Vẫn ngày 05 tháng 10 năm 2011

(Trong TGTL#106 Tác giả nêu thắc mắc về ông Đan Nguyên, đáng lẽ ông ấy phải thay đổi cách nào, để được Chúa xét, sao ông ấy lại vẫn còn cố chấp? Và được cô Thủy trả lời: Có một số trí thức, quan niệm tôn giáo nào cũng do các nền văn hóa đẻ ra. Nếu trước khi chết mà chưa thấy được cái sai của mình, thì về trong cõi Tâm linh, đầu óc họ cũng vẫn cứ như thế! Cháu đã nói: người từ chối Chúa, thì ma quỉ dẫn đi liền, và bị nó cầm buộc. Khi ma quỉ cầm buộc, thì nó cai quản ý nghĩ của họ. Trong mỗi con người, lại tiềm ẩn 3 yếu tố quyết định lối sống: Lý trí, tình cảm và bản năng. Cũng trong TGTL#109, chúng ta đã bàn về bản năng và tình cảm. Hôm nay, vẫn trong phần Luận, chúng ta bàn sang yếu tố Thứ ba: Cái sai trong phạm trù Lý trí của những nhà Trí thức vô thần. Họ quan niệm Tôn giáo chỉ là sản phẩm của văn hóa, hay con đẻ của các nền văn minh nhân loại).

 

  1. Có phải Tôn giáo do các nền văn hóa mà ra không?

(Phần Luận: Con người thoạt sinh ra, ai cũng từ vô tri, bước từng bước lần vào văn hóa, từ đơn nguyên tiến vào đa nguyên, từ vào đời trần trụi, đến lúc được thừa hưởng những cống hiến của các nền văn minh nhân loại. Những bước đi của nhân loại cũng giống vậy: từ thuở hồng hoang cơn gió bụi lấm đầy mình, tiến lên cuộc đời tô son đánh phấn, thở ra không khí có màu sắc văn hóa. Giơ ngón tay lên phác họa ra các nền văn minh nhân loại. Loài người kinh qua từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn vắn dài tùy thời kỳ con người trưởng thành. Thí dụ từ thời đại Công nghiệp tiến lên thời Tín liệu (VN gọi là thời đại “kỹ thuật số”), mất vài trăm năm, nhưng từ thời đại Nông nghiệp bước sang thời đại Công nghiệp, phải mất 10 ngàn năm, và nói tóm tắt: Từ thời con người săn hái (hay ăn lông ở lỗ) tiến vào văn minh Nông nghiệp, phải mất hàng triệu năm. Cứ mỗi giai đoạn kinh qua là phải trải qua những khó khăn và tích lũy những kinh nghiệm. Kinh nghiệm và từng trải giúp con người sáng tạo. Theo một số những định nghĩa về Văn Hóa, chúng tôi xin tóm lược:

-Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần thành tựu do con người sáng tạo và tích lũy trong quá trình lịch sử. Chỉ trong từ điển Hán Việt, Văn Hóa đã là sinh hoạt có ý thức của một dân tộc về phương diện kinh tế, xã hội và tinh thần.

– Do đó, Văn hóa phản ảnh những lề lối, tổ chức sinh hoạt của từng dân tộc, trong sự phát triển cả tinh thần, lẫn vật chất bao gồm các lãnh vực đạo đức, nghệ thuật, phong tục, tập quán do sự giao tiếp hài hòa giữa con người với con người cùng chung một môi trường, một hoàn cảnh sống.

– Gs. Nguyễn Đặng Thục gắn liền văn hoá với tiến hoá, ông viết: Văn hoá có nghĩa là tiến hoá, tiến từ trình độ thô sơ đến trình độ văn vẻ từ thấp đến cao, từ vật chất hữu hình lên tinh thần vô hình.

– Arnold (tác giả của nhiều cuốn sách thuộc nhiều loại, từ khoa học, y khoa đến những câu truyện về sinh vật học, và cả về khảo cổ) cho rằng: Văn hoá là sự cố gắng của con người vươn lên tới hoàn thiện.

Tới đây, thì Văn hóa đã cho ta thấy sự nhận dạng bao hàm cả lãnh vực tôn giáo, vì phải chăng chính tôn giáo cũng là văn hóa bởi vì Tôn giáo có nguồn gốc nhân bản, có những bản sắc nhân văn. Nói cách khác, Tôn giáo gắn liền với con người và tác động vào quá trình thăng hoa, tiến hóa của con người. Trong cuốn sách: “Triết học Tôn giáo Phương Đông” (The Best Guide to Eastern Philosophy and Religion) của Diane Morgan đã cho một Khái niệm về Tôn giáo chính là nhịp cầu nối kết giữa “tuyệt đối” và “tương đối”, giữa cái “Hình như Thực” với cái “Thực sự là Thực”, giữa những gì chúng ta nhận là “trần tục”, với những gì chúng ta nghĩ là “thánh thiêng”. Bởi thế, trong quan niệm của Diane truyền thống Phương Đông hình dung tôn giáo là nội tại, tức ở bên trong mình, và đồng nhất cơ bản với người đi tìm. Mỗi con nguời cơ bản là thần thánh. Thế nên trong đạo Phật mới có thành ngữ: Phật là ta, ta là Phật, hay “Đồ tể buông đao là thành Phật” (chú thích cho bạn trẻ: đồ tể: kẻ làm nghề giết người, hoặc giết các sinh vật). Vậy quan niệm của Arnold: “Tôn giáo cũng là văn hóa”, hay quan niệm của Diane Morgan “Tôn giáo là một phần nội tại trong bản thể con người”, đều là những nhận định rút ra ít nhất là từ bản chất các tôn giáo Đông Phương. Chẳng hạn như: Thần đạo, Phật giáo, Ấn giáo V.V…

 

  1. Thần đạo

Niềm tin của dân tộc Nhật Bản – Một trong các truyền thống tôn giáo xa xưa nhất trên thế giới – Thuật ngữ Nhật để gọi truyền thống này là Kami no michi. Kami nghĩa là thần, nhưng không giống khái niệm thần thánh của phương Tây. Kami chỉ có nghĩa là những tập trung sinh lực. Thần đạo là sản phẩm của nền văn hóa nông nghiệp, gắn chặt với thiên nhiên và phụ thuộc vào nó. Đôi khi người ta gọi nó là “sự thờ bái thiên nhiên”. Như Ấn giáo, hay đạo “Thờ Ông Bà” của người Việt Nam, Thần đạo không có người sáng lập, không có bản văn thánh chính thức nào, không tín điều, cũng không cả hệ thống đạo lý. Không có sự thờ phượng theo giáo đoàn, nhưng có Pháp sư. Không có khái niệm về tội. Chúng ta cũng gặp những điểm tương đồng giống vậy nơi Ấn giáo, hay đạo thờ ông bà của người Việt, hoặc đi xa hơn nữa là ngay cả những tôn giáo có vị sáng lập như Phật giáo, Nho giáo, hoặc Lão giáo, cũng có những điểm tương đồng vừa kể trên. Là người Việt, đạo thờ ông bà là rõ nhất. Ta cứ thờ kính ông bà tổ tiên, nhưng quan niệm về đạo đức, các vấn đề tội phúc là những quan niệm phát xuất từ truyền thống văn hóa của dân tộc VN.

Thần đạo chỉ kết hợp sự tôn kính thiên nhiên, với sự kính trọng di sản dân tộc, và lịch sử của Nhật một cách độc đáo và sống động. Lý do phát xuất từ truyền thống xa xưa rằng: Đất đai, cây cối, nước nguồn, và bầu trời thiêng là, và từng là cha mẹ của dân tộc Nhật, cũng là nguồn sức mạnh tinh thần của dân tộc ấy vậy.

 

  1. Ấn giáo

là một tôn giáo xuất hiện rất lâu đời, nhưng lại rất mông lung, hay là quá mênh mông. Cả hai từ ngữ đều cho thấy người ta không thể định chuẩn được đâu là yếu tố chính để nói về chính nó! Vì thế, nó đã phát sinh ra những truyền thống khác nhau như Phật giáo, Jaina giáo, Du già thuyết, Tantra cùng phép thiền. Vấn đề càng phức tạp hơn khi Ấn giáo ở mỗi nơi mỗi rất khác. Phong tục Ấn giáo ở Bắc Ấn, hoàn toàn khác với các phong tục ở miền Nam. Ấn giáo ở Bali và Phật giáo ở Nhật hay ở Mỹ trên cơ bản khác với nguồn gốc ở Ấn Độ, vì khi nó bắt gặp một nền văn hóa nào, nó sẽ đồng hóa một số quan điểm và tập tục, cùng truyền thống của nền văn hóa ấy. Ấn giáo giống như Thần giáo không có người sáng lập, không có tín điều, không có quyền lực trung ương, không có giáo chủ, không có hội đồng giáo sĩ để quyết định điều gì các tín đồ phải tin hay không, mặc dù họ có bản văn kinh thánh là kinh Vệ Đà (Veda), nhưng thường được xem là triết lý, hay trải nghiệm của thần thánh. Bởi thế, một tín đồ có thể là người theo thuyết độc thần, đa thần, hay vô thần. Ân giáo cũng được xem là con đẻ của nền văn minh nông nghiệp, họ tin thần tính có trong con người. Họ tin linh hồn hóa thân qua các kiếp. Họ tin vào nghiệp chướng, tức số phận hôm nay là tùy thuộc vào việc làm ở kiếp trước. mọi loài động vật đều có hồn, và chúng sẽ được giải thoát, không ở kiếp này thì kiếp khác.

 

  1. Phật giáo

Trước đây, người Tây phương thường lẫn Ấn giáo với Phật giáo, vì cả hai tôn giáo đều dùng những thuật ngữ chính như Pháp (dharkma) và nghiệp chướng (Karma).

* Dharma (pháp): Ý nghĩa thông thường và quan trọng nhất của “Pháp” trong Ấn giáo với Phật giáo là chân lý. Con đường chân lý ngàn đời của Ân giáo nằm trong kinh Vệ-đà. Chân lý cao siêu của Phật giáo là Giáo pháp của Phật hay những lời Phật dạy. Phật nói: “Những ai thấy được pháp là thấy được Phật”.

* Nghiệp chướng hay Karma phận số hôm nay, nó tùy thuộc vào việc làm ở kiếp trước, hay cũng gọi là nhân quả giữa kiếp này với kiếp sau.

Cả hai đều tìm sự giải thoát khỏi khổ đau và vô minh (Vô minh được xem là gốc của mọi bất thiện trong thế gian và cũng là một đặc tính của Khổ. Đó là tình trạng tâm thức không thấy sự vật “như nó là”. Cứ cho ảo giác là sự thật và vì vậy sinh ra khổ). Cả hai đều tin vào sự hóa thân, tức con người sau cái chết, thì sẽ đi đầu thai trở lại, tức tái sinh và tái tử, cứ thế thành vòng luân hồi bất tận. Cả hai đều có các đạo sĩ, hoặc các vị đại sư để giúp môn đồ, hoặc chúng sinh tìm chân lý. Cả hai tôn giáo đều xem thế giới hiện tưọng là không thật! tuy nhiên, dù có những tương đồng, nhưng lại bắt nguồn từ những nền tảng hoàn toàn khác nhau, như là hình ảnh phản chiếu của nhau:

– Ấn giáo tin vào Đại Ngã hay có tên gọi là Brahman là một khái niệm về một thần thánh tối thượng. Trong kinh Vệ-đà, Brahman đã tạo ra sự sống nguyên thủy, được xem là tương đương với vị thần sáng tạo ra thế giới. Trong khi các Phật tử thì lại không tin có vị thần tối cao, họ chỉ tin vào một con người Đại Giác có khả năng giải thoát mọi người khỏi nỗi khổ đau, người đó là Đức Phật Siddartha Gautama, tức Phật Thích Ca (tiếng Việt phiên âm chữ Siddartha thành Tất Đạt Đa – ông sống vào khoảng gần cuối thế kỷ thứ 5 qua bán thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, thọ khoảng 80 tuổi). Ở đây chúng tôi không có ý giới thiệu các tôn giáo mà chỉ quy chiếu vào một vấn đề xem ra đa số học giả đã quan niệm rằng “Tôn giáo là một phần nội tại trong bản thể con người”, hay từ các nền văn hóa mà ra           , như đã dẫn chứng ở phần đầu và đã có thể kiểm nghiệm được không sai ở ba tôn giáo kể trên, vừa lâu đời, vừa có số tín đồ khá lớn trong thế giới hữu hình.

Khi nói tới Tôn giáo phương Đông, người ta không thể không nhìn vào nước Trung Hoa vĩ đại kể về dân số cũng như địa lý. Giống như văn hóa Ấn độ, nơi phát xuất ra hai tôn giáo lớn vừa kể, thì văn hóa Trung Hoa cũng phát xuất ra hai nền đạo lý: một là Nho giáo, hay còn gọi là đạo Khổng, hoặc Khổng giáo; Hai là Lão giáo, thường gọi tên là Đạo giáo. Chúng ta có phần tìm hiểu khái quát sau đây:

 

  1. Khổng giáo (hay Nho giáo)

Khi chưa có Khổng giáo, người Trung Hoa đã thờ nhiều thần linh (đa thần), trong số các vị thần, “Trời” (tức Thiên) được xem là quan trọng nhất. Trời cũng là Thượng đế, nhưng vị thần này chỉ có nhiệm vụ cai quản bầu trời, chứ không được coi là tạo hóa. Họ thờ đủ mọi loại thần như các thần tinh tú, các thần của năm phuơng (Bắc, Nam, Đông, Tây, và Trung tâm), các nhiên thần, gia thần và các thần bảo trợ nghệ thuật. Tổ tiên cũng được tôn kính và được xem là có ảnh hưởng mạnh đến người sống. từ các niềm tin đó họ chế ra các nghi lễ và tập tục thờ cúng. Các phép tắc của nho giáo hình thành.

Nói tóm lại, khi nói tới Nho giáo, người ta nghĩ tới Khổng Tử, nhưng tôn giáo của Trung Hoa đã có trước Khổng Tử. Ông chỉ làm theo truyền thống mà thôi. Ngay cả Kinh Dịch là cuốn sách chủ yếu để hiểu biết về các vấn đề cơ bản thuộc tôn giáo của người Trung Hoa. Triết lý của nó thâm nhập cả Khổng giáo lẫn Lão Giáo. Không Tử cũng phải tự nhận là ông đã phải mất già nửa đời người để nghiên cứu KD. Như thế thì phải nói là Kinh Dịch đã có từ trước và trước lâu. Khổng Tử là người sáng lập ra Khổng giáo, ông sinh khoảng năm 552? – 479 trước Công nguyên. Có thể nói Khổng Tử là triết gia Trung Hoa đầu tiên. Thế nhưng Kinh Dịch theo truyền thuyết ra đời khoảng năm 2853 tr. CN có trước thời nhà Hạ, tức thời Tam Hoàng Ngũ Đế là thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc. Tam Hoàng ba vị này được cho là thần tiên hoặc bán thần, những người đã sử dụng các phép màu để giúp dân.. Ông thứ nhất là Phủ Tây có thân mình của rắn. Ngũ Đế là năm vị quân chủ nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung Hoa, đưa dân tộc này thoát khỏi tình trạng sơ khai. Trong thời kỳ này, người Trung Quốc đã biết chế ra lửa để nấu chín thức ăn, biết cất nhà, làm quần áo, trồng ngũ cốc, chài lưới, thực hiện lễ nghi, và bắt đầu tạo ra chữ viết. Sau đó thì Khổng giáo đưa ra những khái niệm về Đạo; Thiên đạo; âm dương, ngũ hành, khí công, phong thủy. Về mặt xã hội, Khổng Tử xây dựng trên 5 mối quan hệ lớn là phụ-tử, phu-thê, huynh-đệ, bằng hữu, quân-thần, và kể cả võ thuật lẫn học thuyết chính trị pha trộn trong Khổng giáo. Như vậy Khổng giáo rõ ràng là con đẻ của một thời Văn Hóa Nho gia chín mùi.

 

  1. Lão Giáo

Người ta luôn nghĩ Lão Tử là người thành lập Lão giáo, nhưng sự thực không phải như vậy! Lão Tử chỉ là một trong các triết gia nổi tiếng và quan trọng nhất của Lão giáo. Truyền thuyết nói ông sống lâu tới hai trăm tuổi, và ông đã rời khỏi đất nước Trung Hoa đi về hướng Tây trên lưng một con bò. Tới thời nhà Đường (618-907 sau CN), ông được phong tặng danh hiệu “Đấng Chí Tôn” và là Hoàng đế cao cả. Theo Tư Mã Thiên, một sử gia nổi tiếng của Trung Hoa, thì Lão Tử sinh khoảng thế kỷ thứ VI trước CN, ở làng Chu Nhân thuộc vương quốc nhà Chu.

Các tác phẩm của Lão giáo được nghiên cứu song song với các tác phẩm của Nho giáo, nên mặc dù Lão giáo dùng biểu tượng âm/dương, thì ai cũng biết lý thuyết âm dương đã xưa hơn cả Lão giáo. Nguyên lý sinh âm dương từ Đạo, nên Đạo là thành tố (tức yếu tố tạo thành) đạo lý và dĩ nhiên mang ý nghĩa siêu hình, tức vừa là nền tảng Sự Hửu tối cao, vừa là nguyên lý của trật tự vũ trụ. Bản văn thánh của Lão giáo là Đạo Đức Kinh và được quy là chính Lão Tử đã viết cuốn kinh đó, nhưng cũng có phía bảo là không. Đây là một cuốn sách các học giả Trung Hoa cho là phức tạp và huyền bí. Trung tâm của Lão giáo là học thuyết Vô Vi – thuật không hành động – cho xuôi theo dòng chảy. Một ví dụ điển hình qua câu nói của Lão Tử: Khi thấy một ly nước đang đục, thì đừng khuấy nó lên, hãy để yên cho nó lắng xuống. Sau Lão Tử là Trang Tử. Trang Tử (369-286 tr. CN) là học trò siêu việt và quan trọng nhất của Lão Tử. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông mang tên ông, tức là tác phẩm Trang Tử. Ông chủ trương một cuộc sống giản dị, và chết giản dị. Lúc hấp hối ông bảo các môn đệ: “đừng làm chuyện rềnh rang, đất đã là quan tài, bầu trời là khăn liệm. Vầng trăng và các tinh tú không quí hơn các yếu nhân vô minh, vô thức đầy rẫy trong thiên hạ đó ư?”. Ông có viết triết lý về sự chết; và Tri thức luận của Trang Tử được xem là có giá trị.

Tuy nhiên, Lão giáo, hay còn gọi là Đạo giáo, ngoài phần triết lý, về mặt tôn giáo thì lại bị phê bình là xa vời thực tế, vì đặt ra quá nhiều thần tiên, và không thể tin được! Nhưng tác giả thì cho là nó phản ảnh thực trạng của một xã hội thời Xuân Thu Chiến quốc. Các vua ăn chơi trác táng, suy nhược, chư hầu tự do, phóng túng, người xưng Công, kẻ xưng Bá, tranh giành đánh nhau không ngớt, tình hình rất rối loạn, nhơn dân các nước dù là chư hầu, hay ở các nước mạnh xưng hùng xưng bá. Bấy giờ nước nào Làm được minh chủ các chư hầu thì gọi là Bá. Đời Xuân Thu có 5 chư hầu kế tiếp nhau làm minh chủ, gọi là Ngũ Bá, đó là Hoàn Công nước Tề, Văn Công nước Tấn, Trương Công nước Tống, Trang Công nước Sở, Mục Công nước Tần. vua chúa thì phong kiến, người dân trong các nước chiến tranh một là phải làm binh lính suốt đời ngoài trận mạc. Hai là phải chịu sưu cao, thuế nặng vì bị nuôi chiến tranh, nên người dân dù là nước nào cũng thật sự vô cùng khốn khổ. Trong cái khổ triền miên, Đạo giáo mang lại cho họ điểm tựa là nguồn an ủi, niềm hy vọng để sống. Đó là các vị tiên, thánh, thần hằng quan tâm giúp đỡ những người nghèo khó, những ai bị cường hào áp bức. Chúng tôi nhớ thời trước ở VN có những bức tranh, hoặc trên mấy cái tô, cái đĩa có in hình bát tiên (8 vị tiên). Trong đó có một vị tiên cô tên là Hồ Hiến Cao, trên tay cầm bó hoa sen. Vị tiên cô này khi trước là người trần mẹ chết sớm, ở với một bà mẹ kế độc ác, luôn bị đánh đập, hành hạ và bị đói thường xuyên. Cuối cùng nàng bị bà ta ép lấy người ngoài ý muốn. Nàng bỏ trốn rồi được trời thương hóa thành một cô tiên, chuyên giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi mẹ, và bị mẹ ghẻ hành hạ. Nàng cũng hết lòng giúp đỡ những kẻ bị áp bức trong xả hội. Nghe câu chuyện ta cũng đã thấy màu sắc văn hóa của một thời nổi bật lên và không cần phải có kết luận).

  

  1. Kitô Giáo: Một hành trình hai chiều.

Diane Morgan viết trong cuốn sách The best guide to eastern philosophy and Religion như sau: “Phần lớn truyền thống phương Tây, như Do Thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo coi tuyệt đối là siêu việt thể, thuộc thế giới bên kia, khác biệt! Trong khi hầu hết truyền thống phương Đông hình dung nó là nội tại, ở bên trong và đồng nhất cơ bản với người đi tìm” (hết trích). Chính vì tôn giáo phương Đông thể hiện sự nội tại cơ bản đồng nhất với con người đi tìm chân lý, nên chúng tôi cũng nhận thấy rằng: Tôn Giáo là con đẻ của các nền Văn Hóa như đã nói trên.

Tuy nhiên, Kitô giáo không chỉ coi Đấng Tuyệt Đối là siêu việt thể mà con người bắt gặp trên hành trình đi tìm kiếm Ngài, mà lịch sử Cứu độ đã chứng minh Thượng Đế đi tìm con người trước. Tức hành trình hai chiều: Thiên Chúa đi tìm kiếm con người, và con người đi tìm kiếm Thiên Chúa. Sau các giao ước tạo dựng với Adam, lũ lụt với Nôê. Chính Thiên Chúa đã gọi Abraham và lập giao ước với ông, rồi Ngài lại tìm Môi-se và lập giao ước với nhân loại qua Môi-se tại núi Si-na-i, rồi giao ước với David. Khi đã đến thời, thì Thiên Chúa lại sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế, để lập giao ước mới và cứu chuộc nhân loại. Như thế thì Công giáo không phải là con đẻ của các nền văn hóa trong nhân loại. Đối với người tin vào Đức Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại, thì các tôn giáo kia chỉ là những sản phẩm của văn hóa, tức là phát sinh từ tài năng của một dân tộc, còn đây là tôn giáo phát xuất từ Thượng Đế. Sinh thời, ông Đan Nguyên bị sai ở điểm này! Quí thính giả đã theo dõi TGTL từ số đầu tiên, và nếu còn thủy chung tới bây giờ, thì đã quá đủ không cần phải chứng minh thêm nữa, về những gì vốn dĩ không khởi đi từ thế gian, mà là từ Thiên Chúa.

(Chú Thích: Khi Diane Morgan quan niệm các tôn giáo như: Do Thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo mang truyền thống phương Tây, là vì môi trường hoạt động của những tôn giáo này khởi đầu từ các nước Tây phương. Chỉ nói về Công giáo, thì các Thánh Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô trên các quốc gia chung quanh Địa Trung Hải là trước nhất, rồi chính hạt giống Phúc Âm đã được gieo rắc vào các nước Tây phương, và làm thành truyền thống phương Tây, mặc dù về phương diện địa lý thì Do Thái thuộc Trung Đông).