A- LỜI THỀ GIÁO HOÀNG (Papal Coronation Oath)
B- GIÁO THUYẾT CÁCH MẠNG CÔNG ĐỒNG VATICAN II
A- Lời thề Giáo Hoàng – Theo biên niên sử Giáo Hội, thánh Giáo Hoàng Agatho là người đầu tiên tuyên thệ vào ngày 27 tháng 6 năm 678. Kể từ đó trở đi, tất cả các Giáo Hoàng khi Đăng Quang đều tuyên thệ lời thề này. Sau đây là nội dung của lời thề Giáo Hoàng:
&/ Tôi thề không thay đổi điều gì trong Truyền Thống được lãnh nhận, và không cho phép bất cứ một sự xâm phạm, thay đổi hay đổi mới nào trong những gì đã được bảo vệ bởi các đấng tiền nhiệm được Thiên Chúa sủng ái của tôi.
&/ Trái lại, với lòng yêu mến nồng nàn như một người học trò và người kế vị trung thành, tôi sẽ kính cẩn bảo vệ bằng trọn sức lực, điều tuyệt hảo được truyền lại cho tôi.
&/ Để làm trong sạch tất cả những gì sai lệch với giáo luật, để bảo vệ những quy điển đức tin và các sắc lệnh của các Giáo Hoàng như là những thánh chỉ bởi Trời, bởi ý thức được Đấng mà nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tôi được đặt vào chỗ của Ngài, được làm đại diện cho Ngài do sự trợ giúp của Ngài, và ý thức phải trả lẽ nghiêm minh trước Toà Thiên Chúa về tất cả, tôi xin tuyên thệ:
&/ Tôi xin cam kết cùng Thiên Chúa Toàn Năng và Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu Kitô, Tôi sẽ tuân giữ tất cả những gì đã được mạc khải qua Đức Kitô và các Đấng Kế Vị Ngài, tất cả những gì mà các công đồng trước đây và các đấng tiền nhiệm đã xác quyết và tuyên bố.
&/ Tôi sẽ gìn giữ cách không khoan nhượng, kỷ luật và nghi lễ của Giáo Hội. Tôi sẽ loại ra khỏi Giáo Hội bất cứ ai dám đi ngược lại lời cam kết này, dù người đó là ai hay chính tôi đi nữa.
&/ Nếu tôi dám hành động trái ngược hoặc cho phép điều đó xảy ra, Chúa sẽ trừng phạt tôi trong Ngày Đáng Sợ của Công Lý Chúa.
&/ Theo đó, không có miễn trừ, chúng tôi nghiêm khắc phạt vạ tuyệt thông bất cứ ai- dù đó là chúng tôi hay ai khác – dám làm điều gì mới trái ngược với Truyền Thống phúc âm, đã được thiết định, và sự tinh ròng của Đức Tin chính thống của Kitô Giáo, hoặc mưu toan thay đổi qua những nỗ lực phản kháng, hoặc đồng ý với những người dám làm việc liều lĩnh phạm thượng này.
Lời thề không thay đổi điều gì trong Truyền Thống, được Công Đồng Vatican I xác quyết: “Vì Thánh Thần không được ban cho các đấng kế vị Phê-rô để giúp họ khai mở giáo lý mới, nhưng để giúp họ kính cẩn bảo vệ mạc khải được truyền lại, qua các tông đồ và kho tàng đức tin, và trung thành truyền đạt lại cho các thế hệ.”
Thật vậy, tất cả các giáo phụ đáng kính đã gìn giữ giáo lý tông truyền, và các Tiến Sỹ chính đáng đã tôn kính và tuân theo giáo lý ấy, hiểu biết trọn vẹn rằng, Toà Phê-rô luôn đứng vững trước bất kỳ sai lầm nào theo như lời Chúa Cứu Thế của chúng ta đã hứa với thủ lĩnh các tông đồ của Ngài: “Ta cầu nguyện cho ngươi để đức tin của ngươi không bị huỷ hoại; phần ngươi, một khi đã hoán cải, hãy củng cố anh em ngươi” (Lc 22, 32). (Denzinger, 1836).
(Denzinger là một tuyển tập các Tín Biểu, Định Tín và Tuyên Bố của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực Đức Tin và Phong Tục. Sách dầy 2.000 trang, khổ 17x25cm bìa cứng).
——-oOo——-
B- GIÁO THUYẾT CÁCH MẠNG CÔNG ĐỒNG VATICAN II
(Tác giả: Lm. Joseph Paul Phạm Đức Hậu)
Phần này giúp mọi người hiểu cách sâu sắc hơn, tại sao Công Đồng Vatican II được gọi là cuộc cách mạng trong lịch sử Giáo Hội. Định nghĩa: Nếu cách mạng được hiểu là thay đổi, đổi mới, làm khác đi so với trước, thì Vatican II chính xác là một cuộc cách mạng trong lịch sử GH.Công Giáo. Công Đồng Vatican II, gọi tắt là Vatican II, được Gh. Gioan XXIII loan tin triệu tập ngày 25/1/1959. Sau hơn 3 năm chuẩn bị, CĐ Vatican II chính thức khai mạc ngày 11/10/1962 và bế mạc ngày 8/12/1965 dưới triều đại của Gh. Phaolô VI. Lý do triệu tập Vatican II là để cập nhật hoá Giáo Hội, hay hiện đại hoá GH. Có thể gói gọn tất cả ý hướng và mục tiêu của Vatican II trong một từ là AGGIORNAMENTO, một từ trong tiếng Ý có nghĩa là cập nhật hoá hay hiện đại hoá. Vậy nên Vatican II chính là công đồng của sự “đổi thay và làm mới GH”, để GH trở nên “tân tiến và hợp thời hơn” đối với thế giới hiện đại.
Vatican II dạy những điều vốn đã bị các Giáo Hoàng và các Công Đồng trước đây kết án là sai lầm. Bằng cách này, Vatican II gián tiếp phủ nhận giáo huấn của các Công đồng trước đây, gián tiếp coi giáo huấn trước đây của Giáo Hội là sai lạc, hoặc không còn phù hợp nữa! Cần đọc những điều dưới đây trong bối cảnh những lời cảnh báo của Thánh Kinh, của Đức Mẹ, và của các ĐGH trước, đó là: Sẽ có một Apostasy – tức sự phản bội hay chối bỏ đức tin lớn lao – xảy ra trước ngày Chúa đến –
Sau đây chúng ta cùng điểm qua những giáo huấn mang tính cách mạng của Vatican II được chứa đựng trong các văn kiện: Lumen Gentium; Gaudium et Spes; và Unitatis Redintegratio.
*Lumen Gentium (LG)- Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội.
LG chứa đựng một số lời dạy khiến mọi người sửng sốt vì mức độ khác lạ với giáo huấn trước đây của Giáo Hội:
Thứ nhất là: Vatican II dạy rằng, GH thật của Đức Kitô không phải là GH Công Giáo nhưng chỉ tồn tại trong đó mà thôi! (subsit in Ecclesia Catholica – LG 8). Điều này được tái khẳng định trong các văn kiện sau Vatican II, nhất là trong Bộ Giáo Luật 1983, Giáo Lý 1992, số 870; Trong Tuyên Ngôn 1992 về Giáo Hội và Hiệp Thông. Giáo thuyết mập mờ này gián tiếp nhìn nhận rằng, GH thật của Đức Kitô cũng tồn tại trong các bè ly giáo và lạc giáo khác. Giáo lý này của Vatican II hoàn toàn trái nghịch với lời dạy của GH trong các Thông Điệp Satis Cognitum của Đức Leo XIII, Mortalium Animos của Đức Pio XI, Mystici Corporis của Đức Pio XII v.v…
Thứ hai là: Vatican II dạy rằng, Giáo Hội liên kết cả với những người không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, và không hiệp thông với Giáo Hoàng, tức những người lạc giáo và ly giáo!?
Ta cùng đọc những lời sau: “vì một số lý do, Giáo Hội nhìn nhận mình cũng được liên kết với những người, dầu đã được rửa tội và mang danh Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn và duy trì sự hiệp thông với đấng kế vị thánh Phê-rô.” (LG, 15).
*/. Giáo huấn xưa nay của Giáo Hội và các Giáo Hoàng vẫn dạy rằng Giáo Hội không có hiệp thông gì với những người lạc giáo và ly giáo bởi họ không thuộc về Giáo Hội. Họ cần phải hoán cải và trở về với Giáo Hội chứ không phải ngược lại.
*/. Đức Pio VI dạy: “Cuối cùng, tắt một lời: hãy ở gần chúng tôi. Vì không một ai có thể ở trong Giáo Hội của Chúa Kitô mà lại không ở trong sự hiệp nhất với vị thủ lĩnh hữu hình và được đặt nền trên Toà của Phê-rô.” (Charitas – TĐ Về Lời Thề Dân Sự Ở Pháp, ngày 13/4/1791, #32).
*/. Đức Pio IX cũng dạy rằng: “có vô số những bằng chứng từ các chứng nhân đáng tin cậy, chứng thực cách rõ ràng công khai với một đức tin lớn lao, sự chính xác, kính trọng, và vâng phục rằng, tất cả những ai muốn thuộc về Giáo Hội duy nhất và chân thật của Chúa Kitô phải tôn kính và vâng phục Tông Toà và Giáo Hoàng.” (Amantissimus – TĐ Về Mối Quan Tâm Của GH, ngày 8/4/1862, #3).
*/. Đức Leo XIII dạy rằng: “Thực hành của Giáo Hội xưa nay vẫn vậy, như được chứng minh qua giáo huấn nhất quán của các Giáo Phụ rằng, bất cứ ai chối bỏ dù chỉ là mức độ nhỏ nhất trong một điều nào đó của giáo lý được trình bày bởi giáo huấn uy quyền của Giáo Hội, thì họ bị coi như ở ngoài sự hiệp thông Công Giáo.” (Satis Cognitum – TĐ Về Sự Hiệp Nhất GH, ngày 29/6/1896, #9).
– Việc Vatican II dạy Giáo Hội có liên hệ với những người lạc giáo và ly giáo quả thật là một cú bứt phá rất xa, ra khỏi giáo huấn trước đây của Giáo Hội.
Thứ ba là: Vatican II dạy rằng những người lạc giáo và ly giáo cũng tôn kính Lời Chúa với lòng đạo nhiệt thành!(?)
Cùng đọc những lời này “nhiều người chứng tỏ lòng đạo nhiệt thành, họ tôn kính Thánh Kinh và lấy nó làm mô phạm cho đức tin và đời sống của mình” (LG, 15).
*/. Giáo huấn trước đây của Giáo Hội dạy cách khác rằng: “Thật vậy, các hiền đệ biết ngay từ những thời kỳ đầu của Kitô Giáo, việc chối bỏ Lời Chúa và phủ nhận quyền của Giáo Hội Công Giáo, là cái tài đặc biệt của những kẻ lạc giáo, họ xuyên tạc và thay đổi ý nghĩa của Lời Chúa.” (Đức Gregory XVI, Inter Praecipuas – T.Đ Về Các Hội Thánh Kinh, ngày 8/5/1844, #2).
Thứ bốn là: Vatican II dạy rằng việc không tin Thiên Chúa là có thể biện minh được!?
Lumen Gentium (LG) dạy rằng: “Những người, không do lỗi của mình, chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng vẫn cố gắng sống tốt lành thì Chúa Quan Phòng cũng không từ chối ban ơn trợ giúp cần thiết để họ được cứu rỗi” (LG, 16).
Qua những lời trên, Vatican II dạy rằng, việc không tin vào Thiên Chúa là có thể biện minh được nếu đó không phải do lỗi của người ta! Điều này trái ngược với Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội.
*/. Kinh Thánh dạy rằng, con người có lý trí có thể nhận biết có Thiên Chúa qua công trình tạo dựng của Ngài, khi họ chiêm ngắm cỏ cây muông thú, chim trời cá biển, mặt trời, mặt trăng và các tinh tú trên bầu trời. Không có lý do gì có thể biện minh cho việc không tin vào Thiên Chúa. Luật tự nhiên kết án kẻ không tin. Đó là chân lý mạc khải của Thánh Kinh.
*/. Hãy nghe điều thánh Phaolô đã nói với dân ngoại như sau: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó,họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo” (Rm 1,19-21).
*/. Như vậy Thánh Phaolô dạy rằng, những người vô thần không thể biện minh được vì Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho họ qua công trình tạo dựng của Ngài. Còn Vatican II dạy rằng, người vô thần có thể biện minh được!?
*/. Giáo huấn của Vatican II cũng trái nghịch với giáo huấn của công đồng Vatican I. Vatican I dạy rằng con người hoàn toàn có thể nhận biết Thiên Chúa qua thế giới thụ tạo và nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí. Ai chối bỏ chân lý này, thì bị vạ tuyệt thông. Thật vậy, Vatican I dạy rằng: “Nếu ai phủ nhận Thiên Chúa duy nhất chân thật là Đấng Tạo Dựng và là Chúa của muôn vật hữu hình và vô hình thì bị vạ tuyệt thông”. (Denzinger, 1801)
*/. Nếu ai nói rằng Thiên Chúa duy nhất chân thật, Đấng Tạo Dựng và Chúa của chúng ta, không thể được nhận biết cách chắc chắn bởi thế giới thụ tạo, và bởi ánh sáng tự nhiên của lý trí con người, thì bị vạ tuyệt thông. (Denzinger, 1806)
Thứ năm là: Vatican II dạy rằng người Công Giáo tôn thờ cùng một Thiên Chúa như người Hồi Giáo!?
Cùng đọc những lời sau: “Nhưng kế hoạch cứu độ cũng bao gồm những ai nhìn nhận Đấng Tạo Dựng, trong số đó trước tiên phải kể đến người Hồi Giáo, họ tuyên xưng tuân giữ đức tin của Abraham, cùng với chúng ta (những người Công Giáo), họ tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Đấng sẽ phán xét con người trong ngày sau hết” (LG, 16).
*/. Đây có lẽ là một trong những tuyên bố kinh hoàng nhất của Vatican II! Người Công Giáo tin Chúa Ba Ngôi là Cha-Con-và Thánh Thần, tin Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, đã chết và sống lại để cứu chuộc loài người, và đã về Trời… Người Hồi Giáo không tin những chân lý này. Vậy một đứa trẻ cũng hiểu rằng, người Công Giáo chúng ta không thờ chung một Thiên Chúa với người Hồi Giáo.
– Người phủ nhận Chúa Ba Ngôi không thể nào có chung một Chúa với người tin thờ Chúa Ba Ngôi. Vậy nói những người không tin thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng thờ chung một Thiên Chúa với chúng ta, là gián tiếp chối bỏ màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh.
– Hẳn nhiều người sẽ biện minh cho lời dạy này của Vatican II bằng cách lý luận rằng, chỉ có một Thiên Chúa mà thôi và Thiên Chúa là đấng nhân từ. Và rằng Thiên Chúa của người Hồi Giáo cũng có thuộc tính là duy nhất và nhân từ giống như Thiên Chúa của người Công Giáo. Và bởi người Hồi Giáo chỉ thờ một Đấng nhân từ chứ không phải nhiều Đấng như những người đa thần, vậy nên họ thờ cùng một Thiên Chúa giống như những người Công Giáo!
– Nếu điều này đúng thì ta có thể mở rộng ra để nói được rằng, bất cứ ai thờ một đấng nào là duy nhất và nhân từ, người đó thờ cùng một Thiên Chúa với người Công Giáo. Vậy có khác chi nếu nói rằng, bất cứ ai thờ Lucifer là đấng duy nhất và nhân từ, người đó thờ chung một Thiên Chúa với chúng ta! Vô lý!
*/. Công Đồng Rôma năm 382 đã long trọng truyền dạy như tín điều rằng:
– Bất cứ ai chối rằng Chúa Cha hằng hữu, Chúa Con hằng hữu, Chúa Thánh Thần hằng hữu, đó là kẻ lạc giáo. (Denzinger, 68)
*/. Bất cứ ai phủ nhận Con Thiên Chúa là Thiên Chúa thật, như Chúa Cha là Thiên Chúa, là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, và ngang hàng với Chúa Cha. Ai phủ nhận tất cả những điều đó đều là những kẻ lạc giáo. (Denzinger, 70) (Xin nhớ rằng Hồi giáo không chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, chỉ là một tiên tri, một tiên tri thấp hơn cả Mahomet.)
*/. Bất cứ ai phủ nhận Chúa Thánh Thần là Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, và hiện diện ở mọi nơi, như Chúa Cha và Chúa Con, thì là kẻ lạc giáo.” (Denzinger, 75)
*/. Thêm nữa là, Chúa Giêsu Kitô mới là Đấng phán xét con người trong ngày sau hết như trong kinh tin kính ta đọc: “Người (Chúa Giêsu Kitô) sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Người Hồi Giáo không tin Chúa Giêsu Kitô là Đấng sẽ phán xét con người trong ngày sau hết. Vậy nếu chấp nhận Thiên Chúa của người Hồi Giáo là Đấng phán xét con người trong ngày sau hết, như thế là chối bỏ Chúa Giêsu Kitô là Đấng phán xét con người trong ngày sau hết!?
*/. Công đồng Roma năm 382, đã truyền dạy tiếp rằng: “Ai không tuyên xưng Người (Chúa Giêsu Kitô) ngự bên hữu Chúa Cha trong xác phàm và sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, đó là kẻ lạc giáo.” (Denzinger, 73)
Thứ sáu là: Vatican II dạy rằng, Giám Mục Đoàn, khi và chỉ khi hợp nhất với Giáo Hoàng, cũng thủ đắc quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội.?
Cùng đọc những lời sau: “Hàng Giám Mục, những người kế vị Tông Đồ Đoàn trong việc giảng dạy và cai quản, chính nhờ hàng Giám mục mà Tông Đồ Đoàn được trường tồn không gián đoạn, khi và chỉ khi hiệp nhất với Giáo Hoàng là thũ lãnh, Hàng Giám Mục cũng có quyến bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội. Nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự đồng ý của Giáo Hoàng.” (LG, 22)
*/. Như vậy, Vatican II nhìn nhận Giám Mục Đoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội với điều kiện là phải hiệp nhất với Giáo Hoàng. Dù đặt thêm điều kiện “phải hiệp nhất với Giáo Hoàng”, việc tuyên bố Giám Mục Đoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội là lời khẳng định mang tính cách mạng, vượt xa những giáo huấn trước đó của Giáo Hội như ta thấy dưới đây.
*/. Đức Boniface VIII, qua Sắc Lệnh Unam Sanctam ban hành ngày 18/11/1302, dạy rằng: “Vì vậy, Giáo Hội duy nhất chỉ có một thân thể và một đầu, là Đức Kitô, không phải 2 đầu như quái vật, và đại diện Đức Kitô là Thánh Phê-rô và các đấng kế vị Phê-rô.”
*/. Đức Leo XIII dạy rằng: “do việc các Giám Mục kế vị các Tông Đồ, họ thừa hưởng quyền bính thông thường, và các Giám Mục là phần cấu thành căn bản của Giáo Hội. Mặc dầu họ không có quyền bính trọn vẹn, phổ quát, và tối cao, họ không bị coi như là những đại diện của Giáo Hoàng, bởi vì họ thi hành quyền bính của chính họ và thực sự được coi là các mục tử thông thường của đoàn chiên mà họ hướng dẫn.” (Satis Cognitum – TĐ Về Sự Hiệp Nhất GH, ngày 29/6/1896, #15)
*/. Đức Leo XIII dạy tiếp: “quyền của Giáo Hoàng là tối cao, phổ quát và độc lập, còn quyền của Giám Mục thì giới hạn và lệ thuộc.” (Satis Cognitum – T.Đ Về Sự Hiệp Nhất GH, ngày 29/6/1896, #15).
Đó là một vài ví dụ tiêu biểu về tính cách mạng của Vatican II được thể hiện trong Lumen Gentium.
*Gaudium et Spes (GS)– Hiến Chế Về Giáo Hội Trong Thế Giới Hiện Đại.
Văn kiện này của Vatican II cũng chứa đựng những giáo huấn hoàn toàn mới mẻ so với giáo huấn của Giáo Hội trước đây. Điểm đáng chú ý nhất:
*/. Vatican II dạy rằng, qua màu nhiệm Nhập Thể, Đức Kitô kết hợp với tất cả mọi người.!?
Cùng đọc những lời sau: “Vì nhờ màu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã lao động với đôi tay con người, đã suỹ nghĩ với trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, và đã yêu mến với trái tim con người” (GS, 22).
*/. Lời khẳng định trên tiếp tục được Gioan Phaolô II nhắc tới nhiều lần trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Loài Người – Redemptoris Hominis rằng: “Chúa Kitô đã chứng tỏ điều này cách đặc biệt, như Công Đồng dạy, nhờ màu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người.” (#13).
*** Chưa bao giờ Giáo Hội dạy rằng sự kết hợp giữa Đức Kitô và mọi người bắt nguồn từ chính màu nhiệm Nhập Thể! Thật vậy, sự kết hợp giữa Đức Kitô và mọi người chỉ có được nhờ đức tin và phép rửa mà thôi, và Giáo Hội Công Giáo chính là phương tiện giúp mọi người thiết lập mối dây liên kết với Đức Kitô. Đưa mọi người kết hợp với Đức Kitô (truyền giáo) là lý do tồn tại của Giáo Hội. Nếu mọi người đã được kết hợp với Đức Kitô nhờ màu nhiệm Nhập Thể, thì Giáo Hội đã mất đi lý do chính yếu cho sự tồn tại của mình. Đâu cần phải truyền giáo nữa bởi mọi người đã được kết hợp với Đức Kitô rồi! ***
*/. Nếu mọi người đã được kết hợp với Đức Kitô nhờ màu nhiệm Nhập Thể, thì đâu là giá trị của màu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô? Phải chăng khi đó màu nhiệm Vượt Qua (màu nhiệm sự chết-sống lại và lên trời của Chúa Giêsu Kitô) chỉ còn là dấu chỉ của sự kết hợp giữa Đức Kitô và mọi người vốn đã tồn tại và vẫn tồn tại từ biến cố Nhập Thể?
*/. Không phải như vậy. Giáo Hội xưa nay chỉ dạy rằng, sự kết hợp giữa con người tội lỗi và Đức Kitô chỉ có thể có được nhờ đức tin và phép rửa. Tội nguyên tổ không thể được tha bằng bất kỳ cách nào khác ngoài đức tin và phép rửa. Và chỉ khi tội nguyên tổ được tha, con người mới được giao hoà và kết hợp với Đức Kitô, và đồng thời được nhận là nghĩa tử của Thiên Chúa.
*/. Công Đồng Florence dạy rằng: “với các trẻ em, do nguy cơ cái chết hay xảy đến, nên không một phương dược nào có thể được đem đến tốt hơn cho các em là bí tích rửa tội, nhờ đó, các em được giải thoát khỏi sự thống trị của ma quỷ và thâu nhận làm con cái Thiên Chúa.” (Denzinger, 712)
*/. Đức Pio XI cũng dạy rằng: “Các sách Tin Mừng trình bày vương quốc này (vương quốc siêu nhiên) như một vương quốc mà con người chuẩn bị bước vào bằng việc sám hối, và chỉ thực sự bước vào nhờ đức tin và phép rửa, dù chỉ là nghi thức bề ngoài nhưng thực sự diễn tả và làm phát sinh một sự tái sinh bên trong.” (Qua Primas – T.Đ Về Lễ Chúa Kitô Vua, ngày 11/12/1925, #5).
Cũng cần nói thêm rằng, sự kết hợp với Đức Kitô bị triệt tiêu bởi việc tách khỏi Giáo Hội, điều mà Vatican II chẳng hề nhắc đến. Đức Leo XIII dạy rằng: “Ai tách mình khỏi Giáo Hội là kể như kết hợp với người đàn bà ngoại tình. Người đó tự loại bản thân khỏi mọi lời hứa của Giáo Hội, và người rời bỏ Giáo Hội không thể nào đạt tới những phần thưởng của Đức Kitô.” (Satis Cognitum – T.Đ Về Sự Hiệp Nhất GH, ngày 29/6/1896, #5)
————————-
TGTL nhắc nhở:
ĐGH. Grêgôriô XVI dạy “Anh em đừng để bị lừa dối; Nếu mục tử truyền dạy điều sai quấy lỗi luật Chúa, đoàn chiên có bổn phận phải bất tuân, vì khi đó “ta phải vâng lời Chúa hơn là người phàm”. Nhưng chúng ta không được bắt chước những kẻ ly giáo, để rồi tự tách mình ra khỏi Giáo Hội, vì Đức Leo XIII dạy rằng: “Ai tách mình khỏi Giáo Hội, thì không thể nào đạt tới những phần thưởng của Đức Kitô”.
Trong những trường hợp này, điều chúng ta nên làm là bất tuân đối với những lời chỉ bảo của Ngôn Sứ Giả (1), quyết một lòng trung thành với Đức Giêsu Kitô, bằng thể hiện việc thi hành Lời Chúa, là sống trọn vẹn các Giới răn, các lề luật của Chúa, và loan báo Lời Chúa cho những ai chưa biết, hoặc không biết (2). Và nhớ cầu nguyện cho những mục tử nào truyền dạy điều sai quấy, lỗi luật Chúa, vì đó là đức bác ái chính Chúa Giêsu đã truyền dạy(3) .
Ghi chú:
(1) Ngôn Sứ Giả: là người của Satan – Đứa Lừa Dối – Kẻ đóng vai mục tử nhưng truyền dạy những điều sai quấy, lỗi luật Chúa. Bất cứ mục tử nào như thế, thì tức khắc mọi “quyền bính” bị mất hết, chứ đừng bảo: “Hễ dưới cởi, thì trên cũng cởi, hoặc hễ dưới buộc, thì trên cũng buộc”. Bởi vì khi kẻ đóng vai mục tử dẫn giải hoặc cho phép người ta làm trái với lề luật của Chúa, thì những mục tử trá hình đó, chính là những ngôn sứ giả, hoặc những kẻ chăn thuê (tất nhiên là Satan sẽ trả công cho nó). Việc làm của những kẻ chăn thuê, hay ngôn sứ giả là khéo léo lừa dối người ta, để lùa người ta xống hỏa ngục càng nhiều càng tốt. Vậy chúng là kẻ thù của mọi Kitô Hữu (3).
(2) Không biết hoặc chưa biết: Không biết là không biết chút nào về Chúa; Người ‘chưa biết’ là đã có biết, nhưng chỉ chưa biết nhiều, hoặc chưa biết hết các vấn đề về giáo lý của Chúa.
(3) Cầu nguyện cho kẻ thù: Chúa Giêsu đã truyền dạy điều này:
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 43-45). Ngày nay, những ai đang lùa ngta xuống hỏa ngục, chúng ta lại cần thiết phải cầu nguyện cho những người ấy, để họ nhận ra lầm lỗi của mình, mà đừng tiếp tục làm hại linh hồn những người không, hoặc chưa biết. Thí dụ: ngày nay có rất nhiều người nghe giảng nói về một “Giáo Hội Hiệp Hành”, cảm thông với mọi hoàn cảnh mà tâm hồn con người đang vướng mắc, nên GH rộng rãi cho ngta rước lễ trong khi vẫn đang mắc tội trọng, như: Công khai ủng hộ phá thai; Ly dị – tái hôn, không chấm dứt tình trạng ngoại tình mà đi xưng tội, ngôn sứ giả (NSG) vẫn cho rước lễ, và nhiều tệ nạn khác v.v… (Tất nhiên những Nạn nhân Tâm Linh đa số không biết phân biệt thế nào là NST (ngôn sứ thật) và NSG.)
———oOo———
*/. Trước khi chuyển sang văn kiện khác, điều cần lưu ý là dường như Vatican II đã khơi nguồn cho tư tưởng sùng bái con người cách cực đoan. Coi con người như là chúa tể của muôn loài và khẳng định những quyền của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm!
Vatican II tuyên bố: “người tin cũng như kẻ không tin hầu như cùng chung quan điểm rằng, mọi vật trên trái đất phải được hướng về con người như trung tâm và chóp đỉnh của chúng.” (GS, 12). Vatican II dạy tiếp: “ngày nay ý thức về phẩm giá cao trọng của con người ngày càng lớn mạnh hơn, bởi con người trổi vượt trên mọi loài và những quyền và bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm.” (GS, 26)
*/. Vâng, nếu mọi vật phải hướng về con người như trung tâm và chóp đỉnh, và quyền của con người là bất khả xâm phạm, thì con người quả thực là chúa tể của vạn vật. Con người là thước đo của vạn vật. Vậy phải chăng con người đã đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa.
– Ngày nay chúng ta đang được chứng kiến việc con người đang nỗ lực điên cuồng để khẳng định quyền “phổ quát và bất khả xâm phạm” của họ. Nỗ lực này mạnh đến mức trật tự và lề luật của Thiên Chúa cũng phải ở dưới cái quyền “phổ quát và bất khả xâm phạm” của con người. Con người đang tôn mình làm chúa tể của vạn vật. Họ đang chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ chính mình!
(Một cách chứng minh cụ thể nhất là Vatican II trong phần Cách Mạng Phụng Vụ – Thánh lễ Mới – đã thể hiện cách rõ rệt nhất, là CĐ.Vat.II đã đặt con người vào vị trí trung tâm và chóp đỉnh. Thậm chí Thiên Chúa cũng đã bị gạt sang bên lề. Những điều này chúng tôi đã có nói qua) (Còn Tiếp).
Kỳ tới: Chúng tôi mời quí thính giả và các bạn trẻ tiếp tục tìm hiểu Sắc Lệnh Về Đại kết.
Một Sắc lệnh quan trọng trong Giáo Thuyết Cách Mạng Vatican II.
——-oOo——-
ACE /Chương Trình TGTL trân trọng kính chào quí thính giả và các Bạn Trẻ
Chúc quí vị & các Bạn một tuần lễ An Bình trong Thiên Chúa và Mẹ Maria.