Vẫn thứ Tư, ngày 20. 9. 2017 (3.45pm)

Câu chuyện tiếp nối tại nhà Phụng & Uyển

(cháu Sáng được về cho biết đã được VUI)

  1. Chúa, Đức Mẹ cần ta làm, hơn là nói với hứa mà không làm.

Một câu chuyện rất tầm thường sau 9 năm còn được nhắc lại!

– (Th): Cháu xin phép được hỏi chú: Hồi đó chú cai thuốc lá … có khó lắm không?

– (T): Lúc chưa quyết định bỏ thì tôi nghĩ là khó! Vì cô nghĩ đi, một người đã xe tơ kết tóc với “nàng tóc mây”, ít gì cũng 4 chục năm trường, biết bao là kỷ niệm, khi vui có nhau, lúc buồn cũng có nhau. Có những đêm khuya trong phòng vắng, lại cũng có những buổi hội hè đình đám, hay cả những lúc dạo chơi bên hè phố đông người qua. Có thể nói là giữa nàng và tôi, không mấy lúc rời xa nhau! Tôi lại là người đi theo thuyết chung thủy, thì chuyện nửa đường bẻ cánh là chuyện tôi không thể làm, nhưng …

– (Th): Ngày xưa, cháu học là “Nửa đường gãy cánh”, hay truyện Kiều có câu “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”, ai bảo chú ‘bẻ” làm chi, khó là phải rồi! Nhưng cháu không hiểu nàng tóc mây là ai?

– (Tôi cười): Cô khéo giả vờ! Cô vừa nói cô biết truyện Kiều, mà cô lại bảo cô không hiểu “Nàng Tóc Mây” là ai!

– (Th): Cháu đang học trung học thì chết, nên chỉ mới học qua loa về truyện Kiều, nên chú đừng nghĩ là cháu hiểu nhiều.

– (T): Có đám trẻ sau này nói không hiểu, thì cũng có thể, chứ cô thì tôi không nghĩ thế! vì họ không rành cách nói của văn học thời lãng mạn. Lúc các cụ nhà ta còn gọi là thuốc phiện, thì đám văn nghệ sĩ Hà Thành đã nhân cách hóa, gọi cái thứ thuốc hại người ấy, là “Nàng Tiên Nâu”, hay còn có tên là “Ả Phù Dung”. Tôi thì chỉ biến khói thuốc lá của mình đi một chút cho thi vị cuộc đời. Cô thấy đấy, khi tôi thở ra một làn khói xanh, thì trong không gian của mình làn khói ấy vừa tựa như một áng mây bay, lại cũng tượng hình như một suối tóc của một người con gái vừa êm đềm, vừa lơ lửng trước gió. Thơ mộng như vậy, thì đặt cho nó một cái tên là “Nàng Tóc Mây” bộ không được hay sao?

– (Th): Được chứ chú! Vì không biết là nàng ấy có nhớ chú không, chứ chú thì cháu biết rõ hồi đó chú rất nhớ nàng! Một ngày, cứ chỉ một lúc thôi, là chú lại nhớ tới nàng … đúng không? Cháu không dám nói là khuyên, mà chỉ giả tỷ thôi, nếu như một ngày chú nhớ tới Chúa được nhiều lần như vậy, xong rồi cứ mỗi lần nhớ Chúa, thì chú lại bỏ ra năm mười phút bằng thời gian chú hút điếu thuốc, để nói chuyện với Chúa, thì cháu bảo đảm sau này chú sẽ đi bằng con đường ngắn, mà nếu cháu có ra đón chú sợ cũng còn chậm!

– (T): Cô nói rất hay! Thực ra thì dạo ấy tôi bỏ rất dễ, không như mình nghĩ! Đã 9 năm rồi, sao hôm nay cô còn hỏi đến chuyện đó?

– (Ch. Quý bỗng xen vào): Dạo anh bỏ thuốc tôi biết! Thấy anh nói bỏ mà bỏ được liền, thì tôi cứ nghĩ là Đức Mẹ ban ơn cho anh, chứ đời tôi, tôi biết, nhiều người muốn bỏ mà không bỏ được! Ông cụ nhà tôi thuộc loại “đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên”.

– (T): Có lẽ bỏ thuốc lào khó hơn bỏ thuốc lá chị ạ! Tôi nghĩ mình chỉ quyết tâm thì được thôi! Thực ra thì cũng nhờ cô Thủy cứ bảo tôi “Chú mà không bỏ thuốc, thì chỉ sợ chú không đủ sức khỏe để làm công việc Đức Bà đã trao phó cho chú!”. Đã mấy lần cô nói, tôi cứ nghĩ: Chuyện Đức Mẹ trao cho thì có phải tốn sức gì đâu mà phải lo chứ! Nhưng mà nghe vài lần thì tôi cũng tự bảo lòng “Cô ấy là Sứ giả của Mẹ, thì hay là Đức Mẹ muốn như vậy, cho nên nói thật là tôi chỉ nghĩ thế thôi, rồi quyết định bỏ, thế là bỏ một cách dễ dàng! Hôm nay nghe chị Quý nói làm tôi giật mình! Nếu nhờ ơn Đức Mẹ, mà mình cứ nghĩ là mình có ý chí mạnh, thì Đức Mẹ buồn mình! Cho nên tôi phải xin lỗi và cám ơn Đức Mẹ! … Nhưng mà chín năm rồi mới cám ơn, thì Mẹ chắc không vui … phải không cô Thủy?

– (Th): Chú an tâm đi! Đức Mẹ chỉ thấy chú vì nghĩ tới Bà mà chú thực hiện là Bà vui rồi! Chúa, Đức Bà cần ta làm, hơn là nói với hứa mà không làm! Bây giờ chú cám ơn trễ, Bà cũng không trách chú đâu!

– (B. Q): Làm sao mày biết Đức Bà không trách? Con đừng có tự ý nói kẻo lại bị phạt không được về!

– (Th): Mẹ không nhìn thấy thôi! chứ lúc chú Tâm nói, con thấy Bà mỉm cười, cho nên con không có nói sai, mẹ đừng lo. Chỉ có khi nào mẹ bỏ lễ không có lý do, thì con mới không được về nữa thôi! Còn chú hỏi đã 9 năm rồi, mà sao hôm nay cháu còn nhắc lại chuyện cũ, thì cháu cũng có lý do của cháu, chỉ sợ chú không muốn nghe cháu nói thôi?

 

  1. Tâm hồn đàn bà rất là phức tạp và khó hiểu. nhiều khi họ nói thế này, nhưng trong lòng thì lại nghĩ khác.

– (T): Cô cứ nói đi! Cô có cần tôi phải rửa tai để nghe cô nói không đây?

– (Th): Cháu không dám đâu! Trước hết cháu phải nói là cả cô với chú, hai người đều có niềm tin, và có lòng kính mến Chúa, Đức Bà, nên hễ định làm điều gì thì có Chúa, Đức Bà giúp! Nhân chuyện chú nói chú bỏ thuốc dễ, nên cháu bàn với chú, chú cứ coi “bỏ chuyện nóng giận” như “cai thuốc” là mọi chuyện sau này đều tốt đẹp!

– (H. Trinh): Cô Thủy không biết đâu! Đàn ông phải để cho người ta nóng, thì các bà vợ mới nể. Họ nghĩ vậy đó mà!

– (T cười): Tôi cũng không muốn cãi! Vì thực ra tâm hồn đàn ông chúng tôi đơn giản lắm! Nên các bà nghĩ sao thì cứ việc nói! Chỉ có chúng tôi là không nói được, vì tâm hồn đàn bà rất là phức tạp và khó hiểu. Một khi đã không hiểu, thì có gì để mà nói! nhiều khi họ nói ra thì thế này, nhưng trong lòng họ thì lại nghĩ theo cách khác. Cho nên đời nay, người ta có bài hát: “Con gái nói có là không, nói không là có”. Tôi cũng không biết là câu đó có trúng không? Cô cũng là đàn bà, nên chắc cô biết!

– (Th): Cháu cũng phải thua chú thôi!

– (T): Trước đây, tôi cũng đã nói với cô rồi, Chúa sinh ra muôn loài đều có âm, có dương. Chúng tôi có ai sinh ra đời mà được chọn âm hay là dương đâu! Nếu được chọn, tôi đã chọn âm cho ổn thỏa, để không còn bị mang tiếng là “nóng”, đến như cô Thủy mà còn nói, thì chắc là ai cũng nói được hết! Cô nghĩ xem, đã là dương mà không có chút nóng nào, thì đàn bà, con gái lại chê là đàn ông, con trai gì mà “yếu xìu” hay là “dẻo như bún”! Cách nào thì chúng tôi cũng phải thua thôi!

– (Th): Hôm nay, chú có đề tài gì cần bàn, xin chú cho biết để cháu được học hỏi thêm?

– (T): Cô đừng dùng từ “học hỏi” nữa có được không? Chỉ khiến người ta mắc cở.

 

  1. Đức Mẹ khóc cả Thiên Đàng đều biết, Nhưng dưới đất người ta không biết, nên Chúa đã cho người ta thấy rất nhiều ảnh tượng Đức Mẹ chảy nước mắt khắp nơi trên thế gian, nhưng Chúa đã bảo: “Họ thấy mà cũng như không thấy”.

– (Th): Chú đừng bảo là cháu khiêm nhường. Cháu vẫn còn nhớ câu các cụ xưa nói: “Bẩy mươi còn phải học bẩy mốt”, chú nhớ chứ … ạ? Huống chi chú cô bằng vai với bố mẹ cháu!

– (T): Nếu cô sống trên đời thì tôi chẳng phải nói! Cứ để mai mốt tôi được Chúa gọi về TGTL thì sẽ biết! Tôi nghĩ cứ ai sinh ra trong thế giới nào trước, thì chẳng phải là người biết và khôn hơn kẻ đến sau sao?

– (Th): Chú nói thế thì cứ để sau này mới biết được! Bây giờ chú đưa đề tài đi!

– (T): Thôi được! Qua lần gặp gỡ cha Quy, rồi tới Bà cố của cháu Sỹ, cả hai người đều trách nó và bảo “Không được khắt khe với con cái”, tôi vâng lời các ngài khi về thì cũng bảo ban cháu Sỹ, và luôn nhắc nhở nó, tuy nhiên trong lòng không phải là không đặt thành vấn đề.

– (Th): Vấn đề chú đặt ra thế nào, xin chú chia sẻ cho cháu biết, xem cháu có thể góp ý, hoặc thảo luận với chú được không?

– (T): Tôi cứ nghĩ sao các ngài chóng quên thế! Lúc sống ở thế gian, các ngài không phải là cũng đã từng giáo dục, dạy dỗ con cháu, còn như các cha thì cũng phải giáo dục, dạy dỗ giáo dân. Các sơ trong nom hội đoàn thì cũng phải kỷ luật với trẻ nhỏ, thiếu nhi … thế mà bây giờ vễ TGTL một thời gian là các ngài đã thay đổi hết! Thí dụ nếu cháu Sỹ là một người cha dữ dằn đối với con cái thì không nói làm chi! Nhưng từ nhỏ cháu lớn lên, chúng tôi là cha mẹ nên biết rõ cháu ấy là một đứa con hiền lành, vậy chẳng lẽ giáo dục, dạy dỗ con cháu trong nhà, mà cũng không được sao? Ngày xưa, các cụ còn khó khăn đối với con cái hơn bây giờ nhiều! Nhưng tôi cũng không trách các ngài, vì đa số cũng nhờ vậy mà con cái lớn lên có lễ nghĩa, và bớt hư hỏng! Cô Thủy biết không, thời đại bây giờ, cha mẹ chiều con cái thái quá, nên khi chúng chỉ vừa tới đúng tuổi như một con chim non mới vừa đủ lông cánh, là tự do bay nhảy, không còn kể cha mẹ là gì nữa, chứ không như xưa cô được dạy kỹ về công cha, nghĩa mẹ. Cô thấy đúng không? Tôi nghĩ ở thế giới bên đó nhìn lại, có lẽ các cụ chỉ quan tâm tới con cháu mình, chứ không phóng cái nhìn của tầm mắt ra xa, để thấy thời đại mà sự tự do cá nhân được đề cao tới mức không có thước đo, mà chỉ là tùy tiện theo khát vọng trong lòng mỗi con người. Trong khi tham vọng về đời sống vật chất, thì lại bị nền văn minh hiện đại đồng hóa và biến nó thành nhu cầu. Nói ngắn gọn cho dễ hiểu: Tham vọng đã biến thành nhu cầu, cho nên con người mặc sức tìm cách thụ hưởng, mà không dự trù những trường hợp tội lỗi phát sinh do những hậu quả từ đó mà ra. Tôi không biết, mà cũng không thể tưởng tượng nổi thời kỳ trước khi trận Đại Hồng Thủy xẩy ra, thì loài người khi ấy đã sống rất tội lỗi (Kinh Thánh nói), và tội lỗi đến mức nào? Nhưng ngày nay thì bất cứ ai biết dừng cuộc sống của mình lại một chút, để có giờ chiêm ngắm cuộc sống, đều có thể thấy được giòng sống của thời đại đang trôi dạt theo kiểu nào, và sẽ đi về đâu! Đó cũng chính là điều Đức Mẹ phải báo động, chỉ vì Đức Mẹ nhìn thấy hậu quả lối sống của người ta sẽ mang lại thảm họa kinh khiếp, nhưng người ta thì không thấy gì hết!

Tôi nghĩ đây là hiện tượng của thời đại, nên đó là một vấn đề quá lớn, mà tôi với cô chúng ta không có thời gian để bàn ở đây!

– (Th): Chú nói thì cháu công nhận là đúng! Cho nên có lần cháu đã nói rằng: “Đức Bà đã phải khóc vì người ta – vì nhân loại – mà cả Thiên Đàng đều biết!” Hôm nay cháu nói thêm là “Nhưng vì dưới đất người ta không biết, nên Chúa đã cho người ta thấy rất nhiều ảnh tượng Bà chảy nước mắt khắp nơi trên thế gian”, nhưng Chúa bảo: “Họ thấy mà cũng như không thấy”. Chúa Giêsu, và Mẹ Người chỉ mong người ta biết đường dừng lại cuộc sống sa xỉ, và đừng đi tiếp con đường tội lỗi đã đi, để ngăn lại bàn tay công thẳng của Chúa Cha. Nhưng người ta càng dựa vào Lòng Chúa Thương Xót thì lại càng phạm tội nhiều hơn! Chú có công nhận không?

– (T): Công nhận chứ! Chính Thánh nữ Faustina – Người đã phát động mạnh mẽ chiến dịch của Lòng Chúa Thương Xót – khi được ban cho thế giới, để chuẩn bị cho cuộc Ngự đến lần thứ hai của Chúa Kitô. Chị Thánh đã phải viết trong nhật ký “Ngày tồi tệ nhất của cơn đau khổ mà tôi cảm nhận thấy như mình đang ở vườn Giet-se-ma-ni nơi Chúa Giêsu đã bị Giuđa phản bội”. Điều đó không phải là chị đã nói về sự phản bội của người ta đối với Lòng Chúa Thương Xót, mà chính chị là người được Chúa Giêsu trao cho sứ mạng phải quảng bá và phổ biến đó sao? Nghĩa là người ta ỷ lại vào Lòng Chúa Thương Xót, mà đánh lừa lương tâm, để rồi lại thản nhiên tiếp tục sống trong tội lỗi!

– (Th): Thôi bây giờ để thâu lại cho gọn, cháu cho chú biết: Các cụ chỉ muốn các em đừng làm các cháu nhỏ phải sợ! Chính Chúa còn không muốn chúng ta sợ Chúa, chú nhớ không? Có lần mẹ cháu nói “sợ Chúa”, Chúa bảo mẹ cháu không được nói như thế! Chú cũng biết là có những cha về nhờ em Hợp cháu cầu nguyện, chỉ vì sinh thời làm khó, đánh đập học sinh, khiến các em sợ, hoặc các cha cố quá nghiêm ngặt với giáo dân, cũng bị Chúa khiển trách, mà không phải bị khiển trách không đâu, chính linh mục ông của cô cũng về cho hay nữa mà! Cho nên em Sỹ cứ việc giáo dục con cái, nhưng đừng làm cho chúng sợ, kẻo sau này về gặp Chúa là khó nói! Chúa yêu con trẻ như thế nào, trong Phúc âm ai đọc cũng biết, nên ta cứ thế mà thực hành! (Cô Thủy quay qua hỏi Huệ Trinh): Cô có gì cần hỏi không ạ?

 

  1. Chúa thiết lập Hội Thánh Thông Công, để mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng Chúa cho biết là tùy ở tấm lòng của sự thương giúp, chứ không hệ tại ở chỗ nhiều tiền xin lễ! Chúa bảo giống như đồng xu của bà góa.

– (H. Tr): Nếu có thể được, tôi nhờ cô tìm và cho chúng tôi tin về cháu Đa Minh Vũ Văn Sáng giùm. Cháu này chắc cô còn nhớ là một đứa trẻ mới mười lăm, mười sáu tuổi, chết tai nạn xe hơi bên Mỹ năm 2.000; trước đây cháu đã được cô dẫn về và nói: “Cháu xin gì một giọt nước, vì cháu nóng quá”. Cháu đã được dâng lên Thiên Chúa Thánh Lễ 30, được đưa tên vào sổ cầu nguyện đời đời của Dòng Phan Sinh, và cũng được ghi danh vào “Hội Bạn các Linh Hồn” để được hưởng Thánh lễ của Hội trên toàn thế giới cầu nguyện cho cháu.

– (Th): Cháu biết rồi, cô! Chúa cũng rất thương những người tội lỗi, khi mà được gia đình cầu nguyện, và làm những việc tốt lành để chỉ cho … Cô chú chờ để cháu đi tìm, rồi cháu sẽ về cho cô chú hay! (một chút gián đoạn, như mọi lần) Cháu tìm được ngay, và cháu đã được biết cậu ta đã được Chúa cho VUI, cậu ấy có gửi lời về cám ơn các bác đã thương đến cháu và xin lễ rất nhiều, nên cháu đã được Chúa xét cho mà không còn bị ở chỗ tối và nóng nảy nữa! Điều mà cháu muốn hỏi hai bác là hai bác có tin là Chúa rất thương xót những người tội lỗi đã có lòng ăn năn, thống hối về các tội lỗi mà mình đã làm không?

– (T): Các bác tin điều đó lắm chứ! Cho nên mới hết sức, hết lòng vận động những người thân cầu nguyện cho cháu đó chứ!

– (Th): Cháu được phép của Đức Bà cho dẫn linh hồn về gặp cô chú. Vậy cô hãy lại bàn thờ cảm tạ ơn Chúa, Đức Bà đi! (một chút gián đoạn, chờ H. Trinh đi cầu nguyện, trong khi tôi cũng thầm thỉ cảm tạ ơn Chúa, Đức Mẹ đã thương cho cháu Minh được ơn tha thứ, về các tội lổi cháu đã lỗi phạm khi còn sống ở trần gian. Khi H. Trinh trở lại thì LH. cháu Minh cũng được phép nói):

– (LH): Cháu xin hết lòng cám ơn bác và dì đã thương cháu, ý cháu muốn nói là bác và dì đã không vì những sự cháu đã làm mà từ bỏ cháu, mà lại còn hết sức thương mà làm mọi việc để cho cháu được Chúa thương cứu xét. Hôm nay cháu được về để qua bác và dì cho mọi người biết là Lòng Chúa hay Thương Xót những người tội lỗi khi biết ăn năn, hối cải mà quay đầu trở về với Chúa ngay khi còn ở thế gian, thì tốt nhất! Vì Chúa là Đấng hay thương xót, nhưng Chúa cũng giữ sự công bằng với hết thảy mọi linh hồn, nên ai cũng phải đền tội theo sự công thẳng của Thiên Chúa. Nhưng hễ sớm quay về, thì cũng vì sự công bằng mà được giảm, hay đỡ hơn! Còn những người mà để tới sau khi chết, biết khổ rồi mới hối hận, như cháu chẳng hạn! Thì cũng nên biết rằng Lòng Thương Xót của Chúa vẫn tuông ra cho mọi người, miễn là vẫn còn biết ăn năn, xin lỗi Chúa, chứ đừng cứng lòng trông cậy! Nếu lại được gia đình, những người thân nhiệt tình dâng lễ, cầu nguyện, và làm những việc lành chỉ cho thì LH dù rất khổ, rất đau đớn, cũng mau được Chúa ân giảm cho thật lẹ làng, vì Chúa cũng ban ơn cho cháu hiểu biết để về nói là Chính Chúa đã thiết lập nên Hội Thánh Thông Công, là để cho mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau là thế! Cũng giống như sống ở đời, hễ có sự giúp đỡ nhiều, thì người thân được hưởng nhiều, giúp đỡ ít thì người thân được hưởng ít! Nhưng Chúa cũng cho biết là tùy ở tấm lòng của sự thương giúp, chứ không phải là do ở sự nhiều tiền của, cho dù là xin lễ cũng vậy! Chúa bảo giống như đồng xu của bà góa ấy! Chúa cũng cho phép cháu nói điều này để làm chứng sự thật là những ai khi sống bề ngoài xem ra có vẻ siêng năng, nhưng trong lòng thì lại xa Chúa, như vậy mà muốn Chúa ban ơn cho, thì hơi lâu! Còn điều này nữa là cho dù xã hội có tồi tệ, trong thiên hạ có sự xúi giục của ma quỉ, nhưng ta đừng vì tiền của, cũng đừng vì danh dự cá nhân, hay gia đình mà ganh đua, so bì, để rồi sống không có sự yêu thương bác ái, mà chỉ có vì hơn thua mà tạo ra thành kiến, ghét nhau, thậm chí là ngay cả những người trong nhà, từ vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, không những không được tị hiềm, mà cho dù có đứa nào hư hỏng, sống tội lỗi, thì ta cũng phải khuyên bảo, hay xử sự bằng sự yêu thương, khiêm tốn và tha thứ. Đừng cư xử khắc nghiệt vì như vậy Chúa sẽ không vui, mà Ngài còn buồn nữa!

– (Th): Bây giờ cũng đã đến lúc cháu phải đi rồi! cháu chào cô chú, con chào mẹ!

– (T): Chúng tôi chào cô Thủy, và mong sẽ được gặp lại ngày gần đây!

(Chú Thích về “đồng xu của bà góa” trong Tin Mừng: “Một hôm, trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.” Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”. (Mc 12, 38-44).