Chương Đặc biệt về Đức mẹ (tiếp theo)
Mẹ Maria hằng cầu xin với Chúa: “Nếu Chúa cho con tự do chọn lựa bất cứ thứ gì, con chỉ chọn chịu đau khổ tới chết vì yêu Chúa. Lạy Chúa Duy Nhất của con, xin Chúa làm cho tì nữ trở nên hy lễ toàn thiêu, đáng được chấp nhận trước thánh nhan Chúa” (Trích trong Phần2, Chương 6 “The Mistical City of God”).
——-oOo——-
- Lòng sùng kính Mẹ Maria lại càng cần thiết hơn cho những ai muốn nên trọn lành (Những bài học từ Thánh Grignon De Montfort)
- Không có Mẹ, chta không thể kết hiệp mật thiết với Chúa – Tôi (Grignon de Montfort) tin rằng không ai có thể kết hiệp thân mật với Chúa Giêsu Kitô và hoàn toàn trung thành với Chúa Thánh Thần, mà lại không có sự kết hiệp rất chặt chẽ với Mẹ Maria và trọn vẹn lệ thuộc vào sự cứu giúp của Mẹ.
- Nhờ Mẹ, chúng ta sẽ nhận được ân sủng của Chúa – Khi thiên sứ Gabriel kính chào Mẹ, thì Mẹ đã đầy ơn phúc (Lc 1,28), và Mẹ đã đầy tràn ân sủng khi Chúa Thánh Thần bao phủ Mẹ dưới bóng của Ngài (Lc 1,35). Mỗi ngày và mỗi lúc, Mẹ đã gia tăng sự đầy tràn này tới một mức bao la khôn tả, đến độ Đấng Tối Cao đã đặt Mẹ làm người thủ quỹ duy nhất tất cả kho tàng của Ngài, và đặt Mẹ làm người phân phát mọi ân sủng của Ngài, để Mẹ muốn ban thưởng và tôn vinh ai, tuỳ ý Mẹ; để Mẹ muốn đưa ai qua cửa hẹp vào thiên đàng, cũng tuỳ ý Mẹ; cũng như để Mẹ dẫn dắt ai qua cửa ải sự sống và đưa họ vào Nước Trời, ban cho họ ngai vàng, vương trượng và vương miện, tuỳ ý Mẹ. Chúa Giêsu mãi mãi và khắp nơi là con của Mẹ Maria, và Mẹ Maria sẽ mãi mãi là cây diễm phúc đích thực, sinh ra hoa trái sự sống.
Vì vậy, Chỉ một mình Mẹ Maria đã được ân sủng trước mặt Thiên Chúa (Lc 1,30), mà không phải nhờ một thụ tạo nào khác. Cũng như chính nhờ Mẹ mà từ đây về sau người ta sẽ nhận được ân sủng của Chúa.
- Mẹ là Vườn Địa Đàng của những ai sống Đời Tận Hiến – Chỉ mình Mẹ Maria được Thiên Chúa trao cho các chìa khoá của kho rượu tình yêu Chúa (Dc 1,2). Chỉ mình Mẹ có khả năng đi vào những con đường cao siêu nhất và huyền bí nhất của đức trọn lành, và dẫn người ta đi vào những con đường đó.
Do đó, Mẹ chính là Vườn Địa Đàng, là mảnh đất trinh nguyên và diễm phúc, Ađam và Evà đã bị xua đuổi ra khỏi đây: Nay Mẹ Maria có quyền cho phép vào đây những người vâng lời Mẹ sống Đời Tận Hiến cho Trái Tim Mẹ, Mẹ sẽ biến đổi họ thành các thánh nam và các thánh nữ.
- Trinh Nữ Maria rất thánh, được Chúa Thánh Thần gọi là “Thành đô của Thiên Chúa” (Tv 86, 3). Đây là Thành phố mà người ta sẽ tìm thấy để ăn năn trở lại vào thời cuối.
Tôi (Grignon de Montfort) được phép nói điều đặc biệt sẽ xảy ra vào gần ngày tận thế, và sắp xảy ra việc Đấng Tối Cao và Mẹ rất thánh của Ngài sẽ tác thành nên những vị đại thánh Thời cuối. Những tâm hồn vĩ đại này, đầy ân sủng và đầy nhiệt huyết, sẽ được Chúa chọn để chống lại các kẻ thù của Thiên Chúa đang gầm thét tư bề: những tâm hồn này sẽ đặc biệt sùng kính Mẹ Maria, được soi sáng bởi ánh sáng của Mẹ, được nuôi dưỡng bằng sữa của Mẹ, được hướng dẫn bởi tinh thần của Mẹ, được nâng đỡ bởi cánh tay của Mẹ: Họ được Mẹ che chở để có thể một tay chiến đấu và một tay xây dựng. Một tay họ chiến đấu, lật đổ và đập tan những kẻ rối đạo cùng với các tà thuyết của chúng, đập tan các kẻ ly giáo cùng với các thuyết ly khai của chúng, đập tan những kẻ thờ ngẫu tượng (1) cùng với các thần tượng của chúng, đập tan các kẻ tội lỗi cùng với những điều phạm thánh của chúng; với tay kia, họ sẽ xây dựng đền thờ của vua Salômôn đích thực và đô thành nhiệm mầu của Thiên Chúa, đó là Trinh Nữ Maria rất thánh, vẫn được các thánh Giáo Phụ gọi là “đền thờ Salômôn và thành đô của Thiên Chúa”. Họ sẽ dùng lời nói và gương sáng để đưa mọi người tới lòng sùng kính đích thực đối với Mẹ Maria: điều này sẽ gây nhiều phiền nhiễu cho họ, nhưng cũng mang lại nhiều chiến thắng và vinh quang cho Thiên Chúa.
Vì vậy, trước lần giáng lâm thứ hai của Chúa Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần sẽ phải làm cho mọi người nhận biết Mẹ Maria, hầu nhờ Mẹ mà người ta yêu mến và phụng sự Chúa Giêsu Kitô, để được Cứu rỗi.
——-oOo——-
Chú thích (1) thờ ngẫu tượng:
Xưa dân Do Thái đúc bò vàng để thờ, Ông Môi-se – người Đại diện Thiên Chúa – từ trên núi xuống thấy vậy thì vô cùng tức giận, trên hai tay ông là hai tấm bia đá khắc “Thập Điều Giới Luật” của Thiên Chúa. Ông biểu lộ cho Dân Chúa thấy, chính những Giới Luật này không cho phép bất cứ ngẫu tượng nào được phép tồn tại. Thời nào cũng vậy, người ta không chỉ tôn thờ thần tượng là hình ảnh của các tà thần, mà là tất cả những gì ngự trị tâm trí con người, khiến con người không còn biết, hay nhớ tới Thượng Đế là Thiên Chúa – Đấng Phải Tôn Thờ – Vậy những cái ngày hôm nay thường ngự trị trong tâm trí con người như: Tiền bạc, của cải; Địa vị và danh vọng; Tài sắc và các thú vui tội lỗi … những thứ mà nó khiến được con người dễ dàng quay lưng lại Thiên Chúa. Bởi thế, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét chủ này, và yêu mến chủ kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ.Các con không thể cùng lúc làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. (Mt 6, 24-34). Vào thời cuối, thánh Grignon de Montfort cho thấy những kẻ rối đạo cùng với các tà thuyết của chúng; Những kẻ chủ trương tà thuyết ly khai chống lại truyền thống đức tin, bao gồm việc sửa đổi lề luật và giáo lý của Chúa Giêsu; xem thường các Bí Tích Chúa đã lập ra vì phần rỗi cho nhiều người, ôm ấp và ve vuốt các tà giáo ngoại đạo. Tất cả đối với Thiên Chúa đều là thờ ngẫu tượng!
——-oOo——-
- Nhờ Mẹ Maria Ơn Cứu Độ nhân loại đã khởi đầu, thì cũng sẽ nhờ Mẹ Maria mà ơn cứu độ được hoàn tất.
Mẹ Maria đã gần như không xuất hiện trong cuộc giáng lâm thứ nhất của Chúa Giêsu Kitô, kẻo người ta khi đó còn ít hiểu biết về Con của Mẹ, sẽ lánh xa chân lý bằng cách gắn bó với Mẹ một cách quá thiết tha.
Thứ Nhất bởi vì Đấng Tối Cao đã ban cho Mẹ những vẻ đẹp rất khả ái cả về ngoại hình. Và đúng như vậy, bởi vì thánh Điônisiô, thành viên của Hàn lâm Arêôgagô đã ghi lại trong sách rằng: Khi ngài gặp Mẹ Maria, ngài có thể bị lầm đó là một thần linh, nếu ngài không được giáo dục vững vàng về đức tin, bởi vì Mẹ có sức hấp dẫn huyền bí và có vẻ đẹp khôn ví.
Thứ Hai, Vì Mẹ đã sống ẩn dật ở đời này, và đã coi mình như cát bụi do đức khiêm nhường sâu thẳm của Mẹ, Mẹ đã xin được Thiên Chúa, để các Tông Đồ và các tác giả 4 sách Phúc Âm đừng đưa Mẹ ra cho người ta biết về Mẹ.
Đó là lý do khiến Chúa Thánh Thần giấu kín Hiền Thê của Ngài trong suốt cuộc sống của Mẹ, và chỉ ít đưa Mẹ ra từ khi Phúc Âm được rao giảng.
Tuy nhiên những lý do đó nay không còn nữa. Bởi vậy, Thiên Chúa muốn mọi người nhận biết và biết nhiều về Mẹ Maria, kỳ công tuyệt tác của bàn tay Chúa, trong những thời gian cuối cùng này. – Bởi vì Mẹ là kỳ công vĩ đại nhất của Chúa nơi trần gian do ân sủng, và trên thiên đàng do vinh quang, cho nên Chúa muốn được mọi người sống trên trái đất tôn vinh và ca tụng Mẹ.
– Vì Mẹ là bình minh đi trước và mở đường cho Mặt Trời công chính là Chúa Giêsu Kitô, cho nên Mẹ cần phải được nhận biết và yêu mến, để Chúa Kitô được mọi người nhận biết và mến yêu
– Vì Mẹ đã là con đường để Chúa Giêsu Kitô đến với chúng ta lần thứ nhất, cho nên Mẹ cũng sẽ là con đường để Ngài đến lần thứ hai, tuy không cùng một cách.
– Vì Mẹ là phương thế chắc chắn và là con đường thẳng và vẹn tuyền nhất để đến với Chúa Giêsu Kitô và gặp được Ngài cách tuyệt hảo, cho nên các linh hồn thánh thiện phải nhờ Mẹ mà gặp gỡ Chúa. Ai gặp được Mẹ Maria là gặp được sự sống (Cn 8,35), nghĩa là gặp được Chúa Giêsu Kitô vì Ngài là đường, là chân lý và là sự sống (Ga 14,6).
- Thành ngữ có câu: Vô tri bất mộ (Không biết thì không thể mộ mến) –
Người ta sẽ không gặp được Mẹ Maria, nếu người ta không đi tìm Mẹ; người ta không đi tìm Mẹ, nếu người ta không biết Mẹ, bởi vì chúng ta không tìm kiếm và không ước ao những gì mình không biết. Do đó, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải biết nhiều về Mẹ Maria, để Chúa Ba Ngôi cực thánh càng được nhận biết và được vinh quang hơn.
Vậy, những tài liệu như chúng ta đang nghe, hoặc đọc đây chính là phương cách giúp chúng ta biết và hiểu nhiều về Mẹ Maria.
- Kết luận: Ngày nay hơn bao giờ hết, Mẹ Maria phải toả sáng về lòng từ bi, về sức mạnh và về ân sủng, trong những thời gian cuối cùng này:
– Mẹ cần toả sáng về lòng từ bi, để kéo về và đón nhận một cách yêu thương những kẻ tội lỗi và hư hỏng rất đáng thương, họ sẽ ăn năn hối cải và trở về với Hội Thánh Công Giáo.
– Mẹ cần toả sáng về sức mạnh, chống lại các kẻ thù của Thiên Chúa, những kẻ thờ lạy các ngẫu thần, những người ly giáo, những người Do Thái và Hồi giáo, những người vô thần cứng lòng: họ sẽ hùng hổ đứng lên để dụ dỗ bằng những hứa hẹn, và dùng những hăm doạ để đánh phá những ai chống lại họ.
– Sau hết, Mẹ cần phải toả sáng về ân sủng, để khuyến khích và nâng đỡ những chiến sĩ can trường và những đầy tớ trung thành của Chúa Giêsu Kitô: Họ sẽ chiến đấu vì quyền lợi của Chúa và Giáo Hội.
Hơn tất cả, Mẹ Maria sẽ là sự khủng khiếp cho ma quỷ và các tay sai của nó, vì Mẹ giống như một đạo binh xếp hàng vào trận. Ma quỷ thấy rằng hơn bao giờ hết, nó chỉ còn rất ít thời gian để làm cho các linh hồn sa ngã và hư đi, cho nên hằng ngày nó nỗ lực gấp đôi trong chiến đấu: Nó sẽ sớm khơi lên những cuộc bách hại tàn ác, và sẽ đưa ra những cạm bẫy ghê sợ chống lại những đầy tớ trung thành và những người con hiếu thảo của Mẹ Maria, vì nó biết khó thắng những người này hơn là thắng những người khác.
Chính vì những cuộc bách hại tàn ác của ma quỷ đang mỗi ngày mỗi gia tăng cho tới khi quỷ vương, tên phản Kitô xuất hiện, mà chúng ta phải hiểu lời tiên báo đầu tiên và thời danh là lời nguyền rủa của Thiên Chúa chống lại con rắn trong Vườn Địa Đàng.
Kỳ tới chúng ta sẽ phân giải lời nguyền rủa này của Thiên Chúa: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15) trong mục đích để tôn vinh Mẹ Maria rất thánh, vì ơn cứu độ của con cái Mẹ, và để ma quỷ thêm xấu hổ.
(theo cuốn sách “Thành thực sùng kính Mẹ Maria” của thánh Grignon De Montfort)
- ĐỨC TIN VÀ CÁCH ĐỨC MARIA THỰC HÀNH THÁNH ĐỨC NÀY
Trích từ “The Mistical City of God” – tác phẩm được mạc khải của Chân Phước Maria D’Agreda – dịch bởi Ngưỡng Nhân Lưu Ấu Nhi.
Mục đích để chu toàn một việc cách toàn hảo là làm cho việc đó trở nên thánh đức. Nơi Đức Maria, mục đích này là chính Thiên Chúa, mục đích tối cao của mọi hoạt động. Đức Maria không làm điều gì mà không chắc chắn tiến tới tôn vinh và làm hài lòng Chúa hơn, Người coi điều này là động lực và mục đích tối hậu của mọi hành động.
Các thánh đức được Thiên Chúa ban sẵn chia ra hai lớp:
* Lớp thứ nhất gồm những thánh đức mà chính Thiên Chúa là đối tượng trực tiếp, đó là: TIN, CẬY, MẾN. Vì thế, ba Thánh Đức này được gọi là các THÁNH ĐỨC THẦN HỌC.
* Lớp thứ hai gồm tất cả các nhân đức khác có những đối tượng gần, làm phương tiện đưa linh hồn tới mục đích cuối cùng là Thiên Chúa. Các nhân đức này được gọi là các NHÂN ĐỨC thuộc về ĐẠO ĐỨC & LUÂN LÝ. Các nhân đức này gắn liền với tập quán phong tục. Mặc dầu nhân đức thuộc lớp này rất nhiều, nhưng được rút gọn thành bốn và được gọi là các NHÂN ĐỨC CHÍNH: KHÔN NGOAN, CHÍNH TRỰC, DŨNG CẢM, và CHỪNG MỰC ĐIỀU ĐỘ.
Tác giả (Maria D’Agreda) sẽ hết sức cố gắng đề cập chi tiết hơn tất cả các nhân đức và hình thái khác nhau của những nhân đức này để có thể làm sáng tỏ từng nhân đức, đã đặc biệt tô điểm các năng lực của Đức Maria.
Một cách tổng quát: Đức Maria có các nhân đức này ở mức độ trọn hảo; các nhân đức này còn được bổ sung bằng ơn Chúa Thánh Thần. Ngay từ giây phút đầu tiên bẩm thai, Thiên Chúa đã trút cho Đức Maria tràn đầy mọi thánh sủng và đặc ân dẫn tới vẻ đẹp cao quí của linh hồn và các bản năng nhân loại của Người. Tác giả xin tóm gọn tất cả những điều đó trong một lời: Thiên Chúa ban với mức đáng ca tụng vô cùng mọi thứ tốt lành có thể ban, cho Đức Maria vì Người là Mẹ của Con Chúa và là một thụ tạo. Thêm với tất cả những thứ này, các nhân đức của Đức Maria được bồi đắp không khi nào ngưng, bởi các hành động đầy công nghiệp của Người.
Nhìn vào thế giới, chúng ta thấy biết bao nhiêu quốc gia, triều đại và dân tộc, từ ngày khởi đầu thế giới tới nay, đã mất quyền hưởng đặc ân vĩ đại Đức Tin. Loài người vong ân bội bạc, biết bao người đã vô phúc vứt bỏ Đức Tin mà Thiên Chúa ban cho do lòng thương xót vô lượng của Ngài. Biết bao nhiêu tín hữu, nhận được Đức Tin không vì xứng công, đã chểnh mảng xem thường để cho Đức Tin nằm im lìm vô hiệu, đối với mục đích cuối cùng mà Thánh Đức này chỉ dạy hướng dẫn. Vì thế, đức công bằng của Thiên Chúa phải có phần đền bù cho những mất mát đáng than khóc này. Cũng thật chính đáng phải tìm được ít nhất một thụ tạo mà nơi người đó, Đức Tin đạt tới sự toàn hảo tột đỉnh, để làm gương sáng và mẫu mực cho toàn thể nhân loại.
Tất cả sự đền đáp này được tìm thấy nơi Niềm Tin cao cả của Đức Maria. Thiệt là chính đáng để chỉ vì một mình Đức Maria, chính Đức Maria là bảo đảm đủ đối với Đấng Quan Phòng, để Ngài tìm được sự đền đáp về phần nhân loại, để mục tiêu của Đức Tin không bị thất bại vì người ta thiếu sót đáp ứng. Vì thế Đức Maria được đặt làm Thầy, làm gương mẫu cho mọi tín hữu, gồm cả các Thánh Tổ, các Tiên Tri, các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tử Đạo và tất cả những người đã tin hoặc sẽ tin các giáo lý Chúa Kitô cho tới tận thế.
Đức Maria dứt khoát tin mọi chân lý siêu nhiên bằng tình yêu sáng ngời, tình yêu này không thể diễn tả bằng ngôn từ. Đức Maria biết mọi điều Người tin và tin mọi điều Người biết, vì kiến thức siêu nhiên nơi Đức Maria ở mức độ cao nhất. Kiến thức của Người được duy trì luôn luôn trong điều kiện đích thực; nhờ có trí nhớ hơn các thiên thần, Đức Maria không hề quên điều gì một khi đã biết. Đức Maria luôn luôn sử dụng đặc ân và khả năng hiểu biết này để thực hành Đức Tin. Người thấu triệt mọi điều về Đức Tin, hiểu biết Thiên Chúa tường tận. Về phương diện này Đức Maria giữ địa vị cao vượt trên hết mọi người trần thế, chính Người tạo thành một đẳng trật tột độ cao xa, mà không một người nào khác đang trên đường về quê trời có thể đạt tới.
Đức Maria vượt trội hơn mọi thần thánh về công nghiệp do thực hành Đức Tin và Đức Cậy, ngay cả trong điều có thể coi là bình thường nhất, ở mức độ hoạt động thấp nhất của Người. Như thế chúng ta phải nói gì về sự tuyệt vời nơi các hành động, công nghiệp và lòng yêu mến của Đức Maria khi Người được quyền năng Thiên Chúa nâng lên tới tình trạng hạnh phúc thị kiến trực diện cao siêu nhất và hiểu biết Thiên Chúa tường tận? Nếu điều này vượt qúa sức hiểu biết của các thiên thần, làm cách nào chúng ta, người trần thế, có thể hy vọng tìm được ngôn từ để diễn tả?
Nơi Mẹ Maria, Đức Tin đã đạt tới tột đỉnh trọn lành và trọn vẹn chu toàn mục đích của nó. Những người bất trung, những người vô tín ngưỡng, những người ngoại giáo, các người thờ ngẫu thần hãy tới gần vị Nữ Giáo Sư của Đức Tin là Đức Maria, để được soi sáng cho thấy sự giả dối sai lầm, để tìm thấy chính lộ dẫn tới cùng đích của mình.
Các tín hữu Công Giáo hãy tới gần để học cho biết những phần thưởng dồi dào của Thánh Đức này. Tất cả chúng ta hãy cùng với các thánh Tông Đồ xin Chúa ban thêm đức tin (Lc 17:5). Không phải chúng ta có thể đạt tới trình độ Đức Tin nơi Đức Maria, nhưng hãy xin được lòng ao ước bắt chước và theo Người, vì Người dạy chúng ta bằng Đức Tin, và giúp chúng ta đạt được thánh đức này.
Thánh Phaolô gọi tổ phụ Abraham là cha tất cả các tín hữu (Rom 4:11), vì ngài là người đầu tiên nhận được lời hứa, tuyệt vọng mà vẫn một lòng trông cậy (Rom 4:18). Thánh Phaolô muốn ca tụng đức tin tuyệt vời của vị Thánh Tổ, vì ngài đã tin lời Thiên Chúa hứa rằng bà Sarah sẽ sinh hạ cho ngài một con trai mặc dầu bà xưa nay son sẻ, theo luật tự nhiên, không thể nào mang thai được. Hơn nữa, khi hiến dâng con trai Isaac làm hy lễ theo lệnh Thiên Chúa, ngài đã cùng một lúc từ bỏ viễn tượng có con cháu nhiều không thể đếm đã được hứa. Toàn thể điều này, và nhiều lời khác Thiên Chúa đã hứa đều không thể nào xảy ra theo luật tự nhiên, dẫu vậy ông Abraham vẫn tin quyền năng Thiên Chúa có thể làm những việc đó cách siêu nhiên. Vì thế Thánh Tổ Abraham xứng đáng được gọi là cha tất cả các tín hữu.
Nhưng Đức Maria có nhiều quyền và tước hiệu cao cả hơn để được gọi là Mẹ Đức Tin, Mẹ tất cả các tín hữu. Tiêu chuẩn và dấu hiệu Đức Tin dành cho mọi tín hữu theo Luật Ân Sủng được nâng niu trong tay Người. Dĩ nhiên, theo thứ tự thời gian, trước nhất là Tổ Phụ Abraham được phong là cha, là tổ phụ của dân Do Thái, lòng tin của ngài vào các lời hứa liên quan tới Chúa Kitô và nơi các việc làm của Đấng Toàn Năng thật là vĩ đại. Tuy nhiên Lòng Tin của Đức Maria vào những điều này còn đáng ca tụng hơn gấp bội và Người trổi vượt hơn Tổ Phụ Abraham về địa vị. Sự kiện một Trinh Nữ mang thai và sinh con còn khó khăn, khác thường, gấp bội so với một người già cả son sẻ có thể mang thai và sinh con. Tổ phụ Abraham không chắc lắm về việc hiến tế Isaac như Đức Maria biết chắc việc hiến dâng Con Một cực thánh. Đức Maria là Người Duy Nhất tin và trông cậy trọn vẹn nơi mọi mầu nhiệm, Người tỏ rõ cho toàn thể nhân loại thấy phải tin vào Đấng Tối Cao, tin các việc của Công Cuộc Cứu Chuộc như thế nào. Vì thế đã hiểu Đức Tin của Đức Maria, chúng ta phải nhận Người là Mẹ các tín hữu, là mẫu mực của Đức Tin Công Giáo và Đức Cậy Trông.
Để kết chương này, tôi (Maria d’Agreda) xin nói thêm rằng Chúa Cứu Thế, Ngài là Thiên Chúa, nên Chúa Kitô không phải làm gương cho chúng ta về Thánh Đức này. Nhưng điều gì Chúa không làm nơi chính Ngôi Vị của Chúa, Chúa đã làm nơi Mẹ rất thánh. Chúa đặt Đức Maria là Đấng Sáng Lập, là Mẹ, là gương sáng, là mẫu mực Đức Tin trong Giáo Hội rao giảng Tin Mừng.
(Trích trong tác phẩm “The Mistical City of God” – Phần Hai Chương 3)
444. LỜI MẸ MARIA Nói với Chân Phước Maria D’Agreda và các con cái
Con của Mẹ, kho tàng vô giá Đức Tin siêu nhiên bị giấu kín đối với những người chỉ có cặp mắt trần tục; vì họ không biết phải quí trọng đặc ân và thánh sủng giá trị khôn sánh. Con hết sức yêu dấu của Mẹ, con hãy nghĩ kỹ xem thế giới sẽ thế nào nếu không có Đức Tin, thế giới ngày nay ra sao nếu Con (Chúa Giêsu con Mẹ) và Chúa của Mẹ không bảo vệ Đức Tin. Vì không có ánh sáng Đức Tin, bao nhiêu người mà thế gian coi là vĩ đại, quyền thế và khôn ngoan đã tự lao đầu từ sự u mê vào những tội lỗi ghê tởm nhất, mà từ đó xuống chốn tối tăm đời đời trong hoả ngục!
Biết bao nhiêu vương quốc và dân tộc, vì mù quáng, đi theo những lãnh tụ còn mù tối hơn nữa cho tới khi tất cả đều rơi xuống vực thẳm đau khổ đời đời! Những người này được nối gót bởi những Kitô hữu khốn nạn, những người này đã nhận được thánh sủng Đức Tin, nhưng sống như thể không có Đức Tin trong tim.
Hỡi những đứa con khác của Mẹ, xin đừng quên tỏ lòng biết ơn vì ơn cao quí này Chúa ban cho các con như là của hồi môn, để đưa các con vào phòng cưới của Hội Thánh và sau đó hợp hoan với Ngài trong hạnh phúc vĩnh cửu. Phải không ngừng tập luyện Đức Tin, vì Thánh Đức này đặt các con gần mục đích cuối cùng, đưa các con tới gần đối tượng mọi ước vọng và tình yêu. Đức Tin dạy các con đường chắc chắn Ơn Cứu Độ đời đời. Đức Tin là ánh sáng đánh tan bóng tối cuộc đời hay chết này. Đức Tin dẫn đưa nhân loại an toàn tới quê trời, nếu người ta không để cho Đức Tin chết yểu vì sự bất trung và tội lỗi. Đức Tin làm cho các nhân đức khác sinh động, tác động như lương thực nuôi người công chính, và chất bổ dưỡng nâng đỡ những lao khổ. Đức Tin làm cho những kẻ bất trung và các Kitô hữu thờ ơ phải xấu hổ lo sợ, vì sự chểnh mảng của họ. Đức Tin làm cho những người đó hiểu tội lỗi họ khi còn ở trần thế, ý thức nguy cơ hình phạt ở đời sau. Đức Tin có sức làm mọi việc, làm cho mọi thứ trở nên khả dĩ đạt được, vì không điều gì bất khả đối với người tin. Đức Tin soi sáng, làm cho sự hiểu biết của nhân loại nên cao sang; Đức Tin hướng dẫn họ trong bóng tối ngu dốt, không để họ lạc đường. Đức Tin nâng người ta vượt lên trên chính họ, để thấy và thấu triệt những điều vượt quá khả năng, bảo đảm chắc chắn không kém gì họ nhìn thấy rõ ràng trước mắt. Do đó nhân loại được giải thoát khỏi tình trạng thô thiển, và trí khôn hẹp hòi ác độc của những người, chỉ tin những điều họ có thể hiểu bằng khả năng hạn hẹp tự nhiên. Những người đó không suy nghĩ rằng linh hồn, bao lâu còn sống trong nhà tù thân xác hay hư nát này, còn bị giới hạn tối đa phạm vi hoạt động, vì sự hiểu biết rút được từ hoạt động thô kệch của ngũ quan. Các con của Mẹ, vì thế các con cần nhận biết rõ giá trị kho tàng vô giá Đức Tin Công Giáo được Thiên Chúa ban cho, các con hãy chăm sóc, thực hành Đức Tin với lòng quí mến và kính trọng. (Vẫn trong Phần Hai, Chương 3 sách nói trên,)
——-oOo——-
445. Sự ngay chính của lương tâm kiếm được một cái chết trong sáng, và các lời cầu nguyện của các thánh cũng xin cho các con được cái chết như vậy”. (Lời Chúa trong “Tin Mừng như đã được vén mở cho tôi” Tác Phẩm được mạc khải của Maria Valtorta)
Chúng tôi trong chương trình SVTT của Mẹ Maria xin được lướt qua một số các tiểu đề mục. Vậy sau khi Đức Maria của chúng ta được dâng vào Đền Thờ đúng lúc Cô bé Maria được 3 tuổi, rồi Người lớn lên từ trong đó với sự trông nom, săn sóc của các bà giáo, nhưng đó chỉ là dưới con mắt của thế gian. Thật sự thì Đức Maria được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần để mắt trên Người không một giây phút nào, vì chính Cô bé Maria cũng vậy, không một giây phút nào mà trái tim của Cô được ngơi nghỉ vì yêu mến Thiên Chúa và cầu xin Đấng Tối Cao tha thứ cho các tội nhân. Chúa Giêsu cảm động về những lời cầu xin tha thiết và liên lỉ của Maria rất nhỏ bé, nên Ngài đã dạy chúng ta qua thị kiến nhân Maria Valtorta những Lời sau đây:
“Một lần nữa, các con hãy nhìn vào người Mẹ của các con. Hãy suy niệm về điều mà nhiều người không biết hay không muốn biết. Bởi vì sự đau khổ là điều quá khó chịu cho miệng lưỡi và tâm hồn họ… Các con hãy biết rằng: Sự đau khổ, Maria đã có từ những giờ đầu tiên của đời Mẹ, khi Mẹ nhìn thấy những tội lỗi con người phạm. Trọn lành như Mẹ, là một sự trọn lành nhậy cảm, bởi vậy sự hy sinh trở nên sắc bén hơn, nhưng cũng vì vậy mà có công hơn.
Ai có sự trong sạch thì có tình yêu; Ai có tình yêu thì có sự khôn ngoan.
Ai có sự khôn ngoan thì có sự quảng đại và anh hùng, bởi vì họ biết họ hy sinh cho ai.
Hãy nâng tâm hồn các con lên, cho dù Thập Giá đè các con gập xuống hay bẻ gẫy các con, giết các con. Nhưng Thiên Chúa luôn ở với các con.
Hãy chiêm ngưỡng một Maria bé nhỏ trong suy niệm. Vị Nữ Sư Phạm của các con đó, chẳng lẽ không có gì đặc biệt để nói với các con sao?”
Thế rồi, cái chết của Joakim và Anna phải đến. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu cũng nói: “Giống như một hoàng hôn mau chóng của mùa đông mà gió tuyết tích tụ mây trên bầu trời, đời sống của ông bà ngoại Cha cũng mau chóng biết màn đêm, kể từ lúc “Mặt Trời”(1) của họ được cố định để chói lọi trước bức màn Thánh của Đền Thờ.
Nhưng đã chẳng có lời rằng: “Đấng Khôn Ngoan thông truyền sự sống nơi con cái mình và bảo vệ những kẻ tìm kiếm Người… Ai yêu Người là yêu sự sống, và ai canh chừng cho Người sẽ được vui hưởng sự bình an của Người. Ai chiếm hữu Người sẽ có sự sống làm gia nghiệp… Ai phục vụ Người sẽ vâng lời Đấng Thánh, và ai yêu Người sẽ được là Người Yêu của Thiên Chúa… Nếu họ tin ở Người, họ sẽ có Người làm gia sản, một gia sản mà ngay cả con cháu họ cũng sẽ được thừa huởng, để Người đi kèm theo họ trong thử thách. Họ sẽ là đối tượng lựa chọn đầu tiên của Thiên Chúa, rồi Thiên Chúa sẽ gởi đến cho họ sự kính sợ, nể vì. Sự kính sợ Thiên Chúa là gốc rễ của cây Khôn Ngoan, từ đó tất cả các cành vươn lên để tiến tới đỉnh tình yêu yên ổn trong bình an và thử thách, để đào tạo họ cho đến khi họ cảm thấy Người ở trong tư tưởng của họ và có thể hãnh diện vì Người. Người sẽ tỏ lộ các bí mật cho họ, sẽ đặt nơi họ các kho tàng khoa học và thông hiểu trong lòng sự công chính”.
“Cha được bao bọc bởi những kẻ khôn ngoan trong đám bà con trần thế của Cha: Anna, Joakim, Giuse, Zacari, và hơn nữa là Êlisabét và Gioan Tẩy Giả. Họ chẳng phải các người khôn ngoan thực sự sao? Cha không nói đến Mẹ Cha, người mà Đấng Khôn Ngoan đã chọn làm nơi ở của Người. Từ tuổi trẻ đến nấm mồ, Đấng Khôn Ngoan đã soi sáng cho ông bà của Cha một cách sống đẹp lòng Thiên Chúa. Đấng Khôn Ngoan đã bảo vệ các ngài cho khỏi sự nguy hiểm của tội lỗi.
“Ai yêu Sự Khôn Ngoan thì yêu sự sống và chiếm hữu được sự sống làm gia nghiệp”, sách Giảng Viên đã nói. Điều đó ăn hợp với lời Cha: “Ai mất sự sống vì tình yêu Thầy thì sẽ cứu được nó”. Đó không phải sự sống trên trái đất này, nhưng là cuộc sống vĩnh cửu; Không phải là niềm vui trong một giờ, nhưng là niềm vui bất diệt. Trong ý nghĩa này, Joakim và Anna đã yêu nó và nó đã ở với các vị trong thử thách … Có bao nhiêu thử thách đã không gặp các vị công chính này, những đấng đã xứng đáng được có Maria làm con?
Những khủng bố chính trị đã đuổi họ ra khỏi đất của Đavít, và làm cho họ nên nghèo không giới hạn. Nỗi buồn bởi thấy năm tháng qua đi mà không một bông hoa nào nói với họ: “Tôi tiếp nối các vị”. Và sau đó, nỗi sợ vì có con quá trễ, chắc chắn là họ sẽ không thấy người đàn bà tươi nở nơi con họ; rồi bổn phận phải rứt con ra khỏi lòng họ để mang tới bàn thờ của Thiên Chúa; rồi còn phải sống trong sự yên lặng nặng nề hơn, trong khi họ đã quen với tiếng hát con sơn ca nhỏ của họ, với tiếng động của bước chân nó, với nụ cười và cái hôn của tạo vật bé nhỏ của họ… Và chờ đợi giờ của Thiên Chúa với những kỷ niệm này. Và còn nữa, và còn nữa: bệnh tật, thiên tai, bão táp, sự hỗn láo của các kẻ mạnh… Bao nhiêu lần bị áp bức trên mớ gia tài khiêm tốn của họ. Và chưa hết: Ý tưởng nặng nề về đứa con của họ ở quá xa, và phải ở lại một mình, nghèo khó, và mặc dầu sự cô đơn của họ, sự hy sinh của họ … Lo âu, sợ sệt, thử thách và cám dỗ. Nhưng trung thành, họ vẫn luôn luôn trung thành với Thiên Chúa. Cám dỗ mạnh mẽ nhất chính là mất đi sự an ủi bởi sự hiện diện của con họ trong cuộc đời xế bóng.
Nhưng con cái thuộc về Thiên Chúa trước khi thuộc về cha mẹ chúng. Và hết mọi người con đều có thể nói điều Cha đã nói với Mẹ Cha: “Mẹ không biết rằng con phải lo đến lợi ích của Cha con ở trên trời sao?” Và mỗi người mẹ, mỗi người cha, để biết mình phải giữ thái độ nào, họ phải nhìn vào Maria và Giuse ở trong đền thờ; Anna và Joakim ở trong nhà họ tại Nazarét: Mỗi ngày của họ đều trống rỗng hơn và buồn hơn, nhưng trong đó có một điều duy nhất không yếu nhược, trái lại, không ngừng tăng trưởng: Đó là sự thánh thiện của hai con tim, sự thánh thiện trong sự kết hợp của họ.
Cái gì còn lại cho Joakim suy yếu, và cho Anna, người vợ bi thương của ông, để soi sáng những buổi chiều dài yên lặng của người già chờ chết? Những quần áo nhỏ, các đôi xăng đan nhỏ đầu tiên, mấy món đồ chơi nhỏ bé của đứa con bé bỏng ở quá xa; rồi nữa: Các kỷ niệm, đầy dẫy những kỷ niệm, nhưng rồi cùng với chúng là sự bình an đến nói với họ: “Tôi khổ, nhưng tôi đã làm tròn bổn phận của tình yêu đối với Thiên Chúa”.
Vậy đó là niềm vui siêu nhiên, sáng bằng ánh sáng Thiên Quốc mà người thế không biết đến. Nó không lạt đi, dù nó chiếu trên các mu mắt tàn úa, trên đôi mắt đang chết, nhưng vào giờ sau cùng, nó rực rỡ hơn, và soi sáng sự thật đang ở lại trong tâm hồn họ trong suốt đời họ … Và sự sống tắt đi trong sự nhận biết một tương lai hạnh phúc cho họ và con cháu họ, trong khi trên môi họ nở lời chúc tụng sau cùng dành cho Thiên Chúa.
Đó là cái chết của ông bà Cha, đúng như cuộc đời thánh thiện của họ xứng đáng. Vì sự thánh thiện của họ, họ đáng được là những kẻ đầu tiên gìn giữ Người Yêu của Thiên Chúa. Chỉ khi mặt trời đến soi sáng cho họ vào xế chiều của đời họ, họ mới nhìn thấy đầy đủ ơn phúc mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Vì sự thánh thiện của họ, Anna đã không cảm thấy đau đớn khi sinh nở, nhưng đã cho Đấng Không Tì Vết (Đức Mẹ) vào đời một cách cực kỳ hoan lạc.
Đối với cả hai, ông bà ngoại của Cha, đó không phải là cơn hấp hối, nhưng là sự tàn lụi của một sự sống đã tắt đi, giống như một ngôi sao tắt đi khi mặt trời mọc lên lúc rạng đông. Và nếu họ không được cái an ủi có Cha, thì Cha, sự Khôn Ngoan nhập thể, Cha ở bên họ giống như Giuse – Người cha Dưỡng nuôi của Cha – sẽ được. Cha hiện diện cách vô hình, nói với họ những lời cao cả, cúi xuống trên gối của họ để cho họ ngủ trong bình an(2) trong khi chờ khải hoàn.
Có người sẽ nói: “Tại sao họ không phải đau đớn khi sinh nở và chết, trong khi họ là con cháu Ađam?” – Hãy xem, trường hợp của Gioan Tẩy Giả, chỉ vì đến gần Cha đang hiện diện trong lòng Mẹ Cha, mà ông Tẩy Giả, con cháu Ađam, được thụ thai với tội nguyên tổ, mà được thánh hóa trước khi sinh ra, chẳng lẽ bà ngoại của Cha – người mẹ thánh – của đấng Hoàn Toàn Thánh Thiện mà vết tội không hề chạm tới, lại không được hân hạnh hơn Gioan Tẩy Giả sao?
Với kẻ đặt câu hỏi, Cha cũng trả lời cho biết: “Sự ngay chính của lương tâm sẽ kiếm được một cái chết trong sáng, và các lời cầu nguyện của các thánh cũng xin cho các con được cái chết như vậy”. (Trích chương 15 Cái chết của Gioakim & Anna trong tác phẩm mạc khải của Maria Valtorta)
—————
Chú thích:
(1). Mặt Trời: “Mặt Trời Công Chính” thường được chỉ về Đức Giêsu Kitô; Nhưng ở đây Chúa cũng dùng hai chữ “Mặt Trời” để chỉ Mẹ của Chúa. Rồi trong Khải Huyền, Thánh Gioan cũng được Chúa cho thấy Đức Mẹ qua hình ảnh, mà ngài diễn tả như sau: “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Chúng ta biết ngôn ngữ trong khải huyền là sấm ngôn, hơn nữa thánh Gioan lại dùng chữ “điềm lớn” cho nên không hiểu theo nghĩa đen thực sự là Đức Mẹ, mà “Điềm” ấy chỉ về Giáo Hội thời cuối.
(2). Họ ngủ trong bình an: Thánh Joakim từ trần chỉ sáu tháng sau ngày Đức Maria vào đền thờ (lúc ấy Đ.Mẹ mới 3 tuổi rưỡi); Còn Thánh Anna thì từ trần lúc Đức Maria vừa bước qua tuổi 12 (Chân Phước Maria D’Ageda viết theo mạc khải qua tác phẩm “The Mistical City of God”). Chúng tôi sẽ trình bày thêm những khía cạnh đặc sắc qua ngòi bút của Maria D’Agreda vào kỳ tới.
——-oOo——-
ACE/TGTL/SVTT&DCTĐ Kính chúc Quý thính giả và các bạn trẻ Một Tuần Lễ Bình An trong Thiên Chúa và Mẹ Maria.