ĐIỀM BÁO XXXI – TÊN PHẢN KITÔ SẼ XUẤT HIỆN
(chỉ tạm dừng lại mà thôi)
–——oOo——-
Chương Đặc biệt về ĐỨC MẸ
Thánh Montfort đã nói tiên tri với những người theo ngài rằng: “Chúa Giêsu, trong lần thứ nhất, đã đến thế gian qua Mẹ Maria, lần thứ nhì Ngài cũng sẽ đến qua Mẹ Maria. Có nhiều dấu hiệu cho thấy lần đến thứ nhì của Chúa Giêsu không còn xa nữa, chúng ta cần hành động như những cô trinh nữ khôn ngoan chuẩn bị đủ dầu để thắp sáng đèn và tỉnh thức chờ Tân Lang”.
- 421. Đã đến thời kỳ chúng con phải ra đi để soi sáng thế gian. Các con hãy tỏ ra là những người con yêu quý của Mẹ. Mẹ sẽ ở với chúng con và trong chúng con, miễn là đức tin chúng con như ánh sáng soi dẫn trong những ngày đen tối cùng cực.
Để chắc chắn rằng “nhiều dấu hiệu cho thấy lần đến thứ nhì của Chúa Giêsu không còn xa” theo như lời tiên báo của Thánh Grignon de Montfort, chúng tôi xin được nhắc lại Mệnh Lệnh của Đức Mẹ La Salette trong Điềm Báo thứ 33, Mẹ nói như sau:
ĐIỀM BÁO XXXIII. “Mẹ gởi mệnh lệnh khẩn cấp cho trần gian. Mẹ kêu gọi những đầy tớ chân chính của Thiên Chúa Hằng Sống – hằng cai trị trên trời. Mẹ kêu gọi những con cái Mẹ, những người thành tâm tôn sùng Mẹ, những con tận hiến cho Mẹ, để Mẹ dẫn đưa đến Thánh Tử của Mẹ.
Sau hết Mẹ kêu gọi những Tông Đồ Cuối Thời – những đầy tớ trung tín của Chúa Kytô – sống trong sự khinh chê thế tục và thầm lặng trong cầu nguyện và hãm mình, trong đức khiết tịnh và kết hợp với Thiên Chúa trong đau khổ, và bị người đời quên bỏ. Đã đến thời kỳ chúng con phải ra đi để soi sáng thế gian. Các con hãy ra đi và hãy tỏ ra là những người con yêu quý của Mẹ. Mẹ sẽ ở với chúng con và trong chúng con, miễn là đức tin chúng con như ánh sáng soi dẫn trong những ngày đen tối cùng cực. Ước chi lòng sốt sắng làm cho chúng con đói khát sự làm Vinh Danh Thiên Chúa. Hỡi các con cái sự sáng, dầu thấy mình nhỏ bé, chúng con hãy chiến đấu vì đây là giai đoạn cuối thời kỳ sau hết.” (Hết trích)
Các bạn thân mến, như vậy là chính Đức Mẹ thân chinh hiện ra và loan báo Thời Cuối thực sự đã đến. Năm 1962 được sự cho phép của Đức Mẹ, cha André Althoffer nhân mệnh lệnh này, ngài đã hỏi Đức Mẹ:
– Trong thời kỳ sau cùng này đã có chuẩn bị những nhóm TÔNG ĐỒ còn mai danh ẩn tích chưa thưa Mẹ? Nếu có thì bây giờ họ ở đâu? Và sẽ họp nhau ở chốn nào?
– Đức Mẹ trả lời: Có khắp đó đây trên thế giới. Những nhóm TÔNG ĐỒ ấy khi Chúa cho phép, họ sẽ di chuyển sau những biến cố rùng rợn xẩy ra, để tranh đấu cùng ÁC THẦN. Chúa sai các Thiên Thần của Ngài đem nhiều phần tử trong mọi đoàn TÔNG ĐỒ ấy đi khắp nơi, để họ biết nhau, thực thi những kế hoạch bao quát.
– Cha André: Mệnh lệnh đến thời ra đi đã được xác định chưa thưa Mẹ?
– Đức Mẹ: Hiện nay Mẹ đang xin từng đoàn TÔNG ĐỒ, Mẹ nài xin chúng con luôn. Mẹ xin chúng con nhất là trong thời kỳ sau hết. Chúng con hãy ra đi, hãy trở nên những TÔNG ĐỒ của Mẹ, nhưng khốn nỗi lòng nhiệt thành mà Mẹ xin chúng con thực hiện, tới nay vẫn còn kém cỏi quá!
Nhưng sau đó Mẹ cũng cho biết:
– Đã có nhiều hiệu lệnh kêu gọi các TÔNG ĐỒ thời kỳ sau hết và đã có Thánh GRIGNON DE MONTFORT, sẽ có nhiều lớp TÔNG ĐỒ kỳ cuối thời. Mọi thế hệ, mọi lớp người phải đáp ứng với những đòi hỏi thích ứng, những TÔNG ĐỒ kế tiếp nhau, phải kiếm thêm nhiều người trung tín sốt sắng và có tinh thần Công Giáo thật sự.
– Cha André: Những tiếng đây là thời của các thời và là cùng sau hết có thể cho chúng con tóm tắt rằng thế giới sẽ phải trải qua ba thời kỳ sau cùng này không?
- Tận số một thời (La Fin d’un temps) {Phiên âm từ Pháp ngữ : La phanh đoong tăm}.
- Tận số mọi thời (La Fin des temps) {La phanh đề tăm}.
- Sau hết là tận thế (La Fin dernière). {La phanh đẹc-ni-e}.
Chúng con có phải ở vào thời tận thế?
– Đức Mẹ: Đúng thế, Mẹ đã trả lời như vậy và Mẹ nói cho chúng con hay, chúng con đang ở thời kỳ tận số một thời (đó là lúc Đức Mẹ đang nói với cha André Althoffer), nhưng sẽ có chiến tranh, rồi sau chót là tận thế (La Fin dernière).
– Cha André: Xin Mẹ nói rõ “Tận thế” là vào thời kỳ nào?
– Đức Mẹ: Có Một Mình Thiên Chúa biết được giờ tận thế cũng như giờ chết của chúng con thôi.
- Hiện ra lần thứ ba, vào ngày 13/07/1917, Đức Mẹ Fatima nói cho biết: “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện “chuẩn bị Dầu, đèn” để đợi ngày Chúa Giêsu quang lâm lần thứ hai. Bây giờ có lẽ không ai trong chúng ta muốn chọn làm năm cô trinh nữ khờ dại, thì việc làm khôn ngoan nhất trong thời buổi này, mà Đức Mẹ nói cho chúng ta là: “ Các con hãy Tận Hiến Toàn thân cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ”, đó chính là phương pháp có đầy đủ dầu “thắp sáng đèn tâm hồn” để cùng Đức Mẹ chúng ta chờ đón Chúa Giêsu – Thánh Tử của Mẹ đến lần thứ hai. Liệu trong chúng ta, ai sẽ là những cô trinh nữ khôn ngoan, ai sẽ mãi mãi vẫn chỉ là nhưng cô trinh nữ khờ dại trong dụ ngôn Chúa nói từ hai ngàn năm trước?
Thánh Grignon De Montfort, cha đẻ việc sùng kính và tận hiến cho TTVS Mẹ maria, Thánh nhân nói: Đích thực Mẹ Maria là con đường dễ dàng nhất, ngắn nhất, chắc chắn nhất và trọn hảo nhất để đến với Chúa Giêsu Kitô. Rồi nhờ thế, chúng ta sẽ nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô mà đến với Chúa Cha.
Khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima năm 1917, ngoài ba mệnh:
1) Ăn năn sám hối,
2) Tôn sùng Trái Tim vẹn sạch của Mẹ,
3) Siêng năng lần hạt Mân Côi.
Thì khi hiện ra lần thứ ba, vào ngày 13/07/1917, Mẹ cho biết Ý định của Thiên Chúa:
“Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”.
Và qua Sứ Điệp “Thời Cuối” của Đức Mẹ ban cho chúng ta qua cha Stefano Gobbi ngày 31/12/1992 Đức Mẹ đã khẩn khoản kêu gọi mọi con cái: “Hãy để Mẹ dẫn dắt các con, tập họp các con lại trong nơi trú ẩn an toàn là Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ”.
– Một lần nữa, các Anh Chị Em trong Chương Trình TGTL & SVTT của Mẹ, chúng tôi xin nhắc lại Lời Khẩn Khoản của Đức Mẹ là, “Mẹ mời gọi chúng con Hãy Tận hiến mình, Gia đình mình (nếu có thể) cho Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ”.
Ngay bây giờ nếu có bạn nào chưa biết, chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa của sự tận hiến. Theo Webster từ điển, tận hiến là hiến dâng cho một mục đích thánh (sacred purpose). Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta, những người tin theo Chúa Giêsu được tận hiến cho Đức Mẹ?
Chúng ta hãy nghe thánh Louis Marie Grignon de Montfort – vị thánh rất yêu mến Đức Mẹ – và đã được Đức Mẹ nhắc đến tên ngài năm 1962 khi Mẹ giải đáp 80 điều thắc mắc cho cha André Althoffer. Thánh Grignon de Montfort định nghĩa:
“Tận hiến cho Đức Mẹ là dâng trọn đời mình cho Đức Trinh Nữ, để hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria”.
Theo công thức tận hiến của thánh Montfort (Montfortian formula of Consecration), chúng ta dâng hiến trọn vẹn đời mình: Công việc, trái tim, khối óc, thân xác và linh hồn; Ngay cả những gì sở hữu, bên trong và bên ngoài, cả những nhu cầu tốt lành của chúng ta, cả quá khứ, hiện tại và tương lai, đều được phó thác cho Mẹ Maria qua việc tận hiến cho Người, để được tùy ý Đức Mẹ sắp xếp như Mẹ muốn vì vinh danh Thiên Chúa. Ngược lại về phía chúng ta, chúng ta sẽ được gì?
Theo thánh Alphongsô Ligôriô, vị sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế – Sau khi đã cân nhắc thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa theo ánh sáng của Ơn Cứu Độ. Ngài theo luận điểm (thesis) của thánh Thomas Aquinas, khi vị Thánh Tiến sĩ của Giáo Hội viết rằng:“Nếu loài người không phạm tội, Thiên Chúa sẽ không nhập thể. Vậy lý do tối hậu của sự nhập thể là để cứu độ nhân loại. Đức Maria trở nên Mẹ của Đấng Làm Người tức cũng là Đấng Cứu Độ, để đền tội cho thế gian. Bởi vậy, không có tội nhân thì Thiên Chúa không nhập thể, và Đức Maria cũng không là Mẹ Thiên Chúa”… và cuối cùng, thánh Alphongsô đi tới một kết luận: “Đức Trinh Nữ Maria được chọn làm Mẹ Thiên Chúa bằng chính sự Đồng công Cứu chuộc (Co-redemptrix)”.
Bởi vậy, khi người đứng đầu Vatican chối bỏ tước hiệu Đức Mẹ Đồng Công(1), thì một ngày nào đó Tín Điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa khó có thể tồn tại, không phải với Giáo Hội Công Giáo của Chúa Kitô, mà với một giáo phái Vatican II kéo dài. Do đó, sứ vụ của Đức Mẹ được kết hợp với sứ vụ của Chúa Kitô. Các sứ vụ này đã được tiền định để bảo đảm Ơn Cứu độ cho nhân loại khi loài người sa ngã; Rồi cũng qua đó mà Ơn Cứu độ mang dấu ấn của Lòng Thương Xót và Đặc ân Tha thứ. Điều này đã được Chúa Cha khẳng định vai trò Đồng Công của Mẹ Thiên Chúa, và Người ra “Án Phạt” cho Luxiphe tại Vườn Địa Đàng (Garden of Eden) rằng: “Đầu nó sẽ bị đạp nát dưới gót chân của Người Trinh Nữ”. Mọi sự đều đã và đang diễn tiến như vậy.
Thế mà người hạ bệ Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc trong Thiên Chức Mẹ Thiên Chúa, dám cho câu truyện xảy ra trong Vườn Địa Đàng được chép trong sách Sáng Thế của Thánh Kinh, lại chỉ là một huyền thoại (tức là một câu chuyện mơ hồ, không có thật; Ý là chuyện bịa), dựng lên để cưu mang một lý thuyết, hay một truyền thuyết về “Ơn Cứu độ”. Chính vì vậy, giáo phái Vatican II mới chủ trương thuyết Tương Đối – mọi tôn giáo đều như nhau – và ơn cứu độ có trong hết mọi tôn giáo. Một khi câu truyện “Vườn Địa Đàng” chỉ là huyền thoại, thì niềm tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật làm sao tồn tại? Cho tới khi công cuộc “Đại Kết” của Vatican II thành công, họ sẽ đặt Đức Giêsu Kitô ngồi ngang hàng trên bệ thờ cùng với Đức Phật, với Đức Mahomet và các thần khác, chúa khác, trong đó có cả chúa Luciphe của Illuminati, của cả đạo Satan hiện đang công khai hoạt động trong nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng làm sao những kẻ đã nghịch lại Thiên Chúa, lại có thể thắng được một Thiên Chúa Toàn Năng. Quí thính giả của TGTL từng đã nghe có lần trong TGTL Chúa đã nói: “Họ muốn làm gì cứ để họ làm. Khi thời gian của Chúa đến, Chúa sẽ dẹp hết!”
*Trở lại địa vị và vai trò của Đức Mẹ, một cách rõ ràng đã được Thiên Chúa từ muôn thuở ban cho Đức Mẹ đặc ân là Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria cũng là Đấng hợp tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ nhân loại, và trở thành Đấng Đồng công Cứu chuộc. Hơn bao giờ hết, Mẹ còn là Đấng Trung gian chuyển Ân sủng từ Thiên Chúa xuống cho các con cái của Người. Bởi vậy, khi chúng ta tận hiến cho Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ (TTVSM), là chúng ta vừa trú ẩn, vừa cư ngụ vĩnh viễn trong TTVSM. Trái Tim Mẹ với Trái Tim Chúa Giêsu con Mẹ tuy hai mà một, bởi vậy khi chúng ta có Đức Mẹ, thì trong Mẹ, chúng ta có được nhiều Ân Sủng của Chúa. Cho nên, thánh Grignon de Montfort mới nói: “Ad Jesum Per Mariam” (phiên âm tiếng Việt: Át Giê-sum Pe Ma-ri-am = Muốn đến với Chúa phải qua Mẹ Maria). Đây chỉ là công thức, qua Thánh Mẫu học của Thánh Grignon de Montfort chúng ta sẽ hiểu được một cách sâu sắc hơn và càng thấy rõ hơn Đức Mẹ Maria của chúng ta vô cùng tuyệt vời.
—————-
Chú Thích:
(1) ĐGH Francis đã chối bỏ tước hiệu Đức Mẹ Đồng Công (đây là lần thứ hai): Ngày 20 tháng 12 năm 2019 – Đức TGM. Nguyên Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ Carlo Maria Viganò đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Đức Trinh Nữ Maria và đáp lại bài giảng gây tranh cãi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe, trong đó ĐGH bảo học thuyết về Maria Đồng Công Cứu Chuộc là “vô nghĩa” (he appeared to call the doctrine of Mary as co-Redemptrix “nonsense.”)
Nguồn: December 20, 2019 (LifeSiteNews) – Archbishop Carlo Maria Viganò strong defense of Virgin Mary in response to Pope Francis (Full Text).
- Đức Maria – Người Mẹ Tuyệt Vời của chúng ta – Cũng là “Thành Thánh Huyền Nhiệm của Thiên Chúa”. Ai trong chúng ta không có cơ hội học hỏi và chiêm ngưỡng, thì đáng tiếc một đời.
Chúng ta hãy dâng hiến trước là bản thân, nếu thuận tiện thì cả gia đình, rồi cả với bạn bè chúng ta cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để Mẹ có thể giúp chúng ta kết hiệp mật thiết hơn với Thánh Tử của Mẹ – Chúa Giêsu Kitô – Chúa Cứu Thế của chúng ta.
Trong thông điệp 9.11.2011, Chúa Giêsu đã dạy rằng:
“Các con hãy lắng nghe lời mời gọi khẩn thiết của Ta để tận hiến bản thân các con cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Yêu Dấu của Ta vào thời điểm này.
Mẹ Maria, Đấng Trung Gian của tất cả mọi Ân Sủng, đã được cắt đặt để đưa các con đến với Thánh Tâm Ta, và để cứu nhân loại khỏi thảm họa đang chờ đợi họ, nếu họ không chịu tránh xa những việc làm độc ác của Satan”.
Trước khi bước vào ngưỡng cửa của “Thánh Mẫu Học”,thiết tưởng chúng ta cũng nên biết chút ít về vị thầy dậy là thánh Louis Marie Grignon de Montfort.
*Thánh Grignon de Montfort sinh ngày 31/01/1673, chịu chức linh mục năm 1700, qua đời ngày 28/04/1716. Ngài được Đức giáo hoàng Lêô XIII phong chân phước năm 1888 và được Đức giáo hoàng Piô XII phong hiển thánh năm 1947. Lễ kính thánh nhân ngày 28/4 hằng năm.
Tác phẩm được hầu hết mọi người chọn là cuốn: “Thành thực sùng kính Mẹ Maria” Nguyên tác: Traité de la Vraie Dévotion à la Sainte Vierge tiếng Anh dịch là Treatise on True Devotion to the Blessed Virgin.
Thánh Grignon de Montfort đã viết cuốn sách “Thành thực sùng kính Mẹ Maria” vào khoảng đầu những năm 1700, nhưng bản thảo viết tay không được ai biết đến trong vòng khoảng hơn một thế kỷ. Tập sách được khám phá ra năm 1842 một cách rất tình cờ, và được xuất bản lần đầu vào năm 1843. Tác phẩm này đã trở thành tập sách kinh điển về Linh Đạo Thánh Mẫu
Ảnh hưởng của tác phẩm: Ảnh hưởng của tác phẩm rất lớn. Điều này được chứng minh qua việc Tác phẩm được các vị giáo hoàng sử dụng và đề cao, ví dụ:
- Đức giáo hoàng Lêô XIII đã căn cứ vào các bản văn của thánh Montfort, và cho rằng không thể nào thực hiện việc tái rao giảng Kitô giáo, mà lại thiếu Đức Trinh Nữ Maria. vị giáo hoàng này đã cổ võ lòng sùng kính Mẹ Maria.
- Đức giáo hoàng Piô X đã căn cứ rất nhiều vào quan điểm của thánh Montfort trong cuốn “Thành thực sùng kính Mẹ Maria”, để viết thông điệp “Ad Diem Illum Laetissimum” (02/02/1904), nhân dịp kỷ niệm 50 năm tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, ĐGH đã sử dụng rất nhiều câu của thánh Montfort, chẳng hạn như câu: “không có một con đường nào chắc chắn hơn, hay dễ dàng hơn, là Mẹ Maria trong việc liên kết con người với Chúa Kitô”. Đức Piô X đã ban Phép Lành Toà Thánh cho tất cả những ai đọc cuốn sách này.
- Đức giáo hoàng Piô XII cảm phục tư tưởng của thánh Montfort về Mẹ Maria được trình bày trong tác phẩm “Thành thực sùng kính Mẹ Maria”. Trong dịp phong hiển thánh cho cha Grignon de Montfort, ĐGH. Piô XII đã nói về ngài như sau:
“Mãnh lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy tất cả mọi thừa tác vụ tông đồ của ngài, và bí quyết lớn lao của ngài trong việc thu hút các linh hồn và mang các linh hồn về cho Chúa Giêsu, là lòng tôn sùng của ngài đối với Mẹ Maria … và ngài không thể tìm đâu ra một lợi khí hiệu năng hơn cho thời đại của ngài, đặc biệt để chống lại thành phần bè rối Jansêniô ngạo mạn … Đối với ngài Mẹ Maria là Nơi Nương Náu của các tội nhân, là Mẹ của Ân Sủng Thần Linh, là sự sống của chúng ta, là sự ngọt ngào và là niềm hy vọng của tất cả mọi người.” (Bài chia sẻ, ngày 21/07/1947).
Và còn nhiều nữa, chẳng hạn như đa số các Dòng tu, Tu hội, Hội đoàn trong Giáo Hội đều lấy cuốn Thành Thực Sùng Kính mẹ Maria làm cơ sở nền tảng cho việc trau dồi kiến thức về Thánh Mẫu Học v.v… nhưng cũng như việc trình bày tác phẩm, SVTT không thể dừng lại ở đây quá lâu, vì còn nhiều vấn đề cấp bách theo sau, nên chúng ta bắt đầu ngay vào việc tìm hiểu và học hỏi về Đức Maria – Người Mẹ Tuyệt Vời của chúng ta – mà Chân Phước Maria d’Agreda vào hậu bán thế kỷ 17 đã được ơn vừa thị kiến, vừa được mạc khải cho viết toàn bộ cuộc đời của Đức Mẹ, qua tác phẩm mang tên “Mistica Ciudad de Dios” (The Mistical City Of God) có nghĩa là “Thành Thánh Huyền Nhiệm của Thiên Chúa”.
Quả vậy, bất kỳ ai trong chúng ta không có cơ hội học hỏi và chiêm ngưỡng “Thành Thánh Huyền Nhiệm của Thiên Chúa” là Đức Trinh Nữ Maria thì một đời đáng tiếc.
* Còn một điều cuối cùng, chúng tôi muốn đề cập tới là tác phẩm “Thành thực sùng kính Mẹ Maria”, cho tới nay có tất cả ba bản dịch tiếng Việt: Một của Lm. Giuse Nguyễn Tri Ân, OP. Một của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh, BVL. Bản dịch thứ ba của một dịch giả ẩn danh. Có nhiều lý do để chúng tôi chọn dịch giả thứ ba, mà thiết tưởng chính dịch giả cũng không muốn được ai biết tới.
424. Đức Maria là Tác-Phẩm Tuyệt-Vời của Thiên Chúa, là thế giới vĩ đại và thần linh của Thiên Chúa, là nơi huy hoàng tráng lệ của Đấng Tối Cao. Biết bao điều vĩ đại Thiên Chúa đã tác thành và giấu kín nơi Vật-Thụ-Tạo-Khả-Ái này của Ngài.
Tất cả những gì chúng ta học hỏi với nhau sau đây, đều là những điều Thánh Louis Maria Grignon de Montfort được Linh Hứng bởi Chúa Thánh Thần và thánh viết cho chúng ta biết, để hiểu về Mẹ Maria, Mẹ rất Thánh của chúng ta.
Mẹ Maria đã sống rất ẩn dật trong suốt cuộc đời của Mẹ, nên Chúa Thánh Thần và Giáo Hội đã gọi Mẹ là Alma Mater (an-ma Ma-te) – Mẹ ẩn dật và bí ẩn. Bí ẩn vì địa vị, vai trò và sứ mệnh của Đức Mẹ rất lớn lao ngoài sức tưởng tượng của không chỉ loài người, mà ngay cả các Thiên thần, nhưng lại chỉ được bộc lộ rất ít trong Phúc Âm. Sau này trên con đường học hỏi, chúng ta sẽ hiểu và sẽ biết. Đức khiêm nhường của Mẹ sâu xa đến nỗi, trên đời này, Mẹ không mạnh mẽ và liên lỉ ước ao điều gì hơn là ẩn thân đối với chính mình và đối với mọi thụ tạo, để chỉ một mình Thiên Chúa biết đến Mẹ mà thôi. Để nhận lời Mẹ xin, Chúa đã giấu kín Mẹ và cho Mẹ sống khó nghèo và khiêm nhường, Chúa đã vui mừng giấu kín Mẹ khi thụ thai, khi sinh ra, trong cuộc sống của Mẹ, trong các mầu nhiệm của Mẹ, khi Mẹ sống lại và được rước lên trời: Không một người nào biết gì về Mẹ, và chính các thiên thần cũng hỏi nhau: Quae est ista? Bà đó là ai vậy? Vì Đấng Tối Cao đã giấu các ngài, hoặc nếu Chúa có tỏ bày một vài điều cho các ngài, thì Chúa còn giấu các ngài vô cùng nhiều điều hơn. Chúa Cha đã đồng ý để Mẹ không làm một phép lạ nào trong cuộc đời của Mẹ, ít là những phép lạ lẫy lừng, mặc dầu Chúa Cha đã ban cho Mẹ đầy đủ quyền năng. Chúa Con đã đồng ý để Mẹ kể như không nói gì hết, mặc dầu Chúa đã thông ban cho Mẹ sự khôn ngoan của Ngài. Chúa Thánh Thần đã đồng ý để các Tông đồ và các tác giả viết các sách Tin Mừng chỉ nói rất ít về Mẹ, vừa đủ cần thiết để làm cho người ta nhận biết Chúa Giêsu Kitô, mặc dầu Mẹ là Hiền Thê trung tín của Chúa Thánh Thần. Mẹ Maria là Mẹ khả ái của Chúa Con: Chúa Kitô đã vui mừng để Mẹ mình sống khiêm nhường, và giấu kín Mẹ mình bằng cách gọi Ngài là “người đàn bà” (Ga 2, 4;19, 26), y như cư xử với một người xa lạ, mặc dầu trong thâm tâm Ngài quý trọng và yêu mến Mẹ mình hơn tất cả các thiên thần và người ta.
Mẹ Maria là đền thờ và là nơi Chúa Ba Ngôi ngự: Chúa ở nơi đây cách huy hoàng và uy linh hơn bất cứ nơi nào trong vũ trụ, kể cả ngai toà của Ngài giữa các thiên thần Kêrubim và Sêraphim: không một thụ tạo nào, dầu trong sạch đến đâu, cũng không được phép bước vào đền thánh này, nếu không có một đặc ân lớn lao.
Cùng với các thánh, tôi (Grigon de Montfort) nói rằng: Đức Maria là Vườn Địa Đàng của Ađam mới: nơi đây Chúa Kitô đã nhập thể nhờ phép Chúa Thánh Thần, để tác tạo những việc kỳ diệu khôn tả. Đây là thế giới vĩ đại và thần linh của Thiên Chúa: Nơi đây có những vẻ đẹp và những kho báu không kể xiết. Đây là nơi huy hoàng tráng lệ của Đấng Tối Cao; Nơi đây, như trong chính lòng mình, Chúa Cha giấu kín Con độc nhất của mình, và nơi đây có tất cả những gì là tuyệt hảo và quý giá nhất. Ôi! Biết bao điều vĩ đại Thiên Chúa đã tác thành và giấu kín nơi vật thụ tạo khả ái này của Ngài, đến độ, dầu vô cùng khiêm nhường, Mẹ Maria cũng đã phải thốt lên rằng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1,49). Thế giới không biết những điều đó, vì thế giới không có khả năng và bất xứng.
* Các thánh đã nói những điều kỳ diệu về thành thánh này của Thiên Chúa, và các ngài thú nhận rằng không bao giờ các ngài lợi khẩu và sung sướng bằng khi nói về nơi hiển trị này của Thiên Chúa (1). Sau đó, các ngài kêu lên rằng những công đức của Mẹ Maria rất cao vời, vươn tới tận ngai toà của Chúa Ba Ngôi, nên trí loài người không thể nhận thức được, cũng như không thể thâu gom được (2). Đức ái của Mẹ rộng lớn hơn trái đất, nên ta không thể đo lường được. Quyền năng của Mẹ lớn lao, vì Mẹ có quyền với cả Thiên Chúa, nên ta không thể hiểu được. Đức khiêm nhường và các nhân đức khác của Mẹ rất sâu xa, các ân sủng của Mẹ thì vô cùng lớn lao, như một vực thẳm khôn dò. Ôi lớn lao khôn tả! Ôi vĩ đại khôn ví! Ôi mênh mông bao la!
—————
Chú Thích
(1). Ý nói là các thánh rất sung suớng và có thể thao thao bất tuyệt mỗi khi có cơ hội được nói về những điều kỳ diệu về thành thánh này của Thiên Chúa, tức là nói về Đức Mẹ.
(2). Cả đoạn này cho thấy có lẽ Thánh Grignon de Montfort được Chúa cho thị kiến thấy các thánh đang lấy làm hân hoan được nói hay kể chuyện về Đức Mẹ. Các thánh phải thốt lên rằng: “những công đức của Mẹ Maria rất cao vời, vươn tới tận ngai toà của Chúa Ba Ngôi, nên trí loài người không thể nhận thức được, cũng như không thể thâu gom được”. Đọc đến đây, khiến chúng tôi nhớ tới buổi tối trong Bữa Tiệc Ly, vào lúc cuối bữa ăn, sau khi Chúa đứng dậy đi rửa chân cho các Tông Đồ, rồi Người giải thích việc Người rửa chân cho các ông; Đoạn Chúa loan báo việc Giuđa phản bội; Xong thì Chúa nói với các Tông đồ Những Lời Cáo Biệt . Có thể nói đây là bài Diễn văn cuối cùng tối quan trọng, đã được thánh Gioan tường thuật lại suốt từ giữa chương 13 cho đến hết chương 16. Trong đó có lúc Chúa phải nói thật và nói thẳng rằng: “Thầy còn nhiều điều muốn nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt anh em đến sự thật vẹn toàn” (Ga 16,12-13). Trong suốt 20 thế kỷ qua, Chúa mạc khải rất nhiều, nhưng không có gì khác lạ với những điều Chúa đã dạy trong Phúc Âm. Toàn bộ lề luật Và giới răn cùng các điều kiện và cách thức để con người được vô Nước Trời (Thiên Đàng), thì trong suốt ba năm đi giảng dạy, Chúa Giêsu đã nói hết rồi! Thậm chí ngoài Chúa ra không ai có quyền thêm vào, hay bớt đi, vì “nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1,16-17). Bởi vì chính Chúa Cha đã truyền: “Các ngươi đừng thêm bớt điều gì trong những điều ta đã dạy, nhưng hãy giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi, mà ta đã truyền dạy các ngươi” (Dnl 4,2). Thế mà hôm nay có kẻ cả gan dám bảo: “đừng có quan trọng Mười Điều Răn”.
* Như vậy, chính những điều kỳ diệu về “Thành Thánh Huyền nhiệm của Thiên Chúa”, mà các thánh nói với Grignon de Montfort lúc ngài còn sinh thời, mới chính là những điều chưa nói, mà Chúa rất muốn nói, “nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt anh em đến sự thật vẹn toàn”.
Có lẽ từ lâu các nhà thần học Công Giáo rất muốn biết những điều đó, thì nay qua thánh Montfort, các thánh trên trời đã tiết lộ cho biết một chút là: “Những công đức của Mẹ Maria rất cao vời, vươn tới tận ngai toà của Chúa Ba Ngôi, nên trí loài người không thể nhận thức được, cũng như không thể thâu gom được”. Tuy nhiên, câu nói của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Cuối Cùng cũng ẩn tàng một Lời Hứa: “Khi nào Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt anh em đến sự thật vẹn toàn”. Thần Chân lý là ai? Thưa, là Thần Khí Chúa Kitô, nhưng Chúa Kitô chỉ xin với Chúa Cha ban Thần Chân lý cho những ai trung thành với điều kiện của Người là: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em Thần Chân lý,” (Ga 14,15-16).
Cho nên, mặc dầu hai ngàn năm qua, Chúa đã mạc khải “dần dần và từ từ” – NƠI – Chúa Kitô đã nhập thể nhờ phép Chúa Thánh Thần, để tác tạo những việc kỳ diệu khôn tả. Nơi ấy là thế giới vĩ đại và thần linh của Thiên Chúa: Nơi có đầy đủ những vẻ đẹp và những kho báu không kể xiết. Nơi cũng là Cung Điện huy hoàng tráng lệ của Đấng Tối Cao. Và cũng là tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa: – Đức Maria Trinh Nữ Vương – Đấng là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ Nhân loại.
* Chỉ vì Mẹ muốn một mình Thiên Chúa biết đến Mẹ mà thôi. Nên để nhận lời Mẹ xin, Chúa đã giấu kín Mẹ. Ngay cả Chúa Thánh Thần cũng gọi Mẹ là Alma – Mater (ẩn dật và bí ẩn), nên Ngài không mạc khải gì nhiều cho các Thánh sử, bởi thế vai trò của mẹ trong Phúc Âm rất mờ nhạt, chỉ có rất ít trang tựa hồ như một chút móng làm nền cho một ngôi nhà, nên rất nhiều người lầm tưởng về Đức Mẹ. Thậm chí còn có những con người kiêu ngạo, muốn thay đổi lề luật Chúa, muốn diễn giải các Điều Răn của Chúa theo ý mình, để từ từ cắt bỏ các giới luật cùng làm cho các Bí Tích Chúa thiết lập trở nên vô hiệu. Những con người đó thuộc về thế gian. Họ làm việc theo sự điều khiển của tên Thủ lãnh thế gian. Bởi thế Chúa mới nói:“Thần Khí Sự Thật – Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không được thấy và cũng chẳng biết Người” (Ga 14,17). Một khi đã thiếu vắng Thần Chân lý, thì họ làm sao hiểu được Người Bạn Thanh sạch, Tinh tuyền của Thần Chân lý, nên họ sớm trở thành những kẻ đối đầu với Đức Mẹ, hạ giá và chê bai Đức Mẹ.
* Khi mạc khải cho Chân Phước Maria d’Agreda trong cuốn “The Mystical City Of God” (Thành Thánh Huyền Nhiệm của Thiên Chúa (1)), Chúa Giêsu đã nói với Maria d’Agreda rằng: “Cha không tiết lộ những huyền nhiệm này trong Giáo Hội sơ khai, vì những huyền nhiệm này quá sức vĩ đại, đến độ các tín hữu có thể miệt mài chiêm niệm và ca tụng các huyền nhiệm này suốt thời gian khá lâu, trong khi đó việc thiết lập Luật Ân Sủng và Phúc Âm vững chắc thì cần thiết hơn. Mặc dầu mọi mầu nhiệm trong đạo đều phù hợp với nhau cách tuyệt hảo, nhưng vì đức tin vào Ngôi Lời Nhập Thể, Ơn Cứu Chuộc và các giáo huấn của luật Phúc Âm vẫn còn trong thời kỳ phôi thai, sự ngu dốt của loài người có thể tác hại ngược lại, hoài nghi tính cách trọng đại của mầu nhiệm này. Vì thế, Ngôi Lời Nhập Thể nói với các môn đệ trong bữa tối sau cùng: “Nhiều điều Thầy cần phải nói cho anh em biết, nhưng anh em chưa có khả năng để sẵn sàng đón nhận” (Gioan 16:12). Chúa Cứu Thế cũng nói lời này với toàn thể nhân loại, vì người ta chưa có thể vâng nghe trọn vẹn luật ân sủng và hoàn toàn tin theo Chúa Con; nhân loại càng được chuẩn bị ít hơn để đón nhận các mầu nhiệm về Mẹ Thiên Chúa. Lúc này nhân loại cần đến mạc khải này rõ ràng hơn, điều cần thiết này thúc đẩy Cha bỏ qua khuynh hướng tội lỗi của họ. Bây giờ nhân loại cần phải làm hài lòng Cha bằng việc kính mến, tin tưởng, học hỏi những điều lạ lùng liên quan trực tiếp đến Vị Hiền Mẫu Hay Thương Xót này. Nếu mọi người, từ trái tim họ, xin Người cầu bầu, nhân loại sẽ sớm được cứu giúp. Cha không thể giấu nhân loại Thành Thánh nơi nương náu huyền nhiệm này nữa. Cha cho họ biết về Thành Thánh này, theo mức độ khả năng hạn hẹp của họ. Cha không muốn những điều con mô tả, tuyên xưng, về Cuộc Đời Đức Maria chỉ thuần tư kiến, hoặc tư tưởng chiêm niệm, mà phải là sự thực chính xác. Những ai có tai để nghe, hãy nghe. Những ai khát hãy tới mạch nước hằng sống, hãy rời bỏ những thùng chứa khô cạn, những ai tìm kiếm ánh sáng hãy theo đuổi cho tới kết cuộc. Chúa, là Thiên Chúa Toàn Năng, phán truyền như thế!”
—————–
Ghi chú (1):
Đoạn ngắn trên đây được trích trong Phần I của cuốn sách “Mẹ Maria, Hiền Mẫu Chúa Kitô” hay “The Mystical City Of God”, cũng là “Thành Thánh Huyền Nhiệm của Chúa” Nguyên tác được Mẹ Bề Trên Maria d’Agreda viết bằng tiếng Tây Ban Nha với tiêu đề “Mistica Ciudad De Dios” vào hậu bán thế kỷ 17 xuyên qua những thị kiến cùng những mạc khải mà Mẹ nhận được. Cuốn sách đã được Giáo quyền phê chuẩn và là một trong những cuốn sách hay nhất về Mẹ Maria. Những ai yêu mến Mẹ Maria không thể không đọc cuốn sách này. Sách dầy gần 700 trang. Ngưỡng Nhân Lưu Ấu Nhi chuyển dịch.
(Còn Tiếp)
——-oOo——-
ACE/TGTL/SVTT&DCTĐ Kính chúc Quý thính giả và các bạn trẻ Một Tuần Lễ Bình An trong Thiên Chúa và Mẹ Maria.