- Trường hợp những thai nhi bị bứt tử. Và tại sao ta phải cầu nguyện cho các thai nhi?
– (Th): Cháu chào cô chú! Hôm nay cô cần tiếp thu sự gì nơi cháu không ạ?
– (Tâm): Xin Chúa và Đức Mẹ ban thêm Hồng ân cho cô.
– (H. Tr): Chào cô Thủy! Tôi muốn biết tình trạng LH của một người cháu họ chết năm ngoái?
– (Th): Cháu xin khoan nói! Hôm nay điều cháu muốn chia sẻ với chú cô là về những thai nhi bị bứt tử. Chú có nghĩ là các cháu được Chúa đón ngay không?
– (T): Tôi nghĩ là chưa đâu! Nếu các cháu nào chưa được rửa tội, thì vẫn còn vướng mắc tội tổ tông!
– (Th): Cháu cho biết, Đức Mẹ thì thương, song phải có hồ sơ. Cháu nói theo phần đời cho dễ hiểu: Hồ sơ đây không phải là ngày sinh, tháng đẻ! Mà là tình trạng thực tế của mỗi cháu. Thí dụ như cháu này, mẹ cháu còn trẻ, vì giận hờn thiếu suy nghĩ! Cháu kia, một vị cô bác nào đó, lúc trẻ ngại nuôi con, thích trưng diện, hay một cháu nào đó mẹ bị lợi dụng, mà vì thể diện gia đình, phạm vào tội hủy hoại bào thai. Nếu như những cha mẹ này còn có tâm, hối lỗi ăn năn, lại biết xót thương cái bào thai, hay thai nhi của mình, rồi cầu xin Chúa, thì đứa trẻ đó (dù đã thành hình, hay mới chỉ là một hòn máu) sẽ được Chúa chấp nhận ngay! Còn trường hợp bà mẹ chẳng may bị tai nạn (ta hay gọi là bị té sẩy thai), nhưng vì nghĩ rằng trẻ thơ vô tội thì sẽ được Chúa cho lên Thiên đàng liền, nên không cầu xin Chúa cho đứa trẻ gì cả, thì Chúa cũng “quên” luôn! Cháu ví dụ như chú có một người khách đến nhà mà trên tay cầm một bó bông, hay gói quà cho dù có là thứ rẻ tiền, thì ta cũng nhìn họ bằng một con mắt khác … đúng không? Chú có hiểu ý cháu nói không ạ?
– Hiểu thì hiểu, nhưng cũng có chút ưu tư, cần suy nghĩ!
– Cháu muốn nói, Chúa tuy có thể làm được tất cả mọi sự! Nhưng Chúa luôn luôn muốn có sự cộng tác của con người, dù sự cộng tác của ta chẳng có đáng gì! Nói tóm lại, hễ ta cầu xin một cách sốt sáng cũng được! Hoặc nói với Chúa hay xin với Chúa một câu chân thành thôi, thì cũng vẫn được! Chúa cũng nhìn thực tế giống như ta vào nhà mà có quà, dù chỉ là món quà ít tiền nhất!
– (T): Cô nói tôi hiểu rồi! Tôi còn nhớ có lần cô nói LH các cháu bé (bị cha mẹ bỏ) đã được Chúa trao cho Đức Mẹ là vì sao vậy? Còn nữa, cô thấy các cháu bị bỏ không chỉ về thể xác, mà cha mẹ còn bỏ luôn phần hồn của con mình thì có nhiều không?
– (Th): Chú hỏi đúng! Hầu hết các cha mẹ bỏ con, là phát xuất từ sự ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình thôi! Có quan tâm gì tới giọt máu của họ, nên phần đông đã bỏ mặc, không nghĩ tới phần LH của đứa bé, nên cháu nói là Đức Bà đã phải khóc nhiều! Bởi vậy: Một, là vì thời đại này hơn bao giờ hết, người ta quá tội lỗi, mà càng tội lỗi thì phá thai, bỏ trẻ sơ sinh càng nhiều, nên Chúa trao các trẻ em cho Đức Bà toàn quyền. Hai là chú nghĩ đi, nếu Chúa làm hết thì cháu hay ông Trường Linh mất việc! Ba là Đức Bà muốn nếu như mọi người cùng cộng tác với Bà bằng những việc lành, và cầu nguyện cho các thai nhi bị bứt tử, thay cho những cha mẹ tội lỗi kia, để làm nguôi lòng Chúa. Cháu nghĩ việc này thì cô chú, mẹ cháu, hay mọi người trong gia đình ai cũng có thể làm được!
(Ghi chú: Dĩ nhiên vế hai chỉ là cô ấy nói chơi với tôi thôi! Chứ có lần cô đã bảo các Thánh có nhiều việc để làm, không sợ thất nghiệp! Chỉ sợ không được Chúa trao việc mà thôi! Nhưng quả thực có lúc cô đi làm việc tìm kiếm các trẻ em bị cha mẹ bứt tử, bạn có thể xem lại số 119, và các số 112, 321 cô nói về việc những cha mẹ nhẫn tâm giết con mình tội nặng như thế nào. Còn những người đã lỡ phạm tội nặng này, mà nay hối hận, muốn chuộc tội lỗi mình, thì tôi thấy cô có giúp, hay hiến kế cho một người phải làm thế nào để đoái công chuộc tội khi còn ở trần gian, xin xem lại số 323).
- Một LH khi sống giữ đạo lấy lệ, Lại còn lấy vợ người. Chết rất khổ! Vì sao?
– (Th): Xin cô nói lại chỗ người cháu mà cô hỏi, để cháu đi kiếm.
– (H. Tr): Phanxicô Nguyễn Vũ Mạnh, chết năm ngoái: 15.8.2006, Xóm Mới, cốt thiêu để tại nhà thờ Hà Nội.
– (Th): Cháu đi kiếm (khoảng 15 giây sau cô trở lại) – Cháu gặp được rồi! Cháu có thể khó nói … cháu phải suy nghĩ là … chú này đang bị cầm buộc, vì khi trước chú phạm tội nặng. Chú ấy xin cháu về nói với cô xin lễ và cầu nguyện thật nhiều!
– (H. Tr): Cám ơn cô Thủy!
– (Th): Chú biết không, ma quỉ cũng được quyền cầm buộc kẻ đến nhà thờ chỉ như là cho có lệ. Chú này cũng vậy! (Theo H. Trinh cho tôi biết ngay tại chỗ: Người này lấy vợ người ta).
– (H. Tr): Vâng, tôi sẽ xin lễ và cầu nguyện cho nó!
(Chú Thích: Thường một người giữ đạo lấy lệ, thì hay xem thường các điều răn Chúa cấm. Tuy có mặt ở nhà thờ, nhưng lại không có Chúa ở trong lòng. Đối với Chúa, đừng nói họ có lòng yêu mến Chúa hay không, chỉ nguyên việc họ đã không kính sợ Chúa tức đánh mất ơn thứ bẩy của Chúa Thánh Thần là ơn “Biết kính sợ Thiên Chúa”. Nghĩa là họ đi lễ ngày Chúa nhật chỉ để qua mặt (cũng tức là qua mắt) người thế gian, và đã xem thường mắt của Chúa. Rồi nhiều khi cũng rước lễ theo thói quen, nghĩa là xem thường Bí tích Thánh Thể! Khi mới nghe qua cô Thủy bảo người cháu này “đến nhà thờ chỉ như là có lệ”, thì ta tưởng là lỗi nhẹ, nhưng thường thì có tương quan đến những sự coi nhẹ những cái khác trong cuộc sống, nên tôi hỏi Huệ Trinh ngay lúc đó có biết gì về người cháu ấy không, thì mặc dù không gần gũi, không biết nhiều về đời sống của anh này, Trinh cũng biết được một điểm là cậu ta lấy vợ người khác! Trong Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô lên án nặng kẻ ngoại tình (Mc 10,1-12), vì không phải là tội phạm một lần, mà là tội phạm liên tục suốt một mảnh đời, mà không chỉ là tội phạm một mình, nhưng là liên đới tới những người khác! Người thanh niên nói trên, nếu chưa có vợ thì anh ta là nguyên cớ gây nên tội ngoại tình cho bà vợ kia. Nếu sau đó người chồng của bà kia đi ăn ở với người đàn bà khác, thì anh thanh niên này cũng là nguyên cớ khiến cho ông kia phạm tội ngoại tình. Nếu người thanh niên nói trên lại đã có vợ, thì lại còn chồng chất lên thêm tội ngoại tình với vợ mình nữa. Rồi nếu vợ mình vì thế mà phạm tội ngoại tình với người đàn ông khác, thì tội cứ nhân lên mãi, vì phải kể là các đương sự lại còn liên tục phạm vào điều răn thứ sáu trường kỳ. Cho nên cô Thủy cho biết ma quỉ cầm buộc anh ta là vì vậy!).
- Làm sao kẻ xấu, hay ác mà một sớm một chiều Có thể thay tâm, đổi tánh mà trở thành thánh nhân?
– Chú có hỏi gì không?
(T): Câu hỏi hơi ngoài lề một chút vì không dính líu đến LH người kia. Tôi nghĩ muốn thoát khỏi luyện hình, con người phải sửa đổi tâm tính. Nói cho đúng là LH phải nên thánh mới được Chúa cho vào Thiên đàng … cô cho là đúng chứ? Vậy khi ta cầu nguyện, xin lễ cho LH thì bất quá cũng chỉ là được Chúa xét thôi, chứ một con người muốn thay tâm, đổi tánh để thành thánh nhân, không phải là chuyện một sớm một chiều! Cô có đồng ý không?
– (Th): Chú chưa chết thì chưa biết! Cháu nói là Chúa sẽ tha cho người tội lỗi. Khi ta xin lễ nhiều cho LH, thì thứ nhất là vì sự công bằng, Chúa xét ngay cho LH này, khi đó Chúa biết lúc còn sống LH ấy đã sống cách nào, phạm lỗi nhiều hay ít, tội nặng hay nhẹ, công phúc ra sao? Thứ hai là Chúa cử một vị thánh tới họ. Nếu họ không chịu theo Chúa, thì coi như là họ vẫn phải ở chỗ tối. Cháu thấy chỉ có những người vô cùng “cứng đầu” không chịu ăn năn, thì Chúa mới phải thua thôi!
– (T): ý tôi muốn nói là không phải cứ nhiều lễ mà người ta sửa đổi hay biến hóa từ một kẻ xấu, hay ác mà trở thành bậc thánh hiền ngay được!
– (Th): Để cháu tiếp chú bằng vài sự việc rất đơn giản thế này: Chú nghĩ đi, nếu thuốc hút mà không bị đau họng, hay làm hư lưỡi trầm trọng, thì chú mới cứ hút mãi được! Còn cháu ví dụ như ta bị ung thư lưỡi thì sao? Tất nhiên ta phải vội bỏ chứ! Trong khi lửa hỏa ngục thì ta không biết! Nhưng cháu ví dụ nếu như có một ngọn lửa ở ngay trong tâm, hay sau lưng chú, cứ hễ không đọc kinh, thì nóng vô cùng! Khi ấy chắc là ta phải đọc thật nhiều cho mát, chứ không thì chịu không nổi! Sở dĩ ở ngoài đời, ta không bỏ được, hay không chịu bỏ những tệ nạn, hay thói xấu, tật hư, là vì ta còn có thể chiều theo những bản năng thấp kém, mà lý trí không đủ mạnh để thắng được! Nhưng nếu ta bị cầm tù như những ngày các ông bị CS bắt giam. Khi ấy nếu như cán bộ cấp cao bảo: Anh hãy đứng trước mặt tôi đọc kinh cầu xin mỗi ngày 3 tiếng, liên tục trong 3 tháng, tôi sẽ cho anh về, thì khi ấy dù có gần chết, ta cũng cứ làm vì ra khỏi nơi này là điều mà mình hằng vô cùng ao ước! Các LH trong tình huống cũng giống như ta vừa bàn luận. Song lửa các LH đang chịu đốt rất khủng khiếp, nên chỉ mong gặp Chúa để cho mát, thành thử dù tư tưởng kiên trì đến đâu cũng chỉ trong giây phút sẽ bị lung lay! Tuy nhiên, nói thì nói cách đơn giản, chứ một người hư hỏng nhiều, họ được thăng tiến qua nhiều cấp, chứ không phải ta cầu xin, hoặc sau khi dâng lễ là LH bay vù cái lên Thiên đàng ngay! Vì thế ta cứ phải cầu xin đều đặn cho các LH. Khi nào LH được về ở bên Chúa vĩnh viễn, thì các ơn ích của việc dâng lễ, hay các việc lành ta chỉ cho họ, không có thành vô ích! Vì khi ấy các LH sẽ nhường cho những người khác. Còn các ơn ích ta làm chỉ cho các LH thì sau khi chết, Chúa vẫn ban ơn phản hồi cho ta, chưa kể việc các LH biết ơn ta, họ lại đền đáp bằng sự cầu bầu cùng Chúa cho ta để ta được ân giảm, vì khi trước ta đã nghĩ đến họ!
– (T): Thỏa mãn! Cám ơn cô!
- Hỏi về tình trạng mấy LH: Diện; Đan; Minh Hễ nằm mơ thấy ai về, thì hãy xin lễ cho họ được giảm bớt!
– (T): Tôi muốn biết tình trạng ông Diện, ông Đan bây giờ thế nào có được không ạ?
– (Th): Thưa chú ông Đan đã được đỡ hơn! Còn ông Diện cháu thấy cũng tạm thôi! Ta cứ tiếp tục cầu xin cho họ!
– Cám ơn cô!
– (Cô Thủy xoay qua nói với nhà tôi): Cô có muốn cháu tìm kiếm ai nữa không?
– (H. Tr): Chỉ muốn cô cho biết tình trạng của cháu Đa Minh Vũ văn Sáng (còn có tên là Minh) xem cháu có được Chúa cho đỡ hơn chưa?
– (Th): Cháu đang cần một người thân xin lễ bằng cả tấm lòng! Cô biết không, hôm trước cậu được dẫn về gặp Phụng và em cháu đã xin lễ. Đấy là điều mà các LH cháu cho biết khi mà chú cô, các người trong gia đình cháu hễ nằm mơ thấy một người dù là không phải bà con họ hàng, ta cũng cứ xin lễ cho họ!
– (H. Tr): Tôi nghĩ chắc là Chúa cho họ về và muốn cho mình cầu nguyện, xin lễ cho họ được giảm bớt hình phạt trong luyện ngục đúng không cô?
– Cô đúng! Song có điều đặc biệt là ai đó phải được ơn Chúa, Đức Mẹ cho, chứ không phải ai cũng được về báo mộng để nhờ vả đâu!
- Lại một con chiên lạc. Dụ ngôn của Chúa thế nào, thì hẳn là Chúa sẽ làm như thế!
– (Tâm): Lại nói chuyện mơ, đêm qua tôi mơ gặp ông Phụ – Nguyễn Tư Phụ – Một người quen – là bạn của gia đình thì đúng hơn – và hiện còn sống ở bên Perth (Thủ phủ tiểu bang miền Tây nước Uc), khi trước thấy ông ta cũng giữ đạo cách bình thường như mọi người, nhưng sau, gặp phải trường hợp bất mãn với một vị linh mục về một vấn đề tác giả không tiện viết ra đây, nên bỏ đạo. Nhưng lần này cũng chỉ là trường hợp của “một giọt nước cuối cùng làm trào ly”, chứ ông bạn này (theo lời kể của đương sự) vốn cũng đã từng có nhiều bất mãn với một vài đấng bậc trong giáo hội khi còn ở VN trước năm 1975. Thực ra trong giấc mơ mà gặp ông Tư Phụ này thì quá là chuyện hy hữu, nên tôi mới đem ra hỏi cô xem có liên quan gì trong vấn đề tâm linh với ông ta không?
– (Th): Theo cháu đoán thì ông ta sắp phải nhờ vào lời cầu xin … song chưa biết lâu hay mau!
(Ghi chú: Trong cảm nghiệm tâm linh, khi cô Thủy nói điều này, tôi hiểu ngay và nói cho Huệ Trinh biết là “Thôi, có lẽ ông ấy sắp sang thế giới khác mất rồi!”. Vì chỉ khi đó thì ông ta mới phải nhờ vào lời cầu nguyện, y như ông Đan bây giờ (xưa thì Đan cũng cứng lòng lắm!). Thỉnh thoảng chúng tôi về bên Perth có ghé thăm gia đình ông bà Phụ. Bà vợ là người hiền lành, lâu lâu gặp chị đi lễ sáng ngày thường, thì chúng tôi có hỏi thăm về anh, chị bảo phải lén và mượn cớ mới tới nhà thờ được! Vì từ ngày bỏ Chúa, anh cấm đoán không cho chị đi lễ! Có một hai người trong hội Legio tới thăm, nói chuyện về đạo nghĩa, đều bị anh mắng mỏ và cấm không cho tới nhà! Sau này tôi về có ghé thăm, thì biết điều cô Thủy nói đang từ từ xảy ra, là anh đang bị những chứng bệnh lạ hoành hành, bác sĩ nhà thương cũng chưa tìm được ra căn bịnh, chỉ tạm thời đau đâu chữa đó, ngày đêm nhiều lúc thở không được, lại đau đớn thể xác, đi xe cấp cứu không biết là bao nhiêu lần! Người mất hết cân lượng, và thần sắc không còn, xuống cách thảm thiết! Chính miệng anh nói “Tôi bây giờ sống không bằng chết”! Nhưng anh vần cứng lòng và không còn tin vào Thiên Chúa!).
– (Tâm): Từ khi biết anh như vậy, thì chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh ấy, gặp vợ anh ở sân nhà thờ, thì chỉ biết an ủi chị và nhắc chị kiên nhẫn, vì Chúa có thể bỏ 99 con chiên mà đi kiếm con lạc đàn cơ mà! Chúng ta phải tin điều đó và cứ cùng nhau hiệp lời cầu nguyện, xin Chúa mở lòng cho anh, dù là đến phút cuối cùng cũng vậy!
(Ghi chú: Tác giả xin được ghi lại đây dụ ngôn của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng nói về chiên lạc, để bất cứ ai gặp trường hợp giống vậy, thì ta hãy vững tin vào tình thương của Chúa, không một chút ngã lòng: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Matthew 18:12-14). Độc giả đã theo dõi và biết trường hợp ông Phao Lô Nguyễn Đan đã được nói tới trong cuốn sách này. Khi xưa ông còn sống, tôi cũng nghĩ sự cứng lòng, và bôi bác Hội Thánh của ông như là một người đã hết thuốc chữa, thế mà bây giờ cô Thủy cho biết là ông đã hối hận, ăn năn, mà còn được Chúa cho về để xin Thánh lễ và cầu nguyện cho nữa! Thì biết Lòng Thương Xót của Chúa đã nói trong Phúc Âm thế nào, thì có như vậy!
– (Th): Chú biết không, ông này thì khó mà đoán được thời khắc nào ông quay trở về! Hiện tại cháu biết thì rất khó, có lẽ cũng như chú và mọi người nghĩ đấy! Nếu như cánh cửa tâm hồn của ông ta cứ đóng lại, thì Chúa không có cách vào! Ngài phải chờ ông ta mở ra đã!
– (H. Tr): Gia đình ông ta, bên vợ, bên chồng đều là đạo gốc cả! Có người đi tu nữa! Cũng có lần ông tỏ ra bất mãn, bảo đạo cũng chẳng hơn đời! Tu mà cũng phe phái; Nói chuyện bác ái, dậy người ta yêu thương mà các ông ấy còn chơi nhau nặng hơn cả ngoài đời!
– (Th): Chú thấy sao?
– (T): Tôi nghĩ nếu có thì cũng không phải là nhiều, vì là con người thì làm sao tất cả ai nấy đều hoàn hảo được! Ta cứ xem 12 ông Tông đồ đi bên Chúa, được Chúa dậy, Chúa huấn luyện suốt 3 năm trời, mà còn bị một ông Giu-đa đó thôi! Nhưng điều đó minh chứng được sự Chúa để cho con người được hoàn toàn tự do, mà Ngài không nhúng tay vào việc bẻ lái, hay áp lực tâm trí của ai, để bắt buộc kẻ đó phải tuyệt đối trung thành cả! Nhưng làm sao tệ hơn ngoài đời được! Tôi cho lời nói của ông ấy phát xuất từ một sự bất mãn nào đấy thôi! Cô nghĩ thế nào?
– (Th): Cháu bảo ông ta sai! Ta đâu có thể vì chuyện này, chuyện nọ mà bỏ Chúa được!