và dẫn đường chỉ lối cho người đời thoát khỏi bến mê.
Nhưng, Thánh Phêrô khi đứng giữa Thượng Hội Đồng Tư tế của những người Do Thái, ngài đã làm chứng về Đức Giêsu Kitô: “Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội” (Cv 5,31). Để có được ơn tha tội từ Thiên Chúa cho loài người nói chung, và Do Thái nói riêng, Đức Giêsu Kitô không chỉ đưa ra một đường lối, hay một cách sống, mà chính Con Thiên Chúa đã phải xuống thế làm người, thể hiện tình thương qua cuộc sống. Rồi vì tình yêu thương, Người hy sinh chấp nhận cuộc khổ nạn và chết thảm khốc trên thánh giá, đến nỗi không còn một giọt máu trong tim. Đức Giêsu Kitô đã thể hiện một tình yêu trọng đại và trọn vẹn trên mọi sự trọn vẹn, để thành toàn Ơn Cứu Chuộc nhân loại. Một ơn mà ngoài Thiên Chúa, không có một con người nào có thể thực hiện được! Vì “cứu chuộc” không chỉ mang ý nghĩa một sự giải thoát, mà còn phải dùng cái chết giá trị nhất để đánh đổi, cũng là chuộc lại sự sống đã bị đánh mất vì tội lổi của nhân loại. Đây là điều mà không giáo chủ của bất cứ tôn giáo nào cho dù có thể thực hiện, vẫn không mang giá trị và tầm vóc của ơn cứu chuộc!
Xem như thế thì “ơn cứu độ” với “ơn cứu chuộc” hoàn toàn khác biệt giữa Đạo Chúa với các đạo khác, nhưng hai nhóm từ này lại trở nên giống nhau trong thần học Kitô giáo.
- Một điều bí mật trong TGTL được tiết lộ.
– (Th): Chú giải thích như thế thì cháu có thể nói là không chỉ khẩu phục, mà còn cả tâm phục nữa! Tuy nhiên, cháu có điều muốn bổ túc thêm, nhưng cháu phải đi xin phép Đức Bà, nếu được phép, cháu mới có thể tiết lộ! Vì đây cũng là một điều bí mật trong TGTL!
– (T): Vâng, xin cô thử xem!
– (Th. Sau vài giây, cô trở lại cho biết): Đức Mẹ cho phép nói, vì chú là người quyết tâm và chăm chỉ làm việc cho Đức Mẹ, nên cháu được phép tiết lộ điều này: Về mặt Tâm linh cũng giống như thần học Kitô giáo chú vừa cắt nghĩa, hai nhóm từ “ơn cứu chuộc” hay “ơn cứu độ” giống nhau. Tuy nhiên các cha, hay các sơ thì ta có thể dùng từ “ơn cứu độ”, để có một sự phân biệt, là các ngài cũng vừa được hưởng ơn cứu chuộc như tất cả mọi người, nhưng vì họ là những người tự tìm đường giải thoát cho chính mình – mặc dù trong đó vẫn có sự chọn lựa của Thiên Chúa, mà cũng có sự, hãm mình hy sinh thời còn trẻ của họ – để trở thành người dẫn đường chỉ lối cho người đời thoát khỏi bến mê và sống theo Chúa, nên cháu cho biết: Ví dụ như một cha khi có lỗi nặng, hay nhẹ giống một người giáo dân, thì luôn luôn được Chúa xét trước! Còn giáo dân thì không phải là không có sự công bằng, nhưng giáo dân đã không phải hãm mình hy sinh như các cha thời còn trẻ! Chỉ một điều được xét trước, thì đã may mắn hơn là những LH phải đợi chờ! Chú có thấy đó là một khác biệt nữa không?
– (T): Thưa đúng! Quả là một khác biệt lớn lao! Thảo nào ở đời có câu: “Tu là cõi phúc”!
– (Th): Chú cũng đừng buồn, hay là thất vọng! Cháu cũng đã chỉ cho chú con đường tắt, chú lo gì! Miễn là chú cứ chăm chỉ thực hiện những điều cháu mách bảo cho cô chú, thì thế nào cũng được Chúa xét sớm cho thôi!