1. Nên sống vui, nhưng khi mất vui, hãy học bài học “Quên”.

– (Th): Cháu muốn biết chú có vui trong cuộc sống này không?

– (T): Thưa, vui chứ! Nhưng tôi muốn hỏi theo lẽ cô biết chứ, cần gì cô phải hỏi tôi, vì cô thuộc về Tâm linh mà!

– (Th): Cháu biết, nhưng cũng không phải là biết hết! Vì Chúa cho chú được tự do, nên ý cháu muốn hỏi là tỷ dụ như sau này, chú gặp điều gì không như ý, thì có mất niềm vui hiện tại này không? Vì chuyện ngày sau không biết nó đến như thế nào, và bằng cách nào! Đây là ý cháu muốn hỏi.

– (T): Con người vốn yếu đuối, khi gặp sự bất như ý thì trước là buồn, sau nữa nếu nặng, hay trầm trọng thì sinh ra bẳn gắt; giải quyết không được, hay bị dồn vô đường cùng thì sinh bất mãn. Trên đời có từ bất mãn chung thân là để chỉ những con người phẫn chí, họ từng nuôi những ước mơ, hay một giấc mộng nào đó, mà cuối cùng không đạt được, dù đã bỏ hết công sức và thời gian. Tôi thì cũng chưa đến cái độ căng thẳng như thế trong quá khứ, còn tương lai thì nghĩ cũng không tính chuyện gì lớn lao đến phải ôm thất vọng, hay thất chí! Nên nghĩ cũng không có gì mà phải sầu đời! Một buổi chiều nào đó, nếu cô đi tìm kiếm các em bé đưa về cho Đức Mẹ mà có đi ngang qua đây, thấy tôi đang thơ thẩn nhìn trời, thì cứ nghĩ là tôi đang buồn vu vơ đấy thôi! Nhất là từ ngày tôi biết có Chúa và Đức Mẹ hiện diện trong cuộc sống của mình, thì tôi nghĩ cái buồn hình như nó cũng không tha thiết gì với người bạn này nữa! Nó như mây bay đi nơi đâu! Có lẽ phải chờ đến một ngày … nếu như có một người thân của mình được Chúa gọi về, hay bị một sự gì ghê gớm lắm, thì cái buồn đi đâu xa vắng, nó sẽ vội vã trở về! Khi ấy tôi e rằng nó chính là sự thật mà mình dù không muốn tiếp nhận nó cũng tới!

– (Th): Khi ấy, cháu góp ý nhỏ với chú là chú hãy cứ thực hành bài học “quên”!

– (T): Tới lúc đó tôi chỉ sợ là y như mẹ cô nói chuyện “quên” cũng khó!

– (Th): Chú biết không, cháu nghĩ là “quên” cũng không khó lắm đâu! Cháu giúp ý chú nhé! Khi gặp điều không như ý, không muốn mà nó cứ tới; Chú cứ đọc một tràng kinh cho đức Mẹ là quên được ngay! Vì khi đọc ta còn phải suy nghĩ, và nhờ vào sự suy gẫm này, ta có thể quên được! Chú hãy nhớ và làm thử.

– (T): (Tôi mỉm cười) Chữ “làm thử” có nghĩa là tập dần không?

– (Th): Cháu nói là khi gặp chuyện ấy chứ! Còn hàng ngày thì không bắt buộc chú ạ! Cháu mong rằng cô chú không phải đọc nhiều kinh để quên. Đây là cháu ví dụ sau này thôi!

– (T): Chúng tôi cám ơn cô, về điều cô “mong rằng” thì cũng y như là lời chúc của cô cho chúng tôi là sẽ không gặp phải nhiều chuyện buồn. Còn như nếu sau này mà có chuyện gì đến, thì chúng tôi cố gắng nhớ điều cô vừa nói! Chắc chắn khi ấy, ĐứcMẹ sẽ không để mình cô đơn!

– (B.Q): Tao hỏi, khi chuyện nhỏ thì đọc ít thôi, chừng nào gặp chuyện lớn thì mới đọc một tràng … có phải không?

– (Th): Con nghĩ, hễ mẹ bực, thì dù là chuyện lớn nhỏ gì, nếu muốn học quên cũng phải vừa đọc vừa suy gẫm một tràng! Con sợ là còn ít!

– (Q): Chuyện đạo đức phải tập dần, chứ một bước mà bước dài ngay thì không được đâu! Con người mà!

 

Ngày 30. 10. 2007 (10:30 am)

  1. Các LH chưa kịp sinh ra đã bị chết. Hay trở lại chuyện phá thai trên một góc cạnh tỷ mỉ hơn.

– (Th): Chú hôm nay có phải đi đâu không?

– (T): Không, cô ạ! Chúc cô thế này thì hơi thừa, nhưng biết chúc gì khác hơn nữa, là cô được an vui trong Chúa và Đức Mẹ!

– (Th): Vậy cuộc nói chuyện hôm nay có thể lâu một chút, nếu như cháu không có việc bất ngờ! Cháu cám ơn lời chúc tặng quá đẹp! Song giá như cháu mà còn sống, cháu không biết phải mua một tặng phẩm như thế nào để chú vui!

Hôm nay cháu nghĩ ta luận về các linh hồn chưa kịp sinh ra đã bị chết, chú có ý gì khác không?

– (T): Xin cô cứ bàn về đề tài này đi!

– (Th): Cháu nghĩ Chúa cho ta được gặp nhau, lại còn cho ta được đem Lời Chúa truyền đạt lại cho thế hệ sau. Song có điều đáng buồn là “bụt nhà không thiêng”! Cháu đưa ra một thí dụ cụ thể như các ông trùm, lẽ dĩ nhiên đã huấn luyện con cháu đi nhà thờ, học kinh tương đối tốt, nhưng sau lưng họ, có ai biết những đứa trẻ ấy đã làm gì? điều mà ta luận là họ cứ cho rằng “không biết không có tội”, song nếu như ta đã biết người đời cứ hay dựa vào lẽ ấy, thì ta phải làm sao? Trong khi mọi thứ ở đời, thì họ đều biết, và cứ muốn biết cả, chỉ chừa ra “lẽ đạo”. Đây là một câu hỏi chú nghĩ xem phải làm sao?

– (T): Theo tôi thì người lớn mới sợ, chứ con cháu thì ta có bổn phận phải nói. Nói cũng có nghĩa là dạy bảo. Chỉ có điều là khi họ không nằm trong phạm vi quyền hạn của mình, mà họ lại không muốn biết thì thua! bởi vậy Hội Thánh cứ phải lập ra nhiều hội đoàn, đoàn thể cho đủ mọi lứa tuổi. Các cha thì cứ sinh hoạt, nghĩa là cứ nói, người ta tiếp thu được bao nhiêu, hay bấy nhiêu. Tuy nhiên, tôi vẫn đồng ý với cô là đa số người ta chỉ thích biết lơ mơ, vì sợ biết mà không giữ thì lại có tội, mà thế hệ này là thế hệ thích phạm tội! Tôi nói thế thì hơi quá đáng! Nhưng cứ xem các trào lưu đang quảng bá trên các phương tiện truyền thông đa chiều thì biết!

– (Th): Cháu mà nói đến tâm linh, thì những kẽ hở của nó sợ lắm! mà mất nhiều thời gian. Cháu đang tìm một ý khác ngắn hơn!

– (T): Cô cứ nói đi! nếu hôm nay không đủ giờ, ta sẽ bàn tiếp vào ngày khác!

– (Th): Chú thấy sao, hình như ngay từ đầu chúng ta đã mở đề một cách quá rộng, e rằng mình sẽ bàn, hay thảo luận một cách mông lung? Cháu ví dụ như con thuyền ra giữa đại dương, thì không tìm được bến đậu!

– (T): Tôi hiểu ý cô rồi! người viết văn gọi cách vô đề như thế là “lung khởi”, nhưng cô bây giờ muốn bẻ lái vô “trực khởi”, tức là đi thẳng vào một vấn đề gì đó, rồi khi có giờ thì sẽ lại bàn một vấn đề khác, nhưng cũng vẫn là các tệ nạn của xã hội, mà cái giới trực tiếp tham gia vào những tệ nạn thì giới trẻ bao giờ cũng chiếm đa số. Vậy cô cho mục tiêu đi!

– (Th): Vậy cháu xin đề cập về trường hợp những LH bị bức tử chẳng hạn như chết vì bị đụng xe, bị đạn, bị giết vì tình v.v… nhưng bây giờ cháu muốn nói tới trường hợp cha mẹ bỏ nhau, người cha, hay mẹ để trả thù đối phương, giết con chẳng hạn bỏ thuốc độc vào nồi cháo để cho chúng chết hết! Cháu cho biết những đứa trẻ bị chết cách này, chúng sẽ được Chúa đón ngay! Còn như người mẹ sợ phải nuôi, hay phải chăm sóc con thì mất thời giờ của mình, nên đã hủy bỏ đứa con, thì đứa trẻ này phải cần đến sự thương xót của người mẹ, tức là bản thân họ phải biết ăn năn, hối hận. nên nếu bà ta không xin Chúa, thì đứa trẻ ấy Chúa sẽ để đó, chưa xét tới! Lại kể tới trường hợp một người con gái kia yêu một người đàn ông đã có vợ, hai bên đều có đạo, lỡ có thai, cô gái ấy sợ lỗi trước mắt thế gian nên bỏ đứa con, tức phá thai! Cháu cho biết đứa trẻ này cũng cần phải có sự hiệp thông của người mẹ, hoặc ai đó xin lễ, cầu xin hộ khi nghe cô ta tâm sự. Thưa chú, các cháu bé dù nhỏ song cũng cần sự ăn năn của mẹ, nếu không thì Chúa cũng không đón!

– (T): Khi mẹ ăn năn thì con trẻ được Chúa đón, vậy tội của mẹ có được tha không?

– (Th): Cháu hỏi chú tội giết người có nặng không?

– (T): Đương nhiên, vì nằm trong điều răn Chúa cấm!

– (Th): Cháu cho biết mẹ giết con tội nặng hơn người ta giết nhau! Nhưng tội nào thì Chúa cũng tha, chỉ trừ tội người ta nhất định không theo Chúa! Nhưng họ phải biết tội lớn cỡ nào, thì phải đền lâu cỡ đó!

– (T): Nhưng tôi cũng được biết người ta có thể đền tội và đền bằng cách nào ngay trên cõi đời này, để đời sau đỡ phải chịu khổ!

– (Th): Chú chưa chết mà biết thì hay thật!

– (T. cười): Tôi học lỏm của cô đó mà! À, còn trong mọi trường hợp các cháu bé bị chết vì tai nạn mà chưa được rửa tội, chẳng hạn như năm đói, hay trong chiến tranh cả mẹ lẫn con đều chết, chết ngay khi mới lọt lòng, hoặc chết trong bụng mẹ v.v… thì có được Chúa đón về không?

– (Th): Được! Vì Chúa khi đó đã tha ngay cho các bé tội tổ tông!

– (T): Tôi lại xin hỏi cho dù bố mẹ làm tội, nhưng con trẻ chết cách nào thì cũng là nạn nhân thôi, cô nghĩ sao?

– (Th): Cháu nói là Chúa xét nhiều khía cạnh! Khi những con cháu đã được cha mẹ dạy dỗ, hay được nhà thờ nói chung huấn luyện đạo đức từ nhỏ, vậy lớn lên mắc vào những lỗi lầm này, biết mà không ăn năn, thì ảnh hưởng đến đứa nhỏ, và vì thế họ sẽ bị trừng phạt hai tội: Một là tội giết người, Hai là tội đã làm trái luật Chúa dạy! Chúa cũng xét tới gia đình họ, nếu như họ cũng lo làm nhiều việc lành thì còn có sự ân giảm, còn như chỉ có đọc kinh, xin lễ cầu nguyện thì cũng không được ân giảm nhiều!

– (T): Cha mẹ thì tội để Chúa xét, chứ con trẻ chết cách nào thì cũng là nạn nhân thôi chứ! Xin lỗi cô tôi cứ hay có tật cù cưa, bảo thủ ý kiến, mong cô đừng giận nha!

– (Th): Cháu hiểu, nên không giận chú! Chú ạ, Chúa có điều kiện của Chúa! Tại sao Chúa cứ muốn ta mở cửa cho Chúa vào nhà? Đây là điều kiện mà họ cố tình đóng cửa lại! Chú cứ xét lại trong dòng họ nhà chú, nhà cô, nhà cháu, rồi nhân lên cho thế giới bên ngoài, khi người ta nhất định sống theo kiểu của họ, dù có người khuyên bảo, hay không, thì họ cũng biết là họ đang sống xa Chúa. Chúa thì rất muốn vô, họ thì cứ từ chối đóng cửa trước, mở cửa sau rước kẻ thù của Chúa vào! Ta sống theo cách của ta, thì Chúa có điều kiện của Chúa! Chú có nhớ vì sao có tội tổ tông không? Cũng có bọn người cứ hay nói sao hai ông bà nguyên tổ phạm tội, mà chúng ta lại bị liên lụy? Đó, điều kiện của Chúa đấy! đừng hỏi vì sao Con Chúa lại phải xuống thế để đền tội thay!

– (T): Tôi nhớ ra rồi! Cám ơn cô!

– (Th): Cô khi trước có ai nhờ vả vào chuyện phức tạp này không?

– (H. Tr): Không cô! Chỉ có một lần thời xưa, sau đứt phim khi vất vả thì có một giây phút thoáng có ý nghĩ phá thai, nhưng không làm!

– (Th): Chú có lỡ với ai không, thì nói ra để cháu giúp!

– (T): OK! Nói thật là tôi chưa hề có ý nghĩ đó, chứ đừng nói là lầm lỡ nữa! Nhưng cô hỏi chơi, chứ đã là tâm linh sức gì cô lại không biết!

– (Th): Chú nghĩ đi, Chúa còn ở bên ngoài, thì sao cháu biết được! Song cũng mừng cho cháu khỏi phải tìm cách giúp! Còn cô thì không sao! Vì khi hành động thì mới có tội! Còn nghĩ Chúa cũng biết, khi ta có một thoáng suy nghĩ không đúng, cũng không làm nên tội! Còn mẹ cháu thì bà ấy sợ mổ xẻ, nên không dám phá!

 

  1. Một LH sắp được vui. Chúa đang cần Thợ Gặt. Người ta không chịu sanh thì Thợ Gặt làm gì có! Cô Thủy khuyến khích người ta sanh con.

Cháu trở về chuyện đời sống, chú nghĩ xem, tiếp tục ta làm gì để được Chúa tính điểm vô sổ?

– (T): Ta cứ chịu khó làm việc lành, cầu nguyện cho các LH, nhất là các LH mồ côi, đặc biệt trong tháng các Linh hồn.

– (B. Qúy): Mẹ hỏi, trường hợp bố mẹ phá thai, rồi quên chuyện ăn năn, hối hận, cũng quên mất luôn cái bào thai mình đã bỏ! Đối với những thai nhi đó, thì ta phải cầu nguyện cho chúng bằng cách nào?

– (Th): Con nghĩ phải xin Chúa cho các thai nhi bị cha mẹ bỏ quên, được Chúa thương mà xét tới. Nhưng đơn giản là thỉnh thoảng mẹ cứ xin lễ cầu nguyện cho các thai nhi là đuợc, nhưng phải bằng một tấm lòng thương xót các cháu bé ấy! Mẹ nếu không có tiền thì cứ hằng cầu xin Chúa cũng nhận lời! Nhưng còn các cha mẹ khi thấy được việc làm tội lỗi của mình, biết ăn năn hối hận, thì nên dâng lễ xin Chúa xét cho con mình! Nhưng cầu nguyện thì phải nhớ tới nó luôn!

(Tới đây thì bỗng cô Thủy bất ngờ báo một tin): Hôm trước cô đã xin lễ cầu nguyện cho một LH được ơn về đánh động cô, cô nhớ không?

– (H. Tr): Nhớ cô, LH người anh họ Giuse Trần đình Sủng, có gì không cô?

– (Th): Cháu vừa được Thánh bổn mạng của người ấy chuyển lời của họ cám ơn đến gia đình cô chú vì đã được Chúa xét, nhưng vẫn xin cầu nguyện tiếp.

– (H. Tr): Cám ơn cô!

– (Th): Chú cũng được cụ bảo tiếp tục khuyên bảo các em như điều cụ muốn!

– Vâng, cám ơn cô!

– Cụ bảo xứng đáng! Chú hãy tiếp tục, cụ bảo thế! Chú cứ như ý mình mà nói! Đây là lời cụ nhắn! Cô hôm nay có điều vui, cứ chờ!

– (H. Tr): Cám ơn cô!

– (Th): Cháu cho biết Chúa đang cần người gặt lúa, nếu mà không có người sanh thì làm gì có thợ gặt! Nhưng họ cũng phải được chọn lọc! Ví dụ như gia đình chú mà có một người, lỡ chẳng may bị một tai nạn, thì lại không có ai tiếp tục việc Chúa trao phó. Còn nhân loại những người Chúa không tuyển chọn thì rất nhiều.  được tuyển rồi cũng còn phải sàng lọc!

– (B.Q): Chúa đã tuyển rồi sao lại còn sàng lọc? Con nói cho mẹ biết!

– (Th): Chúa tuyển là một việc trên căn bản, song cuộc sống mỗi người Chúa vẫn cho tự do. Con ví dụ như họ đến trước bàn thánh là được tuyển chọn. Chúa trao phó cho họ điều hạnh phúc sinh hoa trái, nhưng họ mà không vâng lời, hay điều mà sách vở làm cho họ quên lời hứa với Chúa, thì họ phạm lỗi!

Còn những người chạy theo bản tính ham muốn của cải vật chất nhiều hay ít, thì ta không cần phải bàn cãi. Nếu như mẹ có ý bảo Phụng là con hãy thong thả, để được nhìn thấy những sự vui như đi lo đám cưới, dành người Chúa tính chọn, thì Chúa buồn!

– (Tôi cười): Cuộc chơi nhẩy giây, cô cứ lấn mức bà già! Tôi nghĩ chị Qúy chẳng muốn vậy! Chúng tôi chỉ lo bọn trẻ lớn lên giữa một thời đại người ta bầy ra lắm cuộc chơi, lúc ấy điều đáng sợ là con cháu mình bị mê hoặc, mà không nghe được tiếng Chúa gọi mới chết chứ!

– (Th): Chú nói cũng đúng! song ý Chúa muốn ta hãy theo như Chúa dạy, tức là điều Chúa bảo: “Hãy tín thác vào Chúa” còn phần sau biết đâu Chúa lo liệu tiếp! Chú biết không, Chúa đang nghe điều chú cháu mình nói với cháu đấy! Chúa bảo: Con hãy lo làm việc Ta muốn! Chú cứ yên tâm việc gì cũng có Chúa đồng hành. Cháu nghĩ Chúa đang đến với chú! (Tôi hiểu câu nói này của cô ám chỉ vào công việc tương lai của tôi Đức Mẹ muốn).

– (H. Tr): Tôi vừa nghe cô nói Chúa đang cần thợ gặt, nhưng thời nay sanh thì ít, mà Chúa đã chọn, lại còn sàng lọc thì khó lắm! Thiếu thợ gặt là cái chắc!

– (Th): Cháu hỏi cô, cô có muốn trong nhà có một cha tương lai không?

– (H. Tr): Trong nhà ai cũng muốn điều đó!

– (Th): Cháu bảo Chúa chọn! Song phải có hai vị thì Chúa mới có cách chọn chứ! Một thì không đủ tiêu chuẩn, cô chú nghĩ có đúng không? Vậy cô phải khuyến khích để có cha tương lai, cô nghĩ sao?

– (H. Tr): Tôi hiểu rồi! Tức là phải sanh hai đứa con trai, chứ một thì chưa đủ tiêu chuẩn để Chúa muốn chọn theo cách của Chúa! (Chú thích: Dĩ nhiên không phải lúc nào Chúa cũng làm như vậy! Vì rất nhiều nhà con một mà Chúa vẫn gọi! Thế mới nói ta không thể nào hiểu được ý Chúa!).