ĐIỀM BÁO XXXI – THÀNH LA MÃ SẼ MẤT ĐỨC TIN VÀ NÊN NGAI CỦA QUỶ VƯƠNG (Kỳ thứ 8)

274. Kẻ trộm có khi nào tới mà báo trước đâu? Nó sẽ rình lúc ta không phòng bị mà đến. hoặc là đến lúc ta đang ngủ.

Rồi đây, mọi sự cũng chỉ là thời gian. Không có cái gì qua khỏi các lời tiên tri, cảnh báo, hoặc Sấm truyền, ngoại trừ con người cải sửa đời sống, thực thi Lời Chúa. Đó là Lời Mẹ nhắn nhủ. Bởi thế, hàng ngày chúng ta nên tạm dừng lại các vấn đề lo toan của cuộc sống, để dành ra ít phút nhìn lại những thời khắc mình đang sống; Mỗi tuần, hoặc ít nữa là mỗi tháng một lần, tìm hiểu ý Thiên Chúa qua các sấm ngôn. Vận động nhau thi hành ba mệnh lệnh Fatima, quan tâm đến việc cải sửa đời sống. Người tốt rồi, sẽ làm cho tốt hơn. Cải sửa đời sống có nghĩa là thực thi Lời Chúa. Bảo vệ các Bí tích Chúa đã truyền, đừng tiếp tục lỗi luật, hay phế bỏ các giới răn của Chúa! Đặc biệt giới răn về tình yêu Chúa đã thiết lập trong Đêm Tiệc Ly, là “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Đây là giới răn mới và cũng là Lời trăn trối cuối cùng của Chúa Giêsu Kitô, trước khi Ngài từ giã thế trần. Yêu nhau chưa đủ, Chúa dạy chúng ta yêu cả kẻ thù, như trong câu chuyện Chúa kể cho Vassula nghe trước đây, Chúa lặp đi, lặp lại nhiều lần bảo nàng “Con hãy yêu chị con”, người chị mang tên Russia tức nước Nga. Yêu nước Nga không có nghĩa là yêu và đi theo chế độ cộng sản! Chúa cũng đã từng nói với Vassula là Cha rất ghét vô thần! Mà CS là vô thần như chúng tôi đã dẫn chứng lời khẳng định của ông trùm CS. Stalin trước đây. Trong 36 ĐB. của Đức Mẹ ở La Salette, Mẹ cũng lên án những tướng lãnh của Chúa có chân trong Bè Nhiệm; Những kẻ bắt tay và đi đôi với Cộng Sản vô thần. Mẹ còn bảo Trung Cộng và Nga là tiền hô, là điềm báo của quỉ vương. Thế nhưng, năm 1917 khi hiện ra với ba trẻ nhỏ ở Fatima, Đức Mẹ vẫn kêu gọi những người Công Giáo – Con cái của Mẹ – Hãy đặc biệt cầu nguyện cho nước Nga. Nhưng dường như các ĐGH, chỉ tổ chức những ngày cầu nguyện chung cho toàn thế giới, chứ không đặc biệt dành riêng một ngày cho nước Nga, có lẽ vì thế lực của Liên Xô lúc bấy giờ rất mạnh, nên Giáo Hội không muốn có một từ mang tiếng là khiêu khích (?) Trong tinh thần ấy, ngày nay những người Công Giáo chúng ta dù ghét CS, chúng ta vẫn phải yêu thương nước Trung Hoa (China) và luôn cầu nguyện cho nước Trung Hoa, như Chúa đã dạy phải yêu thương cả kẻ thù. Mặt khác, chúng ta không được xem nhẹ bất cứ giới răn nào, hoặc phân định theo xu hướng thế tục, mà có thể Ý Chúa sẽ cho đó là thích đi con đường rộng. Ngày nay, khi người ta phân định, người ta luôn luôn vin vào hoàn cảnh. Chúng tôi xin nhắc lại, đối với Thiên Chúa, không có hoàn cảnh nào cho phép người ta được phạm tội! Chúng tôi xin thí dụ, trong TGTL quí vị và các bạn trẻ đã nghe, có lần chúng tôi đã hỏi Đức Mẹ trường hợp những người dân Trung Hoa, vì chế độ CS đã ban hành luật hạn chế sinh đẻ: Mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép sanh một đứa con. Trong trường hợp đó họ phá thai, hoặc uống thuốc ngừa thai thì có tội không? Chính Đức Mẹ đã trả lời chúng tôi: “Chúa đòi hỏi họ phải hy sinh. Tại sao người ta không thể vì Chân Lý, vì lý tưởng Kitô Giáo mà sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, mọi khốn khó, và ngay cả việc sẵn sàng chịu chết vì Chúa, và cho Chúa?” Nói tóm lại, nền văn minh vật chất hôm nay, tạo cơ hội cho con người sống hưởng thụ, sống thoải mái. Chính lối sống này dẫn đến tình trạng đổ vỡ đời sống hôn nhân, là nền tảng của sự băng hoại các giá trị tinh thần. 2.000 năm trước Chúa đã nhìn thấy trước cuộc sống con người hôm nay, nên Ngài cũng đã phân định trước cho người ta biết: Con đường rộng là con đường đưa người ta tới thảm họa đời sau, còn con đường hẹp mới là con đường dẫn người ta vào Nước Trời, cho người ta một cuộc sống Hạnh Phúc Vĩnh Cửu.
Bởi thế, cuộc sống của mỗi người chúng ta cần tới sự tĩnh lặng để tìm hiểu Ý Chúa! Cuộc sống rộn rã, ồn ào; Cuộc sống bon chen, cho dù bon chen trong các sinh hoạt hội đoàn, cũng làm người ta không nghe được Tiếng Chúa, chứ đừng nói là tìm hiểu Ý Chúa! Mặc dù ai trong chúng ta cũng thường hát câu “Xin cho con biết lắng nghe”, nhưng lại chẳng có giờ lắng nghe. Khi chúng ta làm cha mẹ, chúng ta có bổn phận dậy dỗ con từ khi chúng còn nhỏ. Đó cũng là công việc huấn luyện thuộc quân trường tại gia, góp phần hiệp lực chiến đấu trong trận chiến tâm linh. Nói rõ ra là trận chiến thiện ác. Nếu ai cũng nghe Lời Mẹ nhắn nhủ, thì bàn tay công thẳng của Chúa sẽ dừng lại! Lòng Thương Xót Chúa dẫu bao la, nhưng nếu loài người cứ phạm tội, thì L.TH.X.Ch cũng thua.
Chỉ cần chúng ta quyết tâm, ra sức chiến đấu, phần còn lại Chúa Giêsu, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta đẩy lui, phá tan kế hoạch của ma quỉ. Các bạn có nhớ lần chúng tôi hỏi Chúa “Khải Huyền nói Giáo Hội sẽ phải rời Đô, mà ẩn vào sa mạc. Vậy thưa Chúa, khi ấy Thánh Đô sẽ phải rời đi đâu?” thì Chúa đã hỏi lại chúng tôi “Vậy con muốn GH. phải rời đi, hay là muốn Satan phải bị quăng vào biển lửa?” Hỏi như vậy là Chúa muốn loài người, hay ít ra là tất cả con cái Chúa phải làm thế nào rồi! Chúng ta có thể làm cho lời sấm chậm lại, hay rút ngắn thời gian, hoặc sẽ không phải xảy ra nữa! Bằng không thì như Chúa đã nói, cuộc chiến thiện ác sẽ đến khi không ai có thể ngờ! Kẻ trộm có khi nào tới mà báo trước đâu? Nó sẽ rình lúc ta không phòng bị mà đến, hoặc đến lúc ta đang ngủ. Cứ xem vụ “Đại Dịch siêu vi Vũ Hán” để nhớ. Nó xảy ra khi người ta vui vẻ ăn tết. Nó đến trong lúc người ta cảm thấy an toàn để trở về quê hương sống những ngày êm ả, hạnh phúc bên gia đình, với những người thân.

 

275. Người ta sẽ tự nguyện trở thành nô lệ của hắn. Họ sẽ bị lừa gạt bởi kế hoạch hết sức tinh vi.

Hôm nay, chúng tôi mời quý vị và các bạn trẻ, chúng ta dừng lại những bận rộn của cuộc sống, để suy niệm các bài sấm ngôn sau đây, một của Thánh Matthêu, và sau đó là Thông Điệp của Chúa, chính Người sẽ giải thích, và nói rõ cho chúng ta biết cách tường tận, những ngày tháng mà chúng ta đang gặp và sẽ gặp như những gì sấm ngôn đã nói:
Bài Thứ Nhất: “Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã; coi chừng, đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi.  Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn.” (Mat-thêu 24:6-8).

Bài Thứ Hai, Thông Điệp của Chúa Giêsu Kitô nói với chúng ta qua Maria Divine Mercy ngày 16 tháng 3 năm 2013. Chúa nói:
“Nhiều cuộc chiến sẽ phát sinh và càn quét như bão táp trong sa mạc; Như một kẻ trộm trong đêm, các cuộc chiến tranh sẽ gia tăng tàn phá, và lôi kéo tất cả những ai vốn tin rằng sự bình an của họ là chắc chắn. Biết bao nhiêu quốc gia sẽ tham chiến, đến nỗi người ta sẽ phải cảm thấy kinh ngạc. Tên phản Kitô sẽ nhanh chóng xuất hiện khi việc chém giết lên đến đỉnh điểm. Vấn đề càng trở nên trầm trọng giữa những hoang mang, lo sợ và mất mùa. Không lâu sau đó, Ấn Thứ Ba sẽ được tiết lộ (K.H. nói 7 Ấn, chúng ta đều đã tham khảo trong các SVTT; Ấn thứ Ba nói về nạn đói xảy ra). Khi con người phải tranh giành thức ăn vì cái đói bủa vây, cái khát về mặt tinh thần cũng xuất hiện, đó là không biết nương tựa vào đâu, thì nhân loại sẽ vồ lấy bất cứ sự gì, hoặc bất cứ người nào có thể đem lại cho họ một chút dễ thở.

Chúng sẽ sắp đặt sẵn bối cảnh để tên phản Kitô xuất hiện và ra mắt thế giới. Vào thời điểm ấy thì nhân loại sẽ thở phào nhẹ nhõm, vì kẻ kiến tạo hòa bình là kẻ mang lại biết bao hy vọng đến nỗi người ta sẽ tự nguyện trở thành nô lệ của hắn. Họ sẽ bị lừa gạt bởi kế hoạch hết sức tinh vi của hắn, nhằm tái thiết toàn thế giới và quy tụ tất cả các quốc gia. Họ sẽ được nói cho biết rằng kế hoạch này là vì điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, và để thế giới thoát khỏi chủ nghĩa khủng bố. Hắn sẽ nói rằng hắn đang chống lại những kẻ thù, và những kẻ thù mà hắn ra sức kiểm soát lại là những nạn nhân vô tội mà hắn lừa dối và lợi dụng, và hắn sẽ bày ra cho nhân loại. Khi hòa bình, hoặc những gì có vẻ như là một thỏa thuận ngừng bắn, được thiết lập, thì đây sẽ là giai đoạn tiếp theo trong việc quy tụ mọi chi tộc, mọi tôn giáo, mọi quốc gia thành một. Đây là lúc mà sự kết hợp giữa ngôn sứ giả và tên phản Kitô sẽ trở nên rõ ràng.”

276. Cảm giác bất lực trước một con siêu vi, là hình ảnh minh họa con người mong manh, yếu đuối, trước một nghịch cảnh bất thường.

Qua hai bài sấm ngôn, Bài Thứ Nhất, Thánh Matthêu nói về phần đầu của Bài Sấm ngôn thứ Hai, và Ngài khẳng định cho chúng ta biết: Chiến tranh giặc giã, rồi đói kém, động đất, hay thiên tai ở nhiều nơi nói chung là “Phải Xảy Ra”. Cho nên chúng ta liệu mà phòng bị. Phần thứ hai của Thông Điệp Chúa cho chúng ta biết, người ta sẽ lâm vào tình trạng cùng quẫn, đến hoang mang không biết phải làm gì. Satan và các tướng lãnh của chúng ẩn tàng khắp nơi trong kế hoạch gài các thế trận, và làm ra các sự việc như vậy, khiến cho người ta có cảm giác bất lực, không biết xoay sở ra sao, chỉ còn có hoang mang, lo sợ. Tất cả những việc này, thực ra chúng ta đã có cơ hội nếm thử hết rồi! Tỷ dụ như cảm giác bất lực trước con siêu vi nhỏ bé mới đây, cũng là một hình ảnh minh họa, mà đa phần là nằm trong âm mưu và kế hoạch của Satan! Các bạn đừng quên Đức Mẹ đã cảnh báo: “Trung Cộng và Nga là tiền hô của Quỉ vương tức Satan”. Khi thấy những việc làm ác độc của CS nói chung, Trung Cộng nói riêng, thì ta biết là quỉ vương, hay Tên Phản Kitô sắp xuất hiện. Chúng tôi sẽ dành ra một mục đặc biệt nói về “Trung Quốc Mộng” hay giấc mơ thống trị toàn cầu của Bắc Kinh. Chiến tranh luôn phát xuất từ một tham vọng. Rồi khi cuộc chiến cuối cùng đã nổ ra rồi, thì vai trò của TPK mới xuất hiện.
Dẫu vậy, Thánh Matthêu được ơn Chúa Thánh Thần mạc khải để nói cho chúng ta biết rằng: “Tất cả những sự việc ấy mới chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn”. Nhưng rồi các bạn xem, người ta cứ như những đứa trẻ vô suy, vô xét. Mỗi việc qua đi, rồi cũng sẽ chỉ như “qua cầu gió bay”. Trong vài số trước đây (SVTT#60), chúng tôi đã trích dẫn Lời Chúa diễn tả theo cách thức của Thánh Luca rằng:“Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh vẫn chẳng đấm ngực khóc than .” (Lc 7, 31-35).

277. Các phe phái đang âm thầm nối kết. Dường như có một sự gài bẫy phát xuất từ một âm mưu (?)

Dù Thế lực các nước lớn bề ngoài vẫn luôn tỏ vẻ hợp tác trên các bàn hội nghị, hết đưa ra các kế hoạch giải quyết các vấn đề phức tạp trong hội nghị G7, đến các nghị quyết của G20, nhưng hội họp cứ hội họp, bên ngoài chỗ này điều binh, chỗ kia tập trận. Tập trận chỉ là một hình thức khiêu chiến, hay biểu dương lực lượng. Năm 2019 thế giới vừa trải qua là năm nhiều biến cố, năm của mọi sự phẫn nộ. Từ châu Á sang châu Âu, từ châu Phi đến châu Mỹ, đất bằng như dậy sóng. Cuộc chiến ở Trung Đông giống như vừa đánh vừa chờ một cái gì đó, khó ai có thể tưởng ra được! Syria vẫn căng thẳng. Mới khoảng nửa năm trước (Tháng 4 năm 2018), Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc, ông Daniel Danon trình bày cho thấy một bức không ảnh chụp một căn cứ được cho là của Iran gần Damascus, chứa hàng ngàn máy bay chiến đấu. Ông Đại sứ vừa trình bày bức ảnh nói trên vừa nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng tình báo Israel cho biết “Có hơn 80.000 phần tử cực đoan từ khắp Trung Đông là thành viên của dân quân Shia ở Syria dưới sự kiểm soát của Iran. Và ông báo động có nhiều dấu hiệu cho thấy là Iran, Syria với sự hậu thuẫn của Nga có vẻ như đang xúc tiến cho một cuộc chiến tranh lớn và có thể là Thế chiến thứ Ba sẽ nổ ra bất cứ lúc nào, nếu Tây phương không cẩn thận phòng bị. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cho biết: “Chúng tôi nghe thấy nhiều mối đe dọa từ Iran, nhưng nếu họ tấn công Tel Avie, chúng tôi buộc phải tấn công Tehran trước”. (Tehran là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Iran, nơi sinh sống của 15 triệu dân). Các phe phái đang âm thầm nối kết. Dường như có một sự gài bẫy phát xuất từ một âm mưu (?) Năm 2011 các nước đồng minh của Mỹ đều nhúng tay can thiệp vào Syria, trong việc triệt hạ nhà nước Hồi giáo Isis, nhưng rồi Nga nhảy vô lập thành tích, rồi các nước đồng minh nhượng bộ cho Nga giải quyết. Mỹ sau khi đẩy lui nhà nước Hồi giáo cùng với các đồng Minh Anh, Pháp của mình, thì mới đây đã rút quân. Để lại bây giờ một đội quân hùng hậu của Nga đặt tại Syria làm thành căn cứ địa ở Trung Đông cả về mọi phương diện từ Hải, Lục, Không quân; Hậu thuẫn cho một chính thể độc tài và tàn ác là chính phủ Bashar Al-Assad. Một chế độ từng bị buộc tội là đã tra tấn cách dã man, như móc mắt, bỏ đói và cho điện giật chết 11.000 người thuộc phe chống đối (24/01/2014). David Crane, một công tố viên khẳng định và cáo buộc chính phủ Bashar al-Assad rằng: “Giờ chúng ta đã có bằng chứng cho thấy chuyện gì đã xảy ra với những người bị mất tích trong cuộc chiến Syria. Ít nhất 11.000 người đã bị tra tấn và hành quyết”. Bây giờ thì tình hình trong khu vực có hơi tạm ổn, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng rút về, nhưng đó chỉ là một sự dàn xếp bí ẩn và đang đợi chờ! Nga sau khi nối đuôi Mỹ tuyên bố rút ra khỏi hiệp ước đình chỉ các loại hỏa tiễn tầm trung, thì có vẻ như tập trung vào việc sản xuất các loại vũ khí mới (?) Israel và Palestine vẫn gầm gừ. Iran đầy vẻ hục hoặc và đe dọa trả thù Mỹ, hoặc sẽ tấn công vào các đồng minh của Mỹ, đã có vài khiêu khích với khối Ả Rập Sê-Út. Truyền thông Anh ngày 15/4 cho biết, mới đây 14 tàu tên lửa – loại tấn công – cùng với tàu tuần tra của Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN) đã tiếp cận tàu dầu của Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Iran còn có những hành động “táo bạo” hơn khi tiếp cận nguy hiểm với tàu tuần duyên và tàu hải quân Mỹ ở vùng Vịnh. Quân đội Mỹ hôm 15/4/2020 đã cảnh cáo 11 tàu của Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã tiếp cận 6 tàu quân sự của Washington ở vùng biển quốc tế trên vùng Vịnh là một sự khiêu khích.

 

278. Năm 2019 là năm của các biến cố, nhưng chỉ là chuẩn bị cho những bước kế tiếp.

Nhìn sang Á châu, Hồng Kông (HK) Mảnh đất tự do còn « sót lại » ở Trung Cộng, không ngừng nổi sóng. Anh trao trả HK cho TC vào năm 1997 theo một khế ước có điều kiện(1). Từ sáu tháng trước nạn “Dịch lan – Corona Siêu vi Vũ Hán”, người dân Hồng Kông, đặc biệt là giới trẻ, những sinh viên – học sinh đã rầm rộ xuống đường lại. Ban đầu họ chống đối ôn hòa, dự luật dẫn độ của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Sau chuyển thành các phong trào đòi dân chủ, phản đối Bắc Kinh siết chặt các quyền tự do, với mức độ bạo lực tăng dần. Đã có những cuộc đụng độ đổ máu giữa sinh viên với cảnh sát, tại khuôn viên đại học Bách Khoa PolyU. Nỗi bực dọc của người dân Hồng Kông còn được thể hiện qua lá phiếu, trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11/2019. Với thắng lợi của phe đòi dân chủ. Hình ảnh Bắc Kinh có vẻ xấu đi trước con mắt của các chính khách tây phương, khi nước này không tôn trọng hiệp ước đã ký, lại bị xấu thêm, khi tờ New York Times công bố những tiết lộ từ một quan chức cao cấp của TC, về các trại tù bí mật giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Cựu thông tín viên hãng thông tấn Pháp AFP, hiện đang phụ trách Thời Báo Quốc tế Mediapart – một tờ báo mạng – Ông phát biểu trên đài France Culture rằng: “Hồng Kông cho thấy rõ tính chất đặc biệt, khiến một Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, không dễ bắt nạt”. Thực ra Hồng Kông đã thừa hưởng được một nền dân chủ cao, nên giờ đây họ cương quyết xiết chặt tay nhau thành một nắm đấm khổng lồ, chứ không phải là những mái đầu non, như ông họ Tập tưởng! Có người nghe lại mỉm cười nghĩ khác: “Nước Anh đã để lại một món quà thoạt trông thì béo bở, nhưng thực tế thì Trung Cộng không dễ nuốt”.
Cùng năm qua, khắp nơi trên thế giới: Iran, Irak, Liban, Algeri, ngay cả Pháp, rồi đến Ecuador, Chilê của châu Mỹ … người dân ồ ạt xuống đường phản đối đời sống đắt đỏ, vật giá leo thang … khắp nơi mức sống người dân nặng nề, chính trị trì trệ, như có một bàn tay vô hình ghì xuống! Trước làn sóng phản kháng như thế, Nhà chính trị học Dominique Moisi, trên đài RFI phân tích : “Lý do cốt lõi là những người cầm quyền cảm nhận quá trễ nỗi tuyệt vọng của dân chúng, nỗi tuyệt vọng thúc đẩy giới trẻ phản kháng”. Năm 2019, giới trẻ xuống đường vì mất niềm tin nơi các nhà lãnh đạo. Đó là tâm trạng không thể tiếp tục chịu đựng, không thể sống im lặng mãi trong điều kiện bị tước đoạt nhân phẩm. Không biết giới trẻ VN đến bao giờ mới có được cái cảm giác như vậy? Tóm lại năm 2019 là năm của các biến cố, nhưng không phải là chuyện đã qua! Mà chỉ là chuẩn bị cho những bước kế tiếp có vẻ qui mô hơn. (Còn Tiếp)
———————————————————————
Chú Thích (1):Theo nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” đã được thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997. Chế độ xã hội chủ nghĩa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ không được thực hiện tại Đặc khu hành chính Hồng Kông (HKSAR), và hệ thống tư bản trước đây của Hồng Kông về cách sống của nó sẽ không thay đổi trong khoảng thời gian 50 năm. Điều này sẽ khiến Hồng Kông không thay đổi cho đến năm 2047.