Thánh Lễ Truyền Thống – Thánh Lễ Mới khởi đi từ TGTL198.

Sau TGTL199, đề tài này được chuyển vô mục TGTL – Bài Đọc Thêm
—–o0o—–
Thánh Lễ Mới – Cuộc Cách Mạng Phụng Vụ Kỳ I

Tác giả: Sư Huynh Micae Dimond, O.S.B. & Sư Huynh Peter Dimond, O.S.B.
conggiaovatican.com – Tu Viện Thánh Gia.

“Quả thật, nếu một trong những con quỷ trong The Screwtape Letters của C.S. Lewis được giao phó việc hủy hoại phụng vụ, hắn không thể làm điều đó tốt hơn.” [1]

TÂN THÁNH LỄ SO VỚI THÁNH LỄ TRUYỀN THỐNG

Thánh lễ Latin truyền thống, hoạt động thờ phượng thiêng liêng nhất trong Nghi thức La Mã của Giáo Hội Công Giáo, đã được Thánh Giáo Hoàng Piô V hệ thống hóa trong Tông hiến Quo Primum năm 1570.
Trong Tông hiến Quo Primum nổi tiếng, Thánh Giáo Hoàng Piô V nghiêm cấm việc thay đổi Thánh lễ Latin truyền thống.
Thánh Giáo Hoàng Piô V, Quo Primum Tempore, ngày 14 tháng 7 năm 1570 tuyên bố:
“Giờ đây, vì thế, để tất cả mọi nơi có thể tuân giữ và cử hành những gì đã được đưa đến cho họ bởi Giáo Hội La Mã Thánh thiện, Mẹ và Thầy dạy của các giáo hội khác, từ nay trở đi và mãi mãi trên khắp thế giới Kitô giáo việc ca hát hoặc đọc Thánh Lễ theo bất kỳ mô thức nào khác với sách kinh lễ được xuất bản bởi Ta là bất hợp pháp… Tương tự vậy, không ai được phép vi phạm hay phản đối thiếu suy nghĩ thông báo này về phép tắc, điều lệ, quy định, mệnh lệnh, chỉ thị, điều luật, đặc ân, tuyên ngôn, ý định, sắc lệnh và lệnh cấm của Ta. Nếu bất cứ ai liều lĩnh vi phạm, hãy để kẻ đó hiểu rằng nó sẽ phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Toàn Năng và của Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.” [2]

Vào ngày 3 tháng 4 năm 1969, Giáo hoàng Phaolô VI đã thay thế Thánh Lễ Latin truyền thống trong các nhà thờ phái Vaticanô II bằng sáng tạo của riêng mình – Tân Thánh Lễ – Kể từ thời điểm ấy, thế giới đã chứng kiến những điều sau đây trong các nhà thờ cử hành Tân Thánh lễ của phái Vaticanô II: Thế giới đã chứng kiến Thánh Lễ Hề, trong đó “linh mục” ăn mặc như một chú hề, hoàn toàn nhạo báng Thiên Chúa (Tất cả những gì tác giả nêu ra đều có hình minh họa ở dưới cuối bài – Xin quí vị tìm vào Website “tgtl.online” của chúng tôi).

Thế gian đã thấy một linh mục ăn mặc như Dracula; trong một chiếc áo bóng đá hộ tống bởi hoạt náo viên đội mũ phô mai… lái một chiếc Volkswagen xuống lối đi của nhà thờ khi người dân hát lời ca ngợi Chúa. Có cả thánh lễ disco… trình diễn thể dục dụng cụ trong Tân Thánh lễ; Thánh lễ bóng bay; Thánh lễ hội hè; … Thánh lễ khỏa thân, tại đó những người tham dự ăn mặc thiếu vải hoặc khoả thân. Thế giới đã chứng kiến Thánh lễ tung hứng, tại đó một thằng xiếc biểu diễn trong Tân Thánh lễ.

Thế giới đã chứng kiến các linh mục cử hành Tân Thánh lễ với khoai tây chiên Dorito… với nước uống Mountain Dew; trên một hộp các-tông; với bánh quy; với trà Trung Quốc kèm theo hoạt động thờ cúng tổ tiên; với một quả bóng rổ khi linh mục nảy bóng khắp nơi trên bàn thánh; với một cây đàn guitar khi linh mục độc tấu. Thế giới đã chứng kiến Tân Thánh lễ với một linh mục gần như hoàn toàn khỏa thân khi ông nhảy múa xung quanh bàn thờ hoặc với dây kéo căng ghê tởm… Thế giới đã chứng kiến Tân Thánh lễ với các linh mục mặc trang phục ngoại giáo bản địa… với đèn Menorah của Do Thái Giáo trên bàn thánh (đèn bẩy ngọn); … với tượng Phật trên bàn thánh; với các nữ tu làm lễ cúng cho các nữ thần ngoại giáo; với người đọc kinh và người trao quà ăn mặc như tà giáo vô độ. Thế giới đã chứng kiến Tân Thánh lễ mà tại đó người cử hành mặc một bộ tuxedo và kể chuyện cười. Thế giới đã chứng kiến các buổi nhạc rock trong Tân Thánh lễ … Tân Thánh lễ với guitar và điệu nhảy polka; … một Tân Thánh lễ rối; một Tân Thánh lễ nơi mọi người tụ tập quanh bàn thánh ăn mặc như ma quỷ … một Tân Thánh lễ, nơi mọi người thực hiện các điệu nhảy dâm dục theo nhịp của một ban nhạc trống thép. Thế giới đã thấy một Tân Thánh lễ, nơi các nữ tu ăn mặc như trinh nữ ngoại giáo cử hành hiến tế ngoại giáo.
Thế giới cũng đã chứng kiến những Tân Thánh lễ sáp nhập với mọi tôn giáo giả dối. Cũng có cả Tân Thánh lễ Phật giáo … Tân Thánh lễ Ấn giáo và Hồi giáo … Tân Thánh lễ, nơi người theo Do Thái giáo và Thuyết nhất thể dâng nến lên các tà thần. Có những nhà thờ mà toàn bộ quần chúng cùng nói lời Thánh hiến với linh mục … nơi linh mục đôi khi nói chuyện với người dân thay vì đọc Thánh lễ.
Những gì đã liệt kê chỉ là một mẫu nhỏ những thứ đã xảy ra trong mỗi giáo phận trên thế giới, nơi Tân Thánh lễ được tổ chức, ở các mức độ khác nhau. Chúa chúng ta đã từng nói: “Do quả của chúng các ngươi sẽ nhận biết chúng” (Mt. 7:16). Các hoa quả của Tân Thánh lễ là vô tận những bê bối, điều phạm thánh và sùng bái thần tượng. Đó là bởi vì bản thân Tân Thánh lễ, ngay cả ở dạng thuần khiết nhất, là một Thánh lễ giả, vô hiệu và đáng ghê tởm. Ngay cả một tổ chức chuyên bảo vệ Tân Thánh lễ cũng buộc phải thừa nhận những điều sau đây về một Tân Thánh lễ điển hình – mà không nhất thiết phải xem xét các điều ghê tởm và báng bổ thường xảy ra: “Hầu hết những Tân Thánh lễ chúng tôi đã tham dự… là những buổi lễ đầy cuồng nhiệt, âm nhạc thì gớm ghiếc, các bài giảng thì trống rỗng, còn người tham dự thì thiếu tôn trọng… “[3] Khi Tân Thánh lễ ra đời năm 1969, Hồng Y Ottaviani, Bacci, và một số nhà thần học khác đã viết về nó gửi lên Gh. Phaolô VI. Lưu ý rằng những gì họ bình phẩm về Tân Thánh lễ là ở Phiên bản Latin, phiên bản được gọi là “thuần khiết nhất.” Nghiên cứu của họ thường được biết đến dưới tên Sự can thiệp Ottavian, trong đó tuyên bố:
“Thánh lễ Novus Ordo [Nghi thức Mới của Thánh lễ] đại diện cho, trên toàn thể và trong chi tiết, một sự rời bỏ đáng lo sợ khỏi thần học Công Giáo về Thánh lễ như được trình bày trong Kỳ họp thứ 22 của Công đồng Trentô”[4]. Họ có thể thấy rõ ràng rằng phiên bản Latin của Tân Thánh lễ là một sự chuyển hướng đáng lo sợ khỏi giáo huấn của Công đồng Trentô. Trong số mười hai kinh dâng lễ trong Thánh lễ truyền thống, chỉ có hai kinh được giữ lại trong Tân Thánh lễ. Những kinh dâng lễ bị xóa y hệt như là những kinh những kẻ lạc giáo Tin Lành Martin Luther(1) và Thomas Cranmer đã loại bỏ. Tân Thánh lễ được ban hành bởi Phaolô VI với sự giúp đỡ của sáu Giáo sĩ Tin Lành. Sáu Giáo sĩ Tin Lành đã giúp phác thảo Tân Thánh lễ là: Tiến sĩ George, Jasper, Shepherd, Kunneth, Smith và Thurian.
Gh. Phaolô VI thậm chí đã thừa nhận với người bạn thân Jean Guitton rằng ý định của ông trong việc thay đổi là để biến Thánh lễ trở nên giống và gần gũi với Tin Lành.
Jean Guitton (một người bạn thân của Phaolô VI) viết: “Ý định của Giáo Hoàng Phaolô VI về những gì thường được gọi là [Tân] Thánh lễ, là cải cách phụng vụ Công Giáo theo hướng khiến nó gần như trùng khớp với phụng vụ Tin Lành. Giáo Hoàng Phaolô VI đã có một ý định đại kết để loại bỏ, hoặc, ít nhất là sửa chữa, hoặc, ít nhất là nới lỏng, những gì quá Công Giáo theo ý nghĩa truyền thống trong Thánh lễ và, tôi lặp lại, để khiến Thánh lễ Công Giáo tương tự hơn với Thánh lễ phái Calvin.” [5] Một nghiên cứu về những phần riêng và bài đọc trong Thánh lễ truyền thống, so với trong Tân Thánh lễ đưa ra ánh sáng một cuộc tàn sát Đức tin Truyền thống. Sách lễ Misa truyền thống chứa 1182 lời nguyện. Khoảng chừng 760 bài trong số đó đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Tân Thánh lễ. Trong số khoảng chừng 36% còn lại, những người duyệt lại đã thay đổi hơn một nửa trước khi đưa vào Sách lễ Misa mới. Vì thể, chỉ có khoảng 17% các bài đọc trong Thánh lễ truyền thống được nguyên vẹn đưa vào trong Tân Thánh lễ… Tân Thánh lễ đầy rẫy những điều báng bổ, phạm thánh và ghê tởm kì quặc nhất có thể tưởng tượng được bởi nó phản ánh một tôn giáo giả dối đã từ bỏ Đức tin Công Giáo truyền thống.
Tôn giáo giả dối mà Tân Thánh lễ phản ánh là một trong những lý do tại sao nó hoàn toàn thiếu sinh lực; đó là lý do tại sao hoa quả nó là hoàn toàn khốc hại, cằn cỗi và tệ không kể xiết. Tôn giáo được cử hành tại các nhà thờ nơi Tân Thánh lễ được cử hành, đơn giản mà nói, là hoàn toàn phạm thánh và một buổi lễ tán dương con người rỗng tuếch.
Ngay cả Dietrich von Hildebrand, một người ủng hộ tôn giáo Vaticanô II, cũng nói về Tân Thánh lễ như sau:
“Quả thật, nếu một trong những con quỷ trong The Screwtape Letters của C.S. Lewis được giao phó việc hủy hoại phụng vụ, hắn không thể làm điều đó tốt hơn.” [8] Ngoại trừ một đợt quỳ gối duy nhất của người tham dự sau thánh hiến, hầu như mọi dấu hiệu chỉ việc trân trọng Mình và Máu của Chúa Kitô đặc trưng trong Thánh lễ truyền thống, đã bị bãi bỏ trong Tân Thánh lễ.
Việc đồ thánh cần được mạ vàng nếu không được làm từ kim loại quý, giờ không còn bắt buộc. Đồ thánh, mà chỉ có bàn tay được xức dầu của một linh mục có thể chạm, giờ đây ai cũng cầm được. Hướng dẫn Chung cho Tân Thánh lễ cũng tuyên bố rằng bàn thánh không còn cần phải bằng đá tự nhiên; rằng việc một viên đá bàn thánh chứa thánh tích các thánh tử đạo là không cần thiết; rằng chỉ cần một tấm trải trên bàn thánh là đủ; rằng ngay cả việc dựng một cây thánh giá hoặc thậm chí nến trên bàn thờ cũng không hoàn toàn cần thiết. [9] Thậm chí ngay chỉ một trong những yêu cầu bắt buộc đã được phát triển qua hai ngàn năm để đảm bảo bàn thánh đạt phẩm giá phù hợp cũng không được giữ lại trong Tân Thánh lễ.
* Khi những người Tin Lành tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo ở Anh vào thế kỷ 16, họ đã thay đổi Thánh lễ để phản ánh niềm tin lạc giáo của họ. Bàn thánh được thay thế bằng bàn thông thường. Tiếng Latin được thay thế bằng tiếng Anh. Các bức tượng và tranh ảnh được gỡ bỏ khỏi nhà thờ. Sách Tin Mừng Thánh Gioan và Kinh Cáo Mình đã bị bãi bỏ. “Mình Thánh” được phân phối bằng tay. Thánh lễ được đọc to và đối mặt với đám đông. Âm nhạc truyền thống bị loại bỏ và thay thế bằng âm nhạc mới. Ba phần tư các linh mục ở Anh đã chấp nhận Nghi thức mới.
Đó cũng chính xác là những gì đã xảy ra năm 1969, khi Gh. Phaolô VI ban hành Tân Thánh lễ, Novus Ordo Missae (tiếng Latinh Novus Ordo có nghĩa là “Trật tự Mới”; Missae là Thánh lễ). Những điểm tương đồng giữa Sách Cầu nguyện Anh giáo năm 1549 và Tân Thánh lễ là cực kỳ chấn động. Một chuyên gia nhận định:
“Mức độ Tân Thánh lễ đi chệch khỏi thần học Công đồng Trentô có thể được đánh giá chuẩn xác nhất, bằng cách so sánh những lời cầu nguyện mà Hội nghị giám mục loại bỏ khỏi phụng vụ với những lời cầu nguyện bị loại bỏ bởi lạc giáo đồ Thomas Cranmer. Sự trùng hợp không chỉ đơn giản là đáng lưu ý – nó còn kinh hoàng. Thực tế, đây không thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.” [10] Để nhấn mạnh niềm tin lạc giáo của họ rằng, Thánh lễ không phải là một hy tế, mà chỉ là một bữa ăn, những người Tin Lành đã tháo dỡ bàn thánh và đặt một cái bàn ăn ở vị trí cũ. Ví dụ, ở Anh Quốc Tin Lành, “Vào ngày 23 tháng 11 năm 1550, Hội đồng Cơ mật đã ra lệnh phá hủy tất cả các bàn thánh ở Anh và thay thế bằng bàn tiệc thánh.” [11] Một nhà thờ Vaticanô II với một bàn tiệc tương tự như Tin Lành cho “Thánh lễ” Tin Lành mới của nó.
Tên đứng đầu đoàn lạc giáo Tin Lành tuyên bố: “Hình thức của một bàn ăn sẽ khiến nhiều hơn nữa những ai với đầu óc đơn giản từ bỏ những suy nghĩ mê tín dị đoan của Thánh lễ Công Giáo, và đến với việc sử dụng đúng đắn Tiệc ly Thiên Chúa. Vì mục đích của tế đài là để cử hành hy tế trên đó: việc sử dụng bàn ăn là chỉ để phục vụ việc ăn uống của mọi người.” [12] Thánh tử đạo Công Giáo xứ Wales, Richard Gwyn{Gu-en}, từng tuyên bố phản đối sự thay đổi này: “Nơi vốn là tế đài thì bị thay bởi một cái bàn nghèo nàn, nơi vốn là Đức Kitô giờ chỉ còn là mẩu bánh.” [13] Thánh Robert Bellarmine cũng lưu ý: “… khi ta bước vào đền thờ của lạc giáo đồ, nơi chẳng có gì ngoại trừ một cái ghế để thuyết giảng và một cái bàn để dọn bữa ăn, ta cảm thấy mình đang bước vào một nơi phạm thánh chứ không phải vào nhà Thiên Chúa.” [14] Hệt như nghi lễ mới của những tên cách mạng Tin Lành, Tân Thánh lễ được tổ chức trên bàn ăn.
Sách Cầu nguyện Anh giáo năm 1549 còn gọi “Tiệc ly của Đức Chúa, và Thánh Thể, thường được gọi là Thánh lễ.” [15] Tiêu đề này nhấn mạnh niềm tin Thệ Phản rằng Thánh lễ chỉ là một bữa ăn, một bữa ăn tối – chứ không phải là một hy tế. Khi Gh. Phaolô VI ban hành Hướng dẫn Chung cho Tân Thánh lễ, nó được đặt tiêu đề theo cùng cách ấy. Tiêu đề là: “Tiệc Ly của Đức Chúa hay Thánh lễ.” [16] Sách Cầu Nguyệt Anh giáo phiên bản 1549, lược bỏ ra khỏi Thánh lễ bài Thánh vịnh Lạy Thiên Chúa, xin xử cho tôi vì có đề cập đến bàn thờ Thiên Chúa. Bài Thánh vịnh này cũng bị đình bản trong Tân Thánh lễ.
Sách Cầu Nguyệt Anh giáo phiên bản 1549, lược bỏ ra khỏi Thánh lễ kinh cầu nguyện Xin xoá bỏ tội lỗi cho chúng con vì kinh cầu này gợi lên sự hy tế. Kinh cầu này cũng bị đình bản trong Tân Thánh lễ. Kinh cầu nguyệt Lạy Chúa, chúng con khẩn cầu Người, đề cập đến các thánh tích trong đá bàn thờ. Kinh cầu này bị đình bản trong Tân Thánh lễ.
Trong Sách Cầu nguyện Anh giáo năm 1549, Kinh nhập lễ, Kinh thương xót, Kinh sáng danh, Kinh tổng nguyện, Thánh thư, Tin mừng và Kinh tin kính đều được giữ lại. Tất cả cũng đều được giữ lại trong Tân Thánh lễ.
Tương đương với Kinh dâng lễ: Lạy Cha rất Thánh… Lạy Chúa là Đấng đã sáng tạo chức vị con người… Lạy Chúa, chúng con dâng Chúa… Lạy Chúa, với lòng khiêm nhường và thống hối… Lạy Đấng thánh hoá toàn năng… và Lạy Ba Ngôi cực thánh, đều bị đình bản trong Sách Cầu nguyện Anh giáo năm 1549. Tất cả cũng đều bị đình bản trong Tân Thánh lễ, ngoại trừ hai đoạn trích.
Trong Sách Cầu Nguyện Anh Giáo năm 1549, đoạn kinh Hãy nâng tâm hồn lên, Kinh tiền tụng và Kinh “Thánh, Thánh, Thánh,…” được giữ lại. Chúng cũng được giữ lại trong Tân Thánh lễ.
Lễ Quy Rôma bị bãi bỏ trong Sách Cầu nguyện Anh giáo năm 1549. Nó được giữ lại chỉ như một sự lựa chọn trong Tân Thánh lễ.
Hai tên khai sinh lạc giáo của cuộc cách mạng Tin Lành: Thomas Cranmer (trái) và Martin Luther (phải) (h. kép)
Thomas Cranmer (tác giả Sách cầu nguyện Anh giáo 1549) và Martin Luther cả hai bãi bỏ lời cầu nguyện Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ – có lẽ vì nó đề cập đến sự chuyển cầu của Đức Mẹ và các vị thánh. Phiên bản được giữ lại trong Tân Thánh lễ của lời cầu nguyện này đã bị sửa đổi, không còn lời cầu khẩn các thánh. Cũng cần lưu ý rằng Kinh dâng lễ trong Tân Thánh lễ mà bắt đầu với câu Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất được lấy từ một Kinh nguyện Bàn ăn của Do Thái Giáo. [17] Trong thực tế, Tân Thánh lễ còn loại bỏ lời cầu nguyện truyền thống Thứ Sáu Tuần Thánh mong rằng người Do Thái sẽ hoán cải. Lời cầu nguyện này đã bị thay thế bằng một lời cầu nguyện, không phải mong ước người Do Thái sẽ cải đạo, mà mong họ tiếp tục “phát triển” trong lòng trung thành với giao ước của Người! Đây là một hành động thể hiện sự bội giáo ngay trong lời cầu nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh chính thức của Tân Thánh lễ. Hành động này khuyến khích thực hành Do Thái giáo cùng lạc thuyết rằng Cựu Ước vẫn còn hiệu lực.
Hai lời cầu nguyện thứ Sáu Tuần Thánh khác nhau tới người Do Thái bởi hai tôn giáo khác nhau
Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tôn giáo Vaticanô II cầu nguyện:
“Ta hãy cầu cho người Do Thái. Cha ông họ là những người đầu tiên đã được nghe lời Chúa phán dạy. Giờ đây xin Chúa làm cho họ ngày càng mến yêu Danh Thánh Chúa và trung thành với giao ước của Người.”
*Nhưng Giáo Hội Công Giáo cầu nguyện vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như sau:
“cho những người Do Thái bội bạc: mong rằng Chúa chúng ta có thể cất đi màng che khỏi lòng trí họ, ngõ hầu họ có thể nhận biết Chúa chúng ta Giêsu Kitô.”
Trong Sách Cầu nguyện Anh giáo năm 1549, tương đương với lời cầu nguyện bắt đầu bằng, “Xin Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô đã hoà hợp và truyền phép”, bị bãi bỏ. Khá thú vị là chỉ phiên bản sửa đổi của lời cầu nguyện này được giữ trong Tân Thánh lễ với từ quan trọng “truyền phép” bị loại bỏ.
Sách Cầu nguyện Anh giáo năm 1549 đã xoá bỏ quy tắc của Lễ chế La Mã trong việc phân phối chỉ một loại hình Thánh Thể và cho phép rước Thánh Thể dưới cả hai loại hình. Ở Tân Thánh lễ Thánh Thể cả hai loại hình được lãnh nhận ở nhiều nơi trên thế giới.
Phiên bản năm 1552 của Sách Cầu nguyện Anh giáo đã chỉ thị rằng Mình Thánh phải được phân phát bằng tay để biểu thị rằng bánh lễ vẫn là bánh lễ bình thường, và linh mục bản chất không khác với một thường dân.[18] Tân Thánh lễ áp dụng phân phát Mình Thánh bằng tay ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, thậm chí còn đi xa hơn Cranmer bằng cách cho phép người chịu lễ đứng và nhận Mình Thánh từ một thường dân (TLTT người rước lễ phải quỳ gối và rước bằng lưỡi).
Những lời cầu nguyện trong Thánh lễ truyền thống mà bắt đầu với: “Lạy Chúa, xin cho lòng chúng con được trong sạch đón nhận Đấng miệng chúng con vừa tiếp rước và Lạy Chúa, xin cho mình Chúa con đã ăn” cả hai đều đề cập trực tiếp đến sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Cả hai cùng bị đình bản trong Tân Thánh lễ.
Lời cầu nguyện bắt đầu bằng Lạy Ba Ngôi cực Thánh, xin đoái nhận việc tôi tớ Chúa đã làm để phụng sự Chúa, là lời cầu nguyện khó được chấp nhận nhất sau Hiệp thông bởi hầu như toàn bộ tín đồ Tin Lành vì đề cập đến thánh hiến. Martinô Luther, và Cranmer trong Sách Cầu nguyện Anh giáo của hắn đều xoá bỏ nó. Theo bước bọn chúng, kinh cầu trên cũng bị đình bản trong Tân Thánh lễ.
Đến phần Phúc âm Cuối cùng, kết thúc Thánh Lễ Truyền Thống, cũng không được đưa vào trong Tân Thánh lễ, cho giống với mô thức các nghi lễ Tin Lành, và kết thúc với một câu ban phước. Những kinh đọc sau Thánh lễ truyền thống, bao gồm Kính mừng Maria; Lạy Nữ Vương; Lạy Chúa, Chúa là nơi ẩn náu; lạy Đức Thánh Micae; và Lạy Trái Tim cực thánh, tạo thành, trong thực tiễn, một phần quan trọng của phụng vụ. Năm lời cầu nguyện thiếu thích ứng với Tin Lành khó mà tưởng được. Tất cả phải bị đình bản trong Tân Thánh lễ.
Cân nhắc tất cả những điều này, ngay cả Michael Davies cũng phải thừa nhận: “Không còn tranh cãi gì nữa… Nghi thức La Mã đã bị phá hủy.”[19] ———————
TGTL Ghi chú:

(1). kẻ lạc giáo Tin Lành Martin Luther: Ngày 31 tháng 10 năm 2017 đánh dấu tròn 500 năm cái gọi là công cuộc Cải Cách của Luther – The Reformation of Luther. Khi ấy Vatican chào mừng biến cố này bằng việc loan tin sẽ cho phát hành bộ tem có hình Martin Luther tay cầm cuốn Kinh Thánh đang quỳ dưới chân thánh giá! Công Cuộc Cải Cách của Luther (thực chất là công cuộc phá hoại của Luther – The Destruction of Luther), nay dưới mắt của Vatican đã trở thành một công trình của Chúa Thánh Thần, một nguồn ơn phúc lớn lao cho Giáo Hội! Còn cá nhân Martin Luther, nhân vật chính của Công Cuộc Cải Cách, từ vị thế của kẻ tội đồ phá hoại, bị Giáo Hội kết án là lạc giáo và phạt vạ tuyệt thông, nay trở thành ân nhân và thánh nhân! Vatican đã phát hành tem “vinh danh Martin Luther”. Đây cũng là việc làm trong hướng đi “Đại Kết” của Vatican hôm nay, nhưng có thể nói là đã phát xuất từ CĐ/Vat.II và Vatican hôm nay cũng đang mệnh danh là một “Vatican Cải Cách” ./.

Xin mời Quí Thính giả và các Bạn Trẻ đón nghe tiếp “TLM – Cuộc Cách Mạng Phụng Vụ Kỳ II” trong Mục: Bài Đọc Thêm số 2.

——-o0o——-
ACE trong Chương Trình TGTL trân trọng kính chào quí thính giả và các Bạn Trẻ.
Chúc quí vị & các Bạn một tuần lễ An Bình trong Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Ghi chú:

(Riêng phần này dành cho độc giả của trang Web, Phát Ngôn Viên không cần đọc)[1] Lời nói của Dietrich Von Hildebrand, tuy là một người ủng hộ tôn giáo Vaticanô II nhưng cảm thấy bắt buộc phải đưa ra một tuyên bố như vậy về Tân Thánh lễ. Trích bởi Michael Davies, Pope Paul’s New Mass, Kansas City, MO: Angelus Press, 1980, tr. 80.[2] Giáo Hoàng Thánh Piô V, Tông hiến Quo Primum, ngày 14 tháng 7 năm 1570.[3] New Oxford Review, Berkeley, CA, November, 2006, “Notes.”[4] The Ottaviani Intervention, Rockford, IL: Tan Books.[5] Rama Coomeraswamy, The Problems with the New Mass, Tan Books, tr. 34.[6] Lm. Anthony Cekada, The Problems With the Prayers of the Modern Mass, Tan Books, 1991, tr. 9-13.[7] Michael Davies, Pope Paul’s New Mass, Kansas City, MO: Angelus Press, tr. 80.[8] Michael Davies, Pope Paul’s New Mass, tr. 126.[9] Michael Davies, Pope Paul’s New Mass, tr. 395.[10] Michael Davies, Pope Paul’s New Mass.[11] Warren H. Carroll, A History of Christendom, Quyển 4 (The Cleaving of Christendom), Front Royal, VA: Christendom Press, 2000, tr. 229.[12] Michael Davies, Cranmer’s Godly Order, Fort Collins, CO: Roman Catholic Books, 1995, tr. 183.[13] Michael Davies, Pope Paul’s New Mass, tr. 398.[14] Octava Controversia Generalis.  Liber Ii.  Controversia Quinta.  Caput XXXI.[15] Michael Davies, Cranmer’s Godly Order, tr. 65.[16] Michael Davies, Pope Paul’s New Mass, tr. 285.[17] Michael Davies, Pope Paul’s New Mass, tr. 320.[18] Michael Davies, Cranmer’s Godly Order, tr. 210.[19] Michael Davies, Pope Paul’s New Mass, tr. 504.