SỨ ĐIỆP LA SALETTE
* Lời Đức Mẹ phán với linh hồn được đặc tuyển (ngày 8-12-1962): “Satan sẽ dùng mọi mưu chước quỷ quyệt, để người ta không biết đến mệnh lệnh quan trọng này của Mẹ”.
* (Ngày lễ Đức Bà La Salette 19-9-1962) Đức Mẹ lại phán với LH ấy: “Giáo Hội đứng trước ngã ba đường; hoặc sẽ đi đến diệt vong, hoặc nếu hiểu biết mệnh lệnh rất quan trọng này mà Mẹ ban tại Salette thì sẽ thấy con đường phải theo mà không bao giờ được bỏ”.
* Lời của Đức Giáo Hoàng Pio IX và Leo XIII: “Mệnh lệnh này phải được phổ biến khắp nơi”.
28. Sơ lược cốt chuyện Đức Mẹ hiện ra tại La Salette, nước Pháp:
Ngày 19-9-1846, Đức Mẹ hiện ra với hai trẻ: Melanie Calvat, nữ 14 tuổi và Maximin Giraud, nam 11 tuổi, tại vùng núi Plateau gần dãy núi Alp cao ngất thuộc nước Pháp. Lúc đầu, hai em thấy Đức Mẹ ngồi, hai tay ôm mặt khóc. Rồi Đức Mẹ từ từ đứng dậy, những giọt nước mặt vẫn còn lóng lánh trên má và cằm Đức Mẹ. Đức Mẹ phán: “Hỡi các con, hãy lại đây với Mẹ, đừng sợ. Mẹ đến để báo cho các con những điều rất hệ trọng…”. Mélanie tiết lộ trước khi cô qua đời rằng: “Từ khi hiện ra tới lúc biến đi, Đức Mẹ chỉ khóc nức nở”. Những giọt lệ từ trên gò má lăn xuống lấp lánh, như những viên ngọc”. Đức Mẹ nhắn nhủ người ta hãy sống cầu nguyện, thánh hóa các ngày lễ trọng và Chủ nhật. Đức Mẹ công bố một Sứ điệp đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng và toàn thể con cái của Mẹ qua Mélanie gồm 36 mệnh lệnh. Toàn bộ Sứ điệp đã được Mélanie viết ra ngày 21- 11- 1878, theo ý muốn của Đức Thánh Cha Pio IX. Đức Mẹ cho biết, vào năm 1864, Lucife và phần lớn ma qủi được phép ra khỏi hỏa ngục để lên tấn công Giáo Hội và loài người. Đức Mẹ cũng tiên báo, vào cuối thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20, Cộng sản sẽ xuất hiện, và gây kinh hoàng cho thế giới. Đức Mẹ nói với Maximin: “Sau đó, hòa bình sẽ bị đe dọa bởi con quái vật (Cộng Sản). Con quái vật sẽ xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 hay trễ nhất vào đầu thế kỷ 20”. Maximin qua đời ngày 1-3-1875 lúc 40 tuổi. Melanie sống thêm nhiều năm tại nhiều nhà dòng ở Pháp, Anh và Ý, rồi qua đời ngày 15-12-1904 và được an táng tại Altamura (Ý). Toàn bộ sứ điệp của Đức Mẹ đã được Melanie đệ trình lên Giáo Hoàng Piô IX và Leo XIII. Các Đức Giáo Hoàng này đều tuyên bố: “Mệnh lệnh này phải được phổ biến khắp nơi”. Biến cố La Salette đã được Giáo Hội chính thức công nhận ngày 16 tháng 11 năm 1851.
29. 80 câu vấn đáp Đức Mẹ Giải thích cho Cha A. Althoffer năm 1962 qua một linh hồn được đặc tuyển.
Phải mất thời gian 116 năm sau, nhiều bí mật của sứ điệp La Salette nói trên, mới được Đức Mẹ giải thích qua một cuộc đàm thoại, mà những nghi vấn là do cha André Althoffer đặt ra với Đức Mẹ. Tuy nhiên cuộc đàm thoại vẫn phải qua trung gian một LH đặc tuyển. Đức Mẹ cũng buộc Cha A. Althoffer nghiên cứu kỹ mệnh lệnh, và Mẹ tuyên bố Mẹ sẽ trả lời từng câu Ngài nêu lên trong từng điềm báo (bản mệnh lệnh Cha André nghiên cứu đã được Giáo quyền ưng chuẩn “Imprimatur” tại Lecoe năm 1879, do Đức Cha Louis comte bols).
Sau đây là nguyên văn đoạn trích trong bút ký của Linh Mục A. Althoffer:
Một trách nhiệm nặng nề rất đáng lo sợ.
Khi nhận biết mệnh lệnh Salette ban cho Melanie năm 1846 chưa một người đời hiểu biết, vì thế mà nhiều linh hồn hư mất đời đời. Tôi đã xin Mẹ ban cho một vài tia sáng phân tách những điều cần biết, để hy vọng người ta nhờ hiểu mà thực hiện. Bỗng nhiên ngày 9-9-1962 Mẹ định ngày giờ cho tôi hầu chuyện: ngày 4-11-1962 hồi 15 giờ. Mẹ hứa trong lúc đàm thoại! Mẹ sẽ trả lời mọi vấn nạn tôi nêu ra, nhưng qua trung gian một linh hồn đặc tuyển mà tôi chưa được phép tiết lộ về danh tánh linh hồn ấy. Người ta cũng lưu ý rằng khi nhắc đến mệnh lệnh La Salette 1846 Mẹ nhấn mạnh nhiều lần rằng những điều này quan trọng hơn ở Fatima. Fatima 1917 chỉ là tiếng vang của mệnh lệnh La Salette, mà một số người đã chôn vùi trong dĩ vãng kho tàng rất quý giá, có liên quan đến đời sống hiện tại và vĩnh cửu hằng triệu linh hồn, và cả linh hồn tôi nữa (lời cha André). Vì vậy tôi trao kho tàng này cho các nghị phụ trong Công Đồng vaticano II, vì vận mạng nhân loại đang ở trong tay các Ngài. Tôi cũng xin trao phó nó cho những ai có thể giúp các Ngài bằng lời cầu nguyện và phổ biến mệnh lệnh chính yếu này”.
Ký tên: Linh mục André Althoffer.
30. Sứ Điệp La Salette: Khai đề & Bối cảnh.
Khai đề: ĐGH. Piô IX và Leo XIII đã khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy ăn năn xám hối theo lời Đức Mẹ dạy. Quan trọng là người ta hãy ngưng phạm tội mất lòng Chúa. Thế nhưng đã gần hai thế kỷ trôi qua, văn minh nhân loại lại càng sản sinh ra nhiều thứ tội lỗi ghê tởm và kinh khủng hơn trước. Tuổi trẻ y như những con thiêu thân càng ngày càng thích lao vào lửa hỏa ngục. Cũng trong mục đích cứu vãn thế giới nói chung, ngăn ngừa sự sa lầy của tuổi trẻ nói riêng, Đức Mẹ lại có nhiều chương trình và kế hoạch nhằm muốn giới trẻ bây giờ và sau này được nghe và tiếp nhận những lệnh truyền của Mẹ, để sáng suốt tránh né những cạm bẫy của Satan, mà cùng với Mẹ đưa người ta trở về với Thiên Chúa. Trong chiều hướng ấy, Đức Mẹ muốn và thúc đẩy chúng tôi phổ biến lại 36 điểm báo trong mệnh lệnh La Salette của Mẹ, kèm theo những lời dẫn giải của chính Đức Mẹ cho cha André Althoffer năm 1962 về những điểm báo, để tất cả các bạn trẻ được hiểu, mà thực hiện và phổ biến các mệnh lệnh của Mẹ.
Bối cảnh: Chiều ngày 19 tháng 9, 1846, Mélanie và Maximin đang lùa đàn bò từ sườn đồi La Salette về xóm Ablandins gần đó. Khi dẫn đàn bò trở về, hai em trở lại một cái hang động nhỏ nơi hai em đã nghỉ ăn trưa, hai em thấy một vòng ánh sáng rộng lớn sáng hơn mặt trời, và vòng ánh sáng cứ lớn (mở rộng) dần và rực rỡ hơn. Khi hai em sắp chạy đi, vòng ánh sáng mở rộng ra và dần dần các em nhìn rõ Hình Dáng Một Trinh Nữ. Người Nữ đó ngồi, hai bàn tay bưng mặt, và đang khóc. Đức Trinh Nữ khi đứng dậy thì cao và cân đối. Khuôn mặt Người uy nghi tuyệt vời. Giọng nói của Đức Trinh Nữ dịu dàng, êm ái. Cặp mắt Người rực rỡ gấp ngàn lần những viên kim cương hiếm quí nhất, và sáng tựa hai mặt trời, nhưng dịu và trong tựa tấm gương. Trong cặp mắt Đức Mẹ, người ta có thể nhìn thấy thiên đàng. Cặp mắt đó thu hút người ta đến, như một sự lôi kéo để ban chính Người.
Đức Trinh Nữ khóc ròng suốt thời gian Người nói với chúng tôi. Nước mắt của Người tuôn trào, từng giọt, từng giọt như những tia sáng, rơi xuống trên đầu gối, rồi những giọt lệ đó biến đi. Mélanie nói: Những giọt lệ đó lóng lánh và đầy yêu thương. Tôi muốn an ủi Người và làm ngưng những giọt lệ của Người, mà không thể.
31. Sứ Điệp La Salette: Bí mật Fatima được vén màn.
ĐIỀM BÁO 1- (Mẹ nói với Melanie): Hỡi Melanie, điều Mẹ nói với con bây giờ, có thể phổ biến vào năm 1858.
– (Cha André): Thưa Mẹ, tại sao phần mệnh lệnh, chỉ được phổ biến vào năm 1858? Năm mà Mẹ hiện ra tại lộ đức phải không ạ? Bernadette có biết được ít nhiều mệnh lệnh này chăng?
– (Đ. Mẹ): Mẹ để lâu ngày không cho phổ biến có ý cho các Cha, các linh hướng và Đức Giám Mục của con đã biết từ lâu, có đủ thì giờ khảo sát… cầu nguyện và chờ đón ơnThánh Linh. Lại nữa Ta chỉ cho phổ biến mệnh lệnh này vào năm 1858 để cho mọi người được biết rõ những lần Mẹ hiện ra tại Lourdes, Salette, Pontmain và nhiều nơi khác cũng là một. Và mục đích là để cảnh cáo tội nhân cải thiện. Ta cũng cho Bernadette biết mệnh lệnh này nhưng chỉ được giữ kín cho mình cô.
– (Ch. A): Mệnh lệnh ở FATIMA có gì quan trọng hơn ở SALETTE không, thưa Mẹ?
– (Đ. M): Tại Fatima Mẹ có xác nhận và nhấn mạnh điều Mẹ đã bảo ở Salette. Sở dĩ Mẹ phải nhấn mạnh tại vì trong thời gian từ Salette (1846) đến Fatima (1917) non100 năm. Chẳng những nhân loại không biết phục thiện, mà lại còn tăng thêm lắm tội dâm ô. Tại Fatima Mẹ cho con biết thêm, có lẽ Chúa sẽ dùng nước Nga làm cây roi của Chúa.
32. Sứ Điệp La Salette: Cảnh báo đời sống Linh mục.
Thiên Chúa sẽ đổ cơn thịnh nộ xuống.
Đức Giáo Hoàng đừng rời khỏi thành Rôma.
ĐIỀM BÁO II – (Mẹ nói với Melanie): Vì đời sống xấu xa, sự bất kính khi làm các phép Bí Tích, lòng ham mê tiền bạc, danh vọng và những thú vui, những linh mục của Con Mẹ đã trở nên nhơ nhớp, các vị linh mục ấy kéo cơn oán phạt từ Trời xuống trên họ. Khốn cho những linh hồn diễm phúc dâng mình cho Chúa mà bất trung. Chính họ lại đóng đinh Con Ta một lần nữa, vì đời sống đê hèn của họ. Tội của những linh hồn dâng mình cho Chúa kêu thấu đến tận TRỜI XANH.Và kìa cơn oán phạt hòng đổ xuống. Vì ngoài họ ra, còn ai van lơn lòng từ bi và tha thứ cho nhân gian, không còn có những tâm hồn quảng đại và xứng đáng để dâng của lễ trong sạch cho Đấng Chí Tôn thay cho nhân loại.
– (A): Sự bất xứng của các vị tế lễ phải chăng do sự mất Đức Tin và thần bí siêu nhiên chăng?
– (M): Mẹ cho biết phần lớn là tại như vậy.
ĐIỀM BÁO III – (Mẹ nói với Melanie): Thiên Chúa sẽ giáng đại họa một cách chưa từng thấy.
ĐIỀM BÁO IV – (Mẹ nói với Melanie): Khốn cho nhân gian, Thiên Chúa sẽ đổ cơn thịnh nộ xuống và không một ai thoát khỏi bao khốn khó dồn dập.
ĐIỀM BÁO V – (Mẹ nói với Melanie): Thiên Chúa hòng oán phạt như chưa từng có. Chớ gì Đấng đại diện Con Ta, Đức Giáo Hoàng Pio IX đừng rời khỏi thành Rôma sau năm 1859. Ngài phải vững chí và quảng đại, phải chiến đấu bằng đức tin và đức ái. Mẹ sẽ ở gần Ngài luôn.
– (A): Điềm báo này có phải nói đến những khó khăn gặp phải do sự chính thức công nhận mệnh lệnh Lộ Đức và việc công bố Tín Điều của Đức Giáo Hoàng là không thể sai lầm chăng, thưa Mẹ?
– (M): Đúng thế, ĐGH Piô IX không sai lầm, nhưng chính vì những khó khăn gặp phải, mà Công Đồng không hề bế mạc.
(Chú Thích của bộ sách TGTL): Triều đại ĐGH Piô IX (1846-1878). Mục tiêu đầu tiên của ngài là làm dịu tình hình chính trị đã trở nên căng thẳng do tính bảo thủ của ĐGH Grêgôriô XVI. Vốn là con người thức thời, mền dẻo, nhã nhặn, ngài thực hiện cuộc cải cách hết sức rộng rãi trong nước Tòa thánh. Mối quan tâm đầu tiên của ngài là việc cải tổ hàng giáo sĩ và đời sống các tu sĩ, và tổ chức lại đường lối ngoại giao của Tòa Thánh. Đó cũng là sự quan tâm của ngài về lời cảnh báo của Đức Mẹ đối với đời sống tu trì nói chung, và các Linh mục nói riêng.
Trong khoảng 1830, ở Âu Châu (Bỉ) và Nam Mỹ, nhiều cuộc cách mạng thành công đã tạo lập được các chính thể hợp hiến, do đó khi lên ngôi Giáo hoàng năm 1846, ngài có khuynh hướng thuận lợi với các lực lượng hỗ trợ sự tự do chính trị.
Tuy nhiên, khi một số lực lượng cách mạng giết vị tổng Giám mục ở Paris, và một số khác ép buộc vị tân Giáo hoàng là Ngài phải ra khỏi nước Ý, sau khi được đắc cử. ĐGH Piô IX thấy rằng chủ nghĩa tự do thì tốt, nhưng sự xáo trộn chính trị trong lúc nền tự do mới chỉ manh nha, thì nguy hiểm đối với Giáo hội và xã hội, nên ngài giữ lập trường cứng rắn và chống lại chủ trương này.
Tháng 4.1848, Carlo Alberto, vua xứ Piamonte tuyên chiến với nước Áo. ĐGH từ chối tham gia thánh chiến của Ý chống lại Áo, nhằm giải phóng dân tộc Ý, nên dân Ý tỏ vẻ thất vọng.
Tháng 11 năm 1848, chủ tịch nội các Rossi bị ám sát. Dân chúng bao vây điện Quirinal khiến ĐGH phải chạy xuống Gaeta thuộc xứ Neapoli. Từ Gaeta, ngài kêu gọi sự can thiệp của các cường quốc Âu châu. Năm sau, hoàng đế Pháp là Napoléon III sai tướng Oudinot đem quân tái chiếm Roma tháng 7 năm 1849, đưa GH Pio IX trở về và tái lập chế độ chuyên chế như xưa.
Quân đội Pháp trú đóng tại Roma (1849-1870) bảo vệ Giáo hoàng. Các tình miền bắc cũng có quân đội Áo trấn đóng cho đến năm 1859. Giữa tình hình rối ren như thế, điềm báo 5, Đ. Mẹ khuyên Đức Piô IX “đừng rời khỏi thành Rôma sau năm 1859”. Về mặt tôn giáo, thì sau 3 năm lên ngôi Giáo Hoàng, ngài mới chỉ thăm dò ý kiến của hàng Giám mục, chứ tình hình chưa cho phép ngài triệu tập Công Đồng, nhưng để chứng tỏ Đức Giáo Hoàng là không thể sai lầm, Ngày 8 tháng 12 năm 1854, Bằng sắc chỉ Ineffabilis Deus, ngài đã công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong những năm đầu vẫn có những kẻ hoài nghi. Bởi vậy như Mẹ đã nói là Mẹ sẽ luôn ở bên cạnh ĐGH, nên chỉ 4 năm sau, ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức với Bernadette, Mẹ đã xưng mình: “Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội”. Điều đó cho thấy Đức Mẹ ra mặt bênh vực và bảo vệ quyền bất khả ngộ của ĐGH. Piô IX. ĐGH cũng mạnh mẽ chống lại những sai lầm thời đại. Trong thông điệp “Quanta cura” gửi đến các Giám mục bản Syllabus, tóm tắt 80 “điều sai lầm của thời đại “. Trong đó Ngài kết án chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do. Thông điệp Quanta cura lên án nhiều “sai lầm của thế giới tân thời”. Bản Syllabus đã gây nên nhiều tranh luận. Ngày 6 tháng 12 năm 1864, tức hai ngày trước khi công bố bản Syllabus, trong một phiên họp của Thánh bộ lễ nghi, Giáo hoàng Piô IX thông báo riêng cho các hồng y biết từ lâu Ngài đã có ý định triệu tập một Đại Công Đồng, “để giải quyết những công việc bất thường của cộng đồng Ky-tô giáo”.
Tháng 6 năm 1867 trước cử tọa 500 Giám mục và đông đảo giáo dân, ĐGH công khai loan báo về Đại Công Đồng: “trong đó sẽ triệu tập hết các Giám mục trên thế giới công giáo, để cùng nhau đồng tâm hiệp lực tìm những phương pháp cần thiết và hữu ích, nhằm đối phó với biết bao sự dữ đang đè nặng trên Giáo hội”.
Ngày 29 tháng 6 năm 1868, ĐGH ban hành Tông chiếu Aeterni Patris Unigenitus, chính thức triệu tập đại Công Đồng và ấn định khai mạc vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8.12.1869. Rồi như Mẹ đã tiên báo với cha André: “Công Đồng này không hề bế mạc”, vì những khó khăn và nhiêu khê của thời đại. Quả vậy, CĐ có khai mạc, nhưng không có kết thúc. Thậm chí Năm Thánh thứ 21 được cử hành vào năm 1850 dưới triều Piô IX, nhưng vì những biến cố chính trị tại Ý đã không cho phép thực hiện rầm rộ. Cửa Thánh Ðền thờ Thánh Phêrô không được mở. Năm ấy, Đức Piô IX chỉ có thể tổ chức một Năm Thánh đơn sơ với các giáo sĩ tại Rôma mà thôi).
33. Sứ Điệp La Salette: Mẹ muốn Đức Giáo Hoàng đừng tin Napoléon III.
Khi nước Ý thống nhất, Đức Giáo Hoàng sẽ mất vương quyền đã có.
ĐIỀM BÁO VI – (Mẹ nói với Melanie): Đức Giáo Hoàng đừng tin Napoléon vì ông ta hai lòng; vừa muốn làm Giáo Hoàng, vừa muốn làm thượng vị. Thiên Chúa sắp bỏ ông vì kiêu hãnh muốn vươn mình lên cao. Ông ta sẽ bị rơi trên chính lưỡi gươm mà ông ta vẫn dùng để cưỡng bách các dân tộc suy tôn mình, lại nữa Đức Giáo Hoàng phải ý tứ với Napoléon vì do Napoléon nước Ý sẽ thống nhất, do đó Đức Thánh Cha mất vương quyền đã có và đã được Quốc tế công nhận.
(Chú thích của TGTL: Thứ Nhất: Như ở trên chúng ta thấy, chính Napoléon III là người đã đưa ĐGH từ Gaeta trở về Roma, và những khi tình thế rối ren ở Ý, thì ông ta tỏ ra bảo vệ ĐGH. Thế nhưng Đức Mẹ lại bảo đừng tin Napoléon hai lòng, do đó chúng ta tìm hiểu về con người này một chút: Napoléon III – tên đầy đủ là Charles Louis Napoléon Bonaparte. Napoléon III nắm quyền một cách khác thường, vừa là tổng thống danh nghĩa đầu tiên của Pháp, vừa là vị vua cuối cùng của Pháp. Giống như Napoleon I, Napoleon III cũng có quan điểm cơ hội về tôn giáo. Ông lợi dụng giáo hội Thiên Chúa làm công cụ tinh thần để cai trị nhân dân, dự toán chi phí về tôn giáo năm 1868 chiếm 20 lần dự toán kinh phí cho giáo dục. Đến những năm cuối của đế chế, cứ 730 người dân thì có 1 giáo sĩ; số giáo sĩ lên tới hàng vạn, đã khống chế trường học, các cơ quan tố tụng, nơi thành thị và nông thôn, bị mọi người chán ghét, gọi họ là những “Tên ăn cướp mặc áo đen”. Thông qua lịch sử như thế, chúng ta có lý do để hiểu tại sao khởi đầu các điềm báo, Đức Mẹ đã lên án các linh mục đầu tiên. Những hành động ngang ngược của Napoléon III đã làm cho phái Cộng hòa của giai cấp tư sản và nhân dân vô cùng bất mãn. năm 1859, ông thay đổi sách lược chính trị, thực hiện một số biện pháp nhượng bộ một số quyền tự do dân chủ, tuyên bố đại xá,… Nhưng “tự do hóa” không phải là ý vốn có của ông. Ông công khai nói: “Trong Chính phủ của ta, bất kể người nào đều không thể vạch kế hoạch cho ta… Một chiếc mũ không thể có hai cái đầu cùng đội”. Do đó ta có thể thấy nhượng bộ chỉ là một sự lừa gạt. Thời gian cai trị của ông cho thấy những nỗ lực táo bạo của ông về ngoại giao, nhất là trong chiến tranh, phần lớn thất bại, đặc biệt là nỗ lực đưa một hoàng thân Áo lên làm hoàng đế México. Năm 1858, ông đưa quân đội sang xâm lược Việt Nam, bắt đầu thời kỳ Pháp thuộc ở nước ta. Cuối cùng, ông tuyên chiến với Phổ và bị thua tại trận Sedan năm 1871. Ông đã bị quân Phổ bắt sống. Đế chế của ông hoàn toàn sụp đổ. Từ tháng 9-1870 đến tháng 3-1871, Napoléon III bị giam lỏng trong một tòa biệt thự tại vùng ngoại ô Caxac, nước Đức. Ngày 19-3-1871, ông được nước Đức phóng thích, ngày hôm sau, ông tới Anh quốc, gặp mặt Eugénie và các con đã đến đây trước đó. Từ đấy Napoleon III ở ẩn tại đây, ngày 9-1-1873, ông bịnh và chết trên đất nước của Anh.
Thứ Hai: Tại sao Đức Mẹ nói: nước Ý sẽ thống nhất, do đó Đức Thánh Cha mất vương quyền đã có và đã được Quốc tế công nhận. Lý do là vì một số lực lượng cách mạng Ý đã giết vị tổng Giám mục ở Paris, và một số khác ép buộc vị tân Giáo hoàng là ngài phải ra khỏi nước Ý sau khi được đắc cử. Tháng 4 năm 1850, sau khi Napoléon III đưa Ngài về lại Rôma, Ngài cố gắng hàn gắn viết thương do cuộc cách mạng gây nên. Nhưng chính Ngài và vị hồng y quốc vụ khanh Antonelli đã không chấp nhận chính thể lập hiến. Chế độ độc đoán cũ vẫn duy trì. Quân đội Pháp trú đóng tại Roma bảo vệ Giáo hoàng. Các tỉnh miền bắc cũng có quân đội Áo trấn đóng. Mãi cho đến ngày 20 tháng 9 năm 1870, quân đội của Garibaldi chiếm được Roma, hoàn tất việc thống nhất nước Ý, chọn Roma làm thủ đô. Dân chúng bỏ 133.648 phiếu chống 1507, để chuyển thành Rôma từ Giáo hoàng qua triều đình Ý. Khi ấy, Napoléon III đã hoàn toàn xụp đổ. Tháng 6 năm 1871, Roma bị công bố là thủ đô của nước Ý, và điện Quirinal được chọn làm Hoàng cung.
ĐGH Piô IX ra văn thư đình hoãn Công Đồng “chờ tới khi hoàn cảnh thuận tiện sẽ tiếp tục”. Từ 19 tháng 7 năm 1870 các nghị phụ phải trở về nước mình – đúng như điềm Đức Mẹ đã báo 24 năm trước: “Công Đồng không bế mạc”. ĐGH phản đối vụ “cướp đất Tòa thánh” và ra vạ tuyệt thông những người âm mưu cũng như tham dự – nhưng vô ích. Cuộc xung đột giữa ngôi Giáo hoàng và chính phủ Ý lên đến tột độ. Ngày 13 tháng 5 năm 1871, chính quyền Ý ban hành đạo luật mang tên “luật đảm bảo”, đơn phương giải quyết vấn đề nước Tòa thánh. Họ dành cho ĐGH hai điện Vatican và Latran cùng biệt thự Castel gandolfo trên bờ hồ Albano, đồng thời bảo đảm quyền tự do của GH trong lĩnh vực tôn giáo. Từ đó, ĐGH Pio IX tự giam mình trong khu Vatican không hề bước chân ra ngoài. Sự bang giao giữa Vatican và Quirinal vô cùng căng thẳng. Trước khi qua đời, ĐGH còn gặp gian nan: Chính sách của Bismark lúc đó cũng mới thống nhất được các tiểu bang nhỏ ở Đức, ông này chủ trương làm giảm thế lực của giáo hội Rôma và đặt giáo hội Đức dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của quốc gia. Tại Thụy sĩ, nước này cũng thực hiện bạo lực đối với Công giáo, đặc biệt chống lại hàng ngũ Giáo sĩ. Đức Piô IX, trị vì gần 1/3 thế kỷ XIX. Ngài băng hà ngày 7 tháng 2 năm 1878 và được mai táng trong vương cung thánh đường Thánh Laurence tại Rôma. Lần cải táng trong tiến trình phong Chân Phước, người ta phát hiện thi hài ĐGH còn nguyên vẹn. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân Phước cho Đấng Đáng Kính Piô IX ngày 03 tháng 9 năm 2000 tại quảng trường Thánh Phêrô. Vị Giáo Hoàng kế nhiệm là Đức Leo XIII, đắc cử ngày 20 tháng 2 năm 1878. Đây là vị Giáo Hoàng đã có lần TGTL đề cập tới việc Ngài được thị kiến câu chuyện Luxiphe thách thức Thiên Chúa cho nó một trăm năm nó sẽ triệt tiêu Giáo Hội của Chúa ở trần gian. Bắt tay vào việc, Ngài thực hiện ngay việc điều đình với vương quốc Ý, nhưng còn gặp nhiều trở ngại vì ảnh hưởng của Hội Tam Điểm. Ngài gọi Hội Tam Điểm là “nguồn gốc mọi tội ác”. Xuyên qua Sứ Điệp của Mẹ ở La Salette, chúng ta có cơ hội nhìn lại một chút lịch sử Giáo Hội, để thấy rằng con đường giáo hội đi giữa trần thế không như những cuộc rước sách rầm rộ, có trống kèn, có trải thảm, có cờ xí nhộn nhịp tung bay, với đầy đủ màu sắc áo quần của những ngày Đại Hội … nói theo từ ngữ bây giờ thường dùng ở miền bắc là Tổ chức thật linh đình, “Hoành tráng”. Đa số người Kitô hữu chúng ta chưa thực sự sống cuộc sống trong lòng Giáo Hội, tức là đi trong lịch sử hoạt động của Chúa Thánh Thần, như mỗi khi chúng ta nghe, hay đọc lại lịch sử Giáo Hội ban sơ được các Thánh sử chép lại trong sách Tông Đồ Công Vụ. Những khó khăn của thuở ban đầu, với những cơn bách hại ra sao, thì lịch sử Giáo Hội hai ngàn năm qua, cũng đa phần là đi những bước đi “khập khễnh” như thế! Các vua chúa cấm đạo thời xưa dẫu ác liệt thế nào, cũng chưa bằng âm mưu đen tối và những kế hoạch kinh khủng từ Địa Ngục do tên Thủ lãnh Thế gian đem ra thực hiện để triệt phá Giáo Hội. Hầu như những ngưỡi Kitô hữu chúng ta mới chỉ sống bằng khuôn mặt “Khải hoàn” chưa đến, chứ chưa thực sự đi trên những con đường Chúa đã đi qua, mà suốt quá trình lịch sử Giáo Hội hé mở cho chúng ta thấy Giáo Hội Mẹ đã phải đi những bước đi như Chúa Kitô đã đi như thế trên từng thế kỷ. Bởi không thật sự sống trong lòng Giáo Hội, chúng ta mới không có cảm nghiệm được nỗi đau của những mũi tên kẻ thù bắn xuyên qua thịt da, buốt lòng Giáo Hội Mẹ. Vì không cảm nghiệm được, chúng ta mới trở nên thờ ơ, vô cảm trước những lời kêu gọi thiết tha của Mẹ trong những thế kỷ qua, Mẹ đã trở lại Trái đất này, không phải chỉ là vài lần, mà là nhiều lần, nhưng con cái Mẹ yêu vẫn cứ dửng dưng. Thậm chí Mẹ khóc vì con cái Mẹ, nhưng con cái Mẹ không chút xót xa! Xin mời các bạn chịu khó nghe tiếp Sứ điệp vô cùng quam trọng này. Quan trọng đến nỗi Satan làm đủ mọi cách để cho nhiều người không bao giờ biết đến Sứ Điệp này, hoặc biết mà không hiểu, để đừng bao giờ thực hiện những mệnh lệnh, cũng là những lời tha thiết của Mẹ kêu gọi nguời ta ăn năn, xám hối, trở về làm hòa cùng Thiên Chúa).
34. Sứ Điệp La Salette: Luxiphe sẽ được phóng ra khỏi hỏa ngục và sẽ phá Đức Tin. Quỷ sẽ làm cho nhiều linh hồn bị mất.
Đức Mẹ cho biết Hiện nay Tam Điểm có ở hầu hết khắp nơi trên thế giới, nhất là trong các nước Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Mỹ.
ĐIỀM BÁO VII – (Mẹ nói với Melanie): Năm 1864 Luxiphe với một số đông các quỷ sẽ được phóng ra khỏi hỏa ngục và sẽ phá Đức Tin dần dần. Cả Đức Tin của những người đã hiến dâng mình cho Chúa. Quỷ sẽ làm cho họ ra mù quáng đến nỗi, nếu không có ơn Chúa đặc biệt họ sẽ hướng theo tinh thần quỷ Satan. Nhiều tu viện mất cả Đức Tin và mất nhiều linh hồn.
– (A): Nói là năm 1864, có phải là Mẹ có ý bảo điềm báo này đã được thực hiện cả rồi phải không ạ?
– (M): Mới chỉ bắt đầu thực hiện, điềm đó xẩy ra cho tới đời con bây giờ, rồi dần dần các giáo sĩ bỏ đức tin, bỏ cầu nguyện và quỷ Satan sẽ dùng mọi mưu chước thâm độc, để cho các vị bỏ nhiệm vụ TÔNG ĐỒ, và rồi dần dần sống đời rất đê tiện.
– (A): Có phải chính Tam Điểm gây ra việc đó chăng?
– (M): Đúng vậy! phần lớn do Tam Điểm gây nên. Hiện nay Tam Điểm có ở trên hầu hết khắp nơi trên thế giới, nhất là trong các nước Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Mỹ. (Còn tiếp)