Vẫn ngày 24 tháng 4 năm 2012

Tại nhà Phụng & Uyển

  1. Những thế hệ về sau, không những người ta gỡ mất bảng dẫn đường, mà tay viết tên đường, còn cho những tên đường giả, và cố tình đánh lạc hướng.

– (HTr): Tôi thấy thời nay người ta ngoài việc làm biếng đọc sách ra, nhất là sách có xu hướng luân lý đạo đức, chứ chưa nói là sách nhà đạo, thì lại còn biết bao thứ để người ta giải trí, ngoài giờ kiếm tiền, thế nên có thể nói viết thì cứ viết, chứ không hy vọng có người đọc.

– (T): Cô Thủy biết không, thời bây giờ cứ mười nhà, thì tới chín nhà có computer. Cái người không dùng nó để học hành, nghiên cứu, thì cũng dùng nó để xem phim, xem kịch, hay các chương trình giải trí mua vui … ra đường thì ai cũng có cái “mô bao” (Mobil Phone); Đứa trẻ bây giờ cha mẹ nào cũng mua cho chúng cái Ipad. Thành ra có đủ thứ trên đời trong những cái máy tiện nghi như vậy! Cô có thể đứng ngồi đâu đó trong TGTL mà quan chiêm tất cả thiên hạ thời gây giờ, đố cô kiếm thấy trong một thành phố có lấy mười người cầm sách mà đọc? Chỉ ngoại trừ học sinh phải làm bài, hay những nhà nghiên cứu ngồi trong thư viện.

– (Th): Cô chú nói thì cũng đúng! Song cháu nghĩ không có cái gì mà ta phải tuyệt vọng cả! Cháu ví dụ nếu như chú cứ thi hành công việc Đức Bà dạy, thì cho dù một triệu người mới có một người nhờ chú mà nhận ra sự thật, tìm ra chân lý của cuộc sống, mà thay đổi cuộc đời, buông thả vật chất ra, mà chọn con đường vào Nước Trời Chúa đã xuống thế, để chỉ cho nhân loại, thì cuộc đời chú vẫn có ý nghĩa hơn là chú không làm được sự gì trên đời cả! Cháu nói thế, chú nghĩ sao, xin cho cháu biết ý kiến?

– (T): Cám ơn cô! Cô vừa cho tôi một tia sáng. Thành thực mà nói, con người sống trên đời thường mắc phải cái tội tham lam. Nhà buôn tham kiếm thật nhiều tiền. Thợ bạc tích trữ vàng. Người nghệ sĩ thích trình diễn nơi đông khán giả. Người viết văn thích có nhiều độc giả. Khi biết cái thời “trăm người đọc sách, chín mươi chín người thôi”, thì người viết ai cũng chỉ chuẩn bị “xếp bút nghiên”, nhưng cô vừa giúp cho tôi liên tưởng tới câu nói của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Cô nói đúng! Viết một trăm chương sách mà giúp cho được một linh hồn trở về với Chúa, thì còn hơn là chẳng được linh hồn nào! Chẳng “lưới” được một LH nào, thì sao gọi là môn đệ của Chúa?

– (Th): Chú yên tâm đi! có lần cháu đã nói với chú, hễ ai làm việc cho Đức bà, thì có cả Chúa với Đức Bà đứng sau lưng. Việc làm của Đức Bà trao cho chú, là việc đan một chiếc lưới. Sau này bất cứ ai dùng cái lưới này của Đức Bà mà lưới được cá, thì chú cũng vẫn có điểm chú biết không, nhưng chú không đan lưới, thì chú không có gì cả! Vừa rồi cháu nói một triệu người chỉ tính được một, đó là nói theo cái cách gỡ cơn thất vọng của cô với chú nhìn vô thời đại, chứ Đức Bà có kế hoạch của Đức bà, chú đừng lo phí công! Nhưng mà cháu cũng đã từng nói với chú trước kia là viết thì chú cứ viết, song chú phải nói, nhất là nói cho giới trẻ. Bây giờ chú chưa thấy đâu, nhưng mà sau này, tuổi trẻ như bị lùa vào sa mạc. Họ như những kẻ bị mất phương huớng để đi! Tuổi trẻ của chú và cháu thời xưa, dù sao cũng được nhiều thứ bảo vệ. Trên khắp các ngả đường đều có bảng chỉ dẫn. Chỉ những ai thích tự do mới bị lạc đường. Những thế hệ về sau, không những người ta gỡ mất bảng chỉ đường, mà tay viết tên đường, còn cho những tên đường giả, và cố tình đánh lạc hướng.

– (Tôi cười): Cô cứ làm như tôi là một nhà hùng biện có tên tuổi ấy! Cô đừng có nói chuyện khiến tôi như là một kẻ “hợm” mình có được không? Tôi biết cái mảnh đất dưới chân tôi đang đứng nó thế nào mà! Chỉ là cái sân phơi lúa nho nhỏ không hơn, không kém! Cái sân banh ở nhà quê cũng còn có khán giả, còn sân phơi lúa thì không! Chỉ có một người đang dãi lúa.

– (Th): Chú khiêm nhường như vậy thì cũng tốt! Đức Bà đã vì vậy mà dùng chú! Chú có nhớ câu Chúa Giêsu thưa cùng Chúa Cha như thế này không: “Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy” (Mt 11,25-26). (Cô Thủy bỗng nói sang chuyện khác):

 

  1. Thời đại này là thời đại Đa Nguyên, nhưng ông Đan lại đi ngược lại!

– (Th): Cháu cho biết ông Đan Nguyên đang bị cầm buộc vì xa Chúa. Cháu nghĩ chú biết ông là người có miệng lưỡi, cháu hỏi chú gia đình ông ta được nhiều ơn Chúa, mà sao vẫn bị ma quỉ chia rẽ, ta thử đoán xem?

– (T): Hình như đã có lần tôi nói về ông ấy. Ông là một nhà trí thức, gia dình ông các anh em đều là những người có kiến thức rộng. Xuyên qua mấy cuốn sách ông viết, tôi biết ông là người có nghiên cứu. Ông cũng có ý muốn làm cách mạng. Vì chưa thành công trong việc thành lập tổ chức, nên xã hội chưa xếp ông vào hàng những nhà cách mạng. Nghĩa của chữ cách mạng là thay cũ đổi mới, là xóa bỏ cái cũ để thay thế bằng cái mới tiến bộ hơn. Các cuộc cách mạng có thể dẫn đến thay đổi trong nhiều lĩnh vực như xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, công nghiệp v.v… cho nên khi nói chuyện ông thường lộ ra cái ý muốn đánh đổ mọi lý thuyết để đưa ra một đường hướng mới, một lý thuyết mới. Ông cho sự thất bại của dân tộc VN hôm nay là sự mất đoàn kết. Các thế lực đô hộ như Pháp, hay độc tài cai trị như Cộng sản trong khoảng gần hai thế kỷ qua cố tình chia để trị, nên ngày nay dân VN quá chia rẽ! không ai nghe ai! Trong lòng mỗi người là một ông quan. Vì vậy mà Cộng Sản tuy đã lỗi thời, đã sai, và hầu hết người dân VN ai cũng biết CSVN là bán nước, là bọn người không tổ quốc, chỉ biết có đảng, thế nhưng toàn dân lại không có sức qui tụ thành một mối để giật xập chế độ! Ông chê hết các đảng phái lẫn các tôn giáo. Ông bảo dân VN bị xé thành nhiều mảnh bởi những thứ này. Do đó, ông chủ trương một quốc gia, một chủ thuyết và ông đề ra chủ nghĩa Dân Tộc. Phải dẹp bỏ hết mọi chủ thuyết ngoại lai. Ngay lúc đó, tôi đã thấy ông chưa có cơ hội, mà đã muốn trở thành nhà độc tài, thì không thể thành công! Thời đại này là thời đại Đa Nguyên. Các dân tộc khắp nơi trên thế giới đều cổ súy và ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên, nhưng ông lại đi ngược lại! Tôi cho rằng lúc ông có ý nghĩ đặt tôn giáo xuống dưới chân, là lúc ông xa Chúa!

 

  1. Người kiêu ngạo thì không nhìn thấy ai hết, chỉ thấy có mình thôi!

 

– (Th): Nghe chú phân tách thì cháu cũng có thể hiểu và chấp nhận được! Song nhìn dưới mặt lăng kính của tâm linh, thì ta chỉ cần kết luận một chữ thôi: Kiêu ngạo! Người kiêu ngạo thì không nhìn thấy ai hết, chỉ thấy có mình thôi! Hôm nay cháu đem ông Đơn ra cũng là để cho mẹ cháu hiểu là ngay cả ta nữa, ta có thể xa Chúa bằng một tư tưởng, có khi đơn giản chỉ là một ý nghĩ, rồi thì sẽ diễn ra thành hành động, bằng việc làm. Người có ý nghĩ tự cho mình là nhất, thường có những hành động không tốt, hoặc đáng chê trách, đó mới chỉ là mặt tế nhị ở đời, chứ đối với Chúa, thì Chúa ghét kẻ kiêu ngạo lắm! Cháu nói thật, ngay cả những vị tu trì, học hỏi rất kỹ, mà vẫn bị vấp phạm. Cháu mong rằng bằng vào ý kiến thô lậu của cháu, cô chú, mẹ cháu, chúng ta thử tìm hiểu thêm!

– (BQ): Mẹ hỏi con này: Các vị đi tu, làm cha … đã học hỏi kỹ mà sao lại còn vấp phạm?

– (Th): Mẹ đã biết những nhà tu hành ở bất cứ đạo nào, cũng có những người được người đời quý trọng, mộ mến đặt các ngài sang riêng một phía và gọi họ là những bậc chân tu. Số còn lại tuy cũng học một trường lớp, nhưng khi thực hành thì lại khác! Nên có người sai điểm này, người sai điểm khác! Nhưng có một số người vì được cơ hội học hành giỏi giang, thì trong mắt họ lại không có ai khác. Những người này dù làm tới chức gì Chúa cũng không ưa! Thí dụ như Giám mục, Hồng Y … Tất nhiên, con không nói rằng tất cả những người học cao đều là như vậy! Mẹ có nhớ một LH được cha Trương Bửu Diệp dẫn về nói chuyện với em Hợp không? Cô này bảo: “Chị đã nói là chị đi nhiều nơi, nên gặp nhiều cha. Không phải ông nào cũng được như cha Bửu Diệp! Em không chết nên không hiểu được những điều mà chị thấy đâu! Nhất là cứ nói rằng mình có Chúa, mà tín đồ của Ngài cái gì cũng bảo là “có ơn Chúa”, thế mà các vị tu-sỹ cũng vẫn bị tội. Vậy Chúa ở đâu?”. Cô ấy nói đúng đấy! Mẹ cũng như em Hợp, chưa chết nên không hiểu được những điều mà cô ấy đã được thấy đâu!

– (BQ): Con nói “Trong mắt họ không có người khác là sao?”, chẳng lẽ người học cao, mắt họ mù hết sao? Mày nói thế tao chẳng phục!

– (Th): Chú cắt nghĩa giùm cháu đi! Mẹ cháu thích bắt bẻ, đến bố cháu khi còn sống cũng phải nói bà cứ hay cãi “ngang như cua bò”. Nếu để cháu nói thì mất nhiều giờ lắm! mà cháu thì sắp phải đi rồi! Chút xíu nữa chú Tâm trả lời cho mẹ, bây giờ cháu muốn biết ý kiến của cô về vấn đề này. Xin mời cô phát biểu đi!

– (HTr): Cô nói thì trúng rồi, tôi chỉ góp thêm một ý nhỏ là những người cứ cho mình là nhất, nếu họ làm cái gì cũng thành công, thì dễ kiêu ngạo lắm! Khi ấy thì “trời họ cũng coi bằng vung”, chứ đừng nói là người ta. Họ không có để ai lọt vào trong con mắt của họ đâu! Thế nhưng mà, nếu họ không thành công ở đời, thì họ cũng là người dễ bất mãn nhất. Kẻ bất mãn thì thường trách “Ông Xanh” tức là trách trời, bên mình thì là trách Chúa, rồi xa Chúa! Tôi nói vậy không biết có trúng với ý cô Thủy không?

– (Th): Hoan hô cô! Cô nói thế, cũng như là trả lời cho mẹ cháu giùm cháu rồi đó! Cháu xin hỏi chú một câu nhé: Chú có cần cháu nữa không?

 

  1. khi có đủ mọi thứ trong tay, thì tuổi đời đã mất, chẳng bao lâu nữa sẽ bỏ lại hết thôi! Đã đến lúc ta phải hỏi lại hồn ta cái gì ta cần?

– (T): Cần chứ! Tôi phải nói thế nào để cô tin rằng cái biết của tôi hết sức nông cạn. Nói cách khác: Đối với đời sự hiểu biết của tôi chỉ là muối bỏ biển. Biển đã mặn sẵn rồi, nên bỏ bao nhiêu muối xuống cũng chỉ là không. Nếu việc tôi viết đây, không phải là những vấn đề tâm linh Đức Mẹ mạc khải cho tôi qua cô – tức qua một Tâm Linh – hay nói qua sự tiết lộ của cha Quy cho tôi biết là, tôi đang được cái hân hạnh tiếp xúc với một “Sứ Giả của Đức Mẹ”, thì tôi có làm gì trên đời này, cũng chỉ là “Dã Tràng xe cát biển Đông” mà thôi!

– (Th): Nghĩ cháu cũng phải cám ơn chú, vì chú đã yêu mến Đức Mẹ, mà quan tâm đến những sự cháu chia sẻ về tâm linh, mà không phân biệt âm dương. Các LH thì rất nhiều, song ngoài những người thân của mình, thì ta chỉ có thể cầu nguyện chung, còn các việc làm cứ tùy theo khả năng, điều gì có ích cho đời thì ta cứ làm! Cháu xin kể cô chú, mẹ nghe một chuyện vui:

“Khi trước ở trần gian có một người nghèo. Anh chàng này cứ ao ước làm sao có được một người yêu mình, hiểu được hoàn cảnh và tâm trạng của mình. Thế rồi đổi đời, anh may mắn vượt biên được! Giống như những người quyết tâm làm lại cuộc đời khi tới được Đệ tam quốc gia, và anh ta trở nên khá giả. Song có một điều là, khi có đủ mọi thứ trong tay, thì tuổi đời đã mất, nghĩa là cái tuổi để có vợ đã trễ!

– (HTr cười và bảo): Đâu có khó cô! Bảo anh ta về VN là có liền!

– (Th): Mẹ, cô, chú bây giờ cũng giống như anh chàng cháu vừa kể đó! Tiền của rồi cũng vất đi hết! chẳng bao lâu nữa sẽ bỏ lại hết thôi! Đã đến lúc ta phải hỏi hồn ta cái gì ta cần? và nếu cái ta cần mà ta chưa có, thì phải nói như cô vừa bảo anh chàng kia rằng anh ta phải về VN ngay, chứ để trễ nữa, thì sẽ không bao giờ lấy được vợ nữa! Cô chú, mẹ gấp rút đi, thì mọi sự rồi sẽ tốt đẹp. Chúc cô chú mẹ thành công, bây giờ cháu phải đi!

– (T): Chúng tôi cám ơn và chào cô Thủy.

– (BQ): Anh Tâm này! Con Thủy nó nhờ anh cắt nghĩa cho tôi tại sao các cha học giỏi lại không nhìn thấy ai khác ngoài mình là sao?

– (T): lúc nãy câu nói của nhà tôi, đã nói lên cái nghĩa đó, chị quên rồi sao?

 

  1. Khi ta thần tượng hóa một người, tới lúc thần tượng trong lòng ta xụp đổ, thì niềm tin của ta sẽ bị mất!

– (BQ): Không, chị Tâm nói thì cũng như nó thôi, không có rõ ràng! vì các cha tu tập bao nhiêu năm làm sao lại như người ở ngoài đời được!

– (T): Chị thần thánh hóa các linh mục thì cũng tốt, nhưng không trúng! Vì các ngài cũng vẫn là con người. Khi ta thần tượng hóa một người, mà tới một lúc nào đó, thần tượng trong lòng ta xụp đổ, thì niềm tin của ta sẽ bị mất! Cho nên có người khi không thích ông cha ở nhà thờ, vì một lý do nào đó, thì bỏ nhà thờ luôn, không tới nhà thờ nữa! Chị biết ca dao tục ngữ nhiều, chắc nhớ câu này: “Yêu ai, yêu cả đường đi, ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng”. Chị nên thay đổi cái nhìn về các cha. Các ngài cũng là con người như chúng ta. Tuy rằng các ngài có thời gian tu luyện nhiều, thì có hơn chúng ta, nhưng về bản chất thì không khác chúng ta là mấy! Cho nên thế nào cũng có một số vị quá hài lòng đến kiêu hãnh về sự tài giỏi của mình, mà xem thường thiên hạ! Khi coi thường thiên hạ đồng nghĩa với sự không để ai vào trong con mắt của mình! Cái đó gọi là “mình là số một” hay “chỉ mình là nhất”. Chị có nghe hay thấy người ta bảo “Cái cô gái đó đẹp thì có đẹp đấy, nhưng kiêu kỳ, phách lối thấy dễ ghét … chị có thấy có mẫu người con gái đó trên đời không?

– (BQ): Anh nói trường hợp đó thì có! Nhất là những cô nhà giàu mà lại đẹp nữa thì kiêu kỳ lắm! Tôi công nhận là có!

– (T): Trai tài, gái sắc, hai cái đó như nhau! Trong con mắt những người đó, nhiều người bị rơi vào khuyết điểm nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Nhưng ta phải cầu nguyện cho họ, vì không phải họ không gặp khổ đau. Thường khi họ cô đơn nữa là khác!

– (BQ): Tại sao lại phải cầu nguyện cho họ? không phải dưới con mắt họ, mình không bằng họ sao? Họ không cầu nguyện cho mình thì thôi chứ! Tôi không tin họ cô đơn.

 

  1. Truyền thuyết về Hoa Thủy Tiên: Tiếng Vang và Cái Bóng.

– (Tâm cười): Tôi lấy một câu chuyện làm dụ ngôn nhé! (Bà Quí có vẻ chăm chú, chờ nghe, nên tôi bắt đầu ngay): Có dạo tôi say sưa đọc “Thần thoại Hy lạp”. Cô Thủy biết, vì chính cô nói ra tôi mới hay … thiệt không ngờ! Trong thần thoại Hy lạp có kể một truyền thuyết về một loài hoa mang hương sắc của mùa Xuân, rất đẹp! đó là bông hoa Thủy Tiên. Chị có biết hoa Thủy Tiên không?

– (BQ): Chắc là biết, nhưng bây giờ cũng quên rồi! Cái tên thì nghe quen lắm!

– (T): Chị biết không, người VN mình lấy tên Thủy Tiên đặt cho con gái, nhưng đối với người Tây phương Thủy Tiên là tên của một nam thần – Vị thần nam này tên gọi là Narcissus – rất đẹp trai. Một ngày kia chàng đi lang thang bên bờ suối, soi bóng mình dưới nước, chợt thấy khuôn mặt của mình quá xinh đẹp. Đẹp đến nỗi Narcissus không thể yêu ai khác ngoài cái bóng của mình. Nhưng cái bóng chỉ là hư ảnh, đụng vào là tan biến. Nó luôn hiện ra trước mắt mà vẫn nằm ngoài tầm tay với. Thấy đó mà không đụng vào được! Chứ đừng nói là ôm ấp! Rồi từ đấy, vị thần nầy chỉ thích ngồi một mình bên suối, hết ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, rồi thì thầm gọi tên mình: Narcissus… Narcissus… Mỗi tiếng gọi của chàng dội vào vách đá, tạo thành dư âm vang vọng lại những âm thanh mơ hồ: Narcissus… Narcissus! Đó chính là nữ thần Echo (Dư Âm). Nàng lên tiếng gọi lại chàng. Echo là nữ thần “âm vang” của núi rừng. Lâu nay nàng vẫn đem lòng yêu Narcissus. Nhưng, như ta đã biết – Narcissus chỉ yêu chính mình và không quan tâm tới ai khác. Sau cùng cả hai đều tuyệt vọng, héo mòn đến chết rồi hóa đá. Từ chỗ trú ngụ của nàng, mọc lên một loài hoa mang tên chàng. Trong văn học phương Tây, Narcissus, hay hoa thủy tiên là truyền thuyết của Tiếng Vang và Cái Bóng. Kẻ yêu chính mình, là kẻ chỉ thấy mình là nhất, nên không còn ai khác có thể lọt được vào tròng mắt của kẻ ấy. Do đó, hoa thủy tiên có ý nghĩa không tốt đối với người phương Tây. Nó tượng trưng cho thói ích kỷ, vô tình, cao ngạo, không quan tâm tới ai khác – Vì vậy nên thành người cô đơn. Những người đi bên cạnh họ có đó, nhưng không ai thật lòng với họ. Làm sao chị có thể thích một con người lúc nào trong cặp mắt cũng tỏ vẻ khinh khỉnh. Nói năng thì như kẻ tiếc lời. Người ta chỉ bằng mặt với họ, chứ không có bằng lòng. Những người cao ngạo chôn trong lòng nỗi đau khổ đó, nhưng vì kiêu căng họ không bao giờ hạ thấp mình xuống, để tâm sự, hay ngỏ cùng ai nỗi cô đơn thầm kín ấy, chỉ là để bảo vệ cái tôi của mình, mà cái tôi của mình là gì, nó chỉ là cái bóng, một hư ảnh trong cái nhìn bằng tưởng tượng, giống như hình ảnh một Narcissus ở dưới nước. Vì vậy ta cũng nên cầu nguyện cho họ! Khi họ nhờ ơn Chúa, biết mở lòng ra mà thay đổi, sống hòa đồng với những người chung quanh, thì nỗi cô đơn sẽ tan biến. Cuộc sống của họ trở nên hạnh phúc. Chị biết không, trong số những người bị mắc bệnh trầm cảm, thế giới của những người chúng ta đang nói chiếm hơn phân nửa. Điều đó có nghĩa là họ bị mang chứng bệnh trầm cảm nhiều hơn các tầng lớp khác. Phụ nữ phương Tây được khuyến cáo không nên tặng hoa thủy tiên cho bạn trai, vì điều này có thể bị hiểu như là một câu trách mắng: “Anh là người không biết yêu”./.