1. Giống như chuyện phiếm, mà lại cũng có vẻ như khảo thí. Nhưng có sự hướng dẫn, và khuyến khích nữa!

– (Th): Cháu hỏi chú, có khi nào vì chú đem việc tiếp xúc với cháu ra chia sẻ, mà bị người thân trong gia đình cho chú là lạc đạo không?

– (T): Cũng có lần tôi bị hoài nghi, nhưng không hẳn tôi bị nghi là lạc đạo, hay đi theo tà ma ngoại giáo!

– (Th): Chú dè dặt thì có! Chứ cháu tin là chú không sợ dù ai đem bất cứ vấn đề gì ra để bắt bẻ chú được cả! Cháu lại cho chú một câu hỏi: Nếu chú được Chúa đón về tạm một vài hôm rồi sống lại để làm nhân chứng, thì chú có nhận lời không?

– (T): Nhận liền! Vui chứ!

– (Th): Cháu chỉ sợ Chúa quên không cho trở lại thì kẹt! Nên hãy thong thả xin Chúa, dù ta cũng muốn xem qua những chỗ hình phạt, hay gặp Đức Mẹ, các Thánh, cùng cảnh Thiên Quốc ra sao. Có điều là cháu, nếu như hôm đó đi xa, thì lại không đón chú về được!

– (T): Tôi biết là cô nói đùa, nên chẳng bao giờ tôi mong vào xem cảnh tâm linh theo cái cách này! Cho nên sẽ có một ngày tôi tới, nhưng tôi sẽ tới một mình! (tôi mỉm cười).

– (Th): Chú cô nghĩ Chúa muốn hướng đi của chú cô trong tương lai như thế nào?

– (H. Tr): Chúa cho bình an thì bình an rồi! Chúa cho mọi sự hồn xác, thì còn muốn gì nữa! Chỉ còn biết tạ ơn thôi!

– (T): Tôi xin Chúa cho tâm hồn mình được rộng rãi và là khí cụ bình an của Chúa.

– (Th): Cháu được biết cô chú tiếp tục được bình an, yêu thương nhiều! Còn chú buồn là không biết Chúa có muốn cho chú làm việc gì cho Chúa không, thì cháu được phép cho chú biết là chú cứ yên trí! Khi mà Chúa muốn thì chú sẽ có việc ngay, chỉ là làm được, hay không làm được thôi, chứ Chúa rất muốn ta làm việc cho Ngài! Song Chúa cũng muốn cho ta lựa chọn! Chú hãy lựa việc mà chú làm được! Chú cứ xin Chúa cho mọi sự được như ý! Chú sẽ có việc làm! Cứ yên tâm!

– (T): Tôi cũng tin Chúa chiều mình. Tôi cũng có được cảm nghiệm như nhiều người nói cho biết là Chúa thường nghe lời mình cầu xin.

– (Th): Cháu cầu xin cho các ông bà trong họ cô chú được mọi điều như ý muốn.

  1. Qua một tư tưởng bộc lộ, người của TGTL biết mình thế nào. Tôi cũng được hé mở cho thấy mục đích của người TL

– (T): Tôi rất cám ơn cô Thủy! Tôi có điều hơi áy náy này là, kỳ trước khi mình bàn về hai chữ Công Bằng, thì phải nói thực là lúc đó tôi chỉ nói thuần bằng lý trí thôi! Chứ khi đi vào thực tế cuộc sống, thì nhiều khi mình vị mình hơn, nghĩa là xét, hay nhìn mọi sự, cứ là chỉ qua có một mặt lăng kính là “cái tôi” của mình. Như thế thì không khác gì trên mặt lý luận, lẽ phải cứ luôn phải đứng về phía mình! thế thì Công Bằng tự nó đứng ở đâu, trong vị trí nào? Bởi nghĩ lại thì mới thấy mình có sai! Cho nên hôm nay tôi phải nói lời xin lỗi với cô!

– (Th): Cháu chỉ hỏi để tìm hiểu ý chú về một khía cạnh của đời sống tâm linh, và điều này cháu được sự cho phép của Đức Bà! Còn chú nhận thấy mình thiếu xót như thế, thì lại càng đẹp lòng Chúa, và một khi mình tự biết, thì đã có thể sửa sao cho cuối cuộc đời được tốt đẹp hơn!

– (T): Vâng, cám ơn cô!

– (Th): Cháu cũng hy vọng những điều cháu chia sẻ, sẽ trở nên hữu ích cho nhiều người, chứ không chỉ cho một vài người, một ít LH trong nhà mình. Đây chỉ là một số những “Tâm Hồn điển hình”, cháu xin mượn từ này bao hàm cho cả người sống cũng như những người đã qua đời, hy vọng đánh động được một số khác những tâm hồn thế nhân, biết học hỏi và sống theo Tin Mừng, để sau này bớt khổ đau cho chính mình, mà còn làm cho Chúa và Đức Bà được vui nữa! Cháu bây giờ phải đi rồi! Chào cô chú, mẹ! Hẹn nếu cần thì tuần sau mình sẽ họp tiếp!

– (T): Chúng tôi chào cô Thủy.

Thứ Hai, Ngày 21. 01. 2008 (9:50 am)

  1. Người Tâm Linh vẫn quan tâm xây dựng tôi từng chút! Đối với Chúa ta phải bắt đầu từ cái nhỏ, mới có cái lớn.

– (Th): Cháu chào cô chú Hạnh Phúc!

– (T): Đã lâu tự nhiên được nghe chào Hạnh Phúc, làm nhớ lại hồi đám cưới! Xin chào cô trong niềm Vui của Chúa và Đức Mẹ! Tôi biết là có thừa, nhưng đâu còn lời nào hơn nữa!

– (Th): Chú chỉ nhớ lại quá khứ thôi, chứ không phải là xin Chúa cho những năm sau này làm lễ Vàng sao?

– (T): Sống tới đó lâu quá! Về sớm với Chúa tốt hơn!

– (Th): Có điều là cháu không được mời gọi để chúc mừng ở nhà hàng. Buồn!

– (T): Xin lỗi cô! Đó chỉ là chuyện trần gian thôi mà! Hơn nữa, còn lâu lắm! chừng đó mới biết được là có mừng hay không? Còn sống hay đã chết! Xin cô hiểu cho sống, chết theo cách nói nhân gian. Dù sao thì cũng chỉ là chuyện nhỏ!

– (Th): Chú sai rồi! Đối với Chúa có bắt đầu bằng điều nhỏ nhất, thì mới tiến đến được điều lớn nhất. Chú có nghĩ như thế không?

(Vì là đang bàn chuyện phiếm, mà cô Thủy mang Chúa vô, thì làm tôi hơi giật mình, và phải mất năm, mười giây thì tôi mới nghĩ ra ngay được quả thực là Chúa có dậy ta phải bắt đầu từ chuyện nhỏ, mới thành đạt trong chuyện lớn. Chính là dụ ngôn hạt cải. Tôi xin nhắc quý độc giả, cũng như quý thính giả về dụ ngôn này của Chúa: “Nước Trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi lớn lên thì lại là thứ lớn nhất; Nó trở thành cây, đến nổi chim trời đến làm tổ trên cành được.” (Mt 13,31-32). Chúa không đòi hỏi ta tính chuyện lớn lao, mà chỉ cần ta chu toàn trong những công việc bé nhỏ nhất. Ai trong chúng ta lại không một lần nghe nói về vị Thánh của thời đại là Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chị đã trở nên vị Thánh lớn bằng những việc làm hy sinh rất nhỏ bé, như nhặt một sợi rác, không đính chính và cũng không buồn lòng về một sự bị hiểu lầm, vì lòng mến Chúa và thương yêu các linh hồn. Trong một ý nghĩa tương tựa, một lần kia Chúa bảo các Tông đồ “Hễ ai không trở nên con trẻ, sẽ không vào được Nước Trời!”. Hiểu Nước Trời là như thế, tôi trả lời cô Thủy):

– (T): Cô nói đúng rồi đấy! Tiếc rằng ở đời, người ta cứ thích xây những giấc mộng lớn, còn chuyện nhỏ thì người ta bỏ qua!

– (Th): Vậy từ nay, chú hãy quan tâm từ những chuyện nhỏ, thì khi gặp việc lớn chú sẽ không bị phân vân!

– (T): Vâng, đồng ý với cô, hoàn toàn đồng ý! Được cô nhắc nhở, tôi xin cám ơn cô!

– (Th): Chú có muốn hỏi gì về tâm linh không ạ?

  1. Huệ Trinh lại được mấy LH về xin cầu nguyện (LH. ôb. Hiếu & cháu Sáng).

– (T): Có đấy, nhà tôi muốn hỏi cô!

– (H.Tr): Trước ngày giỗ ông nội các cháu, tôi mơ thấy ông bà Hiếu và Huệ Hòa (cô em gái của Huệ Trinh ở bên Mỹ), nó có tặng đồ, tôi bảo mày lo xin lễ cho con mày và không nhận đồ! Tôi muốn hỏi cô ý nghĩa giấc mơ ra sao? Có phải các LH cần người thân của họ xin lễ không? Chẳng hạn như mợ Khốc thì xin lễ cho ông bà Hiếu là anh chị của mợ ấy, còn Hòa thì phải xin lễ cho con nó?

– (Th): Cháu hỏi mấy người chết?

– (H.Tr): Ba người chết.

– (Th): Các LH này về nhờ cô cầu nguyện. Khi mà cô nằm mơ thấy người chết mà nhớ được một cách chính xác, là họ được các Thánh cho phép về gặp những người mà được ơn, cầu xin cho họ! Vậy cô cứ cầu xin cho các LH này!

– (T): Chứ không phải là Chúa cho về hả?

– (Th): Trên nguyên tắc là Chúa cho về các LH mới được về. Nhưng Chúa trao cho Thánh có bổn phận quản chế linh hồn. Khi vị Thánh này cho về báo là vị ấy đã có xét, và đương nhiên là Chúa biết! (lại xin nhắc lại chữ Thánh quản chế cô hay dùng, ta hiểu được là chính Thiên Thần bản mệnh của mình, khi mình còn ở trên dương gian. Khi mình ở trong Thanh Luyện, chính Thiên Thần BM. quản chế mình).

– (H.Tr): Cám ơn cô, tôi sẽ cầu xin cho mấy LH này!

  1. Cô Thủy chưa được mời ăn, đã phải tặng quà.

    *** Tôi lại được Đức Mẹ bảo ban, dậy dỗ phải viết gì.

    Đó chính là tác phẩm “Thế Giới Tâm linh” ***

– (Th): Hôm nay cháu vui! Cháu sẽ cầu xin Chúa cho cô chú sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc. Khi làm lễ kim cương, ngọc thạch có thể là không còn mẹ cháu, cứ nhớ đến cháu, mời cháu một tiếng để cháu vui! (Tôi thầm nghĩ: Lễ Vàng còn chưa có, làm gì có lễ Ngọc với lễ Kim cương – Các bạn trẻ ở Hải ngoại có lẽ rất ít bạn biết mấy từ này: Khi người ta kỷ niệm 25 năm ngày cưới, gọi là Lễ Bạc; Kỷ niệm 50 năm, là Lễ Vàng; 75 năm là Lễ Ngọc; 100 năm là Kim Cương).

– (T): Chỉ nghĩ tới là cô biết, không cần nói, phải không?

– (Th): Sợ nhất là không nghĩ tới!  … Cháu đùa cho vui, chứ tâm linh đâu có đòi ăn uống, phải không chú?

– (T): Cô ăn càng vui! Vì mình được tiếng đãi một người ăn, mà lại không phải trả tiền, mà còn được chúc phúc nữa!

– (Th): Song được cô chú nhớ đến, cháu thật là được an ủi vô cùng! Vì thế cháu muốn nói đôi chút về Tâm Linh, gọi là món quà của người chết.

– (T): Cô đừng có nói là người chết! Mà phải nói là “Người Tâm Linh”. Đối với chúng ta, khi đã hiểu rồi, thì không có ai là người chết hết! Cô nghĩ đi, nói là quà của người chết, nghe phát ớn, ai mà dám nhận!

– (Th): Cám ơn chú! Chú không nhắc cháu về từ ngữ, thì cháu nghĩ cứ phải dùng từ mà ai cũng cho rằng đó là thực tế phải chấp nhận! Cháu hỏi chú này: Bài vở theo ý Đức Mẹ muốn, chú có sửa không vậy?

– Tôi không có ý sửa! dù biết là cha và mấy người có thẩm quyền không thích, muốn bỏ không đăng! Vì thế, tôi đang phân vân không biết là có nên tiếp tục không, hay lại đổi sang những đề tài “đạo đời” như trước? Nhân đã hỏi, thì tôi cũng xin cô cố vấn?   (Ghi chú: Trước đây, có lần tôi đã nói: Vì mình thích mấy từ “Người Nữ Thánh Thể” Đức cha phụ tá Tòa Giám mục Sài Gòn dùng để tôn vinh Mẹ Maria, trong kỳ Đại Hội Đức Mẹ La Vang toàn quốc, nhân kỳ tôi về VN vừa qua, nên sau khi trở về Úc mở đầu loạt bài viết về Mẹ, tôi đã có bài lấy tựa đề là “Người Nữ Thánh Thể”. Chính vì tựa đề này, bài của tôi bị đóng băng. Vị Giám mục đó là một Nhạc sĩ khá nổi tiếng, người Công Giáo không ai không biết bút hiệu “Thông Vi Vu”! Nhưng vì là thông, nên thông không trụ được ở những nơi người ta nghĩ là “Tháp Ngà Bảo Ngọc”, nên thông phải về với núi rừng. Trong văn học VN có bài thơ vịnh “Cây Thông” của Thi sĩ Nguyễn Công Trứ như sau:

Ngồi buồn mà trách ông xanh,

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.

Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Giữa trời vách đá cheo neo

Ai mà chịu rét thời trèo với thông”.

 Từ bao ngàn năm, thông vẫn tượng trưng cho Sĩ khí của người quân tử, thà chịu rét mà ngất ngưởng giữa trời, chứ không chịu luồn cúi, hay như lắm kẻ chỉ vì bả công danh mà sẵn sàng làm thân trâu ngựa. Ngài là một trong số ít những vị có chánh khí giữa thời “Sâu bọ lên làm người”, hay thời “Ếch nhái nhảy bàn độc” – độc ở đây là thư sách; bàn độc là bàn thư sách).

– (Th): Cháu đi hỏi Đức bà …

(Lấp khoảng: cô đi … nhân lúc chờ đợi, tôi có chút nhận định: Thế giới Tâm linh hay thật đấy, một chút gì còn đang trong thầm lặng các Ngài cũng biết hết, chứ đừng nói những cảnh khổ đau dân Chúa đang bị CS đàn áp, cướp bóc, trấn lột, đánh đập, bắt bớ, tù đày … Với sự Công bằng và đức Yêu thương, Thiên Chúa sẽ ban ân thưởng bội hậu cho những con dân đau thương của Người! Bài tôi vừa bị đóng băng, chưa ai biết, cô Thủy đã liền hỏi tới. Nghe tôi phân vân cô đã vội đi vấn ý Đức Mẹ … cô trở lại):

– (Th): Chú! Đức Mẹ bảo: “Sau này cần đến những bài viết “Thực” hơn là “Giả”! Nếu muốn cho đời sau sống đạo tốt đẹp hơn, thì làm cách nào lưu trữ chứng minh được Sự Thật (tức là Chân Lý). Con phải cố gắng làm!”. Đấy là nguyên văn, chú hiểu ý Đức Mẹ cách nào thì hiểu, chứ cháu không dám lạm bàn.

– (T): Theo tôi hiểu thì Đức Mẹ bảo những bài viết cho báo chí như trong giai đoạn này, chưa phải là quan trọng, thì viết sao cũng được! Có thể là văn dĩ tải đạo. Vì vậy có lần cô khen tôi như là giỏi “tiểu thuyết hóa” từng vấn đề, mà những vấn đề thuộc đạo là những vấn đề khô khan! Nhưng viết như vậy còn là “giả”, vì là những mẩu chuyện do mình sáng tác. Điều Đức Mẹ muốn là sau này ngòi viết phải tồn trữ được những chứng minh về Sự Thật! Hoàn toàn là Sự Thật.

(Ghi chú: Đúng 9 năm qua đi, hôm nay ngồi đọc lại và đánh máy những giòng chữ này, tôi mới thâm hiểu được uyên nguyên Lời Đức Mẹ dạy, và Mẹ đã dùng Sứ Giả của Mẹ là cô Thủy như thần linh ru tôi vào một cơn mộng dài, rồi dẫn dắt tôi đi trong giấc miên du ngày một vào sâu trong suối đồi của rừng hoa Chân Lý. Phải 9 năm sau tôi mới nhận ra mình đang làm điều Mẹ muốn, là cho mọi người biết những Sự Thật, mà những ai chưa biết, cần được biết! Thế nên, khác với bộ “Tâm Linh & Đời sống; Các sự kiện xẩy ra, các người cộng tác về nhiều mặt, các nhân vật trong đời, các linh hồn được về, cùng với các nơi chốn trong “Thế Giới Tâm linh” đều là sự thật. Đó chính là bộ “Thế Giới Tâm Linh” – Một tác phẩm không thuần túy là của tôi, mà phải cần có sự cộng tác của người trong thế giới Tâm Linh và làm theo Ý Muốn của Đức Mẹ).

– (Th): Chú hiểu và làm là được! Vì Đức Mẹ bảo chú phải cố gắng làm! Bây giờ chú cháu mình thảo luận về việc khác. Cô cũng nghe cho vui!

(Còn tiếp).