Thứ sáu 26. 04. 2013 lúc 9.30pm

Nói chuyện với chị Thủy tại nhà Hợp tiếp theo

  1. Ghi chú Đặc biệt.

Trong số 802, Đức Mẹ hỏi tôi hai câu: Thứ nhất, Nếu gặp khi bệnh hoạn con có nghĩ là sự khó Chúa trao, hay Chúa gửi để ta chia sẻ sự đau khổ của Chúa không? Câu hai, Mẹ hỏi chúng tôi, một ngày nào đó nếu chúng tôi đứng trước nỗi khốn khó, Mẹ tỷ dụ như mình mang tâm trạng như Chúa trong vườn cây dầu, thấy trước cuộc Khổ Nạn như vậy, thì chúng con sẽ phải làm sao? Chúng tôi đã thưa với Đức Mẹ, cũng như đã trả lời hai câu Đức Mẹ hỏi trong số 705 (TGTL.123), nên chúng tôi không muốn làm mất thời giờ của quí vị! Mà chỉ xin ghi lại đây một sự kiện mình không có thể nào ngờ, mà rồi trong Tình Mẹ Yêu Thương, Mẹ đã chuẩn bị tinh thần cho mình trước. Chuyện đó ra sao thì chúng tôi xin được chia sẻ sau đây.

* Tuy nhiên, vì sự tế nhị ở đời, chúng tôi buộc lòng phải có sự rào trước đón sau một chút, là khi viết lại một sự việc có tính cách cá nhân, chúng tôi không hề có ý muốn nói về mình, mà chỉ có mục đích chia sẻ với tất cả anh chị em, nhất là với giới trẻ, về tình Mẹ âu yếm và quan tâm tới hết mọi người chúng ta đến như thế nào. Các bạn trẻ từng theo dõi TGTL, cũng đã từng nghe biết có những trường hợp, có những cô gái chưa từng biết Chúa, có khi chỉ nghe ai đó nói thoáng qua trong đời về Mẹ Maria, thế rồi vào giây phút lâm nguy, hay trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, những người con gái ấy chợt nhớ tới Đức Mẹ – Một Đấng mình chưa từng quen biết – Nhưng trong niềm tin cậy, mỗi người trong họ, chỉ nói với Mẹ một câu bộc phát trong sự chân thành … Thế rồi, như các bạn đã nghe trong TGTL đấy! Mẹ không quên dù chỉ là một câu nói rất đơn sơ, rất mộc mạc, Mẹ đã cứu LH những cô gái chưa từng biết Mẹ một lần! Quả thực Mẹ là Mẹ của hết thảy mọi người! Chỉ cần chúng ta trông cậy vào Mẹ! Chỉ cần nói với Mẹ một lời thôi! Vấn đề là không phải chúng tôi quả quyết, mà là tự trong thâm tâm mỗi người các bạn, hãy quả quyết trong niềm tin yêu tất yếu của mình dành cho Mẹ, thì cuộc đời dù gian nan mấy, dù tội lỗi mấy đi chăng nữa, chắc chắn Mẹ giơ tay cứu vớt! Các bạn đã nghe trong TGTL từ đầu các bạn hẳn biết, cá nhân chúng tôi, chẳng có lấy một chút gì gọi là bén mảng tới hai chữ “đạo đức” người ta đặt ra trong đời! Đọc kinh đã chẳng siêng! Trong tâm tình làm việc, thì cứ bị thúc đẩy phải tiến tới, tánh nết thì cứ thường bị Sứ giả của Đức Mẹ chỉnh sửa. Cho nên, chắc Đức Mẹ dùng mình cũng nằm trong kế hoạch cho mọi người biết rằng: Ngay cả một con người kém cỏi nhất, tầm thường nhất, mà Mẹ cũng không bỏ sót, thì chẳng có ai phải đứng bên ngoài Trái Tim bao la của Mẹ cả! Ở đời có câu “Dụng nhân như dụng mộc”. Tôi nghĩ Đức Mẹ là Người tuyệt vời về lãnh vực dùng người, không ai sánh bằng!

 

  1. Sự tích câu “Dụng nhân như dụng mộc”.

Tôi tóm tắt câu chuyện một chút cho thế hệ trẻ ở hải ngoại, chứ không dám “múa dìu qua mắt thợ” đối với các bậc trưởng thượng. Các bạn trẻ thân mến! câu nói “Dụng Nhân như Dụng Mộc”, ý bảo ai mà khéo dùng người thì cũng giống như ông thợ cả khéo dùng cây. Câu này lấy trong tích xưa, ý chuyện từ trong Ngũ Kinh của Khổng Tử. Ông Khổng Tử người nước Lỗ, sinh năm 551 trước Công Nguyên. Ngoài ba mươi tuổi, Khổng Tử bắt đầu thâu nhận môn đồ, ông là người đầu tiên mở trường tư trong lịch sử giáo dục Trung Hoa. Môn đồ của ông lên tới 3.000 người, nhưng tài giỏi thì chỉ được tính là 72, gọi là “thất thập nhị hiền”. Trước đó chỉ có trường do nhà vua mở ra để dậy con em các nhà quí tộc. Khổng Tử đặc biệt mở ra một nền giáo dục đi vào quần chúng, bất kể giàu nghèo, sang hèn. Thời xưa, trường không nhất định ở một chỗ. Thầy trò đi tới đâu, dạy tới đó. Khi đó, ở phương Tây, Socrates, Aristotes dạy môn đồ cũng kiểu cách như thế. Cho đến Plato mới là người đầu tiên sáng lập Academy, ngôi trường đầu tiên của nhân loại. Còn trước đó thì cứ vừa đi vừa giảng dạy. Một ngày kia Khổng Tử và các học trò của ông dừng chân bên một bìa rừng, ngay tại nơi có một đám thợ làm rừng, có người lên tiếng hỏi: “Ở đây cây có đủ mọi cỡ, lớn cũng có, nhỏ cũng có, ta phải đốn cây nào?”. Người thợ cả dừng tay, bảo “Ngươi sao không biết suy nghĩ, phàm đốn cây ta phải cứ cây to mà đốn! Cây nhỏ cho nó thời gian để lớn, như vậy thì dù cho có bao nhiều người lấy cây, rừng cũng không bao giờ hết”. Nhan Hồi là người siêng học hơn cả trong số các môn đồ, ông nghĩ ngay tới chuyện hôm trước thầy trò đi ăn cơm nhà một ông phú hộ, ông này rất quý và kính trọng Khổng Tử, mới sai gia nhân làm thêm đĩa thịt chim đãi khách. Khi ấy gia nhân của ông hỏi: “Thưa ông, nhà có hai con chim, chúng tôi nên làm thịt con nào?” nghe vậy ông chủ nhà mắng đầy tớ: “Như vậy mà ngươi cũng phải hỏi! Có ai lại đi bỏ con hót hay bao giờ!”. Nhớ tới câu chuyện hôm ấy, lại nghe bác thợ cả dạy người của mình về việc đốn cây, thì Nhan Hồi mới hỏi thầy mình: “Chuyện trong thiên hạ có nhiều thứ như vậy, thì biết lúc nào phải làm thế này, khi nào nên làm thế khác?”. Khổng Tử gọi tất cả học trò ngồi gom lại, rồi ông dạy: “Ở đời có hai cái là: khôn quá cũng chết, mà dại quá cũng chết! chỉ có kẻ biết là sống”. Người khôn quá ví như cây to. Ai vô rừng đốn cây, cũng phải nhắm cây to mà đốn. Kẻ dại khờ thì ví như con chim không biết hót. Thời thái bình thì không sao, nhưng khi khắp nơi nổi cơn binh đao, lửa đạn, thì hễ nước nào vừa nhỏ, vừa dại thì sẽ bị làm vật tế thần! Trong bàn cờ người ta gọi là thí tốt, vì quân tốt là quân kém nhất trong bẩy quân cờ Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt!”.  Nhan Hồi lại hỏi: “Thưa Thầy, vậy xin Thầy dạy chúng con làm thế nào gọi là biết?” KhT lại nhìn các môn đồ một lượt rồi nói: Hôm nay các con ngồi đây, nhưng ngày mai trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có lúc cờ đến tay, thì phải biết phất! phàm là từ người nội trợ, tức người điều khiển các việc trong nhà bếp, cho tới kẻ điều binh, khiển tướng, lo việc đại sự quốc gia. Bài học đầu tiên ai cũng phải học, đó là “Dụng Nhân như Dụng Mộc”. Khổng Tử lại kể một câu chuyện: “Có một toán thợ làm nhà, được điều khiển bởi một người thợ giỏi, người đời gọi ông là Phó Cả (Cả tiếng nôm là người đứng đầu ví như “Người anh cả”, người lớn nhất; Phó là phó thác, ủy nhiệm, giao phó – Phó Cả: Người đứng đầu, được ủy nhiệm công việc nào đó, nhưng trong ngôn ngữ Việt, người ta thường dùng danh từ kép này cho người chỉ huy công việc làm mộc, làm đồ gỗ). Ngày đầu tiên bác phó cả dẫn toán thợ đi về phía Đông kiếm cây, gặp một bãi sậy, cả đám toan ngồi nghỉ rồi về, bác bảo mỗi người cắt một bó sậy ôm về. Mọi người làm nhưng không vui, vì sậy thì làm được cái gì trong nghề mộc! Thấy vậy, ông Phó cả mới cắt nghĩa cho đám thợ: “người thợ mộc phải biết dùng các loại cây, các loại gỗ. Mỗi loại có công dụng riêng của nó. Không thể tùy tiện mang loại gỗ làm cột, làm xà để làm hàng rào, hay tường vách. Tất nhiên cũng không thể dùng loại gỗ tạp để làm cột, làm xà… Dùng gỗ mà sai thì vừa phí phạm, mà nhà không kiên cố, gặp một cơn gió bão thì không những nhà đổ mà còn đe dọa đến tính mạng của những người ở trong căn nhà ấy. Sậy thì không dùng được vào việc cưa, xẻ, nhưng cứ đem về để sẵn đó, vì nó có thể đan, ghép lại thành phên. Phên không những có thể che được nắng gió, mà dùng nó để lợp lá thì cũng che mưa, như ở hai bên đầu hồi. Người ta đóng phên rồi trét đất, thì thành bức tường của căn nhà. Sau khi làm nhà, người ta lại dùng sậy đan khít vào với nhau, bấy giờ chỉ cần mấy cây cột bằng mấy cây gỗ không cần lớn lắm, là đã có một hàng rào làm cho ngôi nhà trở nên khang trang và kín đáo. Vậy ai dám bảo lau, sậy là đồ bỏ đi? Dưới tay một người thợ giỏi, thì bất cứ loại cây nào trời sinh ra cũng đều có công dụng cả! Khổng Tử ngừng lại một chút, rồi mới lại tiếp: Dùng người cũng theo một cách thức như vậy! Kẻ biết dùng người cũng y như người thợ biết dùng cây; cây nào thì dùng vào việc nấy! Không có cây nào phải bỏ đi cả! Khổng Tử dừng lại nhìn đám đệ tử rồi kết luận: Cho nên, “Dụng nhân cũng như dụng mộc”. Không  có ai mà không hữu ích, nếu ta biết dùng họ!

 

  1. Khổng Phu Tử có phải là thánh không?

Trong cuộc đời của mỗi người, ai Đức Mẹ cũng dùng. Kẻ thì Đức Mẹ dùng cách này, người lại được Đức Mẹ dùng vào cách khác.

Với cái học của Người Hoa, cũng như cái học trước kia ở nước ta thời Bắc thuộc, Hán Hoa vì muốn hủy đi hoàn toàn văn hóa Việt, nên đem cái học Nho giáo ra mà hệ thống hóa chương trình thi cử trong nước bị lệ thuộc, nên bắt người mình phải tôn thờ Khổng Tử và phải gọi ông ta là “Đức Thánh Khổng”, cùng lập miếu, tạc tượng, hoặc khắc văn tự trên bia, gọi là chữ thánh hiền, rồi bắt vua quan mình phải ngày ngày hương khói! Chứ thực ra Khổng Tử cũng chỉ là kẻ nói một đường làm một nẻo! Chúng ta cứ xem cái học của nhà nho khinh khi phụ nữ thế nào thì biết! Mọi con người sinh ra đều có giá trị ngang nhau, không thể nhất nam viết hữu, mà thập nữ thì viết vô được! (câu này có nghĩa là một trai đã kể là có, mười gái cũng chỉ bằng không). Dưới cái văn hóa của Khổng Tử, thì người nữ bị xem là loài không có trí khôn, thế nên đời xưa, người ta không phí tiền bạc, thời giờ, để cho người con gái đi học. Nếu có người con gái nào lén mà học được, thì cũng bị cấm không được đi thi! Nếu có ai giả trai mà thi đậu, thì sao dám ra làm quan? Thế mới có chuyện “Mạnh Lệ Quân”, là chuyện kể một nguời con gái học rất giỏi, giả trai đi thi đậu tới tiến sĩ, và làm quan tới tể tướng, tức chức Thủ tướng bây giờ, là người chỉ dưới vua, nhưng vẫn cứ phải giả trai.

Cho nên trên cõi đời này, chưa có cái sai nào lớn bằng cái sai của “Nho giao”, mà nho giáo là Khổng Tử; Khổng Tử là nho giáo. Nếu người nào cho mấy cây lau, cây sậy là đồ bỏ, thì Khổng Tử sẽ mắng là đồ ngu, trong khi Kh. T. xem đàn bà, con gái là đồ bỏ, thì có phải là Khổng đại ngu không? Khổng Tử sẽ điên tiết vì nhận ra cái ngu của mình, nếu sống dậy vào thời đại này, mà thấy bà Thái Văn Anh làm Tổng Thống nước Trung Hoa Dân Quốc, bây giờ gọi là quốc gia Đài Loan. Một kẻ là cha đẻ, là nguồn gốc của thứ văn hóa miệt thị nữ giới, đến nỗi người con gái sinh ra trong đời lúc nhỏ thì “tòng phụ”, tức lệ thuộc vào cha; khi phụ tử thì “tòng phu”, tức cha chết thì lệ thuộc chồng, đến khi phu tử, tức chồng chết, thì “tòng tử”, tức lại lệ thuộc vào con. Kh.T. tạo ra cái văn hóa ăn sâu vào trong lòng người dân Trung Hoa, đến nỗi cứ hễ đẻ ra con gái là người ta bóp mũi cho chết, để kiếm thằng con trai nối dõi tông đường, vì lâu nay Tàu cộng ra luật hạn chế sinh đẻ, mỗi gia đình chỉ được sanh một đứa con. Hàng triệu đứa con gái bị giết chết, trước khi nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Như vậy Khổng Tử đáng được phong Thánh, hay trở thành tội đồ của nhân loại? Chỉ lỡ giết một người, dù người đó chưa chết, thì cũng không được phong thánh, chứ đừng nói giết người hằng bao thế hệ!

Các bạn trẻ hãy tin đi, trong cuộc đời của mỗi người ai Đức Mẹ cũng dùng: Kẻ thì Đức Mẹ dùng cách này, người sẽ được Đức Mẹ dùng vào cách khác. Mỗi người một việc, không có ai giống ai. Chỉ có điều là, mình có muốn để cho Đức Mẹ dùng hay không thôi!

 

  1. Điều gì Đức Mẹ báo trước mà chúng tôi không biết?

Trở lại mấy câu hỏi dạo ấy Đức Mẹ đặt ra cho chúng tôi, như thoạt đầu chúng tôi đề cập tới. Đã từ lâu chúng tôi thưa với quí vị rằng những phần phụ chú, ghi chú, hay luận, bàn … là đến về sau khi chúng tôi có thời gian rảnh rỗi, thực hiện việc đánh máy, bấy giờ mới thêm vô. Cho nên ngay khi Đức Mẹ hỏi, chúng tôi chỉ nghĩ là Đức Mẹ thương thì sát hạch giáo lý đức  tin của mình, xem là có vững không thôi, nếu trả lời sai, hoặc thiếu sót, thì Đức Mẹ dạy dỗ, sửa sai, hoặc bổ túc thêm cho mình được sáng ra, chứ nào ngờ cái ngày gần cuối tháng 8, năm 2013 đó, chính là ngày Mẹ báo trước cho tôi một chuyện khá quan trọng sẽ xảy ra, đối với một đời người. Thuở ấy tôi khỏe mạnh lắm! Nên không có quan tâm gì tới chuyện Đức Mẹ đặt ra là nếu có bệnh tật. Câu trả lời của chúng tôi thuần túy chỉ là trình bày sự hiểu biết của mình về phương diện đức tin, nên trong tâm hồn rất nhởn nhơ và phơi phới! không chút động tâm, vì chẳng thể nào nghĩ được chỉ mấy tháng sau là mình sẽ mang một chứng bịnh chẳng bao giờ nghĩ tới. Cũng có thể nói được là một chứng bệnh tôi không bao giờ nghĩ tới, vì không thể ngờ, có thể nói là còn hơn cả nan y nữa! Vâng, thưa quí vị và các bạn, ngày 04 tháng 12 năm 2013, tức là chỉ sau đó ba tháng, chúng tôi phải về lại căn nhà của chúng tôi ở bên Perth, sau chín năm sống cho con cái ở Melbourne. Thế rồi bỗng nhiên sau một đêm thức dậy, chưa tới 5 tháng sau ngày Đức Mẹ báo động, thì sáng ngày 27.1.2014 thức dậy trên giường bước xuống, cơ thể tôi bị mất thăng bằng, không còn có thể đi lại bình thường như trước nữa! Sau khi chụp hình Bác sĩ cho biết máu đã đọng trong não tới 4 tuần mà không chết là trường hợp hy hiếm! Mẹ tôi chỉ bị như vậy mấy tiếng đồng hồ sau là người đã được Chúa gọi, không hiểu tại sao tôi lại chưa! Thế là Bs. phải gửi tôi vô bệnh viện để lấy máu trong đầu ra. chưa đầy một năm sau, tôi phải dự cuộc giải phẫu lần thứ hai, lần này là để cắt cái bướu ở trong não. Bây giờ thì tôi lại chờ đợi ngày giải phẫu lần thứ ba. Trường hợp chứng bệnh của tôi, sau khi nghe bác sĩ nói thì tôi biết cũng sẽ giống như trường hợp Ca sỉ Ngọc Lan. Nghĩa là đến một lúc nào đó, tôi sẽ không còn thấy ánh sáng, trong những tháng ngày trước khi Chúa gọi về. Ngày xưa Khi Đức Mẹ hỏi mình còn thưa với Đức Mẹ là, chúng con sự thực trong lòng thì vẫn luôn tín thác vào Chúa, trông cậy Đức Mẹ, nhưng khi sự khó tới, thì chúng con cũng sợ bản năng yếu đuối, không biết có còn giữ vững được lập trường của mình nữa không? Nên những khi như vậy, chúng con chỉ biết xin Đức Mẹ ban cho chúng con ơn mạnh mẽ để học nơi Mẹ mà biết “Xin vâng”.  Khi trước mình còn sợ thế, vậy mà bây giờ cái cảm giác sợ hãi, hay lo lắng đó … hoàn toàn không xuất hiện, thì biết là Đức Mẹ yêu thương và nhớ lời cầu xin của mình đến như thế nào! Đó là điều tôi muốn viết lên đây, để làm chứng cho Tình Mẹ yêu con cái của Người rất cụ thể, chứ không phải chỉ nói lên bằng não trạng của một sự dựa vào niềm tin cách mơ mơ, hồ hồ. Thật vậy đó các bạn trẻ ạ! Tôi xin xác định hẳn với đối tượng của tôi là giới trẻ rằng: Đức Mẹ yêu thương chúng ta lắm! Chỉ cần chúng ta có lòng yêu mến Mẹ, và quyết tâm làm điều Mẹ muốn chúng ta làm, thì không có gì mà chúng ta phải lo sợ cả! Trước khi kết thúc câu chuyện này, chúng tôi xin nói thực: Phải 5 năm sau, chúng tôi mới biết “Điều gì Đức Mẹ đã báo trước”, mà dạo ấy chúng tôi không hề biết. Cách đây khoảng một hai năm trước, lúc chúng tôi sang thăm những người thân ở Melbourne, dĩ nhiên là chúng tôi có cơ hội gặp lại cô Thủy – Người Nữ sứ giả của Mẹ – Trong một buổi nói chuyện, cô Thủy có nói cho tôi biết về bệnh tật của tôi Đức Mẹ có quan tâm, và Người sẽ chữa trong cách thức của Người. Sau này khi tôi đánh máy đến thời điểm ấy, thế nào các bạn cũng sẽ biết. Dẫu vậy, tôi cũng có thể nói một chút được, là Đức Mẹ chữa cho tôi làm sao đó, mà ai nhìn cũng không nghĩ là tôi có bệnh, người nào cũng nói tôi khỏe mạnh! Thực ra thì Đức Mẹ chỉ chữa đủ cho tôi làm công việc mà Đức Mẹ trao phó, nghĩa là đầu óc không đau đớn, lúc nào cũng còn đủ sáng suốt để làm việc. Tôi cũng hy vọng là sau khi hoàn tất công tác, thì tôi sẽ được trở về nơi mà hồn tôi thời xưa đó đã từ nơi ấy mà đi vào thế giới này! Dĩ nhiên, động lực giúp tôi trở về có thể là nguyên chứng bệnh còn tiềm ẩn đó, nó sẽ đợi đến đúng thời điểm mà Chúa muốn, để phát tác như một nút bấm làm cho thân xác tách ra khỏi tấm linh hồn, mà trả lại sự tự do cho LH trở về với Thế giới Tâm Linh. Tôi luôn biết ơn và cảm tạ Đức Mẹ, và xin Mẹ bằng cách nào đó cho tôi nói lại với hết thảy các bạn trẻ, rằng: Các bạn hãy đặt hết tâm tình của mình vào trong Trái Tim của Mẹ, thì cuộc đời của các bạn sẽ bình an vô cùng! Một sự bình an không đến từ thế giới vật chất, mà đến từ một thế giới của tâm hồn và tình yêu thương. Vì hễ bình an nào do sự cung ứng bởi vật chất, thì bình an đó vẫn chỉ có tính giai đoạn và không phải là bình an đích thực! Khi chúng ta có được sự bình an trong thế giới này, thì chúng ta cũng sẽ có được sự bình an trong Thế Giới của Tâm Linh vậy!

(Còn Tiếp)