1. Tâm linh là gì ? Thế Giới Tâm linh ở đâu ? Khi ta nghĩ tới họ, họ có biết không ?

– (T): Thế giới Tâm linh có gần với thế giới hữu hình này không ? Cụ thể hơn, có gần với địa cầu con người đang sống không ? Vì trần gian cứ nói: Thiên đàng ở trên trời, địa ngục dưới sâu trong lòng đất … Tất nhiên đó chỉ là hữu hình hóa cách nói, không phải như vậy!

– (Th): Cháu hỏi chú hai tiếng “tâm linh” theo như chú dùng văn học mà định nghĩa, thì chú định nghĩa thế nào, xin cho cháu học hỏi thêm ?

– Cô cứ nói đùa! Cô đang là người thuộc về thế giới tâm linh … cô biết rõ hơn ai hết, đừng nói là học hỏi! làm cho người địa cầu này mắc cở! Bất quá thì tôi vâng lời mà trải cái biết hạn hẹp của mình ra để chờ được bổ xung. Chẳng hạn như theo Hán Việt từ điển thì bảo đó là “trí tuệ có ở trong lòng người ta”. Riêng tôi thì nghĩ: “tâm” là lòng rồi! Linh là cái biết vượt lên trên cả những cái mà trí tuệ có thể hiểu hay nghĩ tới được, vì nó đi với chữ “mẫn” được hiểu ngầm, nên cứ gọi nó là sự “linh mẫn”. Hiểu như thế thì “con người tâm linh” là con người không có gì khác ngoài một tấm lòng chỉ biết có yêu thương và một trí tuệ thật linh mẫn (không còn thể xác nữa, nếu muốn dùng lại từ “con người”). Từ đó ta hiểu “thế giới tâm linh” là nơi của những con người tâm linh.

– (Th): Phụng, nói đi!

– (P): Em nghĩ tâm linh là thế giới cách biệt với người còn sống. Tuy gần mà xa, xa mà gần.

– (Th): Mời cô (tức nhà tôi)

– (H. Tr): Tôi nghĩ cách đơn giản: Tâm linh ở ngay trong lòng người ta. Mình nghĩ tới thì đã có ngay ở trước mặt mình rồi!

– (Th): Mẹ thì con cho miễn! Chú nói thì hay quá! Cô nói cũng rất có ý nghĩa! Còn Phụng thì quá đơn giản! Cháu xin đóng góp thêm: Hai chữ tâm linh rất dễ mà cũng rất khó! Vì còn tùy cái cách ta hiểu và cái cách ta làm. Nó có thể là một hiện tượng ở trong trái tim, khi ta nghĩ đến một người. Một là “yêu thương” họ, Hai là “hối hận”, vì đã làm điều gì khiến họ buồn, Ba là “nhớ nhung” vô cùng, mà không thể gặp, chỉ suy nghĩ đến thôi, thì cũng gọi là “tâm linh”. Còn hiện thực như cháu đang nói chuyện đây, mà mọi người không thấy cháu, thì cũng là “tâm linh”. Cũng rất gần mà rất xa, xa vì không thể nhìn thấy, gần là vẫn có thể làm một cái gì cho nhau được. Ví như cầu xin Chúa cho cha mẹ, cho gia đình, cho thân nhân, và ngay cả chuyện ta nghĩ là Chúa nhận lời mặc dù ta không thấy Ngài, cũng gọi được là “Tâm linh” … Cháu không biết đúng hay sai ?

– (Tôi mỉm cười) Cứ cho là cô đúng đi! Vì cái “nguyên lý” tuy xa mà gần, tôi mới hỏi cô: Vậy cứ mỗi lần tôi nghĩ tới cha, mẹ mình, hai em của mình, hoặc những thân nhân họ hàng … trong TGTL thì họ có biết không ?

– (Th): Cháu đã thưa là “Họ hiểu hết, biết hết!”. Chỉ có điều là họ không về, hay không nói đến tai ta được mà thôi! Song chính vì thế mà ta mới nhớ đến họ, nghĩ tới họ luôn!

  1. Hãy ghi rõ điều này: Mất lòng Chúa vô cùng mà cứ như không biết!

– (Th): Có điều này … chú có muốn biết không ?

– (T): Dạ, dĩ nhiên là có chứ!

– Chú hãy ghi cho rõ phần này nhé! Cho dù chỉ là phiếm luận thôi! Nhưng cháu nghĩ có thể nhiều người vẫn còn lầm! Chú nghĩ đi, khi ta còn sống thì chỉ khác LH người chết ở chỗ là ta còn cái “vỏ”. Chú có đồng ý không ?

– Tôi đồng ý!

– (Th): Có một số người mắc lỗi công bằng khi thấy cha mẹ già, có bịnh nặng, thì họ lại muốn cầu xin Đức Mẹ “rước” cho lẹ! Điều này làm Chúa buồn! Chúa cho người thân của mình, nói chung không phải cứ là cha mẹ, có thể là vợ, chồng, hay bất cứ người thân mà mình có nhiệm vụ. Sống thì thứ Nhất là “VUI”, thứ Hai là “đền tội” (Phải hiểu theo nghĩa cho mình: Cơ hội để cho mình được phục vụ). Khi Chúa chưa cất đi, tại sao ta lại muốn xin Chúa điều mà Chúa chưa muốn ? Đấy là phạm tội trọng!

– (Th): Đó là Điều Một, còn điều Hai: Có một số người giả nhân, giả đạo đức, cứ nghĩ là mình đã làm nhiều việc cho nhà thờ, cho hội đoàn, cầm Thánh Giá, mặc áo lễ cho cha, nhưng về nhà phạm lỗi yêu thương, thì cũng vô ích trước mặt Chúa. Vậy theo chú nghĩ cách đơn giản nhất là ta phải làm sao ?

– (T): Yêu thương, bác ái như Chúa đã dạy!

– Chú nói đúng! Nhưng mà nói thì ai cũng nói được, mà thực hành thì lại rất khó! Khi mà ta va chạm vào thực tế, ngay ở trong nhà, chứ chưa nói đi ra ngoài, phải không ?

– (T): Thì phải tập!

– Tập cách nào ? Chú có giờ viết hay phác họa kế hoạch về vấn đề này bao giờ chưa ? … À, cháu xin lỗi đã đến lúc cháu phải đi rồi! Cháu cám ơn cô chú, hôm nay vui quá! Xin hẹn gặp lại cô chú vào dịp khác!

– Cám ơn và chào cô nhé!

(Phụ chú: Sau này tôi có kinh nghiệm rằng: Cứ tới giờ ăn cơm trưa là cô Thủy bảo “cháu phải đi” vì đã thành lệ, nên tôi biết là không phải cô bận chuyện gì! Xem ra LH cũng giữ phép lịch sự lắm, không để người này hay người khác vì mình mà phải chực chờ bữa ăn! Thí dụ như chúng tôi đang nói chuyện thì có thể quên đi thời gian, nhưng ngoài ra còn con hay cháu có thể nó đang chờ).

NGÀY 22 THÁNG 4 NĂM 2005

(Câu chuyện chỉ riêng hai mẹ con bà Quý)

  1. Lại chuyện có liên quan đến việc ngồi “cơ”.

– Mẹ hỏi con đi cơ và nghe cơ có phải xuống hỏa ngục không ?

– Con cho mẹ biết: Con được Chúa cho phép tìm một người nói cho mẹ hiểu, nên con nghĩ đến chú Tâm, nên con trình lên Đức Mẹ; Nhưng Đức Mẹ đã biết trước chuyện con xin. Do đó Đức Mẹ đã an bài cho chú và gia đình qua Melbourne. Nhưng làm sao cho chú biết mà lắng nghe và học hỏi. Con lại phải xin điều này, chỉ có Chúa mới làm được và Chúa đã cho con đi tìm một người nào (Linh hồn) đang khao khát được đến với Chúa, mà người ấy thuộc gia đình của chú, thì may mắn con được Thánh Linh chỉ dẫn, qua việc chú xin được gặp em chú – Một linh hồn rất ao ước, muốn được Chúa xét – Vì nhà cứ nghĩ “tu” là được ơn nhiều hơn người khác, và con đã được phép dẫn về. Chính chú Thúc Trường Linh đã được nói lên ý nguyện của mình cách trực tiếp.

Con cũng được Chúa cho thêm ân huệ, là làm cho anh Dũng (còn gọi là Hùng Phi) được Chúa thương xót, để khỏi sai lầm về tư tưởng (Trước đây anh cứ lý luận: Chúa ở khắp mọi nơi, thì cứ gì lại phải đến nhà thờ. Anh luôn bảo: Đạo tại tâm, tôi có kính Chúa ở trong lòng là được rồi!), để chị Giang và mọi người trong nhà biết đến Chúa nhiều hơn! Còn anh Dũng đến với Chúa bằng cách nào thì mẹ đã thấy và đã hiểu! Con khỏi phải nói lại nữa!

Còn việc chú Tâm bây giờ, con cho biết: Những gì chú ấy hỏi về tâm linh trong lãnh vực giới hạn “chỉ khi nào chết mới được biết”, thì con phải xin phép “có được phép nói mới nói”. Chứ không thì con cũng phải lo cho con. Nếu con làm sai, thì con cũng phải bị phạt! Vì thế, người “chuyển ý” là mẹ, người được nghe cũng là do Chúa chọn. Con nghĩ mẹ không hiểu lắm đâu khi con bảo “người được nghe” thôi, làm gì mà phải cần Chúa chọn! Đúng vậy! chỉ có người “tu tâm và động ý” thì mới hiểu và tin con nói! Con biết thế nên phải thưa với Đức Mẹ để người tìm.

Con nói xong, con xin phép được đi!

– (B.Quý hỏi lại ngay, trước khi cô ấy đi): Nếu con Giang nó vào trình cha xứ, rồi cha xứ hỏi mẹ, thì mẹ nói sao ?

– Cha hỏi thì mẹ cứ nói chị Giang sai, vì đây là “khoa học về tâm linh” ở VN vẫn chơi! Sa Hỏa ngục là khi nào nói và làm sai ý Chúa, để Chúa buồn, thì dù có đọc kinh, làm việc lành cũng còn sợ Chúa quên (nếu những tội của mình nặng và lớn hơn)! Còn chơi “cơ” để thảo luận những việc làm cho Chúa vui … thì Chúa không buồn! Không giận! và ta cũng được “VUI”. Chỉ khi nào lợi dụng làm điều tội lỗi, thì dù chẳng chơi cơ, cũng phải xuống chỗ tối tăm! Con đã nói rõ ý! Con xin đi!

(Mảnh giấy này chị Quý tự ghi và đưa cho tôi. Bà bảo: Câu chuyện khi đọc lại thì rất ngắn, nhưng mà mình vừa hỏi, vừa nghe nó nói, rồi vừa phải viết xuống thành ra rất lâu, nên nó cứ đòi chạy!).

 

09 giờ 05 tối, Thứ Bảy Ngày 23. 4. 2005

  1. Giống như Chúa dạy: “Phải thi hành Lời Chúa, chứ không phải cứ nói bằng miệng “Lậy Chúa, lậy Chúa …”

– (Th): Cháu chào cô chú, mẹ! Cô chú, mẹ đi họp có vui không ?

– (T): Đi họp vui, cô!

– Chú biết không, đây là cháu mượn ý của chú để mẹ cháu thực nghiệm, nghĩa là thế nào là tình yêu thương. Hôm Chúa Nhật vừa qua trong phiên họp, có một ông cứ nói như là bảo mình sai (cô Thủy không dùng chữ “chú”, mà dùng chữ “mình” theo tôi hiểu là “người cùng phe”). Chú có nhận ra không ?

– (B. Quý): Con nói ông nào ? Ông chia sẻ Phúc Âm, hay là cái ông ngồi sau Chú Tâm ?

– (Th): Cháu nghĩ chỉ là vì ông ta không chịu suy xét, mà cứ chỉ sợ bị thua lẽ! Nhưng ở đây cái điều cháu muốn nói là: Cách sống trong Dòng là phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện … Thế mà mới đó mà đã “hơn, thua”; Chút xíu gì cũng “hơn, thua”. Mẹ nghĩ đi! Cứ nói là sống theo Phúc âm; Sống Lời Chúa!

Chú này … Cháu sẽ đưa ra cho chú một ý rất đơn giản để chú suy nghĩ. Ở nơi công chúng nói chung, hoặc trong một tập thể nói riêng, khi ta phải nói ra một điều cần phải nói, thì chú có nghĩ là khó lắm không ?

– Tôi nghĩ trước hết là mình nên lắng nghe, để biết cái “ý” của quần chúng mình vừa hội nhập đã, kế đến xem xét tình hình như thế nào ? … Bất đắc dĩ và cần thiết lắm mình mới nên phát biểu.

(Ghi chú: Đây là hội đoàn mà tôi mới gia nhập thôi! Đối với tôi mọi sự còn rất là xa lạ, nhưng hình như tôi có cảm nghiệm là cô có thể là thay Chúa, Đức Mẹ bắt đầu huấn luyện tôi. Nói cách khác, tôi cứ thường xin được làm “khí cụ bình an của Chúa”, thì hình như Chúa bắt đầu mài, dũa khí cụ chăng? Giai đoạn này thật sự là tôi rất thụ động, đi họp, đi hành, không có nói gì! Coi như “kệ”, ai muốn nói gì thì nói! ).

 

  1. Giống như Sứ giả đi thuyết phục. Dụng cụ được mài dũa. Mình là con hay là tôi tớ của Chúa? Tôi rất vui khi được Đức Mẹ chọn làm khí cụ bình an.

– Cháu xin đưa ra một điều mà cháu nghĩ là rất đơn giản: Tại sao ta cứ nghĩ là hễ cha nói thì tất cả cứ phải nghe dù có “lỡ” sai ? Chú có nắm bắt được điều này không ? Và theo nhận xét của chú thì như thế nào ? Chúng ta tham khảo cho vui!

– Tôi nghĩ, đó là yếu tố tâm lý quần chúng phải lắng nghe người trên. Ngày nay con cái ảnh hưởng văn hóa phương Tây, chúng sẽ phản ảnh ngay cái điều cha mẹ hay người lớn sai lầm. Ngày xưa thì không được phép! Giáo dân VN (lớp người cũ) vẫn còn có sự tôn kính đó đối với các cha. Ngay như trong thời buổi này, tại Sài Gòn là nơi trình độ hiểu biết của quần chúng có lẽ không thua người dân thị thành ở các nước Tây phương nhiều lắm, thế mà một ông cha theo Cộng Sản, lại có vợ, có con, đa số mọi người đều biết chuyện, vậy mà nhà thờ của ông LM đó vẫn cứ đông giáo dân như thường (dù tác giả không nêu danh, ở thời này có nhiều người biết ông cha đó!). Đó có phải yếu tố tâm lý không ? Nghĩa là Bề trên nói, thì bậc dưới cứ phải nghe, thì mới gọi là có tôn ti trật tự, hay là một thứ luân lý cố định ?

– (Th): Cô có ý nào thêm vào cho vui?

– Tôi thì nghĩ là các cha chuyên về rao giảng Lời Chúa, lại đã học thần học thì chắc chắn là đúng!

– (Th): Cháu nghĩ các cha hay ta cũng là con của Chúa, nhưng có sự phân biệt là các ngài “cứ gọi” là học cao, còn ta thì không học. Các ngài hy sinh những sự vui thú ở đời. Điều đó đối với ta, là một ưu điểm cho các ngài. Thế nhưng có phải vì thế mà ta không dám nói mình là con của Chúa như các cha ? Và chỉ nên xưng là tôi tớ thôi không? Theo cháu thì ngoài các điều cha phải tuân theo, thì cha cũng giống ta thôi! Một là “chịu” nói; Hai là lo làm các việc lành; Ba là khuyên, hoặc an ủi người ta. Cháu nghĩ những điều này thì ta cũng làm được, chỉ khác là không tu thôi! (Tôi có mỉm cười, chắc là cô ấy biết!). Thế nào, chú có ý nghĩ giống cháu không ạ?

Chú nghĩ đi, ta cũng có biết bao nhiêu điều cần phải nói chứ ? Cũng như sách báo từ bây giờ, rất nhiều các loại sách ra đời! Ca tụng cũng có, mà phản bác cũng có! Cháu nói là các cha đi tu hơn mình ở chỗ chịu thiệt thòi mọi điều vui thú. Nhưng mục đích dẫn giải, và làm cho mọi người đến với Chúa, bằng những tư tưởng không bị lệch lạc, sai lầm, thì ta cũng có thể làm được, tại sao lại phải băn khoăn, lo lắng ? Cháu thêm ý là các cha nói thì còn phải cân nhắc, đắn đo, còn ta nói thì … vô tội vạ! (Tôi cười) Đấy là cháu nói cho vui, chứ cháu biết chú cân nhắc kỹ lắm! … kỹ đến độ thôi không nói nữa … phải không ?

Cháu cho chú biết đây là lúc “màn sắp mở” rồi! Cháu ví dụ chú như là một “diễn viên”. Sau này “diễn viên” còn có cơ hội phải đi khắp nơi … lưu diễn. Đây là chuyện chưa đến, và cũng có thể gần đến, hay sắp đến … nhưng cháu biết chú còn ngại, nên cháu nói ví dụ xa gần. Khi mà chú gặp thời cơ phải làm “điều” gì đó, thì chú cứ nghĩ là ta chỉ khác cha là “không mặc áo”. Còn những điều gì mà Tâm linh cho biết ta phải làm sao, và làm như thế nào … thì hôm nay, cháu cũng chỉ như nói trước một chút thôi!

Chú có muốn cháu học chung với chú về các mặt: Đời, văn học, Đạo đức học, Tâm linh học   không ạ?

(Chú thích: Tất cả các buổi nói chuyện tôi ghi bằng bút trên những cuốn tập, vì đối với tôi, việc ghi chép bằng bút đã quen, nên nhanh hơn đánh máy. Sau này khi tôi ngồi đánh máy những trang giấy này lập thành những files (tức 6 tới 10 năm sau), tôi mới thấy sợ: Quả đúng như cô nói, mọi việc nó cứ tuần tự tới: Từ việc đi nói năng về Chúa, về Tin Mừng, về Linh đạo cho tới các vấn đề về Huấn đức, tu đức cho các anh chị em. Rồi tự mình (nói theo cách tự nhiên), chứ tôi biết là có “Tâm linh” giúp các việc biên soạn, sáng tác, học hỏi, nghiên cứu các mặt như cô ấy vừa đề nghị ở trên, nó cứ mở ra cho tôi, và tôi vùi đầu vào bất kể thời gian, bất kể ngày tháng. Bỏ làm vườn, bỏ mọi chuyện, kể cả không có thời gian chạy bộ, thể dục! Có lẽ các thứ tài liệu nó cứ theo trình tự mỗi ngày được cô ấy đùn lên cho tôi (?) trên máy Computer, trên những sách vở cổ điển … làm tôi cứ như là đi vào “mê hồn trận”. Hễ tôi cần phải viết cái gì, hoặc soạn tài liệu để trình bầy bất cứ vấn đề gì, thì mọi chuyện như có người sắp đặt, và cung ứng cho tôi đầy đủ. Nhưng mà thời gian phải học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi chiếm nhiều hơn, và cô ấy đã bảo trước, mà mình không để ý! Chính cái lúc ngồi đánh máy lại mới thấy tường tận các sự việc “Chú có muốn cháu học chung với chú về các mặt không ạ?”).

– (T): Tôi rất thích được cô góp ý cho, thí dụ như hôm trước, cô đang góp ý tới vấn đề “yêu thương, bác ái”. À … nhưng vừa rồi, lúc cô nói mấy chữ “con”, với “tôi tớ” thì tôi chợt có ý nghĩ: “Các LM là những người con ưu tuyển của Đức Mẹ”. Thực ra mấy chữ này tôi cũng chỉ mới đọc được ở trong cuốn sách nào đó thôi! Còn mình, theo Phúc Âm tuy là những đứa con hoang đàng, chỉ muốn trở về được cha nhận cho là “tôi tớ” trong nhà. Song cha đã không bắt phải làm như vậy, mà vẫn khoan dung, ôm mình vào lòng và gọi là “con của cha” … Do đó tôi nghĩ, dù không “tu” mọi người vẫn đều là con cái của Chúa hết!

– (Th): Chú nghĩ phải! Chỉ vì ta xét mình chưa được hoàn hảo, có nghĩa là ta sợ, nên tự mình không dám xưng là con, chứ thật ra Chúa không có phân biệt!

  1. Vẫn cứ “hy vọng” và cầu nguyện cho người tự tử! nhưng phải tích cực hy sinh bằng việc làm. Và mọi sự tùy thuộc vào Chúa xét chứ không phải rằng đây là “cái giá” có thể mua được!

– (T): Cô Hợp (L.Bích) có nhờ tôi hỏi cô: “Xin chị chỉ cho có cách nào hữu hiệu để gia đình cố gắng giúp cho chị Thanh được Chúa xét ?” (Trường hợp của LH cô Thanh đã được nói tới trong số 55 về cái chết của cô, và hình phạt cô phải chịu).

– (Th): Cháu cho chú hay, chị Thanh là người đã biết Chúa, vì gia đình không những có đạo mà còn siêng năng nữa! Chị ta chỉ vì nông cạn mà tự hủy mình, “điều” Chúa đã nghiêm cấm không được phạm. Song cũng còn cách duy nhất là “Ơn Cứu Chuộc”, chỉ cho LH này, may ra được Chúa xét lại!

– Xin nói rõ cách thức để làm.

– Phải nuôi một bà sơ, hay một ông cha “tương lai”, mà người đó thật nghèo! Chú nói hộ cháu là cháu chỉ góp ý thôi, còn có được Chúa xét hay không thì cháu cũng chưa dám hứa! Nhưng làm được việc này để đền tội cho chị Thanh, thì cháu nghĩ là có cơ may được Chúa xét lại.

(Vì cô Hợp chưa đi nên khi nghe vậy thì cô tới hỏi thêm):

– Trước mắt em không biết bà sơ nào nghèo, nên thay vì bà sơ, gia đình em đang giúp thày Phú, thế vào được không?

(Gia đình Phụng và mẹ là b. Quý, đang giúp đỡ tiền bạc cho một người tu làm LM, cũng cho một ý chỉ riêng)

– Chị cho em biết, vì khi trước em có nói với mẹ là: Việc cháu Sách, phải xin ơn Đức Mẹ, vì mẹ mình có xin là nếu được thì sẽ giúp một cha. Chị biết mẹ nghèo nên mới khiến cho Phụng và em cùng hợp tác. Còn việc giúp cô Thanh, chị nghĩ “Ơn Cứu Chuộc”, nói cách khác “Xin Chúa một ơn đặc biệt” cho một linh hồn trong một “tình trạng quá ư thê thảm”, thì cần phải “hy sinh cách đặc biệt”. Chị nói ít, mong em hiểu nhiều. Muốn cứu người chết đuối, phải nhảy xuống nước liền, hay đứng trên bờ, cò kè bớt một, thêm hai ? Đợi khi nào mình ít thiệt thòi mới cứu hay sao ? Chị thấy bây giờ chỉ có ở VN, trong chế độ CS, mới có chuyện: Bệnh nhân phải trả tiền trước, thầy thuốc mới chữa, hay nhà cháy, mà lính cứu hỏa cứ đứng ra giá, chờ chủ nhà ưng trả tiền mới xịt nước! Chị cũng có ý nghĩ này là: Giúp cho một người nữ hoàn cảnh khó khăn, nhưng lại muốn đi tu, thì thường họ nhớ ơn lắm! Sơ biết mình không thể làm lễ như cha, nên về phần cầu nguyện lại rất siêng năng. Nếu như họ không kể ngày đêm, bất cứ lúc nào nhớ tới là cầu nguyện như Thánh Catarina, thì lại được Chúa nhận lời hơn! Em cứ nghĩ đi, các bà sơ chỉ có cầu nguyện và cầu nguyện ở khắp mọi chỗ: Nơi làm việc, trong nhà nguyện, lúc dâng lễ, cũng như trên giường ngủ, thì hơn các cha nhiều, đó là lợi điểm, chúng ta cần lưu tâm!

– Cám ơn chị!

(Cô Liên cũng đã đi khỏi. Trong đoạn trên có việc gia đình Phụng giúp đỡ một tu sinh, để cầu xin cho một đứa cháu gái tên “Sách” ở VN, có thể thuận thảo cho việc qua sống ở Úc, và điều này, lúc tôi đang đánh máy ‘năm 2011’ thì đã được thành công!).

 

  1. Trên Thiên đàng, Các Thánh có Phân biệt cao thấp không ? Sao nhận ra ? 

– Chú có gì hỏi tiếp đi!

– Thay đổi không khí một chút … Tôi muốn hỏi: Thiên thần với loài người khác nhau. Vậy các thánh trên Thiên đàng và các thiên thần có gì khác nhau, hoặc ngay như các thánh với nhau, có gì phân biệt cao thấp không ?

– Chú biết không, có lần cháu đã nói chú biên rồi! Song, cháu cũng xin nói thêm là Chúa công bằng: Khi ai chưa được nhìn thấy Chúa thì còn ở chỗ tối. Khi đã được Chúa xét thì được ở chỗ đặc biệt như cháu vẫn nói, và mọi người đều giống nhau. Còn như các Thánh cũng rất đông. Các ngài ai nấy đều có việc Chúa cho làm. Dẫu làm việc, mà vẫn thấy được Chúa thường xuyên. Nếu như ta may mắn mà được nhìn thấy Thiên đàng trong giấc mơ, rồi lại được chiêm ngưỡng các Thánh, thì tuy rất huyền ảo, nhưng mà vẫn có sự sắp xếp, và vẫn có sự khác biệt trong cõi hằng sáng.Thật khó mà diễn tả, song cháu tạm ví dụ như ở trần gian, khi ta tới một chỗ mà các vị có chức, có quyền hội họp, bàn bạc chẳng hạn như Tổng thống, các thống đốc, tướng lãnh v.v… Cứ đứng ngoài nhìn vào cũng biết ai lớn hơn ai, thì ánh sáng cõi hằng sống cũng cho ta biết có sự phân biệt giữa thánh này với thánh nọ. Chú ráng làm sao ở cõi tạm này, lo làm đẹp lòng Chúa, khi được Chúa cho đến bên Ngài thì chú sẽ biết liền! Rất dễ!

(Còn tiếp)