1. Chết mà đùa thì xem cũng tựa như lông hồng thôi! Các Thánh, các Thiên Thần có chung, mà cũng có riêng là sao?

– Cháu nói cho vui, cô có muốn chú chết trước không?

– (Trinh): Chuyện chết trước hay sau, thì mình phải tuân theo Thánh ý Chúa!

– Cháu đã nói là vui thôi! Có nghĩa là ta cứ tạm quên điều mà theo ý Chúa đi! Có nghĩa là ta ghét, ta cho chết … trước! (Chắc các bạn đã quen tính đùa, hay nói chơi của cô Thủy rồi … phải không? Cho nên đừng có thắc mắc, tại sao người tâm linh mà nói thế!).

– (Tr): Không có ghét!

– Chú thì sao?

– Tôi hả … Tôi muốn tôi chết trước!

– Cháu cho biết trước cô chú thì chưa có được tính sổ, có nghĩa là hình như … Chúa quá bận, nên đã quên đi! Cô chú có cần xin các Thánh nhắc không ạ?

– Đã biết là cô nói đùa rồi, thì Thánh cũng vào hùa với cô thôi! Nhưng mà thôi, hễ Chúa quên, thì nhờ Thánh nào nhắc Chúa giùm cũng được! Tôi cũng xin cám ơn trước!

– Chú khi nào muốn, phải hỏi cháu, để xem các Thánh có bận việc, hay đi xa không đã, thì mới chắc ăn.

– (Trinh hỏi): Khi cô nói các Thánh, thì là Thánh nào? Thánh Quan thầy mình, hay Thiên thần?

– Thánh đây là Thiên thần bản mệnh. Cháu còn cho biết các Thiên thần, cả các Thánh cũng vậy, dù là riêng nhưng cũng chung.

– (Bà Quý): Con bảo riêng mà chung là sao?

– Chung là tất cả các Thánh đều ở chỗ Chúa, riêng là cùng ở với mình, để gìn giữ mình. Chung là Chúa cho bình đẳng, còn riêng là Chúa phân ra, ai cũng được Chúa cho việc để làm, và việc ai lấy làm, chứ không có làm chung với nhau.

Chú có muốn hỏi cháu về các điều mà ta cho là khó hiểu không?

– (T): Tạm thời tôi chưa có câu hỏi, hay là cô có gì thì tiếp tục nói cho chúng tôi nghe đi!

  1. Điều gì làm ta sợ, và làm sao để hết sợ?

Chú Trường Linh đã được vui, nhưng vẫn muốn xin cầu nguyện tiếp.

Cháu Uyển Mai được ơn mơ gặp Đức Mẹ & Chúa Hài Đồng.

– Cháu được ơn Chúa cho hiểu thêm về các điều ta nghĩ là nhẹ mà thành nặng, khi nào có dịp cháu sẽ nói tiếp. Bây giờ, điều mà cháu nói là chú theo cô đi đọc kinh 3giờ chiều nhà ông Tịnh là cháu vui! Tuy rằng cháu chưa nắm phần thắng. Chú có muốn hỏi tại sao ta cứ phải sợ không?

– (Th. Tiếp): Cháu muốn thêm cho nhà ta là: Cứ tin vào Chúa. Lo làm việc Chúa muốn là thương người, thì Chúa sẽ cho ta hình phạt nhẹ nhất, và còn thêm đức khiêm nhường nữa, thì Cô, chú, Phụng cứ tin cháu đi! Khi ta chết Chúa sẽ cho ta được qua hết mọi sự, mà khi sống ta cứ sợ, sợ, và sợ!

– (Phụng): Em xin hỏi chị sao mà khi người ta cậy trông, thì lại cứ hay bị thử thách?

– Chị cho Phụng biết là Chúa cho em vui, để còn giống như con cháu Thánh cả Giuse là chịu khó trông nom gia đình.

– Chắc là chỉ vui phần cuối thôi, như vậy thì cũng vẫn còn sợ!

– Chị nói là Chúa cho, nhưng không ép. Còn nếu em muốn theo ngả khác thì Chúa cũng cho, nhưng hãy xin Ngài!

– Đây em chỉ đưa ra cho chị góp ý xem có cách nào để được vui thôi, chứ gia đình em thì chị biết mà, vợ em thì chịu khó, nhưng lại có bệnh cứ hay đau bụng bất thường. Con thì nhỏ, mẹ thì chưa biết là khi nào phải đẩy xe lăn! Vì thế mà chị thấy … mình mà theo gương Thánh cả thì phiền!

(Lúc đó cháu Uyển Mai chạy ra phòng khách, cô Thủy gặp được nên nói với cháu):

– Chúc mừng cháu được gặp Đức Mẹ bồng Chúa Hài nhi!

– (Uyển Mai): Cháu cám ơn Đức Mẹ! (vì có ông ngoại nhắc, nên) cháu cũng cám ơn bác Thủy nữa. Cháu còn muốn gặp Thiên thần với Thánh Giuse nữa!

– (Th): Cháu hãy để một thời gian nữa, có thể Chúa sẽ cho cháu được gặp, vui!

–  cô Thủy tiếp: Chú có muốn hỏi về chú Trường Linh nữa không ạ?

– Chú ấy có thể về đây nói chuyện được không?

– Chú ấy đã được Chúa cho VUI, và chú còn đang xin phép, nếu khi nào đuợc, cháu sẽ dẫn về. Chú ấy có gửi lời nói là: Cám ơn anh chị, em đã được hết lạnh ngay từ hôm đầu tiên được anh chị xin lễ cầu nguyện cho, bây giờ tuy đã được vui, nhưng nếu có thể, xin anh chị cứ cầu nguyện tiếp cho em! Em rất cám ơn!

Cháu đã đến lúc phải đi rồi! cháu chào cô chú, xin gặp lại kỳ tới!

– Vâng, cám ơn cô, và xin hẹn gặp lại!

THứ Hai, ngày 19. 9. 2005

  1. Khi con cháu lấy hết tâm và thành ý của mình

mà dâng lễ cùng cầu nguyện, thì trong thế giới tâm linh

Chúa ban ơn cách đặc biệt cho cha mẹ.

– (Cô Thủy): Con đang chờ để được nói, vì con biết rất có nhiều điều mà chú đi chơi về cần hỏi. Hôm nay cô chú có khỏe không ạ?

– Cám ơn Chúa, Đức Mẹ cho đi bằng an và vui! Nhưng sao hôm nay sao cô lại hỏi về khỏe, thường khi lời chào của cô là “có vui không” cơ mà?

– Chú biết không, vui thì thuộc tinh thần, tức tâm linh; Khỏe thuộc thể xác. Cháu hỏi thế là vì hôm nay cháu muốn mình chia sẻ cả đời lẫn đạo.  Cháu xin hỏi cô trước: Cô có nghĩ là bà ngoại nhờ được cô xin lễ, mà có được ơn đặc biệt không?

– (Trinh): Cám ơn cô tôi cũng nghĩ là chúng tôi xin lễ cho mẹ chúng tôi, và cũng có vận động các em cùng xin lễ và cầu nguyện cho cụ, nên tin là Chúa thương và bớt phần phạt cho cụ!

– Cô hãy tin cháu đi! Vì điều cháu nói ra là sự thật, và cháu được Đức Mẹ cho phép nói, để gia đình cô chú được vui, và thêm niềm cậy tin! (cô tiếp liền):

  1. Những địa điểm Hành Hương sao gọi là Thánh Địa. Phải cầu nguyện cách nào cho có hiệu lực?

 Chú có nghĩ khi mình đến những nơi mà Đức Mẹ linh ứng – nói theo cách nói thế gian – mà mình xin ơn cho con cái, rồi chúng sẽ được vui, thì chú có nghĩ là do mình chọn cái nơi mà người ta đã đặt tượng ảnh Chúa, hay Đức Mẹ ở đó không?

(Mở ngoặc: gia đình chúng tôi mới đi chơi, trong chương trình có hoạch định chuyến thăm viếng “Thung lũng Đức Mẹ” là nơi có nhiều tượng đài Đức Mẹ của nhiều Quóc gia, trên đường lái xe từ Sydney đi Brisbane, và chúng tôi đã dùng thời gian một buổi kính viếng Đ. Mẹ tại địa điểm này).

– (T): Tôi luôn tin như vậy! Vì biết là mình còn khô khan, nguội lạnh, nên cứ mỗi lần tới những địa điểm “Hành Hương” thì lòng mình sốt sáng hơn, và tin là Mẹ thương ban cho cả gia đình, mọi người đều được gia tăng đức tin, với lòng sốt sáng đặc biệt. Về việc này, tôi có hai ý để chia sẻ: Một là các địa điểm Hành Hương đã được Giáo hội Mẹ nâng lên hàng địa điểm Thánh, mà ta thường gọi là Thánh Địa, thì bao giờ cũng được Đức Thánh Cha, hay các Đấng Bản Quyền ban phép lành đặc biệt cho tất cả khách hành hương đến kính viếng, vào bất cứ thời điểm nào, như Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Thánh Địa Giêrusalem, hay Thánh Địa La Vang ở VN chúng ta, và nhiều nơi khác v.v… Chúng ta tin điều này, vì trong Tin Mừng Chúa Giêsu Đấng thiết lập Hội Thánh trên trần thế, Ngài đã ban cái quyền ấy cho các đấng kế vị của Ngài. Nên hễ dưới đất làm sao thì trên Trời, Chúa, Đức Mẹ cũng sẽ cho như vậy! Hai là: do tấm lòng của ta khi đến những địa điểm Thánh. Hầu như ai tới những nơi đó cũng đều mang tâm trạng nao nức, người nào cũng vất bỏ hết mọi sự vướng bận trên đời, từ công việc làm ăn, buôn bán, đến những lo toan vật chất, để chỉ tập trung duy nhất mỗi người một tâm tình, một nguyện vọng tha thiết để tới nói với Chúa, Đức Mẹ. Đó là ngoại cảnh ảnh hưởng tâm hồn, mà về mặt tâm lý thì cảm ứng này luôn luôn xảy ra như là định luật về tâm lý, chứ thực ra Chúa, Đức Mẹ ở đâu cũng hằng gần gũi với chúng ta. Còn chúng ta bất kỳ ở đâu, lúc nào với tâm tình con thảo, mà nói chuyện gì thì Chúa, Đức Mẹ cũng vẫn lắng nghe chúng ta hết! và tùy điều chúng ta xin, hễ có lợi cho phần tâm linh của chúng ta, thì các Ngài nhậm lời chúng ta, và ban cho chúng ta hết cả! Vậy điều kiện là: Cầu nguyện với tấm lòng nhiệt thành và sốt sáng, thì dù ở đâu bất kỳ, Chúa, Đức Mẹ cũng lắng nghe ta.

  1. Khi nào một con vịt biến thành con thiên nga?

– Phải gặp kỳ tích. Nhưng thế nào là kỳ tích?

– Dầu vậy nhưng cháu thí dụ như chú cứ xin một điều gì đó, mà mãi chưa thấy được, thì có khiến mình thất vọng không?

– Dạ, thất vọng thì không bao giờ! Không tin vào Chúa, Đ. Mẹ thì còn nơi nào để mà tin nữa! Nói theo niềm tin của Thánh Phêrô: “Lậy Thầy, xa Thầy con biết theo ai”. Tôi luôn nghĩ mình cứ việc cầu nguyện, và trông cậy nơi các Đấng. Thế nào cũng sẽ có một ngày thôi!

– Chú thấy không, cuộc đời ta rất là mau. Chú nhìn lại thử, từ khi lập gia đình tới giờ đã có khi nào chú được yên tâm chưa?

– Thời nào có cái lo lắng của thời đó! Lúc còn trẻ thì là trai thời loạn. (tôi mỉm cười) người ta nói “Gái thời loạn” mới đáng nói! Nhưng không phải tôi nói ngược đâu! Ai cũng có một mối tơ vò cho riêng đời mình, chỉ mình mình biết, và cứ tự thường thì mình mình gỡ! Nhưng tôi được Đức Mẹ gỡ hết cho tôi! Cô có thấy con vịt nào trong phút chốc mà biến thành con thiên nga bao giờ chưa, chứ tôi thì chưa bao giờ! Nhưng suốt cuộc đời tôi đã nghiền ngẫm câu này: “Kỳ tích chỉ là một cách nói khác của vừa nỗ lực, vừa cậy trông”. Nên nhìn lại, thì đời mình được Đức Mẹ hằng cứu giúp, nếu nói theo ngôn ngữ đời, thì tôì và Huệ Trinh đều có nhiều may mắn! Có những may mắn phải được xem là kỳ tích. Song, như tôi vừa nói: Kỳ tích chỉ là một cách nói khác của sự vừa nỗ lực, vừa cậy trông.

  1. Chúa cho ta sống bình an,

nhưng tính liên đới cho ta sự lo lắng cần phải có!

* Ly dị, ngoại tình và bầy quỉ dữ.

– Hiện giờ cháu hỏi thật, chú đã yên tâm chưa, hay còn lo lắng một vấn đề nào, xin cho biết? Để chia sẻ.

– Lo lắng cho mình thì không, nhưng cuộc sống là sự liên đới, bởi vậy khi thấy trong anh chị em, dù là bên mình hay bên vợ, còn có những đổ vỡ trong tương quan hệ lụy của tội lỗi, thì một là buồn vì thấy đời sống các em không có hạnh phúc ngay ở đời này, hai là nếu các em ấy không tỉnh thức mà trở về bên Chúa, thì còn có nguy cơ mất cả hạnh phúc đời sau, xin hỏi cô là anh, là chị, làm sao không lo lắng được!

– Chú biết không, ai cũng được ơn, song phải chính họ biết và xin thì mới có hiệu quả ngay, còn ta chỉ là đệ tam nhân, cháu ví dụ như mình chỉ là kẻ đứng ngoài cuộc, thì sự cầu xin lo lắng của mình không phải là không có hiệu quả, nhưng Chúa còn phải chờ xem họ có biết hối lỗi không? Nếu họ cứ cho họ sống như thế là đúng, thì phần kết quả cháu nghĩ là … sẽ chậm!

Chú cứ nghĩ đi! Khi ta có một cái mụn nhọt, thì đau lắm chứ! Cháu nghĩ ta phải nặn nó ra, rửa sạch sẽ, rồi lấy thuốc rắc, thì có phải là nó mau lành, hơn là chỉ trông cậy vào việc uống thuốc, mà không tìm cách làm cho chất độc mau ra, thì cái mụn đó có khi còn làm độc thêm! Bởi vậy thời bây giờ, y học đã tiến rất nhanh về phương pháp làm phẫu thuật. Nhiều thứ ung độc bên trong cơ thể, người ta phải giải phẫu, chứ không chờ uống thuốc!

– (Tâm): Cô nói thế nghĩa là bảo chúng tôi phải khuyên bảo, chứ không chỉ cầu nguyện không thôi?

– Chú tha lỗi, cháu không có ý khuyên, hay như phần đời nói là tày khôn, cháu chỉ muốn góp ý với cô chú, là cô chú hãy tìm hiểu, và nhận thức cho minh bạch xem điều gì phải làm thì bắt tay vào làm ngay, không nên sợ mệt mỏi!

– Cám ơn cô! Tôi không dám nghĩ như vậy! và hứa là dù khó thế nào, chúng tôi cũng cố gắng thi hành theo sự góp ý của cô.

Sự kiện được ghi để làm điển hình: Dạo đó, mấy năm liền, cứ hễ về VN thì chúng tôi ra sức vừa khuyên bảo chú Thức, cô Hằng; vừa tổ chức những buổi đọc kinh chung cầu nguyện cho mối tình tay ba, mà tôi đã có dịp nói! Hằng là người có thiện chí nhất! Chị này là người tình của Thức. Tôi hiểu chú Thức cũng có phần kẹt, vì sau khi bị tai biến nặng, nằm bất tỉnh hai tháng trời ở bệnh viện, về trở thành phế nhân, cần có người nương tựa và giúp đỡ! Đào là vợ hận chồng bao nhiêu năm nay đã cùng tình nhân xây dựng sự nghiệp trở nên giàu có, nên bây giờ chúng tôi khuyên cách nào cô cũng không chịu tha thứ. Bạn đọc thân mến! Lý ở đời cái lẽ như Đào trả mối hận lòng của nhiều năm tháng dứt khoát không cho chồng trở về nhà, cũng là chuyện thường tình, ta cũng không có quyền trách cứ! Chỉ là Chúa không cho phép ta làm như vậy! Chúa xuống trần chịu đòn, chịu để cho người ta xỉ vả cách nhục nhã, cuối cùng Người chịu chết trần truồng trên Thánh giá, cũng chỉ để cứu chuộc nhân loại, và điều kiện để những ai đã tin Chúa muốn được hưởng ơn Cứu độ của Người, chỉ là “Phải sống Yêu Thương, Bác ái và tha thứ”. Chúa trước khi chết đã làm gương cho chúng ta một lần chót, để chúng ta PHẢI NHỚ một trong bảy lời trăn trối cuối cùng, là Ngài đã nói với Chúa Cha rằng: “Xin Cha tha cho họ vì họ đã không biết việc họ làm”. Trước khi nói câu ấy, chúng ta hiểu rằng: Lòng Thương Xót của Chúa đã sẵn sàng tha thứ cho những kẻ lên án và giết Chúa! Ba năm đi giảng dậy, Giáo lý của Chúa Giêsu Kitô có thể được tóm gọn trong hai từ kép, là: “YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ”. Xin bạn đọc cứ theo dõi những buổi nói chuyện tâm linh của chúng tôi, bạn sẽ học được nơi cô Thủy cho chúng ta biết: Sống mất yêu thương và tha thứ, sau này cho dù có được rỗi, thì cũng bị ở chỗ cô Thủy gọi là “vừa sâu, vừa nóng nảy, mà rất khổ sở”. Cho nên, nếu chúng ta có điều giận dữ, hận thù gì, thì phải tha thứ hết, trễ nhất là trước khi nhắm mắt lìa đời! Còn khôn ngoan thì hãy tha thứ ngay, để còn có thời giờ làm việc lành, bù đắp vào những năm tháng ta đã sống trong hận thù, thì sau này sẽ đỡ nhiều! Nói theo kiểu của cô Thủy là được ở chỗ nóng trong xứ mát, hoặc có khi còn được Chúa cho sự mát mẻ. Sau chuyến về VN lần thứ hai (năm 2005 này), trước khi chúng tôi trở lại nước Uc, Hằng đã gặp riêng tôi, cô hứa là sẽ thu xếp rời Thức. Cô nói: Không phải em không biết lo phần hồn của em, cũng như anh ấy đã hứa với Chúa trong lúc còn nằm bất tỉnh trên giường bệnh, là xin Chúa cho con sống, để trở về thu xếp chuyện gia đình. Anh ấy cũng có kể cho em nghe điều đó như đã kể lại với anh. Bao nhiều lần anh chị tới khuyên bảo em, lương tâm em áy náy vô cùng! Chỉ có điều là trong tình trạng anh Thức như thế này, mà em bỏ đi, trong khi chị Đào thì nhất định không cho anh trở về. Anh Thức đã có trở về nhà rồi, nhưng chị Đào đã hành hạ anh ấy, khiến anh không thể ở được mới trở lại với em, để nhờ em săn sóc, và hàng tuần giúp anh đi tới trung tâm tập vật lý trị liệu. Trong hoàn cảnh anh Thức như vậy, mà em còn bỏ mặc anh ấy, thì đời sẽ chửi rủa em như thế nào! Cho dù anh đã bảo đảm với em là tất cả mọi người trong gia đình, trong họ hàng nhà anh sẽ không ai trách cứ em, nhưng tạm thời lương tâm em cũng không cho phép! Chuyến này trước khi anh trở lại Uc, em xin hứa là em sẽ làm như ý của anh chị khuyên, nhưng xin cho em một thời hạn ngắn nữa! Lần đó về tôi cũng hơi yên tâm! Nhưng cũng phải gần hai năm sau câu chuyện mới được kết thúc!

Phần kết thúc của câu chuyện: Sở dĩ tôi viết thêm phần kết thúc này, vì ngày nay khắp nơi trên thế giới, người ta phá vỡ khế ước Hôn Nhân nhiều quá, đến trở thành một hiện tượng của thời đại, mà những thế kỷ trước, hoặc chỉ vài thập niên mới đây, người ta không có như vậy! Nay thì người ta dễ ly dị, rồi sau đó thì mạnh ai nấy chắp vá với một người đàn ông, hay đàn bà khác. Sống tự nhiên trong đống tội lỗi lâu ngày thì thành quen, y như người sống trên bãi rác, đối với những người ấy sự hít thở không khí mình quen thuộc, nó không còn cảm giác của sự hôi thối nữa! Người sống quen trong tội lỗi cũng như vậy! Ngày nay có biết bao nhiêu người phạm hết sự Thánh này sang sự Thánh khác, mà không hề nghĩ tới đời sau! Kẻ cố tình phá vỡ Bí Tích Hôn phối là một tội trọng. Xong, lại ăn ở với người khác phái trong Tin Mừng Chúa nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mc 10,11-12). Đã ngoại tình là phạm tội trọng rồi! lại phạm Điều răn thứ sáu thường xuyên với người ấy, là phạm nhiều tội trọng, thế mà chỉ một thời gian sau thì họ lên Rước Lễ, xem Bí Tích Thánh Thể không là gì! Trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã có nói: Quỉ nó không đi một mình! Khi nó gặp được căn nhà trống (tức là tâm hồn không còn Chúa. Chúa đã ra đi vì họ phạm tội), thì chúng kéo cả bầy tới ở (Mt 12,44-45).

Sau đây là tên của:

7 QUỶ ĐẦU SỎ TRONG ĐỊA NGỤC

(7 mối tội đầu)

Lucifer: Quỉ kiêu ngạo

Mammon: Quỉ hà tiện

Asmodeus: Quỉ dâm dục

Satan: Quỉ hờn giận, thù hằn

Beelzebub: Quỉ mê ăn uống

Leviathan: Quỉ ghen ghét, đố kỵ

Belphegor: Quỉ lười biếng phụng thờ Thiên Chúa

Nhân nói về 7 Quỉ, Tác giả cũng ghi thêm vô đây cho độc giả biết tên của:

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN:

Michael: Sự Tuyệt đối của Thiên Chúa (Không ai bằng)

Gabriel: Uy lực của Thiên Chúa

Raphael: Sự chữa lành của Thiên Chúa

Uriel: Ánh sáng Thiên Chúa

Chamuel: Người tìm kiếm Thiên Chúa

Jophiel: Vẻ đẹp của Thiên Chúa

Haniel: Hồng ân Thiên Chúa

Zadkiel: Sự công bằng của Thiên Chúa.

 

Mỗi thứ quỉ sẽ xui người ta làm một thứ tội, và vì khi con người sống quen trong tội, thì họ không còn biết sợ tội nữa! Quỉ nói dối hợp tác với quỉ tự ái, nên có kẻ thì thông báo mình đã được cha giải tội cho phép chịu Mình Thánh Chúa. Lại có những người tuyên bố phép hôn phối của họ đã được tháo gỡ, và họ có quyền lấy người khác! Họ đã tự tẩy xóa ngay lập tức lề luật của Thiên Chúa mà chính tay họ ghi vào trong Thiệp Mời trước khi mang đi in, “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Căn cứ vào đó thì không có sự rối nào gỡ được cả! Vì cha cũng là loài người, lại là người tuân thủ luật của Thiên Chúa! Đức Chân Phước Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận (Lúc chúng tôi viết đến giòng chữ này, thì Ngài đã được phong Chân Phước) sinh thời ngài đã giải thích rất rõ cho một câu hỏi về trường hợp này trong đại hội giới trẻ VN ở bên Mỹ rằng: Không ai có thể tháo, hay gỡ phép Hôn phối được hết! Vì Thiên Chúa đã kết hợp! Mà chỉ duy nhất trường hợp phép hôn phối không thành (hết trích). Điều này chính Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng: “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ, mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”. Bất hợp pháp tức là bất thành vì có sự dối trá của một bên, mà ngày cưới bên kia vẫn không được biết! Còn nếu như đã biết mà vẫn chấp nhận tiến hành lễ cưới, thì không còn kể là có sự dối trá ở bên trong nữa!

Vài tháng trước khi chúng tôi về VN lần thứ ba, tức là cách lần trước khoảng hai năm, vào một buổi chiều, tôi nhận được điện thoại của Hằng (lần đầu tiên cô liên lạc với tôi). Hằng kể cho tôi nghe nàng đã quyết tâm rời Thức, vì lương tâm thôi thúc, khiến cho cuộc sống luôn lo lắng, bất an. Hằng kể: “Chiều hôm qua em đã tới Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (ở đường Kỳ Đồng) để xin xưng tội. Sau khi kể hết những tội lỗi mình đã phạm trong suốt bao nhiêu năm, thì trước khi ban phép giải tội, cha hỏi lại: Con có quyết tâm không bao giờ trở lại với người đó nữa không? Thì em nói mình sẽ quyết tâm! Nhưng tạm thời còn ở với anh ấy, vì chưa tìm được cho anh ấy một nơi mà anh ấy có thể nương tựa, thì cha giải tội nói ngay: Cha không được làm hư phép giải tội. Cha chỉ có thể ban phép tha tội cho con với điều kiện ngay từ giây phút này, con không còn sống chung với người ấy nữa, dưới bất cứ hình thức nào! Và con phải hứa là kể cả sau này con sẽ không bao giờ trở lại sống chung với người đó nữa! Rồi cha viết cho em số mô-bao của cha, ngài dặn: Bất cứ khi nào con hoàn tất những điều kiện này thì con trở lại, cha sẽ ban phép hòa giải cho con, còn con giữ số điện thoại này, nếu như trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, thì gọi cho cha, cha sẽ tới giải tội khẩn cấp cho con. Sở dĩ em gọi cho anh cũng để nói với anh là, em không quên lời hứa hôm nào là sẽ giải quyết cho xong chuyện này, và cũng xin anh chị thêm lời cầu nguyện cho em, để em có thể sớm giải quyết ổn thỏa tình trạng của anh Thức, thì khi đã đi xa rồi, tâm hồn em mới được bình yên!

Vài tháng sau đó, tôi về thăm gia đình, thì Thức đã ở một gian phòng phía sau nhà của người con trai trưởng, và có mướn một người lo cơm nước cùng tất cả chuyện cá nhân cho một người tàn tật. Cho tới khi viết lại câu chuyện này đã là mười mấy năm, chúng tôi đã về VN thêm nhiều chuyến khác, thì Hằng đã biền biệt ở đâu đó, chưa một lần gặp lại, Còn Thức em tôi thì đã ra người thiên cổ. Tôi còn nhớ lần đầu tiên về VN nghe chú ấy kể lại: Trong hai tháng nằm bất tỉnh có một lần nghe trong đầu tiếng Chúa bảo: “Thức ơi! Mày đã chết rồi!”, rồi em có xin Chúa: “Cho con trở về để thu xếp chuyện gia đình”. Tôi ghi lại đây, để ca ngợi lòng nhân tuất về một Thiên Chúa chậm bất bình là dường nào! Chúa đã cho họ 10 năm để thu xếp chứ không phải chỉ một ngày. Thức được Chúa gọi về ngày 18 tháng 10 năm 2012. Xem như thế thì dù khó khăn tới đâu, lời cầu nguyện và lòng cậy trông không bao giờ thành vô ích! Nhưng tôi cũng ghi nhận điều này: Cha tôi, chính người đã thúc giục tôi trước, khi bảo tôi phải về VN để giải quyết chuyện gia đình, sau nữa, là tới cô Thủy khi thấy tôi thất vọng sau chuyến về lần thứ nhất năm 2004, đã hết sức khuyên giải mà không được gì! Thế mới biết là người trong thế giới Tâm linh vẫn hằng quan tâm đến những người thân của mình, chứ đừng nói “Chết là hết!”.