Vẫn ngày 19. 10. 2010
(Nói chuyện với Trường Linh – Linh hồn người em trai – tiếp theo)
(Số trước, trong câu chuyện đàm thoại giữa hai anh em, chú Trường Linh đã chia sẻ với tôi về dụ ngôn “Viên ngọc quí”, như quí vị đã biết. Câu chuyện tiếp tục).
- Trường Linh có việc mới trong TGTL.
Khi nghe, hay đọc được những sự thực cần biết về thế giới tâm linh có tội không?
* Chúa muốn ta làm những việc qui về hai điều: Mến Chúa & yêu người.
– (TrL): Em bây giờ có việc làm là đi tìm những em, hay các thầy đi vượt biên chẳng may chết bất cứ là cách nào, kiểu gì. Anh chị có muốn em giới thiệu một hay nhiều vị để xin lễ hay cầu nguyện cho họ không?
– (HTr): Muốn chứ! Nhưng trước hết thì chị muốn xin lễ cho anh Trần Đình Sủng – một người anh bà con – nhưng mà không biết tên Thánh của anh ấy là gì, em giúp cho chị được không?
– (TrL): Em chào chị, em thực hoan hô chị! Bây giờ chị khác trước nhiều! (TG không biết chú ấy nói thế là khác về mặt nào cũng không hỏi! Nhưng rồi chú ấy nói liền): Em hoan hô chị, vì chị bây giờ giống như cầu thủ đang chạy nước rút!
– (HTr): Chị nghĩ là vì mình không còn ở thế gian này bao lâu nữa!
– (TrL): Chị có muốn hỏi em về bà ngoại không?
– (T): Trường Linh, em cứ cho một vài LH mà em muốn anh chị cầu nguyện! Anh chị sẻ cầu nguyện và xin lễ cho họ.
– (TrL): Để em tìm xem!
– (T): Vừa rồi em nói là khi mình đi tu, lại được nương tựa vào tình thương của Chúa mà chết vẫn bị ở nóng, ở lạnh … là sao?
– (TrL): ý em muốn xác minh một điều là khi mà đi tu, thì từ em cho tới các vị đều nghĩ là có Chúa đỡ đầu, thì không phải bị đền tội lâu, hay nhiều. Thế nhưng khi chết thì mới rõ! Đấy không phải là em chỉ nói về mình thôi đâu! Các vị tu nhiều, tu ít, hay là Hồng y đi nữa, cũng không ngoại lệ! (Chú thích: điều này thì tôi nhớ có lần cô Thủy cũng cho biết rồi! Ở trần gian dù ai là gì đi chăng nữa, khi về chỗ Chúa, tất cả đều giá trị là một linh hồn, không có phân biệt! TrL tiếp): Còn các giáo dân thì lại khác, vì cũng có người được ơn đặc biệt, nếu họ chết cho tình yêu thương, thì họ sẽ được Chúa ban cho về bên Đức Mẹ, hay các Thánh ngay, tùy vào sự Chúa cho ở đâu thì được ở đó! Hôm nay em rảnh nên anh có muốn hỏi về chuyện gì đàng sau cái chết không? Em sẽ nói cho anh chị, cũng như mọi người nghe.
– (T): Trước mắt, em trả lời cho mọi người biết là khi nghe, hay đọc được những sự thực cần biết về thế giới tâm linh như chuyện anh đang ghi chép đây, thì họ có bị tội không?
– (TrL): Tất nhiên là không! Em cũng xác định với họ rằng ngay cả việc anh đang tiếp xúc đây là đang tiếp cận với sự thật, tức là chân lý, mà Chân Lý là nghe và làm những điều Chúa muốn ta làm, thì sao lại là có tội được? Chỉ khi nào ta làm ngược lại điều Chúa muốn, như lợi dụng việc làm này mà kiếm lợi nhuận, thì cho dù là có bỏ tiền xây nhà thờ cho Chúa, để mà được danh lợi cá nhân thì vẫn là có tội! Nhiều vị khi về chỗ Chúa thì đã biết! Ngay cả nhửng ai vì những điều lợi ích Chúa muốn người ta làm, mà lại đi gây hoang mang cho người khác thì cũng bị tội! Nói tóm lại, Chúa chỉ muốn ta làm những việc qui về hai điều là Mến Chúa và yêu người. Còn về phần ta thì em đang muốn hỏi anh đã làm được bao nhiêu điều qua sự gặp gỡ đặc biệt này cho em biết được không?
- Em ơi, mình chỉ là người đầy tớ vô dụng của Chúa mà thôi!
– (Tâm trả lời): Anh thấy mình chẳng có cái gì gọi là công phúc ở đời! Chỉ thấy những sự sai, phạm là thường … trước nhất là mình biết con người mình thật sự yếu đuối, thường có xu hướng chiều theo bản năng, thành ra chẳng dám nghĩ là mình có được sự gì gọi là tạo công phúc ở đời cả! Không riêng gì em, có lần cô Thủy cũng hỏi anh đã tích lũy được bao nhiêu rồi? Anh biết đấy là những người thương mình, lo cho mình, nhưng em biết không, mình chỉ là người đầy tớ vô dụng của Chúa! dám nghĩ mình làm được điều gì trước mặt Chúa ư? Anh nhớ trong thư Thánh Phaolô có viết: Đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm!
(Ghi chú: Tg. xin trích thư của Thánh Phao-lô gửi các tín hữu Ê-phê-sô: “Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục. Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em đươc cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời. Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: Đây không phải bởi sức anh em mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện”. (Ep 2, 1-6. 8-9).
- Những LH cho dù được Chúa cho vui cũng chưa phải là tuyệt đối. Ơn Chúa như mưa rào, mà người ta cứ tự giam mình trong buồng tối, thì Chúa cũng phải thua thôi!
– (TrL): Em biết anh còn có điều không được an tâm … đúng không?
– (T): Đúng vậy! cứ mỗi lần nghĩ tới các em, thấy người nào sống nghịch với những điều Chúa dạy, nhất là về hôn nhân, phạm vào các điều Chúa cấm kỵ như điều răn thứ sáu chẳng hạn, như ăn ở công khai với người khác phái mà không phải vợ chồng, thì hỏi em làm sao chẳng cứ là anh, mà tất cả những người thân có liên hệ cốt nhục có thể sống trong bình an được, ngoại trừ những ai ích kỷ chỉ sống cho riêng mình! Cho nên anh cũng mong các em Trường Linh, Trọng Nha nay trong TGTL các em cũng đã được Chúa cho vui rồi, thì cũng nên tìm cách giúp cho những kẻ đang sống xa Chúa biết thức tỉnh sớm, kẻo sau này dù có hối thì cũng phải khổ lắm!
– (TrL): Anh hãy nghe em, hãy lo làm hết sức mình điều Đức Mẹ bảo anh làm, xuyên qua sự gặp gỡ đặc biệt này! Cũng như thực hiện cho được nhiều điều Chúa dạy, kẻo cuộc đời này rất ngắn, e rằng không còn kịp! Còn điều anh nói thì ta cũng làm, nhưng họ có mở cửa lòng cho Chúa vào chữa họ hay không, thì lại là chuyện khác! Sau này những điều họ làm sẽ được Chúa xét! Còn ta chỉ làm theo như ý Chúa bảo là hãy cho họ một niềm tin, để họ khỏi sa vào tay ma quỉ. Tuy nhiên, hễ họ đã để cho ma quỉ ám ảnh, thì mình cũng thua thôi! Chuyện gia đình anh em, thì anh cứ khuyên và cầu nguyện! Song không phải vì vậy mà buồn phiền! Theo em biết ai chết cũng có một lần gặp Chúa, khi đó thì họ sẽ biết ngay. Ý em nói không phải là bỏ mặc họ, nhưng không vì việc họ không hối cải mà mình buồn bã … anh có đồng ý với em về điểm này không?
– (T): Biết là phải thế rồi! nhưng lúc nào cũng phải nghĩ về họ! Anh muốn hỏi em với em Trọng Nha thì sao?
– (TrL): Đương nhiên là chúng em có sự quan tâm nhiều lắm! Ba má cũng hằng lo lắng cho họ, nhưng những LH cho dù được Chúa cho vui cũng chưa phải là tuyệt đối như anh nghĩ đâu! Sau này anh về thì biết! Chúa lại còn hơn ta tưởng nữa! Chúa rất ghét tội! Nhưng Chúa lại cũng rất thương những người tội lỗi. Nhưng anh nghĩ đi, ơn Chúa như mưa rào, mà người ta cứ tự giam mình trong buồng tối, thì Chúa cũng phải thua thôi! Anh có nghe cô Thủy dùng ngạn ngữ “úp chậu giữa cơn mưa” chưa?
- Dù ta cầu xin nơi Chúa, nhưng các Thánh cũng có thế lực để chuyển lời cầu của ta, nên ta cũng nên nhờ các ngài.
(tới đây chú TrL quay sang nói với H. Trinh): Chị có nghĩ ta xin lễ đời đời … có chắc ăn không?
– (HTr): Chị tin là chắc chứ! Vì cá nhân mình nhiều khi đi dâng lễ cũng biết là không được sốt sáng, hoặc là hay chia trí cách tự nhiên!
– (TrL): Chị nghĩ thế thì cũng phải, song theo em biết thì nhiều khi ta cũng cần phải nhờ các Thánh nữa thì tốt đẹp hơn! Có nghĩa là thỉnh thoảng ta phải cầu xin các Thánh giúp đỡ thêm!
– (BQ): Cầu xin các Thánh giúp đỡ là cầu làm sao, tôi không biết?
– (HTr): Tôi nghĩ chú ấy bảo thế là vào dịp lễ các Thánh, thì mình cũng nên xin lễ cho các LH, hoặc những người sống mà lạc đàng được ơn hoán cải, trở về nhà Cha.
– (TrL): Anh có nghỉ như chị không?
– (T): Đó là ngày đặc biệt trong năm, còn thường thì mình nhờ các Ngài cầu bầu cho khi nào cũng được, nhưng có lẽ ý chú TrL là không phải cứ đưa tên LH vô nhà dòng xin thánh lễ đời đời, rồi thì xem như khoán trắng cho nhà dòng, cho các cha. Không phải vậy! Đừng xem việc làm đó như là một dịch vụ ở đời, mà cần nơi tấm lòng của mình phải luôn quan tâm tới họ và cầu nguyện cho họ cách thành khẩn.
- Trường Linh tỏ cho biết vẻ đẹp của mình, và bảo cho biết muốn được như vậy, không khó, chỉ phải lo thực hiện điều Chúa muốn càng nhiều càng tốt.
– (TrL): Chị có muốn hỏi bây giờ em đang ở đâu?
– (HTr): Chị nghĩ em đang ở bên Chúa, bên Đức Mẹ.
– (TrL): Không phải, bây giờ em đang ở đây!
– (HTr): Dĩ nhiên bây giờ thì em đang ở đây, ngay trong căn phòng này với anh chị!
– (TrL): Em đang mặc bộ đồ ngày trước khi anh em ta đi, anh còn nhớ không?
– (T): Nhớ chứ! Vì lúc đó anh em ai cũng mặc đồ giống nhau. (ghi chú: Chỉ là thuận tiện cho việc đi vượt biên đường rừng).
– (TrL): Buồn nhỉ? Nhưng đấy là chuyện thế gian! Còn em bây giờ, nếu mà anh chị nhìn thấy được: Mặt thì rất đẹp! áo có ánh sáng, có hào quang, có đủ màu sắc … anh chị có tin không?
– (HTr): Chị tin chứ! Khi xưa chú đâu có biết nói dối, mà cũng không cả nói chơi nữa! Bây giờ thì chú Trường Linh còn hơn thế đúng không?
– (TrL): Chuyện này cũng đâu có gì đặc biệt! Nghĩa là anh chị muốn có áo đẹp như em, phải lập tức lo cho chuyện Chúa muốn càng nhiều càng tốt!
– (BQ): Chú nói rõ xem chuyện Chúa muốn là chuyện nào, để tôi còn biết?
– (TrL): Một là tha thứ cho tất cả những ai làm ta giận hoặc buồn. Hai là yêu thương những người kém may mắn, tỷ dụ như bị chồng bỏ, hay bỏ chồng. Ba là phải chia sẻ những gì mình có cho những người thiếu thốn, nghèo khó. Nếu nuôi được trẻ mồ côi, hay nuôi ơn gọi là tốt nhất! Bốn là phải khiêm nhường trong mọi tình huống: Từ trong gia đình, anh chị em, bạn bè, đến ngoài xã hội. Anh chị hãy kiểm điểm và cứ làm như thế, em nghĩ là muốn có đồ đẹp như em giới thiệu, chẳng có khó khăn gì!
- Trường Linh giới thiệu LH một Thầy Sáu chết trên biển, và cho biết hãy nhớ tới những người chết trên biển, và cầu nguyện cho họ!
– (TrL lại tiếp): Chị Huệ Trinh muốn biết tên thánh của ông Trần Đình Sủng phải không? Em hỏi thì được biết là Giuse. Còn anh Tâm muốn em cho một vài LH tu sĩ, hay trẻ em chết trên biển khi đi vượt biên, thì hôm nay em giới thiệu cho anh một vị. Vị này là thầy Sáu chết trong một chuyến vượt biên bằng đường biển, khi ấy được 36 tuổi, tên là Giuse Trần Đức Ngọc. Anh chị có biết những LH mà mình thường gọi là ở chỗ vô định có nghĩa là ở chỗ nào không? Giống như họ bay lơ lửng nơi chẳng có đất, cũng không có trời. Điều này chắc anh chị nghe thì cho là vô lý, nhưng đó là sự thật!
– (BQ): Vô lý chứ! Không lẽ lại cứ bay lơ lửng!
– (TrL): Chuyện này khó nói! Chưa chết thì chưa hiểu! Chử “lơ lửng” mà tôi muốn nói, có nghĩa là không có chỗ nương tựa. Không có ai nhớ đến, nên cứ vất vưởng đi tìm một ánh sáng.
– (T): Có phải là những LH mồ côi không?
– (TrL): Có hai nghĩa cùng chung một ý: Thứ nhất thì như anh nói là những LH không có ai nhớ tới. Ý thứ hai là khi có mộ thì cũng ví như có một mái nhà, còn khi chết trên đại dương thì lại là người không có chỗ ở.
– (T): Em nói thế chứ, dù là chết biển họ cũng có thân nhân cầu cho chứ, ngoại trừ là những người chưa được diễm phúc biết Chúa!
– (TrL): Những người chưa được diễm phúc biết Chúa, thì đã đi một chuyện. Anh chị biết không, ngay cả những người có đạo, nhiều khi đi cả một gia đình, rồi chết cả gia đình, tất nhiên là không có ai xin lễ, cầu nguyện cho họ! Nhưng không cứ là cả gia đình, ở đây em biết nhiều trường hợp người chết trên biển, mà ở nhà không ai biết để dâng lễ cầu nguyện cho. Một là thân nhân cứ yên trí là người đi chưa thể liên lạc về được! Hai là lại nghĩ kẻ đi được, đã quên người còn ở lại! Thế rồi ngày tháng phôi pha, kẻ sống lâu không còn đợi chờ tin tức cũng thành quen, người chết không ai cầu nguyện cho, thì thành những linh hồn vất vưởng cứ đi tìm một ánh sáng, mà thực ra là đợi chờ trong cái thế không biết đợi chờ ai! (Liên tưởng: Nghe chú ấy nói tới đây, tôi chợt liên tưởng mới hôm nào nghe cô Thủy cho hay các Lh cần có người dâng lễ, hay cầu nguyện cho họ, y như cần một tờ đơn để được Chúa xét. Hôm ấy cô còn bảo rõ: Tâm linh cũng giống như trần thế, thiếu một tờ đơn, phải đợi chờ lâu lắm! Tôi cũng lại nghĩ ngay tới trường hợp bà ngoại của Huệ Trinh. Ngày cô Thủy đi tìm bà dùm nàng, cô đã gặp ngay một bà cụ thơ thẩn không còn màng chi, vì bà ở chốn đó đã lâu, và không còn hy vọng có đứa con cháu nào tưởng nhớ tới bà nữa! Sau khi H. Trinh nạp cho bà một lá đơn (bạn hãy tập hiểu theo nghĩa tâm linh), thì lập tức cụ được Chúa cất nhắc và cho vui).
– (BQ): Chú phải nói rõ xem tại sao người chết có mộ thì lại được ví như có một mái nhà, tôi thật sự không hiểu! Vì có lần cháu Thủy nói bằng cách nào thì cũng không hơn, không kém, mà chỉ phụ thuộc vào khi sống, ta đã sống thế nào mà thôi … đúng không?
– (TrL): Cô Thủy nói điều đó thì hoàn toàn trúng! Đây tôi chỉ muốn nói về một phương diện khác. Bác và anh chị cứ so sánh xem bên nào hơn nhé! Nói chung, người chết có mồ mả thì đa phần là được chịu đầy đủ các phép. Có ít nhiều Lễ trong nhà thờ, có nhiều người thân, bạn bè đi dự và cầu nguyện cho, lại có cha, có các người thân tiễn đưa ra tận nghĩa trang với tất cả các nghi thức cuối cùng, rồi những ngày kế tiếp lại có các hội đoàn, bà con tụ họp dâng lễ, hay đọc kinh cầu nguyện cho, có phải là ấm áp hơn kẻ chết trên biển bội phần … đúng không? Bởi vậy, họ rất cô đơn về mặt tâm linh, chứ phần xác thì không cần phải tính tới, bác đây có công nhận không? Ý nghĩa câu nói: Có mộ như có một mái nhà là như vậy! Thôi để khi khác em nói tiếp, hôm nay em nói cũng đã nhiều lắm rồi! Em xin chào anh chị, chào bác em đi!
– (T): Anh chị cám ơn em nhiều lắm Trường Linh! chào em!
(Ghi chú: Khoảng vài thập niên sau năm 1975, nhà cầm quyền trong nước thù ghét những người vượt biên, luôn rêu rao, nói xấu họ là thành phần lười biếng, không chịu ở lại để xây dựng đất nước, nhiều viên chức cao cấp của nhà nước đi ra ngoài nói với thế giới về thành phần hơn triệu người vượt biên là đi tỵ nạn kinh tế chứ không phải là tỵ nạn chính trị. Nhưng cả thế giới đều biết chính sách trả thù của Việt Cộng là bắt toàn bộ Quân, Cán, Chính thuộc chế độ cũ (tức quân nhân, cán bộ, và những viên chức hành chánh) đi tù đày, và lao động khổ sai, nhưng lại ngụy tạo dưới chiêu bài là “đi học tập cải tạo”. Còn dân thành phố trong Nam thì bị cưỡng bức đi “Kinh tế mới”- Một chính sách bóc lột, cướp nhà, cướp của trắng trợn – Nên dù Việt Cộng rêu rao thế nào, thì Thế giới vẫn mở cửa đón tiếp những người Việt Nam đi tỵ nạn CS. Mãi cho tới những năm kinh tế trong nước hoàn toàn kiệt quệ vì “Chế độ Bao Cấp” (Xin nghe lại TGTL#25). Bấy giờ nhà nước CSVN mới lại trở giọng “Ân ái ma giáo”, trân trọng mời gọi những người Việt Hải Ngoại bằng một giọng điệu nịnh hót là đón tiếp những “Khúc ruột nghìn dặm” về thăm quê hương. Cũng miệng lưỡi ấy, nếu ở vào thời Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, ngài đã gọi là cái bọn “lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo”. Bởi thế, mấy thập niên đầu giữa kẻ đi, người ở, đa số mất tin tức về nhau! Số người chết trên biển được biết cũng cả triệu hoặc hơn!).
(Xin đón nghe TGTL#99)