Kỳ 6: Các chính phủ, tổ chức và những hoạt động ủng hộ phá thai

  1. ”Hàng giám mục Công Giáo né tránh đối mặt với Biden (một chính trị gia ủng hộ phá thai) về vụ việc rước lễ”(1)

“Tờ báo đã tường thuật văn bản mới của Hội nghị Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB), được cả hội nghị chấp thuận qua số phiếu 222-8 nhan đề “Nhiệm Tích Thánh Thể trong đời sống Giáo Hội”.

Chính phủ Biden bị các vị lãnh đạo phong trào bảo vệ sự sống ở Hoa Kỳ miêu tả là: “chúa trùm cổ võ phá thai hơn ai hết”. Tổ chức mang tên Susan B. Anthony List , một nhóm chính trị tổ chức chiến dịch bảo vệ sự sống đã cho biết: “Joe Biden, Kamala Harris, và bọn đồng minh cổ võ phá thai của chúng ở Washington đã quyết tâm sử dụng Nhà Trắng mà áp đặt dân chúng đóng thuế trả chi phí phá thai trong nội địa cũng như ở ngoại quốc, o ép các chuyên gia y tế bảo vệ sự sống phải tham gia vào tiến trình phá thai, và mở rộng thời điểm phá thai trễ tàn ác vô nhân đạo theo yêu cầu.”

Câu chuyện bài báo The New York Times mở đầu thế này:

“Các giám mục Công Giáo La Mã tại Hoa Kỳ đã thoái lui khỏi mặt trận xung đột chính diện với Tổng Thống Biden vào ngày thứ tư, bỏ phiếu thuận một văn bản mới về Phép Thánh Thể mà không nêu rõ danh tính ông tổng thống hoặc bất kỳ một chính trị gia nào hết cả.

Vấn nạn nổi cộm là thắc mắc rằng người Công Giáo, trong những trường hợp nào thì được phép rước lễ, một trong những nghi thức Phụng vụ Thánh thiêng nhất của Ki-Tô Giáo. Đối với một số người Công Giáo bảo thủ, câu hỏi trực diện hơn “Các chính trị gia Công Giáo ủng hộ và bật đèn xanh cho quyền phá thai có bị từ chối Bí Tích này không?”

Tháng trước, sau khi gặp gỡ giáo hoàng Francis (29/10) tổng thống Biden đã được hỏi rằng” Liệu song phương có đem vấn nạn phá thai ra nói không?” Biden trả lời “Không, không có gì hết. Chúng tôi chỉ nói chuyện người thật việc thật rằng tôi là một con chiên Công Giáo ngoan đạo và tôi cứ việc mà lên rước Thánh Thể “

Khi bị yêu cầu xác định về câu bình luận của ông tổng thống như trên, Matteo Bruni, phát ngôn viên Vatican, đã được người ta nghe thấy nói rằng :”Đó là buổi nói chuyện riêng tư mà”.

George Weigel , cây viết Công Giáo bảo thủ người Mỹ, đã bênh vực văn bản mới của hàng giám mục Hoa Kỳ. Weigel chỉ ra một tiết mục có đề cập về phá thai, an tử và những sự dữ khác mà người ta đọc thấy rằng:” Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm không được khoanh tay thờ ơ đứng ngoài mà phải chiến đấu với tất cả mọi điều nào trong xã hội nhân loại có xung đột với cuộc sống và nhân phẩm con người ta”. Văn bản của các giám mục tựa đề “Nhiệm Tích Thánh Thể trong đời sống Giáo Hội” viết tiếp: “Chúng tôi trông đợi đến ngày mà tất cả mọi sự dữ đều bị tận diệt , khi Vương Quốc của Thiên Chúa được thiết lập trọn vẹn” Weigel tranh cãi rằng, qua những “lời lẽ trau chuốt tinh tế”, hàng giám mục Hoa Kỳ “ nay đã “tự ràng buộc chính mình trở lại với công tác khó khăn là mang bọn quan chức chính phủ Công Giáo cấp tiến đến trước sự thật và các vị phải được giáo dân trong Giáo Hội nâng đỡ ủng hộ cho những nỗ lực của họ. Không phải cố ý đâu, nhưng tôi tin là George Weigel đã điểm trúng tim đen. Các giám mục Hoa Kỳ đã sản sinh ra được một “bản tuyên bố trau chuốt tinh tế” trong khi lẽ ra phải lên án thẳng thừng mới phải lẽ. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên giết người tệ hại nhất của lịch sử nhân loại. Có nhiều sinh mạng bị hủy hoại vì phá thai, ít nhất là 2 tỷ sinh linh chỉ vỏn vẹn trong vòng 30 năm qua, số tử vong cao hơn cả tổng số người chết trong tất cả các cuộc chiến tranh được ghi chép lại trong lịch sử nhân loại – và tổng thống Biden, mặc định là tổng thống của cường quốc hùng mạnh nhất trên thế gian, chính là tay đầu sỏ dẫn đầu thế giới phạm tội giết người này. Hắn và các tay cố vấn của hắn đã biến tấu mà viện dẫn Chúa

Ki-Tô trong Phép Thánh Thể để mở đường cho nghị trình ủng hộ phá thai của chúng, và  ứng đáp lại, thì các giám mục Hoa Kỳ đã loan tải một bản tuyên bố mà “trông đợi đến ngày mà tất cả mọi sự dữ đều bị tận diệt ”nhưng không nêu danh tính ai hết mà cũng chẳng buộc ai phải chịu trách nhiệm. Có lẽ, mặt khác, chẳng ai ngạc nhiên gì khi các giám mục Hoa Kỳ đã không cật lực hết lòng hết sức mà bảo toàn Danh Thánh Chúa Ki-Tô trong Phép Thánh Thể.”

Bài báo trên cho chúng ta thấy một sự thật trần trụi và đáng xấu hổ, ngay cả Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK) cũng lấp liếp và tìm cách né tránh lên án một nhân vật được xem là người của công chúng Hoa Kỳ, người đại diện tối cao cho một quốc gia là TT. Joe Biden và cũng là “con chiên ngoan đạo” trong đàn chiên mình chăn dắt, chỉ vì e sợ hoặc né tránh mất cảm tình của ngài tổng thống. Phải chăng những người đáng lẽ phải bảo vệ giáo lý Công giáo một cách mạnh mẽ thì lại e sợ trước thế lực của thế gian? Những thầy dạy về Giáo lý lại tìm cách luồn lách, làm nhẹ đi tính chất trọng tội của TT. Joe Biden. Nếu chỉ là một thường dân chúng tôi không mất công phải trình bày cho quý độc giả, nhưng đây là một nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới. Nhất cử nhất động đều được cả thế giới quan sát và đã là người của công chúng thì những suy nghĩ và hành động ít nhiều tác động đến những người xung quanh. Hơn thế nữa, ông ta lại tự xưng là một người Công Giáo ngoan đạo thì những hành động ủng hộ phá thai và chính sách phá thai của Toà Bạch Cung rất đáng bị lên án bởi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Điều đó không chỉ làm ngương mù, gương xấu cho những người khác mà còn xúc phạm một cách mạnh mẽ đến Giáo lý Công Giáo. Quan trọng hơn hết, chính những sự thờ ơ, làm nhẹ đi tính nghiêm trọng sự việc của HĐGMHK sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn đó là: ủng hộ một cách gián tiếp cho các tổ chức phá thai, cho những hành động phá thai. Nếu những điều ấy bị lên án, cảnh cáo và răn đe một cách mạnh mẽ thì những hành động phá thai của những người mẹ, nhất là người mẹ Công giáo  sẽ được ngăn cản bởi đấu tranh nội tâm của mỗi một con người trước khi hành động. Đáng tiếc, những điều ấy không được nâng lên mức độ nghiêm trọng của sự việc mà qua đó nó gián tiếp cởi mở và ủng hộ hành động những chính sách phá thai của TT. Joe Biden.

  1. Phong trào “Cơ thể tôi là của tôi”

Những người theo thuyết nữ quyền có một khẩu hiệu đơn giản “Cơ thể tôi là của tôi” nhằm khẳng định quyền tự quyết của họ. Về mặt sinh sản, phụ nữ đòi quyền tự do làm chủ bản thân mình, trước tiên là quyền được phá thai. Phong trào này ủng hộ tích cực phong trào sinh sản có kế hoạch trong gia đình. Chính những phong trào sinh sản có kế hoạch cho nên mới nảy sinh những mất bình quân trong xã hội về tỷ lệ nam và nữ, điển hình và cụ thể nhất chúng ta có thể thấy những điều ấy đã và đang xảy ra tại Trung Hoa. Những “kế hoạch hoá” của con người đặt ra nhằm kiểm soát dân số cho nên mới có chuyện “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Càng kế hoạch thì chính cái kế hoạch đó đã vô tình làm hại biết bao nhiêu sinh linh còn chưa kịp chào đời, nhất là những bào thai mang giới tính nữ. Cũng vì chính sách kiểm soát và kế hoạch hoá     dân số mà cho đến hiện nay, tỷ lệ mất cân bằng giữa nam và nữ ở Trung Hoa lên mức báo động. Khiến họ phải thay đổi chính sách 180 độ. Đang từ hạn chế sinh sản, bây giờ họ lại khuyến khích sinh 2-3 con trong một gia đình chứ không còn hạn chế và kiểm soát trước kia. Nhưng đó là chuyện nhỏ trong một tổng thể hạn chế sinh sản và kiểm soát dân số bằng đủ mọi cách và mọi loại mưu mô chước quỷ như gây ra chiến tranh, tung ra những virus sinh học để tiêu diệt hàng loạt nhân mạng và những bất ổn xã hội để cho con người nhìn thấy rằng thế giới này thật chẳng đáng sống mà tự họ đâm đầu kết liễu đời mình.

Theo các nhà hoạt động nữ quyền, lựa chọn phá thai là quyền của mỗi cá nhân người phụ nữ do vậy mọi quyết định đều đáng được tôn trọng và không ai có quyền chỉ trích hay lên án phán xét. Việc phá thai đã được cho vào điều luật hợp pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện có 34% các quốc gia cho phép phá thai vì lý do kinh tế-xã hội hoặc phá thai theo yêu cầu. (đọc đến đây quý đọc giả có rùng mình không khi thấy tỷ lệ các quốc gia cho phép giết người một cách hợp pháp?) Mục đích của các quốc gia khi quy định thời điểm cho phép phá thai hợp pháp là để bảo vệ sức khỏe của thai phụ do phá thai được thực hiện càng sớm thì càng ít có biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Không những thế, hợp pháp hóa việc phá thai cũng tránh được tình trạng nạo phá thai ở các cơ sở “chui”, hạn chế các tai biến và rủi ro cho thai phụ. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, các nước có chính sách hạn chế phá thai thường có tỷ lệ nạo phá thai không an toàn cao hơn gấp 4 lần, đồng thời có tỷ lệ tử vong của thai phụ cao hơn gấp 3 lần so với các nước cho phép phá thai. Chính những lối lý luận mang vẻ đầy công bình và tự do cho phụ nữ đã mị và lừa được người ta xem việc giết các thai nhị nhẹ như sợi tơ hồng. Làm sao có thể biện minh cho hành động giết người bằng hành động bảo vệ sức khoẻ và quyền phụ nữ? Chỉ cần đặt lại câu hỏi thì ta có thể nhận được câu trả lời cho những đòi hỏi tự do quá đáng của chính chúng ta. Một người mẹ lại nỡ ra tay giết hại con mình chưa kịp chào đời chỉ vì đòi quyền tự do cho mình vì sức khoẻ của chính mình? Hay đó chỉ là cái cách giải thích nguỵ biện cho những lần ăn chơi thoã mãn xác thân rồi hậu quả thì không dám nhận lãnh hoặc tệ hơn là sợ những dị nghị, những điều tiếng của xã hội. Mà cái xã hội nào dị nghị và điều tiếng ấy chắc cũng thuộc loại xã hội cổ hủ lâu lắm rồi chứ ngày nay mà còn tồn tại thì thật là đáng tệ hại.

Xin điểm qua một số quốc gia, cũng được xem là những quốc gia văn minh có thứ hạng. Hãy xem những chính sách phá thai và ủng hộ phá thai của họ thế nào:

Canada là một trong những quốc gia tiên phong việc hợp pháp hóa quyền phá thai của phụ nữ. Tại đây, nạo phá thai được cho phép ở mọi giai đoạn của thai kỳ. Hành vi ngăn cản phụ nữ đến phòng khám chuyên khoa để thực hiện phá thai mới là vi phạm pháp luật.

Phá thai ở Anh đã được hợp pháp hóa kể từ khi đạo luật năm 1967 có hiệu lực. Theo đó, phụ nữ được phép phá thai trong vòng 24 tuần đầu tiên của thai kỳ. Độ tuổi của thai phụ khi phá thai không bị giới hạn, miễn là có được sự tư vấn và đồng ý của bác sĩ.

Đan Mạch còn cho phép phá thai lớn hơn 12 tuần tuổi khi việc mang thai là hệ quả của hành vi phạm tội tình dục như hiếp dâm, loạn luân; người mẹ không đủ khả năng về thể chất hay trí tuệ để chăm sóc cho con; người mẹ không đủ khả năng chăm sóc cho con vì còn quá nhỏ hay việc mang thai, sinh con và chăm sóc cho đứa trẻ sẽ tạo thành gánh nặng và trở ngại nghiêm trọng không thể tránh được cho người mẹ trong việc chăm lo cho gia đình.

Bên cạnh đó, Pháp, Đức, Bỉ và một số nước châu Âu cho phép phá thai khi thai nhi chưa quá 12 tuần tuổi. Ở Bỉ, việc phá thai là hợp pháp khi thai phụ cảm thấy căng thẳng, chưa sẵn sàng để sinh con và phải có bác sĩ chuyên khoa tư vấn. Các nước Ý, Hà Lan, Phần Lan, Nga cho phép nạo phá thai không quá 24 tuần tuổi.

Tại Úc Châu, tiểu bang New South Wales, dự luật cải cách chăm sóc sức khỏe sinh sản hợp pháp hóa phá thai theo yêu cầu đến 22 tuần tuổi thai và phá thai với sự chấp thuận của các bác sĩ cho đến khi sinh. Dự luật hợp pháp hóa việc phá thai được Hội đồng Lập pháp – Hạ viện thông qua với 59 phiếu thuận và 31 phiếu chống, sau cuộc tranh luận kéo dài 3 ngày. Những người phản đối dự luật đã lập luận rằng về mặt kỹ thuật nó cho phép phá thai theo chọn lọc giới tính. Hiện nay, phá thai là bất hợp pháp ở New South Wales trong hầu hết các trường hợp. Có những trường hợp ngoại lệ vì các mối đe dọa đối với sự sống của người mẹ và sức khỏe thể lý hoặc tâm lý của người mẹ. Năm 1995, một phán quyết của tòa án đã mở rộng về điều này, thêm một ngoại lệ cho người mẹ trong các trường hợp khó khăn về kinh tế và xã hội.

Trước đây, những phụ nữ phá thai tại Hàn Quốc có thể phải ngồi tù 1 năm và bị phạt tới 2 triệu won (hơn 40 triệu đồng). Những bác sĩ, nhân viên y tế giúp phá thai có thể bị bỏ tù tới 2 năm. Theo kết quả khảo sát công bố năm 2019 của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, 3/4 phụ nữ tuổi từ 15-44 coi đạo luật này là không công bằng. Khoảng 20% số người được hỏi nói rằng họ đã phá thai mặc dù biết điều đó là bất hợp pháp. Ngày 11/4/2019, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết dỡ bỏ lệnh phá thai suốt 66 năm qua. Các nhà lập pháp sẽ có thời gian đến ngày 31/12/2020 để sửa đổi luật.

Người dân Ireland tuần hành ủng hộ quyền phá thai với khẩu hiệu “Cơ thể tôi, quyền lựa chọn của tôi”. Phong trào phụ nữ còn thu được thắng lợi đáng kể ở Ireland, nơi mà phá thai không bị hình sự hóa nữa. Các tranh cãi xung quanh vấn đề quyền phá thai đã kéo dài trong suốt gần 1 thập kỷ qua ở Ireland. Phụ nữ Ireland nếu muốn phá thai phải sang các nước láng giềng, chủ yếu là Anh để thực hiện việc này. Ngày 25/5/2018, người dân Ireland đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc bãi bỏ luật cấm phá thai quy định trong Hiến pháp sửa đổi năm 1983. Việc tiến hành cuộc trưng cầu này được cho là đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh của phụ nữ Ireland đòi quyền phá thai.

Còn ở Argentina, các tổ chức phụ nữ đã nhận được ủng hộ của công chúng và chính trị gia về Luật Quyền phá thai. Dù được thông qua ở Hạ viện và bị bác ở Thượng viện nhưng các tổ chức này tiếp tục hy vọng năm 2019 sẽ là năm phụ nữ Argentina giành được quyền phá thai.

Và gần đây nhất tại Hoa Kỳ, phần lớn các cuộc tuần hành được “châm ngòi” để đòi quyền tự do phá thai cho phụ nữ được kích động bởi các thành phần Dân Chủ kể từ khi bang Texas thông qua Luật cấm phá thai vào tháng 9/2021. Luật này được cho là hà khắc với quy định cấm nạo phá thai khi đã có tim thai (khoảng 6 tuần tuổi). Lệnh cấm không có ngoại lệ, kể cả phụ nữ bị cưỡng hiếp hay loạn luân. Ngoài ra, luật còn cho phép người dân khởi kiện những nhà cung cấp dịch vụ phá thai vi phạm hoặc ai tiếp tay cho việc này. Người thắng kiện có thể được hưởng ít nhất 10.000 USD. Theo các nhà cung cấp dịch vụ phá thai, đạo luật ảnh hưởng nặng nề lên những phụ nữ da màu, phụ nữ có thu nhập thấp. Nó có thể buộc nhiều người phải sang các bang khác để phá thai hoặc dẫn đến các trường hợp phá thai chui. Sau khi bang Texas ban hành luật này, nhiều phụ nữ ở bang này đã phải chạy sang các bang khác để phá thai trong khi một số phụ nữ tìm kiếm mua thuốc phá thai qua đường bưu điện hoặc tìm sự trợ giúp từ các trung tâm khủng hoảng thai kỳ.

Tổng thống Joe Biden (lại là ông tổng thống Công giáo tự xưng ngoan đạo) cũng công khai lên án chính sách của bang Texas: “Đạo luật hà khắc này của Texas vi phạm quyền hiến pháp được thiết lập từ vụ kiện Roe v. Wade được coi là án lệ trong gần nửa thế kỷ qua”. Ông Biden cam kết bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ. Và sau khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ lật lại phán quyến của vụ kiện Roe vs Wade, ông TT còn nhanh chóng lách luật bằng một sắc lệnh hành pháp để các phụ nữ vẫn được quyền phá thai với lý do bảo vệ sức khoẻ.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đưa ra tuyên bố phản đối luật cấm phá thai. Bà Harris cho rằng luật cấm phá thai là “cuộc tấn công toàn diện vào sức khỏe sinh sản” và luật này đã cấm việc phá thai đối với gần 7 triệu người dân Texas trong độ tuổi sinh sản. Các thành viên Đảng Dân chủ, bao gồm cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cũng chỉ trích Tòa án tối cao đã không hành động để ngăn chặn đạo luật. Hiện Bộ Tư pháp Mỹ kiện chính quyền bang Texas về luật cấm phá thai, cáo buộc đây là đạo luật “bất chấp hiến pháp”.

Luật này còn vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận. Thậm chí, các cơ quan giám sát nhân quyền của Liên hợp quốc cũng lên án mạnh mẽ, cho rằng đạo luật này vi phạm luật pháp quốc tế khi không cho phép phụ nữ có quyền kiểm soát cơ thể của chính mình, đồng thời gây nguy hiểm đến tính mạng của họ. Theo Liên hợp quốc, hợp pháp hóa việc phá thai cũng tránh được tình trạng nạo phá thai ở các cơ sở “chui”, hạn chế các tai biến và rủi ro cho thai phụ. Các nước có chính sách hạn chế phá thai thường có tỷ lệ nạo phá thai không an toàn cao gấp 4 lần, đồng thời có tỷ lệ tử vong của thai phụ cao gấp 3 lần so với các nước cho phép phá thai. Chỉ một luật của một bang Texas đưa ra để bảo vệ các thai nhi thì cả nước Mỹ từ TT đến phó TT và các tổ chức phá thai như lên đồng phản đối đủ kiểu và tìm đủ mọi cách để ngăn cản, bấy nhiêu điều ấy đủ để thấy rằng họ lừa người dân bằng những lời lẽ hết sức có cánh là “bảo vệ sức khoẻ và sinh sản phụ nữ”.

Theo phân tích từ một nhóm ủng hộ quyền phá thai, không chỉ Texas, có nhiều biện pháp hạn chế phá thai được ban hành trên nước Mỹ trong năm nay. Một báo cáo của viện Guttmacher cho thấy, trong năm 2021, các cơ quan lập pháp tiểu bang đã thông qua ít nhất 90 dự luật hạn chế biện pháp nạo phá thai. Kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2011 với 89 quy định được thông qua trên các tiểu bang. (nguồn: Reuters)

Thế là gần như các quốc gia, chúng tôi chỉ kể một vài quốc gia điển hình chứ kỳ tình đi tìm hiểu và sâu vào từng chính sách của mỗi một quốc gia thì hầu hết chính phủ các nước đều có những chính sách, luật lệ khuyến khích phá thai. Kể cả các nước văn minh bậc nhất đến các nước đang trên đà tiến đến văn minh đều có những lý lẽ và hạnh động cụ thể cho quyền được phá thai của phụ nữ. Họ chấp nhận rằng phụ nữ có quyền trên chính thân thể họ. Điều này nghe rất là hợp lý vì thân xác tôi là của tôi và chẳng có ai có thể được động đến. (Hoa kỳ có vụ kiện Rose vs Wade là điển hình để mở đường cho những điều luật tự do cho phụ nữ phá thai mà chúng tôi đã đề cập trong những kỳ trước). Họ lý luận để mở ra cánh cửa tự do và nhân quyền cho phụ nữ nhưng họ lại xem nhẹ việc giết hại một sinh linh mà điều tệ hại là sinh linh ấy lại là con của người phụ nữ đang đòi quyền tự do cho mình. Sinh linh nhỏ bé ấy nếu được cất tiếng nói để phản đối lại cái quyền tự do của phụ nữ (xin lỗi, quyền gì mà ác độc thế?), hay đủ thời gian và không gian cho nó tranh luận về quyền của cơ thể Mẹ và quyền được sống của chính nó thì xem cái nào đạo đức và lẽ phải hơn? Nếu sự ấy có thể diễn ra thì họ phải trả lời ra sao với câu hỏi: “Sao Mẹ Lại Giết Con?”…thật là chua  chát và cay đắng dường nào và làm sao có thể trả lời câu hỏi ấy được!? Không…chắc chắn là không có người Mẹ nào có thể trả lời được câu hỏi ấy một cách hợp tình và hợp lý (còn tiếp)

——–oOo——-

Anh chị em trong các chương trình TGTL/SVTT và Dấu Chỉ Thời Đại mến chúc quý thính giả và các bạn trẻ một tuần lễ vui tươi và bình an trong tình yêu của Thiên Chúa và Mẹ Maria.

————

Ghi chú:

(1). NGUỒN: Denunciations are needed not “finely -crafted words” by John Smeaton on the Voice of the 

Family 24 November 2021  

Đường dẫn: https://voiceofthefamily.com/denunciations-are-needed-not-finely-craftedwords/?mc_cid=7a9f58b4bf&mc_eid=f12b67a9ef

Người Dịch: Tuấn Anh Đặng & Quỳnh Anh Đặng (NAATI Level III)   

(2)Theo Wikipedia

Trong bài có sử dụng thông tin của: Theo LifeNews.com / Tác giả: Micaiah Bilger

Nguồn: trithucvn.org.