THÁNH LỄ TRUYỀN THỐNG (Theo Vietcatholic News)
(http://www.vietcatholic.net/News/Html/56046.htm)
TGTL xin trân trọng giới thiệu một bài viết của tác giả Anthony Lê . Trước hết có hai điểm chúng tôi cần thông báo trước:
Một: Bài này tác giả viết đã lâu (25.Jun.2008) so với thời điểm ĐGH Francis ban hành Tông huấn Tự Sắc Traditionis Custodes ngày 16.7.2021 về việc bác bỏ các Tự Sắc Summorum Pontificum năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI, và Tự Sắc Ecclesia Dei của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1988. Những Tự Sắc này của các vị tiền nhiệm của ngài đưa ra nhằm bảo vệ sự tiếp tục duy trì việc cử hành nghi thức Thánh lễ Truyền Thống. Nhưng nay thì giáo hoàng Francis có ý Đoạn Tuyệt với Thánh Lễ Truyền Thống.
Hai: Bài viết của tác giả Lê rất dài, nên chúng tôi sẽ chỉ trích những phần mà chúng tôi và các tác giả trong mấy bài trước và sau chưa đề cập tới. Tuy nhiên, quí thính giả, độc giả và các bạn trẻ nào muốn tìm hiểu trọn vẹn bài viết của tác giả, chúng tôi mời quí vị và các bạn liên kết với trang mạng của Việt Catholic theo đường link đã ghi trên đầu bài. Chân thành cám ơn các tác giả và toàn thể quí vị đã theo dõi các chương trình của chúng tôi từ trước tới nay. Bây giờ chúng tôi mời quí vị lắng nghe Tg. Anthony Lê kể qua giọng đọc từ nhóm TGTL về:
THÁNH LỄ La Tinh TRUYỀN THỐNG
(Traditional Latin Mass)
Mục đích chính và mong mõi duy nhất của người viết là kính mong Quý Vị hãy hãy nên cố gắng đi dự Thánh Lễ La Tinh một lần xem sao, rồi nên giữ đó thành thói quen cho cả gia đình – và nhất là các bạn trẻ, để chúng ta cùng nhau trở về lại cội nguồn của Giáo Hội, để hiểu rõ hơn về Thánh Lễ, về Sự Hy Tế chính của Thiên Chúa, và về các học thuyết quan trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo, được truyền lại cho chúng ta từ thời các vị Thánh, và Cha Ông Tổ Phụ của chúng ta, từ thời vị Giáo Hoàng đầu tiên là Thánh Phêrô mãi cho đến nay.
1) Về Bầu Khí Phụng Tự:
Trong Thánh Lễ La Tinh, bầu khí có vẽ yên lắng hơn. Nhấn mạnh đến sự tham dự của cá nhân trong việc “tự nâng và hướng lòng, trí của mình lên cho Thiên Chúa.” Các thành viên trong cộng đoàn đều hướng sự chú ý trực tiếp đến với Thiên Chúa, chứ không phải lẫn nhau.
Thánh Lễ cử hành bằng tiếng Anh, Việt, vân vân… có thể được cử hành trong hội trường, trong nhà tập thể dục của Giáo Xứ với đầy sự pha trộn phức tạp của âm thanh, dễ gây ra sự chia trí. Cộng đoàn liên tục đứng, ngồi, rồi quỳ. Nhấn mạnh đến việc đưa ra những “chỉ dẫn.” Người tham dự Thánh Lễ thường xã giao với nhau bên trong Nhà Thờ, trước và thậm chí sau cả Thánh Lễ, và mọi người bắt tay, hay ôm chồm lấy nhau.
2) Thật Sự Tôn Kính đến Sự Hiện Diện Thật của Thiên Chúa trong Phép Thánh Thể
Trong Thánh Lễ La Tinh, có tới 16 lần phải quỳ xuống. Chỉ có tay của vị Linh Mục Chủ Tế mới được đụng vào Bánh đã được thánh hóa mà thôi. Việc rước lễ chỉ bằng lưỡi, người tín hữu phải quỳ xuống để rước Mình Thánh Chúa, là để tôn kính Chúa Giêsu đang Thật Sự Hiện Diện trong Phép Thánh Thể. Trước khi trao Mình Thánh Chúa cho người tín hữu, Linh Mục Chủ Tế cầm Bánh Thánh, đọc lời nguyện nhỏ: “Nguyện cho Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô gìn giữ linh hồn của con vào nơi cuộc sống đời đời. Amen.” (May the Body of our Lord Jesus Christ preserve your soul unto life everlasting. Amen.)
*Trong Thánh Lễ Truyền Thống (TLTT), chỉ có vị Linh Mục chủ tế vừa ăn thịt và uống Máu Thánh của Thiên Chúa mà thôi, còn người giáo dân thì chỉ được đón nhận Mình Thánh Chúa từ tay vị Linh Mục. Tuy nhiên, mặc dầu chỉ đón nhận Mình Thánh Chúa, nhưng người giáo dân hiểu đó là Mình, Máu, Linh Hồn, và bản tính Thiêng Liêng (divinity) của chính Chúa Giêsu Kitô.
*Trong Thánh Lễ Mới (TLM), người giáo dân nam cũng như nữ cũng có thể trao phát Mình Thánh Chúa trong tư cách là Thừa Tác Viên Thánh Thể. Việc đón nhận Mình Thánh Chúa bằng tay, và cả vị Linh Mục chủ tế và người đón nhận chỉ đọc một lời nguyện rất ngắn gọn mà thôi – đây suy cho cùng chính là lối thực hành mà những người Tin Lành giới thiệu ra để từ chối sự hiện diện Thật Sự của Thiên Chúa nơi Bánh và Rượu.
3) Việc Trung Thành Với Học Thuyết Công Giáo:
Trong suốt cả một năm, qua Thánh Lễ La Tinh, người tín hữu được trình bày ra rất đầy đủ tất cả mọi khía cạnh có liên quan đến học thuyết Công Giáo. Trong TLM tất cả bị lược bỏ đi.
4) Về Tính Xưa Cổ (Tính Truyền Thống):
Phần lớn các Lời Nguyện trong Thánh Lễ Chủ Nhật và việc sắp xếp các phần trong Thánh Lễ La Tinh đã có ít nhất từ những năm 300 và 400 sau Công Nguyên. Tính Giáo Luật cũng chủ yếu tương tự kể từ thời của Thánh Ambrose (khoảng 397 s.CN). Còn trong TLM chỉ có 17% những Lời Nguyện củ được giữ lại mà thôi.
5) Tất cả hướng về phía Đông tức là Thiên Chúa.
Trong TLTT, Linh Mục chủ tế chính là Người Hy Tế Chính hay Người Tự Dâng Hiến (Sacrificer) lên cho Thiên Chúa. Vị Linh Mục đối diện bàn thờ, Thánh Giá, và nhà tạm (hay nói cách khác đối diện trực tiếp đến Thiên Chúa).
Vị Linh Mục chủ tế không quay lưng lại bàn thờ. Đúng ra, cộng đoàn Kitô Giáo thời xa xưa, tất cả đều phải hướng về phía đông (ad orientem) đang vui mừng chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chính Thánh Augustinô đã từng nói rằng:
“Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta hướng về phía Đông là nơi mà thiên đàng bắt đầu. Và là để giúp cho chúng ta nhớ quy hướng tâm trí của chúng ta đến một trật tự cao hơn, đó chính là Thiên Chúa.”
Trong Thánh Lễ La Tinh, vị Linh Mục chủ tế thực hiện hết tất cả mọi hành động và đọc lên tất cả những Lời Nguyện của Thánh Lễ. Bằng cách này, vị Linh Mục chủ tế hoàn thành vai trò của mình trong tư cách là người khẩn cầu trung gian giữa giáo dân và Thiên Chúa Tối Cao, và trọng tâm của việc phụng tự này là nhắm trực tiếp vào chính Thiên Chúa, chứ không phải bản thân của vị Linh Mục.
Còn trong TLM Linh Mục đối diện với giáo dân. Và một số chức năng của Linh Mục chủ tế được giao cho những người giáo dân nam và nữ.
6) Cách Ăn Mặc Khi Tham Dự Thánh Lễ.
Trong TLTT, người giáo dân ăn mặc kín đáo thể hiện không những sự tôn kính dành cho Thiên Chúa vì Sự Hiện Diện của Ngài nơi Phép Thánh Thể, mà còn cho cả những người đi tham dự Thánh Lễ.
Còn trong TLM cách ăn mặc rất bừa bãi, hở hang nhất là vào Mùa Hè, cho thấy sự yếu kém về mặt đạo đức và luân lý, cũng như sự coi thường và khinh miệt Thiên Chúa, lẫn những người đi tham dự Thánh Lễ. Xưa các Cha cố và các Soeurs giảng dạy từ thưở nhỏ, trước khi đến nhà thờ để tham dự Thánh Lễ, chúng ta phải ăn mặc nghiêm trang và tề chỉnh nhất, để tôn kính và ca tụng Thiên Chúa.
7) Thánh Lễ Truyền Thống La Tinh là sự thờ kính Thiên Chúa cách đúng đắn nhất
Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống chính là một sự diễn giải trọn vẹn và đúng đắn nhất về những sự thật không hề thay đổi của Giáo Hội Công Giáo.
Mục Sư Martin Luther đã nhìn nhận rằng: nếu phá đổ được Thánh Lễ CG, thì Ông có thể phá đổ được triều đại Giáo Hoàng ở La Mã. Chính Ông và những nhà Tin Lành cải cách khác đã quyết định xóa bỏ đi ý tưởng về sự hy tế vốn có, và truyền bá kiểu “phụng vụ cải cách” của Tin Lành cho Công Giáo. Cuối cùng họ đã thành công. Do đó, nếu Quý Vị vào các nhà thờ Tin Lành, Quý Vị không khi nào nhìn thấy được bàn thờ và tượng Chuộc tội ở đó (Tức Thánh giá có Chúa Giêsu chịu chết). Các bài đọc Thánh Kinh cùng các bài giảng được dùng để thay thế cho việc long trọng và cung kính thờ lạy Sự Hiện Diện Thật Sự của Chúa Kitô trong Phép Bí Tích Thánh Thể.
8) Làm thế nào mà tiếng La Tinh bổng dưng trở thành một thứ ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội?
Trong các thời đại xưa cổ, tiếng La Tinh chính là ngôn ngữ thông dụng của luật pháp và thương mại, cũng giống như tiếng Anh trở nên thông dụng vào thời nay vậy. Vào thế kỷ thứ 5, khi Đế Quốc La Mã bị tan rã, thì Giáo Hội nổi lên như là một thế lực văn hóa bình ổn, và tiếng La Tinh được giữ lại như là một cách để hiệp nhất tất cả mọi người lại với nhau.
Ngày hôm nay, chúng ta phải cần hiểu rằng: vì La Tinh chính là một ngôn ngữ chết, do đó tiếng La Tinh không còn là tài sản của bất kỳ quốc gia nào. Vì Giáo Hội luôn lúc nào cũng “vì các chư dân, các nước, và các chi tộc” (Khải Huyền 11:9), do đó chẳng có gì lạ khi tiếng La Tinh được Giáo Hội dùng như là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
9) Tại sao Thánh Lễ Truyền Thống (Traditional Mass) lại được cử hành bằng tiếng La Tinh?
Có 4 cách giải thích khác nhau:
Cách 1: Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh vì tiếng La Tinh – tự bản thân của nó – chính là một thứ ngôn ngữ “chết” hay không còn sử dụng trong việc giao tiếp thường ngày nữa. Nên những từ ngữ La Tinh vẫn giữ nguyên vẹn không bị thối mục, hay hư mất qua dòng thời gian, cũng như không hề tự thay đổi về mặt ngữ nghĩa. Nói khác đi, La Tinh là một thứ ngôn ngữ bất biến qua dòng thời gian.
Trong khi đó, với tiếng Anh chẳng hạn, mặc dầu nói ra, mọi người chúng ta dễ hiểu được nó hơn, thế nhưng vì nó có rất nhiều tiếng lóng (slang), từ hoặc cụm từ thông tục (colloquialisms), và những dạng khác nhau tùy theo từng địa phương, và tầm ảnh hưởng, do đó, những chữ tiếng Anh chúng ta sử dụng luôn bị thay đổi về mặt ngữ nghĩa, cách phát âm, cách đọc, vân vân … từ nơi này sang nơi khác, từ năm này sang năm khác, và từ thế hệ này sang thế hệ khác.
– Nói vắn tắt, qua dòng thời gian, tiếng Anh (hay bất kỳ thứ tiếng nào) thường hay bị biến chất và thay đổi; còn tiếng La Tinh thì không!
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã giải thích: “Việc dùng tiếng La Tinh…. chính là một sự biểu lộ, và một dấu hiệu cao đẹp nhất cho sự hiệp nhất, và cao hơn nữa tiếng La Tinh chính là một liều thuốc giải độc hiệu quả nhất cho bất kỳ sự mục nát hay thối rữa nào, có liên quan đến sự thật hay tính nguyên thủy vẹn toàn của học thuyết Công Giáo.”
Từ xưa cho tới nay, bất kỳ sự tranh luận nào về luận lý hay phân tích các ngữ từ về thần học của GHCG, Giáo Hội vẫn phải dùng tiếng Latinh là cơ bản, chứ không dùng bất kỳ thứ ngôn ngữ nào khác trên thế giới.
Cách 2: Đức Tin Công Giáo, vốn được biểu lộ rất hay và tài tình trong Thánh Lễ La Tinh, được lưu truyền từ thời các vị Tông Đồ và những nhà truyền giáo Kitô Giáo đầu tiên trong suốt cả thời Đế Quốc La Mã (hay Rôma). Ngôn ngữ chung của cả Đế Quốc La Mã chính là tiếng La Tinh, thế nhưng ở Đông Phương, tiếng Hy Lạp lại chính là tiếng nói dân tộc.
Mặc dầu trong Nghi Lễ Rôma (Roman Rite), cả tiếng Hy Lạp lẫn tiếng La Tinh đều được sử dụng như là những ngôn ngữ của phụng vụ, thế nhưng phần lớn Phụng Vụ vẫn dùng tới tiếng La Tinh hơn, mặc dầu một số từ Hy Lạp vẫn còn được dùng đến.
Trong giảng dạy liên tục của biết bao nhiêu triều đại Giáo Hoàng, tiếng La Tinh vẫn là ngôn ngữ chính thức. Hơn nữa, tiếng La Tinh có những phẩm chất hết sức đặc biệt trong tư cách là một ngôn ngữ của việc thờ phụng trong Nghi Lễ Rôma, do đó tiếng La Tinh giúp cho chúng ta có được một căn tính chung (common identity) với các vị Tổ Phụ của chúng ta trong Đức Tin.
Tiếng La Tinh chính là một biểu tượng của sự phổ quát và sự hiệp nhất trong cả Giáo Hội hoàn vũ, nhằm giúp gìn giữ và bảo tồn một sợi dây liên kết hiệp nhất chung với Giáo Hội ở Rôma – vì lẽ đó chính là Giáo Hội Mẹ và là Thầy Dạy Chung cho tất cả mọi quốc gia (the Mother and Teacher of all nations).
Tiếng La Tinh giúp bảo tồn sự thống nhất trong việc thờ phụng và cầu nguyện. Tiếng La Tinh bảo tồn được tính đích thực, nguyên thủy, và ý nghĩa không hề thay đổi được của Thánh Lễ – để từ đó cản ngăn bất cứ sự tái diễn dịch và suy diễn nào, vốn vẫn thường liên tục xảy ra qua dòng thời gian và qua biết bao nhiêu thế hệ con người.
Cách 3: Tiếng La Tinh chính là Nguồn của Sự Hiệp Nhất. Suy cho cùng, La Tinh là một ngôn ngữ thiêng liêng (venerable) và huyền nhiệm (mysterious).
– Thiêng liêng vì lẽ nguồn gốc và tính cổ xưa của nó; vì đó chính là thứ ngôn ngữ để gởi kính lời ca tụng đến Thiên Chúa, được vang lên từ miệng lưỡi của những người Kitô Giáo thời sơ khởi nhất.
– Huyền nhiệm và bí ẩn vì lẽ La Tinh chính là một thứ ngôn ngữ chết, bất di bất dịch, và không phải ai cũng đều có thể hiểu được nó cả. Việc sử dụng đến một thứ tiếng nói lạ, huyền nhiệm và bí ẩn, giúp chuyển đến tâm trí của chúng ta rằng điều gì đó hiện đang xảy ra nơi bàn thờ, vốn hoàn toàn vượt qua sự hiểu biết tầm thường của chúng ta, rằng một Mầu Nhiệm Thánh đang được diễn ra.
Bằng tiếng La Tinh, Giáo Hội Công Giáo trên khắp hoàn vũ được hiệp nhất lại với nhau, trong một gia đình và một Vương Quốc duy nhất của Chúa Kitô ở trần thế. Hơn nữa, việc sử dụng tiếng La Tinh là để nhắc nhớ cho chúng ta về nguồn gốc nguyên thủy của chúng ta chính là từ một Giáo Hội Mẹ Công Giáo La Mã duy nhất, để từ đó, đức tin Công Giáo nguyên thủy và đích thực, được các nhà truyền giáo lan truyền đến cho các lục địa và quốc gia của chúng ta.
Cách 4: Sở dĩ, tiếng La Tinh đóng vai trò hết sức quan trọng trong phụng vụ của thế kỷ 21 này, là do sự gia tăng không ngừng của việc toàn cầu hóa thời nay, đặc biệt là tại những thành phố lớn là nơi mà các giáo xứ càng ngày càng trở nên đa văn hóa và đa chủng tộc. Tiếng La Tinh được dùng như là một sự liên kết của việc phụng tự Công Giáo, đoàn kết tất cả mọi người đến từ nhiều quốc gia lại với nhau trong việc cử hành Phụng Vụ Thánh, nhằm từ đó cho phép mọi tín hữu có thể hát và đối đáp trong một việc thờ tự chung hết.
* Còn liên quan đến sự khó khăn bước đầu khi chúng ta chưa hiểu được tiếng La Tinh, thì hầu hết các Sách Lễ bằng tiếng La Tinh đều có phần phụ chú song song bằng Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Ý Ngữ, vân vân… ngay bên cạnh bản văn bằng tiếng La Tinh để giúp cho chúng ta dễ hiểu và nắm bắt được.
Con nít Mỹ xuất thân từ những gia đình ngoan đạo và truyền thống nhất ở Hoa Kỳ, đọc và nói tiếng La Tinh rất trôi chảy, dẫu rằng các em cũng chưa rành mấy Anh Ngữ, do đó, chúng ta có thể học được ngôn ngữ này rất nhanh, nếu như chúng ta biết nổ lực và chú tâm!
10) Tại sao trong Thánh Lễ La Tinh vị Linh Mục chủ tế đọc lời nguyện rất nhỏ vốn chỉ có mình ngài mới nghe được thôi?
Trong việc cử hành Thánh Lễ La Tinh, vị Linh Mục chủ tế dùng đến 3 loại âm giọng khác nhau: nhỏ, vừa, và to.
*Vị Linh Mục chủ tế sẽ đọc bằng giọng rất nhỏ (low tone), chẳng hạn, trong những phần cầu nguyện có liên quan đến việc Thánh Hiến (Consecration) và việc Tự Thánh Hiến, để qua đó Bánh và Rượu mới trở nên Mình, Máu, Linh Hồn, và bản tính Thiêng Liêng của Chúa Giêsu Kitô.
*Vị Linh Mục chủ tế sẽ đọc bằng giọng vừa (medium tone) là để cho các chú giúp lễ và các phó tế đứng gần bàn thờ nghe được, để những người này biết phải hành động và làm gì kế tiếp.
*Còn vị Linh Mục chủ tế sẽ đọc bằng giọng cao/to (high tone) là để cho giáo dân nắm bắt được phần nào trong Thánh Lễ được ngài đang cử hành tới.
Do đó, điều hết sức quan trọng trong Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống này chính là: bằng việc dõi theo Thánh Lễ La Tinh qua Sách Lễ Rôma 1962, người tín hữu sẽ có nhiều thời gian để tự mình suy niệm về những lời cầu nguyện trong Thánh Lễ. Sự im lặng là để tất cả mọi người tín hữu dâng lời cảm tạ và tri ân đến Thiên Chúa Cha thông qua Mầu Nhiệm Hiến Tế của chính Chúa Giêsu Kitô, vốn một lần nữa Hiến Tế Chính Mình Ngài lên Thiên Chúa Cha trên bàn thờ.
Người mới lần đầu tiên đến tham dự Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng phần quan trọng nhất của Thánh Lễ chỉ được hoàn tất trong sự thinh lặng tuyệt đối mà thôi, điều đó không có nghĩa là không có gì xảy ra cả – mà lúc đó chính là lúc linh thiêng nhất – đó chính là lúc mà cả vị Linh Mục chủ tế lẫn toàn thể cộng đoàn cùng hiệp nhất để hiến dâng tâm, trí, và con tim của tất cả chúng ta lên cho Thiên Chúa, để cùng hiệp thông với Sự Hy Tế của Chúa Kitô trên cây Thập Giá. Vị Linh Mục chủ tế + chúng ta + và Chúa Giêsu một lần nữa cùng Hiến Dâng tất cả lên cho Thiên Chúa Cha những món quà tốt đẹp nhất, chúng ta dành cho Ngài thông qua Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
*Nếu hiểu rõ được như thế, thì sự thinh lặng (mà lòng, trí và tâm hồn vẫn tỉnh thức) chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa cao siêu trong Thánh Lễ La Tinh, và chỉ có qua sự thinh lặng tuyệt đối đó, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được tiếng nói và lời nhắn nhủ của Thiên Chúa đang thổn thức và gọi kêu chúng ta từ trong đáy thẳm của con tim, lương tâm, lòng trí và tâm hồn chúng ta mà thôi!
chính qua sự thinh lặng trong Thánh Lễ, chúng ta bước vào một sự thinh lặng thiêng liêng và suy niệm, vốn cũng có sự hiện diện đây đó của Chúa Thánh Thần. Thì việc thinh lặng trong Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống này chính là sự thinh lặng quý giá nhất để hướng chúng ta đến đời sống bất diệt của Thiên Chúa.
11) Có phải tất cả những phần trong Thánh Lễ La Tinh đều được đọc bằng tiếng La Tinh không hay có một số phần trong Thánh Lễ La Tinh, được đọc bằng ngôn ngữ hiện nay?
Tất cả những phần trong Thánh Lễ La Tinh đều được đọc bằng tiếng La Tinh (chỉ ngoại trừ Kyrie eleison vốn là nguyên bản của tiếng Hy Lạp).
Vào những ngày Chủ Nhật và một số Ngày Lễ nào đó, cả Bài Đọc Thánh Thư (chỉ có 1 bài đọc mà thôi, chứ không phải 2 bài đọc) và bài Phúc Âm, có thể được đọc bằng ngôn ngữ thông dụng địa phương, ngay lúc vị Linh Mục bắt đầu bài giảng của ngài cũng bằng ngôn ngữ địa phương hiện hành, thế nhưng hai bài đọc đó phải được đọc trước bằng tiếng La Tinh, rồi mới bằng tiếng thông dụng địa phương.
12) Chữ “Tridentine” có nghĩa là gì vậy?
Từ “Tridentine” suy cho cùng chỉ đơn giản là một sự ám chỉ đến sự thật rằng: Thánh Lễ La Tinh đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V mã hóa hay luật hóa (codified) chẳng bao lâu sau khi kết thúc Công Đồng Trent diễn ra từ năm 1545 đến năm 1563.
Trái với những gì mà một số người nghĩ, Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V không có ban hành một kiểu Thánh Lễ mới mẽ, mà Ngài chỉ đơn giản hiệp nhất lại tất cả những gì đã có trong phụng vụ lúc đó. Sắc lệnh về Tông Hiến Quo Primum của Ngài không những tuyên bố rằng Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh vẫn được giữ nguyên vẹn trong bất kỳ mọi thời đại, mà nó còn cấm việc giới thiệu ra những hình thức phụng vụ Thánh Lễ theo kiểu mới (new Mass liturgies).
*Sở dĩ gọi Thánh Lễ La Tinh là “Tridentine Mass” vì Thánh Lễ này được cử hành trong Giáo Hội Công Giáo trong hơn 1,500 năm qua, và cũng chính từ Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống này mà hàng triệu triệu nhà truyền giáo Châu Âu đã được tỏa ra trên khắp cả thế giới để mang Sứ Điệp Tin Mừng đích thực của Thiên Chúa đến với tất cả mọi người chúng ta ở khắp các Châu Lục.
13) Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống còn có những tên gọi nào khác?
Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống (Traditional Latin Mass) còn có những tên gọi sau:
– Classical Rite (Nghi Thức Cổ)
– Usus Antiquor (Thánh Lễ La Tinh) hay cũng gọi là The Latin Mass (Thánh Lễ La Tinh)
– Tridentine Mass (Thánh Lễ sau Công Đồng Trent vào thế kỷ 16 – nên nhớ Công Đồng Trent không có sáng chế ra phụng vụ này).
– The Mass of the Ages (Thánh Lễ của Mọi Thời Đại)
– The Extraordinary Form (Thánh Lễ theo Hình Thức Cũ)
Xin Lưu Ý:
Thánh Lễ theo Hình Thức Cũ (Extraordinary Form) tức là nói về Sách Lễ Rôma do Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII phê chuẩn vào năm 1962. Còn Sách Lễ theo Hình Thức Mới (Ordinary Form) là nói về Sách Lễ do Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục phê chuẩn vào năm 1969 sau Công Đồng Vatican II.
14) Thánh Lễ truyền thống bằng tiếng La Tinh có từ hồi nào?
Việc khởi đầu của Thánh Lễ theo Lễ Nghi Rôma (Roman Mass) được tìm thấy trong các tác phẩm của Thánh Giáo Hoàng Justin (vào năm 150 sau Công Nguyên) và Thánh Giáo Hoàng Hippolytus (vào năm 215 sau Công Nguyên).
Vào năm 250 sau Công Nguyên, Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh được cử hành phần lớn tại thế giới thuộc về La Mã, và Giáo Luật La Tinh (Latin Canon) như chúng ta biết được hoàn tất vào năm 399 sau Công Nguyên.
Mặc dầu Thánh Lễ La Tinh chủ yếu được cử hành từ những ngày đầu tiên của thời các vị Thánh Tông Đồ, thế nhưng mãi tới thế kỷ thứ 16, thì Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V mới mã hóa hay luật hóa nó, và kể từ đó trở đi, không có bất kỳ sự thay đổi hay điều chỉnh nào cả trong Thánh Lễ La Tinh.
15) Tại sao vẫn cứ có rất nhiều người Công Giáo lại chọn tham dự Thánh Lễ La Tinh?
Thưa, chính vì v ẻ tráng lệ và tính uy nghiêm của Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống, mà càng ngày càng có thêm rất nhiều người Công Giáo bị cuốn hút vào Thánh Lễ thánh thiêng này, đặc biệt là các bạn trẻ.
Với sự cảm nghiệm phong phú và linh thiêng, được làm dư dật thêm bởi những di sản của âm nhạc và nghệ thuật thánh, nhắc nhở cho tất cả những người tham dự vào Thánh Lễ La Tinh rằng Phụng Vụ Thánh (Sacred Liturgy) chính là việc nếm thử trước (foretaste) của Phụng Vụ ở trên Nước Thiên Đàng, mà chúng ta sẽ cử hành tại “Thành Giêrusalem Mới” sau này (Kh chương 21 & 22) . Gregorian Chant chính là một phần không thể thiếu được trong Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống. Nói theo kiểu của Cha Trưởng Tu Viện thuộc Dòng Biển Đức Dom Prosper Luois Pascal Gueranger thì Gregorian Chant chính là “thi ca được ca hát lên ở trần gian về những mầu nhiệm của nước thiêng đàng, và để chuẩn bị chúng ta cho các bài thánh ca bất diệt” (Gregorian Chant là loại âm nhạc truyền thống của Giáo Hội ở tây phương có trước thời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gregory Cả, và tên của Ngài được đặt cho loại nhạc truyền thống này). Do đó, khi người tín hữu tham dự trong việc ca hát trong Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống, thì trái tim và tâm hồn của tất cả sẽ được hướng và nâng lên tới các cổng thiêng đàng, giống thể như họ đang cùng hát với các ca đoàn của các thiên thần vậy.
Sự tôn kính thinh lặng trong Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống giúp dưỡng nuôi một sự thinh lặng nội tâm sâu sắc nhằm cho phép nhiều người Công Giáo có thể cảm nghiệm được việc tham dự hết sức thiêng liêng và thánh thiện vào trong phụng vụ của Thiên Chúa. Phẩm giá và cấu trúc cố định của Thánh Lễ La Tinh Truyền Thống tạo ra một bầu khí rất có lợi cho việc gặp gỡ trực tiếp và tỏ tường với Chúa Kitô, Đấng vừa là vị Tư Tế Chính, và vừa là Nạn Nhân Hy Tế của Thánh Lễ.
16) Thánh Lễ La Tinh – là sự hiệp nhất (unity) và mang đặc tính Công Giáo bao trùm (catholicity) cả về nơi chốn lẫn thời gian.
Trong suốt nhiều thế kỷ, một người Công Giáo có thể tham dự Thánh Lễ La Tinh tại bất cứ nơi nào trên thế giới và lúc nào cũng nhận thấy được sự giống nhau.
Nếu chúng ta có thể công du theo dòng thời gian thì chúng ta sẽ nhận thấy điều tương tự này vẫn đúng đó là: một Thánh Lễ La Tinh được cử hành bởi một vị Linh Mục Công Giáo sống tại Rôma vào năm 570 cũng gần giống như một Thánh Lễ La Tinh được cử hành trong cùng một thành phố tương tự vào năm 1570. Hơn nữa, Thánh Lễ La Tinh được cử hành vào năm 1570 cũng giống như Thánh Lễ La Tinh được cử hành bởi một vị Linh Mục sống tại Nhật Bổn vào năm 1940, hay tại Giáo Xứ St. Francis de Sales ở thành phố Mableton, GA vào năm 2008.
Sự kiện này rõ ràng phản ảnh được 2 trong 4 điểm mốc chính của Giáo Hội Công Giáo qua Thánh Lễ La Tinh – đó là sự hiệp nhất (unity) và tính Công Giáo bao trùm (catholicity) cả về nơi chốn lẫn thời gian.
Chúng ta có thể nhớ lại từ lúc chúng ta học Giáo Lý khi còn rất nhỏ rằng: có 4 dấu hiệu chính của Giáo Hội, vốn cũng là những dấu hiệu rõ ràng nhất, để tất cả con người thuộc mọi thời đại có thể nhận biết ra ngay, đó chính là một Giáo Hội Công Giáo thật sự, và duy nhất được thiết lập nên bởi Chúa Giêsu Kitô, đó là: Công Giáo (catholic), Thánh Thiện (holy), Duy Nhất (alone) và Tông Truyền (apostolic).
(Còn Tiếp)
——-oOo——-
Thưa quí thính giả và các Bạn Trẻ. Chỉ còn ít hôm nữa là Kỷ Niệm Ngày Chúa Giáng Sinh. Chúng ta vẫn Tin rằng, trong ĐÊM GIÁNG SINH Chúa Giêsu Hài Đồng sẽ từ Trời Cao xuống lại trong tâm hồn bé nhỏ của mỗi người con yêu.
Nhân dịp này, ACE trong các Chương Trình TGTL & SVTT Kính Chúc quí vị & các Bạn Một Lễ Giáng Sinh Thánh Đức và Một Mùa Hồng Ân Tuyệt Vời trong Bình An của Chúa, đến với những người CON YÊU của Mẹ MARIA.
Trân Trọng Kính Chào trong Tình Yêu Thiên Chúa