(Vẫn ngày 25 tháng 8 năm 2008)

  1. Người chết không chỉ nghĩ tới thân nhân ruột thịt của mình, mà còn mong cho họ được phúc.

– (Th): Cháu cho bố cháu biết cô chú đến, ông cũng muốn gặp. Chú hãy khoan để cháu đi đón ông. Chú biết không, cháu được trông nom ông, vì khi sống, tuy ông nhiều tội, làm biếng không thường xuyên đi lễ, Song lại giỏi thuyết phục về đạo đức. Cháu biết bố cháu lỗi nặng, nên đã phải xin Đức Mẹ cho được trông nom, và hướng dẫn học hỏi thêm cho tốt. Chú biết đấy, đã bao nhiêu năm, hôm vừa rồi, được gia đình nhường ơn đại xá cho (Dịp đầu tháng các Linh hồn), nên được Thánh Giuse bảo lãnh đi theo Ngài, tiếp nhận, thuyết phục các LH mà lúc sống cũng giống như bố cháu, hay nói mà không làm. Bây giờ cháu phải đi đón…

(Chú Thích: Lúc ông Trường Sơn còn sinh thời, tôi có gặp ông dăm ba lần, nhưng mỗi lần cũng khá lâu, ít ra cũng sống với nhau dăm ba bữa, hoặc tuần lễ, thì thấy tánh tình ông rất vui vẻ, một người tốt, có khiếu nói chuyện hài hước, đi đâu, cũng làm cho mọi người vui, và thích ông. Đó cũng là ưu điểm của ông, một người sống không làm cho người khác phải buồn về mình. Tôi nghĩ tính tình như thế cũng có thể có được điểm trước mặt Chúa. Như đã có lần tôi nói, cái cách hài hước khi xưa sao, bây giờ cũng vẫn vậy! ông không thay đổi!)

– (TrS): Chào anh chị, Tôi đang ao ước có dịp, ta ngồi nói chuyện đời xưa, anh nghĩ coi, dạo đó mình nói chuyện văn hóa Tiên rồng. Tôi thì nghĩ mình chỉ là cái vẩy rồng, anh cũng ví như cái đuôi, nay tiếc rằng cái đầu đã rụng rồi, đuôi cũng chẳng hoạt động được. Anh có buồn không?

– (T): Vâng trước hết là chào anh, chúc anh được Chúa độ trì! Kế đến trả lời anh chuyện Tiên Rồng, là chuyện của cả một dân tộc, không phải chuyện của một cá nhân, hay của một nhóm người. Bởi quan niệm như vậy, hồi đó tôi sinh hoạt với anh em cho vui, không nghĩ chuyện được thua, mất còn. Sau này có lần anh qua Perth, tôi có dẫn anh đi gặp một số anh em trong “Làng Văn Hóa Việt”. Chuyện sinh hoạt như thế giống như cố duy trì chút gì đó, trong tâm hồn những kẻ xa quê hương. Khi rời Perth qua Melbourne rồi, anh em bên ấy vẫn cố duy trì, còn cái gốc có ông Đan, ông Thư thì hết, hết trước lúc ông Đan qua đời. Chứ không phải đợi đến khi ông Đan chết rồi mới hết. Như tôi đã nói, đó không phải là cái gì “một mất, một còn”, Quê hương mất đã mất rồi! kẻ thắng chưa chắc đã giữ được mãi! Cái gì thuộc về dân tộc, cả dân tộc phải tính. Không phải chuyện của một nhóm người! Nhưng tôi hiểu anh mượn chuyện Tiên Rồng không phải để nói chuyện Tiên Rồng, mà để nói chuyện khác, xin anh cứ nói ra đi! Vì bây giờ anh đã thuộc về con người của thế giới Tâm Linh rồi!

– (TrS): Bây giờ ta nghĩ xem có thể giúp gì cho những cái vảy chưa chết, chẳng hạn như Thanh (biệt danh: Thanh Lửa)? Anh có thể thuyết phục Thanh Lửa về với Chúa được không?

– (T): Tôi cũng đã có lần nghĩ tới chuyện này, cũng có nói chuyện với cháu Phụng.

(miền Bắc vẫn còn thói quen gọi con lúc vắng mặt là cháu, nhưng khi mặt đối mặt thì vẫn gọi là con. Thực ra phong tục này sai, mà vì nó trở thành thói quen, đến độ nói không cần suy nghĩ! Người miền Nam cực lực phản đối lối xưng hô này).

Một là vì xa xôi cách trở, một năm chưa chắc gặp được nhau một lần. Nếu ở gần thì thỉnh thoảng qua lại ướm thử, rồi mới vô đề. Nếu anh ta giống như một anh bạn tôi ở Perth, thì không có cách khuyên giải, quá cứng lòng, đến thành vô tín! Nghe nói anh Thanh còn thêm vụ rối rắm với thêm một bà vợ ngoại giáo nữa cơ. Cho nên không dễ! Tôi nghĩ chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cho anh ấy. Một lúc nào đó Chúa đánh động, theo cách của Chúa!

– (Th): Cháu thấy bố cháu phải đi rồi! Bố cháu gởi lời cám ơn cô chú nhiều, vì đã quan tâm đến vợ chồng Phụng và các cháu. Bố cháu bảo khi một người có lòng tốt, cũng ví như một đóa hoa không những đẹp, mà còn có hương thơm nữa. Khi mà hoa tàn còn đem lại cho đời một tiếng khen. Với người có lòng tốt dù gia đình, xã hội, hay bà con, Chúa cũng biết, và phần thưởng đời sau cũng có điểm cao.

– (T): Tôi nhờ cô Thủy gởi lời cám ơn anh xui. Vừa rồi không biết ông đang nói về ai, tôi nghĩ chúng tôi không dám nhận những lời quí báu đó, làm như nó không phải dành cho mình. Chẳng lẽ chúng tôi không phải là ông bà, cha mẹ của mấy đứa này sao? Sở dĩ tôi cám ơn, vì coi như một sự nhắc nhở rất tốt, để chúng tôi cố gắng hết sức học hỏi, cho đời sống tâm linh, ngày một tiến bộ, chứ đừng dậm chân tại chỗ. Xin cám ơn anh xui!

– (Th): Chú biết không, khi trước ông Thanh đối với bố cháu tốt và hay cho cái này, cái nọ … nhất là thuốc ngon, nên bây giờ bố cháu nghĩ đến phần sau, muốn giúp đỡ ông. Cháu sắp phải đi rồi, chú có hỏi gì không?

(Chú Thích: Những chi tiết nhỏ này cho thấy: LH trong cõi tâm linh cái gì cũng biết, và quan tâm đủ chuyện, kể cả chuyện ông kia cho bố mình điếu thuốc ngon lúc còn sống … vẫn nhớ! Đây là điều … rất an ủi cho người sống – Những người cứ tưởng “Một lần đi là một lần vĩnh biệt” – Không, chỉ vì xác thịt ta là một bức tường ngăn cách, chứ thực ra, người sống kẻ chết rất gần gũi với nhau, chỉ tại ta không thấy, không nghe … được mà thôi! … Cho nên biết rồi thì đừng ai buồn nữa nhé! Cứ việc cầu nguyện cho họ được sớm “tu tỉnh” để mau về bên Chúa, lúc đó họ thành người bảo trợ cho mình, như đã thấy những việc làm của cô Thủy đây.)

– (T): Nếu có thì cũng đã hỏi rồi! Còn những vấn đề quan trọng thì không! Nếu cô phải đi thì cứ đi, còn ở thì mình tiếp tục nói chuyện để học hỏi thêm, không thì xin hẹn cô dịp khác.

– (Th): Cha Qui bảo: Muốn vào chỗ Chúa “phải giống trẻ nhỏ”, song nếu bàn ra thì phải cần thời gian vài tiếng. Cháu phải đi, để lúc khác, hẹn chú cô mình sẽ bàn thảo về đề tài này! Chào cô chú, mẹ vui!

– Chào cô! Cám ơn cô nhiều.

  1. 8. 2008 (10:35am) (Sau phần thủ tục chào hỏi như thường lệ)
  1. Ông Tr. Sơn cho biết: Phải hiếu thảo đối với cha mẹ.

Giúp người khốn khổ, làm cho họ được vui sẽ rất có điểm!

– (T): Chúng tôi chào anh xui, Chúc anh “ơn” Chúa cho nhiều!

– (TrS): Tôi về hôm nay có việc vì hôm trước vội quá, chưa có tâm tình được! Hôm nay có thời giờ, tôi muốn hỏi chị có nghĩ là những người sống xa Chúa, khi chết có được giảm không?

– (HTrinh): Theo tôi nghĩ, khi chết, nếu ăn năn thì Chúa cũng tha và giảm!

– (TrS): Chị biết không, tôi thì khỏi nói! Tội lỗi đầy mình, khi trước vì có làm được việc đặc biệt này là: Có một bà cụ vừa điên, vừa đói, bà bị đứa con bất hiếu không cho ở với, chúng tôi lén nhà tôi cho bà tiền ăn hàng ngày, và thuê chỗ ở cho bà ta luôn. Nhờ chuyện này mà được bớt hình phạt. Song cũng lại nhờ có cháu xin Đức Mẹ cho theo, học hỏi và được hướng dẫn nên không bị ở chỗ nóng. Tôi cũng chia xẻ điều này: Ví dụ như ta còn bố mẹ, chớ có đuổi! Và làm được cho một người khốn khổ vui, thì với Chúa là một điều vô cùng tốt!

(Ông dùng chữ chúng tôi, thì không biết là ông cùng các con, hay ông và bạn bè, vì thời gian lính tráng của ông rất dài)

– (T): May mà dạo đó chị không biết anh thuê nhà cho người đàn bà ở, chứ không thì lại chết vì ghen! Đấy là tôi nói đùa cho vui thôi!

– (TrS): Hôm nay được về nói cho nhà nghe, nếu mai đây anh chị gặp người khốn khổ, nên giúp hoặc nuôi được thì càng tốt!

– (HTr): Cám ơn anh xui, H. Trinh nói: Chúng tôi trong những ngày còn sống trên đời sẽ cố nhớ!

– (TrS): Mai mốt đây, khi nào chị về (Perth) thăm gia đình, tôi cũng cầu nguyện cho các vị, nhất là ông chồng bà Kỳ (chú Phái) tôi còn nhớ khi trước ông tiếp đãi và cho ăn một bữa thật ngon!

(Dạo đó ông sang Perth, để hỏi vợ cho Phụng, trong những ngày ở đó tôi có đưa ông sang nhà chú Phái theo lời mời ở bên ấy, Thời gian cũng đã lâu, gần 16, 17 năm qua rồi, điều này chứng tỏ người chết coi vậy mà còn nhớ lâu hơn người sống! Từ nay, xin đừng ai nghĩ rằng Người chết không còn biết gì!).

– (Trinh): Dạ, Cám ơn anh đã có ý tốt!

 

  1. Ông Tr. Sơn tiết lộ một chút về Tâm Linh.

– (TrS): Anh Tâm, tôi hỏi anh khi mà con người chết đi, anh nghĩ họ có thèm thứ gì không?

– (T): Theo tôi nghĩ: Người chết không thèm gì, ngoại trừ ước ao được ở bên Chúa, nhưng trước hết thì mong được Chúa rộng lòng thương xót mà được xét sớm, cho giảm bớt. Thèm có nhiều người nhớ dâng lễ cầu nguyện cho mình.

– (TrS): Tôi cho biết, ai cũng muốn gặp Chúa và nghĩ là khi gặp Chúa sẽ khỏi bị hình phạt. Đấy là điều mong ước chính! Còn Chúa thì vẫn đến thăm họ, và xét xử, nhưng ai nặng … vẫn phải chờ!

– (T): Tôi cũng nghĩ vậy! Nhưng không nghĩ là Chúa đến thường. Nhưng đó chỉ là cái nghĩ của kẻ chưa chết thôi! Chẳng lấy gì làm căn cứ, phải không anh?

– (TrS): Tôi phải đi! … Chào anh chị! Chúc anh chị đi về thuận lợi!

– (T): Chào anh! Xin Chúa ban ơn cho anh!

(Ghi chú: Các bạn để ý thì biết: ông Thông gia tôi mỗi lần về ông chỉ nói một chút, có nhiều vấn đề nếu là cô Thủy, thì chúng tôi có thể thảo luận với nhau có ngọn, có ngành; có đầu, có cuối, với ông thì chỉ như là một người rất thèm nói, nhưng mà không được tự do nói thoải mái, mặc dù đã được cô Thủy bảo lãnh. Ấu đó cũng là luật lệ trong TGTL khi một LH còn trong tình trạng Thanh luyện, chưa hoàn toàn được vui! Còn như mẹ của H. Trinh mới đây bà được về nói chỉ một điều là dặn H. Trinh phải cầu nguyện nhiều cho em gái, và cũng cho bà nữa! Nhưng khi ấy cô Thủy cho biết tuy bà chưa được Chúa xét cho VUI, nhưng cũng không còn phải chịu khổ như hồi mới bước vào TGTL. Hẳn các bạn còn nhớ một LH khác là bà Ngoại của H. Trinh, khi Trinh nhờ cô Thủy tìm hiểu giùm tin tức về cụ. Sau khi gặp, cô bảo gặp cụ đang thơ thẩn, ngơ ngác ở một nơi mà đã lâu lắm rồi hình như không còn hy vọng có ai nhớ tới nữa! Nhưng cụ bảo: Hồi xưa (trên trần) cũng đã khổ rồi, còn bây giờ lâu rồi, chịu cũng đã quen. Có Lần cô Thủy cũng nói các bạn có nhớ không, tùy theo mức độ lỗi phạm ở trên đời nặng nhẹ, nhiều ít thế nào, thì nồng độ sức nóng của lửa cũng phụ thuộc vào sự ta lỗi phạm! Chính cũng có lần cô bảo tôi nếu chú chịu khó tập luyện nhân đức từ bây giờ, thì sau này chú có thể được ở chỗ mát trong xứ nóng. Nói tóm lại trong thanh luyện như vậy là có nhiều cấp độ khác nhau! Còn như cụ ngoại nhà chúng tôi, sau khi hỏi H. Trinh, thì nàng bảo: Mẹ xưa rất ít khi nói chuyện xin lễ cho bà, thì chắc các em mẹ cũng thiếu mất thói quen đó, cho nên có thể nói rằng bà ngoại đã bị bỏ quên lãng (Cụ mất từ năm 1950). Có nhiều nơi chỉ làm giỗ bên nội, bên ngoại không tấy nói tới, cũng là sai lầm! Đó là điều mà những thế hệ sau này rút kinh nghiệm, phải khắc cốt ghi tâm, hiếu thảo với mẹ cha, ông bà và các vị tiền bối, chính là phải năng nhớ cầu nguyện cho các ngài, để sau này về gặp mặt các ngài chúng ta không phải hổ thẹn).        

– (Th): Bố cháu đi rồi! … Cháu đang muốn hỏi chú, đêm qua về, chú có nói chuyện với Chúa chưa, và Chúa bảo sao?

– (T): Dâng giấc ngủ cho Chúa thì có, nhưng chưa hỏi Chúa sự gì! Sáng nay trong Thánh lễ thì đã có nói với Chúa và lắng nghe trong tâm hồn, mình nhận thấy vô cùng an bình, thì biết Chúa cho mình sự bình an. Chúa nói trong lương tâm mà, cô nghĩ có đúng không?

  1. Hãy mặc kệ đời, nếu ai muốn được tiếng ở đời này, thì Chúa khỏi khen họ ở đời sau. Phần ta đừng bận quan tâm chuyện của họ, để tâm hồn được bình an.

– (Th): Chúa bảo con hãy tìm ta trong người nghèo. Cháu nói cho vui thôi, chú cũng biết khi ta đã thấy tiếng Chúa trong trái tim, thì cứ theo như thế mà làm!

– (T): Cô nói cũng đúng! Phải lắng đọng tâm tư, để cho tâm hồn an bình, quảng đi hết mọi ưu tư, lo lắng. Chiêm niệm để tìm ý Chúa, vì Chúa cũng nói bằng nhiều cách: Qua hình ảnh, tiếng nói, trạng thái của anh em mà mình gặp trong ngày. Qua những bài sách thánh và nhất là Phúc âm đọc trong Thánh lễ mỗi ngày. Cô nhắc tôi mới nhớ, bài Tin Mừng hôm qua, Chúa nói về việc cho người đói ăn, khát uống, rách rưới mặc. Thăm người bệnh, kẻ bị tù đày… Mới hôm qua thôi, Chúa nói trong buổi “Nguyệt Hội” Dòng Ba.

– (Th): Cháu hỏi chú, chú muốn chọn phần nào trong bài, ví dụ như: Cho Chúa quần áo, hay cho Chúa ăn?

– (Trinh): Tôi chọn cho ăn!

– (T): Tôi nghĩ, ở các nước Tây phương khó thấy cái hình ảnh Chúa đói, hay Chúa rách rưới, nên tốt hơn mình cứ bỏ tiền vào chỗ quyên góp, người ta sẽ tùy nhu cầu của người nghèo khắp nơi mà mua đồ cho.

– (Th): Cứ theo cô nói thì cháu nghĩ chú vẫn chưa được bình an!

(Nhà tôi nói là đã có chỗ người ta quyên, nhưng mà tôi thì bảo cái chỗ đó chưa đáng tin. Thực ra câu chuyện là: Tại Melbourne nói chung, và tại khu vực chúng tôi ở nói riêng, có rất nhiều hội từ thiện quyên góp cho người cùi ở VN. Đầu tiên là các cha dòng Đa Minh, sau đến các cha dòng Phan Sinh, rồi dòng Don Bosco, và vài năm mới đây, có một bà người VN cũng đứng ra thành lập một cái qũy từ thiện riêng cũng cho người cùi VN. Chúng tôi thuộc Đa Minh thì hay đóng góp cho các cha Đa Minh. Nhà tôi nhận được thư mời của bà kia tới dự buổi quyên góp, nên tôi có nói: Tại sao bà ta không yểm trợ các cha, cùng làm với các cha, mà lại tổ chức riêng rẽ như thế? Chuyện cắt xén thì tôi không đặt ra, vì nếu có, họ phải trả lời với Chúa về sau. Tôi chỉ nói làm như vậy có phải vì danh hay không? Nên chúng tôi đã tranh luận với nhau về việc này!).

– (Th): Cháu cho biết khi những người có tiền, cứ hay đặt ra những chữ “Tại sao” và “Tại sao” là không có sự bình an trong tư tưởng! Nên cháu mới bảo là Chú không có sự bình an trong tư tưởng! Chú cứ mặc kệ chuyện đời. Nếu họ muốn có tiếng ở đời này, thì Chúa khỏi khen họ ở đời sau, để mình khỏi phải bận tâm suy nghĩ!

– (T): Cô nói thế thì thôi, tôi cũng chấp nhận, ít ra là vợ chồng khỏi phải tranh luận, từ nay mỗi năm, gởi tiền cho ai cũng được!

Còn một suy nghĩ nữa cũng thử bàn với cô: Ở Úc này có những cơ quan từ thiện do người Úc tổ chức ra, rất lớn, họ có trụ sở, văn phòng, nuôi nhân viên đi hoạt động. Bạn của cháu Nghĩa có đứa làm cho tổ chức và được trả lương cho biết, tiền quyên góp, trừ đi các chi phí mướn văn phòng, trả lương các nhân viên, trả tiền các dịch vụ cần thiết, còn lại mới là của người nghèo, mà những chi phí đó rất, vì tính bằng tiền lương Uc, giá sinh hoạt nước Uc. Mới đây một nhân viên làm việc trong các cơ quan từ thiện đó bất mãn, nghỉ việc, nói trên Tivi rằng 100 đồng mà ta đóng góp, trừ các chi phí và trả lương, chỉ còn lại cho người nghèo có 7 đồng. Còn các tổ chức từ thiện người Việt giúp người nghèo VN, thì không phải trừ đi các phí tổn như thế! Có thể nói gần như người nghèo nhận đủ số tiền quyên góp, trừ chút đỉnh phí khoản không đáng kể thế nào cũng có! Mình là một trong số những người không dư tiền bạc, không phải là những người giầu, có được phép so cạ chọn nơi để gởi tiền cho người nghèo không? Mục đích chẳng qua chỉ là chọn cách nào để người nghèo đỡ thiệt thòi trong của bố thí mà thôi!

– (Th): Theo ý cháu, cháu gởi cho những người đi tu, như các cha, các bà sơ, vì họ là những người luôn có Chúa trong lòng. Chú nghĩ sao?

– (T): Thực ra cả hai vấn đề đều là ý tôi muốn nêu lên đó! Những người đi tu, vốn dĩ họ đã hy sinh cả cuộc sống của họ cho đời, cho tha nhân. Không tín nhiệm họ, còn tín nhiệm ai nữa? Tuy nhiên cái gì ở đời cũng chỉ là tương đối thôi! Không hẳn đi tu là tốt hết! mà cũng không hẳn hễ không tu thì ta không thể tín nhiệm! Người tốt thì ở đâu cũng có! Cổ nhân có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Thức lâu tất sẽ biết đêm dài.

(Lời bàn: Thảo luận với cô Thủy về chuyện đời thì tôi nói theo cái ý của mình ở đời, chứ để đạt được cái đức của thánh nhân, thì chắc là tôi phải học câu nói của cô: Hãy mặc kệ đời, ta đừng bận quan tâm chuyện của họ, để tâm hồn được bình an”.) (Còn tiếp).