Vẫn thứ ba, ngày 14 tháng 8 năm 2012

Buổi nói chuyện với cô Thủy tại nhà Phụng & Uyển

(Trả lời câu hỏi của số 680. Linh hồn thấy nhau ra sao, nếu không phải là một khuôn mặt?)

– (Th)): Người … cháu mời về tiếp cô chú với mẹ … đã đến, cô chú nghe xem là ai nhé!

  1. LH khi được Chúa cho vui, đẹp hơn bất cứ cái đẹp nào bằng xương bằng thịt ở đời.

– (Khách mời): Em đây! Anh chị có khỏe không? Em đã lâu không có phép được về vì rất bận. Hôm nay em được phép và có người mời về để làm nhân chứng, chị có tin không?

– (HTr): Chị tin chứ! Không những tin mà còn biết là chú Trường Linh nữa cơ!

– (TrL): Chị đoán đi, nếu như chị thấy được em đang hiện diện ở đây, thực sự thì em đang đứng trước mặt chị đây nè, em nhìn chị rõ lắm! Còn chị nghĩ ra em với hình dáng thế nào?

– (HTr): Chị tưởng tượng ra con người em như dạo em xuống chơi ở Mỹ Tho ngày xưa.

– (TrL): Trẻ hay già? Anh đoán xem! nếu như anh nghĩ tới một hình ảnh xanh lè, bê bết máu? (chú bị bắn chết, quí vị đã gặp trong TGTL bộ I. Tr. Linh tiếp): Còn bác Quý thì sao, bác có nghĩ là có một bộ xương không thịt da, với một hàm răng trắng nhỡn, và hai hốc mắt?

– (BQ): Tôi nghĩ vậy thật!

– (T): Không, anh không muốn nghĩ hình ảnh em trong cái ngày u ám đó nữa! Từ lâu anh đã cố quên cái hình ảnh đen tối đó đi rồi! Em biết không, dạo ấy, sau khi em chết, người ta bắt bọn anh, dong về ở tạm trong một cái “buôn” giữa rừng của dân tộc Lào. Anh thương và nhớ em lắm! Anh luôn nghĩ về em bằng một hình ảnh đẹp nhất: Không xanh lè, cũng không một vệt máu! Một thanh niên mười tám, hiền từ, cũng điển trai và ưa có nụ cười dịu dàng. Đó là hình ảnh của lần cuối cùng em đi Mỹ Tho thăm chị và các cháu, dĩ nhiên là có anh, nhưng anh em mình còn gặp lại nhau, và còn ở cùng nhau cho tới gần biên giới Lào và sông Mê-Kông – nơi chúng mình trực chỉ Thái Lan – nhưng rồi những ngày của định mệnh đã đến.

– (TrL): Những điều anh kể em đều biết! Em còn biết anh khóc em nhiều ở trong lòng! Song tất cả đều không còn gì hết! Có chăng là hình ảnh trong lòng những người thân. Em bây giờ chỉ có phần linh hồn, đó là phần tâm linh Chúa cho không bị hư mất! Em cho bác Quý và anh chị biết: Khi mà LH được Chúa XET, thì tất cả lại trở về như cũ, nhưng không phải như cũ. Anh phải suy luận, chứ ai chưa chết thì nói thế nào cũng không thể tưởng tượng ra được!

– (BQ): Tất cả trở lại như cũ, thì có bằng xương, bằng thịt không?

– (TrL): Xin thưa với bác, hình ảnh mà Chúa cho thì rất là mầu nhiệm, ngoại trừ những LH bị quỉ giam giữ thôi, còn các LH khi được Chúa cho vui, được gặp các Thánh, thì ai cũng được trở lại với hình dáng mà Chúa cho.

– (T): Hình dáng Chúa cho là hình dáng thế nào?

– (TrL): Vì anh chưa chết, thì em tả thế nào anh cũng chẳng thể tưởng tượng ra được! Hình ảnh mà các Thánh, các LH thấy được, còn tùy thuộc vào việc làm của mình lúc sống ở đời. Tôi nói để bác Quý biết là hình ảnh mình khi ấy đẹp hơn hình ảnh mình lúc chết cả triệu triệu lần, thì biết rằng bất cứ cái đẹp nào bằng xương bằng thịt ở đời, cũng chỉ là con số không! Anh chị biết không, điều mà người sống không có thể biết được, là LH nào cũng có hào quang đủ sắc mầu phát ra quanh mình. Hào quang có thể giúp cho ta phân biệt được thế nào là một LH khi sống đã thể hiện lòng yêu thương nhiều hay ít, đối với tha nhân. Còn nếu như anh muốn sau này đến trước mặt Chúa mà tươi đẹp, thì anh hãy mau mau làm điều mà Chúa, Đức Mẹ trao phó! Chúc anh thành công! Em đi! Em chào chị và chào bác.

(Liên tưởng: Hôm nay nghe em Trường Linh nói khá rõ, khiến tôi nghĩ ngay tới câu của cha Quy, chú tôi nói hôm trước là mặc dù đã được Chúa cho vui, mà vẫn thấy nuối tiếc, hay là ân hận. Tôi nhớ chú tôi bảo khả năng của chú khi sống ở đời, có thể giúp cho những người nghèo đói nhiều hơn, nhưng lại đi lo xây nhà thờ cho to, cho đẹp! Chú tôi tiếc là vì thế!).

– (T): Cám ơn cô Thủy đã xin phép Đức Mẹ cho chú Tr. Linh về nói chuyện. Chú ấy nói cũng khá rõ, tuy nhiên tôi xin hỏi khi chú Tr. Linh gặp cha Qui, thì hai người có biết nhau ngay không, hay phải hỏi Thiên Thần bổn Mạng mới biết được?

– (Th): Cháu nói thế này có thể chú hiểu, nhưng mẹ cháu thì không, rằng đã gọi là “Tâm Linh”, thì ngay cả trực giác, lẫn giác quan thứ sáu đều không thể sánh được! nhưng không còn từ nào để diễn tả nữa! Chính sự mầu nhiệm của tâm linh mà Chúa tác thành, làm cho LH nhận được nhau. Cháu lại cho một thí dụ khác: Mỗi lần cháu đi tìm cha Bửu Diệp, hay kiếm Thánh Antôn, cháu chỉ cần nghĩ tới vị nào, thì họ có ngay trước mặt.

– (BQ): Có nhìn thấy mặt như ở trần gian không?

– (Th): Con cho mẹ biết, khi mẹ nghĩ tới người thân thì phải nghĩ tới mặt mũi của họ. Riêng các tổ tiên, thì họ phải tìm mình và phải xin phép! Chú Tâm thì phải hiểu theo cách cháu vừa nói với chú đấy!

– (T): Tôi hiểu rồi! Tôi không hỏi thêm nữa đâu! Mọi sự ở trần gian đều bị ràng buộc ở luật tương đối. Muốn đi tìm sự hiểu biết, hay có được cái nhìn tuyệt đối, Tôi phải trở về lúc đầu câu chuyện, để nghe Chúa bảo: “Ta đón con về, thì con sẽ biết ngay!”

 

  1. Trong lúc còn sống ở đời, cứ hễ cho đi càng nhiều, thì linh hồn sau này về chỗ Chúa, Chúa cho càng đẹp.

– (Th): Hôm nay chú Trường Linh về, cô chú có vui không? Chú ấy có để lại lời khuyên, ta nên theo đó mà làm! Cô có nắm được vấn đề cốt yếu không ạ? Chứ mẹ cháu thì cháu không chắc là cụ lọc ra được cái hồn của câu chuyện. Mẹ cháu chỉ quan trọng là có còn thịt với xương không thôi! Cho nên cháu bảo bà nên thiêu gửi cốt vô nhà thờ bà chẳng chịu! Xin mời cô chia sẻ giùm!

– (HTr): Tôi nghĩ chú ấy hiến kế cho ta là: Trong lúc còn sống ở đời, cứ hễ cho đi càng nhiều, thì linh hồn sau này về chỗ Chúa, Chúa cho càng đẹp. Đẹp đây là cái đẹp của sự sáng muôn màu, muôn vẻ. Chứ không như cái đẹp trần gian đã không sao sánh bằng, lại mau qua và chóng tàn!

– (Th): Cô nói quá trúng rồi! Cô vừa rút gọn lại cũng vừa kết luận thế, thì mẹ cháu cũng dễ nhớ!

(Ghi chú: Cô Thủy có vẻ như hay mượn mẹ mình, để gửi tới các bạn trẻ từng thông điệp ngắn gọn và dễ nhớ đấy! Tôi để ý thấy bàng bạc trong TGTL ngụ ý này. Qua cô Thủy – người Sứ giả của Đức Mẹ – tôi thấy Đức Mẹ muốn và kích thích chúng tôi bằng nhiều mặt thực hiện chương trình này, mục đích đều là nhắm vào thế hệ trẻ các bạn là chính, dĩ nhiên là bản thân tôi và những người cộng tác về bất cứ phương diện nào, cũng đều được hưởng lợi, vì không khác nào chúng ta cùng ngồi trong một lớp học, mà thầy dậy chúng ta trực tiếp là chính Đức Mẹ – Người Mẹ Yêu dấu của chúng ta).

 

  1. Thiên cơ bất khả lậu, nhưng cũng có cách nói, mà không lỗi luật Chúa, trái lại còn được Chúa cho thêm điểm.

– (T): Tôi muốn hỏi cô một điều nữa, không biết cô có còn thời gian cho không?

– (Th): Nếu cháu đang sống ở đời, thì cháu phải coi giờ!  …  Cháu giỡn chơi thôi! Chú hỏi đi!

– (T): Tôi không có ý hỏi về tương lai, vì biết tương lai thuộc về “Thiên cơ bất khả lậu”, tôi chỉ muốn biết các linh hồn có khả năng Chúa cho thấy được tương lai người trần nói riêng, và cộng đồng nhân loại nói chung không?

– (Th): Cháu hỏi chú cái này: có một ông tiều phu đang đứng giữa một con đường chia không gian làm hai phần, một bên là rừng, bên kia là sa mạc. Tiều phu là người đi đốn cây về làm củi. Chú nghĩ có khi nào bác tiều phu nhà ta bỏ rừng mà đi vào sa mạc kiếm củi không? Cháu nghĩ không ai dại gì biết cái việc phí thời gian, không thu được kết quả gì, mà lại cứ làm! Chú đã biết là “Thiên cơ bất khả lậu”, thì biết làm gì chuyện các LH có biết tương lai người ta hay không? Thí dụ cháu cứ nói rằng biết, chú cũng đâu nỡ muốn để cho cháu bị phạt … đúng không? Tuy nhiên, cũng nói chuyện tương lai, nhưng mà nói điều Chúa cho phép thì nên nói. Sống trên đời chú cũng có thể làm được như thế mà!

– (T): Làm sao tôi biết tương lai của người ta mà cô bảo tôi cũng làm được! Cô dạy tôi làm nghề thầy bói đi! (Tôi cười).

– (Th): Chú không cần làm nghề thầy bói! Cháu cũng không có nghề đó làm sao chỉ chú được! Ở đây, dẫu như cháu đoán được cháu cũng không được phép nói, mà chỉ cho một lời khuyên thôi! Cháu thí dụ, chú mà để lộ ra chút xíu tính nóng nào, thì cháu sẽ khuyên chú tập bỏ tánh nóng đi, thì sau này sẽ được ở chỗ lạnh trong xứ nóng. Cháu thí dụ như Đà Lạt của Miền Nam chẳng hạn, hay như mẹ cháu đi thăm người bệnh thì không có phương tiện, vậy cứ ở nhà đọc kinh cầu nguyện cho các LH, để dành tiền cho những người kém may mắn, bất cứ ai làm điều khiến cho mình không vui, mình cũng cứ quên đi, thì có hy vọng rút ngắn ngày về bên Chúa! Cháu nghĩ việc như vậy, chú có thể làm được! Đó cũng là một cách nói tương lai, mà không lỗi luật Chúa, trái lại còn được Chúa cho thêm điểm! Đã tới lúc cháu phải đi rồi! Cháu hẹn cô chú, mẹ vào dịp khác … Vui!

 

Thứ hai, ngày 15. 08. 2012 lúc 8.30 pm

Nói chuyện với chị Thủy tại nhà Hợp

  1. Người sống mà có tội với Chúa, khi xin lễ thì linh hồn người thân có được tha không?

– (Th): Con hôm nay đang muốn hỏi có khi nào mẹ thắc mắc về tâm linh không?

– (M): Mẹ hỏi cái này Thủy, nếu người sống mà có tội với Chúa, khi xin lễ, linh hồn người thân có được tha không?

– (Th): Con nói cho mẹ hiểu, chuyện mà xin lễ thì người đại diện là cha, người trực tiếp dâng lễ cầu xin với Chúa dĩ nhiên là tốt lành, có sao đâu! Mẹ nghĩ đi có khi nào mẹ xin bà cố hay ông trùm đâu mà sợ! Còn điều này quan trọng hơn, là ai làm lỗi thì người đó chịu sự phạt vạ về sau, mình không cần phải biết, vì không được xét đoán người ta! Tuy nhiên, nếu không phải là ta đi xin lễ, chỉ là ta đích thân cầu nguyện, thì nếu trong ta đang mắc tội trọng, thì lời cầu xin của ta, không có giá trị! vì Chúa đã bảo ta “Hãy bỏ của lễ xuống mà đi làm hòa với anh em”. Đấy là bất hòa với anh em thôi, mà Chúa còn dạy thế! Huống chi ta bất hòa với Chúa, thì ta phải đi làm hòa với Chúa trước, tức là vào tòa giải tội.

Con lại nói thêm để mẹ rõ: Trong cuộc sống, có khi ta cảm thấy mình không được đạo đức, tự nghĩ là mình cầu xin có lẽ không được hiệu nghiệm, nhưng thực ra vấn đề tâm linh thì khác, khi xin lễ cho một người qua đời hoặc ân nhân hay bạn bè, thì không có vì sự thiếu đạo đức của mình, mà việc xin lễ bị giảm. Bằng vào tình yêu thương nói chung đối với các LH, hay cách riêng cho LH người thân, các linh hồn đều có thể được vui.

Con xin nói thêm là khi ta xin cha dâng lễ cầu nguyện cho gia đình, không phải là cầu cho người chết, thì người trong gia đình không phải là đang xa Chúa, thì sự nhận lãnh ơn Chúa mới có hiệu quả. Nói rỏ ra là kẻ đang sống trong tội lỗi, thì dù ơn Chúa có xuống cho mọi người trong gia đình, nhưng chính họ đã bỏ Chúa, vì đi theo ma quỉ, thì trước kia con đã nói là kẻ úp chậu dưới cơn mưa, mẹ hiểu không? Tuy nhiên, ta cứ cầu xin cho họ, vì tin rằng sẽ có ngày họ mở lòng, nhờ lời cầu xin của ta, như thắp cho họ ngọn đèn, để họ tỉnh, hay thấy được con đường họ đang đi, là con đường khác, không phải con đường vào nước Trời. Con cũng phải nói thêm là trong Thánh lễ cầu cho người chết, Cha cũng mời gọi cộng đoàn, tức là cũng nhờ vào lời cầu nguyện của giáo dân nữa. Giả tỷ như giáo dân có người mắc tội, thì việc cầu nguyện cho người chết, đối với Chúa vẫn được, tất nhiên không thể nào bằng những lời cầu xin của những người đang sống đẹp lòng Chúa! Ngay cả việc cầu xin thiết tha, với đọc kinh cho có lệ, cũng đã khác nhau xa rồi! Chuyện hôm nay con giải thích mẹ yên trí nhé! Còn em Hợp hôm nay có điều gì cần hỏi không?

 

  1. Tại sao ta cần phải cầu nguyện cho các thai nhi?

– (H): Em chào chị, em mơ thấy có một bà đi từ ngoài cổng vào nhà em. Bà ẵm trên tay một baby, bà nhìn em. Em đang định hỏi bà cần gì, thì bà đưa baby cho em ẵm, rồi bà đi thẳng ra khỏi cổng, không nói gì với em hết. Sau đó em lại mơ thấy em đi làm về, chuẩn bị mở cửa, thì em thấy có một con rắn đang bò qua cửa nhà em. Em khựng lại, và thối lui rất nhanh, vì em sợ nó trông thấy em, rất có thể nó sẽ tấn công em. Chị chỉ giúp em hai giấc mơ này.

– (Th): Chi đi tìm một người chuyên môn đem các thai nhi về cho Đức Mẹ (sau ít giây vắng mặt, chị Thủy trở lại cho biết): Chị cho em biết vị đó là bà Thánh. Chị hỏi, thì bà Thánh bảo: Có một em bị đem ra không toàn vẹn. Chị hỏi như thế thì có cần gì phải xin lễ hay cầu nguyện, vì em bé đã bị bức tử? Bà Thánh nói: Tôi cho cô biết, tuy là vậy song có phải là cứ như thế mà được vui đâu! Vì còn biết bao nhiêu các trẻ thơ bị chết một cách thương tâm hơn nữa! Đây là tại vì cha mẹ của em bé, không muốn tiếp nhận bé, nên em bé mới bị chết. Chị nói, thưa Thánh như thế có phải là em bé vẫn phải xin ơn cầu nguyện không? Bà thánh đáp: Phải, vì có người cầu nguyện ví như thay thế cho người làm điều tội lỗi, như thế thì em sẽ được ơn đem đến cho Đức Bà. Chuyện này rất phức tạp, nghe cũng rất vô lý, em nghĩ đi một cái chết khổ sở thế mà lại không được về ngay là sao?

– (H): Em nghĩ là đứa bé vô tội, nhưng nó đã bị chết vì việc làm tội lỗi của cha mẹ nó, giống như ở đời có sự liên đới, rồi như bà Thánh nói: “Cần có người cầu nguyện ví như thay thế cho cha mẹ của em bé, vì họ làm điều Chúa giận. Có vậy thì em sẽ được đem đến chỗ Đức Bà”.

– (Th): Chị cũng phải thua em thôi, vì em nghĩ quá đúng! vậy em hãy xin Đức Bà thương cho em bé không có được thấy ánh sáng thế gian, vì tội lỗi của cha mẹ. xin Chúa thương xót cho em được về chỗ các Thánh Nhỏ. Em cầu xin vào tối thứ ba, trong vòng 4 tuần. Còn con Rắn thì đấy là một dấu chỉ, em thấy đi … Chúa cho ta biết sự dữ thì phải tránh! Đây chỉ là điều nhắc nhở mà thôi! Em cứ vui lên!

– (H): Vậy là từ nay trở đi em phải rất cẩn thận, và phải cân nhắc kỹ những việc làm của mình, có phải không chị?

– (Th): Chị cũng phải thua, em nghĩ điều gì cũng đúng cả! Hôm nay có một điều mà ta hay thắc mắc là, không biết ngày giờ nào mình chết? Chị hỏi em nghĩ sao nếu như ta không biết thì ta phải sống thế nào? Chị còn biết, hễ điều gì mà Chúa cho, thì không có sự gì trở nên khó khăn cả, ăn thua là ta có tin vào Chúa hay không?

Bản Tin nhỏ về Phá Thai tại VN:

(Nguồn: Trích từ Website Bảo vệ sự sống)

“… Sau khi theo chân tình nguyện viên nhặt xác các thai nhi bên lề đường, trước cửa các phòng khám thai tư nhân, phóng viên tiếp tục theo đến nghĩa trang Sóc Sơn (cách Hà Nội 40 km) để chôn cất các em. Nơi đó hơn 100 nghìn thai nhi xấu số không có cơ hội làm người. Các em được thu nhặt từ những phòng khám thai, cơ sở y tế nơi đó tưởng chừng như các em được chăm sóc an toàn. Vậy mà…! Tiếc thay chính nơi ấy, vô vàn chuyện đau lòng người ta từng phút giây chứng kiến những thai nhi bị vứt bỏ. Đó là một tội ác mà người ta thường khoác cho nó những từ ngữ lấp liếm như: Kế hoạch hóa, phá thai, kết thúc thai nghén bằng cách loại bỏ hay lấy phôi hay thai nhi khỏi tử cung.

Hẳn nhiên chúng ta đều biết sự sống là món quà vô giá mà Thượng Đế đã ưu ái dành tặng cho con người. Dù có tin vào Thiên Chúa hay không, mọi người đều chân nhận sự sống con người là cái gì đó rất cao quý, độc nhất và huyền nhiệm! Quyền sống hay chết của một nhân linh không thuộc về con người, nhưng thuộc về Đấng ban cho món quà ấy. Vậy mà những thập niên qua, người ta chứng kiến biết bao thai nhi bị giết hại. Dĩ nhiên các em không thể kháng cự, hoàn toàn không có tiếng nói khi người ta giết hại mình. Mong sao tiếng lương tâm của con người đủ mạnh để làm gì đó giúp các em có cơ hội mở mắt chào đời.

Phá thai vẫn luôn diễn ra trên quê hương đất nước chúng ta. Trên thế giới cũng có, nhưng tiếc rằng Việt Nam là một trong những nước đứng hàng đầu về phá thai. Không chỉ nghĩa trang Sóc Sơn, cả nước còn biết bao nghĩa trang chôn cất những thai nhi vô tội như thế. Mỗi con số là một con người, một sinh linh, đáng để ta lên án nạn phá thai”.