“Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến!

Phúc cho ai nắm giữ các lời tiên tri viết trong sách này.” (Kh 22,7)

Vẫn tiếp theo Điềm Báo thứ 30

 

  1. Sách Khải Huyền Chương 10: Tiếng kèn cuối cùng (Kh 10,1-11)

1 Sau đó, tôi thấy một thiên thần dũng mãnh khác từ trời xuống, có mây bao phủ, có hào quang trên đầu ; mặt thiên thần tựa mặt trời, còn chân thì như những cột lửa. 2 Người cầm trong tay một cuốn sách nhỏ mở sẵn, Người đặt chân phải lên biển, chân trái lên đất, 3 và kêu lớn tiếng như sư tử gầm. Người kêu xong, thì bảy hồi sấm lên tiếng nói. 4 Bảy hồi sấm nói xong, tôi sắp sửa viết thì nghe tiếng từ trời phán : “Hãy niêm phong lại những gì bảy hồi sấm đã nói, đừng có viết.” 5 Bấy giờ thiên thần tôi đã thấy đứng trên biển và đất, giơ tay hữu lên trời 6 mà thề nhân danh Đấng Hằng Sống đến muôn thuở muôn đời, Đấng đã sáng tạo trời và muôn vật trên trời, đất và muôn vật dưới đất, biển và muôn vật trong biển. Người thề : “Sẽ không trì hoãn nữa! 7 Nhưng trong những ngày …

(*) tiếng kèn của thiên thần thứ bảy bắt đầu nổi lên, thì mầu nhiệm của Thiên Chúa sẽ hoàn tất, như Người đã loan báo cho các tôi tớ của Người là các ngôn sứ”. 8 Rồi tiếng tôi đã nghe từ trời, lại nói với tôi và bảo : “Hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất.” 9 Tôi đến gặp thiên thần và xin người cho tôi cuốn sách nhỏ. Người bảo tôi: “Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong.” 10 Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Trong miệng tôi nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng. 11 Và có tiếng bảo tôi: “Một lần nữa, ông phải tuyên sấm về nhiều nước, nhiều dân, nhiều ngôn ngữ và vua chúa”.

– Tất cả phải được ứng nghiệm như lời Ngôn Sứ Giô-el cảnh báo: “Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi Ngày của Ðức Chúa xuất hiện, Ngày vĩ đại, kinh hoàng.” (Ge 3,4); Sách Tông đồ Công vụ cũng rập khuôn y như vậy, rằng: “Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi ngày của Ðức Chúa đến, ngày vĩ đại, vinh quang.” (Cv 2,20).

* Trước khi chúng tôi nói đến Chương thứ 11 của Khải Huyền sẽ xảy ra những gì, thì chúng ta hãy nhìn xem Bảy Chén Tai Ương, vì cả chương thứ 11, cùng Bảy chén tai ương còn xảy ra trước cả Tiếng Kèn Thứ Bảy nữa!

1 Rồi tôi thấy một điềm khác trên trời, một điềm lớn lao và kỳ diệu: bảy thiên thần mang bảy chén tai ương, đó là những tai ương cuối cùng, vì với những tai ương này, cơn lôi đình của Thiên Chúa đã hoàn tất. 2 Tôi thấy có cái gì như biển trong vắt pha ánh lửa, và những người thắng Con Thú, thắng tượng của nó và con số tương đương với tên nó; tôi thấy họ đứng trên biển trong vắt ấy, họ cầm những cây đàn của Thiên Chúa 3 và hát bài ca của ông Mô-sê, tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca của Con Chiên; họ hát rằng:

“Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng,
sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu !
Lạy Đức Vua trị vì muôn nước,
đường lối Ngài quả chân thật công minh !

4 Lạy Chúa, nào có ai không kính sợ Chúa ?
Ai mà chẳng tôn vinh danh Ngài ?
Vì chỉ có Ngài chí thánh chí tôn.
Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan,
vì ai ai cũng đều thấy rõ
những phán quyết công minh của Ngài.”

5 Sau đó tôi thấy Đền Thờ là Lều Chứng Ước mở ra ở trên trời. 6 Bảy thiên thần mang bảy tai ương từ Đền Thờ đi ra, mình mặc áo vải gai tinh khiết sáng chói, ngang ngực có thắt đai bằng vàng. 7 Một trong bốn Con Vật đưa cho bảy thiên thần bảy chén vàng, đầy cơn lôi đình của Thiên Chúa, Đấng hằng sống đến muôn thuở muôn đời. 8 Đền Thờ đầy khói từ vinh quang Thiên Chúa và từ quyền năng của Người toả ra. Không ai có thể vào trong Đền Thờ, bao lâu bảy tai ương do bảy thiên thần mang đến chưa hoàn tất. (Kh 15,1-8)

  1. Sách Khải Huyền Chương 16: Bảy Chén Tai ương (Kh 16,1-21)

Y như những điều chúng tôi đã loan báo từ trước, khi nghe những đoạn dưới đây, chúng ta có thể nghĩ rằng những sự kiện sau đây do Bảy chén Tai Ương, cũng sẽ giống như những tiếng kèn báo oán sẽ xảy ra cùng một thời điểm với những dữ kiện xảy ra trong Ấn Thứ Sáu, hoặc có cái trước, có cái sau, nhưng giống như những trận bão chúng ta gặp, vừa có gió lớn nổi lên đổ cây gẫy cành, vừa có mưa tầm tã, lại có sấm, có chớp, cùng với những tiếng gầm thét của biển, nhưng những tai họa từ trời của Ấn Thứ Sáu, và do những Tiếng Kèn Báo Oán, cùng với Bẩy chén tai ương, thì từ tạo thiên lập địa tới thời điểm này, chưa từng bao giờ xảy ra như thế!

Sách Khải Huyền do Gioan Thánh sấm viết: “1 Bấy giờ tôi nghe một tiếng lớn từ Đền Thờ bảo bảy thiên thần : “Hãy đi trút bảy chén lôi đình của Thiên Chúa xuống mặt đất.

(*) 2 Vị thứ nhất đi trút chén của mình xuống mặt đất. Những người mang dấu thích của Con Thú và thờ lạy tượng nó, liền bị một ung nhọt ác tính và đau đớn.

(*) 3 Vị thứ hai trút chén của mình xuống biển. Biển liền hoá ra máu như máu người chết, và mọi sinh vật dưới biển đều chết.

(*) 4 Vị thứ ba trút chén của mình xuống sông ngòi và các nguồn nước. Nước liền hoá ra máu. 5 Tôi nghe thiên thần có quyền trên nước nói : “Lạy Đức Thánh, Đấng hiện có và đã có, Ngài thật công minh vì đã xét xử như vậy. 6 Chúng đã đổ máu dân thánh và các ngôn sứ, nên Ngài đã cho chúng uống máu : thật là đích đáng !” 7 Tôi lại nghe bàn thờ nói : “Vâng, lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, những lời Ngài phán quyết đều chân thật công minh !”

(*) 8 Vị thứ tư trút chén của mình xuống mặt trời. Mặt trời liền được phép dùng lửa mà thiêu đốt người ta. 9 Người ta bị khí nóng dữ dội thiêu đốt, họ nói phạm đến danh Thiên Chúa, Đấng có quyền trên các tai ương đó, nhưng họ không chịu hối cải mà tôn vinh Người.

(*) 10 Vị thứ năm trút chén của mình xuống ngai Con Thú. Vương quốc của nó liền ra tối tăm; người ta cắn lưỡi vì đau đớn ; 11 họ nói phạm đến Thiên Chúa trên trời, vì quá đau đớn và bị ung nhọt, nhưng họ không chịu hối cải mà từ bỏ các việc mình làm.

(*) 12 Vị thứ sáu trút chén của mình xuống sông cả Êu-phơ-rát. Nước sông ấy liền khô cạn, để dọn đường cho các vua từ phương Đông tới. 13 Bấy giờ từ miệng Con Mãng Xà, từ miệng Con Thú và từ miệng ngôn sứ giả, tôi thấy ba thần ô uế nhảy ra như những con ếch. 14 Chúng quả là những thần khí của ma quỷ, chúng làm những dấu lạ và đi đến với vua chúa trên khắp cả thiên hạ, nhằm tập hợp họ lại để giao chiến trong Ngày lớn lao của Thiên Chúa Toàn Năng.

15 Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ canh thức và giữ áo mình, kẻo phải đi đứng trần truồng và bị người ta nhìn thấy sự loã lồ của mình !” – 16 Chúng quy tụ họ tại một nơi, tiếng Híp-ri gọi là Hác-mơ-ghít-đôn.

(*) 17 Vị thứ bảy trút chén của mình xuống không khí. Từ Đền Thờ, từ ngai liền có tiếng lớn phát ra : “Xong cả rồi !” 18 Lúc ấy có ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét và động đất lớn như chưa hề có động đất lớn như vậy bao giờ, từ khi con người xuất hiện trên mặt đất. 19 Thành vĩ đại vỡ ra làm ba phần và các thành thị của các nước bị sụp đổ. Thiên Chúa đã nhớ đến thành Ba-by-lon vĩ đại mà cho nó uống chén rượu là cơn lôi đình thịnh nộ của Người. 20 Mọi hải đảo biến đi, núi non không còn nữa. 21 Những hạt mưa đá lớn, nặng chừng nửa tạ, từ trời giáng xuống người ta, và người ta nói phạm đến Thiên Chúa vì bị tai ương mưa đá, bởi lẽ tai ương đó lớn quá chừng.

 

  1. Những điều nên ghi nhớ về Khải Huyền Chương 16: Bảy Chén Tai ương

1) Khi chúng ta nghe xong Bảy điều do bẩy thiên thần thực hiện theo lệnh truyền, thì có điều chúng ta cần nên nhớ là sẽ tới thời cai trị của TPK, và các nước thuộc liên minh của nó. Bấy giờ, có nhiều thứ luật lệ sẽ bị chúng thay đổi, vì khi ấy chúng thiết lập nên “Một Trật Tự Thế Giới Mới”, và một “Tôn giáo Toàn cầu” cho cả nhân loại (Chúa cho biết là chúng sẽ cố làm, nhưng chẳng thành công. Tuy nhiên đó là chuyện sẽ nói về sau). Một trong những thứ đó là chúng bắt buộc mọi người phải mang dấu thích của con thú (Chúng tôi sẻ đề cập dưới đây). Những người trung thành với Đức Kitô, thì không chấp nhận làm việc này (chắc chắn sẽ bị chúng làm khó dễ). Bởi vậy, khi thời giờ trừng phạt của Thiên Chúa tới, thì những ai mang dấu thích của nó sẽ bị phạt vạ như đã nói ở chén thứ nhất.

2) Chúng tôi lại nghĩ rằng từ chén thứ nhất đến chén thứ sáu – Ngoại trừ chén thứ năm – các thiên thần đổ xuống, khởi sự từ trước khi trận chiến cuối cùng của loài người chưa kết thúc, vì thần khí của ma quỉ từ miệng Con Mãng Xà, từ miệng Con Thú và từ miệng ngôn sứ giả, còn đang đi đến với các vua chúa trong thiên hạ (Tức các nhà lãnh đạo của nhiều nước), nhằm tập hợp họ lại để qui tụ tại một nơi tiếng Híp-ri gọi là Hác-mơ-ghít-đôn, hòng giao chiến trong Ngày lớn lao của Thiên Chúa Toàn Năng. Ở đây chúng ta cũng cần ghi nhận một điều: Khi viết chén thứ sáu, tác giả sấm ngôn chỉ nói tới các vua “Phương Đông”, không nói tới “Phương Tây”, thì ai có trí nhớ khi đọc các Điềm Báo của Đức Mẹ sẽ biết được phần nào các nước này. Nếu ai chịu quan sát tình hình thế giới thì rõ thêm lực lượng Phương Đông. Suy nghĩ các từ ngữ một chút cũng thấy được hai phe trong cuộc chiến cuối cùng. Vì chẳng còn lâu nữa!

3) Nhưng khi hai vị Thiên thần Thứ Năm & Thứ Bảy đổ những chén Tai Ương của họ xuống, thì “Hình phạt từ trời” xem như kết thúc sự “chiến thắng của kẻ dữ” trên trần gian. Vì khi đó vương quốc cùng “đền thờ” Con Thú đã chiếm hửu liền ra tối tăm, và những người theo nó ở khắp nơi bị vô cùng đau đớn! Thiên Chúa đã nhớ đến thành “Ba-by-lon vĩ đại” (xin hãy nghĩ ra mà tự hiểu)  mà cho nó uống chén rượu là cơn lôi đình thịnh nộ của Người. Khi ấy, những kẻ thích sống trong sự dâm ô, và những kẻ chăn thuê, mở rộng cửa chuồng mà lùa chiên vào con đường rộng, hãy nhớ Chương 16, câu 15 trong sách Khải Huyền viết từ trước cho biết: “Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ canh thức và giữ áo mình, kẻo phải đi đứng trần truồng và bị người ta nhìn thấy sự loã lồ của mình !” Hỡi những kẻ nghe theo lời đường mật của “Con Điếm Khét Tiếng”. Khải Huyền đã chỉ cho biết rõ nó ngồi trong thành xây trên bẩy ngọn đồi mà ve vuốt và dụ dỗ cả bàn dân thiên hạ. Chúng ta hảy nghe Khải Huyền giải nghĩa và dẫn chứng:

  1. a) “Đây là lúc cần phải có trí thông minh cùng với sự khôn ngoan. Bảy đầu là bảy quả đồi trên đó người đàn bà ngồi” (Kh 17,9).
  2. b) Bấy giờ, trong số bảy thiên thần mang bảy chén, một vị đến bảo tôi: “Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Con Điếm khét tiếng, đang ngồi bên những làn nước mênh mông … Vua chúa trần gian đã làm chuyện gian dâm với nó, và những người sống trên mặt đất đã say vì thứ rượu là sự gian dâm của nó.” (Kh 17,1 & 2)
  3. c) Trên trán nó, có viết một tên mang ý nghĩa huyền bí: “Ba-by-lon vĩ đại, mẹ đẻ ra các gái điếm và các thứ ghê tởm trên trần gian. Tôi thấy người đàn bà ấy say máu dân thánh và máu các chứng nhân của Đức Giê-su. Thấy nó, tôi rất đỗi ngạc nhiên (Kh 17,5 & 6).
  4. d) Thiên thần lại nói với tôi: “Những làn nước ông đã thấy, nơi Con Điếm ngồi, là những dân, những đám đông, những nước và những ngôn ngữ (tức là các dân tộc khác tiếng nói đã bị con điếm khét tiếng mê hoặc). (Kh 17,15). (Và ở cuối câu trên, chúng ta thấy Thánh Gioan viết lên sự sững sờ của mình): “Thấy nó, tôi rất đỗi ngạc nhiên”. (Vì sao vậy? Thưa, vì Ngài nhận ra nó y hệt dân thánh, mà không phải dân thánh, vì ngài thấy): “người đàn bà ấy say máu dân thánh và máu các chứng nhân của Đức Giê-su”. (Nó chính là “Dê đội lốt chiên” – là Tên Ngôn sứ Giả – là Con Thú từ đất đi lên. Là đứa cởi tháo án ngoại tình, và mở đường cho người ta tự do ngoại tình, và làm các điều dâm ô, rồi lại còn du người ta vào tội phạm Thánh – đứa xem thường Mình Máu Thánh Chúa Kitô – Nên trong lịch sử nhân loại, vị Thiên thần khi chỉ nó cho Thánh Gioan thấy, đã gọi nó là “Con điếm khét tiếng”. Thiên thần còn nói rõ mọi việc con điếm tức ngôn sứ giả làm và đi đứng, chỉ cho một mục đích là): “thực hiện một ý định duy nhất là trao vương quyền của chúng cho Con Thú” (Kh 17,17) (và một lần nữa Thiên thần khẳng định với Thánh Gioan về vương quyền mà nó trao): “Người đàn bà ông đã thấy, là Thành vĩ đại nắm vương quyền thống trị vua chúa trần gian” (Kh 17,18). (Bấy giờ TPK nhận mọi quyền lực và ngự trong Đền Thánh tức thành vĩ đại, để cai trị thế giới về cả tôn giáo lẫn chính trị).

4) Trở lại câu 1 nói về việc “mọi người phải mang dấu thích của con thú”. Khải Huyền viết: “Nó bắt mọi người, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, tự do hay nô lệ, phải thích dấu trên tay hữu hoặc trên trán. Không ai có thể mua bán, nếu không mang dấu thích đó, tức là tên Con Thú hoặc con số tương đương với tên nó. Đây là lúc cần phải có sự khôn ngoan. Ai có trí thông minh hãy tính ra số của tên Con Thú, vì đó là số của tên một người, và số của tên người ấy là sáu trăm sáu mươi sáu” (Kh 13,16 – 18). Theo sự hiểu biết của chúng ta ngày hôm nay, việc “thích dấu” đây là chúng sẽ đặt bên dưới da tay, hay da trán của người ta một con “chip” rất nhỏ, nhưng đầy đủ hồ sơ cá nhân, như một thẻ căn cước, đồng thời có cả số trương mục ngân hàng của mỗi người, để dùng vào việc mua bán, thay thế thẻ tín dụng ngày nay. Nếu ngày xưa thì còn không thể hiểu, chứ thời đại này, ai cũng hiểu cách dễ dàng. Và có thể nhiều người đoán được chữ của ba con số 666.

 

  1. Sách Khải Huyền Chương 11 – Từ câu 1 đến câu 3

* Câu 1: Bấy giờ tôi nhận được một cây sậy, giống như một cái gậy, và nghe bảo : “Hãy đứng dậy mà đo Đền Thờ Thiên Chúa và bàn thờ cùng với những người đang thờ phượng trong đó.

* Câu 2: Nhưng tiền đình phía ngoài của Đền Thờ, thì bỏ đi, đừng đo, vì chỗ ấy đã được phó mặc cho dân ngoại, chúng sẽ chà đạp Thành Thánh trong vòng bốn mươi hai tháng.

* Câu 3: Trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày ấy, Ta sẽ cho hai chứng nhân của Ta đến tuyên sấm, mình mặc áo vải thô.”

Giải thích: Chúng ta đã biết thường ngôn ngữ của sấm mang một ý nghĩa khác hơn nghĩa đen của nó. Trong câu 1 và câu 2 trên đây “Đền Thờ” mang ý nghĩa là Hội Thánh (chú giải của bộ Kinh Thánh). Chữ “đo” ở đây không phải là đo, mà là ý nghĩa của sự bao hàm việc “cân đo đong đếm”, tức là một sự kiểm định và đóng ấn rõ ràng mọi người đang sử dụng việc thờ phượng trong giáo hội thời này ra sao. Nhiều lần trước đây chúng ta đã được nói cho biết, chúng sẽ chiếm Đền Thánh trong thời gian “Một thời, hai thời và nửa thời”, tức “Bốn mươi hai tháng, hay một ngàn hai trăm sáu mươi ngày. Cũng là thời gian Hội Thánh chân thật của Chúa phải ẩn trốn (Khải Huyền chương 12, câu 14 viết: “… tại đó bà được nuôi dưỡng một thời, hai thời và nửa thời). Nhưng vị Thiên thần còn bảo với Thánh Gioan rằng: “dân ngoại” đang bao vây Hội Thánh thì mặc họ, ông không cần phải kiểm định, vì số phận của họ đã được định đoạt. Chúng ta nghe Khải Huyền Chương 19, đoạn nói về các dân ngoại ấy bị tiêu diệt như sau:

11 Bấy giờ tôi thấy trời rộng mở: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là “Trung thành và Chân thật”, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến.12 Mắt Người như ngọn lửa hồng, đầu Người đội nhiều vương miện, Người mang một danh hiệu viết trên mình, mà ngoài Người ra chẳng ai biết được.13 Người khoác một áo choàng đẫm máu, và danh hiệu của Người là: “Lời của Thiên Chúa.”14 Các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh.15 Từ miệng Người phóng ra một thanh gươm sắc bén để chém muôn nước. Chính Người sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt chúng. Người đạp trong bồn đạp nho chứa thứ rượu là cơn lôi đình thịnh nộ của Thiên Chúa Toàn Năng.16 Người mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế: “Vua các vua, Chúa các chúa.”

17 Rồi tôi thấy một thiên thần đứng trên mặt trời; người lớn tiếng bảo mọi loài chim đang bay trên đỉnh vòm trời: “Đến đây, tề tựu cả về mà dự đại tiệc của Thiên Chúa,18 để ăn thịt vua chúa, thịt dũng tướng hùng binh, thịt chiến mã và kỵ binh, thịt mọi người, tự do cũng như nô lệ, trẻ nhỏ cũng như người lớn!”

19 Tôi lại thấy Con Thú và vua chúa trên mặt đất, cùng với các đạo quân của chúng, tụ tập lại để giao chiến với Đấng cỡi ngựa và đạo quân của Người.20 Con Thú bị bắt, cùng với tên ngôn sứ giả từng dùng các dấu lạ hắn làm trước mặt nó, mà mê hoặc những kẻ nhận dấu thích của nó và những kẻ thờ lạy tượng của nó. Cả hai bị quăng sống vào hồ lửa có diêm sinh đang cháy ngùn ngụt.21 Những người còn lại bị thanh gươm phóng ra từ miệng Đấng cỡi ngựa giết chết, và mọi loài chim được ăn no thịt của chúng (Kh 19,11 -21).

Ghi chú: Đấng cỡi con ngựa trắng, có danh hiệu “Lời của Thiên Chúa”, và một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế: “Vua các vua, Chúa các chúa.” Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô. Còn “dân ngoại” trong câu trên, chỉ những người, những đoàn quân theo TPK & Ngôn sứ giả trong thời gian cai trị của chúng.

(Còn Tiếp)