-
Sự gặp gỡ giữa các LH với nhau trong thanh luyện thế nào?
– (Th): Chú có hỏi điều gì khác không ?
– (T): Ở nơi thanh luyện (thường gọi là chốn luyện hình), các LH có tiếp xúc với nhau thường không? Tiếp xúc cách nào ? Khi tiếp xúc với nhau, chắc họ cảm thấy vui lắm, phải không ?
– (Th): Chú có nghĩ rằng không ai muốn hỏi ai không ? Vì ai cũng chỉ cần xin sự hiệp thông với người còn sống, để nhờ họ, mong họ cầu xin cho mình được Chúa mau xét. Và như vậy, cũng có nghĩa như là không ai biết ai! Có lần cháu đã nói là: Nơi đó thiếu ánh sáng của Chúa, nên họ như ở trong chỗ không có đèn.
(Luận: Vì không biết điều này, nên chúng ta thường rất “thờ ơ” không thường xuyên nhớ cầu nguyện cho các LH, thậm chí một năm tới ngày giỗ cũng chỉ xin lễ theo chiếu lệ, nhiều khi con cháu coi việc bày chuyện ăn giỗ, kéo cỗ, dựng rạp là điều quan trọng hơn cả việc đi dâng lễ, cầu xin cho LH. Những LH mà có con cháu như thế thì cũng không khác gì những LH mồ côi là mấy! Vì thế hẳn bạn đọc còn nhớ có lần mẹ tôi dạy tôi: Con hãy cầu nguyện nhiều cho các LH mồ côi! chắc chắn rằng mẹ tôi đã thấy được sự đau khổ, buồn bã các LH đợi chờ có người cầu nguyện cho … nó thảm não đến cỡ nào! Vì người nhắn bảo tôi điều này sau khi người đã qua đời, thì là điều rất thực, chứ không phải do con người suy luận. Đọc qua đoạn này rồi, xin bạn đọc đừng quên mỗi ngày cầu nguyện cho thân nhân đã qua đời của mình, cũng như các LH mồ côi nữa! Tội nghiệp các LH lắm!).
– (T): Nếu thế thì cả một chuỗi dài, buồn lắm nhỉ ? Những LH theo như cô Thủy cho biết đã được “VUI”, thì ý nghĩa của chữ “vui” đó ra sao ?
– (Th): Họ không còn ở chỗ tối nữa! Họ được Chúa ban cho ánh sáng và có khi còn được Chúa cho việc để làm. Còn ai mà chưa được “vui” thì còn phải nhờ vào người thân xin lễ, cầu nguyện. Nếu như người thân nào mà làm được một việc lành, chỉ cho LH nào đó, thì LH ấy có thể được ơn Chúa cho vui ngay!
-
Khi Cầu Nguyện phải tâm thành, đừng có ý gì khác!
– (Th): Chú, cháu muốn nhờ một điều.
– (T): Tôi xin sẵn sàng!
– (Th): Cháu biết là hơi khó, vì chú phải nói nhiều!
– Hy vọng là nằm trong khả năng của tôi!
– Một ngày gần đây, chú sẽ gặp chị Linh Giang của cháu. Điều mà cháu nhờ vả là chú nói làm sao cho chị cháu bỏ cái ý nghĩ là linh hồn “dữ” theo (chị Giang đang nghĩ là mình bị LH bà Hoài là vợ cũ anh Dũng theo về). Vì như thế là chị ấy không có sợ Chúa! Người có ý nghĩ như thế, sẽ bị đi vào hướng khác, là tin theo ma quỉ, không có lòng cậy trông, rồi mất Đức Tin! Cháu nói trước, với chị Giang cháu thì nói hơi khó đấy! Vì chị cứ nghĩ chị là đúng! Chính vì cho mình là đúng nên làm cho người khác buồn (Tôi không hỏi ai buồn? Nhưng có thể tạm hiểu là làm cho anh Dũng buồn). Chú hãy nói sao khi chỉ có một mình chị Giang thôi. Chú hỏi chị có mừng không, khi chỉ có Chúa mới ban ơn cho gia đình chị bằng cách nhờ vào linh hồn người chết hướng dẫn cho cả mọi người trong gia đình. Tất cả mọi LH những người đã chết đều đáng thương, dù họ là ai. Một khi ta cầu nguyện cho họ, thì đừng có ra điều kiện với họ là phải làm cho ta điều gì, kẻo khi chết, ta mắc tội.
(Nhận định: Tuy cô Thủy không nói rõ nhưng tôi hiểu là chị Giang không mấy có thiện cảm với LH chị Hoài, vì vốn dĩ Hoài là người vợ trước của chồng mình, và khi biết LH chị Hoài rất cần nhiều Thánh lễ và nhiều lời cầu nguyện, thì chị cũng có cộng tác với chồng là anh Dũng, nhưng có lẽ có đặt điều kiện gì đó với LH chị Hoài, tất nhiên chỉ có chị hoài và cô Thủy biết, nên cô Thủy muốn cứu chị mình về điều sai trái này. Đã có lần cô Thủy cho biết: Khi cầu nguyện cho các LH ta phải thành tâm thương xót họ, thì Chúa mới nhận lời).
– Chú biết không, cháu sợ chị cháu chết sẽ bị cái tội cứ cho mình là đúng, thì sẽ khó được Chúa xét! Cháu nhờ chú việc này hơi khó đấy! … Cháu phải đi! Cháu hỏi: Có khi nào ta hết chuyện nói không ? Cháu cho biết: Chú có việc làm: Đầu tiên là chia sẻ cho người hiểu mà lại xa Chúa như chị cháu. Khi nào đến việc thứ hai thì chú sẽ gặp. cũng gần thôi! chờ …! Cháu hẹn khi khác, bây giờ cháu phải đi. Chúc cô chú vui, khi khác sẽ nói nhiều hơn, những điều cô chú muốn biết!
– Chúng tôi cũng chào và cám ơn cô Thủy. Cô vui trong Chúa và Đức Mẹ!
11.10’ Ngày 18 tháng 4 năm 2005
-
Phải tỉnh thức để xét xem mình đã sai ở điểm nào ?
– (Th): Cháu xin chào mọi người! (vì có cả Phụng nữa)
– Chào cô Thủy!
– (Th): Gia đình có điều không vui trong tuần này! Điều chị Giang cháu dọa với mẹ cháu và cô chú “sa hỏa ngục” vì ngồi “cơ”! Cô chú không biết đâu! Vì chị cháu mới chỉ nói với mẹ cháu. Nhưng nếu chú nghe được thì chú có sợ không ?
– (T): Không! Ý cô ấy nói về việc tiếp xúc qua bàn cơ chứ gì ? “cơ” chỉ là phương tiện truyền đạt. Mục đích mới là quan trọng! Người ta hay lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích. Mục đích xấu thì phương tiện tốt cũng vô ích! Tôi thí dụ: Mượn lễ nghi để trình diễn sự phú quí, sang trọng, mục đích lên mặt với đời, cho người đời nể vì. Lúc đó, lễ nghi không mang lại lợi ích tâm linh, mà còn chuốc vào tội sa sỉ, phí phạm, và nhiều thứ lỗi nặng khác có liên quan. “Cơ” cũng vậy, nếu mục đích mượn “cơ” để giao tiếp với ma quỉ, nhờ nó giúp đỡ, để mình thu hoạch được lợi ích thế gian, như địa vị, quyền lực, giàu sang phú quí … Chắc chắn ai tin vào nó, nó cũng có quyền sai quân của nó là những LH đã thuộc về nó, chui vào bàn cơ, để cho người tin nó những đáp án về cuộc đời, như họ mong đợi, thì chết nó sẽ rước đi! Còn mục đích tìm hiểu tâm linh, cõi sáng, cõi tối, đưa con người lại gần Chúa và Đức Mẹ bằng ăn năn, xám hối, siêng năng cầu nguyện cho các LH trong thanh luyện, biết chia sẻ cơm áo của mình cho những người đói khổ, thì sau khi chết sẽ ra sao, đáp án đã thấy rõ! Có gì mà sợ !
(Bên lề: Sau này, có lần tôi gặp một Linh mục quen, và hỏi ông ta: “Tại sao các cha, nhất là các cha Việt Nam cấm con chiên bổn đạo chơi “cơ”, mà mình thì lại chơi được ?” Sở dĩ tôi dám nói như thế là vì có cơ sở đàng hoàng. Thời xa xưa ở VN, lúc chú tôi là LM mới ra coi xứ ở vùng xa xôi hẻo lánh, tôi có chuyện lên ngài một thời gian. Một hôm bà bếp trong lúc vui mà lại vắng cha, mới kể cho tôi nghe rằng cha Qui có biệt tài lắm, chắc chú Tâm không biết đâu! Ngài dùng cái gọi là “cơ” mà gọi linh hồn người chết về được, giúp cho một thầy về nghỉ hè, giải quyết chuyện rắc rối trong gia đình, theo tinh thần yêu thương, bác ái. Mà chuyện trong họ của thầy đó cha Qui đâu có biết, thế mà khi hồn lên, nói đâu trúng đó, còn góp ý cho thầy giải quyết nữa! Tôi hỏi cha dùng cái gì để tay vô cho nó chạy thì bà bếp bảo: Đồng bạc cắc thôi! Nhưng trước bàn “cơ”, thì cha để tượng Đức Mẹ, và còn thắp hai cây đèn cầy hai bên tượng nữa (Đây là phần chú thích thêm sau này vào năm 2011), lúc tôi chuẩn bị đưa lên Website của “uyenly.com” bạn đọc theo dõi thì sẽ biết vị LM chú của tôi đến ngày 22.4.2008 thì qua đời. Tôi có nhờ cô Thủy để hỏi tin tức về ngài. Khoảng 5 tháng sau thì ngài được Chúa cho VUI. Chúa không hề bắt lỗi ngài về vụ chơi “cơ”, gì hết, mà theo ngài thành thật tiết lộ, thì lỗi nặng là làm nhà thờ cho to, cho đẹp. Muốn biết tại sao, quí bạn đọc cứ tiếp tục theo dõi. Xin trở lại để biết câu trả lời của vị LM bạn tôi nói: “Anh nên biết rằng cái “sác xuất” nghiêm chỉnh có thể tin cậy được rất nhỏ: Chỉ có hai phần ngàn, còn chín trăm chín mươi tám phần kia là nghiêng về chiều xấu, nghĩa là người ta lợi dụng nó để tìm lợi nhuận, hoặc bị ma quỉ lợi dụng lại để đưa con người đến mê tín, dị đoan, hoặc làm cho mất Đức Tin. Nhất là đối với các dân tộc còn trong tình trạng thiếu mở mang, sự hiểu biết còn thấp kém. Vì hại nhiều hơn lợi, nên các LM ngăn cấm là điều phổ quát. Trường hợp nghiên cứu Tâm linh cách nghiêm chỉnh, lại gặp được sự hợp tác của LH được phép của Thiên Chúa, thì thật là họa hiếm! Anh cứ nghĩ xem có dễ có được hay không?” Bởi vậy, ngay từ đầu trong “Lời trần tình” tôi có đề cập tới văn thư cho phép của Tòa Thánh, tuy nhiên xin đừng lợi dụng văn thư đó để tìm sự “giải trí” qua bàn cơ, vì “lợi bất cập hại”. Xin nhớ cho).
– (Th): Cám ơn chú thông suốt! Cháu nghĩ là việc chị Giang nói sẽ gây hoang mang và làm cho người nhà lo lắng, vì ý chị muốn là tất cả phải theo ý mình! Cháu cho biết là khi các LH ao ước Chúa, thì họ rất tội nghiệp! Cháu muốn nói rõ hơn là các “linh hồn” ấy rất hiền! Nhưng chị Giang lại cho là hồn “dữ”. Cháu ví dụ như cho dù ta có nghe và làm theo yêu cầu nào đó của họ, thì cũng không có tội nặng bằng không chịu lo làm việc lành, việc thiện, hay đánh mất sự yêu thương, vâng phục, tha thứ. Phải tỉnh thức để xét xem mình đã sai ở điểm nào ? Cháu muốn nói rằng chị Giang cháu chỉ muốn anh Dũng phải cắt đứt không được có tư tưởng gì về LH bà Hoài đáng tội nghiệp kia nữa! và cũng không được đáp ứng bất cứ yêu cầu gì của bà ấy nữa! Chị Giang còn khoác cho LH bà Hoài là ma quỉ, và vì chị sợ chồng chị bị lôi cuốn vào tay ma quỉ, nên mới dọa mẹ mình là phải chấm dứt ngồi cơ, nếu không sẽ báo cho ông Hạt-Cát hoặc cha xứ biết! Chú có ý gì không ạ ? Em Phụng nghĩ sao ?
(Chú thích: Tôi có hỏi Phụng hôm trước nhờ LH bà Hoài về cho biết sự thật, rồi anh Dũng đã ăn năn xám hối, trở lại nhà thờ, xưng tội, rước lễ, xin lễ và cầu nguyện nhiều cho bà Hoài được ơn Chúa xét. mọi sự tốt đẹp … sao bây giờ lại như vậy, Phụng cho biết: Vì chị Hoài có yêu cầu anh Dũng nhớ đến con cái của anh và chị Hoài hiện đang sống trong tình trạng rất khổ cực bên Campuchea. Anh có ý đi về Campuchea một chuyến để tìm con cái và giúp đỡ chúng, nhưng điểm này chị Giang không bằng lòng, nên mới xẩy ra như vậy! … Kể từ đó, anh Dũng chị Giang không còn gặp cô Thủy về bất cứ chuyện gì nữa! Anh cũng bỏ ý định về tìm lại và giúp đỡ con cái mình).
– (T): Đáng lẽ thì sắp tới đây tôi sẽ nói chuyện riêng với chị Giang và phân tách để chị hiểu rằng việc LH chị Hoài là đáng thương, đáng cần được chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho chị ấy, chứ đừng nghĩ rằng bà Hoài mượn “cơ” về để ám ảnh chồng và làm thiệt hại cho gia đình! Nhưng nay thì chị Giang không những không tin việc chị Hoài nói lên cái khổ kinh khủng mình phải chịu trong luyện hình, đồng thời cảnh báo cho chồng mình là anh Dũng phải gấp thời trở về với Chúa, lại còn cho LH chị Hoài là ma quỉ, kết tội người đi “cơ” là mẹ mình sẽ xa hỏa ngục, nếu không chấm dứt. Ngăn cản anh Dũng tin vào việc LH chị Hoài cầu xin, lại lấy danh ông Hạt Cát hay cha xứ thì sự việc đã trở nên nghiêm trọng. Lúc này mà giải thích hay nói gì với chị thì chị cũng không nghe. Vì vậy theo ý tôi thì việc khuyên chị nên gác lại. Mà việc cầu nguyện cho chị là việc cần hơn!
– (Th): Còn ý của Phụng thì sao ? (cô Thủy hỏi em)
– (P): Theo em thì mình cứ duy trì ngày đọc kinh chung vào tối thứ Sáu mỗi tuần, để anh Dũng tiếp tục việc đã trở lại với Chúa.
(Ghi chú: Trước kia như đã nói, anh Dũng không tới nhà thờ, mỗi khi xóm giáo tới đọc kinh gia đình thì anh ở trong phòng không tham gia. Từ ngày anh xưng tội, rước lễ và đi nhà thờ trở lại qua việc chị Hoài cảnh giác anh, thì tối Thứ Sáu mỗi tuần anh chị tới nhà Phụng để đọc kinh chung, sau mỗi buổi đọc kinh, chúng tôi ngồi trà đàm về các vấn đề học hỏi Kinh Thánh, Giáo lý, vì anh đi đạo theo chị, nên rất ít hiểu lẽ đạo, cũng như bà Quý trước đây. Nhưng rồi sau vụ nói trên, anh chị tự nhiên rút lui, không tới đọc kinh với chúng tôi nữa! Nên vấn đề tựu chung có thể cũng chỉ vì tiền bạc. chị Giang sợ anh Dũng sẽ về Campuchea tìm các con để giúp đỡ chúng).
– (Th): Cháu cám ơn chú về mấy điểm: Thứ Nhất là chú đã nhận lời cháu, thứ Hai như chú vừa nói là ta cầu nguyện. Thứ Ba là “tạm gác lại”, có nghĩa là đợi thời gian, khi nào thuận lợi. Còn Phụng cũng có ý rất đẹp là duy trì tình cảm (không đề cập tới chuyện đó nữa, mà bình thường gặp gỡ qua các buổi đọc kinh chung).
-
Khi Đức Mẹ an bài.
– (Th): Còn bây giờ, xin phép chú cháu đưa ra một chuyện vui về việc “muốn đưa một người xa Chúa đã lâu trở lại … Chú biết không, cháu không có chồng, vì thế tất cả chuyện yêu thương là dành cho mẹ cháu. Nhưng vì mẹ cháu lại là thành phần giống như chú biết là “thấy mới tin”. Hiện giờ nếu mẹ cháu thấy Đức Mẹ làm phép lạ thì mới tin. Chú nghĩ đi! Mẹ cháu làm gì có khả năng được Đức Mẹ cho như bà Úc nọ, tay chảy dầu.
(Sự kiện này chính bà Quý đã nhìn thấy tay bà Úc chảy dầu, và bà đã kể lại cho tôi nghe cũng phải vài lần, dịp tượng Đức Mẹ ở Queensland chảy dầu).
– Vì cháu thương mẹ cháu, và muốn cho mẹ cháu sau này được vui ở đời sau, nên cháu cứ phải gắn bó trong việc này. Trước thì cháu chỉ được phép về khuyên nhủ mẹ cháu phải siêng năng đi nhà thờ. Còn bây giờ, cháu được Đức Mẹ bảo phải làm điều Đức Mẹ muốn, song vì mẹ cháu thuộc thành phần “lơ mơ”, nên Đức Mẹ lại phải thu xếp cách khác, vì thế mà hôm nay chú cháu mình gặp nhau.
(Ghi chú: Bà Quý vẫn thường nói cho tôi biết: Từ ngày có anh về đây, nó (cô Thủy) mới nói đủ thứ chuyện về tâm linh, chứ trước kia, nó chỉ về nói chuyện chơi (mẹ con nói chuyện chơi với nhau cho vui thôi), nhưng mà nó không ở lâu, chỉ chút xíu thôi! rồi nó nói nó bận nhiều việc nên phải đi. Nhưng mục đích của nó về tôi biết! Nó chỉ giục tôi đi lễ, đọc kinh. Nó biết tôi nhớ nó, cần nó về, nên cứ dọa: “Hễ mẹ có đi lễ thì con mới về, bằng không thì con không về nữa! Từ ngày có anh, anh biết điều này, điều kia để hỏi, chứ tôi có biết gì về đạo đâu mà hỏi. Rồi nhờ có anh, nó vừa nói, vừa có sự diễn giải của anh thì tôi mới biết thêm được chút ít”. Quả vậy, có lẽ hồi trước gia đình bà Quý ít đi lễ lắm! vì nhà tôi bảo: người trong giáo xứ ở đây, họ nói: “Hồi đó cứ tưởng bà ấy không có đạo”. Còn cái việc tôi từ bên Tây Úc mà qua đây, lúc đầu thì mình không biết, cứ tưởng là theo lẽ tự nhiên, mình qua vì con gái chưa lập gia đình mà ở một mình không tiện, thì làm bậc cha mẹ, phải sang ở để nó không bị quấy nhiễu, thế thôi! Nhưng sau thì biết đó là sự an bài của Đức Mẹ về nhiều mặt, chứ không chỉ một khía cạnh đơn thuần như tôi nghĩ, sau này có dịp tôi sẽ nói rõ hơn!).
-
Sống thiện, sống ngay lành như các ông: Thích Ca, Huỳnh Phú Sổ … Chết sẽ thế nào?