HỌC THUYẾT MARIA (HAY HỌC THUYẾT THÁNH MẪU)
CỦA THÁNH LOUIS GRIGNON DE MONTFORT
(tiếp theo)
CÁCH THỨC THỰC HIỆN VIỆC TẬN HIẾN
- NHỮNG VIỆC BỀ TRONG.
1)- 5 Cách thức chung:
* Tôn sùng Mẹ trên các thánh, xứng với tước vị Mẹ Thiên Chúa, một kiệt tác do ơn thánh tạo ra liền sau Chúa Giêsu-Thiên Chúa làm người.
* Năng suy niệm về các nhân đức đặc ân và hoạt động của Mẹ.
* Luôn cám ơn Mẹ và nói lên lòng yêu mến ngợi khen.
* Thiết tha khẩn cầu Mẹ.
* Hiến mình liên kết với Mẹ và làm mọi việc cho đẹp lòng Mẹ.
2)- Làm mọi việc: nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ, và vì Mẹ.
- Nhờ Mẹ: Người tận hiến luôn vâng lời Mẹ, hiệp nhất cùng Mẹ trong mọi việc và nhờ Mẹ bầu cử trợ giúp. tinh thần của Mẹ là tinh thần của Chúa, là chính Thần Linh của Chúa Cha. “Ai làm theo Thần Linh của Chúa, họ là con Chúa” (Rom 8: 14). Ai giữ tinh thần của Mẹ là con Mẹ. Và con của Mẹ cũng chính là con Chúa.”
- Với Mẹ: Trong mọi việc, ta phải xem Mẹ Maria là mẫu gương hoàn hảo của mọi nhân đức và mọi sự trọn lành. Chúa Ba Ngôi đã kiến tạo Maria như khuôn mẫu thập toàn, để ta có thể noi gương. Trước mỗi việc, ta xin Mẹ cùng làm với ta, và nếu có thể, hãy tưởng tượng xem, nếu Mẹ làm, Mẹ sẽ làm thế nào, ta sẽ làm y như vậy.
- Trong Mẹ: Khi làm bất cứ việc gì, ta cũng luôn nghĩ rằng, mình đang sống trong lòng Mẹ là Đền Thờ Chúa Ba Ngôi. Để ta thoát mọi bối rối, lo âu sợ hãi, vì biết mình được Mẹ yêu thương bao bọc, che chở, hướng dẫn. Ta chỉ việc an toàn hoạt động với lòng cậy tin phó thác vô biên nơi quyền năng và lòng từ bi của Mẹ. Cũng nhờ vậy ta sẽ luôn lớn lên trong ơn thánh và mỗi ngày nên giống Chúa Kitô hơn.
- Vì Mẹ: Đã tận hiến cho Mẹ, ta sẽ làm mọi việc vì Mẹ như tôi trung đối với Chủ tốt, như con thảo đối với Mẹ hiền. Mọi suy tư, cảm xúc, lời nói, việc làm của ta sẽ quy hướng về một mục đích duy nhất là để yêu mến Mẹ, để làm vừa lòng Mẹ. Nhờ thế, ta sẽ được yêu mến Chúa và đẹp lòng Chúa hơn.
466.NHỮNG VIỆC LÀM BÊN NGOÀI.
Tận hiến cốt yếu là tâm tình bên trong, nhưng vẫn có những việc bên ngoài phải làm. Chúa Giêsu từng dạy rằng “Chính các điều này phải thi hành, mà đừng bỏ các điều kia” (Mt.23,23). Vì các việc đạo đức bên ngoài làm đàng hoàng và đứng đắn, không khoe khoang, sẽ nâng đỡ tâm hồn rất nhiều. Ta phải nhớ rằng con người có hồn mà cũng có xác, có tinh thần mà cũng có giác quan, cảm xúc. Hơn nữa, việc bên ngoài vừa biểu lộ tâm ý bên trong, vừa khích lệ và nêu gương cho kẻ khác.
Thánh Montfort đề nghị những việc đạo đức sau đây, để thực hiện việc tận hiến cho Đức Mẹ:
1)– Đọc Kinh Triều Thiên Đức Mẹ (hay kinh vòng hoa dâng Mẹ)
Theo sách Khải Huyền, thánh Gioan thấy một Phụ Nữ, đầu đội 12 vì sao, mặc áo mặt trời, đứng trên mặt trăng (Kh 12:1). Thánh Augustinô và Bênađô nhận đó là Đức Mẹ. Vì thế, từ lâu trong Hội Thánh có nhiều người dựa theo thị kiến trên đọc kinh Triều Thiên Đức Mẹ gồm 3 kinh Lạy Cha, 12 kinh Kính Mừng, và 3 kinh Sáng Danh để kính 12 nhân đức của Mẹ:
Tin – Cậy – Mến – Khôn Ngoan – Công Bình – Mạnh Mẽ;
Tiết Độ – Vâng Lời – Trong Sạch – Khó Nghèo – Hiền Lành – Khiêm Nhường.
Thánh Montfort dạy ta bắt đầu bằng lời cầu nguyện:
“Lạy Trinh Nữ Chí Thánh, xin nhận lời con ca tụng
và xin ban cho con đủ sức chiến thắng kẻ thù của Mẹ”.
Rồi đọc 1 kinh Lạy Cha, 4 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh.
Đọc 3 lần như vậy là đủ. Kết thúc đọc kinh “Trông cậy…”
Ngoài ra, Kinh Triều Thiên này cũng có ý ca tụng những đặc ân, quyền năng và tình thương Chúa Ba Ngôi ban tặng Mẹ.
2)- Mang xiềng xích hoặc vòng sắt.
Tuy đây không phải là việc chính, nhưng thánh Montfort khuyến khích ta thực hiện vì các lý do sau:
– Nhắc ta nhớ lời thề Rửa Tội và mỗi khi nhìn xuống vòng đeo, hay nhẫn, nó nhắc ta nhớ Mẹ.
– Cho thấy ta không xấu hổ khi chịu làm nô lệ Chúa Kitô.
– Nói rằng tôi mang xiềng xích tình thương và sự cứu rỗi để khỏi mang xiềng xích của tội lỗi và Satan.
Ngày nay, nhiều người có thể chọn đeo nhẫn như dấu chỉ mình đã thuộc về Đức Mẹ.
3)- Đặc biệt tôn sùng Mầu Nhiệm Nhập Thể.
Thánh Montfort gọi mầu nhiệm Nhập Thể (được kính trọng thể vào lễ Truyền Tin 25/3 mỗi năm) là mầu nhiệm đặc biệt của việc tận hiến. Đọc kinh Truyền Tin sáng, trưa, chiều sẽ giúp ta năng tưởng nhớ mầu nhiệm cực trọng này, Người tận hiến đặc biệt tôn sùng mầu nhiệm Nhập Thể với hai mục đích:
a). Dể tôn kính và noi gương Chúa Con đã làm người tù, làm nô lệ trong cung lòng Mẹ Đồng Trinh và sau đó lệ thuộc Đức Mẹ trong mọi sự để tôn vinh Chúa Cha và cứu chuộc ta.
b). Dể tạ ơn Chúa Cha vì muôn ơn vô giá đã ban cho Mẹ, nhất là ơn được làm Mẹ Thiên Chúa qua mầu nhiệm Truyền Tin.
4)- Năng đọc kinh Kính Mừng và lần chuỗi thực sốt sắng.
Dây là việc được thánh Montfort cũng như những ai yêu mến Đức Mẹ nhắc nhở rất nhiều. Ngài ghi lại lời Đức Mẹ nói với chân phước Alain de la Roche: “Con phải hiểu và cũng phải nói cho kẻ khác biết rằng, kinh Kính Mừng là kinh đã cứu rỗi nhân loại, vậy ai coi thường, hoặc đọc kinh này cách lôi thôi, đó là dấu gần như chắc, người đó sẽ mất linh hồn đời đời.”
Ngài nói thêm: “Muốn biết người nào có thuộc về Chúa hay không, hãy xem coi họ có thích đọc kinh Kính Mừng và lần hạt không!”
Chúng ta không thể không thêm lòng yêu mến việc đọc kinh Kính Mừng và lần hạt Mân Côi khi đọc những dòng thật thiết tha sau của thánh Montfort:
“Các bạn nô lệ của Chúa Giêsu và Maria, người đã được Chúa chọn, bạn hãy hiểu cho rằng, kinh Kính Mừng là kinh tốt nhất sau kinh Lạy Cha. Đây là lời ca tụng hoàn hảo nhất mà bạn có thể dâng lên Mẹ. Vì đây là Lời Chúc Tụng chính Thiên Chúa đã sai một đại sứ thần mang đến để làm vui lòng Mẹ. Lời ca tụng này có mãnh lực sâu xa, thầm kín trong tâm hồn đến độ Maria vui lòng chấp nhận mang thai Ngôi Hai Nhập Thể, dù con người của Maria rất khiêm tốn. Và đây cũng là lời chúc tụng mà chắc chắn bạn sẽ được lòng Mẹ, nếu bạn đọc thực hẳn hoi.
Dọc kinh Kính Mừng cho chăm chỉ, sốt sắng và khiêm nhường, các thánh thông công với ta – ta sẽ đuổi được Satan địch thù, và như dùng búa đập tan chúng, thánh hóa ta, làm cho thần thánh hoan hỉ, là khúc ca mê ly của người Chúa chọn, là ca vịnh của Tân Ước làm vui lòng Mẹ và làm sáng danh Chúa Ba Ngôi. Kinh Kính Mừng là sương trời làm cho tâm hồn được sung mãn, là nụ hôn yêu thương trắng trong mà ta tặng Mẹ, là đóa hồng thắm tươi ta trao Mẹ, là viên ngọc quí, là bình thuốc thơm quí giá, là của mỹ vị thần thiêng ta dâng lên Mẹ. Đó là câu các thánh thường ví.
Vì lòng tôi thương bạn trong Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tôi van xin bạn, không những đọc kinh Triều Thiên mà còn nên lần hạt 50 mỗi ngày, tốt hơn nữa là lần chuỗi 150 (bây giờ là 200), rồi tới giờ cuối cùng bạn sẽ nhớ lại ngày này giờ này bạn vừa gặp tôi, nghe tôi, đúng là ngày hồng phúc cho bạn. Nếu gieo gió, gặt bão, thì gieo phúc lành của Chúa Giêsu và Maria, bạn sẽ gặt hái phúc lành đời đời (2 Cor 9: 6).”
5)- Năng đọc kinh Magnificat (Kinh “Linh hồn tôi ngượi khen Chúa”).
Người tận hiến sẽ năng đọc kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” để cảm tạ những ơn Chúa ban cho Mẹ, thánh Montfort cho rằng kinh Magnificat là “kinh duy nhất do Mẹ đặt ra, đúng là Giêsu trong dạ Mẹ đã dùng miệng của Mẹ để ca lên thánh vịnh này. Trong phạm vi ơn thánh, đây là lời ca tụng dâng hiến làm đẹp lòng Chúa nhất. Vì đây là một lời chúc tụng vừa rất khiêm nhường, rất biết ơn, mà cũng vừa sâu xa và cao cả hơn mọi lời chúc tụng, trong đó gồm nhiều mầu nhiệm bí ẩn và cao cả mà các Thiên Thần cũng không hiểu ra.”
6)- Khinh chê thế tục
Nô lệ trung thành của Mẹ phải chê ghét và xa lánh các thói hư nết xấu, những sự phù hoa thế tục, và tất cả những gì ngược lại tinh thần của Chúa, của Mẹ.
7)- Biểu dương lòng sùng kính Mẹ
Thánh Montfort còn kể ra các việc biểu dương lòng sùng kính Mẹ mà những con thảo Mẹ thường làm như:
– Gia nhập các hội đoàn hoặc dòng tu được lập để tôn vinh Mẹ.
– Năng ca tụng Mẹ khi truyện vãn.
– Ăn chay, hãm mình, làm việc bác ái để tôn vinh Mẹ.
– Mang chuỗi, áo, ảnh Đức Mẹ.
– Đọc các kinh kính Đức Mẹ.
– Năng hát và giúp người khác hát các bài ngợi khen Đức Mẹ.
– Trang hoàng các bàn thờ ảnh Mẹ.
– Mang ảnh hay cờ Mẹ lúc rước kiệu.
– Đặt ảnh hay tượng Mẹ trong gia đình, nhà thờ, trước nhà, trước cổng nhà, cổng làng.
467. LỄ DÂNG MÌNH TẬN HIẾN CHO TRÁI TIM VẸN SẠCH MẸ MARIA
Việc tận hiến là một tác động của ý chí có thể trong giây lát là hoàn thành(1) . Tuy nhiên, để thêm sốt sắng và ghi sâu vào tâm hồn, ta nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tận hiến. Thánh Montfort đề nghị nên có 12 ngày chuẩn bị để lột bỏ tinh thần thế tục: Chê ghét những thói hư tật xấu, và xa lánh những sự phù hoa thế tục. Thí dụ: Bỏ những thói quen xấu, hay không tốt như “Cờ bạc, thuốc sái, trai gái, rượu chè”; hoặc những thú vui giải trí ăn chơi sa đọa. Nam thì hay có thói quen chửi thề, nữ thì ưa nói xấu người khác, hoặc ngay cả những câu chuyện không tốt thì cả nam lẫn nữ đều không nên nói v.v… nghĩ xa hơn chút nữa là bỏ hẵn những việc làm lỗi đức công bằng, thay vào đó thì gia tăng những việc làm của yêu thương và bác ái, nghĩa là giúp đỡ tha nhân về bất cứ sự gì trong khả năng có thể. Và 3 tuần tiếp theo là tự tĩnh tâm để thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô.
Tuần thứ nhất: Thánh Montfort khuyên ta xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa Thánh Thần cho ta ơn biết mình và sám hối tội lỗi. Ngài nhắc ta nhớ lại lời thánh Bênađô tự nói với mình: “Hởi ngươi! Ngươi có biết trước kia ngươi là gì không? Trí, hoặc lương tâm trả lời: Là một chút bùn! Hiện giờ ngươi là chi có biết không? Là hũ phân! Vậy, Ngày mai sẽ thế nào ngươi có biết chưa? Làm mồi cho giòi bọ!” Hãy năng nguyện tắt như người mù: “Xin cho con thấy” (Lc 18, 41), hay như thánh Augustinô ngài thường cầu xin: “Xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa.” Thánh Montfort muốn nhấn mạnh đến sự ta cần nhận biết mình chỉ là hư vô, xấu xa, tội lỗi, để khiêm hạ thống hối. Nhưng ta cũng cần nhận biết ơn gọi cao cả của mình, để biết ơn Chúa và phấn khởi vươn lên: Ta được dựng nên giống hình ảnh Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu Chúa Kitô, và được mời gọi để tham dự sự sống viên mãn đời đời của Chúa Ba Ngôi.
Trong tuần này, chúng ta dùng những lời khuyên trên đây để Tự Tĩnh Tâm, nghĩa là chọn ra một thời gian thuận tiện nhất cho mình để cầu xin Chúa, Đức Mẹ giúp cho mình suy niệm về các sự gợi ý trên, để chính mình có thể hiểu được “đề tài” hay câu chuyện nền tảng nhất về đời mình. Trước hết, mình đã học được từ Hội Thánh rằng mình từ đâu mà ra, ai tạo thành?
Tuần thứ hai: Xin Chúa Thánh Thần ơn hiểu biết, yêu mến, và noi gương Đức Mẹ. Nhận ra Mẹ là phương thế tuyệt hảo giúp ta đến với Chúa.
Tuần thứ ba: Nhờ Mẹ Maria để xin ơn hiểu biết, yêu mến và hiệp nhất với Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần để đến với Chúa Cha.
Sau ba tuần này, ta sẽ xưng tội, dự lễ, rước lễ như nô lệ tình thương của Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria. Sau khi rước lễ sẽ đọc kinh Dâng Hiến (tức là KinhTận Hiến sau đây). Trong ngày tận hiến, nên có một lễ vật tùy khả năng mỗi người để đền bù vì những sự bất trung với lời thề ngày Rửa Tội, cũng như để nhìn nhận quyền thống trị đầy yêu thương của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Lễ vật có thể là một ngày ăn chay, một việc bác ái, hay một số tiền giúp người nghèo khó.
Kinh Tận Hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria
“Lạy Mẹ Vô Nhiễm, hôm nay con là (nói tên thánh cùng tên của mình), một tội nhân bất trung, xin lập lại và xác quyết trong tay Mẹ lời thề khi con chịu phép Rửa Tội. Con xin vĩnh viễn từ bỏ ma quỷ với những mưu mô và việc làm của nó. Và con xin dâng hiến toàn thân con cho Chúa Giêsu-Kitô – Đức Khôn Ngoan Nhập Thể – để vác thánh giá mình theo Chúa mọi ngày suốt đời con và để trung thành với Chúa hơn. Trước sự hiện diện của triều đình Thiên Quốc, hôm nay con xin nhận Mẹ làm Mẹ con và là Bà Chủ của con. Như một nô lệ của Mẹ, con xin trao phó và tận hiến cho Mẹ thân xác và linh hồn con, mọi của cải vật chất, cũng như tinh thần của con, ngay cả giá trị của mọi việc lành con đã, đang, hay sẽ thực hiện, để Mẹ toàn quyền xử dụng con và mọi sự thuộc về con không trừ điều gì, tùy theo lòng yêu thích tốt lành của Mẹ, để Chúa được vinh quang hơn trong mọi thời gian và đời đời. Amen.”
Ghi chú: Đây là Kinh Tận Hiến do chính Thánh Grignon de Montfort soạn ra;Các Hội đoàn, đoàn thể, hay nhà dòng có thể có những Kinh Tận Hiến riêng tự soạn.
Mỗi năm vào ngày này, chúng ta sẽ lập lại việc dâng mình với ba tuần chuẩn bị như thế (Nếu có thể). Mỗi ngày nên lập lại lời tận hiến vắn tắt này: “Ôi Giêsu khả ái! Nhờ Mẹ Maria, Mẹ Chúa, toàn thân con là của Chúa, mọi sự của con là của Chúa.”
—————
Chú thích:
(1) Có thể trong giây lát là hoàn thành: Đó là những người học hỏi kỹ lưỡng, lòng yêu mến Đức Mẹ thật sự phát xuất từ nội tâm và khao khát Tận Hiến cho Đức Mẹ, để được sống đời Tận Hiến, nhưng hoàn cảnh không cho phép thực hiện các nghi thức bên ngoài như trong một hội đoàn. Chỉ cần một sự quyết tâm, dốc lòng hứa với Mẹ “Con yêu mến Mẹ suốt đời kể từ nay. Con dốc lòng theo Mẹ và khinh chê mọi quyến luyến thế trần, để sống theo Ý Chúa, và đẹp lòng Mẹ. Thực sự xưa kia chưa có thánh Louis Grignon de Montfort, các thánh tự lòng mình đã đốt ngọn lửa Kính mến Chúa, yêu mến Mẹ ngày đêm tha thiết, thì các ngài không cần nghi thức gì hết cả, mà cuộc sống vẫn trọn hảo. Còn chúng ta chỉ sợ đơn giản quá, thì khi gặp một biến cố nào đó là quên hết cả lời thề. Cho nên PHƯƠNG PHÁP vẫn là cách giúp cho chúng ta, những con người bình thường nhờ vào đó, mà lần từng bước đi trong khuôn khổ dẫn chúng ta đến được đỉnh trọn lành.
- NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BỔ TÚC CHO ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN
ĐỂ SỐNG THÁNH THIỆN HƠN
A)- những lời nguyện tắt.
Những lời nguyện tắt sau đây giúp người tận hiến sống gắn bó với Đức Mẹ và tiến tới hơn trên đường yêu mến Chúa:
1- Dâng ngày, đêm cho Mẹ bằng lời nguyện tắt sau: “Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương và là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ. Mọi sự của con là của Mẹ. Cùng với Mẹ con cảm tạ Chúa đã ban cho con qua một đêm (ngày) bằng an. Xin Chúa gìn giữ con trong ngày (đêm) hôm nay và suốt cả cuộc đời con”
2- Lập lại lời tận hiến cho Mẹ mỗi ngày hay những lúc nhớ đến Mẹ: “Lạy Mẹ là Nữ Vương và là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ. Mọi sự của con là của Mẹ.”
3- Cầu nguyện cho các Linh hồn bằng lời nguyện sau: “Giêsu, Maria, Giuse! Con mến yêu, xin cứu các linh hồn” hay “Mẹ ơi! Con yêu Mẹ.”
4- Trước khi làm việc gì, đọc lời nguyện sau: “Cùng với Mẹ, con làm việc này để mến Chúa.” Cụ thể như: “Cùng với Mẹ con nấu cơm (quét nhà, rửa chén, ăn cơm…) để mến Chúa.” Với lời nguyện ấy, mọi việc dù tầm thường nhỏ bé cũng trở thành một tác động yêu mến Chúa, một lễ vật dâng hiến Mẹ.”
5- Mỗi khi gặp gỡ ai hay nhớ đến ai, ta hãy dâng người ấy cho Đức Mẹ, bất kể họ là ai: “Con xin dâng cho Trái Tim Tinh Tuyền Mẹ.” Ví dụ: “Con xin dâng ba mẹ con (anh chị em con, vợ hay chồng, con cái con, người yêu con, cha xứ con, độc giả con, kẻ thù con, ông chủ con … cho Trái Tim Tinh Tuyền Mẹ.” Đây là một hành vi tuyệt vời của đức yêu người. Khi ta dâng một người cho Mẹ, Mẹ sẽ tùy tình trạng và nhu cầu của người ấy mà giúp đỡ họ. Với người đang sống thánh thiện, Mẹ sẽ gìn giữ họ trong Ơn Thánh Chúa và giúp họ hăng hái tiến bộ hơn. Với người đang gặp đau khổ, thử thách, Mẹ sẽ giúp họ thoát gian nguy, hay đủ sức chịu đựng để nên giống Chúa Kitô tử nạn. Với người tội lỗi, Mẹ sẽ soi sáng cho họ biết ăn năn thống hối. Kèm với lời nguyện trên, ta nên đọc thêm một kinh Kính Mừng, để cầu nguyện cho người ta gặp gỡ hay nhớ đến Chúa.
6- Dâng mọi ước mơ, lo lắng, dự định, công việc… cho Đức- Mẹ: Ví dụ: “Con xin dâng việc (tình duyên, học hành, thi cử, làm ăn.v.v…) của con cho Trái Tim Tinh Tuyền Mẹ.”; “Con xin dâng ước mơ trở thành nữ tu (linh mục, bác sĩ, kỹ sư, văn sĩ.v.v…) của con cho Trái Tim Tinh Tuyền Mẹ.” Khi ta dâng mọi việc của ta cho Mẹ, Mẹ sẽ xem mọi việc của ta như việc của Mẹ. Như thế, Mẹ sẽ sắp xếp công việc của ta theo cách thế tốt nhất, đẹp nhất, không phải theo ý nghĩ hẹp hòi của ta, nhưng theo Thánh Ý Chúa. Đó là điều tốt nhất cho ta.
- KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN.
Dời tận hiến được thể hiện qua công thức: “Cùng với Mẹ, con làm để mến Chúa.” Vì thế khi kiểm điểm đời sống tận hiến, ta theo công thức ba điểm và tưởng như Đức Mẹ Kiểm điểm ta:
1)- Tôi sống động:
a)- Con đã có thói quen tận hiến vắn tắt trước mỗi việc chưa?
b)- Con có giữ gìn sức khỏe đúng mức hay phí phạm cách vô ích? Có nâng niu trang điểm thân xác quá mức không? Có ăn mặc nết na hay lố lăng khêu gợi?
c)- Mắt con có cố tình xem những hình ảnh, sách báo, phim ảnh hiểm nghèo hay sinh tội nghịch đức trong sạch hoặc chống lại đức tin không? Có năng đọc sách báo đạo đức không?
d)- Tai con có năng nghe giảng giải về lời Chúa không? Hay tai con lại nghe thơ ca hay trò truyện tục tĩu, dâm ô, hoặc những lời lỗi đức bác ái?
đ)- Miệng con có phàn nàn kêu trách Chúa, hay nói những lời lỗi đức bác ái, trong sạch và khôn ngoan không? Có sẵng sàng lên tiếng bênh vực đức tin, xây dựng Hội Thánh, phong hóa và đạo đức khi cần không?
e)- Tưởng tượng và ký ức con có bày vẽ hay phục hồi những hình ảnh xấu xa khêu gợi không?
g)- Trí khôn con có năng suy đến các chân lý đức tin không? Hay lại suy đến việc trả thù làm hại kẻ khác hoặc ý tưởng hiếu danh vô ích?
h)- Lòng con có thuận theo tình yêu bất chính dâm ô không? Có chủ tâm nuôi ác cảm tự nhiên với người khác không? Có thuận theo dư luận để thực hành, hoặc không sửa dạy con cái các việc tội lỗi như: Ăn ở vợ chồng không Hôn phối, Ly dị, tái hôn trái lẽ đạo, phá thai, tuyệt sản, ngừa hay thụ thai nhân tạo, đồng tình luyến ái không?
i)- Ý chí con có biết bỏ mình để theo ý Chúa trong mọi sự không? Có bất mãn với Chúa và Hội Thánh không?
k)- Con có quá ham mê của cải không? Có kiếm tiền cách bất chính không? Có keo kiệt bủn xỉn không? Có tiêu xài hoang phí không? Có quảng đại khi làm việc bác ái không?
l)- Con có dùng thời giờ để chu toàn bổn phận không? Có dành thời giờ để cầu nguyện và hoạt động tông đồ không? Có dùng thời giờ vào những việc vô ích có hại như bài bạc và rượu chè không?
m)- Con có vui lòng để Mẹ tùy nghi xử dụng công hiệu của các việc lành của con không?
2.Cùng với Mẹ:
a)- Con có làm việc gì một mình mà không cùng với Mẹ không?
b)- Con có bắt chước con trẻ, việc gì cũng hỏi Mẹ làm thế nào không?
c)- Con có cùng Mẹ chiến đấu với mọi cám dỗ và những phát động của nết xấu đứng đầu không?
d)- Khi lo lắng về tương lai, con có giao phó cho Mẹ ngay, rồi cứ làm việc đang làm không?
đ)- Mỗi khi có việc gì hệ trọng, con có tính toán với Mẹ và xin Mẹ giúp cho xong xuôi không? Gặp việc khó khăn, có xin Mẹ làm thay không?
e)- Khi toan tiếp xúc với ai, con có dâng họ cho Trái Tim Tinh Tuyền Mẹ không? Có xin Mẹ xử trí với họ thay con không?
g)- Những khi gặp khô khan trong các việc đạo đức, con có nói: Cùng với Mẹ, con thờ lạy, con yêu mến, con cám ơn Chúa không?
h)- Khi có chuyện lo sợ, con có tin cậy chạy đến giao phó cho Mẹ ngay không?
i)- Con có năng dâng công việc, đau khổ của con cho Mẹ, để làm vinh danh Chúa và cứu các linh hồn không?
k)- Con có bắt chước tâm tình khiêm nhường của Mẹ mà nhận rằng: Tài năng, thành đạt, nhân đức, việc lành của con hết thảy đều bởi Chúa ban không? Có năng suy đến sự hư vô, khốn nạn, khuyết điểm, tội lỗi của con không?
l)- Con có noi gương bác ái của Mẹ mà yêu thương mọi người vì Chúa không? Có tha thứ các lỗi lầm người khác làm phạm đến con không? Có nhịn khuyết điểm của người khác không? Có xét đoán khắt khe, ngờ vực vô cớ, chê bai dễ dàng không? Có ân cần lịch thiệp với người khác không? Có ngợi khen khích lệ những sáng kiến và việc tốt của họ không?
3.Để mến Chúa.
a)- Có việc gì con biết rõ là Chúa không muốn mà con cứ làm không?
b)- Con có năng giục lòng mến Chúa bằng các lời nguyện tắt không?
c)- Con có cùng Mẹ cám ơn Chúa khi được khỏe mạnh may mắn không? Có cùng Mẹ tuân phục ý Chúa khi bị yếu đau, thất bại, rủi ro, hiểu lầm không?
d)- Con có nhìn nhận Chúa nơi các bậc trên không? (như ông, bà, cha, mẹ v.v…)
đ)- Con có biết nói: “Xin Vâng” trong mọi vui buồn, sướng khổ, may rủi, thành bại, thịnh suy của cuộc đời không?
e)- Con có làm việc gì với chủ ý chỉ tìm danh, lợi, thú không?
g)- Con có sốt sắng nhiệt thành với việc truyền giáo để mở mang nước Chúa và cứu các linh hồn không?
h)- Con có quá chạy theo các hoạt động bên ngoài mà không năng hồi tâm nhớ Chúa không?
i)- Các việc con làm thường vì lẽ gì? Con có quen nói: Để mến Chúa, để theo ý Chúa, hay để vui lòng Chúa không?
k)- Linh hồn con đã hô hấp Chúa với Mẹ như xác hô hấp không khí chưa?
l)- Đời sống con đã trở nên một lời ngợi khen, một bài tình ca, một cuộc tâm giao với Chúa Ba Ngôi chưa?
——-oOo——-
SVTT CỦA MẸ TRÂN TRỌNG THÔNG BÁO
CHƯƠNG TRÌNH HỌC HỎI VỀ ĐỨC MARIA VÌ MỤC ĐÍCH TẬN HIẾN CHO ĐỨC MẸ ĐẾN ĐÂY TAM NGƯNG, ĐỂ SVTT CỦA MẸ TRỞ LẠI ĐIỀM BÁO THỨ XXXI CÓ THỂ SAU KHI HẾT 36 ĐIỀM BÁO CỦA ĐỨC MẸ Ở LA SALETTE CHÚNG TA SẼ TRỞ LẠI CHƯƠNG TRINH HỌC HỎI VỀ HỌC THUYẾT MARIA
Điều đáng ghi nhớ: Thánh Thần đã thông ban cho Mẹ Maria, hiền thê trung tín của Ngài, tất cả những hồng ân khôn tả của Ngài. Chúa đã chọn Mẹ làm Đấng ban phát tất cả mọi hồng ân của Ngài, để Mẹ ban cho ai tuỳ ý Mẹ, nhiều hay ít như Mẹ muốn và khi nào Mẹ muốn. Mẹ có quyền ban phát các hồng ân và ân sủng của Chúa Thánh Thần, cho nên không một hồng ân nào của Chúa được ban cho người ta, mà không qua bàn tay trinh khiết của Mẹ. Vì thánh ý của Thiên Chúa là chúng ta có được mọi ơn qua tay Mẹ Maria: như thế, vì Mẹ đã sống khó nghèo, khiêm nhường và ẩn dật đến tận đáy sự hư vô suốt đời mình, do đức khiêm nhường thẳm sâu của mình, Mẹ Maria đã được Đấng Tối Cao tôn trọng, đề cao và làm cho trở thành phong phú. Đó là những tâm tình của Giáo Hội và của các thánh Giáo Phụ (như thánh Bênađô, thánh Bênađinô thành Sienna, và các thánh được trích dẫn nơi các số 141-142).
—————
Chú thích:
Các bạn nào quyết tâm Tận Hiến và SỐNG ĐỜI TẬN HIẾN cho ĐỨC MẸ, xin sao chép (Copie) từ số 457 tới số 468 (BĐT08 – BĐT10), để riêng thành tập nhỏ, dành cho việc:
Học hỏi Tận Hiến và SỐNG ĐỜI TẬN HIẾN cho ĐỨC MẸ theo Thánh Grignon de Montfort.
——-oOo——-
ACE/TGTL/SVTT&DCTĐ Kính chúc Quý thính giả và các bạn trẻ Một Tuần Lễ Bình An trong Thiên Chúa và Mẹ Maria.