Thứ Sáu, ngày 10 tháng 02 năm 2012

  1. Thánh Cả bảo: “Hãy xin vâng”

– (Th): Cháu hỏi chú Tâm, Thánh Cả bảo: “Hãy xin vâng”, thì chú nghĩ sao và thực hành thế nào? Chú nói để cháu còn thưa lại với Đức Mẹ.

– (T): Câu hỏi của cô có hai phần: a) Nếu là nghĩ thì lúc nào mình cũng nghĩ là mình “Xin Vâng”. b) Phần thực hành, thì nhiều khi nó đòi hỏi ta phải có tối thiểu là ba điều kiện: Ý chí, khả năng và phương tiện. Tôi thí dụ chuyện vượt biên là tìm cách thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của kẻ ác. Điều kiện ý chí, thì ai muốn đi cũng phải có ý chí. Chỉ nhen nhúm một chút sự sợ chết, hay sợ ở tù thôi, thì đủ nhụt chí mà rút lại rồi! Có ý chí nhưng không có phương tiện thì dù muốn mấy cũng đi không được! Thời đó, ai không có thuyền bè đi biển, thì phải có ba cây vàng cho một đầu người, mới dám nói chuyện ra biển. Dưới thời CS, những người có vàng để đi, không nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số ít người không có phương tiện, nhưng có khả năng xoay trở, bằng mọi cách trong đó có cả cách đi bằng đường bộ, thì cũng có người thành công, nhưng đa số thất bại. Với tôi, việc gì cũng vậy, khi chưa biết phương tiện mình có hay không, cũng chưa biết khả năng mình có bao nhiêu đối với từng mục tiêu, thì tiên vàn là mình cứ cầu xin Chúa, rồi phó thác cho Chúa!

– (Th): Chú cũng có ý thánh thiện, song cháu mới được Thánh Giuse truyền đạt cho cháu bảo chú, đây là nguyên văn ý của Thánh Cả bảo chú: “Ta nói cho con biết, sự cầu nguyện thì đúng là có Chúa đồng ý cho ta được ơn! Song điều cần thiết của sự “Vâng Lời”, nếu như con chọn Ta là hướng đi cho đời con, thì tuyệt đối phải giữ! Vì Ta e rằng sau này nếu vì một lý do gì mà con buông, mà không thực hiện được lời hứa này, thì rất đáng tiếc! Con hãy nhớ cho kỹ và suy nghĩ cho đúng!

– (T): Con cũng xin thưa với Thánh Cả là con cố gắng giữ điều mà con hứa! Nhưng con xin Thánh Cả hãy giúp con! Giúp con kiên cường về ý chí, dù khó khăn cũng không lùi! Khả năng thì xin Thánh Cả cầu bầu cho con được ơn Chúa Thánh Thần tác động cho mình thực hiện đúng Ý Chúa. Phương tiện thì con tin nơi Đức Mẹ, đến giai đoạn nào, cần phương tiện gì, chắc Mẹ sắp đặt trước, như trước đây Đức Mẹ đã sắp đặt cho con.

(Chú thích: Thì ra đến đây tôi mới hiểu những câu hỏi cô Thủy đặt ra với tôi từ đầu buổi nói chuyện tới giờ, và cô mời cả Thánh Giuse – Thánh Quan Thày – của tôi bảo ban, dạy dỗ tôi nữa, chung quy cũng là lời xin của tôi và hứa “Làm khí cụ Bình an của Chúa” trong kế hoạch và chương trình của Đức Mẹ. Thực sự nếu tôi biết trước, thì dù có chết, tôi cũng “xin vâng”).

– (Th): Chú nói thì cũng có cơ sở! Đúng thì đúng đấy! Song cháu nghĩ con người ta, nếu như đã có sự Vâng Lời, thì không cần phải dài dòng, rào trước đón sau như vậy! Chú có nghe câu thế nào là “Vâng Lời tối Mặt” không?

(Liên tưởng: Nghe cô Thủy nói bốn chữ “Vâng lời tối mặt”, thì lại nhắc tôi liên tưởng tới một câu chuyện đọc đã lâu, nên không nhớ rõ có phải là Thánh Giê-ra-đô, hay tên một vị Thánh khác, mong quí vị thông cảm. Vị Thánh lúc sinh thời tu ở một nhà Dòng. Thường thì các Tu sĩ phải triệt để giữ ba lời khấn: Vâng lời, khiết tịnh và sống đời sống khó khăn. Theo tôi hiểu cách đơn giản là không được chọn lối sống thoải mái cho bản thân. Có thể còn có ý nghĩa sâu sắc hơn, nhưng tôi không rành! Chuyện kể, một ngày kia cha Bề Trên sai Thánh nhân đi làm một việc cho nhà dòng, tại một chi nhánh ở cách xa. Chính vì đường xá xa xôi, nên Bề Trên nói với Ngài: “Thầy xuống chuồng ngựa, giắt ngựa ra mà đi”. Có lẽ vâng lời tối mặt được hiểu là lệnh truyền thế nào, thì cứ thế mà thì hành, không được thắc mắc, nên Thánh nhân chẵng kể đường xa, cứ thế giăt ngựa mà đi chứ không dám cưỡi. May mà công việc cũng không đến nỗi gấp, chứ không thì hỏng hết!).

– (T): Theo tôi hiểu thì dù có khó khăn, hay gặp trở ngại thì ta cũng cứ phải vâng lời triệt để, đúng không cô?

– (Th): Chú hiểu như thế thì rất xác đáng! Chú biết không, Đức Bà cũng bảo chú là hễ đã “Xin vâng”, thì dù gặp điều khó khăn, con cứ nhớ Lời Thánh Cả dậy, rồi tìm cách giải quyết, thế nào cũng có! Thánh Cả còn dặn chú thêm điều kiện nữa là “Khi ta xin vâng, tức là ta phải chấp nhận Hy sinh, chứ nếu xuông sẻ mới thi hành, đủ điều kiện mới làm, thì ai cũng làm được! Như vậy thì có còn gì là giá trị tinh thần của sự xin vâng nữa không?”. Thôi, cháu xin kết thúc mục này. Chú có gì thắc mắc nữa không ạ?

– (T): Tôi hiểu ý Đức Mẹ cũng như những điều chỉ dạy của Thánh Cả Giuse rồi! Tôi sẽ hết sức cố gắng và tôi vẫn trông cậy ở Chúa mọi sự.

– (Th): Cháu đã đến lúc phải đi rồi chú ạ! Chú nếu có điều gì cần hỏi, kỳ sau khi cháu được phép về cháu sẽ tiếp chú. Con chào mẹ, chào cô chú.

– (T): Vâng, chúng tôi rất cám ơn cô!

 

Thứ hai 16. 04. 2012, 9.00pm

nói chuyện với chị Thủy tại nhà Hợp.

  1. Lòng Chúa Thương Xót đối với một người đã tự vẫn.

– (H): Em mơ thấy chị Thanh đứng ngoài cửa nhìn vào nhà, mặt chị trông rất buồn. Em nhờ chị Thủy giúp em, vì em đang muốn biết tình trạng chị Thanh bây giờ như thế nào?

(Ghi chú: Chúng tôi nhắc lại trường hợp LH. Cô Thanh quí vị đã gặp trong TGTL bộ 1. Một người bạn cô Hợp nhờ chị mình là cô Thủy – Sứ giả của Đức Mẹ – tìm giùm. Thuở trước gia đình cô Thanh chỉ nói cho mọi người thân, hay những người quen cô Thanh được biết là con gái của họ chết trong trường hợp bị trúng gió. Nhưng vì cũng có nguồn tin khác không được tốt nói về cái chết của Thanh. Sau khi tìm kiếm LH. Cô Thanh, cô Thủy trở lại cho cô Hợp hay cô này hiện đang rất khổ, ở chỗ sâu và tối, tất nhiên LH Thanh đang bị ma quỉ cầm buộc. Cô Thủy cho biết Thanh chết vì tự hủy hoại đời mình chứ không phải là bị trúng gió! Dạo ấy, sau khi được chị mình cho biết tin dữ như vậy, Hợp rất thương bạn, cô đả khóc suốt đêm, không sao ngủ được! Nhờ sự cố vấn của chị, Hợp đã làm hết sức mình để cầu xin cho bạn, như gửi tiền về VN xin Thánh lễ 30; Nhờ những người thân dâng lễ và cầu nguyện cho Thanh, thì sau một thời gian cô Thủy đã cho hay LH cô Thanh đã được ra khỏi nơi khốn khổ đó, tuy nhiên vẫn cứ phải tiếp tục cầu nguyện cho Thanh. Hôm nay trong giấc ngủ, Hợp lại mơ thấy Thanh như cô vừa diễn tả. Xin mời quí Thính giả theo dõi).   

– (Th): Con cho mẹ vui, hôm nay con đưa một người về đây. Chị cho Hợp biết, em có muốn được gặp một người mà em đang thắc mắc không?

– (H): Dạ, em đang muốn biết về chị Thanh.

– (Th): Chị ấy đây, nhưng em phải xin phép Đức Mẹ thì chị ấy mới vào được! (Hợp ra bàn thờ cầu xin Đức Mẹ).

– (LH. Thanh): Cháu chào thím, hôm nay cháu cám ơn thím đã tới, để cháu được nhờ vả. Hiện giờ tình trạng của cháu cũng đang còn phức tạp! cháu xin được giữ tiếng nói thân mật này vì quen rồi (Chú thích của Hợp: Chị Thanh vẫn quen gọi mẹ cháu bằng thím. Thanh tiếp:) Cháu lúc trước bị ma qủy cầm giữ, cháu cũng biết là mình sai, khi mà cháu đã tự ý bỏ CHÚA. Cháu hiện giờ chỉ đỡ hơn trước một ít, chứ cũng rất là đau đớn. Bởi vậy cháu xin thím giúp.

– (B. Q): phải giúp như thế nào?

– (LH. Thanh): Thím bảo chị Thủy xin giúp cho cháu.

– (Th): Bây giờ chị cũng phải đi tìm một vị! Xin mọi người chờ! (Ít giây sau, chị Thủy trở lại): Người chị tìm đã đến! Em và mẹ phải tâm thành cầu xin, nhớ là phải tha thiết! chị mời vào nhé! Chị đã cho chị Thanh đi rồi, bây giờ em hãy chào!

– (H): Con xin chào Thánh! Con không biết Ngài là ai, nhưng con biết vị giúp con chắc chắn phải là một vị Thánh.

– (Thánh): Tôi đã biết là chuyện rất phức tạp, nên tôi nghĩ là cô phải hy sinh! Chị bạn của cô khi trước đến với Chúa, vì sự ép buộc của ông bố chứ cô ta không có tấm lòng thành! Bởi vậy chuyện xa Chúa của cô ấy là dĩ nhiên. Còn bà mẹ thì lại đem Chúa ra để che dấu chuyện cho vay ăn lời, nên Chúa đã không có còn lưu tâm đến gia đình nữa! cho nên ma-qủy mới xen vào. Hôm nay là ngày Chúa chứng tỏ cho nhân loại biết tình thương của Ngài là thế nào, đối với một người đã bỏ Chúa! Tôi thì cũng cảm động về tình bạn của chị, nghĩ cũng rất đáng được giúp đỡ! Chuyện này với Chúa, thì Tôi không có hứa! Song muốn giúp cho một linh hồn nặng tội như vậy, mà muốn được đỡ phải khổ, thì chị phải hy sinh một vài ngày nghỉ chị nghĩ sao? – (H): Dạ, con phải hy sinh nghỉ một vài ngày, để làm gì ạ?

– (Thánh): Chị làm cách nào liên lạc được với cha Bùi Công Minh cầu xin cho linh hồn cô này! Tôi nghĩ hơi khó mà nói chi tiết vì rất đông người xin cha cầu nguyện. Chị làm theo cách của chị. Chị phải tìm gặp mà kể cho cha nghe, giống như ta xin ơn trừ quỷ vậy. (Hợp chú thích: Thời gian này tôi đang làm việc ở cửa tiệm hớt tóc của mình full time. Tiệm đông khách lại ít thợ, nên rất khó mà nghỉ được mấy ngày cuối tuần. Đúng vào dịp vị Thánh nói, thì quả thật có cha Bùi Công Minh từ bên Mỹ tới Úc để chủ tọa 3 ngày tĩnh tâm kính Lòng Chúa Thương Xót tại nhà thờ bên khu người Việt ở Sunshine, rất xa nơi tôi ở. Nhưng tôi đã quyết định đi tham dự 3 ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật này, vì tôi rất thương chị Thanh nên đã dốc lòng để giúp chị ấy. Sau khi tôi được sự chỉ dẫn của ban tổ chức, thì tôi cũng không biết phải làm thế nào, vì mình ở xa, và biết quá trễ, nên số người “book” để được gặp riêng cha đã quá đầy danh sách rồi, không thể nào tới phiên mình được! Cuối cùng tôi chỉ còn cách viết một lá thư cho cha Bùi Công Minh. Trong thư tôi trình bày tôi là bạn rất thân với chị Thanh, và chị Thanh đã tự tử vào năm chị 18 tuổi. Lý do vì cha mẹ ép gả chị cho một người mà chị không yêu, nhưng gia đình của chị dấu chuyện này, chỉ nói chị bị trúng gió chết. Mãi sau này cha mẹ của chị cũng chết hết, thì người chị ruột của chị mới tiết lộ việc chị tự tử cho tôi nghe. Tôi cũng kể rõ cho cha biết đã có nhiều lần nằm mơ thấy chị Thanh bị quỷ hành hạ. Trong giấc mơ, chị ấy kêu gào rất là thảm thiết và vì vậy tôi có cảm nhận là chị Thanh đã bị ma-qủy xúi biểu khi còn sống, nên đã mất niềm tin nơi Chúa, mà đi tự tử và chắc là chị đang bị chúng nó cầm buộc. Trong lá thư tôi đã cầu xin Cha Minh dủ lòng thương mà cầu xin Chúa cho chị thoát khỏi tay quỷ dữ! Tôi cũng để trong phong bì số tiền là 200 Úc Kim để xin lễ. Tôi cũng đã chờ đến gần 12 giờ khuya ngày thứ Sáu (là ngày đầu tiên của 3 ngày Tĩnh tâm) để đưa lá thư này cho cha, vì cha rất bận chỉ có thể gặp những người đã được booking trước mà thôi. Tôi đã căn cha từ phòng vệ sinh đi ra là đưa tận tay cha. Mấy ông phụ trách luôn đi theo cha và đã nói khéo với tôi là cha đã mệt lắm rồi, để cho cha nghỉ ngơi mai còn rất nhiều chương trình và mời tôi ngày mai đến lúc 9 giờ sáng).

– (Th): Chị Thanh còn ở ngoài chị đem vào nhé.

– (LH. Thanh): Cháu cám ơn thím và Hợp đã giúp cho cháu có được niềm hy vọng. Cháu sẽ có sự phấn đấu không có sợ khổ nữa! Cháu cám ơn thím và Hợp nhiều lắm! Khi mà chị được vui, thì chị sẽ cho em biết, bây giờ chị phải đi đây!

– (Th): Chị được ơn Đức Mẹ cho biết là Chúa có thể đem những linh hồn ở chỗ tăm tối về, song phải có một ơn bảo chứng bằng sự xót thương cũng giống như Chúa, thì mới được, vì thế nên mới có vị Thánh về để chỉ bảo, chứ thật ra chị không có quyền gì mời được, nếu không có sự Đức Bà cho phép và cũng phải do Đức Bà bảo thì Thánh mới đến, chứ không thì cũng phải bó tay! Mẹ và em đừng có nghĩ chị là số một, thì vỡ mộng! Chị cho em biết, nếu như chị Thanh có hy vọng được ơn Chúa cho vui, thì cũng là do chị ấy đã dốc tâm ăn năn hối hận về chuyện mình lỗi phạm, cộng thêm vào đó là những người thân khi cầu xin cho chị ấy, phải vững tin vào Lòng Thương Xót của Chúa. Chị Thanh thực ra đã được nhiều ơn do có nhiều người dâng lễ cầu nguyện, nên chỉ còn một bước này nữa, nếu qua được thì sẽ vui lắm. Chị được biết là chính chị Thanh tự mình cũng đã cầu xin và ăn năn nhiều nên động lòng Đức Bà, mà chị Thanh đã được về như em thấy. Riêng chị cũng muốn giúp, nên đã nói mẹ phải đi đừng từ chối, chứ mẹ hôm nay thực ra cũng muốn nghỉ, để mai đi chơi. Thôi chị đi nhé! vội lắm! Con chào mẹ.

 

Thứ Ba, ngày 24 tháng 4 năm 2012, lúc 10.35’ am

Tại nhà Phụng & Uyển

  1. Con cho ai một số tiền, thì họ sẽ tiêu hết, nhưng con đem chuyện lợi ích cho họ thì sẽ còn mãi.

(Hôm nay chúng tôi thông qua các thủ tục chào hỏi giữa hai bên, để đi thẳng vào vấn đề)

– (Th): Hôm nay cháu lại có dịp tiếp nhận ý chú hỏi, nhưng trước hết, điều mà cháu muốn biết là dường như chú đang có điều phân vân về một vấn đề gì đó … không biết có trúng không?

– (T): Cô hay quá! quả là trong thâm tâm tôi cũng đang có điều phân vân là không biết có nên tiếp tục viết trên tờ Chân Lý sau khi ông Đáng nghỉ không làm chủ nhiệm nữa hay không đây? (Chú thích: Ông Đáng từng làm Chủ nhiệm tờ báo này mười lăm năm, nay ông đã lớn tuổi và có lẽ là sức khỏe của ông không cho phép ông tiếp tục. Tôi là người cộng tác với ông, khi thấy ông xin nghỉ, thì mình cũng cảm thấy buồn buồn thì tính nghỉ để thời giờ viết sách, nhất là để thực hiện công việc của Đức Mẹ trao phó, chứ thực ra thì cũng không có lý do chính đáng nào để phải ngưng. Nhưng thật sự thì cũng đã làm tôi phân vân).

– (Th): Thế chú có muốn biết ý Chúa, Đức Mẹ về việc này, hay chú muốn cháu góp ý với chú?

– (T): Nếu tôi có thể được thì xin cho hai điều: Một là tôi cũng muốn biết ý Chúa, Đức Mẹ là tôi có nên tiếp tục nữa hay không? Hai là sự góp ý của cô về việc thực thi ý Đức Mẹ, thì ta phải nên viết thế nào?

– (Th): Vậy chú chờ cháu một tý! Cháu đi hỏi. (Sau ít giây, cô Thủy trở lại cho biết): Cháu được Đức Mẹ kể cho chú một dụ ngôn, chú nghe cho kỹ nhé! “Con cho ai một số tiền, thì rồi họ sẽ tiêu hết, nhưng con đem chuyện lợi ích cho họ thì sẽ còn mãi! Con hãy suy nghĩ mà lựa chọn”.

– (T): Con xin lãnh ý Mẹ! Cô Thủy, như vậy là Mẹ muốn tôi tiếp tục viết.

– (Th): Chú biết không, cháu thì rất dốt, song lúc sống thì ao ước được học hỏi nhiều thứ. Đã có lần cháu kể với chú là cháu thích làm phóng sự tại những nơi nguy hiểm nhất. Cháu thì nghĩ nếu Chúa cho ta được sự sáng là ta có một biệt tài gì đó, nếu như chết đi mà không đem theo được thì uổng quá! Nếu như cháu, thì cháu sẽ đem những gì cháu làm được, để cống hiến cho đời sau, để họ không bị u mê, lầm lỡ theo những điều mà vật chất che kín cả linh hồn. Tuy nhiên, cũng còn tùy chú, nếu như chú nghĩ mình giống như một người hát dạo trong ngõ tối, và cái ý nghĩ đó làm cho chú không muốn viết nữa, thì cháu tiếc cho thế hệ sau sẽ không biết gì về những điều cần biết! Chú nghĩ sao?

– (T): Cô cứ làm cho tôi “hợm” mình! Thực ra tôi không có tài đâu! Một chút hiểu biết gì đó nếu có, thì nghĩa lý gì với biết bao thiên tài, nhân tài trong thế gian. Tôi đã nói rằng nhiều khi có sự giúp đỡ của tâm linh, nhất là có bàn tay đầy ơn của Đức Mẹ. À, mà này … cô ví tôi như một kẻ hát dạo trong ngõ tối … sao mà trúng thế! Này nhé … lắm lúc tôi thấy sự viết lách trong môi trường hải ngoại bây giờ tương tựa như vậy đó! Người già thì không thích đọc! Trung niên thì bận rộn “cơm, áo, gạo, tiền”. Không được! Cái nhóm từ ngữ đó xưa rồi! Bây giờ phải đổi là “Đầu tư, xây nhà, tậu xe và làm đẹp”, làm gì có giờ thảnh thơi mà đọc sách! Còn trẻ hơn nữa, thì không đọc tiếng việt. Lắm lúc tôi nghĩ cái thời bây giờ không có khác gì cái buổi giao thời thuở xưa ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết:

“Sách vở ích gì cho buổi ấy,

Mười người đi học, chín người thôi!”