Thứ Năm, Ngày 26. 10. 2017
Nói chuyện với chị Thủy tại nhà Hợp
- Trường hợp Linh hồn của một học sinh bị chúng bạn xấu rủ vào con đường mua bán ma túy, rồi sau bị thanh toán chết, được Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse giúp cho về nhờ người cầu xin nguyện giúp.
– (H): Em mơ thấy Đức Mẹ Fatima trong đầu của em hình như là bà chữa bệnh cho em, em nói may quá có Đức Bà chữa bệnh, nên mình mới ngủ được ngon như vậy, nhưng em thắc mắc là tại sao Đức Mẹ mình thấy trong đầu mình lại màu đen giống như bà ở trong một vùng khói màu tối, chứ không sáng như kiệu rước ngày Đại Hội Lêgiô mà em mới đi tham dự 3 ngày 20,21,22/ 10/2017 vừa qua. Sau đó em thấy chị Hằng. Chị Hằng muốn em phải kiếm cho chị một cái quần màu đen để chị mặc đi lễ. Em kiếm hết tủ nhưng không có cái nào mầu đen hết, sau đó em lại thấy có nhiều người lạ trong phòng em. Họ nói chuyện với nhau, có một người con trai tiến tới tính hỏi chuyện em, xong khi cậu ta thấy có nhiều người bước vô phòng, thì liền bỏ đi chỗ khác. Giấc mơ thật là dài và lộn xộn, lung tung nên em không biết ý nghĩa của nó thế nào! Chị có thể tìm hiểu và cho em biết được không?
– (Th): Con chào mẹ vui, hôm nay điều mà con muốn hỏi, mẹ có cần hỏi về Thượng Đế không? – – (B.Qúy): Mẹ muốn biết về Thiên đàng như thế nào. Hỏa ngục ra sao? Chứ không dám hỏi về Thượng Đế đâu!
– (Th): Chị đùa mẹ cho vui, chứ em thì muốn hỏi một câu chuyện lạ, chị cũng chưa hiểu rõ cho lắm! Điều mà em hỏi, thì chắc là chị phải đi tìm tới một chỗ… (Chị Thủy không nói hết câu … bỏ đi, một chút chị trở lại cho biết): Chị đến chỗ Thánh quan thày của em, người bảo đến chỗ này … hơi xa … vậy em hãy chờ! (thời gian lại gián đoạn, sau đó chị ấy trở lại, bảo): Chị đến xin ý của Đức Bà, thì Bà cho chị biết phải mời một người mà Đức bà cho phép được về, nhưng quả thật y như Thánh Quan thầy của người đó nói, người đó phải ở một nơi rất xa. Bây giờ người ấy đang chờ sự đồng ý của em. vậy em nghĩ có nên gặp không?
– (H): Dạ, chị cứ mời vào … ạ!
– (Th): con xin mẹ đừng có hỏi. Vì LH. này chỉ được phép rất ngắn hạn.
– (LH): Cháu chào bà và chào cô. Hôm nay cháu được về trần gian, là nhờ có Thánh Gia làm cho cô thấy Đức Bà trong giấc mơ, để cháu được nhân đó mà nhờ sự giúp đỡ sớm của cô. Cô có hỏi gì cháu không ạ?
– (H): không, cháu cứ nói tiếp!
– (LH): Cháu tên là Giuse Trần Ngọc Phú. Cháu là một học sinh trước có ở trong ban giúp lễ, xong vì cháu đã xa Chúa và bị chúng bạn xấu rủ vào con đường mua bán ma túy. Nhưng vì sự không được bọn Xã hội đen tín nhiệm, nên họ đã ra tay sát hại. May là gia đình cháu có một tu sỹ là anh con ông bác rất thương và cầu nguyện cho cháu. Cháu đã chờ đợi lâu rồi, tiếc rằng gia đình không biết nuôi ơn gọi để chỉ cho những tội lỗi mà cháu đã phạm! Nhưng hôm nay cháu được Thánh Gia giúp, và cháu hy vọng nhờ vào sự giúp đỡ của cô, cháu xin cô làm ơn giúp cho cháu, nếu được thì cháu xin ghi nhớ! Và sau này, nếu được Chúa cho làm một việc gì để đền đáp, cháu sẽ không bao giờ quên cô. Cháu hứa là cháu sẽ luôn luôn nhớ, khi cô có vấn đề gì về gia đình hay các em, thì nhớ gọi đến cháu, cháu sẽ có sự chuyển ý. Cháu xin hứa những điều cháu nói đều không phải là sự hoa mỹ lấy lòng, nhưng là từ trong tâm niệm của cháu. Xin cô cho cháu một Thánh lễ đời đời và cầu nguyện cho cháu dưới chân tượng, ảnh Lòng Thương Xót của Chúa 3 tuần cô đừng quên.
– (Th): LH. đã phải đi gấp rồi không kịp chào mẹ và em, nên có nhờ chị chuyển lời. Chắc em, mẹ ngạc nhiên vì tại sao một linh hồn đã xa Chúa, còn có sự mê đắm vật chất cho tới khi chết, mà còn được Chúa cho Thánh Gia về báo mộng cho em để nhờ giúp … Nếu mẹ và em thắc mắc muốn được giải thích, thì nhờ chú Tâm, vì trường hợp này chú đã gặp rồi, nên chị tin là chú nhớ. Con vì không có giờ và bận phải đi, nên xin chào mẹ, và chào em.
- Chỉ có những ai tin vào Đức Giêsu Kitô, và thi hành những giới răn của Người, thì mới được cứu rỗi.
Tài liệu này cô Hợp gửi cho tôi cũng khá trễ, nên tôi không trả lời trực tiếp cho cô bằng Email, và để tới hôm nay (2019), bài lên khuôn thì góp ý luôn một thể. Vậy chúng tôi xin nhắc lại TGTL Trước kia, có ghi nhận trường hợp trong giáo xứ cô Hợp ở, cũng có một em trai lúc còn niên thiếu có đi giúp lễ, rồi giống như em trai này, bị bạn xấu rủ rê sa vào con đường cùng của tệ nạn xã hội. Em trai này đỡ hơn là bị đồng bọn thanh toán, vì không làm theo chỉ thị của chúng, chứ em kia tổn thương tới Lòng Chúa Thương Xót hơn nhiều, vì em tự đi tìm cái chết, khi đã đi vào con đường cùng. Thế mà vì trong cuộc đời ngắn ngủi của em, em đã có một thời gian gần Chúa, phụ trách một công tác bên bàn Thánh. Chính nhờ vậy mà em còn được Chúa Thương, rồi Thánh Bổn mạng cũng như Thiên thần Bản Mệnh của em được Chúa cho phép về đánh động cô Hợp, để nhờ cô giúp cho các việc về tâm linh. Em này cũng vậy! Những trường hợp này cho chúng ta thấy bất cứ làm ở một vị trí thừa tác viên nào: Dù là đọc sách Thánh, hay giúp lễ, hoặc cộng tác vào bất cứ một nhiệm vụ gì ở Nhà Chúa, thì các Thánh, các Thiên thần bổn mạng cũng sẽ vin vào đó mà cầu bầu cho chúng ta với Chúa, để thời gian đền bồi của chúng ta được ân giảm, với điều kiện là biết hối hận về những tội mình đã phạm!
* Ngày nay có nhiều người vin vào Lòng Thương Xót Chúa một cách mê muội, và cho là Chúa đã xuống thế cứu chuộc một lần là cho tất cả, thì phạm bao nhiêu tội, hay phạm thế nào Chúa cũng tha hết! Cho nên chính vì nghĩ vậy, nhiều người dường như phạm tội một cách thoải mái, họ nhởn nhơ sống trong tội lỗi, tỷ như bỏ vợ bỏ chồng mà đi sống chung với người khác v.v… Có không ít người dựa vào thuộc ngữ “Con người yếu đuối”, và “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được!”, những thuộc ngữ này người xưa có ý chỉ về những lỗi phạm thường ngày, khi nhận ra thì xin lỗi Chúa, rồi quên, rồi lại lỗi, lỗi rồi lại nhớ, nhớ thì lại xin lỗi Chúa. Những lỗi ấy họ không phạm vào các giới răn trong Phúc Âm, hay Mười Điều Răn(1) của Thiên Chúa, nên chưa phải là tội, thường chỉ là lỗi. Nhưng ngày hôm nay thì khác, người ta mượn những thuộc ngữ đó, để biểu thức rằng đức Tin dựa trên chân lý nội tại (nơi con người), chứ không phải là một sự quy thuận của lý trí đối với các chân lý được mạc khải (thuộc về Thiên Chúa). Rất nhiều nơi trong các giáo hội bây giờ, người ta đang cải cách theo lối nhìn của Luther(2) về đức tin như thế, là cứ chỉ việc “Tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa”, thì được tha thứ hết mọi thứ tội, tội đã phạm, tôi đang phạm và vẫn còn tiếp tục phạm. Thánh Giacôbê định nghĩa về Đức Tin như sau : “Đức Tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Vậy sự tín thác nếu như không có ý chí khắc phục lòng dục và tội phạm, thì rõ ràng sự tín thác ấy thuộc về phạm trù tình cảm. Cũng theo Thánh Giacôbê thì đó chỉ là thứ tình cảm bám víu vào một đức tin đã chết. Bởi vì Chỉ có những ai tin vào Đức Giêsu Kitô, và thi hành những giới răn của Người, thì mới được cứu rỗi. Vì Chúa đã phán: “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, Lậy Chúa, lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời mới được vào mà thôi.” (Mt 7: 21).
- Vai trò của hai đại lạc giáo Luther và Melanchthon đã được vinh danh.
Lại nói về cải cách Giáo Hội, nhiều nơi hôm nay đang hướng về một cuộc cải cách của Luther vào thế kỷ XVI. Cách nay 2 năm, Vatican đã phát hành tem Luther, SVTT (Sứ Vụ Tình Thương) số 51 có đề cập. Ở đây, chúng tôi chỉ xin toát yếu một cách khái quát về khái niệm đức tin theo Luther.
– Luther cho rằng bởi tội nguyên tổ, con người vốn đã sinh ra trong tội lỗi, thì làm cách nào cũng không thể dứt ra khỏi tội được, do đó chỉ cần tin vào công nghiệp của Đức Kitô, thì chính công nghiệp của Người che phủ đi tất cả mọi tội lỗi ta phạm, và chỉ cần thế, con người được cứu rỗi! Luther cho rằng con người không có khả năng tái sinh, hay thánh hóa, và ông ta khẳng định: “Thiên Chúa chỉ đòi bạn tuyên xưng đức tin. Mọi chuyện khác Ngài để bạn tự do làm bất cứ điều gì bạn muốn”. Thảo nào hôm nay, trong giáo hội, người ta cũng nói cùng một luận điệu như Martin Luther: “Bạn cứ làm bất cứ sự gì mình muốn, miễn là không hại tới người khác”, chả thế mà phá thai, ly dị … đều được cảm thông. Hai kẻ đồng tính lấy nhau, cũng chẳng hại gì tới ai! Trai gái thích sống thử, thì cũng chẳng hại gì kẻ khác!
Rồi cũng để vinh danh người đã đi trước trong việc cải cách giáo hội, những người đi sau đã trân trọng phát hành bộ tem rất ý nghĩa về vai trò của Luther như sau: Dưới chân Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên Thánh giá – Đấng Cứu Chuộc nhân loại – Vai trò của hai đại lạc giáo Luther và Melanchthon (3) đã được tuyên dương bằng cách cho Martin Luther thay thế chỗ đứng của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, và Philip Melanchthon thay thế vị trí của Thánh Gioan đại diện cho nhân loại. Cũng thảo nào mà Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc bị buộc phải đổi tên, vì cuộc giao lưu tôn giáo này mà Đức Mẹ đã bị loại ra khỏi Công Cuộc Cứu Chuộc của Đấng Cứu Thế. Đây cũng là hình ảnh biểu tượng cho việc phủ nhận luôn Đức Maria chẳng phải là Mẹ của nhân loại, cũng như không có Vai trò đại diện cho nhân loại là Thánh Gioan dưới chân Thánh giá trên đồi Calve. Phải chăng từ đây, người ta đã cắt đi một trong bẩy Lời trăn trối của Chúa Giêsu trên Thánh giá: “Đây là con Bà, và này là Mẹ con”? Lạc giáo năm xưa, nay đã trở nên “công trình của Chúa Thánh Thần” sao? Hóa ra hoa quả của Đại Kết là như vậy sao? Bắt tay với Cộng Sản TQ thì Giáo Hội Hầm trú của Chúa bị tiêu diệt. Các nhà thờ Kitô Giáo ở Trung Quốc đã được lệnh phải gỡ xuống Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, và thay thế bằng những lời dạy của Đại Đế Tập Cận Bình (theo tạp chí Bitter Winter). Còn đi đêm với Tin Lành thì kẻ bội giáo đã nên người công chính? Bốn thế kỷ trước đây Giáo Hội và các Đức Giáo Hoàng đã lên án Luther vì quan niệm của ông ta “đức tin không phải là sự quy thuận của lý trí đối với các chân lý được Thiên Chúa mạc khải”. Vậy thì hôm nay, khi người ta nhân danh lòng bác ái với anh em, mà giang rộng vòng tay ôm lấy kết quả của một thời lạc giáo, và vinh danh những tội đồ một thời bị phạt vạ tuyệt thông, thì tương lai Đời Sống Đức Tin của người Công Giáo trước những sự dối trá và sự thật đang nhào lộn vào với nhau sẽ ra sao?
Liệu khi nhào lộn đủ thứ vào với nhau, rồi bó thành một cục, thì bản chất người Kitô giáo có còn nguyên vẹn theo truyền thống Đức Tin như chúng ta từng quan niệm không?
– Quan niệm nhân bản theo truyền thống của chúng ta trước giờ là:
Một, Chúa ban cho con người có ý chí hoàn toàn tự do để hành động.
Hai, bằng vào ý chí và lý trí, con người có trách nhiệm về luân lý, không phải như các loài động vật khác.
Ba, Con người được tạo dựng với khả năng làm điều tốt.
Bốn, Con người nhận ơn Chúa, nhờ làm điều tốt, để có khả năng táisinh hay thánhhóa bản thân.
Năm, Con người muốn nhận được ơn cứu độ, phải làm các việc lành và giữ các giới răn của Chúa. Bởi vì: “Giữ các giới răn của Chúa, chứng thực là con người đã có đức tin; Làm các việc lành là biểu hiện đức tin sống” (Mt 25, 31-46). Trong khi Quan niệm của Luther hoàn toàn trái ngược lại.
- Sẽ có nhiều điều kỳ lạ quái gở diễn ra. Vì đức tin chân chính đã bị dập tắt và ánh sáng giả dối sẽ hướng dẫn thế gian (Điềm Báo 24 của Đức Mẹ ở La Salette).
Dấu chỉ của một thời tăm tối hình như đã xuất hiện, khi người ta nhận mình là người Công Giáo, nhưng lại không thích giữ các giới răn của Chúa. Thực ra chỉ bỏ một giới răn mà thôi, thì đã tỏ ra là đầy tớ bất trung, chứ không cần phải bãi bỏ nhiều! Người đầy tớ bất trung thì cũng giống như người tuyên xưng đức tin của mình với Thiên Chúa chỉ bằng môi, bằng miệng! Lại trong số những người có chức vị, hễ đã là người quản gia, hay đầy tớ bất trung, thì người chủ là Thiên Chúa lập tức rút lại quyền hành trong tay họ (Lc 16,2). Khi đó thì đừng nói rằng Cái gì ở dưới đất ta cởi thì trên trời cũng cởi, nhưng trái lại Chúa đã nghiêm khắc với họ: “Các ngươi là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa biết rõ lòng dạ các ngươi, vì những gì được đề cao trước mặt loài người, là gớm ghiếc trước mặt Thiên Chúa.” (Lc 16,15)
* Hai năm trước, sứ giả của Đức Mẹ – cô Teresse Thủy – muốn tôi giải thích về trường hợp tại sao có linh hồn đã xa Chúa, còn có sự mê đắm vật chất cho tới khi chết, mà còn được Chúa thương cho các Thánh giúp để được cứu vớt, thì tôi đã trả lời rồi: Một là đương sự phải hoàn toàn ăn năn hối cải, chứ không phải như Luther bảo: Con người vốn sinh ra trong tội lỗi thì không thể thoát ly ra khỏi tội lỗi. Nói như thế khác nào tự chấp nhận cho con người được phép sống trong tội lỗi. Điều này làm sao Thiên Chúa có thể chấp nhận? Hai: Con người có thể làm các việc lành, thì nhờ đó có thể tiếp nhận ơn Chúa để được Tái Sinh, và được Thánh Hóa nhờ ơn Chúa. Cả hai điều này đều bị Luther phủ định. Đứng trước những giao thoa của các tín ngưỡng không thuộc về Thiên Chúa, hay dẫu có sự nhìn nhận Đấng Tối Cao là Thiên Chúa, nhưng lại chối bỏ, không thi hành lề luật, hay các giới răn của Thiên Chúa, dù chỉ là một điều trong số các điều, vì Đức Giêsu Kitô đã khẳng định một cách tuyệt đối rằng: “Trời đất qua đi còn dễ hơn là một cái phết của lề luật rụng mất” (Lc 16. 17); Huống chi những thứ tội như “rẫy vợ, bỏ chồng mà đi cưới người khác” đã bị Chúa kết án “là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn ông, hay người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Lc 16,18); Lại nữa, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Vậy các quản gia của Chúa, cho dù có là đấng bậc cỡ nào, thì cũng chỉ là con người, liệu có nhân vật nào hơn Chúa để mà phế bỏ giới răn của Chúa, mà cho phép người ta được ly di để mà tái hôn không? Lời Chúa trong Kinh Thánh còn dạy dỗ và cảnh báo con người phải tránh sự dâm dục, hãy sử dụng cơ thể theo cách thánh thiện với lòng tôn kính hơn là ham muốn. Vì “Tà dâm là một tội lỗi nghiêm trọng chống lại Thiên Chúa và con người. Nên cần phải tránh”. Thư viết cho Rô-ma, Thánh Phao Lô nhấn mạnh làm hại người trong sự dâm dục chính là tội lỗi vậy (Rm 13, 9&10). Một số đoạn khác trong Kinh Thánh cũng nói với chúng ta rằng tình dục vô đạo đức (mà không ăn năn) sẽ không được vào Nước Thiên Đàng (Ga-la-ti 5). Còn sách Châm ngôn trình bày rất rõ bẩy điều Thiên Chúa ghê tởm (Cn 5 & 6: 16-19 & 7: 27). Thư cho Cô-rinh-tô Ngài hướng dẫn người ta phải “chạy trốn khỏi sự dâm dục” (Cr 6,18) và Ê-phê-sô Ngài cảnh báo rằng phải “thậm chí không được có một ý nghĩ” trái đạo đức như vậy với nhau (Ep 5,3).
* Như một lời tóm kết, Thánh Gioan dạy: “Phàm ai đi quá xa, không ở lại trong giáo huấn của Đức Kitô, thì không có Thiên Chúa” (2Ga 8) . Đối với những cuộc sống chung chạ trước hôn nhân , những cặp ngoại tình, ly dị tái hôn, đứng về mặt luân lý, Thánh Gioan còn nghiêm khắc dạy rằng: “Nếu ai đến với anh em mà không đem theo giáo huấn ấy, anh em đừng đón vào nhà và cũng đừng chào hỏi người ấy. Quả thật ai chào hỏi là cộng tác vào những việc xấu xa của người ấy. (2Ga 10-11). Có lẽ thời bây giờ, người ta lên án các Tông Đồ của Chúa Giêsu không có “tình yêu thương, Không có lòng bác ái” ? chúng ta nhớ rằng Tất cả các thư của các Thánh Tông đồ, hay bất kỳ một sách nào trong Thánh Kinh đều là Lời Chúa Hết. Đức Tin và Giáo Hội từng dạy chúng ta rằng tất cả những sự gì được viết bởi Kinh Thánh, đều được linh hứng của Chúa Thánh Thần. Vậy nếu có ai nói điều gì khác, thì chúng ta hãy lấy sự khôn ngoan mà suy xét, đắn đo cho thật kỹ, rồi hãy làm! Vì bầu trời mây mù đang phủ lần bít lối, có thể nhiều người hôm nay và tương lai sẽ không tìm được lối đi. Đức Mẹ đã quan ngại về điều này, nên trong Điềm Báo thứ 24 ở La Salette, Mẹ đã nói rõ: “Có nhiều giáo hội đang phụng sự quỷ dữ. Nhiều người, kể cả linh mục được quỷ đưa đi từ nơi này đến nơi khác, vì họ không còn tinh thần phúc âm hướng dẫn. Tinh thần đó là khiêm nhường, khó nghèo, sốt sắng làm sáng danh Chúa. Chúng sẽ làm cho kẻ dữ và người lành chỗi dậy mọi nơi. Sẽ có nhiều điều kỳ lạ quái gở. Vì đức tin chân chính đã bị dập tắt và ánh sáng giả dối sẽ hướng dẫn thế gian. Khốn cho các vị giáo quyền chỉ biết lo tích trữ của cải, chỉ biết lo đến Quyền Cao chức cả và cai trị một cách kiêu căng”.
Các bạn trẻ thân mến, hãy chú ý điều Đức Mẹ nói: “Ánh sáng giả dối sẽ hướng dẫn thế gian”. Lần này Đức Mẹ không nói “Bóng tối của sự giả dối”, vì có một sự giả dối kinh khủng đã xuất hiện, vì nó bọc bằng ánh sáng, y như “sói đội lốt chiên”, mà lại đi trong bầu trời mây mù đang phủ lần bít lối. Thế cho nên người ta sẽ dễ lầm lẫn, mà cho rằng đó chính là ánh sáng cứu tinh của Giáo Hội nói riêng, và thế giới nói chung. Vậy chỉ một điều duy nhất giúp chúng ta phân biệt giữa chân và ảo, giữa sự thật với sự dối trá, là bám thật chặt lề luật của Chúa Kitô trong Tin Mừng. Chúng tôi xin nhắc lại Thư của Thánh Phao Lô gửi các tín hữu ở Galat: “Không có Tin Mừng khác, mà chỉ có những kẻ phá rối, muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Đức Kitô mà thôi. Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi! Còn nếu tôi muốn lấy lòng người đời, làm cho đẹp lòng người đời, thì tôi không phải là tôi tớ của Đức Kitô.” (Gl 1,7-12).
- Như một Dấu chỉ Thời đại, Năm Đức Tin,( The Year of Faith) đã được Đức Thánh Cha Benedict 16 chính thức khai mạc tại Tòa Thánh La Mã ngày 11.10.2012 trước khi ngài từ chức.
ĐGH. Benedicto 16 chắc chắn đã thấy bóng tối vây phủ tứ bề, như lời Đức Phaolô VI đã tiên báo: “bóng tối của Satan đã bước vào và lan truyền khắp Giáo hội Công giáo ngay cả đến chóp đỉnh của nó”. Nên ngài đã mở ra Năm Đức Tin (The Year of Faith), Đức Benedict 16 đã chính thức khai mạc ngày 11.10.2012 trước khi ngài từ chức, với hy vọng sẽ là một giòng thác, gột đi những khối u bội-giáo đã và đang mọc lên trong lòng Giáo Hội từ những siêu vi của tà thuyết “Thông Linh, tà thuyết Duy vật vô thần, Thần học Giải phóng v.v…” mà Đức Mẹ đã nói tới trong ĐB. thứ 19, là chúng “đang phá bỏ và sẽ làm chết đi tất cả những nguyên tắc Công Giáo”. Nhìn lại trong thời điểm hôm nay, Sự kiện mở ra một Năm Đức Tin đó của GH. Bênêđichtô không ngờ lại là một “Dấu chỉ Thời đại”, tiên báo trước nhiều sự phân hóa và đổ vỡ đang diễn ra. Tuy nhiên, nhìn bề mặt thì truyền thông vẫn cho thấy những bông hoa đang nở, có khi còn rực rỡ, tốt tươi. Nhưng cứ nhìn những sự xấu đang xẩy ra khắp nơi, từ các hiện tượng ấu dâm, đồng tính trong hàng “Khanh Tướng”. Các chính sách ban hành mục vụ nương theo sự loạn luân, đồng tính… Hiện tượng nhiều Linh mục và cả Giám mục cởi áo; Nhiều nước giáo dân công khai làm đơn xin, hoặc tự động rút ra để khỏi làm người Công Giáo. Các đấng bậc đủ mọi cấp từ Hồng Y, Giám mục xuống hàng Linh mục chống nhau, vì một bên cương quyết bảo vệ lề luật của Chúa và truyền thống Giáo Hội từ thời các Thánh Tông Đồ; Một bên đang chủ trương cải cách giáo hội cho phù hợp với thời đại, và các xu hướng thế tục. Giáo đường nhiều nước đang rơi vào tình trạng trống vắng. Nhiều cơ sở các dòng tu bị sang nhượng, chuyển bán. Tình trạng thiếu mục tử, nên mới có những Hội nghị bàn về “Đời sống Linh mục độc thân”, dĩ nhiên là tìm giải pháp khác, như người có gia đình có thể làm linh mục, phụ nữ có thể được lãnh chức Sáu v.v… (như Hội Nghị Amazon tại Vatican đang bàn thảo. Khi bài viết này lên khuôn, thì chưa có nghị quyết do nghị hội bầu cử,) Ngay tại Giáo Hội Úc, Các Giám mục đang xem xét việc ngừng đào tạo các linh mục tương lai trong các chủng viện, The Age.com.au đưa tin ngày 24.9.2019. Theo đó, Các Giám mục đang thảo luận về việc “tháo gỡ hệ thống chủng viện hoàn toàn”. Số lượng các chủng viện đã giảm ở Úc từ 60 vào năm 1971 xuống còn 15 ngày nay, và chỉ có 292 chủng sinh trên toàn quốc.
* Cứ xem đó thì thử hỏi những hoa trái nói trên có phải là Hoa Trái của Chúa Thánh Thần không? Có lẽ phải thêm thời gian nữa, mọi người mới có câu trả lời một cách xác đáng./.
———————————————-
Ghi chú: (1). Thập Điều Giới Luật của Thiên Chúa (cần được lặp lại):
Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự
Thư hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ
Thứ năm: Chớ giết người
Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục
Thứ bảy: Chớ lấy của người
Thứ tám: Chớ làm chứng dối
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người
Thứ mười: Chớ tham của người
(2). Quan điểm của Luther (cũng là trọng tâm giáo lý Luther): Loài người nhận lãnh sự cứu rỗi hoàn toàn chỉ bởi ân điển của Thiên Chúa (Sola Gratia), chỉ qua đức tin (Sola Fide), và chỉ do công nghiệp của Đức Kitô. Adam và Eva chọn lựa bất phục tùng Thiên Chúa và quyết định chỉ tin cậy vào khả năng, sự hiểu biết và sự khôn ngoan của chính mình. Đối với Thiên Chúa, sự chọn lựa này là hành động phản loạn, và đó là tội lỗi đầu tiên. Theo quan điểm Lutheran, nguyên tội là “tội căn cốt, là nguồn của mọi tội lỗi khác”. Giáo lý Lutheran dạy rằng con người được sinh ra trong tội lỗi, bởi vậy tội nhân không thể làm gì khác được (cũng không thể tạo ra việc lành hoặc công đức). Trong cái chết trên thập tự giá của Chúa Giê-xu, sự chết bị hủy diệt (trong ý nghĩa tối hậu), vì thế, nợ đã được trả, tội đã được tha. Hễ ai tin cậy trọn vẹn vào một mình Chúa Giê-su thì chắc chắn được cứu rỗi! vì đã đặt niềm tin của mình vào công nghiệp và lời hứa của ngài. Lutheran tin rằng, ngay sau khi chết, người thuộc về Chúa Kitô sẽ hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa trên thiên đàng (không có luyện ngục, và không có phải đền tội gì cả), ở đó họ chờ đợi sự sống lại của thân thể khi Chúa Giêsu Kitô tái lâm.
(3). Philip Melanchthon (1497 – 1560) là một nhà cải cách cùng với Martin Luther, nhà thần học hệ thống đầu tiên và lãnh đạo trí tuệ của Cải cách Tin Lành. Ông là lý thuyết gia, và người tạo gốc rễ cho Kháng Cách. Cùng với Luther, ông là người lập ra Giáo hội Luther. Kháng Cách (Protestantism – Trước kia Công Giáo dùng danh từ Thệ Phản) là Tông phái phát xuất từ cuộc cải cách tôn giáo bắt đầu vào thế kỷ 16 bởi Martin Luther. Ông là Giám Mục tu sĩ Dòng Augustinô, mục tiêu ban đầu của Luther là kêu gọi cải cách từ bên trong Giáo hội Công giáo Rôma, về sau ông tách rời khỏi Giáo hội Công giáo và thành lập Giáo hội Luther. Tin Lành là tên thường dùng để chỉ một cộng đồng các giáo hội do Luther thành lập. Hiện nay có khoảng 593 triệu tín hữu Kháng Cách trên toàn thế giới, bao gồm 170 triệu tại Bắc Mỹ, 140 triệu tại Phi Châu, 120 triệu tại Âu Châu, 70 triệu tại châu Mỹ La tinh, 60 triệu tại Á Châu và 10 triệu tại Úc Châu. (Nguồn từ Wikipedia).