Chúa Nhật, ngày 18. 6. 2017
Ngày cuốn sách Thế Giới Tâm Linh khởi sự đưa lên mạng bằng lời
Qua đường linh hiện nay là: http:// tgtl.podomatic.net
- Tâm cứ tự cho mình là tác giả, nhưng thực ra không phải. Vì mọi tư tưởng, mọi tình tiết, mọi dữ kiện, mọi tài liệu thuộc về tâm linh … hoàn toàn nằm trong chương trình và kế hoạch của Đức Mẹ. Ngay cả việc chưa định phổ biến, thì Đức Mẹ đã cho phổ biến theo cách thức của Người.
751.1 Thế nào là một tác phẩm?
Quí Thính giả và các bạn trẻ từng chăm chú theo dõi TGTL tưởng cũng đã biết một cuốn sách muốn đạt được giá trị của một Tác Phẩm, phải hội đủ một số điều kiện, nhưng trước hết: Thế nào là một tác phẩm?
Hầu hết những văn hào, những cây viết nổi tiếng, hay những tác phẩm có tầm vóc thế giới, như: Dickens, Mansfield của Anh, Dostoievsky của Nga, André Gide của Pháp; Hemingway (Mỹ); hay Haruki Murakami Nhật Bản. Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, hoặc Chiến tranh và Hòa Bình của Léon Tolstoi v.v… đều cho là phải được chuẩn bị cách chu đáo. Không như tất cả mọi “chất đẹp” của thời trang cho tới ngay cả vóc dáng nghệ thuật của con người … Văn học không chấp nhận cái chung chung chứ đừng nói cái bình thường.
1- Người sáng tác phải dầy công tìm kiếm và đào bới cuộc sống, chứ không phải tự nhiên cuộc sống dẫn xác đến với mình! Thiếu những chứng tích cụ thể, thiếu những công trình suy nghĩ thấu đáo và chín chắn, người viết sẽ thất bại!
2- Một tác phẩm có thể nói lên những băn khoăn, những khát vọng, những phẫn nộ, những ngờ vực của cả một thế hệ, hay một lớp người trước những biến động của lịch sử, nhưng trong những cái chung chung, vẫn phải có cái riêng của tác phẩm, tức là của tác giả.
3- Một tác phẩm được gọi là tác phẩm phải có chiều sâu, có nội dung. Một là đề cập được tới những vấn đề lớn của thời đại, hai là đưa độc giả của mình vào một thế giới mới, lạ, nhưng không phải là một thế giới phù phiếm, không thực. Một thế giới mới lạ mà phù phiếm, chỉ là một câu chuyện mua vui, có thể là một cuốn sách bán chạy, nhưng không là một tác phẩm lớn! 4– Thêm nữa, các nhân vật đều có sự sống, linh động, những nhân vật như những người chúng ta vẫn thấy hằng ngày, bên cạnh chúng ta; mỗi người có tính nết, có tâm hồn rõ ràng, có những cử chỉ riêng và cách nói riêng. Những nhân vật đó là những “người” thực, chứ không phải là những nhân vật “tượng gỗ”.
5- Quan trọng nhất là những việc xảy ra đều đúng sự thật. Tuy nhiên, có những người viết đúng sự thật nhưng chỉ là sự thực hời hợt bên ngoài. Những tác phẩm lớn không chịu mang số phận như vậy. Nó đưa người đọc đi sâu mãi vào, hoặc là tâm hồn nhân vật với tất cả những biến chuyển và ngã rẽ tuyệt vời của cảm xúc, hay là cho người ta những thời gian sống thật những khám phá mới về một thế giới thực, nhưng trước kia chưa bao giờ được biết tới. Sâu sắc hơn nữa là dưới những cái mà tác giả trình bày lại còn ẩn tàng một thứ gì khác, tuy tác giả không nói đến nhưng người đọc vẫn cảm thấy rõ, và cái đó như chiếu sáng cho thấy những cái sâu xa của cuộc đời, khiến người ta có cảm tưởng như đấng tạo hóa đang mở cửa cho mình thấy những cái mà mình không bao giờ tự mình hiểu thấu được.
6– Hãy chú ý rằng những tác phẩm hay, không phải hay ở cốt truyện. Tuy có những nhà văn như Dickens hay Dostoievsky cũng có những cốt truyện ly kỳ, nhưng cái hay không phải ở đó. Ta thấy ở Pearl s’ Buck chẳng hạn cốt truyện bà viết rất bình thường, hay như nữ văn hào Anh Mansfield lại không có cả cốt truyện nữa, nhưng tác phẩm của họ rất đặc sắc.
7- Quan trọng là khi đụng vào những vấn đề trọng đại của thời cuộc, hay thời đại, không chỉ hiện tại mà ngay cả thời gian chưa đến, tác phẩm phải biểu lộ được sự trưởng thành của ý thức. Phải có cái nhìn toàn phần, toàn diện. Và căn bản là phải nắm được vấn đề cách thấu đáo, tường tận chứ không phải là một sự võ đoán, để người đọc chỉ thấy hiện ra cái lung linh, mờ nhạt để rồi người đọc cũng chỉ đọc cho thoáng qua, tức là tác giả đã gây cho người đọc không ý thức được sự trọng đại của vấn đề, cũng tức là của tác phẩm, và như thế tác phẩm đã tự nó đánh mất đi khí chất và phẩm giá!
8- Một tác phẩm không có khí chất, cũng không nói lên giá trị của nó, là một tác phẩm không có hồn, cũng có nghĩa là không có sức sống, không có sức sống thì không thức tỉnh được người đọc, cũng là những con người đang sống trong thời đại của cuốn sách, hay xa hơn nữa! thí dụ như ở một thời đại mà những vấn đề thuộc cơm, áo, gạo, tiền, hoặc địa vị và hư danh làm đa số người đời ngủ mê trên nó. Vậy cái gì mới có thể đánh thức được họ, thì đó chính là sức sống, là linh hồn của tác phẩm.
9- và sau hết là sự thành thực của tác giả. Những cuốn sách hay, có giá trị trong không gian và thời gian và giúp ích nhiều nhất cho nhân loại. chính là những cuốn cần phải có sự thành thực của tác giả cấu tạo nên, viết bằng một lối văn giản dị, trong sáng, và cái hay không chỉ vì cốt truyện”. Còn một điểm tưởng như phụ thuộc, nhưng không kém phần quan trọng, đó là sự xuất hiện của một tác phẩm, cũng như sự xuống đường của đời người. Việc cốt yếu là phải xuống đường, hay vào đời đúng lúc, đúng thời điểm! Đó cũng là sự sửa soạn chu đáo của vừa ý thức lẫn khả năng.
Thưa quí Thính giả và đặc biệt là các bạn trẻ, từ lâu nghe trong TGTL quí vị và các bạn thường nghe Thúc Linh Tâm tôi cứ tự cho mình là tác giả, thực ra không phải, nhưng chẳng lẽ lại là vật vô chủ, hay bảo rằng cuốn sách từ trên trời rớt xuống? Không thể là như thế, cho tới khi mọi sự được giãi bày rõ ràng như ai cũng thấy. Trước nhất chúng tôi phải nói rằng: Mọi tư tưởng, mọi tình tiết, mọi dữ kiện, mọi tài liệu thuộc về tâm linh … hoàn toàn nằm trong chương trình và kế hoạch của Đức Mẹ. Người xếp đặt, chỉ định và cung cấp. Ngay cả việc chưa định phổ biến, thì Đức Mẹ đã cho phổ biến theo cách thức của Người. Như thế thì đã rõ cuốn sách TGTL hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Đức Mẹ.
751.2 Cả 9 điểm đều nằm trong chương trình và kế hoạch của Đức Mẹ, và chính Đức Mẹ nắm trong tay tất cả mọi vấn đề.
Ngay từ đầu, quí vị và các bạn đã biết là cá nhân chúng tôi không hề có ý định, hay tiên kiến gì về cuốn sách này! Đã không có ý định, thì tất nhiên không có việc chuẩn bị hay sửa soạn! Mà qua sự tiết lộ của cô Thủy người chuẩn bị và sửa soạn chính là Đức Mẹ, vì mục đích của Đức Mẹ đã rỏ ràng là Mẹ muốn nói lên những sự thật cho những ai chưa biết được biết! Qua 9 điểm chúng tôi mạo muội nói lên một tác phẩm, thì cả 9 điểm đều nằm trong chương trình và kế hoạch của Đức Mẹ, và chính Đức Mẹ nắm trong tay tất cả mọi vấn đề.
Điểm thứ nhất: Tất cả mọi chứng tích cụ thể trong TGTL đều được phép của Đức Mẹ để các nhân vật trong TGTL lần lần xuất hiện, và những điềm báo của Đức Mẹ về thế giới chúng ta đang sống, đều đang từ từ diễn ra từng chi tiết. Điều đó chứng tỏ rằng chúng nằm trong một kế hoạch hoàn toàn thấu đáo và chín chắn.
Điểm thứ hai: Khi Chúa, Đức Mẹ mạc khải cho chúng ta thấy và cho phép chúng ta tham dự vào những sinh hoạt của TGTL, thì mặc dầu cái thế giới mà chúng ta được mạc khải cho biết có những điểm chung với những điều Hội Thánh đã dạy, nhưng trong tác phẩm lần này của Đức Mẹ vẫn cho chúng ta thấy những điểm riêng biệt, mới, lạ và biết hoặc hiểu một cách rõ ràng!
Điểm thứ Ba: Không thể phủ nhận được về chiều sâu, và nội dung của TGTL. Vì một là nó đã đề cập được tới những vấn đề lớn của thời đại, hai là đưa độc giả của mình vào một thế giới mới, lạ, nhưng không phải là một thế giới phù phiếm, không thực.
Điểm thứ Tư: Các nhân vật từ trong TGTL, tới các chứng nhân lịch sử của Chúa, Mẹ xuất hiện trong các Sứ Vụ Tình Thương của Mẹ, đều có sự sống, linh động, các nhân vật như những người chúng ta vẫn thấy hằng ngày, bên cạnh chúng ta; mỗi người có tính nết riêng, có tâm hồn cô đọng riêng tư rõ ràng, họ có những cử chỉ riêng và cách nói riêng. Những nhân vật đó là những “người” thực, chứ không phải là những nhân vật “tượng gỗ”.
Điểm thứ năm: Mọi việc xảy ra từ trong TGTL là hiện trạng của các LH và những diễn biến của họ trong nơi thanh luyện, đến những nhân vật trong đời của thời hiện đại, đều đúng sự thật. Và ngay cả những sự kiện khách quan đều có báo chí truyền thông đăng tải, không có cái nào, dù chỉ là một chi tiết cũng đều hoàn toàn là sự thật! Những sự thật ấy có những lúc đưa chúng ta đi sâu mãi vào tâm hồn các nhân vật, hoặc là khám phá với tất cả những biến chuyển và ngã rẽ tuyệt vời của cảm xúc, và cũng có những lúc cho chúng ta sống thật những khám phá mới về một thế giới có thật, nhưng trước kia chưa bao giờ được biết tới. Sâu sắc hơn nữa là dưới những cái mà TGTL trình bày lại còn ẩn tàng một thứ gì khác, nhiều khi Đức Mẹ chỉ nói vài lời, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy được cách sâu sắc điều gì đó Thiên Chúa đang mở cửa cho mình thấy những cái mà mình không bao giờ tự mình hiểu thấu được.
Điểm thứ sáu: TGTL không phải là một cốt chuyện được dựng lên bởi một người. Đức Mẹ cũng không phải là Người có ý kể cho ai đó nghe một câu chuyện hay! Nhưng chúng ta đã đọc được rất nhiều những vấn đề không chỉ là đặc sắc, mà còn phải cùng với Đức Mẹ, hợp tác với Đức Mẹ giải quyết những vấn đề gai góc của chúng ta cũng có, mà của cả nhân loại cũng có. Từ những suy nghĩ đó, thì mỗi người chúng ta đang nắm trong tay một tác phẩm có tầm vóc cỡ nào!
Điểm thứ bảy: Đọc trong TGTL mỗi người đều đụng vào những vấn đề trọng đại không chỉ có liên quan tới đời sống cá nhân, mà ngay cả những vấn đề to lớn của thời đại nói chung và của giáo hội nói riêng. Tác phẩm dẫn dắt chúng ta đến sự trưởng thành của ý thức và hành động. Nói cách khác, Đức Mẹ cho chúng ta cái nhìn toàn phần và toàn diện. Và hễ ai chăm chú lắng nghe tiếng nói của Chúa, của Đức Mẹ trong TGTL này, thì căn bản là nắm được vấn đề cách thấu đáo, tường tận chứ không phải chỉ là một sự võ đoán, hay cái hiểu ngu ngơ, lờ mờ. Đó chính là sự nắm bắt được khí chất và phẩm giá của tác phẩm.
Điểm thứ tám: Không như những tác phẩm văn chương ở đời, Linh hồn của tác phẩm TGTL chính là bởi Đức Mẹ, sức sống của tác phẩm cũng bởi Đức Mẹ, nên hễ ai đang ngủ mê mà lắng nghe, hay đọc TGTL cách chân tình, sẽ thức tỉnh và tìm được con đường chân thiện mỹ là chính Thiên Chúa, vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Thành ngữ latinh có câu: “Per Mariam ad Jesus” Qua Mẹ, Mẹ đưa ta đến với Chúa.
Điểm thứ chín: Người ta nói đến sự thành thực của tác giả. Những sách có giá trị và giúp ích nhiều cho nhân loại, chủ yếu là phải có căn cơ thành thực nơi người viết, để cấu tạo thành tác phẩm. Chỉ bằng vào lối văn giản dị, trong sáng, để độc giả dễ hiểu. TGTL là cuốn sách chủ trương của Đức Mẹ. Mẹ muốn nó được thực hiện để nói lên những điều cho những ai chưa biết được biết, thì thiết tưởng nói đến giá trị chân thật của tác phẩm trong cuốn sách này là thừa! Tuy nhiên, có một điều cuối cùng mọi người chúng ta cũng nên biết là cách Đức Mẹ thực hiện, thì Thúc Linh Tâm tôi chỉ là một trong số những dụng cụ Đức Mẹ dùng! Không kể những nhân vật trong TGTL, thì vẫn còn nhiều người khác Đức Mẹ đang dùng, như chị Quý, cô Hợp, Huệ Trinh quí vị nghe trong TGTL đều đã biết. Còn những nhân vật đứng phía sau chúng tôi, mà chút nữa chúng tôi sẽ nhắc tới. Ngoài ra còn một điểm tưởng như phụ thuộc, nhưng không kém phần quan trọng, đó là sự xuất hiện của một tác phẩm, cũng như sự xuống đường của đời người. Việc cốt yếu là phải xuống đường, hay vào đời đúng lúc, đúng thời điểm! Đó cũng là sự sửa soạn chu đáo của vừa ý thức lẫn khả năng, nhưng đó là nói về những tác phẩm ở ngoài đời người ta cần phải tung ra. Riêng đối với tác phẩm TGTL này, mới đầu chính tôi cũng không nghĩ là mình sẽ phải bắt đầu thực hiện nó vào lúc nào và bằng cách nào? Trong suốt 10 năm đầu tôi cứ mơ hồ nghĩ nó như là một loại công tác Mẹ trao cho, thì cứ tới đâu hay tới đó. Mẹ có giục tôi bao giờ đâu, ngoại trừ có mấy tháng tôi định không làm nữa, như tôi đã nói với cô Thủy quí vị nghe chắc nhớ “Tôi bảo làm cũng vô ích, vì chẳng có ai đọc đâu, làm cho phí công, mất thời giờ!”, thì sau đó nào là sứ giả của Mẹ là cô Thủy khuyên bảo, rồi cô đưa cha Qui – chú tôi – chú Trường Linh – em tôi – lần lượt về giục giã tôi phải làm, không được coi thường việc Đức Mẹ trao phó, kế đến là chính Chúa Giêsu cũng chất vấn tôi, Thánh Giuse quan thầy cũng về thúc đẩy. Tôi nhớ có ai đó đã đe tôi: “Chúa Giêsu yêu Đức Mẹ lắm! Nên hễ việc Đức Mẹ trao mà không làm, thì sau này về gặp Chúa … sẽ khó nói”. Quả vậy, Đức Mẹ không có giục dã, y như chuyện đọc kinh, ai đọc bao nhiêu thì đọc, chứ Đức Mẹ chẳng có giục!
Tới cuối năm 2016 vì rảnh rang tôi mới bắt đầu mang tập hồ sơ những ngày đầu gặp cô Thủy ra để đánh máy. Tôi làm việc một cách à ới và cầm chừng, vì trong đầu tôi dự định là chỉ in thành sách và phổ biến sau khi tôi chết, nên nghĩ là mình còn nhiều thời gian để hoàn tất! Nhưng mọi sự không như tôi nghĩ! Một ngày vào khoảng trung tuần tháng 5 năm 2017, tôi đang ngồi đánh máy thì Thúc Nghĩa sỹ – con trai của tôi ghé thăm – Nhân tiện Sỹ ngồi chơi, tôi lục trong xấp giấy đã đánh máy, thảy cho Sỹ mấy trang và bảo:
– Dạo con qua Melbourne gặp cô Thủy hỏi chuyện con, con còn nhớ không? Đây … đọc lại đi!
– Sỹ nhìn xấp giấy, cười bảo: “Con làm sao đọc được!”
Tôi chợt nhớ ra con trai tôi ở VN mới chỉ học lớp 1, lớp 2 thì làm sao đọc thông chữ quốc ngữ được! Cho dù có đọc được thì cũng mệt lắm, vì phải vật lộn với chữ nghĩa! Nên tôi lấy lại và đọc cho con nghe, nào ngờ đọc xong Sỹ thích lắm! và yêu cầu tôi:
– Ba đọc và thâu vô USB cho con nghe đi! Con muốn nghe!
Tôi cũng làm biếng thật, nhưng chiều con và nghĩ cũng lợi cho con về vấn đề tâm linh, nên thỉnh thoảng đọc cho con nghe vài bài thì cũng được!
Tuần sau, Thúc Nghĩa Sỹ mang đồ nghề qua và set Computer, biến phòng làm việc của tôi thành một phòng thâu âm tương đối tốt. Tôi không nói gì, chỉ nghĩ đâu cần phải chu đáo thế! Một tuần sau tôi không ngờ Sỹ trao cho tôi vài cái thẻ memmory cards và nói:
– Ba làm từ đầu cho con! Con đã “mua đất” trên không và cho phát đi bằng hệ thống không giây của cty Podomatic. Ba chỉ việc thâu thôi! mọi chuyện khác con mang thẻ về và làm tại nhà con. Tôi hơi ngạc nhiên mất vài phút! Sau khi Sỹ về, tôi ngồi trong thinh lặng nhìn vào ảnh Mẹ … và tôi từ từ nhận ra kế hoạch của Đức Mẹ bắt đầu!
Chúa Nhật, ngày 18.6.2017 Sỹ tung lên mạng 5 bài TGTL (từ 1-5); Thứ Hai, ngày 19.6.2017 có Lời nói đầu và Buổi gặp gỡ đầu tiên, cùng với TGTL#6; Sau đó thường mỗi ngày 1 bài … Đức Mẹ không cần thúc, nhưng từ nay tôi phải làm việc liên tục cho kịp chương trình phát thanh của con tôi … cho đến một hôm tôi đã cố gắng hết sức nhưng không thể theo kịp, tôi nghĩ mình đâu phải cái máy mà sản xuất ra bài nhanh như vậy được! Tôi chạy sang nhà Nghĩa Sỹ và nói với con tôi:
– Ba không có làm kịp cho con đâu! Sỹ cho tôi coi trang webside TGTL trình bày khá đẹp, tôi đưa cho Sỹ những tài liệu tôi viết trong 10 năm ở Melbourne từ báo chí với sách đã in và nói:
– Việc phát âm chỉ một tuần một bài thôi!
Sỹ cho tôi xem báo cáo của Podomatic cho thấy đến nay đã có nhiều người Việt trên nhiều quốc gia đang nghe TGTL chỉ riêng bên Mỹ đã có trên 10 tiểu bang, VN ngay cả Hà Nội số người nghe còn nhiều hơn ở Saigon. Thậm chí bên Trung Quốc cũng có người mình nghe, bên Nhật, Hàn Quốc, Pháp, v.v… tôi chỉ biết lắc đầu mỉm cười:
– Thảo nào cô Thủy có lần bảo: “Chú viết thì cứ viết đi, những việc khác Đức Mẹ lo, chú không phải lo”. Tôi thầm nói với Mẹ “Con biết rồi! Thì ra đã tới lúc … nhưng mới chỉ là bắt đầu thôi … phải không Mẹ? khoảng vài tháng sau thì cháu Thúc Cương Thường (ở VN) cũng được Đức Mẹ dùng trong việc trình bày, trang trí và bỏ bài vô trang Web chung của chúng ta. Cháu cũng có khả năng viết lách, nên sự đóng góp của cháu cũng tăng thêm niềm vui. Đó là biết thêm những nhân vật đứng sau lưng chúng tôi, nhưng chưa hết đâu, còn đang có những người Đức Mẹ dùng vào chuyện khác, như việc họ tiếp tay với Mẹ phổ biến, hoặc làm cho người ta biết tới tác phẩm của Mẹ. Tôi nói thế thì chắc có một số người nghe và biết là họ đã được Đức Mẹ chọn cộng tác vào chương trình và kế hoạch của Đức Mẹ. Nhưng phải mãi tới cuối năm 2018 tôi mới thực sự biết tại sao Đức Mẹ chọn thời điểm này để tung ra cuốn sách của Mẹ là TGTL với những Sứ Điệp của Mẹ đã bao lần nói cùng nhân loại, nhưng chẳng mấy ai được biết. Còn nhiều điều chưa thể nói được, vì mỗi thời điểm chỉ thích hợp cho từng bước một. Và có lẽ chỉ riêng tôi mới thật sự có được cảm nghiệm đích thực có sự tính toán vô cùng chu đáo, vô cùng khít khao của Đức Mẹ: Mẹ không ép tôi làm sớm hơn, nhưng Mẹ cũng không cho tôi chần chừ khi sự việc đã đúng thời, đúng lúc! Tôi vững tin là Mẹ còn nhiều việc phải làm hơn nữa! chắc chắn không phải chỉ riêng cho một dân tộc mà là cho các dân tộc trong kế hoạch của Người. Cuối cùng, là một dụng cụ của Chúa, con xin hoàn toàn phó thác trong vòng tay âu yếm của Mẹ. Xin mẹ hãy làm cho nó trở thành khí cụ Bình An của Chúa trong tác phẩm của Mẹ khi đến với tha nhân./.