Vẫn thứ Bảy, ngày 19 tháng 01 năm 2019
872. Bỏ qua các điều luật. Phạm các thánh chỉ. Phá vỡ giao ước muôn đời.
Đó là câu được trích trong Khải Huyền đoạn 4 của Tiên tri Isaia, trong đề tài kỳ trước chúng ta đã được mạc khải. Nguyên văn lời tiên báo như sau:
“vì chúng đã bỏ qua các điều luật, vi phạm các thánh chỉ, và phá vỡ giao ước muôn đời.” (Isaia 24,5b)
Khi nói tới thánh chỉ là nói tới quyền lực của vua. Có vua thì cũng có lề luật và những giao ước giữa vua và thần dân. Nhìn qua lăng kính Cựu Ước chúng ta sẽ bắt gặp được Vua Giêsu qua hình ảnh vua Đavít lập giao ước với dân vua như sau đây: “Toàn thể kỳ mục Ít-ra-en đến gặp vua tại Khép-rôn. Vua Đa-vít lập giao ước với họ tại Khép-rôn trước nhan ĐỨC CHÚA. Rồi họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en. Đa-vít lên làm vua khi ba mươi tuổi. Vua trị vì toàn thể Ít-ra-en và Giu-đa ba mươi ba năm (1). ĐỨC CHÚA đã phán với ngài: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en.” (2 Sm 5,2-4).
Qua Kinh Thánh Chúa cho thấy Đavít vẫn chỉ là “người chăn dắt” dân Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là Vua vĩnh cửu của “dân Ngài”. Bước sang Tân Ước, Chúa nhựt cuối cùng của năm phụng vụ, Lễ Chúa Giêsu Vua. Lời Chúa trong Tin Mừng xé tấm màn huyền bí cho chúng ta thấy lúc tận cùng của thời gian (tức thời Cánh chung), Chúa Giêsu sẽ làm vua ngự trị trên toàn vũ trụ, và Người sẽ là Vua Muôn Đời, Vua vĩnh cửu. Nhưng từ nay cho đến lúc đó, Chúa vẫn là vua trong lòng những người tin cậy và yêu mến Ngài. Tại sao? Đoạn Tin Mừng mô tả Lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá chính là lúc Ngài đã lên ngôi vua, ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người tin vào Danh Ngài, vì Người đã bảo: “Khi nào Con Người được giương cao lên khỏi mặt đất, thì là giờ vinh quang của Con Người, và Người sẽ kéo theo những ai tin vào Người” (Ga 12, 32). Chúng tôi xin được tóm lược bài TM Lễ Chúa Giêsu Vua như sau:
“Phía dưới thập giá, dân chúng “đứng nhìn” cách bàng quan như không liên can gì đến mình, các thủ lãnh do thái thì chế nhạo “Hắn đã cứu người khác thì hãy cứu lấy mình đi nếu thật hắn là Đấng Kitô”, lính tráng cũng chế diễu “Nếu ông là VUA dân do thái thì hãy cứu lấy mình đi”. Trên đầu Ngài có bảng viết “Đây là VUA người do thái”. Bên cạnh Ngài có hai tên trộm : một tên hùa theo đám người phía dưới cũng chế diễu Ngài; Người kia công nhận Ngài là VUA nên nói với Ngài “Khi ngài vào Nước của Ngài thì xin nhớ đến tôi”. (Lc 23,35-43)
Ở đây chúng ta đếm được 3 chữ VUA . Chúng tôi xin mở một cái ngoặc bên lề để nói về con số 3 theo quan niệm Đông Tây cho vui: Một số quan niệm cho rằng số 3 là con số tượng trưng cho sự vững chắc, giống như hình tượng kiềng ba chân. Đạo Phật thì có Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng); có Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc. Về thời gian chúng ta cũng có Tam thời là Quá khứ – Hiện tại – Tương lai; Nho giáo thì có Tam đa là Đa phúc, Đa lộc, Đa thọ; cùng với thuyết Tam Tài là Thiên, Địa, Nhân. Số 3 cũng được quan niệm là con số vô cùng may mắn, đồng thời mang ý nghĩa của sự bất tận, mãi mãi. Có lẽ ý nghĩa này phát xuất từ Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi của Thiên Chúa Giáo. Từ niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, số 3 được người ta thần hóa vào cuộc sống là mang lại cho người ta cảm giác An tâm, Hài hòa và Bền vững. Về mặt tâm lý Số 3 tượng trưng cho tình cảm, tài năng đại chúng. Về lý số, số 3 tiên đoán sự thành công trong các ngành khoa học, kỹ thuật nếu biết dung hòa hoạt động vào trong khả năng tinh thần. Các nhà bói toán Hy Lạp cho đó là một số hoàn hảo. Có nhiều khả năng thiên phú và ham thích học hỏi. Lạc quan, dễ say mê, tháo vát và thông minh. Thích sống tập đoàn, yêu đời và làm cho người chung quanh vui theo. Số 3 ở bài bói Tarot là lá bài Hoàng Hậu (The Empress). Về chiêm tinh, Số 3 liên hệ với sao Mộc Tinh (Jupiter), mà Jupiter trong thần thoại Hy lạp là thần Jeus – vị thần của các thần – cũng có nghĩa là VUA. Chúa Giêsu cũng được nhân loại suy tôn là King of kings – Vua trên các vua.
Đặc biệt trong bài TM này, thánh Luca đã trình bày cho chúng ta thấy một ý nghĩa siêu việt, mà ngoại trừ Đức Mẹ, đa số những người ở dưới và bên cạnh – có lẽ cả chúng ta nữa – vì đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông vua trần thế, nên chẳng những không nhận ra Ngài là vua, giống như những người Do Thái xưa: Một – là như những kẻ bàng quan xem ra Thiên Chúa chẳng liên quan gì tới sinh hoạt trong đời sống của mình, gia đình mình. Hai – nhiều kẻ còn ngạo mạn không tin và chế nhạo Ngài.
* Nhưng dưới mắt của Chúa Cha, (có thể ma quỉ cũng thấy được) trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng trong sứ mạng của Người, và Ngài đã được Chúa Cha trao vương miện, nên Chúa Giêsu ngay từ trong khoảnh khắc đó đã thật sự là VUA vũ trụ, Vua Vinh Hiển và Ngài đang ngự trên ngai của mình chính là Thánh Giá Chúa Kitô. Nhưng Thời cánh chung mới là thời mọi Quang Vinh được tỏ lộ, kể cả những ai đã theo Người, tuân giữ lề luật của Người, và cùng vác Thánh Giá với Người, thì cũng sẽ được chung hưởng phần quang vinh với Người. vì Chúa Giêsu từng nói: “Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24)
Vậy điều kiện “ắt có và đủ” để làm thần dân của Vua Giêsu, là tất cả những ai lãnh nhận những Thánh chỉ của Ngài – là những Dấu chỉ Thánh – qua những Bí Tích Chúa Giêsu đã thiết lập và ban cho nhân loại. Kẻ lãnh nhận Thánh chỉ phải tuân giữ các lề luật Thiên Chúa. Nhất là phải trung thành và không xé bỏ những giao ước đã ký kết với Ngài.
Suốt hai ngàn năm qua, Dân Chúa hết lòng giữ gìn và bảo vệ truyền thống đức tin, là tuân giữ các giới răn cùng lề luật của Người, nhưng nay thì hễ những ai bảo vệ truyền thống, đang bị một trào lưu mới phát xuất từ những tư tưởng cách mạng trong thần học giải phóng, những người này coi họ là những người bảo thủ, mà Đức Bênêdictô XVI bị ám chỉ là người đứng đầu của phái bảo thủ. Chúng tôi sẽ đề cập đến Thần học Giải phóng vào một dịp khác trong tương lai, khi cơ hội tới, theo ý chỉ dẫn của Đức Mẹ, vì chúng tôi chỉ nên bàn về những hiện tượng đang xảy ra trước mắt. Tuy nhiên quí vị và các bạn trẻ có thể tự tham khảo trước trong một số những đề tài tương tựa như bài báo “What happened to liberation theology?”, trong thờ The Economist, ngày 05.11.2018.
Ngày hôm nay, người ta đang hô hào cải cách giáo hội để cho phù hợp với nếp sống và văn hóa thời đại, thứ văn hóa mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị lúc sinh thời, ngài đã gọi là Văn Hóa Sự Chết. Gọi là văn hóa sự chết có nghĩa là hễ những kẻ sống theo văn hoá ấy, là tự ý mình khước từ, hoặc đánh mất đi sự sống đời đời.
—————————————————–
Chú thích (1). Khoảng năm 1.000 trước Công Nguyên Vua Đavít thống nhất được dân tộc Do Thái sau bao năm dưới sự thống trị của người Canaan, bao gồm cả hai miền Giuđa (phía Nam) và Israel (phía bắc). Nhưng rồi đến cuối đời vua Salomon thì đất nước Do Thái bị chia đôi. Vua Salomon là một ông vua được lịch sử viết là người được Thiên Chúa ban cho ơn khôn ngoan, trước và sau ông không ai bằng. Ông lại thừa kế sự nghiệp của Đavít vua cha. Nước ông hùng cường và thịnh vượng, sự giàu sang không biết đâu mà kể. Chính Salomon đã xây Đền Thánh Giêrusalem – Một công trình nguy nga tráng lệ – Xây cất ròng rã 46 năm, không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một đất nước đang hùng cường như vậy tại sao lại chia đôi? Thưa, vì gần cuối đời Salomon đã phản bội Giao Ước mà Thiên Chúa đã “ký kết” với vua Đavít. Vua đã lấy và sống với những bà vợ ngoại giáo và ông đã xây cất các đền theo ý mỗi bà vợ, và thờ các tà thần, nên vua đã bị nguyền rủa, rồi đất nước bị chia hai. Khi ấy, 12 chi tộc Israel chỉ có hai tộc Giuđa và Benjamin là còn trung thành với vua. Các chi tộc khác lập một vương quốc mới – vương quốc Israel – và họ hùng cứ phương Bắc. Thiên Chúa trả công cho vua về việc xây Đền Thờ Giêrusalem cho Chúa, nên tuy chia đôi, nhưng chưa bị những đế quốc bên ngoài xâm lăng. Sang tới các đời hậu duệ bấy giờ chiến tranh và loạn lạc mới tàn phá hoàn toàn gia sản của cha ông. Năm 721 (tr.CN) Israel phương Bắc bị đế quốc Assyri xâm chiếm. Tất cả 19 chi phái đều bị lưu đầy tại Assyri (Iraq ngày nay). Còn Giuđa phương Nam, thì năm 606 (tr.CN) khởi sự cuộc xâm lăng của đế quốc Babylon lần thứ nhất, Tiên tri Đanien và nhiều nhà quyền quí bị bắt về Babylon lưu đầy. Lần thứ Hai có Tiên tri Êdêkien và các thợ thuyền, công nhân và các người làm nghề thủ công, mỹ thuật bị bắt. Lần thứ ba vào năm 536 (tr. CN) toàn bộ Giuđa phương Nam bị chinh phục. Đền Thánh Giêrusalem hùng vĩ là bao mà bị thiêu hủy điêu tàn. Toàn dân bị bắt làm nô lệ, sống kiếp lưu đầy. Tiếng khóc những cô thiếu nữ Do Thái bên bờ sông Babylon vẫn còn lảng vảng suốt hai ngàn năm trên mọi không gian, thậm chí là ở VN sau 2.000 năm còn nghe tiếng than vãn “Trên sông Babylon, tôi ngồi tôi khóc Sion” (Sion là đồi chiến lược cổ xưa của người Do Thái trước khi được biến thành Thành Thánh Giêrusalem và Thủ đô của họ). Nhưng đó vẫn là cuộc thanh tẩy, và là sự cảnh cáo của Chúa, nên chỉ sau 72 năm lưu đầy như lời tiên tri Giêrêmia đã báo trước thì đến Năm 538 (tr.CN) hai đế quốc Assyri và Babylon đều bị đế quốc Ba Tư (Iran ngày nay) đánh bại. Chúa soi sáng cho vua Cyrus của BaTư giải phóng cho dân Do Thái từ Babylon trở về quê hương tái thiết đất nước, ông còn chu cấp và gkiúp đỡ cho xây dựng lại Thành Thánh Giêrusalem, cho đến thời vua Hêrôđê Cả thì vua này lại tái thiết thêm. Nhưng dân Do Thái vẫn chưa mở mắt để tiếp nhận Giao Ước Mới, và cũng là Giao Ước cuối cùng của Thiên Chúa, mặc dầu đã được các tiên tri loan báo từ ngàn năm trước. Họ đã từng chối từ các tiên tri Thiên Chúa đã gửi tới, và cuối cùng họ cũng từ bỏ, lên án và giết chính Con Thiên Chúa, nên bản án dành cho họ đã xảy ra như Lời Con Thiên Chúa “Sẽ chẳng còn hòn đá nào trên hòn đá nào” (Lc 21,6b). Và cả một dân tộc đã trở thành những người Do Thái lang thang khắp địa cầu cho tới năm 1948 (s.CN) thì họ bắt đầu hồi hương dần dần.
- Lịch sử những Giao Uớc giữa Thiên Chúa với con người.
Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy nhớ rằng: Thiên Chúa là Đấng nắm giữ vận mạng lịch sử và hướng nó đi theo kế hoạch của Ngài. Lịch sử các giao ước là những lần Thiên Chúa cúi xuống, ngỏ lời yêu thương, “mặc cả” với dân Chúa về tình yêu Người dành cho nhân loại. Mỗi lần “mặc cả” là một lần Giao Ước. lịch sử các giao ước đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Ơn Cứu Độ. Vì cứ mỗi lần con người phá giao ước, thì những cam kết với Thiên Chúa một là bị phá vỡ. Hai là Thiên Chúa sẽ bỏ mặc con người. Ba là những kẻ phản bội giao ước bị nguyền rủa.
* Nhưng trước hết Giao ước là gì? – theo Tự điển Hán Việt thì: Ước có nghĩa là buộc, hay điều kiện phải tuân theo. Vậy Giao ước là ước hẹn giữa đôi bên với nhau, có điều kiện phải tuân giữ. Thí dụ Chúa yêu chúng ta và bảo vệ chúng ta khỏi các cơn cám dỗ và thoát khỏi các sự dữ, cùng ban cho chúng ta sự Bình an, nhưng điều kiện là loài người chúng ta phải trung thành với luật lệ, hay các giới răn Ngài đưa ra! Tuy nhiên, vì con người trưởng thành theo mức độ tiệm tiến, giống như một đứa trẻ từ sinh ra tới lớn lên, sự hiểu biết can qua nhiều giai đoạn, cho nên trong lịch sử tiến bộ của nhân loại, Chúa đã cư xử với nhân loại tùy theo giai đoạn tâm trí con người phát triển hay chưa phát triển, chứ không hoàn toàn có tính cách máy móc của sự định nghĩa về giao ước nói trên.
– Xuyên qua lịch sử ơn Cứu Độ (Kinh Thánh cho chúng ta biết), Thiên Chúa đã thiết lập với con người 6 Giao Ước. Và chỉ với con người là loài được Chúa yêu, Chúa mới phải ký đi, ký lại nhiều lần trong sự con người cứ liên tục phản bội hay xé giao ước đã ký kết với Ngài!
– Trong số 6 giao ước, các nhà thần học phân ra :
* Ba giao ước Thiên Chúa lập với Israel (giao ước Áp-ra-ham, giao ước Môi-se, và giao ước Đa-vít). Trong số 3 giao ước này, chỉ có giao ước Môise là giao ước có điều kiện. Nghĩa là, giao ước này sẽ mang đến sự Bình an, phúc hạnh, hay bị nguyền rủa là tùy vào sự vâng phục hay xé bỏ giao ước của dân Người.
* Ba giao ước kia (giao ước A-đam, giao ước Nô-e, giao ước Mới) là những giao ước Thiên Chúa thiết lập với loài người nói chung chứ không chỉ giới hạn trong dân Israel.
- Ba giao ước Thiên Chúa thiết lập với Israel.
1- Giao Ước Áp-ra-ham Th.Chúa đã hứa nhiều điều với Áp-ra-ham. Ngài sẽ ban cho Áp-ra-ham nên một dòng dõi đông đúc (St 13:16), và ông sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc (St 17:4-5). Lập những lời hứa với một dân tộc được gọi là Israel. sự ám chỉ về Đấng Mê-si-a mà thế gian sẽ được phước thông qua dòng dõi của Áp-ra-ham (St 12:3; 22:18). Theo những giới hạn của giao ước này, nếu dân Israel bất tuân thì Đức Chúa sẽ khiến họ rải rác khắp thế giới (Đnl 30,3), nhưng cuối cùng thì Ngài sẽ phục hồi dân tộc và cho họ trở về lại mảnh đất của cha ông (Đnl 30,4&5). Khi dân tộc được phục hồi, thì họ sẽ hoàn toàn vâng phục Ngài (Đnl 30,8), và Đức Chúa sẽ làm cho họ trở nên cường thịnh (Đnl 30,9).
2- Giao Ước Môi-se (Đnl 11, và những chỗ khác) Giao ước Môi-se là một giao ước có điều kiện một là sẽ đem đến sự ban phước trực tiếp từ Đức Chúa cho sự vâng phục, hoặc là sẽ nhận lấy sự sửa phạt trực tiếp, nếu họ bất tuân dành cho dân Israel. Giao ước quan trọng nhất trong thời Mô se còn gọi là Giao ước Si-nai, tức Th. Chúa ban hành Mười Điều Răn (Xh 20,1-17) & (Đnl 5,1-33) và phần còn lại của Luật pháp là phần chứa đựng hơn 600 điều luật, được chia ra khoảng 300 mạng lệnh tích cực và 300 mạng lệnh tiêu cực. Những sách lịch sử của Cựu Ước, sách Giô-suê, sách Ét- te đã trình bày chi tiết cách dân Israel đã thành công trong sự vâng phục Luật pháp, hay dân này đã thất bại thảm hại như thế nào, mỗi khi bất tuân Luật pháp. (Đnl 11:26-28) cũng đã trình bày chi tiết về những ân phúc cùng những sự bị nguyền rủa.
3- Giao Ước Đa-vít Giao Ước Đa-vít mở rộng khía cạnh “hậu thế” của Giao Ước Áp-ra-ham. Những lời hứa dành cho Đa-vít trong phân đoạn này là đáng kể. Đức Chúa Trời đã hứa rằng dòng dõi của Đa-vít sẽ kéo dài đời đời (2 Sm 7:8-16) và vương quốc của ông sẽ không bao giờ qua đi mãi mãi (2 Sm 7:16). Rõ ràng, ngôi của Đa-vít không tồn tại mãi mãi. Tuy nhiên, sẽ có lúc mà một người nào đó từ dòng dõi Đa-vít sẽ lại lên ngôi và cai trị như một vị vua và là Vua mãi mãi. Vị vua tương lai này là Chúa Giê-xu. “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lu-ca 1:32-33).
- Ba Giao ước Thiên Chúa thiết lập với nhân loại nói chung, không chỉ với Israel.
1- Giao Ước A-đam bao gồm Giao Ước vườn Ê-đen nói về trách nhiệm của con người đối với sự sáng tạo và lời chỉ dẫn của Thiên Chúa về cây biết điều thiện và điều ác (St 1:26-30; 2:16-17). Và những lời nguyền rủa, lên án loài người vì tội lỗi của A-đam và Ê-va, cũng như lời hứa của Thiên Chúa dành cho tội lỗi đó, thí dụ như “mối thù giữa con rắn và người đàn bà, và người đàn bà sẽ đạp vào đầu con rắn”, cùng những hình phạt người đàn bà và đàn ông phải chịu (St 3:15-19).
2- Giao ước Nô-e là một giao ước vô điều kiện Th. Chúa với Nô-e (nói riêng) và nhân loại (nói chung). Sau cơn Đại Hồng Thủy, Đức Chúa đã hứa với nhân loại rằng Ngài sẽ không bao giờ phá hủy mọi sự sống trên đất một lần nữa bằng cơn Đại Hồng Thủy (St 9:13-16). Đức Chúa đã ban cầu vồng như là một dấu hiệu của giao ước, và một lời nhắc nhở rằng Th. Chúa có thể và sẽ đoán phạt đời sau nếu con người tội lỗi, Th. Chúa nói: “Người thiêu ra tro và hủy diệt các thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra, để làm gương cho những kẻ vô luân thời sau” (2 Pr 2:6).
3- Giao ước Mới Tiên tri Giêrêmia đã loan báo: “Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới”.(Gr 31,31)
Giao Ước mới là Đức Chúa là Thiên Chúa cam kết sẽ ghi khắc Luật của Ngài vào trong tim của con người. Như thế, Luật của Chúa cũng là Giao Ước Mới của Ngài sẽ không chỉ giới hạn trong dân Israel nữa, mà trong mọi con người có trái tim, nghĩa là tất cả các giới răn có mục đích gìn giữ chúng ta ở trong Giao Ước, không còn được viết trên giấy hay khắc trên đá nữa, cho nên Bia Đá của Giao Ước Si-nai đã được Thiên Chúa cất dấu đi, nghĩa là luật không còn ở bên ngoài con người, nhưng là trong tim con người. Luật sẽ trở nên Thần Khí hay Lời Nói sống động và cư ngụ trong lòng chúng ta và trở nên một với chúng ta, để nuôi dưỡng và làm cho chúng ta sống. Như thế, Giao Ước mới có thể được gọi là Giao Ước Tình Yêu, bởi vì chỉ có tình yêu mới làm cho luật trở thành Lời của Thiên Chúa cư ngụ trong lòng chúng ta mà thôi. Như Đức Giêsu, hiện thân của Giao Ước mới nói : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”. (Ga 15,5-8).
(Còn tiếp)