Nhìn lại lịch sử dân tộc Do Thái xuyên qua lịch sử ơn cứu độ của nhân loại, chúng ta suy niệm để thấy rằng: cuộc hành trình của dân tộc này cũng là hành trình của nhiều dân tộc, và định mệnh của người Do Thái cũng là định mệnh của từng con người trong nhân loại nơi trần thế. Xét về mặt dân tộc, dân tộc Việt Nam chúng ta cũng từng chịu nhiều đau khổ, mất mát trong cảnh nước mất, nhà tan. Hơn 20 thế kỷ đã qua cũng như dân tộc Do Thái, dân tộc VN chịu bao ách thống trị của những kẻ xâm lược. Mất nước rồi lấy lại. Lấy lại rồi cũng lại mất, rồi cũng lưu vong, cũng tản mát khắp nơi trên thế giới. Cũng có những người VN lưu vong tại chỗ như người Do Thái, là sống ngay trên mảnh đất của mình, nhưng lại mang thân phận những con thú lạc loài. Khi kẻ xâm lược không đồng hóa được, thì chỉ còn cách là phải tiêu diệt giống dân mà họ xem là bướng bỉnh. Dân tộc VN hôm nay bị lùa vào kế hoạch diệt chủng lần lừa trong lò thuốc độc của cả nước đang mất dần sinh lực, tương tựa như nạn diệt chủng Holocaust của Đức Quốc Xã áp đặt lên người Do Thái hồi Đệ Nhị Thế chiến. Cuộc đời của mỗi con người trong cuộc lữ hành trần thế cũng y như vậy. Mỗi người chúng ta cũng có những lúc đi loanh quanh trong một thứ sa mạc vô hình, nhưng đầy bão cát. Cũng ba chìm, bẩy nổi từ dao động này sang kiên trì khác. Cũng có những lúc đi trong vô minh, có thời được Thần trí dẫn dắt. Cũng có những suy nghĩ thuần khiết, lại cũng có những pha tạp khó dung chất chứa ở trong lòng, nên cứ gục ngã lại chỗi dậy. Chỗi dậy xong lại gục ngã. Nếu có những dân tộc sống đời vong quốc, thì từ bản ngã, con người đã có những lúc sống vong thân, tha hóa … nhưng dân tộc Do Thái tồn tại được là dù thế nào, họ vẫn tin là Thiên Chúa không bỏ họ, và Ngài khi ẩn khi hiện vẫn song hành cùng định mệnh với dân tộc mình.
Còn chúng ta thì sao? và định mệnh trong cuộc đời của mỗi người thì thế nào? 

1. Nguồn gốc của người Do-thái là người Hebrew (Hip-ri) cổ đại (như nguồn gốc của ng. VN là người Lĩnh Nam, hay thuộc dòng Bách Việt), xuất hiện tại Trung đông 4.000 năm trước.
Theo truyền thuyết: Người Do-thái và người Ả-rập đều là con cháu Abram (tên lọt lòng của Abraham).

2. Từ Thủy Tổ loài người tới Nô-E):
Theo Kinh Thánh Thiên Chúa tạo dựng ra vũ trụ, trong đó có con người, tên con người đầu tiên là Adam. Con cháu Adam & Eva dẫn tới No-e (Noah). No-e là vị Tổ phụ cuối cùng trong 10 vị tổ, trước thời tổ phụ Abraham.

3. Đại Hồng Thủy:
Khi No-e được 480 tuổi thì Th.Chúa báo cho ông biết loài người sẽ bị tiêu diệt vì sống tội lỗi. Nhưng Chúa cho ông thời hạn khoảng 120 năm để ông đóng một con tàu thật lớn, Ngài sẽ cho gia đình ông (vợ, 3 con trai là Sem, Cham và Gia-phêt; cùng 3 người con dâu), và một tập hợp những loài vật tiêu biểu (stk 6: 13-22). No-e sanh đứa con đầu lòng lúc vừa 500 tuổi. Khi ông được 600 tuổi thì cơn đại hồng thủy xảy ra như lời đã được loan báo (stk 7: 11). No-e được ơn sống thọ, nên đã sống tới 950 tuổi mới qua đời (stk 9: 28-29). Như đã biết: Con đầu của Noah là Sem. Vậy thủy tổ nhân loại là Adam & Eva. Bước sang giai đoạn hai sau đại hồng thủy, thì Sem lại là tổ tiên của một lớp người mới.
a) Sem  là tổ tiên của các giống dân Do-thái & Ả-rập. Nên được gọi là giống dân “Sem-ites” (phiên âm là Sơ-mit, hoặc Xê-mit, ghép bởi tên của “Sem”). Giống như nguồn gốc người VN là giòng Bách Việt, nhưng tính từ thời lập quốc, lúc Lạc Long Quân gặp Ấu Cơ sanh trăm con một bọc, thì VN chúng ta được gọi là dòng giống Lạc Hồng (con Hồng cháu Lạc – Hồng là loài chim biểu tượng cho tiên. Trong tên của Lạc Long Quân có chữ Long là rồng, nên cũng gọi là con cháu Tiên Rồng). Con cháu của Sem sinh sôi nảy nở … dẫn đến Abraham.
b) Vùng đất của Sem: Quê hương của Abraham ở thành Ur thuộc miền Bắc Mesopotamia (vùng Lưỡng Hà sẽ nói sau), thì Sem và anh em con cháu nhà No-e chắc chắn sinh sản và định cư trong vùng này (vùng Mesopotamia). Hơn nữa theo giả thuyết tàu của No-e tắp lên vùng có tên là A-ra-rat nằm trong vùng Lưỡng Hà, nơi đó là một dãy núi hay vùng đồi, được bốn lần xuất hiện trong Kinh Thánh (stk 8:4). Các báo cáo của ngành khảo cổ giả định về những di tích của những mùn gỗ tìm thấy ở hồ Kop trên núi A-ra-rat có liên quan với chiếc tàu No-e. Tuy nhiên, đa số các nhà khảo cổ chưa dám khẳng định. Có điều rằng lưu vực của các giòng sông bao giờ cũng là nơi con người ở bất cứ thời đại nào, không gian nào, người ta đều bám vào đó mà sinh tồn. Chính nơi đây, con cháu và giòng dõi của Sem đã phát triển để sau một thời gian dài … thì xuất hiện một Tổ phụ thời danh trong Cựu-ước, đó là Tổ phụ Abraham.

4. Một Giấc Mơ Một Giao ước & Cha của các dân tộc.
Năm 75 tuổi, Abram là người đã được Thiên Chúa nói với ông trong giấc mơ là hãy từ bỏ quê hương mình mà đi định cư tại một vùng đất mới có tên là Canaan (sau gọi là miền đất hứa. Đây là vùng đất kéo ngang từ bờ sông Jordan tới biển Địa Trung Hải). Điều quan trọng là Abram đã tin vào Thiên Chúa và đã thực hành điều Chúa bảo ông trong giấc mơ.
“Này, Ta sẽ làm cho ngươi trở thành một dân tộc vĩ đại. Ta sẽ chúc lành cho ngươi và làm cho tên của ngươi trở thành lớn lao. Qua ngươi, hết thảy các dân tộc trên thế gian sẽ được chúc phúc”.

5. Quê hương Abram
Abram là người ở thành Ur thuộc phía Bắc vùng Mesopotamia (vùng Lưỡng Hà – tức nằm giữa hai giòng sông Euphrates và Tigris, bây giờ bao gồm lãnh thổ Iraq, Kuwait, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, và tây nam Iran hiện tại. – cũng theo truyền thuyết thì Tigris là con sông vắt ngang vườn Eden – tức vườn Địa đàng).

6. Thử Thách &Trung thành (với giao ước).
Abram thành Tổ Phụ các Dân tộc
Đánh dấu sự thử thách trong quá trình giữ lòng trung thành tuyệt đối, Thiên Chúa đã ra lệnh cho Abraham hiến tế con trai Isaac của mình, để làm của lễ. Ông chấp hành không chút thắc mắc. Lòng tự nguyện của Abraham dâng lên Thượng đế núm ruột ông yêu quí nhất là một mẫu mực của lòng trung thành triệt để, nên Chúa lập với ông một giao ước: Đặt tên cho ông là Abraham nghĩa là “Cha của nhiều dân tộc”, còn ông và dòng dõi của ông sẽ chỉ thờ một Thiên Chúa duy nhất là Đấng tạo dựng ra vũ trụ. Lòng yêu thương loài người của ông cũng vô bờ bến, khi ông tha thiết và buồn bã khẩn cầu Thượng đế đừng hủy diệt hai thành Sodom và Gomorrah.
Đó cũng là đặc tính của 1 vị Đại tổ phụ không chỉ đối với bất kỳ dân nào.

7. Nhà Abraham tách làm hai:
Abram cưới Sarah, nhưng Sarah không có con, nên bà bảo Abraham lấy Hagar (một thị tì người Ai-cập) làm vợ thứ (tập tục cổ xưa cho phép), thì sanh được 1 con trai đặt tên là Ismael. Lúc đó Abraham 86 tuổi, và đã sinh sống ở Ca-na-an được 11 năm. Sau đó Sarah cũng có con, đặt tên Isaac. Sarah đòi Abraham đuổi hai mẹ con Hagar & Ismael ra khỏi bộ tộc (tất nhiên Abraham bị miễn cưỡng). Kinh Koran của Hồi giáo theo sát Kinh Thánh Cựu-ước đến đây thì tách ra.
a) Con cháu Ismael: Cũng theo kinh Koral thì Ismael đi tới Mecca (bây giờ là kinh đô & cũng là Thánh địa của Hồi giáo). Con cháu Ismael phát triển mạnh trên bán đảo Ả-rập và trở thành người Hồi giáo vào thế kỷ thứ 6 sCN. Ismael lớn lên ở Ai-cập, có tài bắn cung cưỡi ngựa và lấy vợ Ai-cập, và làm cha của 12 (cũng số 12) đầu mục của 12 bộ lạc (stk 25: 12-16). Trong Kinh Thánh Cựu ước cũng có chép việc Thiên sứ của Chúa hiện ra và cũng hứa ban cho Ismael một dòng dõi đông đúc, khi hai mẹ con Haga bị đuổi và trên đường đi Ai-cập (Gióp 39: 5-8).
b) Con cháu Isaac ở lại Palestine (Ca-na-an) và thành tổ tiên của người Hebrew ứng nghiệm như lời Thiên Chúa đã hứa với Abraham rằng: “Do nơi Isa-ac sẽ sinh ra một dòng dõi lưu danh ngươi” (stk 21: 12), sau này dân Hebrew sẽ được gọi là người Israel, hay là Isralites, rồi Jews (tiếng Việt gọi chung Hebrew, Israelites hay Jews là Do-thái – chữ Jews sẽ được nói sau).

8. Tổ Phụ của người Do-thái:
Sau khi Abraham qua đời, thì Isaac kế tục lãnh đạo, rồi tới con trai của Isaac là Gia-cop, kế 12 người con của Gia-cóp lãnh đạo 12 chi tộc (lúc đó dân số đã đông). Nên tất cả các vị nói trên đều được gọi là Tổ phụ của dân Do-thái.
a) Xuất xứ của một sự thù địch: Tới đây, ta cũng cần mở một ngoặc nói thêm về người anh Esau: Esau với Giacop là hai anh em sinh đôi. Ý định của Isaac là ban chúc lành cho người con trưởng là Esau. Tuy nhiên, ưu thế của Gia-cop trên anh trai đã báo hiệu trước vào lúc họ chào đời (stk. 25: 21-26). Cuối cùng Gia-cop được Isaac ban phước lành một cách vô thức vì tuổi già trong sự tráo đổi của hai mẹ con. Chính sự tráo đổi này châm rễ cho sự thù địch chi phối giữa dân Israel của Gia-cop và dân Ê-đôm của con cháu Esau. Những xung khắc này xuất hiện trong Cựu-ước (Ds 20: 18-21; hay: I vua 11: 14tt; hoặc Tv 137: 7). Từ ngữ Ê-đôm được đặt cho ý nghĩa của một món súp có màu đỏ mà Esau đã đánh đổi quyền trưởng nam; Nó cũng chỉ về mảnh đất mà con cháu của Esau sinh sống. Trước đó là đất của Syrie, trải dài từ sông Zered đến vịnh Aqabah (khoảng 160 km), và mở rộng ra hai bên bờ của Arabah (2vua 3: 8,20); vùng lõm nối biển chết và biển đỏ. Tuy không màu mỡ, nhưng cũng có những khu vực rất tốt cho việc trồng trọt (Ds 20:17,19). Esau đã cưới một trong các con gái của Ismael (stk 28:9).
b) Một chút Quan điểm Thần học: Quan điểm về thần học trong ý nghĩa mất quyền trưởng nam của Esau là việc ông là người bị loại bỏ. Esau tượng trưng cho những người Thiên Chúa không chọn. Nền tảng của sự chọn lựa này không phụ thuộc vào bất kỳ sự khác biệt về cá tính hay đời sống của Gia-cop và Esau. Gia-cop được chọn trước khi ông và anh ông ra chào đời. Thiên Chúa đã thực hiện ý muốn tối cao của Ngài qua việc tự nguyện thi hành ân điển của Ngài. Ta có thể thấy việc chúa thể hiện “ơn gọi” của Ngài về Thiên chức Linh mục hôm nay trong số những người anh em trong cùng một gia đình, không thể cắt nghĩa theo nhãn quan con người. Tuy nhiên, Esau vẫn tượng trưng cho những ai từ bỏ sự trông cậy của mình về sự vinh hiển (chấp nhận nhường chức trưởng nam), vì cớ đã ham hố những điều thấy được chút lợi lộc trước mắt, nhưng lại mau qua (tức đổi lấy bát (tô) cháo nóng trong lúc bụng đói).

9. Dân Hebrew thành dân Israel:
Một đêm kia, Jacob nằm mơ vật lộn với một người lạ, người ấy chính là hình bóng của Th.Chúa, đã chúc phúc cho Gia-cop và đặt cho gia cop tên gọi Israel, có nghĩa là “kẻ vật lộn với Thượng-đế”. Chữ Israel bắt đầu có trong Kinh Thánh từ đó. Tức là những người Hebrew từ nay được gọi là những người con của Israel, hay Israelites.
(Sự hình thành 3 Tôn giáo lớn: Theo thời gian từ trong lịch sử Do-thái, ta thấy phát xuất ba tôn giáo lớn và ảnh hưởng nhất trên thế giới. Khởi đầu là Do-thái giáo xuất hiện vào khoảng 1.500 tcn; Tiếp theo là Kitô giáo được Chúa Giêsu sáng lập vào giữa tk. I; Rồi vào tk. VI thì Hồi giáo được nhà tiên tri Muhammad tự cho mình là sự tiếp nối hoàn hảo với mục đích thay thế hai tôn giáo trước đó! theo một thống kê trước đây, khi Do-thái giáo lên tới 14 triệu tín đồ, thì Kitô giáo khoảng hai tỷ, còn Hồi giáo 1,5 tỷ).

10. Vùng Đất Hứa hay Cái rốn của địa cầu ?
Mảnh đất Canaan nơi mà Abraham đã nghe lời Chúa, bỏ quê hương mình mà tới, rồi sau Chúa lại dẫn Mô-se đem dân của ông từ Ai-cập mà về. Ở thời điểm này Kinh Thánh gọi đó là mảnh đất Chúa hứa cho dân Ngài – nơi có đầy sữa và mật ong – Chính là giao điểm của các nền văn minh, kết nối ba châu lục: Phi, Âu và Á. Nếu như ngày nay người ta tin rằng con người có nguồn gốc từ châu Phi, thì tổ tiên của tất cả người châu Á và châu Âu chắc chắn đã kinh qua vùng đất này.
a) Cũng là cái rốn của nền văn minh tây phương: Một giả thuyết khá thuyết phục hiện nay cho rằng người Do Thái cổ đại mà chúng ta gọi là Hebrew là sự pha trộn giữa người Canaan và người Habiru, hoặc dân cướp Shasu Bedouin là những người sau này được khẳng định có nguồn gốc từ Ur (quê hương của Abraham) . Theo thời gian họ đã đạt tới biểu tượng của nền văn minh, với một ngôn ngữ mẹ đẻ tinh tế. Tiếng Hebrew thuộc cùng hệ ngôn ngữ Semitic (xin nhớ đó là ngôn ngữ dân sơ-mit, hay xê-mit tức con cháu của Sem (có sách viết là Shem), xin coi lại số 3: Sem là con trai đầu lòng của No-e) như tiếng Canaanite, Phoenician và Punic, nhưng cho đến nay chỉ có tiếng Hebrew là còn sót lại. Người Canaan cũng phát triển bảng chữ cái phụ âm đầu tiên của thế giới trong thế kỷ 18 và 17 tCN. Được phổ biến bởi người Phoenician thông qua thương mại, bảng chữ cái này hình thành các mẫu (template) cho các hệ thống mẫu tự Hebrew, và sau đó cho tiếng Hy Lạp, Latinh và tiếng Ả Rập. Đây là nền tảng mẫu tự của các ngôn ngữ tây phương, và cả Việt Nam.
b) Về chính trị, Abraham, Isaac và Jacob chỉ là những nhà lãnh đạo nhỏ tại vùng đất Canaan giữa vô số những bộ lạc lớn hơn ở chung quanh. Trong suốt thiên niên kỷ thứ 2 tcn, Canaan chỉ là một tỉnh của một trong những cường quốc trong khu vực hồi đó: Ai Cập ở phía nam, Babylon và Mesopotamia ở phía bắc. Những cường quốc này xem là tiên tiến nhất, từ quân sự lẫn kinh tế . Không ai thoát khỏi ảnh hưởng của họ cả về văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc.

11. Những truyền thuyết và các chuẩn mực xã hội của Mesopotamia
Những truyền thuyết và các chuẩn mực xã hội của Mesopotamia đã ảnh hưởng và đem lại màu sắc cho những phong tục tập quán của người Hebrew xưa, tức người Do Thái sau này. vào khoảng năm 2000 tcn dưới quyền trị vì của Pharaoh Mentuhotep II, Vương quốc Ai-cập đã thống nhất sau những hỗn loạn và chia đôi đất nước, rồi đóng đô tại Thebes. Chỉ sau 200 năm, tức năm 1.800 tcn, thì Ai-cập đã trở lên giàu mạnh và có sức bùng nổ về kinh tế, Ai Cập đã lôi kéo hàng ngàn người ngoại quốc di cư đến đây.

12. Thiên Chúa sắp đặt mọi biến cố & cuộc tỵ nạn kinh tế ở Ai-cập.
Tại Canaan, một trăm năm sau Abraham, vào thời đại của Jacob, đất Canaan rơi vào cảnh mất mùa đói kém. Lúc này, đất Ai Cập với phù sa sông Nile là vựa lúa của vùng Địa Trung Hải và là miền đất hứa cho các dân tộc quanh đó tìm đến như đã nói ở trên. Thượng đế cho thấy việc Ngài là đấng hình thành và sắp xếp hết thảy các biến cố, để bảo đảm sự liên tục của dân Ngài chọn và để hoàn thành các mục đích của Ngài. Thí dụ, chính Thiên Chúa đặt tên cho Jacob là Israel, để sau đó trở thành danh xưng của 1 dân tộc. Thượng đế bảo vệ Josef, con trai của Jacob, bị anh em đem bán sang làm nô lệ ở Ai Cập. Cuối cùng, Ngài nâng Josef lên địa vị quan cao chức trọng để ông có khả năng cứu vớt cả nhà mình, gồm cha già và 12 anh em (mười một người con trai còn lại là Reuven, Simon, Levi, Judah, Yissahar, Zevulem, Dan, Gad, Naftali, Asher và Benjamin người em út), làm đầu nguồn của 12 bộ tộc Hebrew (Híp-ri). Chuyến đi tị nạn tưởng chỉ tạm thời trong đôi ba vụ mùa, đâu ngờ kéo dài tới 400 năm. Mười hai anh em thành 12 chi tộc sống ở Goshen, từ 1 gia đình 70 người di dân, thành một dân tộc 40 vạn người.

13. Từ di dân biến thành nô lệ:
Các Pharaoh về sau quay lưng lại ngược đãi người Do Thái, bóc lột họ và dùng họ làm nô lệ, ép họ phải đi lao dịch nặng nhọc và độc ác nhất là ra lệnh dìm chết tất cả những bé trai Do Thái mới lọt lòng, nhằm diệt chủng người Do Thái (Họ bị nằm trong âm mưu diệt chủng lần thứ nhất).

14. Moses & cuộc Xuất Hành .
Giữa hoàn cảnh nô lệ đầy khổ cực của người Do Thái, một cứu cánh đã đến, như một phép màu, đã giải cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ. Đó là sự xuất hiện của Mô-se (Moses) vào khoảng thế kỷ 15-14 tcn. Tên gọi ‘Moses’ có thể có nguồn gốc Ai Cập. Theo lời kể trong Kinh Thánh, Mô-se được sinh ra ở Ai Cập, bố là Amram người Levi (tức Levite), và mẹ có tên là Jochebed. Khi một Pharaoh mới lên cầm quyền và ra lệnh giết tất cả những trẻ sơ sinh trai gốc Do Thái, người chị của Mô-se là Miriam đã dấu Mô-se trong một bụi cây bồ hoàng cho đến khi công chúa Thermuthis con gái Pharaoh phát hiện ra. Công chúa mang bé trai về cung và đặt tên là Moses. Từ đó Mô-se được nuôi dưỡng và lớn lên như một hoàng tử trong hoàng cung.
a) Từ một biến cố mang tên The Exodus: Một hôm, Mô-se giết chết một người lính Ai Cập khi chứng kiến người lính này đánh đập một người nô lệ Do Thái. Lo sợ, Mô-se bỏ trốn hoàng cung chạy đến Ethiopia làm người chỉ huy quân đội. Sau đó ông di chuyển đến sa mạc Jordan làm người chăn cừu cho Jethro người Midianites. Trong thời gian này, Mô-se cưới con gái của Jethro là Zipporah, và sinh con trai là Gershom. Một lần trong khi Mô-se dẫn cừu đi sâu vào vùng núi thiêng Sinai (thuộc bán đảo Sinai của Ai Cập ngày nay), bỗng Thiên Chúa hiện ra ở giữa một bụi gai đang bốc cháy. Rồi Mô-se nghe tiếng Thiên Chúa nói, “Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân ta ở Ai Cập, nơi họ đang bị đối xử như nô lệ. Ta sẽ giải phóng chúng khỏi đất nước tàn bạo đó, và ban cho chúng một mảnh đất khác tốt lành, đượm sữa và mật. Vì thế, ngươi, phải dẫn dắt dân ta ra khỏi Ai Cập về Miền Đất Hứa”. Thế là Mô-se, cầm theo cây gậy linh thiêng của Thiên Chúa ban cho, cùng với vợ con lên đường trở lại Ai Cập, giải thoát dân Do Thái đang bị câu thúc. Biến cố ly kỳ này được ghi lại trong Sách Xuất Hành, mô tả chi tiết hành trình gian truân về Miền Đất Hứa (sử hiện đại gọi cuộc hành trình vượt thoát ra khỏi Ai-cập của người Do Thái là The Exodus – cũng như cuộc vượt biển vĩ đại của dt VN cuối thế kỷ 20 thoát khỏi bạo quyền CS được thế giới gọi là The Boatpeople ). Khoảng bốn chục vạn dân Do Thái, chạy trốn khỏi Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ (Red Sea), đi về hướng đông qua nhiều sa mạc hoang vu và lưu lạc ở đó suốt 40 năm, cuối cùng trở về chinh phục vùng đất Canaan mà Thượng Đế đã hứa cho họ từ thời Abraham. Riêng Mô-se, dù sống thọ đến 120 tuổi, Mô-se đã không được vào Miền Đất Hứa mà phải chết trong sa mạc.
b) Bốn mươi năm trong hoang mạc. Cuộc lên đường gay cấn của 400.000 người diễn ra trong khoảng thế kỷ 13 TCN. Ngày    nay, nhìn vào bản đồ, người ta có thể thấy thay vì đi thẳng chỉ tốn một khoảng thời gian ngắn, đoàn người Israel đã đánh một vòng quanh hoang mạc rồi loanh quanh lẩn quẩn mất tới bốn mươi năm. Bằng cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm.
c) Người Lãnh đạo trực tiếp. Thiên Chúa hướng dẫn họ khi tiến bước, khi dừng chân. Sự giáng lâm hữu hình Shekinah* ấy còn cụ thể ở Nơi Cực thánh (Holy of Holies) trong Lều Trướng mà mỗi khi cần thiết, Moses có thể trò chuyện trực tiếp, tuy không được phép thấy mặt ngài. Như vậy lãnh đạo thật sự chính là Thượng đế đích thân, còn Moses chỉ là kẻ điều động, công cụ của Ngài. Bốn mươi năm hành trình là thời kỳ tôi luyện con người Israel. Làm sao cho một dân tộc quen sống trong cảnh sung túc rồi bị nô lệ hàng trăm năm, có đủ tính cách và bản lãnh để có thể chinh phục vùng đất trước mặt, và xây dựng một quốc gia hùng mạnh trong tương lai. – (*Theo cách dịch của những học giả Do-thái sách Các Vua và Ê-xê-chi-ên sang tiếng A-ram, Shekinah là sự hiện diện của Chúa nhưng chưa phải là chính Ngài. Tuy nhiên, thật khó để phân biệt giữa Shekinah được hiểu là ẩn dụ (metaphor) hay là nhân cách hoá (personification). Shekinah được hiểu vừa là sự hiện diện, vừa là thân vị của Chúa)
d) Tại sao phải mất 40 năm? Để có khả năng tiếp nhận miền đất hứa và xứng đáng làm người chủ của nó, dân tộc Israel phải trải qua cuộc thanh tẩy trong đạo đức, thao luyện qua gian khổ và sinh hoạt vào khuôn phép. Quả thật, tường trình về chuyến băng ngang sa mạc ghi nhận đầy đủ những tin tưởng và phản bội, trông cậy và sa ngã, chiến đấu và thất bại, non nớt và trưởng thành, v.v. Đối với một số học giả, đó là lời giải thích cho cuộc đi vòng quanh và lẩn quẩn quá dài ngày mà thoạt trông tưởng là lạc lối hoặc phi lý. Nhất là về sự bất trung của một dân tộc, như có lần tại Ca-đê, Mô-se đã sai thám tử vào đất Ca-na-an, những người này về báo cho biết: Xứ này rất phì nhiêu, dân cư rất hùng mạnh (Ds 13: 17-33). Nghe nói thế, những người Israel vô tín, hay ngã lòng đã nổi lên chống đối Mô-se, chống đối Thiên Chúa, vì họ làm sao có thể chiến đấu được với những dân tộc ấy. Nhưng Mô-se đã cầu xin Th.Chúa tha chết cho họ, vì lý do đó Chúa mới phạt họ phải lưu lạc trong đồng vắng 40 năm, chờ cho thế hệ chống nghịch này qua đời, và ban xứ Ca-na-an cho thế hệ mới (Ds 14: 20-35).
e) Lý do cả Mô-se lẫn A-ha-ron đều không được bước chân vào mảnh đất hứa: Khi dân Chúa tới Ca-đê thì không có mạch nước nào chảy ở đây cả. Họ lại nổi lên sự phản nghịch cùng Th.Chúa. Chúa bảo Mô-se và Aharon cầm lấy cây gậy và bảo tảng đá thì chúng sẽ cho nước. Vì hai ông yếu đức tin (tức có sự ngờ vực trong lòng), phải đập cây gậy lên tảng đá tới hai lần thì nước mới chảy ra. Chính sự yếu tin đó mà hình phạt dành cho họ là cả hai không được vào đất hứa, nơi mà Mô-se rất ao ước được bước vào.
f) Giao ước với toàn thể dân tộc. Trước đây, Thiên Chúa giao ước riêng với Abraham, lần này, trong cuộc hành trình về miền đất hứa, ngài giao ước với toàn thể dân tộc Israel qua những lần Moses lên đỉnh núi Sinai để trực tiếp gặp ngài. Từ đỉnh núi đi xuống, Moses chuyển giao cho dân tộc Israel các huấn thị minh bạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa lúc này tỏ lộ danh xưng là Y-H-W-H, nghĩa là “Ta là kẻ ta là”, gọi là Gia-vê (có nơi phiên âm thành Giê-hô-va) vì việc kêu lên Thánh Danh Ngài là điều cấm kỵ tuyệt đối (chúng ta hiểu là tập tục thuở đó) nên người Do Thái đã gọi Ngài là Elohim, (nghĩa là Thiên Chúa, Thượng đế, Đức chúa, v.v.). Còn về khuôn mặt thì không một ai trông thấy ngài mà sống sót, ngay cả Moses cũng chỉ được phép thấy bóng lưng ngài.
g) Giao ước thế nào ? Đặc điểm của giao ước lần này rất cụ thể, là chừng nào dân Israel còn hoàn toàn vâng theo lời Ngài và chỉ tôn thờ một mình Ngài, chừng đó họ còn được Ngài che chở mọi mặt. Ngài đã nói rất rõ rằng, “Ngươi sẽ không có những thần nào khác trước mặt ta. Ngươi sẽ không tạc những hình tượng hoặc bất cứ cái gì tương tự. Ngươi sẽ không bái lạy chúng hoặc thờ phụng chúng, vì ta là Thiên Chúa của ngươi, đấng Thiên chúa ghen tương”. Tất nhiên khi nào làm ngược lại, họ sẽ không còn được bảo vệ.

15. Mười điều răn & các lề Luật.
Cũng tại núi Sinai này, Thiên chúa truyền Mười điều răn, được Ngài khắc sẵn trong hai tấm bia đá và trao tận tay Moses. Có thể rút gọn chúng như sau:
1. Ta là Thiên Chúa, đấng mang các ngươi ra khỏi Ai Cập, và ra khỏi cảnh câu thúc; Ngươi sẽ     không có các thần nào khác ngoài ta ra;
2. Ngươi không được vô cớ kêu tên Thiên Chúa;
3. Hãy nhớ ngày Sabbath và giữ nó làm ngày lễ nghỉ;
4. Ngươi hãy tôn kính cha mẹ ngươi;
5. Ngươi sẽ không giết người;
6. Ngươi sẽ không được phạm tội dâm dục, cũng sẽ không phạm tội ngoại tình;
7. Ngươi sẽ không ăn cắp;
8. Ngươi sẽ không làm chứng gian dối chống lại người bên cạnh;
9. Ngươi sẽ không được muốn vợ của người bên cạnh;
10. Ngươi sẽ không được tham bất cứ cái gì khác của người bên cạnh.

Cùng với Mười điều răn là vô số huấn thị khác của Thiên Chúa, làm thành bộ kinh Torah gồm năm cuốn đầu của Kinh thánh, gọi là Ngũ kinh – Pentateuch (gồm: Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ Nhị Luật) mà truyền thống của người Do Thái cho rằng Moses chính là tác giả của nó, ông nhận được từ Thiên Chúa qua ngôn từ trực tiếp và khải thị thiêng liêng, rồi truyền lại cho dân chúng. Ngoại trừ phần tường trình về công cuộc sáng thế, bộ kinh Torah đưa ra qui định lề luật từ việc nhỏ nhất về vệ sinh thân thể tới cúng tế, từ cưới hỏi, tang chế tới ăn uống kiêng khem (kosher), các lễ lạc từ ngày Sabbath hàng tuần, tới các ngày lễ trọng thể và bán trọng thể quanh năm, v.v.

16. Hình thành một Tôn giáo:
Những tư liệu pháp lý liên quan đến sự kiện trên núi Sinai đã trở thành những tư liệu quan trọng nhất trong Kinh Thánh Hebrew. Theo Sách Sáng Thế, các nguyên lý căn bản của Do Thái giáo thực sự được mặc khải tuần tự theo dòng dõi các tổ phụ, từ Adam đến Jacob. Tuy nhiên, Do Thái giáo thực sự được hình thành như là một tôn giáo chỉ khi Mô-se nhận lãnh Mười Điều Răn trên núi Sinai, cùng với hệ thống tư tế và các nghi thức thờ phụng tại Ngôi Đền Jerusalem sau khi dân tộc này được giải cứu khỏi Ai Cập.
a) Lều Trướng & Hòm Bia Giao-ước. Nơi hoang mạc, cứ mỗi thời kỳ dừng chân, dân Israel dựng Lều Trướng. Ở đó, tại Phòng Cực thánh (Holy of Holies), họ đặt Hòm Giao ước trong đó đựng hai bia đá ghi Mười giới răn. Lều Trướng bao giờ cũng nằm ở vị trí trung tâm, chung quanh là lều trại của 12 bộ tộc. Thiên Chúa hiện thân làm Shekinah, trong đám mây hay cột lửa dẫn đường đi tới hay dừng lại và trở thành quầng sáng bên trên Lều Trướng.
b) Một truyền thống lễ nghi tôn giáo. Lều Trướng là tiền thân của Đền thánh Jerusalem mà sau này, Thiên Chúa cũng ngự ở Nơi Cực thánh, căn phòng nội điện, chỉ duy nhất thượng tế được vào mỗi năm một lần và chỉ được gọi Thánh Danh ngài trong lần đó. Và rồi suốt mấy ngàn năm sau, khi định chế hội đường trở thành tâm điểm của sinh hoạt cộng đoàn Do Thái giáo, hội đường nào cũng qui hướng về Jerusalem và có một Hòm thánh trong đó đựng cuộn kinh Torah viết trên giấy da. Và tuần nào cũng lấy ra đọc một trích đoạn cho cộng đoàn nghe trong ngày Sabbath.

17. Vào miền đất hứa
Suốt bốn mươi năm dài đăng đẳng đó, không phải đoàn người lữ thứ hoàn toàn quanh quẩn mịt mù trong sa mạc. Đã có lần họ tới được bên rìa của miền đất hứa Canaan, trông thấy nó, và Moses từng cử một đoàn thám sát vào thăm dò (vừa nói ở trên trong mục “Tại sao phải mất 40 năm”). Nhưng lần đó, dân Israel mới chỉ như con người thoáng thấy chân lý, rồi lại bị trôi xa bờ và dạt giữa dòng đời. Sau những gian nan khi tiến, khi lùi, gần như bất tận, đoàn người lữ thứ lên tới khoảng 600.000 người, và chuyển sang một thế hệ mới, với tinh thần mới và tính cách mới. Họ trở nên kỷ luật hơn, thiện chiến hơn, đạo đức hơn, và như thế, chỉ có thế hệ mới này mới đủ tiêu chuẩn đặt chân lên miền đất hứa. Ngay cả bản thân Moses, người của thế hệ cũ, cũng chỉ được lên núi cao đưa mắt ngắm nó trước khi nhục thể phải nằm lại tại Moab, dưới một nấm mồ không bia mộ, ở thung lũng giáp ranh với Canaan.

18. Bộ Ngũ Thư thành văn xuất hiện.
Mang theo Lều Trướng và Hòm bia Giao ước trong đó đựng Mười giới răn, và mang theo lời truyền khẩu về Lề luật mà ba trăm năm sau, dưới thời Hoàng đế Solomon, được ghi lại thành bộ kinh Torah, đoàn người vượt sông Jordan vào vùng đất hứa Canaan. Trong khi các xứ sở chung quanh có vua chúa, thờ phụng nhiều thần linh bản địa bằng ngẫu tượng và theo tôn giáo tự nhiên, chỉ một mình dân Israel thờ phụng một Thiên Chúa duy nhất, biến niềm tin thành giới luật và thoát ra ngoài sự sùng bái quỉ thần cùng mê tín dị đoan.

19. Thời các Thủ Lãnh ( chưa vua)
Miền đất hứa ấy được chia vùng cho 12 bộ tộc sinh sống, còn Lều Trướng với Hòm bia Giao ước đặt tại Shiloh. Từ khoảng năm 1200 cho tới năm 1047 tcn, các bộ tộc Israel sống bằng canh nông và chăn nuôi. Họ không có vua, không có chính quyền trung ương, mọi sự được phân xử bởi các thủ lãnh, còn gọi là thẩm phán. Thẩm phán là người được lấy từ các kỳ mục vị vọng, có trách nhiệm đặc biệt phân xử về đất đai, hôn nhân và các sự việc liên quan tới lề luật. Đồng thời, thẩm phán còn lãnh đạo những cuộc hành quân phối hợp giữa các bộ tộc trong những trận đánh với các dân tộc chung quanh, đặc biệt với quân Philistine, tiền thân của người Palestine sau này. Người sau cùng và nổi tiếng nhất là thủ lãnh Samson, thuộc bộ tộc Dan, nhà dũng sĩ vô địch đã dùng cái chết để lập chiến công tối hậu và chuộc tội sa ngã nữ sắc của mình. Thời kỳ này được ghi lại trong sách Thủ lãnh.

20. Thời kỳ của hoàng đế
Saul (Sao-lê) ông vua đầu tiên.
Tình trạng tranh chấp và chia rẽ giữa các bộ tộc cùng những xung đột với các dân tộc bản địa chung quanh dần dà vượt quá tầm giải quyết của thủ lãnh (thẩm phán). Đã tới thời điểm người Israel đòi phải có vua, bất chấp lời cảnh cáo của Thiên Chúa và Ngôn sứ Samuel về một tương lai sẽ đánh mất quyền làm chủ sinh mạng và của cải vào tay đức vua, đồng thời sẽ than khóc vì mình đã chọn loại lãnh đạo đó. Cuối cùng Thiên Chúa đành để cho Samuel đi tìm và xức dầu tấn phong Saul, người thuộc bộ tộc Benjamin lên làm vua.
Saul, Lúc đầu thì tốt. Nhưng rồi quyền lực trần thế biến ông thành người điên loạn. Ông hãm hại kẻ trung lương là David. Cực điểm hư hoại của Saul là đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Cuối cùng, Saul tự sát ngoài chiến trường trong lúc đối đầu với quân đội Philistine. Đời làm vua của ông kéo dài 37 năm, bắt đầu từ năm 1047 và kết thúc vào năm 1010 TCN.

21. Vua Đavit
David, thuộc bộ tộc Judah và xuất thân mục đồng, là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Israel. Làm vua Judah năm 1010 tcn và hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước Israel năm 1003 tcn, David là vị vua anh hùng, mở đầu cho Nhà David với Ngôi sao David biểu tượng cho dân tộc Do Thái, gồm hai hình tam giác đều đặt ngược nhau và đồng tâm; nối các điểm tiếp giáp thì sẽ cùng với các mũi nhọn làm thành 12 tam giác nhỏ, tiêu biểu cho 12 bộ tộc. Thêm nữa, David được qui là tác giả của sách Thánh vịnh, dùng làm cốt lõi cho kinh nguyện Do Thái giáo suốt mấy ngàn năm nay. Đặt Zadok làm Thượng tế, nhà vua bắt đầu chuẩn bị xây đựng Đền thánh Jerusalem, thay thế Lều Trướng, để làm tâm điểm cho Do Thái giáo và biến kinh đô Jerusalem thành Thành Thánh của dân tộc, hay còn gọi là Thành David.

22. Solomon (Sa-lô-môn).
David qua đời năm 970 tcn, nối ngôi là hoàng tử Solomon (Sa-lô-môn), kẻ tiêu biểu cho minh triết Israel và được Chúa ban cho đầy đủ khôn ngoan. Thời đại Solomon thịnh trị, kinh Torah được ghi thành văn bản. năm 960 tcn ông cho khởi công xây Đền thờ Jerusalem.
Một đền thờ nổi tiếng và vĩ đại, làm toàn bằng những vật liệu quý giá nhất thời bấy giờ.
Thế nhưng cuối cùng, quyền lực vẫn có khả năng làm băng hoại Solomon, kẻ được Thượng đế ban cho làm người khôn ngoan nhất thế gian. Ông mất bảy năm để xây cất Đền thánh Jerusalem nhưng bỏ ra 30 năm để xây dựng các lâu đài của hoàng cung. Cùng với lợi tức do Solomon kiếm được nhờ ngoại thương, dân chúng phải chịu sưu cao thuế nặng, mới có thể trang trải nổi những phí tổn của quốc gia. Nhà vua có một hậu cung với 700 hoàng hậu, 300 phi tần trong đó nhiều phụ nữ ngoại giáo, và ông dựng các tế đàn ở vùng đồi cao, núi sâu để họ cúng tế các thần ngoại giáo của họ.
Solomon vị vua uy hùng cuối cùng của Israel, qua đời năm 931 tcn, trao lại vương quyền cho con là Rehoboam với một vương quốc trên đà hổn loạn, trong nỗ lực nổi dậy chống Solomon của các bộ tộc, ngay lúc ông vẫn còn tại vị . Rehoboam cuối cùng bị truy nã, tìm đường ẩn náu sang Ai-cập (1V 11:26-40).
Tóm lại: Salômôn có công cũng lớn, nhưng tội cũng nhiều. Một con người khôn ngoan có thừa, nhưng cũng quá nhiều đam mê. Trong Phúc Ấm khi Chúa Giêsu nhắc tới Nữ hoàng Phương Nam, là nhắc tới người đàn bà quyền uy từ xa cất công tìm gặp Salômôn, nhưng Salômôn cũng là nguyên ủy của một đất nước đi vào vong quốc. Nơi ông, một bình minh rực sáng, nhưng cũng là hoàng hôn của chiều tàn. Một nhân vật đáng cho chúng ta suy gẫm hỡi những ai cậy mình giàu sang, phú qúy và tài giỏi.

23. Chia thành hai vương quốc
Năm 930 tcn, Jeroboam, người không thuộc hoàng tộc David, lãnh đạo cuộc nổi loạn của mười bộ tộc phương bắc và thành lập nước Israel mới. Chỉ còn lại hai bộ tộc Judah và Benjamin trung thành với Nhà David làm thành nước Judah ở phương nam, nơi có Đền thờ Jerusalem.

24. Thời Các Ngôn Sứ.
a) Vương quốc phía Bắc:
Chọn Samaria làm kinh đô, Jeroboam muốn xây dựng trong nước Israel của mình một đền thờ ở Bethel thay cho Jerusalem nhưng với một số biểu tượng ngoại đạo. Và cùng với chúng là các vị vua hậu duệ của ông bái lạy thần linh ngẫu tượng. Đây là thời kỳ xuất hiện các ngôn sứ như Đại ngôn sứ Ê-li-a (Elijah) và đệ tử kế thừa là Elisha, cùng với các ngôn sứ khác như A-mốt (Amos), Hô-sê (Hosea), và Giô-na (Jonah).
(Tuổi thọ của vương quốc Israel phương bắc chỉ được khoảng 200 năm. Tới năm 720 TCN, Israel bị xâm chiếm bởi Đế quốc Assyria, một cường quốc ở vùng Lưỡng hà địa (nay là Iraq), tọa lạc tại thượng nguồn sông Tigris với thủ đô là Niniveh. Mười bộ tộc phương bắc bị lưu đày tứ tán, trở thành mười bộ tộc thất lạc đâu đó mà có lẽ sẽ không bao giờ quay về đất Canaan, ngày nay là Palestine. Có ít nhất bốn nhóm dân tộc ở Ấn Độ, và các dân tộc ở châu Phi, Trung Á, xưng mình là hậu duệ của 10 bộ tộc này. Trong đó có cả người Khương sống ở Cam Túc, Thanh Hải, từng nổi loạn chống lại nhà Đông Hán năm 110 scn, và một số người Hoa tại Khai Phong ở Hồ Nam).
b) Vương quốc miền nam & Đền thờ Jerusalem bị tàn phá:
Nước Judah kéo dài tuổi thọ tới năm 587 tcn (kh. 330 năm) rồi cũng bị xâm chiếm bởi Babylon –  một đế quốc mới – phát xuất từ vùng Lưỡng hà địa. Đền thờ Jerusalem sau bao nhiêu lần bị các vua Judah phương nam rút tỉa để cống nạp, và bị các toán quân Assyria cướp phá cuối cùng, bị san thành bình địa bởi đạo quân xâm lăng người Babylon. Tại miền nam, đây cũng là thời kỳ của các ngôn sứ như I-sa-i-a (Isaiah), Giê-rê-mi-a (Jeremiah), Gia-ca-ri-a (Zechariah), Ha-ba-cúc (Habbakkuk), Giô-en (Joel), Mi-ca (Micah), Ô-ba-đi-a (Obadiah) và Gia-pha-ni-a (Zephaniah). Có thể nói đây là thời đại của các ngôn sứ.
c) Thời đại các ngôn sứ (Các Ngôn Sứ Thật, ngôn sứ giả)
Trong hoàn cảnh dân tộc Israel phân hóa, đất nước chia cắt, các vua tiếp theo Solomon, ở cả nước Judah miền nam lẫn nước Israel miền bắc, đánh mất sự tôn trọng của dân chúng, lúc này tiếng nói của các ngôn sứ cất lên dõng dạc. Các ngôn sứ trở thành thủ lãnh thật sự của xứ sở. Họ tạo niềm hứng khởi cho dân tộc, và đặc biệt cảnh giác, phê phán dân chúng, hô hào chấn hưng đạo đức. Thậm chí nhiều ngôn sứ chỉ trích kịch liệt nhà vua và sẵn sàng chấp nhận hậu quả nguy hiểm của hành động đó. Ngôn sứ nói lên tiếng nói của Thiên Chúa, tố cáo cái ác, báo trước thảm hoạ sắp xảy tới, và sẵn sàng đổ máu mình ra để làm chứng cho chân lý của lời mình nói. Đây cũng là thời kỳ Ngôn sứ Elijah (Ế-li-a) với ngọn lửa nhiệt tình, trấn áp việc thờ phụng tà thần, và cứu khổn phò nguy cho người bị thiên tai lẫn nhân tai. Theo gót ông là Ngôn sứ Elisha (Ê-li-sa), đệ tử chân truyền. Đặc biệt: Ngôn sứ Isaiah mô tả kỹ lưỡng về Đấng Cứu thế, xuất thân từ Nhà David và giáng lâm để giải phóng dân tộc Israel.
(Nhìn về dân tộc VN hôm nay (những thập niên đầu thế kỷ 21) cũng trong cảnh nước sắp mất, nhà sắp tan. Ngôn sứ không phải là ít, nhưng Ngôn sứ thật chỉ lác đác như mấy vì sao trên bầu trời hừng đông còn sót lại. Đáng buồn cho một dân tộc!).

25. Cuộc lưu đày & phát sinh từ Jew cũng để chỉ người Do Thái.
(Khi các đế quốc lần lượt nổi lên thì vùng đất Israel là địa điểm chiến lược. Nó trở thành một hành lang nằm giữa biển cả và sa mạc, cung cấp cho đoàn thương buôn và đạo quân chinh phục một con đường độc nhất có sinh khí xuyên giữa các quốc gia rộng lớn và hùng mạnh giáp ranh nó như Ai Cập và Syria, Lebanon, vùng đất Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, v.v. Thế kỷ này nối tiếp thế kỷ kia, hàng ngàn năm này sang ngàn năm khác, những cuộc diễu hành lũ lượt đi qua nó: các binh đội của vua Ai Cập, những đoàn bộ hành A Rập; xe trận từ Assyria và kỵ binh từ Babylon, sau này người Ba Tư với Cyrus, Macedonia với Đại đế Alexander và rồi tới lượt người Hi Lạp, La Mã, Parthia, v.v.)
Lúc này, và có lẽ cũng giống với mọi thời, muốn tiêu diệt một dân tộc, phải phá hoại tôn giáo (Cộng Sản cũng đã áp dụng chính sách này ở VN), cái làm thành sức mạnh tâm linh và định chuẩn đạo đức của nó. Vì chỉ những người đạo sâu đức dày, tâm linh phong phú mới có khả năng làm anh hùng liệt nữ, và một dân tộc dù khốn khó mà có đạo nghĩa, vẫn giữ được bản lãnh quật cường. Trường hợp này tuyệt đối đúng với người Do Thái. Đền thờ Jerusalem bị triệt hạ; toàn thể dân chúng, kể cả vua của nước Judah, bị bắt sang sống lưu đày ở kinh đô Babylon. Và cũng kể từ đó, họ được gọi là người Judah (Jew: Do Thái), để phân biệt với các sắc dân khác cũng ở trong Đế quốc Babylon mênh mông. Cuộc lưu đày này tuy chỉ kéo dài chưa tới năm chục năm nhưng để lại những dấu ấn sâu xa trong tâm hồn Do Thái tha hương và trong văn học của họ. Ta đọc thấy những lời thảm não, ai oán như sau:
Bên những dòng sông Babylon
Nơi tôi ngồi xuống, ôi tôi khóc
Khi nhớ về Zion…
Nhưng Hoàng đế Nebuchadnezzar (k.634-562 TCN) cũng không phải là người hoàn toàn khe khắt với dân Do Thái. Và trong thời gian này bắt đầu xuất hiện hình thức Hội đường (Synagogue) – trung tâm thờ phụng và sinh hoạt tinh thần của cộng đoàn Do Thái Giáo bị lưu đày. Một khuôn mặt lưu đày hàng đầu là Ngôn sứ Ê-giê- ki-en (Ezechiel) với những tiên báo về sự hủy diệt kẻ thù của Judah bằng lửa và động đất, việc hồi hương Israel, và bằng cung giọng mang tính cứu thế, về sự tái lâm của vua David và sự phục hưng vương quốc.

26. Và Hồi Hương
Rồi gió thịnh, suy, trần gian cũng phải đổi chiều. Bánh xe trận của đế quốc Ba Tư nghiền nát đế quốc Babylon. Năm 539 TCN, Đại đế Cyrus của Ba Tư cho phép người Do Thái hồi hương. Đoàn người mà phần nhiều là người nghèo, vượt vạn dặm để trở về cố thổ đang nằm điêu tàn “quá” bên kia bãi sa mạc. Người giàu ở lại Babylon, mà hơn 500 năm sau, hậu duệ của họ sẽ tiếp nhận thêm một đợt lưu vong mới và có những đóng góp lớn lao về giáo thuyết.

27. xây dựng lại Đền thánh Jerusalem.
Viên đá đầu tiên được đặt xuống cùng với sự yễm trợ tinh thần lẫn vật chất của Hoàng đế Ba Tư. Hiện nay, ta không còn giữ được văn bản mô tả cụ thể nào về Đền thờ thứ hai này nhưng chắc chắn nó không nguy nga, đồ sộ bằng Đền thờ thứ nhất của Solomon. Và năm trăm năm sau, nó bị Đại đế Herod triệt hạ để xây lên Đền thờ Jerusalem thứ ba mà theo cao vọng của vị vua cải giáo này, phải làm sao cho nguy nga hơn Đền thờ thứ nhất.
Thế nhưng chính những sinh hoạt tôn giáo diễn ra trong Đền thờ mới quan trọng. Việc cúng tế mỗi ngày một con cừu vẫn diễn ra hằng ngày, suốt hơn năm trăm năm, kể cả trong thời gian Đại đế Herod xây dựng Đền thờ thứ ba. Quanh năm, lễ Vượt qua và lễ Ngũ tuần vẫn tấp nập người hành hương, đến từ mọi miền trong nước và các vùng tản mác nơi hải ngoại. Đền thờ vẫn là tâm điểm của dân tộc Do Thái với cuộc sống kính sợ Thiên Chúa. Kẻ từ tâm với người có nhu cầu và nghiêm ngặt giữ cho bằng hết các lề luật chi li và nhiêu khê, được qui định trong kinh Torah. Kinh này cũng được Ngôn sứ Et-ra (Ezra) san định lại, với nội dung có lẽ hoàn toàn giống với bản ngày nay chúng ta đang có.

28. Thời kỳ nổi bật của Tư Tế.
Qua hình ảnh của vị Thượng tế cùng với hệ thống một tập đoàn tư tế đông đúc trên khắp đất nước, họ là những người lãnh đạo dân tộc. Vào thế kỷ cuối trước Công nguyên, trong một lễ hội như Vượt qua, tại Đền thờ Jerusalem có khoảng 17.000 tư tế và người Levi lo phục dịch Đền thờ. Bên cạnh Thượng tế và khoảng 200 chánh tư tế, có khoảng 7.200 tư tế thường và 9.600 người Levi. Quanh năm, các tư tế ở khắp nước đều theo từng lộ mà được cắt cử luân phiên về phụ trách việc tế lễ hằng ngày tại Đền thờ.
Sinh hoạt Đền thờ và tôn giáo cũng làm bền vững thêm tư thế của giới tư tế cha truyền con nối mà bấy giờ được gọi là Sadducee (Sa-đốc), hậu duệ của Thượng tế Zadok thời David. Sinh hoạt tôn giáo thường nhật và kinh sách làm sản sinh người Pharisee (nhóm Biệt phái) gồm các học giả (kinh sư), các thầy cả (rabbi), ký lục, v.v. mà ngày càng đối lập với người Sadducee, giới tư tế có quan điểm bảo thủ, và là đầu mối của các bất hòa tôn giáo và xung khắc trong các vấn đề nội bộ của người Do Thái.
Vào đầu Công nguyên, tại Jerusalem có hai trường phái Pharisee với hai tôn sư nổi tiếng, một là của Đại thầy cả Shammai, hai là của Đại thầy cả Hillel. Bên cạnh đó còn có người Essene khổ hạnh tại tu viện Qu’ram, mà gần hai ngàn năm sau, lôi cuốn sự chú ý của giới học giả quốc tế nhờ các tài liệu Kinh thánh họ để lại trong các hũ gốm giấu rải rác quanh đó. Mãi tới năm 1947, chúng mới được một người chăn cừu Bedouin tình cờ phát hiện, mở đầu cho cuộc tìm kiếm nhiều hủ gốm khác, làm thành những tài liệu được gọi là Các cuộn sách Biển Chết ‘Dead Sea Scrolls’.

29. Lệ thuộc các đế quốc
Nền cai trị của Ba Tư sụp đổ khi lằn bánh chiến xa của Alexander Đại Đế lăn qua Palestine năm 332 tcn, mang theo tôn giáo cùng văn hóa Hi Lạp, mở đường cho nền văn hóa ấy phát triển rực rỡ với các thành phố mang sắc thái của nó mọc lên khắp bờ Địa Trung Hải.
Trong khung cảnh đó, mỗi xứ sở thuộc địa được cho quyền tự quản với phạm vi rộng rãi. Do đó tại Judea – tức là xứ Palestine lúc ấy – vị Thượng tế hành xử như một ông vua bình thường. Ngoài nhiệm vụ làm thủ lãnh tôn giáo của dân tộc mình, ông còn là chủ tịch của Hội đồng Công nghị (hay Thượng hội đồng) gồm các trưởng lão (kỳ mục) và là người giám sát các vấn đề an ninh, cung cấp nước và thu thuế. Người Do Thái được hưởng quyền tự do thờ phụng và quyền tuân giữ lề luật của tổ tiên khi thích hợp.
Dù trực thuộc hoàng đế Ptolemy ở Ai Cập hay tổng trấn ở Syria và rồi vua Syria, có lẽ người Do Thái cũng chỉ muốn được bình yên để thờ phụng và sinh sống. Họ chỉ có phản ứng mạnh mẽ khi tín ngưỡng Do Thái giáo và đặc biệt Đền thờ Jerusalem bị xâm phạm hay bị làm ô uế.

30. vụ khởi nghĩa của dòng họ Maccabea & triều đại Hasmonea.
Căn cứ trên qui định ẩm thực của Do Thái giáo gọi là kosher thì có loại thịt và cá bị cấm ăn, Thí dụ thịt heo và loài giáp xác (động vật không có xương sống, có vỏ cứng ở ngoài cơ thể, thở bằng mang như tôm, cua, vv.), bị coi là “không tinh khiết”. Như thế không phải bất cứ con vật nào cũng có thể bị giết để ăn thịt. Và cấm toàn bộ máu, vì như đã có lời trong sách Đệ nhị luật (Đnl 12:33) rằng “Máu là sự sống”, và phải được coi là thiêng liêng, dù ở trong loài vật. Thậm chí bát đĩa, nồi niêu, soong chảo, cũng phải chưa từng đựng các thực phẩm bị cấm.
Khi người Syria ra lệnh cấm người Do Thái học kinh Torah, cấm giữ ngày Sabbath và không được cắt bì, bắt ăn thịt heo và dùng máu heo rắc lên Đền thờ Jerusalem, hơn nữa, còn dùng nơi đó để tế thần Zeus, người Do Thái thà chết còn hơn chấp nhận. Năm 167 TCN, tại tây bắc Jerusalem, lính của vua Syria tập trung dân chúng lại yêu cầu tư tế Mattathias làm lễ cúng một con heo. Sự việc ấy đưa tới vụ khởi nghĩa của dòng họ Maccabea. Nghĩa binh chiếm được và tẩy uế Đền thờ Jerusalem năm 164 tcn, mở đầu triều đại Hasmonea thái bình thịnh trị, kéo dài tới 80 năm.

31. Nhà Maccabea bị bại (năm 63 TCN)
& Jerusalem bị san bằng (năm 70 SCN)
Khi tướng Pompey (106-48 TCN) đánh bại Nhà Maccabea vào năm 63 TCN, ông tới Đền thờ Jerusalem, vào thẳng Nơi Cực thánh mà chỉ có Thượng tế mỗi năm mới được vào một lần. Đối với người Do Thái, đó là sự sỉ nhục cực độ, và từ đó, tên của Pompey đi liền với sự báng bổ. Dưới thời cai trị của Tổng trấn La Mã Gessius Florus, năm 66 SCN, người Hi Lạp cử hành lễ cúng tế tà giáo trên lối vào của một hội đường, khiến một số người Do Thái phản đối rồi bị bắt giữ. Tiếp đến, Florus đột nhập Đền thờ Jerusalem lấy đi một số tiền rất lớn. Tới khi người Do Thái phản đối, ông cho lính tàn sát, làm số người tử nạn lên tới khoảng 3.600 người. Từ đó, bùng lên cuộc khởi nghĩa toàn quốc của người Do Thái.
Cuộc khởi nghĩa kéo dài bốn năm. Tới năm 70 SCN, 25.000 nghĩa quân phòng thủ Jerusalem thất trận. Đền thờ thứ ba do Đại đế Herod xây lên bị đốt cháy và san bằng. Toàn kinh thành cũng bị san bằng “không một hòn đá nào còn nằm trên hòn đá nào” như Lời nguyền của Chúa Cứu Thế. Kết thúc là cái chết bi tráng của 960 đàn ông đàn bà và trẻ em tự sát ở pháo đài Masada năm 73 scn, sau mấy năm tử thủ.
Kế đến Cuộc khởi nghĩa của Bar Kokba (132-135) thất bại đưa tới thiệt hại nghiêm trọng khôn lường cho người Do Thái ở Palestine. Cùng bị xử tử với thủ lãnh Bar Kokba là nhiều nhà thông thái, trong đó có Đại thầy cả Akiba ben Yosef (Rabbi Akiba), người được xem là kẻ đứng đầu các nhà thông thái và có công đầu trong việc sắp xếp để tập đại thành văn bản sách Talmud Palestine ra đời. Thời kỳ này, Khoảng nửa triệu người Do Thái bị giết, đúng như lời tự rủa của họ, khi lên án tử hình Đức Kitô “Máu sẽ đổ lên đầu con cháu chúng tôi”. Dân số người Do Thái ở Judea giảm hẳn. Người Do Thái bị trục xuất khỏi quê cha đất tổ, bị bắt đem bán làm nô lệ khắp đế quốc La Mã. Jerusalem bị đổi tên thành Aetolia Capiotina, một thành phố hoàn toàn ngoại đạo và là thuộc địa trực tiếp của La Mã.

32. Cuộc sống lưu lạc của người Do Thái
a) lần tản mát thứ nhất:
Mang tính lưu vong, sau cuộc thất thủ của vương quốc Israel, đưa tới sự thất tán của mười bộ tộc phương bắc. Mười bộ tộc thất lạc để lại nhiều sắc dân sống rải rác ở châu Phi, Ấn Độ và Bắc Trung Hoa; tuy có nơi tự nhận là hậu duệ Do Thái nhưng đã đánh mất bản sắc Do Thái giáo.
b) lần tản mát thứ hai:
Vương quốc Judah phương nam bị xóa sổ, dân chúng thuộc hai bộ tộc còn lại cùng một ít tư tế thuộc dòng dõi Levi, bị lưu đày sang Babylon. Ngoài hơn 40.000 người Judah từ Babylon hồi hương năm 539 tcn và tái thiết Jerusalem, còn có một bộ phận lưu dân ở lại Babylon, và thêm nhiều lưu dân ở Ba Tư, tức Iran ngày nay, mà ta đọc thấy trong Et-te (Esther), một sách trong bộ Kinh thánh.
c) lần tản mát thứ ba:
Tính luôn những người Do-thái chạy loạn trong các thời kỳ bị lệ thuộc bởi các đế quốc như Ai-cập, Syria rồi La Mã vào các thế kỷ trước và sau Công nguyên, rất đông người Do Thái di dân và sống tản mát tại các thành phố mang màu sắc văn hóa Hi-La quanh bờ Địa trung hải. Các cộng đoàn đông đảo nhất của họ ở Alexandria, Corinth, Ephesus, Antioch, Thessalonika, Damascus, Philippi, Cyprus, Cyrene (nơi có người ngoại kiều là ông Simon nhân về hành hương Giêrusalem trong dịp lễ Vượt Qua, ông được ơn Vác đỡ Thánh giá chúa Giêsu) v.v. Những nơi sống đông dân Do Thái nhất là Babylon và Syria. Cách riêng tại Antioch và Damascus, với khoảng từ 10.000 tới 18.000 người Do Thái bị tàn sát sau cuộc nổi loạn ở Jerusalem. Tại Ai Cập có khoảng một triệu người Do Thái lưu vong. Tại thành phố hải cảng Alexandria, họ chiếm một phần tám dân số
(Tại Alexandria, vào khoảng thế kỷ 2-3 tcn, 72 học giả Do Thái đã hoàn thành cuốn Kinh thánh bằng tiếng Hi Lạp, gọi là bản Bảy mươi ‘Septuagint’. Về sau, trong triết học, nổi bật khuôn mặt của triết gia Philo 20-50 scn cũng là người Do-thái).

33. Chung Luận:
Cuộc lưu đầy (và tản mát khắp nơi) của người Do Thái là cuộc tản mát lớn nhất, bi tráng nhất và dài nhất lịch sử nhân loại, vì kéo dài suốt hai ngàn năm. Không kể số người sống ở ngoài Palestine, khi Jerusalem bị san bằng, theo sử gia Flavius Josephus (37- k.100 scn), họ có khoảng 1.100.000 người sống lưu vong tại chỗ – tức ở ngay trên quê hương mình, nhưng sống kiếp đời của bầy thú lạc loài – trong đó có 97.000 người bị bán làm nô lệ. Cho đến nay, người Do Thái trên khắp thế giới có khoảng 16 triệu người, sống tại hơn 50 quốc gia, trong đó tại  QG. Israel chiếm khoảng hơn 6 triệu người. Nói chung, 2.000 năm bị trục xuất khỏi quê hương, từ lúc còn mang tên là xứ Judea, người Do Thái lang thang vô tổ quốc trên khắp thế giới. Thế nên, kinh Torah, lề luật được triển khai thêm trong sách Talmud, là tên được gọi trong suốt 2.000 năm lịch sử này. phong tục tập quán cùng ký ức dân tộc trong văn học dân gian trở thành phương cách quan trọng để lưu giữ bản sắc Do Thái của họ. Nhưng sự tồn tại của họ, cũng như sự trở về lập lại quốc gia, cả thế giới đều biết rằng chính là nhờ cuốn sách được gọi là cuốn Kinh Thánh.
Nhìn lại định mệnh một dân tộc Do Thái, có ai trong chúng ta không khỏi xót xa và khóc thương cho định mệnh của dân tộc mình – Một dân tộc đang trên đà diệt vong trong những năm tháng này.