ĐIỀM BÁO XXXI – THÀNH LA MÃ SẼ MẤT ĐỨC TIN (Kỳ thứ 14)
297. Tại sao La Mã sẽ mất Đức Tin?
Từ lâu, Giáo Hội Công giáo đã khẳng định Cộng Sản (CS) và Tam Điểm (TĐ) như là những cánh tay nối dài của Satan. Cả hai đều chống lại Thiên Chúa, đều coi Giáo Hội của Chúa là kẻ thù không đội trời chung. Nên cả hai đều có mục đích tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo.
A- Cộng Sản thì công khai chống và bách hại Giáo Hội kịch liệt. Đã vậy, họ còn chủ trương xâm nhập vào Giáo Hội, để khi có cơ hội thì thao túng và làm cho lũng đoạn từ bên trong. Tại các nước CS thì việc triệt hạ đạo CG dễ hơn, như tại Liên Xô trước đây, tại Trung Quốc và VN họ bách hại gắt gao trong những thời kỳ gọi là “bên trong bức màn sắt”. Sau vì nghèo đói, nhu cầu thoát đói, bắt buộc họ phải tìm cách bang giao với Tây phương. Văn hóa Tây phương phát triển trên nền tảng văn hóa Thiên Chúa Giáo chiếu sáng, nên đa số các bản văn Hiến Chương, Hiến pháp của các quốc gia Tây phương đều phảng phất ít nhiều dấu ấn của văn hóa Kitô Giáo. Căn bản của văn hóa Kitô Giáo đặt trên nền tảng Công bằng và Bác ái, thế nên điều kiện bang giao để được các nước Tây phương giúp đỡ, qua các chương trình, kế hoạch nhận viện trợ và được giúp đỡ cả về kỹ thuật, CS bị đòi hỏi phải có chính sách thực thi công bằng với người dân trong nước họ. Họ cởi trói cho người dân họ bao nhiêu, thì về phía các nước Tây phương sẽ viện trợ hoặc giúp đỡ bấy nhiêu. Nhưng dù thế nào, thì CS cũng vẫn duy trì chích sách độc tài cai trị. Từ sau khi được vào WTO Chính sách kềm kẹp các tôn giáo của họ lúc căng, lúc chùng, khi thắt bóp, khi nới lỏng cũng tùy thuộc vào tình hình kinh tế chính trị trong nước họ. Nghĩa là khi nào họ cần sự quan tâm của thế giới, thì họ dùng chính sách “tự do tôn giáo” trong nước họ, để mặc cả với những đối tác mà họ biết là họ có thể lợi dụng, kể cả với Vatican, vì CS biết tiếng nói của Vatican có trọng lượng đối với đa số các quốc gia Tây phương. Bởi vậy cả Trung Cộng lẫn Việt Cộng đều xây dựng đội ngũ chức sắc, hoặc giáo dân nằm vùng, và họ đã xử dụng một cách hữu hiệu. Nói tóm lại, CS là kẻ thù vô cùng nguy hiểm đối với GH và đức tin Công Giáo. Nó được ví như hình ảnh “Con Rồng Đỏ” không ngừng giao chiến với GH.
B- Tam Điểm như chúng tôi vừa nói tới trong TGTL#173; Số tt. 905: Đó là Con Thú từ biển đi lên một con mãnh thú giống hình Con Beo, nó đến để trợ giúp Con Rồng Đỏ. Tuy cũng cùng mục đích triệt hạ Công Giáo, nhưng TĐ lại thực thi một đường lối khác hẳn. TĐ chống Hội Thánh cách kín đáo, y như cái tên “Hội kín” của nó, nhưng thâm hiểm và độc hại hơn. Cả hai cùng có chủ trương xâm nhập, cài người, nhưng TĐ hoạt động âm thầm mà mãnh liệt, bằng mọi cách cho người của mình len lỏi lên các phẩm chức cao, rồi cực cao một cách có tổ chức, có trình độ, có chuyên nghiệp trong các lãnh vực triết học, thần học, và thậm chí có mặt trong mọi lãnh vực nghiên cứu, chuyên ngành. Rồi trở thành thầy dậy ; ít nhất trong các bộ môn Triết cũng như Thần học; Chỉ chưa đầy một trăm năm, TĐ có mặt tại những trường Đại Học nổi tiếng Quốc Tế, những viện thần học danh tiếng của cả Công Giáo lẫn Tin Lành, rồi người của họ có mặt trong các Đại chủng viện. Không ai thấy họ chống Chúa, chống Giáo hội. Ngược lại họ phục vụ Giáo Hội cách đắc lực. Vì họ là những nhà giảng dậy thần học, triết học. Hơn thế nữa, họ là những nhân vật tốt nghiệp về Kinh Thánh, và lại là những giáo sư về Kinh Thánh có phẩm tước trong Giáo Hội, thấp nhất cũng là một cha giáo trong Đại chủng viện. Những con người TĐ khoác áo chùng này vẫn đọc Thánh Kinh, vẫn làm các việc trong Giáo Hội, tùy theo chức phận và nhiệm vụ được Giáo Hội trao phó, nhưng họ không quên nhiệm vụ do tổ chức ủy nhiệm, là bẻ lái thần học. Họ khôn khéo đưa ra những tư tưởng mới để dẫn Ý Thánh Kinh, cắt nghĩa Lời Chúa theo những tư tưởng mới. (TGTL đã từng cho thấy thành tựu của nó, vì “đức tin chân chính đã bị dập tắt và ánh sáng giả dối sẽ hướng dẫn thế gian” (Điềm Báo 14 của Đức Mẹ ở La Salette). Một thế kỷ nay, kế hoạch của TĐ đã thành công. Nó đã đầu độc được rất nhiều các “tướng lãnh” của Chúa bằng thần học và các triết thuyết (chữ “tướng lãnh” Đức Mẹ dùng khi nói chuyện với cha André Althoffer; và các Linh mục cũng nhận mình là hàng “khanh tướng”). ĐGH. Benedict 16 đã biết rõ chung quanh ngài là sói dữ, Tư tưởng trong Giáo Hội đã bị nhiễm nặng các tà thuyết mang tên thần học, và nó đã đầu độc nhiều thế hệ tu sĩ, giáo sĩ là những người đã và đang dẫn dắt giáo dân đi vào con đường lầm lạc mà giáo dân hoàn toàn không biết. Khi những nhà thần học TĐ này chiếm lần, chiếm dần vào tận “thâm cung” của Vatican, để bẻ lái Giáo Hội và ai nấy vui vẻ đi vào kế hoạch vận động cho công cuộc “Đại Kết”, để sớm tiến tới một “Tôn giáo Toàn cầu”. Đó là lý do tại sao Đức Mẹ biết trước và cảnh báo, khi Mẹ hiện ra ở La Salette và nói rằng: “La Mã sẻ mất Đức Tin” (ĐB. 31).
298. “Khốn cho các ngươi, Nước Trời các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.” (Mt 23,13).
Hội Thánh do Chúa thiết lập từ nguyên thủy là một Hội Thánh Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Từ vài thập niên trở lại đây, một số các Giáo Hội bên Âu Mỹ đã tự bẻ lái, nghĩa là tự nới rộng lề luật trong khi thi hành mục vụ về các vấn đề đặc biệt là gia đình. Nhưng kể từ sau vụ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới về Gia đình và Sự Sống năm 2014 – 2015, và nhất là sau bản Tông Huấn của ĐGH. Francis “Amoris Laetitia” (Niềm vui của Tình yêu), thì Giáo Hội rõ ràng là đã mất đi tính Duy nhất, Thánh thiện và Tông truyền. Rồi nếu một ngày nào đó “Tôn giáo Toàn cầu” thành tựu, thì cũng không còn là Giáo Hội Công Giáo của Chúa Giêsu Kitô nữa! Đầu tiên phải kể là mất đi bản chất Thánh thiêng, khi chính giáo hội đã không còn tôn trọng lề luật và Bí Tích Chúa Giêsu đã thiết lập. Đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, khi người ta đã xem thường Mình Thánh Chúa, mà đem trao cho các tội nhân đang còn phạm tội công khai, rồi tới Bí Tích Hôn phối … cũng như xem nhẹ các giới răn, nhất là điều răn thứ sáu. Những vấn đề này, trong TGTL & các SVTT đã đề cập tới nhiều, nên không còn cần thiết để phải phân tích. Khi đã xem nhẹ lề luật, thì tính cách “Tông truyền” cũng xem như không còn toàn vẹn. Và để chứng minh cho những sai trái đó thật sự đã xảy ra, thì cụ thể nhất là ngay từ những Công Nghị (Synod) đó (tức là hai năm Công Nghị của các nghị phụ nói trên); Cũng như sau khi Tông huấn Amoris Laetitia được ban hành, thì Giáo Hội Công Giáo lâm vào tình trạng Hồng Y chống Hồng Y; Giám mục chống Giám mục, còn các Linh mục cũng chia thành hai phe; Nghĩa là có cha thì cho những người ngoại tình rước Lễ, có cha thì dứt khoát không. Hiện tượng nổi cộm nhất là Hội Đồng Giám mục Đức là công khai cải cách, giải quyết cho các cặp hôn nhân ly dị được tái hôn, và mặc dù chỉ là tái hôn dân sự (tức là chỉ có giấy hôn thú đời) cũng vẫn được rước lễ. Và còn một số cải cách khác nữa ít nhiều chúng ta cũng đã biết như đồng tính, phá thai, nam nữ sống chung trước hôn nhân v.v… khi nghe các SVTT. Nhưng Vatican cũng chỉ “một mắt nhắm, một mắt mở” (Mệnh đề này từ xưa vẫn mang ý nghĩa là “thấy, nhưng cứ vờ như là không thấy”). Vậy thì tình trạng Giáo Hội như hôm nay, có còn gọi là một GH Duy Nhất nữa không? Đó là điều ai cũng có thể trả lời. Tất cả những hiện tượng đang xảy ra trong GH hôm nay đã được Chúa, Đức Mẹ cảnh báo trước, các ngôn sứ, các lời tiên tri trước nay đều đã ứng nghiệm. Các sự kiện ứng nghiệm ấy, mạc khải nói cho biết đó là tình trạng “Bội Tín”. Thông qua các sứ điệp chúng ta vừa nghe Chúa, Đức Mẹ nói qua cha Stefano Gobbi mấy tuần trước đây, thì đó là những hiện tượng đem tới các hình phạt từ trời, Đức Mẹ, và ngay cả Chúa Giêsu cũng nói là cơn thịnh nộ của Chúa Cha sẽ không còn lâu nữa. Nhưng các cha đứng về phía cải cách cho phù hợp với thời đại, thì hầu như là phủ nhận các tiếng nói của Chúa Giêsu, Đức Mẹ cũng như các tiên tri, các ngôn sứ được tuyển chọn, lại còn nói với giáo dân là không được đọc, không được nghe những điều giả dối, hay ngụy tạo đó, vì đó là sự hù dọa, chỉ làm cho người ta sợ, chứ Chúa nhân từ và thương yêu người ta vô cùng, Chúa không có kết án và không có luận phạt. Thậm chí là có vị còn khẳng định “Hỏa ngục” không có, thế là con người tha hồ phạm tội. Bởi thế Chúa đã lên án đích danh họ đây, chứ Chúa chẳng cần phải hù hay dọa:“Khốn cho các người, các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. (Mt 23,13). Chỉ chưa dám tuyên bố thôi, chứ có lẽ các vị ấy chẳng còn bao giờ khuyên, hoặc nói với giáo dân Ơn Thứ Bẩy của Chúa Thánh Thần: “Ơn biết kính sợ Thiên Chúa” nữa! Hẳn là khi hiện ra ở La Salette, Đức Mẹ đã thấy Giáo Hội sau này thế nào, nên Mẹ mới nói: “Sẽ có nhiều điều kỳ lạ quái gở. Vì đức tin chân chính đã bị dập tắt và ánh sáng giả dối sẽ hướng dẫn thế gian. (Đúng như những gì bây giờ đang diễn ra, và ngay cả Đức Mẹ còn khiển trách, đừng nói là Chúa): Khốn cho các vị giáo quyền chỉ biết lo tích trữ của cải, chỉ biết lo đến Quyền Cao chức cả và cai trị một cách kiêu căng” (Trích ĐB.14).
299. Bằng vào Chân lý Phổ quát về Luân lý, con người không thể sống như mọi loài cầm thú, là chỉ biết sống theo bản năng.
Như chúng tôi đã nói, TĐ thành công không chỉ bằng vào một vài thập niên, mà cả trăm năm, hoặc hơn. Như ở trên chúng ta đã biết, TĐ không chỉ cài người, mà còn tuyển chọn những kẻ thông minh, tài giỏi để gieo trồng những “hạt giống cỏ lùng đặc biệt” có tác dụng làm thui chột niềm tin, và đánh đổ quan niệm chân lý phổ quát về luân lý (universal truth of morality).
Nhưng trước hết thế nào là Chân lý phổ quát về luân lý?
– Theo quan niệm Kitô giáo hoàn toàn dựa vào giáo lý và niềm tin vào một Thiên Chúa, là Đấng Thánh và là Chí Thánh (Is 6,3), Ngài tuyệt đối trọn tốt, trọn lành. Trong niềm tin ấy, Giáo Hội từ nguyên thủy đã buộc mọi người ở khắp mọi nơi, và mọi thời đại phải tuân theo một chân lý phổ quát về luân lý là, con người không thể sống như mọi loài cầm thú, là chỉ biết sống theo bản năng, mà không ý thức gì về thiện ác, cũng như là lành dữ. Một cách tóm gọn và dĩ nhiên chỉ là tóm gọn: Luật về luân lý phổ quát Công Giáo ngăn cấm những hành động nhân linh (human act) như giết người (trừ trường hợp tự vệ chính đáng), gian ác, hiếp dâm, mãi dâm, ấu dâm, ngoại tình, gian tham, bất công, bóc lột, kỳ thị, trả thù v.v… những sự dữ tự bản chất. Một cách tổng quát là “Thập Điều Giáo Luật của Thiên Chúa”, cũng gọi là “Mười Điều Răn”. Vì thế, người ta không thể biện minh bằng bất cứ lý do và hoàn cảnh nào. Đó là nguyên tắc mà bất cứ người Kitô hữu nào, cũng cần phải được linh thao thường xuyên, cốt để cho mình có được một lương tâm nhậy bén với chân lý phổ quát về luân lý nói trên. Nói một cách dễ hiểu là “Lương tâm Công Giáo”. Tuy nhiên lâu nay, một trong những loại “hạt giống cỏ lùng đặc biệt” được những con người bán linh hồn cho Satan là người của TĐ gieo trồng với mục đích nói trên, là làm thui chột niềm tin, cũng như đánh đổ quan niệm phổ quát về luân lý, là “Không có luân lý tuyệt đối” tức là Luân lý của con người không phụ thuộc vào một Chân lý bất biến. “Hạt giống cỏ lùng đặc biệt” này có tên là “thuyết Tương đối”.
Tháng 5. 1996 tại Guadalajara, Mexico, trong buổi họp các Chủ tịch thuộc Ủy Ban Tín Lý của Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh. Bài thuyết trình của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (Bây giờ là Đức Giáo Hoàng Danh Dự Benedict XVI) hôm ấy, Ngài đã nói lên tầm ảnh hưởng nặng nề của “Thuyết Tương Đối” với các vấn đề luân lý. Hồng Y Ratzinger cho biết: “Vì người ta cho rằng không có luân lý tuyệt đối, nên con người không còn tiêu chuẩn nào để huấn luyện lương tâm. Vì lương tâm không có tiêu chuẩn nên bị méo mó. Và từ đó, người ta có thể muốn làm gì thì làm, mà không còn bị lương tâm khiển trách nữa”. Hôm nay chúng ta thiết tưởng cũng nên tìm hiểu sơ qua về “Thuyết Tương Đối” và ít nhiều những nguy hiểm của nó.
300. Khái quát về “Thuyết Tương Đối”.
Năm 2005, Trong bài giảng khai mạc Mật Viện Hồng Y để bầu Tân Giáo Hoàng. Hồng Y Ratzinger đã trình bày một trong những quan tâm lớn lao nhất của chúng ta trong thời đại này là sự lan tràn của “Thuyết Tương Đối”. Ngài đã gọi sự đe dọa này không khác gì “Chủ nghĩa Độc Tài của Thuyết Tương Đối” (Dictatorship of Relativism). Thực vậy, nhiều người Công Giáo đang mất niềm tin vì bị ảnh hưởng bởi “Thuyết Tương Đối”. “Thuyết Tương Đối” phủ nhận “Chân Lý Tuyệt Đối”, vì theo thuyết này thì không có gì là tuyệt đối cả. Chính vì thế mà ngày nay có không ít người Công Giáo, kể cả những Thần học gia nổi danh trong giới tu sĩ cũng như ngoài đời, hầu như chủ trương rằng “Đạo nào cũng tốt”, rằng người ta có thể thuộc về nhiều tôn giáo khác nhau cùng một lúc (Multiple religious belonging), và coi các nhà sáng lập các tôn giáo khác “là những khuôn mặt cứu độ” độc lập với Đức Kitô… Điều thảm hại mà ĐGH/Danh Dự nói khi ngài còn là Hồng Y (năm 2005), đến nay chúng ta cũng đã thấy ít nhất là trong SVTT 68, quí vị và các bạn cũng đã bắt gặp HĐGM/VN biến ngày “Kính nhớ Tổ Tiên” thành ngày phổ biến “Ơn Cứu độ có trong mọi tôn giáo”, chứ chẳng phải chỉ có trong đạo Công Giáo không mà thôi! (xin coi Phụ Bản1,SVTT#68) Nhưng đó là chuyện của các vị ấy – tức HĐGM/VN – chứ chúng tôi thì không! Bởi vậy chúng ta cần tìm hiểu đôi chút xem thuyết tương đối (relativism) là gì và nguy hiểm ra sao?
Thuyết tương đối ( relativism) là một triết thuyêt ( philosophy) chủ yếu phủ nhận mọi tiêu chuẩn hay chân lý tuyệt đối về luân lý, vì cho rằng mọi luật lệ cá nhân hay phổ quát về luân lý chỉ là do con người áp đặt, nên không có cơ sở vững chắc để bắt buộc ai phải tuân giữ.
Thuyết này đưa ra ba môi trường chính sau đây làm cơ bản:
1-Tương đối về tâm lý( psychological relativism) : Tâm tính của con trẻ tốt hay xấu phần lớn chịu ảnh hường giáo dục và môi trường sống lúc còn ở với gia đình. Nếu cha mẹ lương thiện thì đứa bé lớn lên cũng sẽ là người lương thiện và ngược lại. Vậy kết luận của nó là: Mọi ý thức về luân lý của một người là kết quả hấp thụ của người đó trong môi trường gia đình. Đến đây ta cho là đúng đi, nhưng một đời người đâu phải chỉ ở trong một mái nhà suốt từ sinh ra cho tới chết (tất nhiên chữ mái nhà không theo nghĩa đen), mà thường chỉ chiếm khoảng 1/3, hay 1/4, có khi chỉ là 1/5 của cuộc đời. Vậy cái khoảng dài còn lại của cuộc đời sẽ ra sao? Tất nhiên thời gian hấp thụ nền giáo dục và đạo đức gia đình cũng chỉ là tương đối, cho nên Thuyết tương đối nói khi con người bước ra ngoài xã hội, đương nhiên là sẽ chịu ảnh hưởng môi trường xã hội.
2- Tương đối về xã hội ( social relativism) : Xã hội là môi trường lớn, vậy khuôn đúc của một xã hội thế nào, thì những con người sống trong xã hội ấy đa số sẽ được đúc khuôn ra như thế. Thí dụ: Những con người sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa (XHCN), bản chất của chủ nghĩa này xây dựng, hay nói theo cách của người Cộng Sản (CS) là “trồng” ra những con người vừa vô thần, vừa duy vật.
a) Vô thần thì không tôn giáo và cũng không tín ngưỡng. Không tôn giáo thì không có một khuôn khổ, hay nguyên tắc đạo lý nào để dạy dỗ, hoặc đào tạo cho con người có một nền luân lý căn bản, dựa theo quan niệm đạo đức của người sáng lập ra tôn giáo, cũng như đạo pháp, hay giáo lý của tôn giáo ấy đề ra. Không có tín ngưỡng thì con người chỉ sống như một loài thú, không biết kính sợ thần linh là gì. Biết kính, biết sợ, phần nào cũng là một tư cách ẩn mình trong luân lý. Vì không có gì để lấy làm tiêu chuẩn cho việc đào tạo ra một xã hội những con người theo kiểu mẫu XHCN, nên đảng CS. Việt Nam (thí dụ điển hình) đẻ ra một thứ luân lý riêng cho mình, và đặt tên cho thứ luân lý đó là “Đạo Đức Cách Mạng” (ĐĐCM), tức lấy cuộc “cách mạng vô sản” (CMVS) mà đặt tên, vì họ cho đó là tột đỉnh của thành công. Tuy nhiên bốn chữ “ĐĐCM” không hình dung ra được cái “thần tượng”, cái mẫu mực thực tại, để người ta noi theo, hay bắt chước! Sau một thời gian hụt hẫng vì thiếu mô thức, đảng CSVN đành phải tạo ra một định nghĩa rất vá víu cho guồng máy tuyên truyền, rồi đảng dậy cán bộ, dậy quần chúng rằng “ĐĐCM” chính là “Đạo Đức Bác Hồ”. Đó là cái sai từ trong trứng nước của CSVN. Vì ông Hồ không phải là nhà đạo đức từ trong lý thuyết lẫn đi vào hành động. Mà trái lại ông còn là một nhân vật “ … ” (chúng tôi không muốn dùng bất cứ danh từ nào để nói ở đây … tuy nhiên ở ngoài đời hôm nay, người ta có rất nhiều từ để đặt cho con người ấy). Chính vì “cái” gọi là “ĐĐCM” hay là “ĐĐBH” mà xã hội VN hôm nay, đảng và nhà nước CSVN sau ba phần tư thế kỷ, xây dựng ra những con người không chỉ không có đạo đức, mà còn đánh mất ngay cả nền đạo đức, luân lý của tổ tiên đã dày công xây dựng hơn bốn ngàn năm (tất nhiên cái gì cũng có luật trừ, nhưng luật trừ luôn luôn ở số ít). Thậm chí trong suốt một ngàn năm bị lệ thuộc Tàu và ngót trăm năm bị Tây đô hộ, suốt thời gian dài giằng dặc đó, chưa một nhà viết sử nào dù người mình, hay người ngoại quốc có ai đặt bút viết chỉ một câu rằng “Người VN không có luân lý, hay thiếu đạo đức”.
*** Trước khi bàn tiếp những vấn đề còn lại, chúng tôi xin mượn lời của ĐGH/Danh Dự Benedict XVI trong bài thuyết trình của ngài về “Thuyết Tương Đối” để tạm kết luận cho phần trình bày trên như sau:
“Thuyết Tương Đối còn ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đối với các vấn đề luân lý. Vì cho rằng không có luân lý tuyệt đối, nên con người không còn tiêu chuẩn nào để huấn luyện lương tâm. Vì lương tâm không có tiêu chuẩn nên bị méo mó. Và từ đó, người ta có thể muốn làm gì thì làm mà không còn bị lương tâm khiển trách nữa”.
Kỳ sau trong SVTT#72, chúng tôi sẽ xin bàn tiếp tính chất thứ hai của con người CS là Duy Vật. Rồi kế tiếp là tiểu mục thứ ba của “Thuyết Tương Đối về mặt Kinh tế. Sau đó chúng ta sẽ bàn qua về “Thần Học Giải Phóng”.
Trân trọng kính chào quí thính giả và các Bạn Trẻ. Chúc Quí vị & các Bạn một tuần lễ An Bình & Hạnh phúc trong Chúa Giêsu & Mẹ Maria.