VẤN NẠN HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH

“Một trăm năm trước đây, tất cả mọi người đều nghĩ rằng thật là nực cười khi nói về hôn nhân đồng tính.

Ngày nay, bất cứ ai phản đối nó đều bị xã hội loại trừ”.

Đức Bênêđictô XVI. (PAPST BENEDIKT XVI – Ein Leben. 2020).

Kính thưa quý thính giả và đọc giả thân mến, DCTĐ kỳ này sẽ lần lượt trình bày với quý vị về một trong những dấu chỉ nhức nhối của thời hiện tại. Một vấn đề hết sức nhạy cảm và gây nhiều tranh luận trong cả đời sống lẫn tôn giáo. Như câu mạo đầu trích từ lời của Đức Giáo Hoàng Benedicto thứ 16 “Một trăm năm trước đây, tất cả mọi người đều nghĩ rằng thật là nực cười khi nói về hôn nhân đồng tính. Ngày nay, bất cứ ai phản đối nó đều bị xã hội loại trừ”. Câu nói thật sống động và phản ảnh đúng bản chất của vấn đề hôn nhân đồng tính ngày hôm nay. Động chạm đến vấn đề như thế chắc hẳn người viết cũng rất đắn đo và suy nghĩ…Nhưng không vì thế, nhờ ơn soi sáng và tin tưởng vào Lời của Đấng đã sáng tạo nên vũ trụ và muôn loài chúng ta, Đấy ấy chính là Thiên Chúa toàn năng. Vì chính Lời Ngài là “Sự Thật” mà “Sự Thật” thì phải được công bố. Cũng vì nguyên do ấy, người viết sẽ trình bày cùng quý đọc giả lần lượt từ những khái niệm, những quan điểm, bình luận và phân tích, kể cả những tranh luận bất phân thắng bại từ người đời và từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau để nhằm đưa đến cho quý đọc giả một dấu chỉ của thời đại. Dấu chỉ thật đáng sợ nếu chúng ta biết rằng chính ma quỷ đã gieo vào lòng thế gian viên kẹo đường mang vỏ bọc tự do và phóng thoáng để lùa loài người vào con đường tội lỗi. Chính qua những vấn đề và dấu chỉ đó, chúng ta biết được ý định của Thiên Chúa muốn cho chúng ta biết về Sự Thật. Sự Thật không chỉ đơn giản là nói lên vấn đề hay trình bày vấn đề, mà Sự Thật nơi Thiên Chúa chính là lòng yêu thương loài người và mong muốn cho loài người có được những điều tốt đẹp và cao quý chứ không phải như sự thật nơi thế gian là những bức màn tưởng là thật nhưng lại là ảo, tưởng là lung linh huyền ảo nhưng lại là dối gian, tưởng là nguyên uỷ nhưng chỉ là sự vẽ vời của người đời để biện minh và nhằm thoả mãn lòng đam mê, dục vọng và trí khôn của loài người.

Trước hết, xin mời quý đọc giả và thính giả bắt đầu từ những khái niệm và quan điểm cơ bản.

  1. Các khái niệm, thuật ngữ căn bản về đồng tính.

“Đồng tính” là gì?

“Đồng tính” hay “đồng giới”, “đồng giới tính”, “đồng phái’ có nghĩa là cùng một giới tính. “Đồng tính” là nói gọn của cụm từ “đồng tính luyến ái” hay là “đồng giới tính luyến ái”.

Người đồng tính (Homoxexual) bao gồm cả nữ, cả nam, là người có sự hấp dẫn tình cảm, tình yêu và tình dục với người cùng giới tính với mình một cách lâu dài và cố định, đồng thời giảm đi sự thích thú tình dục đối với những người khác phái.

“Song tính luyến ái” là gì?

Song tính luyến ái (Bisexsual): Chỉ những người có sự hấp dẫn tình cảm, tình yêu, tình dục với cả người cùng giới và khác giới tính một cách lâu dài.

“Dị tính luyến ái” là gì?

Dị tính luyến ái (Straight): chỉ những người có sự hấp dẫn tình cảm, tình yêu và tình dục với người không cùng giới tính.

“Chuyển giới” là gì?

Người chuyển giới còn gọi là Hoán tính (Transgender): chỉ những người được sinh ra với một giới tính sinh học bình thường, hoàn chỉnh (phân biệt rõ là nam hay nữ) nhưng lại có cảm nhận và mong muốn giới tính ngược lại.

Một điều rất quan trọng là không nhất thiết phải trải qua phẫu thuật chuyển giới thì mới được xem là người chuyển giới. Chỉ cần một người mong muốn, ý thức mình phải mang giới tính ngược lại so với giới tính sinh học của mình thì đã được xem là người chuyển giới.

“LGBT” những mẫu tự này có ý nghĩa gì?

LGBT là 4 mẫu tự đầu của 4 từ trong tiếng Anh để chỉ Cộng đồng những người đồng tính. Đồng tính Nữ (Lesbian-viết tắt là Les), Đồng tính Nam (Gay), Song tính (Bisexsual) và Transgender-Chuyển giới.

Nên biết thiên hướng tình dục của con người được chia thành 3 loại chính yếu: Đồng tính, Dị Tính và Song Tính, còn theo bản dạng giới (gender identity) thì phân thành 2: người chuyển giới và người không chuyển giới. Trong đó, LGBT là cộng đồng những người thuộc các thiên hướng tình dục và bản dạng giới thiểu số trong xã hội.

Cờ lục sắc biểu tượng cho ai?

Lá cờ lục sắc, biểu tượng nổi tiếng nhất trên thế giới cho cộng đồng LGBT ra đời cách đây 37 năm và được thiết kế bởi nghệ nhân người Mỹ Gilbert Baker.

Ý nghĩa 6 màu trên lá cờ lục sắc LGBT. Hồng: tượng trưng của Tình dục (Sexuality); Đỏ: Sự sống (Life); Vàng: hình ảnh Mặt Trời (Sunlight); Xanh: Thiên nhiên (Nature); Chàm: Serenity, (Harmony) Hòa hợp; Tím, (Spirit), Nghị lực sống.

“Pê đê” là gì?

Người pê đê là người có cách ăn mặc, biểu hiện (giọng nói, hành động, cử chỉ…) bên ngoài không giống với giới tính của mình, như pê đê nam thì thích ăn mặc và thể hiện mình là nữ và ngược lại, pê đê nữ lại muốn thể hiện mình là nam.

Thuật ngữ pê đê được xác định dựa trên tiêu chí hình thức bên ngoài, chứ không hề liên quan đến xu hướng tình dục bên trong (ham muốn làm “chuyện ấy”) như người Đồng tính (gay, les). Đây là điểm khác biệt của hai thuật ngữ Đồng tính và Pê đê.

Từ pê đê có gốc từ tiếng Pháp, Pédérastre, nhưng ý nghĩa hiện nay lại không giống như nguyên ngữ. Các tự điển Đào Duy Anh, Thanh Nghị … đều định nghĩa “Pédérastre là người kê gian. Kê là gà; gian là gian dâm. Gian dâm nhau ở hậu môn như gà”, tự điển Đào Duy Anh ghi tiếng Pháp là Sodomie.

Ấu dâm là gì?

Ấu dâm hay Ái nhi (Child Abuse, pedophilia) là bản năng ham muốn tình dục lâu dài và liên tục với trẻ em chưa đến tuổi thành niên, thông thường ở dưới tuổi 12. Một người được cấu thành tội ấu dâm phải lớn hơn đối tượng bị hại ít nhất 5 tuổi thì mới bị coi là ấu dâm.

Hành vi ấu dâm có thể là vuốt ve, ôm ẵm, sờ mó, hôn hít.. .(hoặc bắt các trẻ làm những hành vi ấy cho mình) mà cũng có thể đi đến hành vi giao hợp với trẻ em, trẻ gái hoặc trẻ trai. Có khi giao hợp với các cơ quan bộ phận khác không phải là cơ quan sinh dục.

Ấu dâm gây hậu quả rất nặng nề dai dẳng trong suốt quãng đời còn lại của các đối tượng trẻ em bị xâm hại.

Căn bản những khái niệm là như thế để chúng ta có những bước chuẩn bị và đi tìm hiểu sâu hơn về vấn đề gai góc và nhạy cảm này. Gai góc vì chính cái nhìn và góc nhìn của từng người đã đặt lên nó những quan niệm khác nhau. Rồi từ góc nhìn đó hoà vào với niềm tin và giáo lý của tôn giáo lại khiến cho chúng ta có những quan điểm và đánh giá có khi là cực đoan cũng có khi là hời hợt. Chính vì lẽ đó, đôi khi lại nảy sinh những tranh luận thậm chí dẫn đến tranh cãi hết sức nảy lửa cho một vấn đề mà nếu chúng ta chịu khó bình tâm suy nghĩ và lật trở lại những Lời dạy của Thiên Chúa qua Kinh Thánh và qua Giáo lý, chúng ta sẽ hiểu được cặn kẽ đâu là bệnh, đâu là tội và đâu là những ảnh hưởng của xu thế thời đại mà chính ma quỷ đã gieo vào lòng con người những ý nghĩ và những quan điểm tội lỗi ấy. Chính mưu đồ của ma quỷ thông qua những xu thế của thời đại, những phong trào thức tỉnh và nhất thời để lôi kéo loài người sa vào con đường của tội lỗi. Chạy theo những khuynh hướng tưởng là đề cao tự do, dân chủ và lòng bác ái nhưng kỳ thực nó dẫn loài người đến một đích đến xa hơn và nguy hiểm hơn đó chính là hố sâu của tội lỗi. Đẩy con người xa khỏi vòng tay của Thiên Chúa. Dẫn con người vào những đam mê và sa đoạ của ham muốn thế gian. Những màn khói nguỵ tạo và mờ ảo ấy luôn  hấp dẫn con người như những ma lực và đưa con người đến hố sâu của dục vọng và sự tội. Đó chính là mục đính và nguyên nhân tận cùng mà ma quỷ muốn tạo nên nhằm lôi kéo càng nhiều người đi về phía chúng một cách tự nguyện mà cứ tưởng rằng mình đang đi thẳng tiến trên con đường của lòng thương, nhân ái, dân chủ và tự do.

Quý đọc giả và thính giả có còn nhớ Lời của Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Fatima vào năm 1917 và thông ban cho 3 trẻ nhỏ không? Và trong 36 Lời Tiên Báo và 80 câu vấn đáp giải thích có liên quan mật thiết đến mệnh lệnh La Salette vào năm 1846. Đức Mẹ phán cùng Melanie, Mẹ Maria đã cảnh báo và nói rằng:

“Tại FATIMA Mẹ có xác nhận và nhấn mạnh điều Mẹ đã bảo ở SALETTE. Sở dĩ Mẹ phải nhấn mạnh tại vì trong thời gian từ SALETTE (1846) đến FATIMA (1917) non 100 năm. Chẳng những nhân loại không biết phục thiện mà lại còn tăng thêm LẮM TỘI DÂM Ô, tại FATIMA Mẹ cho con biết thêm có lẽ Chúa sẽ dùng nước NGA làm cây roi của Chúa.”

Đấy chính là những dấu chỉ và những vấn đề đau lòng mà khiến Mẹ phải thốt lên lời cảnh báo không chỉ qua các thị nhân, qua các mệnh lệnh mà trong những năm gần đây, những lần Mẹ khóc tràn cả nước mắt và máu qua các dấu lạ khắp đó đây cho loài người biết rằng sự tội đã lan tràn khắp thế gian và ngày một gia tăng mà Mẹ thì không muốn đàn con cái Mẹ phải sa vào bẫy và hố sâu của tội lỗi mà mưu ma chước quỷ bày đã ra nhằm dụ dỗ nhân loại.

Trở lại vấn đề Đồng tính và hôn nhân đồng tính,chúng tôi xin được trình bày tiếp những vấn đề liên hệ với vấn đề này:

 

2. Đồng tính là bệnh, là rối loạn tâm lý hay là vấn đề về cảm xúc?

Các nhà tâm thần học, tâm lý học và chuyên gia sức khỏe tâm thần đã đồng ý với nhau rằng Đồng tính không phải là bệnh, không phải là rối loạn tâm lý, cũng không phải là vấn đề cảm xúc.

Hành vi đồng tính hay dị tính đều là những khía cạnh bình thường của tính dục con người.

Làm sao để biết mình Đồng tính hay Song tính?

Về cơ bản, người ta có thể không quan hệ tình dục mà vẫn biết xu hướng tính dục của mình – thích người cùng giới, khác giới hay cả hai.

Mỗi người Đồng tính và Song tính cũng có trải nghiệm rất khác nhau. Có người biết mình là đồng tính hoặc song tính từ lâu, sau đó mới có quan hệ yêu đương, tình dục. Có người lại có quan hệ tình dục trước (với những người cùng giới hay khác giới) rồi mới tự xác định xu hướng tính dục của mình.

Định kiến và phân biệt đối xử của xã hội khiến nhiều người chối bỏ xu hướng tính dục của mình, vì thế việc nhận ra bản thân là đồng tính hay song tính có thể là một quá trình diễn ra một cách tiệm tiến, từ từ.

Có cách nào để người Đồng tính trở thành Dị tính?

Tất cả tổ chức lớn về sức khỏe tâm thần đều đã cảnh báo chính thức về những cái gọi là “liệu pháp thay đổi xu hướng tính dục”. Không có một liệu pháp nào chứng minh những biện pháp này là an toàn và hiệu quả. Các lời khuyên thường nghe như người đồng tính nam, tập chơi các môn thể thao với đồng tính nữ, hay cố gắng không tiếp xúc với người cùng giới, đều là những lời khuyên không dựa trên cơ sở khoa học. Phải nghĩ khuynh hướng đó là bẩm sinh, tồn tại lâu dài.

Người Đồng tính, Song tính có thể là những ông bố, bà mẹ tốt không?

Hoàn toàn có thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có sự khác biệt nào trong quá trình phát triển của nhóm trẻ em do các phụ huynh là người Đồng tính nuôi dạy với nhóm trẻ em có phụ huynh là người Dị tính. Một điều quan trọng cần biết nữa là xu hướng tính dục của người bố hay người mẹ không quyết định được xu hướng tính dục của đứa con nuôi. Cha mẹ Đồng tính không có nghĩa là con nuôi cũng sẽ Đồng tính, bởi vì cũng giống như cha mẹ Dị tính không có nghĩa con cái họ cũng luôn là Dị tính.

Có khả năng nào tôi là người đồng tính?

Một nguồn tin tung ra rằng 10% là người đồng tính. Câu nói ấy không đúng sự thực và không có cơ sở. Con số 10% lừa dối kia là một phần của chiến dịch cổ vũ để mọi người chấp nhận tình trạng đồng tính. Nó miêu tả đồng tính như chuyện phổ biến lắm rồi, hơn cả sự thật. Vì thế đừng để điều này làm ta sợ hãi về chính mình. Tỉ lệ đồng tính là rất nhỏ.

Nghiên cứu gần đây chấp nhận một tỉ lệ là 1,5% phụ nữ và 3% nam giới là người đồng tính. Tỉ lệ trung bình, được gọi là “an toàn”, mà nhiều nhà khoa học thừa nhận thì chỉ có 3% dân số trên thế giới là người đồng tính và song tính. Chúng ta thử làm một phép tính đơn giản với tỷ lệ 3% dân số toàn thế giới (dân số thế giới hiện nay khoảng 8 tỷ) thì sẽ biết được tỷ lệ người đồng tính và song tính. Vậy mà với một vấn đề và một nhóm nhỏ tỷ lệ dân số như thế có đáng, có phải là vấn đề nổi cộm, có phải là vấn đề cấp thiết hay nghiêm trọng để mà chúng ta thấy đâu đâu cũng nói về Đồng tính và Hôn nhân đồng tính? Ngày nay, nó hiện hữu xung quanh chúng ta từ mọi mặt đời sống và vào trong cả Giáo hội. Quý vị có nhận ra có điều gì đó khác thường với những điều bình thường trong thời đại này? Người viết tin rằng, khi chúng ta giải đáp được một cách xác đáng có tình và có lý những câu hỏi trên thì chúng ta sẽ xác định mức độ và tính chất của vấn đề Đồng tính và Hôn nhân đồng tính. Phải chăng có một sự làm quá lên với một tỷ lệ dân số thế giới chẳng may bị như thế!? Phải chăng đó là cái cớ rất có duyên và hữu lý để truyền thông và những thế lực ma quỷ vin vào đó để thổi phồng vấn đề nhằm bênh vực cho một bộ phận rất nhỏ của nhân loại mà ngay đến cả Giáo hội và Giáo Hoàng Francis cũng tham gia tích cực vào vấn nạn này. Người viết xin được dùng từ  vấn nạn thay cho vấn đề này từ đây vì quả thật nó là một tai nạn hữu ý do chính sự sắp đặt ẩn đàng sau của thế lực ma quỷ muốn đẩy và dẫn dụ loài người vào hố sâu của tội lỗi.

Chúng tôi sẽ đề cập trở lại về những phát biểu và quan điểm của Giáo hoàng Francis về Hôn nhân đồng tính trong những kỳ tiếp theo để quý thính giả và đọc giả có dịp nhìn nhận và đưa ra những nhận định cho riêng mình. Còn bây giờ, chúng tôi mời quý vị cùng bước tiếp tìm hiểu về vấn đề Hôn nhân đồng tính với những định nghĩa và quan điểm của các Tôn giáo về Hôn nhân đồng tính.

 

3. Hôn Nhân Đồng tính (HNĐT)

Để hiểu được cận kẽ thế nào là hôn nhân đồng tính vì nó khác biệt với hôn nhân bình thường thì trước hết chung ta phải trở lại với khái niệm Hôn nhân và Gia đình. Rồi chúng ta tìm hiểu thêm về những quốc gia nào đã chấp nhận và không chấp nhận Hôn nhân đồng tính đồng thời điểm qua một số quan điểm của các Tôn giáo nhận định về Hôn nhân đồng tính.

Định nghĩa Hôn nhân, Gia đình

Hôn Nhân Truyền Thống là thế nào?

Tự điển Larousse định nghĩa “Hôn nhân là sự kết hợp theo pháp luật của một người nam và một người nữ”. Định nghĩa của Larousse xem ra quá đơn giản.

Theo Viện Từ Điển Học và Bách Khoa Thư VN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN: “Hôn nhân là sự kết hợp giữa hai cá nhân thuộc hai giới tính khác nhau thông qua các bước với những nghi thức nhất định để thành lập gia đình, thực hiện các chức năng chủ yếu là tái sản xuất nòi giống, giáo dục con cái và sản xuất kinh tế.”

Luật hôn nhân và gia đình (1986) và Luật dân sự (1995) của Việt Nam có quy định chặt chẽ chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Gia Đình Truyền Thống là thế nào?

“Gia đình là thiết chế xã hội dựa trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, để thực hiện các chức năng sinh học, kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng. Khi gia đình đã có con cái, thì các thành viên trong gia đình được liên kết với nhau vừa bằng quan hệ hôn nhân (không cùng huyết thống) vừa bằng quan hệ huyết thống (theo dòng mẹ hoặc dòng bố)” (ibid).

Hôn Nhân Đồng Tính được định nghĩa ra sao?

“HNĐT” hay “hôn nhân đồng giới” là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học ”. HNĐT, Same-Sex Marriage, còn được gọi là “hôn nhân bình đẳng”, thuật ngữ này được sử dụng phổ biến nhất từ những người ủng hộ.

Có bao nhiêu quốc gia đã công nhận HNĐT?

Sau đây là số các quốc gia đã công nhận HNĐT, xếp theo thứ tự năm công nhận: Hà Lan – 2001; Bỉ – 2003; Canada – 2005; Tây Ban Nha – 2005; Nam Phi – 200; Na Uy – 2009; Thụy Điển – 2009; Bồ Đào Nha – 2010; Iceland – 2010; Argentina – 2010; Đan Mạch – 2012; New Zealand – 2013; Uruguay – 2013; Brazil – 2013; Anh – 2013; Pháp – 2013; Scotland – 2014; Luxembourg – 2014; Slovenia – 2015; Phần Lan – 2015; Hoa Kỳ – 26/6/2015; Ý – 26/02/2016; Colombia – 26/04/2016; Đức – 30/6/2017. Malta – 12/7/2017.

Như thế tính đến 12/7/2017, chính thức đã có 25 quốc gia công nhận HNĐT, Hà Lan là nước đầu tiên (2001) và Malta là nước mới nhất (12/7/2017).

Theo Wikipedia, năm 2022, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã có 33 quốc gia/vùng lãnh thổ chính thức công nhận HNĐT.

QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Trước khi nêu lên quan điểm chính thức của Giáo Hội Công Giáo về Đồng tính và Hôn nhân đồng tính, tưởng cũng nên nhìn qua quan điểm của một số “Giáo hội ngoài Công Giáo”. Trước hết là Do Thái giáo. Chắc chắn một điều, Do thái giáo dựa vào Cựu Ước không chấp nhận HNĐT. Tuy nhiên một nhánh lớn nhất của đạo Do Thái ngoài Israel tại Mỹ, cấp tiến, đã tạo điều kiện cho các đám cưới đồng giới trong giáo đường.

Hồi giáo

Luật Sharia hà khắc của Hồi giáo coi đồng tính là tội đáng bị trừng phạt. Không có hình phạt cụ thể nào được ghi trong luật này, nhưng một số cặp đôi ĐT đã bị tử hình. Tại Malaysia – quốc gia gồm phần đông tín đồ Hồi giáo, Quan hệ tình dục đồng tính là trái luật.

Anh giáo

Có hai khuynh hướng:

– Anh giáo tại châu Phi (trừ vùng Nam Phi) và tại châu Á thì kịch liệt chống đối ĐT và HNĐT.

– Anh giáo tại Bắc Mỹ và Canada thì chấp nhận ĐT và HNĐT ủng hộ kết hợp dân sự ĐT. Nhóm này chấp nhận cho cả các giáo sĩ ĐT.

Chính thống giáo

Giáo hội Chính thống giáo Nga vẫn giữ một lập trường rất nhặt, không chấp nhận hay thỏa hiệp về vấn đề Đồng tính và HNĐT.

Mới đây, Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Kirill của Tòa Thượng Phụ Matxcova đã “lên án việc Mỹ cho phép HNĐT, coi nó ngang bằng với hôn nhân tự nhiên mà Chúa đã ban cho chúng ta trong các điều răn”.

Phật giáo quan niệm thế nào?

Với Phật Giáo nói chung, “Thông qua những lời giảng dạy của Đức Phật, chúng ta không thấy Ngài phê phán những người Đồng tính về phương diện đạo đức”. (x. “HNĐT và quan điểm của Phật giáo” Tâm Diệu biên soạn 30/6/2015).

Với hàng Phật tử tại gia, Đức Phật không có điều luật hay lời khuyên nhủ nào về vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Với hàng Phật tử xuất gia, Đức Phật không cho phép những người ĐT được thọ giới Tỳ kheo, trong đó bao gồm cả người ái nam ái nữ.

Ý kiến của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình: Khi đề cập đến vấn đề ĐT vào ngày 11 tháng 6 năm 1997 tại San Francisco, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã “xác nhận nhân phẩm và quyền của những người ĐT, nhưng ngài cũng cho rằng, sự thủ dâm hay giao hợp đường miệng, hậu môn là không thích hợp và người con Phật cần phải tránh.

Vị Phật tử nổi tiếng vào bậc nhất thế giới và có thế giá bậc nhất trong các người con Phật, công nhận Đức Phật không nói gì về vấn đề ĐT, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi “ĐT là tà hạnh”.

(Còn tiếp)

Kỳ tới, chúng tôi sẽ trình bày cặn kẽ quan điểm của Giáo hội Công Giáo về Đồng tính và Hôn Nhân Đồng tính.

—————

Chú thích:

Bài viết có sử dụng thông tin từ: https://tgpsaigon.net/bai-viet/dong-tinhhon-nhan-dong-tinh-quan-diem-cua-giao-hoi-cong-giao-63571

——–oOo——-

Anh chị em trong các chương trình TGTL/SVTT và Dấu Chỉ Thời Đại mến chúc quý thính giả và các bạn trẻ một tuần lễ vui tươi và bình an trong tình yêu của Thiên Chúa và Mẹ Maria.