Tiếp theo Các Sứ Điệp nói về Sự Thật Sẽ Xuất Hiện
(Người ta đã Đoạn Tuyệt với Truyền Thống)

992. “Chúng vốn đã xúc phạm đến Ta và Chúa Cha Hằng Hữu”. (Thông Điệp ngày 26.1.2012)

Như đã hứa trong số TGTL kỳ trước, hôm nay chúng tôi mạn phép trình bày về điểm Thứ Hai trong Thông Điệp ngày 26/01/2012 của Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe trong TGTL#196: Chúa nói: “Hãy xem cách họ không chỉ bóp méo Sự Thật, trong các Giáo Huấn của Ta, mà còn đưa ra những nghi thức mới, trong việc phụng tự của Giáo Hội Công Giáo, vốn xúc phạm đến Ta và Chúa Cha Hằng Hữu – Cha Ta”.
Giáo Hội từ sau các Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình năm 2014 và 2015 đã bị người ta xử dụng Mục Vụ để làm biến chất các giới luật của Chúa. Thí dụ như Tông Huấn Amoris Laetitia (2016) cho phép các Giám mục tùy nghi phân định các trường hợp vi phạm luật gia đình mà châm chước và cho phép những kẻ ngoại tình được Rước Lễ v.v… Khi làm như thế là đã không nói mà tự động phế bỏ những Bí Tích Chúa Giêsu lập ra, như BT. Hôn Phối; BT. Thánh Thể; cùng làm hư BT. Hòa Giải v.v… Mặc dù các ngài không dám công khai bãi bỏ các giới răn, cùng các phép Bí Tích trên văn bản, cũng như trong học thuyết Kitô Giáo, nhưng trong việc thi hành mục vụ thì họ đã bảo nhau phân định, để cho phép con chiên bổn đạo xem thường các giới răn, cùng trọng phạm vào các Bí Tích có liên hệ, trong đời sống tội lỗi của mình. Cho nên Chúa mới bảo: “Hãy xem cách họ bóp méo Sự Thật, trong các Giáo Huấn của Ta”. Bóp méo đây là cố tình “phân định” những việc làm sai trái, nhưng lại mượn cớ “Hoàn cảnh” để bình thường nó. Chúng tôi xin nhắc lại để các bạn trẻ đừng bao giờ quên: Đối với Thiên Chúa, không có hoàn cảnh nào Ngài cho phép người ta được phạm tội. Chỉ khi ta yếu đuối mà biết hối hận, ăn năn, rồi đi làm hòa với Thiên Chúa nơi Tòa Hòa Giải, cộng với quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi mình đã đi, đã phạm thì mới được Chúa thứ tha. Xin nhớ rằng tội thì được tha, nhưng vạ thì vẫn phải đền, nên các linh hồn mới phải ở trong nơi thanh luyện. Trong Phúc Âm Chúa từng bảo rằng: “Ta cho các ngươi biết: Người ta sẽ không ra khỏi nơi đó cho đến khi trả xong hết đồng xu cuối cùng” (Lc 12, 59). Đồng xu cuối cùng Chúa nói đây, có nghĩa là chúng ta sẽ phải trả giá ngay cả những lỗi lầm nhỏ nhất mà mình đã làm, chứ đừng nói là tội phạm đến Mình Máu Thánh Chúa – phạm tới Bí Tích Thánh Thể – khi ta đang phạm tội trọng mà lên Rước Lễ. Chúng tôi phải trình bày hơi tỉ mỉ một chút, vì một số bạn trẻ ngày nay một phần là không được học hỏi kỹ, một phần lại đang bị rơi vào tình trạng “người mù dẫn người mù”, như một số Hồng Y, TGM, GM. trung thành với lề luật và truyền thống đức tin trong Giáo Hội, đã lên tiếng cảnh báo những vị đang “bóp méo sự thật”. Còn Đức Mẹ thì nói rõ hơn về những giáo sĩ đó là “những kẻ đang lùa người ta xuống vực thẳm”. Các bạn đừng nghĩ rằng làm sao lại có những giáo sĩ như vậy? Bây giờ nhiều lắm! Chỉ mới đây thôi, nhiều giám mục bên Mỹ đã dám tuyên bố là họ nhứt định cho ông Joe Biden, cũng như những chính khách phò phá thai được rước lễ. Còn hàng giáo sĩ bên Đức, từ Hồng Y xuống tới Linh mục, thì cho các cặp đôi sống đời vợ chồng không Bí Tích Hôn Phối; Ly dị – tái hôn; phá thai – phò phá thai; Hôn nhân đồng tính v.v… tự do rước lễ. Đó không phải là đẩy người ta xuống vực thẳm hay sao? Tất nhiên ở đâu thì vẫn còn một số ít trung thành với truyền thống Đức Tin.

*Còn khi Chúa Giêsu nói rằng họ “Xúc phạm đến Cha Ta”, là vì họ đã phế bỏ Mười điều răn của Đức Chúa Trời. Tỷ như: Những kẻ không còn giữ Điều Răn Thứ Sáu (tội phạm dâm dục – trai gái ăn ở trước hôn nhân) mà vẫn cho rước lễ; Điều Răn Thứ Chín: Chớ muốn vợ chồng người, tức phạm tội Ngoại tình (đã có Bí Tích Hôn Phối rồi mà còn ăn ở với người khác phái, là phế bỏ cả giới răn thứ sáu, lẫn thứ chín), mà cũng cho rước lễ là xúc phạm đến Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Còn tội nào phạm thượng bằng! Điều Răn Thứ Năm: Chớ giết người (phá thai và ủng hộ phá thai là trực tiếp, hoặc gián tiếp giết người đó!), mà vẫn cứ cho rước lễ v.v… Người ta đang chủ ý bỏ, không còn tôn thờ cả Đức Chúa Cha với Đức Chúa Con và tất nhiên là người ta đã khước từ sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần. Những kẻ ấy đã phá bỏ Đền Thờ Chúa Ba Ngôi trong thân xác họ, chứ đừng nói là trong Hội Thánh Chúa và tự đẻ ra lề luật theo ý mình, phá nát Giáo Hội.

Để kết thúc đoạn này, chúng tôi mời các bạn nghe Thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gửi Thê-xa-lô-li-ca: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên Thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa. Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó, như chúng tôi đã từng báo trước và cảnh cáo anh em. Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người” (1Tx 4,3-8).

993. “Chúng còn đưa ra những nghi thức mới, trong việc phụng tự của Giáo Hội Công Giáo”

*Mới đây ĐGH. Francis tuyên bố rằng Mười Điều Răn không phải là những điều tuyệt đối (phải giữ) (Pope Francis on the Ten Commandments: ‘I observe them, but not as absolutes’ (đã đăng trên Lifesitenews và nhiều tờ khác). Giáo hoàng Francis biện minh rằng: Cứ tin vào Đức Giêsu Kitô thì bạn có thể làm những gì bạn muốn. Thực ra câu nói của Giáo hoàng là “When the Law is over we can say: “Do we believe in Jesus Christ and do what we want?” (tạm dịch: Khi lề luật đã qua đi chúng ta có thể nói: “Chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô chưa? (được hiểu ngầm là: nếu rồi thì) chúng ta làm bất cứ điều gì chúng ta muốn – điều này không khác Tin Lành tin).

*Chúng tôi cho rằng khi bạn rửa tội là bạn đã có tin vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng cuộc đời bạn, những gì bạn muốn và làm có phải là tốt hết không? Nếu con người được như vậy, thì Thiên Chúa chúng ta – thời Cựu Ước – đã chẳng phải ban hành cho chúng ta Luật Mười Điều Răn (The Ten Commandments). Dù là sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu vẫn cứ khẳng định: “Ta đến không phải là để bãi bỏ lề luật, mà là để kiện toàn” (Mt 5,17), thế thì không có lý do gì mà lề luật qua đi, hay bị kết thúc. The Law is not over! Chúa còn thêm: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5,18). Chính câu nói này của Chúa Giêsu cho chúng ta ấn tượng của sự tuyệt đối (Là Absolutes (tuyệt đối), chứ không thể bảo là Not as Absolutes), vì từ một chấm, một phết trong lề luật còn không được phép bỏ qua, nói gì tới từng chữ, từng câu trong lề luật. Chính vì thế mà Chúa mới nghiêm trọng cảnh cáo rằng “chúng vốn đã xúc phạm đến Ta và Chúa Cha Hằng Hữu – Cha Ta” – Chính Đấng đã ban hành Mười Điều Luật.

Định Nghĩa hai chữ “Phụng Vụ” trong niềm Tin của Hội Thánh Công Giáo
Chưa hết đâu, Chúa còn đề cập tới việc trong Hội Thánh Công Gíao. Người ta đã“đưa ra những nghi thức mới, trong việc phụng tự của Giáo Hội Công Giáo, vốn xúc phạm đến Ta và Chúa Cha Hằng Hữu”. Trước hết chúng ta phải tìm hiểu sơ qua xem những nghi thức mới trong việc phụng tự là thế nào? xảy ra từ bao giờ mà Chúa Giêsu bảo là xúc phạm đến Ta và Chúa Cha Hằng hữu?
Bằng vào cái nhìn từ giáo dân, có lẽ ít người thấy “phụng tự mới” mang tính cách “xúc phạm”.
Theo Từ điển Hán Nôm thì: “Phụng” là kính vâng theo mệnh ý của người trên; Dâng, hiến, tôn sùng người hay thần linh đều là “phụng”. “Tự” là việc cúng tế, hay thờ phượng. Tóm lại phụng tự là việc thờ phượng, tôn sùng và dâng hiến đối với thần linh hoặc người trên.
Đối với Công Giáo việc thờ phượng tôn kính đối với Thiên Chúa có từ Phụng Vụ (Vụ là việc; Phụng như đã nói trên là thờ phượng, tôn kính đối với Thiên Chúa). Nghĩa của Phụng vụ trong Hội Thánh Công Giáo lại mang một ý nghĩa riêng. Cho nên ta mới có định nghĩa sau đây:

Bằng vào ý nghĩa đó, Phụng vụ của Hội Thánh Công Giáo phải bao hàm ba yếu tố sau:
(1). Phải là những lời kinh chính thức của Hội Thánh được ấn định trong sách Phụng Vụ, chứ không phải là lời nguyện tự phát.
(2). Phải do một thừa tác viên hợp pháp cử hành, nghĩa là những người được Hội Thánh cắt đặt và ban quyền chủ sự, chứ không phải là bất cứ ai (có thiện tâm, hay có tinh thần phục vụ) cũng được. Nói cách khác, họ là những thừa tác viên hợp pháp.
(3). Vị thừa tác viên hợp pháp đó cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh, vì Phụng Vụ không bao giờ cử hành với tính cách cá nhân, cho dù thừa tác viên cử hành một mình.

*** Những việc sau đây được coi là Phụng Vụ: Thánh Lễ Tạ ơn; Cử hành các Bí Tích; và các giờ kinh phụng vụ. (chúng ta có thể hiểu cách tóm tắt về các giờ kinh phụng vụ là các giờ kinh sáng, kinh trưa và kinh chiều, các linh mục, tu sĩ, hay các Dòng Ba (Dòng Ba được hiểu là các giáo dân sống ngoài đời, nhưng muốn nên trọn lành qua việc khấn hứa giữ một bản tu luật) thường cầu nguyện bằng những kinh trong cuốn sách có tên gọi là Kinh Thần Vụ).

*** Ngoài ba việc đó, đọc kinh, ngắm, nguyện, đi đàng Thánh Giá, rước kiệu, tĩnh tâm, hay cấm phòng, v.v… chỉ được xem là những việc đạo đức, chứ không mang ý nghĩa của phụng vụ.
(Nguồn: Chúng tôi sưu tầm từ các tài liệu của Học viện Đa Minh hay của Simon Hoà Đàlạt v.v…)

– Khi Chúa nói họ“đưa ra những nghi thức mới, trong việc phụng tự của Giáo Hội Công Giáo” là nói từ nội dung tới hình thức trong việc cử hành Thánh Lễ, vì theo định nghĩa Thánh Lễ chính là việc cử hành phụng vụ lớn lao nhất, hay là ý nghĩa nhất. Là nghi thức thờ phượng và xin ơn cứu độ từ nơi Thiên Chúa chúng ta. Và cũng chính trong việc cử hành Thánh Lễ đã có sự đổi mới, mà Chúa Giêsu gọi là “những nghi thức mới, trong việc phụng tự”. Có “Mới”, thì hẳn phải có “Cũ”. Bởi đó, vấn đề đặt ra ở đây là sự khác biệt giữa “cũ”, từ chuyên biệt gọi là Thánh Lễ Truyền Thống (TLTT) và “mới” là Thánh Lễ sau Công Đồng Vaticanô II, gọi tắt là Thánh Lễ Mới (TLM). Thánh Lễ Cũ theo nghi thức cũ. Thánh Lễ Mới thì có nghi thức mới.

994. Con Người Tạo Ra Cuộc Chiến.

A- Bối Cảnh: Mới chỉ trong khoảng một thập niên qua, nổi lên trong Giáo Hội cơn khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ (tất nhiên là hậu quả, còn nguyên nhân phải âm ỉ từ lâu); Hàng loạt gương mù gương xấu về tài chánh trong nội bộ Giáo Hội (đã được nói tới) tạo nên cơn bão của sự ô nhiễm, khiến Vatican trở nên mù mịt trước con mắt của mọi người; Nhiều xu hướng cách mạng cho đẹp lòng thế tục, mang đặc tính lạc giáo ly khai, đã và đang diễn ra khắp nơi. Tiêu biểu nhất là đường hướng Công nghị Giáo Hội Công Giáo Đức hiện nay, nhưng thực tế là đã phát xuất từ các Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới những năm 2014 & 2015 về Gia Đình; Cộng thêm tình trạng tuyệt vọng của những tín hữu Trung Hoa trong một cuộc mua bán, đổi chác, giữa Vatican với Đảng CS Trung Quốc – Nói theo ngôn từ ĐHY. Zen (Trần Nhật Quân) của Hồng Kông là Vatican đã hạ bút ký một bản án khai tử một cộng đồng Công Giáo sùng đạo, mà chúng ta thường gọi là Giáo Hội Công Gíao Hầm Trú ở TQ. Người ta bỗng dưng biến những con chiên ngoan đạo làm vật tế thần như thế để nhận được gì? – Dolar (tiền) và một số giám mục giả, linh mục giả do Tập Cận Bình và đảng CS phong. Rõ ràng là một cuộc đánh đổi Giáo Hội của Chúa lấy một giáo hội yêu nước của đảng và nhà nước CS – thực chất CS như Tam Điểm, chúng chỉ đều là tay sai của Luxiphe! – Cũng trong một thập niên qua, không ít tai tiếng về các vụ đại diện Giáo Hội của Chúa, đi cầu nguyện với đủ mọi loại thần ngoại giáo, trong chương trình đi làm “Đại Kết”, hầu mong sớm gom tất cả các tôn giáo lại làm một. Nổi tiếng nhất, và cũng được truyền thông quan tâm nhất, là đem toàn bộ những khuôn mặt đình đám nhất của Vatican lên dàn rước kiệu thần Pachamama (tục gọi là thần “Mẹ Đất”), trong kỳ Thượng Hội đồng Giám mục Amazon nhóm họp ở Roma từ ngày 06 tháng 10 năm 2019, rồi mang cả biểu tượng ấy lên bàn thờ, nơi Giáo Hội Công Gíao chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa là Chúa duy nhất – Đấng Tạo Thành trời đất. Hãy nghe TGM. Carlo Maria Viganò trả lời trong cuộc phỏng vấn của LifeSiteNews (May 19, 2021) cho tạp chí Kultur-Magazin của Helene Walterskirchen: “Họ (chỉ THĐ/GM. Amazon tạiVatican) hãy ngừng tin rằng Đấng cứu rỗi có thể được đặt ngang hàng với những thần tượng giả dối và dối trá, bắt đầu với pachamama đáng nguyền rủa”. Tuy nhiên, bằng ấy sự kiện chưa đủ gọi là Đoạn Tuyệt với Giáo Hội cũ, tức là Giáo Hội Công Giáo Truyền Thống.

B- Tự Sắc: Phải đợi tới đúng ngày lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh (ĐM. Camélo), ngày 16.7.2021 Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới đưa ra “quyết định quyết liệt”, trong một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc có tựa đề Traditionis Custodes . Ngay lập tức Tông huấn Tự Sắc này bác bỏ các Tự Sắc Summorum Pontificum năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI và Tự Sắc Ecclesia Dei của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1988. Những Tự Sắc này được các vị tiền nhiệm của ngài đưa ra nhằm bảo vệ sự tiếp tục duy trì việc cử hành nghi thức Thánh Lễ Truyền Thống, vốn đã có từ rất lâu trước năm 1970 ( ngày nay người ta gọi bằng danh từ “Thánh Lễ La Tinh” cho gọn, nhưng thực ra không phải chỉ đơn thuần là vấn đề ngôn ngữ. Chỉ có thể phân biệt giữa Thánh Lễ Truyền Thống với Thánh Lễ Đổi Mới, chứ không thể phân biệt Thánh Lễ La Tinh, Thánh lễ tiếng Anh, hay Thánh Lễ tiếng Việt, hoặc tiếng Pháp v.v… Bởi gọi tên là Thánh Lễ La Tinh, nên ai trong chúng ta cũng thấy rằng đâu cần thiết phải duy trì thánh lễ cử hành bằng ngôn ngữ ấy. Đó là một sự sai lầm, cố tình đánh lận con đen, nên chúng ta cần tìm hiểu). Ngay sau khi Tông Thư dưới dạng Tự Sắc của ĐGH. Francis ban hành, thì làn sóng phản đối dâng trào, đến nỗi bản tin của Việt Catholic News gọi là “sóng gió”.

Trong phạm vi rất giới hạn của thể thức những bài đọc trong TGTL, chúng tôi dù cố gắng, cũng phải minh định trước rằng: Chúng tôi chỉ có thể mang tới quí thính giả một số nét không hẳn gọi là cơ bản, hoặc chỉ mang tính điển hình mà thôi. Sau này chúng tôi dành ra một chương để trình bày kỹ hơn.

C- Một Tựa Đề: ChurchMilitant.com vào hạ tuần tháng bẩy năm nay, đã lên cái “ Tựa đề” “Gíáo hoàng Francis là giáo hoàng đầu tiên công bố một ‘cuộc thập tự chiến mới’, vào hai tuần trước đây – mà lần này là chống lại các Thánh Lễ La-tinh truyền thống suốt bao thế kỷ qua”.

* Trong một bài báo trên tuần báo Al-Naba, Isis đã tuyên bố là chuyến công du mới đây của Giáo hoàng Phan-xi-cô đến Iraq (từ 5-9/3/2021) đã báo hiệu cho một “Cuộc thập tự chiến mới”, nhằm “loại bỏ giáo luật Hồi Giáo Shariah của Allah khỏi vùng đất này và thay bằng một tôn giáo đa thần” (1). Theo đó thì từ ngữ “thập tự chiến mới” này, được nhà nước Hồi giáo Isis đặt ra cho Giáo hoàng Francis từ một chuyến đi, và ChurchMilitant đã dùng lại từ đó của Nhà nước Hồi Giáo Isis, để nói lên một cuộc chiến trong nội bộ của Giáo Hội Công Gíao, nhằm nhắc nhở cho mỗi người chúng ta là mình đang sống giữa nhiều cuộc chiến và xem chừng cuộc chiến nào cũng phảng phất vị Giáo Hoàng của thời đại. Bạn có thể đọc nguyên bài báo tiếng Anh “ISIS Branches Out Into Comedy, Accuses Pope Woke I of Trying to Start New Crusade” trong mạng(2) dưới đây.

D- Cuộc chiến chống Thánh Lễ Truyền Thống: Chỉ sau hơn một tháng kể từ ngày 16/07/2021, kết quả các báo cáo bán chính thức đã từ 127 giáo phận trên toàn thế giới, cho thấy chỉ có 15 nơi tuân thủ bằng cách chấm dứt các Thánh Lễ La-tinh, và 9 nơi chấm dứt một phần nào đó. Tất cả còn lại thì vẫn cứ đang cho phép tiếp tục, ít nhất là vào lúc này. Con số báo cáo từ Hoa Kỳ thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn: Trong số 64 giáo phận thì cũng chỉ có ba giáo phận đã chịu thi hành quyết định theo Sắc lệnh của Giáo Hoàng Phan-xi-cô mà thôi.
ĐGM. Rob Mutsaerts, GM Phụ tá Giáo Phận Hertogenbosch, Hòa Lan phản ảnh: “Giáo hoàng Francis đã đóng sầm cửa lại, qua sắc lệnh Traditionis Curtodes. Cảm giác y như thể là tội phản quốc, và là một cái tát tai nảy lửa vào mặt các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm”.
ĐGM Paprocki lên tiếng: “Đã chẳng giải quyết được vấn nạn, mà căng thẳng lại leo thang”. ĐGM. Thomas J. Paprocki Giáo phận Springfield, tiểu bang Illinois cũng nhanh chóng hồi đáp: “Thật là sai lầm khi cho rằng những ai tham dự Thánh Lễ Truyền Thống La Tinh, chỉ là bọn hoài cổ, mơ màng đường xưa lối cũ; Điều đó chẳng phải là trải nghiệm của tôi chút nào hết”, – Ngài tiếp: “Bất cứ ai tưởng nghĩ rằng khi thế hệ cao niên nhắm mắt xuôi tay, thì Thánh Lể La Tinh cũng lụi tàn, là những người thiếu óc thực tế”. Và trong tông thư ngày 19/07/2021, ĐGM Paprocki đã ban phép chuẩn cho tiếp tục cử hành Thánh Lễ Truyền Thống La Tinh không hạn chế, tại những giáo xứ thuộc quyền Ngài, nếu nơi nào muốn.
Chúng tôi hãy tạm ngưng các vấn đề có tính thời sự để đi vào trọng tâm hơn một chút:
– Sắc lệnh  mới của Giáo Hoàng Phan-xi-cô, trớ trêu thay lại đã mang tên Traditionis Custodes (có nghĩa là “Bảo Vệ Truyền Thống”), thì lại đã thực sự đảo ngược motu proprio năm 2007 của Giáo hoàng Benedict XVI, khi ấy nhằm khuyến khích việc cử hành Thánh Lễ La-tinh truyền thống trên khắp thế giới Thiên Chúa Giáo. Đáng lẽ ra GH. Francis phải đặt tên cho Tông Huấn Tự Sắc của ngài là “Đoạn Tuyệt Truyền Thống” mới đúng, chứ làm sao gọi là “Bảo vệ Truyền Thống” được! Nhưng các cơ quan truyền thông vốn biết ngài thích nói lối “hai mặt”. Các H.Y. truyền thống còn biết GH. Francis là Giáo Hoàng truyền bá nền luân lý hai mặt.
Để biện minh cho sự đảo ngược này, Giáo hoàng Francis đã cáo buộc là sự ủng hộ của người tiền nhiệm đối với Thánh Lễ La-tinh “đã bị lợi dụng để gây thêm chia rẽ, để tăng gia các tương phản, và để khuyến khích những bất đồng, khả dĩ gây tổn hại cho Giáo hội mà thôi”. Thực ra ai mới là người gây ra chia rẽ, tạo ra bất đồng, làm tổn hại cho Giáo Hội của Chúa?
Bạn có thể đọc toàn bài Anh ngữ “How francis’ crusade against the latin mass shatters his conciliatory façade” trong mạng(3) dưới đây.
—————-
Chú Thích:
(1): thay bằng một tôn giáo đa thần- Ai cũng biết bọn Nhà nước Hồi giáo Isis (còn gọi là Hội giáo cực đoan, vì chủ trương chém giết, thanh toán và chiến tranh. Trong số những đối tượng họ coi là kẻ thù, thì Công Giáo đối với họ là kẻ thù số một. Tại Âu – Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phi, và một ít nước Á châu trong những năm qua họ đã ám sát, thanh toán, giết nhiều linh mục Công Giáo, và đốt phá nhiều nhà thờ. Họ rất quan tâm tới những chuyến đi của ĐGH. Francis tới những nước Hồi Giáo trong mục tiêu đi làm “Đại Kết” của Ngài và củng biết rõ việc ngài đi lại và gần gũi với các tôn giáo khác, để gom các đạo lại làm một, nên họ mới “tuyên bố là chuyến công du mới đây của Giáo hoàng Phan-xi-cô đến Iraq đã báo hiệu cho một “Cuộc thập tự chiến mới”, nhằm “loại bỏ giáo luật Hồi Giáo Shariah của Allah khỏi vùng đất này, và thay bằng một tôn giáo đa thần. Lời tuyên bố đó của Isis có nghĩa như là lời kêu gọi Hồi Giáo trong tư thế chuẩn bị chiến tranh mà Công Giáo là đối thủ số một của họ.
(2).https://pjmedia.com/news-and-politics/robert-spencer/2021/03/31/isis-branches-out-into-comedy-accuses-pope-woke-i-of-trying-to-start-new-crusade-n1436446
(3).https://thefederalist.com/2021/07/28/how-franciss-crusade-against-the-latin-mass-shatters-his-conciliatory-facade/?utm…)

995. Khác biệt giữa Thánh Lễ Truyền Thống (TLTT) với Thánh Lễ Mới (TLM).

A- Thánh Lễ Truyền Thống (TLTT) xuất hiện từ bao giờ?
* Lịch sử Giáo Hội Công Giáo là một bằng chứng cụ thể cho chúng ta biết TLTT được truyền lại từ thời các Thánh Tông Đồ, đến các Giáo phụ và qua các thế kỷ, cho tới khi được ĐGH. Pio V hệ thống hóa và đúc kết thành bộ sách lễ, rồi ban hành năm 1570.
Bộ Lễ này phản ánh cách trung thực nhất niềm tin của Giáo Hội về Thánh Lễ. Phản ảnh như thế nào là trung thực, sau này chúng tôi sẽ đề cập tới.
Ngày 14/7/1570, Đức Pio V ban hành Tông Hiến Quo Primum – Từ Thuở Ban Đầu – chính thức giới thiệu TLTT cho toàn thể Giáo Hội. Tông Hiến có đoạn: “Tất cả mọi nơi hãy tuân giữ và áp dụng những gì Hội Thánh Rôma, Mẹ và Thầy dạy của các giáo hội, đã truyền lại, và các thánh lễ không được cử hành theo một thể thức nào khác, ngoài thể thức mà chúng tôi ấn hành đây. Mệnh lệnh này áp dụng từ nay trở đi và cho đến muôn đời, trong khắp các miền của thế giới Kitô… Do vậy bất cứ ai dám thay đổi những phép tắc, chỉ thị, huấn lệnh, mệnh lệnh, điều luật, đặc ân, ân ban, tuyên ngôn, ý muốn, sắc lệnh, và ngăn cấm này của chúng tôi, hãy biết rằng kẻ đó phải hứng chịu cơn giận dữ của Thiên Chúa toàn năng, và của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô.” (Quo Primum, ngày 14/07/1570). Lời tuyên bố của ĐGH. Piô V đến hôm nay quả đã ứng nghiệm, khi chúng ta nghe chính Chúa Giêsu trách mắng trong Thông Điệp ngày 7/5/2012 qua chị Maria Divine Mercy: “Họ xảo trá đưa ra những cách thức mới để cử hành Bí Tích Thánh Thể vốn xúc phạm đến Ta”.

* Rõ ràng Tông Hiến Quo Primum dùng những lời rất trang nghiêm và mang tính bó buộc đối với Giáo Hội ở khắp mọi nơi và mọi thời, và cho đến muôn đời. Kể từ đó, TLTT được toàn thể Giáo Hội trung thành tuân giữ, không hề thêm thắt gì cho đến khi Sách Lễ Mới (SLM) của Thánh Lễ Mới (TLM) do Công Đồng Vatican II cho ra đời năm 1969.

B- SLM của TLM là kết quả của cuộc cách mạng phụng vụ do CĐ.Vatican II khởi xướng.
Công Đồng Vatican II thay đổi cái nhìn về phụng vụ, ắt phải dẫn đến việc thay đổi sách lễ cho phù hợp với cái nhìn đó. Vì vậy, ngay sau khi Công Đồng Vatican II kết thúc, Giáo hoàng Phao-lô VI đã thiết lập một Uỷ Ban chuyên trách cho việc biên soạn SLM và sách nghi thức các Bí tích. Điểm đáng chú ý, người đứng đầu Uỷ Ban soạn thảo SLM là Tổng Giám Mục Annibale Bugnini, một chuyên viên về phụng vụ tại Vatican II vào thời kỳ đó, và là kiến trúc sư trưởng của Hiến Chế Phụng Vụ Thánh  Sacrosanctum Concilium. Tuy nhiên Bugnini bị cáo buộc là thành viên Tam Điểm thứ thật (freemason), đã khai tâm vào Tam Điểm ngày 23/04/1963. Sau khi những cáo buộc này được chứng minh, Bugnini thay vì phải bị trừng phạt theo luật, lại được cử sang làm sứ thần tại Iran! (Đời Giáo Hoàng Phao-lô VI). Ngoài Bugnini, Uỷ Ban soạn thảo SLM còn có sự tham gia của 6 mục sư Tin Lành!
Mục đích của việc soạn thảo SLM là gì? Theo Jean Guitton, một người bạn thân của GH. Phaolô VI, cho biết: “Ý muốn của Giáo Hoàng Phaolô VI đối với việc soạn thảo SLM là để cải cách Phụng Vụ Công Giáo sao cho giống với phụng vụ Tin Lành. Với ý hướng và chủ đích của Công Đồng “Đại Kết”, Giáo Hoàng muốn loại bỏ, hoặc ít nhất cũng phải sửa đổi hay giảm nhẹ những gì quá Công Giáo trong cách hiểu truyền thống về thánh lễ, để làm cho thánh lễ gần hơn với thánh lễ Calvin.” (1) (Còn Tiếp)

—————-
Chú Thích:
(1). làm cho thánh lễ gần hơn với thánh lễ Calvin. Jean Calvin là thần học gia người Pháp, là nhà cải cách Tin Lành, ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo khoảng năm 1530. Ảnh hưởng thần học của Calvin hình thành trường phái gọi là Calvinism. Xem thêm tài liệu trong: Rama P. Coomaraswamy, The Problems with the New Mass: A Brief Overview of the Major Theological Difficulties Inherent in the Novus Ordo Missae, (Rockford, Ill.: Tan Books & Pub, 1990), 34. (Lm. Rama P. Coomaraswamy, Những vấn đề với Thánh lễ mới: Tổng quan vắn tắt về những khó khăn thần học vốn có trong Novus Ordo Missae, (Rockford, Ill: Tan Books & Pub, 1990), 34.)

—–oOo—–
ACE trong Chương Trình TGTL trân trọng kính chào quí thính giả và các Bạn Trẻ.
Chúc quí vị & các Bạn một tuần lễ An Bình trong Thiên Chúa