Thời gian: từ 3.30 đến 5.15 chiều ngày 09.7.2003.

Địa điểm: Melbourne, tiểu bang Victoria, Australia.

Tại phòng khách của gia đình Phụng + Uyển.

LÝ-DO: Sở dĩ có buổi tiếp xúc này, lúc đó tôi (Giuse Thúc Linh Tâm) vẫn còn đang sinh sống tại Perth (Thủ phủ của Tiểu bang Tây-Uc) là vì có lần Thanh Uyển (con gái của tôi) và người chồng tên Kim Phụng về thăm chúng tôi, một buổi trưa Phụng có tiết lộ với tôi về việc có người chị tên là Nhật Thủy đã chết mà vẫn thường về tiếp xúc với mẹ (bà Quý), và nói nhiều việc rất trúng. Tôi nói ngay với Phụng rằng: Phải cẩn thận, ma-quỉ có thể giả dạng và hay làm việc này để khiến người ta tin theo, rồi làm mất đức tin Công giáo. Phụng có yêu cầu tôi bao giờ có dịp qua Melbourne ba thử gặp gỡ chị Thủy xem sao, theo con thấy thì chị Thủy luôn thúc đẩy gia đình, nhất là mẹ con phải siêng năng đi lễ và đọc kinh. Mẹ con là bổn đạo mới, chỉ theo đạo khi lấy bố con. Chắc ba cũng hiểu rằng, hồi ấy mẹ con theo đạo vì hôn nhân (thời đó giáo hội chưa cho phép đạo ai nấy giữ), chứ không phải vì hiểu đạo, thích đạo, yêu đạo mà theo.  Nên đức tin đã chẳng có là bao, thì việc đọc kinh, đi lễ đối với mẹ con không phải là việc cần thiết. Hơn thế nữa, bố con lại không thường xuyên ở nhà, vì sống đời quân ngũ. Suốt một khoảng thời gian dài, những việc đạo đức nói trên, đối với mẹ con, chỉ khi nào vui thì làm, không thì thôi. Sau khi chị Thủy được phép về với mẹ con, thì chị ấy mới bắt đầu thúc giục mẹ con phải đi nhà thờ. Động cơ thúc đẩy mẹ con đi lễ, là “hễ mẹ không đi lễ, thì con (Thủy) sẽ không về nữa” (Sau này bà Quý cũng thường kể với tôi như vậy), mà mẹ con thì rất muốn tiếp xúc với chị Thủy con, vì mẹ con rất thương nhớ chị Thủy, qua cái chết rất thương tâm của chị con. Sau này thế nào ba cũng có dịp được biết. Dần dần chị Thủy tiến tới việc khuyến khích mẹ con đọc kinh, mặc dù mẹ con vẫn thường nói với chị ấy: “Tao làm biếng đọc kinh lắm”. Khi mẹ con bảo với các chị em là Thủy nhắc nhở mọi người phải xiêng năng việc đạo đức, gặp gỡ Chúa và Đ. Mẹ qua việc đọc kinh, và tới nhà thờ, thì các chị (mọi người trong gia đình hầu hết là không quen đi nhà thờ, đọc kinh … Tuy rằng ai cũng đều được rửa tội lúc mới sinh ra) chỉ cho là mẹ con bịa chuyện để nói, chứ không ai tin mẹ con. Ngay cả khi bố con còn sống bố con cũng không tin, và mỗi lần mẹ con nói, thì bố con chỉ cười, và cũng như các chị, bố con bảo, mẹ mày chỉ bịa. Nhưng con thì lại thấy khác. Thỉnh thoảng con cũng gặp chị Thủy qua mẹ con, thì con biết đây là chuyện thực, chứ không phải mẹ con bịa. Mà toàn là những chuyện chị ấy khuyên bảo tốt, giúp cho mình có Đức Tin, chứ không có lợi gì cho ma quỉ. Con thí dụ, gia đình có thói quen, đến ngày giỗ của bố con, thì đem tiền vào nhà thờ xin lễ, nhưng không có ai đi dự thánh lễ ấy để cầu xin cho bố con. Một là vì mắc đi làm, hai là vì cũng chẳng ai quan tâm nhiều, cứ cho việc đưa tiền vào cha xin lễ, là hết bổn phận. Tối về cũng không đọc kinh giỗ, cầu cho bố con. Nhiều khi chị em tụ họp bày ra ăn uống thì có, gọi là để nhớ đến ngày giỗ bố mình thế là xong chuyện. Một lần kia con tiếp xúc với chị qua mẹ con thì Chị Thủy nói với con là: “không phải cứ có tiền khoán trắng cho cha làm lễ là xong đâu. Chúa còn phải xét xem cái lòng của mình đối với linh hồn mà mình xin lễ cho, có thật sự do lòng mến, và thành tâm xin Chúa thương xót đến L.H. ấy không, hay làm cho chiếu lệ? Nếu nghĩ rằng cứ bỏ tiền ra xin lễ, và bao giờ đủ số lễ thì Chúa sẽ cho L.H. ấy lên Thiên đàng, thì chẳng hóa ra, thân nhân của những người giầu chóng lên Thiên đàng lắm sao? Còn thân nhân của những người nghèo thì chắc là khó vào nước trời lắm? vì họ đâu có tiền để mà xin lễ nhiều cho thân nhân của mình. Nhất là lại có nhiều người thân đã qua đời, thì làm sao có đủ tiền xin lễ? Em phải nói với mọi người trong nhà, là phải suy xét lại việc này”. Năm rồi lễ giỗ của bố con, con vận động chị em trong nhà đi dự lễ cầu nguyện, rồi tối lại tụ họp cả gia đình đọc kinh giỗ cầu nguyện sốt sáng, thì ngay tối hôm ấy, chị Thủy đưa bố con về, và bố con rất vui mừng, cám ơn cả nhà. Bố con nói: “Hôm nay nhờ cả nhà đi dâng lễ cầu nguyện, rồi lại tụ họp đọc kinh cho bố, nên Chúa đã cho bố được nhiều ơn. Bố cám ơn hết tất cả mấy mẹ con” … Phụng kể cho tôi nghe nhiều chuyện, trong đó có cả việc, hai chị thách thức mẹ, nếu Thủy thật sự có về thì mẹ bảo nó cho trúng số Lotto, có trúng thì mới tin. Mẹ con thật thà, cũng đem chuyện đó nói với chị Thủy, thì chị ấy bảo: “Chúa cho con về là để giúp mẹ, sau này chết mẹ bớt bị khổ, chứ không phải để giúp cho mẹ hay chị em được giàu có! Mẹ đừng có xin điều đó, không những Chúa không bao giờ cho, mà còn làm Chúa buồn nữa!” … Hôm đó tôi hứa với con rể (Phụng), khi nào ba có dịp sang Melbourne, ba sẽ qua mẹ con, tiếp xúc với cô Thủy xem sao. Đó là lý do của buổi gặp gỡ đầu tiên này.

CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ

Trong khi bà Anna Phạm thị Quý – Người Trung Gian (Médiumnité – sinh năm 1930) – Chuẩn bị bằng câu nói mời gọi con mình về để nói chuyện, thì tôi cũng dùng Trí để xin ơn Chúa Thánh Thần, Đức Trinh nữ Maria soi sáng cho việc làm này, để có thể nhận chân được đâu là thực, đâu là giả. Nếu như chỉ cần một chứng cớ nhỏ cho thấy việc làm của ma quỉ, thì tôi sẽ nói ngay cho bà Qúy biết là phải chấm dứt những việc tiếp xúc như thế này, dù rằng trước đây Phụng (con rể) đã kể cho tôi nghe nhiều việc hữu ích về phần linh hồn. Bà Quý nói chuyện bình thường như ta thường nói với con cái trong nhà, không có vẻ gì mang màu sắc thần bí cả.

Một buổi chiều như mọi buổi chiều, có ánh nắng chiếu qua cửa sổ vào phòng khách khá rộng. Tôi mô tả điều đó với ngụ ý là không có gì gọi là âm u, tịch mịch hay như người ta tưởng tượng là phải tạo ra bầu không khí thần bí. Câu bà nói với con bà, mà sau này trong các cuộc tiếp xúc, bà cũng thường nói như vậy, là: “Têrêsa Phạm thị Nhật Thủy này, bây giờ con có rảnh không, về chơi với mẹ một lúc, hôm nay đặc biệt có cô, chú Tâm, thông gia với mẹ mới từ Perth qua chơi. Chú ấy cũng muốn được nói chuyện với con, nhưng mà mẹ nói trước, hễ chú có hỏi gì thì con cứ sự thật mà nói, cái gì không biết thì con cứ nói là mình không biết, chứ đừng có nói sai, là mang tiếng mẹ lắm đấy. “Tao” chỉ làm công việc như người thông dịch thôi. Con liệu mà trả lời cho chính xác.!” Những cuộc tiếp xúc về sau, thì bà không dùng lời lẽ rào trước đón sau như vậy nữa, mà chỉ gọi về chơi một cách đơn giản thôi. Không hề có một câu thần chú, hay một sự huyền bí gì cả.

Về phần thủ tục giới thiệu đôi bên, tôi thấy cũng chỉ bình thường như khi có khách tới chơi, đôi bên chào hỏi nhau, theo lối xã giao. Cô Têrêsa Phạm Thị Nhật Thủy là tên đầy đủ của nhân vật Tâm Linh. Vì là lần gặp gỡ đầu tiên, nên TÔI có hỏi qua về cái chết của cô, được bà Quý kể cho biết đại khái là: Cô chết trong một vụ nổ mìn sau buổi hát cho ngày “Người cày có ruộng”, lúc đang cùng mọi người ngồi uống nước giải khát (Đây là một chính sách cấp phát ruộng đất cho dân, thời chính phủ Việt nam Cộng hòa – dưới trào Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu – năm 1970). Lúc đó cô mới 16 tuổi. Tôi có hỏi ở tuổi ấy cô còn nhỏ, ai cho cô hát, mà cô hát để làm gì? Bà trả lời: “Chị Giang cháu lúc đó hát cho ban Tâm-lý-chiến. Nên nó giới thiệu cháu Thủy, và cháu cũng được biết sau buổi ấy, cháu sẽ được trả 1500 đồng. Cháu rất cần số tiền đó, vì có người chị họ đang bệnh nặng mà không có tiền để trị liệu. Cháu cần phải giúp chị ấy, nên cháu mới xin đi hát. Lúc còn sống, cháu Thủy không nói cho tôi biết đâu, sau này nó về mới kể lại”. Tôi cũng được giới thiệu cho biết bố của cô Thủy, tức ông Giuse Phạm Trường Sơn (chết năm 1998) cũng được theo cô về trong buổi nói chuyện này. Tôi cũng chào ông Trường Sơn, hơn nữa chúng tôi cũng đã biết nhau, lúc ông còn sinh thời. Tôi nhớ hồi còn ở trần gian, tánh tình ông rất vui vẻ, có năng khiếu khôi hài, và hay nói chuyện “tếu”. Tôi nghĩ là đã đủ, bây giờ thì bạn có thể theo dõi các cuộc nói chuyện của chúng tôi, giữa người trần và những người trở về từ Thế Giới Tâm Linh. Xin mời bạn.

Ngay sau khi việc chào hỏi và giới thiệu xong, cô Thủy đã hỏi tôi trước:

01- Những LH được về đây có phải là những LH tội lỗi không ?

– (Cô Thủy): Chú có nghĩ rằng những linh hồn về đây, là những linh hồn tội lỗi không?

– (Tâm): Tôi không hoàn toàn cho là như vậy. Nói một cách khác, tôi thật sự không quan tâm về mặt này. Lý do là vì, có ai sống trên đời mà không có tội, nếu không muốn nói là tràn đầy tội lỗi. Tôi lại nghĩ rằng có Linh hồn nào, theo sự công thẳng của Thiên Chúa, mà lại không phải thanh luyện ít nhiều. Bởi thế, sẽ có những linh hồn mà sự thanh luyện đã hoàn tất, nhưng có thể cũng sẽ có những LH còn đang phải thanh luyện. Dù là thế nào, thì mục đích mới chính là điều quan trọng!

02- Mục đích Chúa cho cô Nhật Thủy về.

– Trước hết cháu xin xác minh rõ: Mục đích Chúa cho cháu về, là để khuyến khích gia đình siêng năng đọc kinh, cầu nguyện. Bây giờ thì cháu xin chú nhớ cho điều này: Bố cháu không được phép nói nhiều.

(Chú Thích: Sau này ngoài việc chào hỏi, tôi cũng thỉnh thoảng hỏi ông chút đỉnh là vì quên điều cô Thủy dặn. Tuy nhiên cả tôi và bà Quý – vợ ông – đều nhận thấy rằng: Ông Sơn rất thích nói, nhưng cứ hễ vui miệng nói nhiều, là ông bị kiềm chế. Người kiềm chế ông không ai khác hơn là cô Thủy. Cũng có lúc chính miệng ông nói ra là: Cứ bị con Thủy nó cầm chân hoài. Theo tôi hiểu, thì trong thế giới Tâm Linh có những quy luật mà Thiên Chúa đã sắp đặt, giống như những qui luật thiên nhiên ở trần gian, và lại còn ứng xử tùy theo trường hợp mỗi Linh hồn. Theo sự tường thuật của bà Quý, thì việc ông Trường Sơn được về là do sự bảo lãnh của cô Thủy. Cô đã xin phép Đ. Mẹ để giúp và nâng đỡ ông, nhưng không vì thế mà để ông phạm luật, nên cô cứ luôn phải canh chừng, chính cũng là một sự giúp đỡ cho người cha của mình vậy. Theo cách đó, thì tôi hiểu rằng: Cũng như cuộc sống ở cõi đời, luật lệ vẫn là luật lệ. Đối với Thiên Chúa, Ngài vẫn để cho mọi người quyền tự do, và các Linh hồn cũng vậy. Sự thưởng phạt sẽ tùy thuộc vào chính sự lựa chọn tự do của mỗi linh hồn. Ông Trường Sơn chỉ mới chết cách nay khoảng 5 năm. Trường hợp cha mẹ tôi cũng vậy. Mẹ tôi chết ngày 15-10-1995 (8 năm); cha tôi ngày 10- 01- 1997 (6 năm), lúc tôi nhờ cô Thủy để được tiếp xúc với các cụ thì các Ngài không được trực tiếp nói chuyện với tôi, mà chỉ nhắn qua cô Thủy.)

Cháu vì được ơn đặc biệt của Đức Mẹ, nên cháu có thể nói ít nhiều, nhưng phải là những điều đẹp lòng Chúa.

03- Bố thí cho người nghèo, nhất là nuôi được người đói khổ là tốt nhất.

– Tôi xin hỏi cô Thủy: Cách làm nào tốt đẹp nhất đối với Thiên Chúa, mà mình có thể giúp cho các L.H. thân nhân của mình, sớm được thoát khỏi nơi “Thanh Luyện” ?

– Đối với Chúa là thực thi lời Ngài. Cháu xin lấy một thí dụ: Nếu như mẹ cháu chết, cả nhà xin rất nhiều lễ, thì việc xin lễ tất nhiên là tốt, nhưng nếu như mọi người đều cố gắng làm cho được nhiều việc phúc đức, thì còn tốt hơn nữa… Chúa công bằng vô cùng, không ai làm chuyện gì trên trần gian, mà qua được mắt Chúa.

Con xin thưa với chú, con muốn nói rõ hơn là: Nếu như mọi người dùng tiền vào việc từ thiện được thì rất tốt! Còn nếu như ta nuôi được một người đói khổ, thì lại càng được Chúa và Đ.Mẹ thương vô cùng. Cháu nói thế, có gì làm chú bận tâm không. (Ngay lúc bấy giờ, quả thực tôi không bận tâm về câu nói đó, nhưng sau đọc lại, thấy tâm hồn mình, có được sự đánh động. Biết là cô Thủy muốn nhắc nhở chúng tôi về một việc làm rất đáng gọi là quan trọng.)

(chú thích: Chuyến sang Melbourne này, vợ chồng chúng tôi có mục đích trước, là biết ngày con gái chúng tôi là Thanh Uyển sẽ sanh đứa con thứ nhì, nên chúng tôi đã “book holiday thường niên” sang thăm vợ chồng chúng, và bà thông gia, ngoài ra nhà tôi cũng muốn dùng thời gian 4 tuần để giúp đỡ con gái trong lúc sanh đẻ. Nhưng cháu đã trễ, mà chưa sanh, thậm chí về sau, lúc phải trở về Perth để đi làm, Uyển vẫn chưa sanh. nên tiện dịp, tôi có hỏi cô Thủy điều này.)

04- Việc con của chúng tôi sanh đẻ trễ.

– Tôi muốn hỏi cô Thủy về việc cháu Uyển, như cô đã biết, và tôi tin là cô biết: Cháu đã trễ ngày sanh đến hơn một tuần. Vợ chồng cháu có lo lắng, và chúng tôi cũng có chút lo lắng về việc này. Vậy xin hỏi cô, liệu cháu có việc gì không?

– Đấy là bố mẹ thương con mà thôi! Cháu thưa chú: Một là ở đây (cô ám chỉ tại nước Uc này) không có gì đáng phải lo ngại cả! Chú cô nghĩ đi, nếu có gì thì cũng chỉ là việc hơi đau bụng thôi. Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua đi! … còn hiện tại thì rất bình yên. Đây là cháu phỏng đoán vậy thôi … (Khi dùng chữ “phỏng đoán” có thể là cô nói thực, cũng có thể là cô không được phép, hoặc không nên tiết lộ những sự kiện tương lai, vì có câu: “thiên cơ bất khả lậu” – Biết đâu đó chẳng là một qui luật hệ trọng của thế giới Tâm Linh, nếu không được Chúa cho phép.) Chú cũng đừng quá tin ở cháu! Hai là: Cháu không giám nói, vì đó là ý của chúa. Ba là: Có thể chỉ từ giờ tới cuối tháng, cứ nghe theo lời bác sĩ! Bốn là: Khi cháu còn sống, cháu chưa có học, hay đọc qua sách vở về vấn đề này, mong chú thông cảm!

(Câu hỏi kế tiếp, là việc tìm hiểu Thiên đàng, Địa ngục. Nên tôi đặt câu hỏi).

05- Câu hỏi về Thiên đàng, hỏa ngục chưa được trả lời.

– Cô Thủy có thể mô tả cho tôi biết Thiên Đàng là thế nào, và địa ngục ra sao được không?

– Chú nghĩ sao về Thiên đàng, Hỏa ngục, thì chú cứ nói theo sự hiểu biết của chú đi! Rồi cháu sẽ nói thêm.

– (Tôi cười) Cô nói thế thì cũng “huề vốn” thôi! Làm sao tôi có thể tưởng tượng ra được! Cái điều mà mình đã không biết, thì không nên nói! Ở đời có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. ”

(Lúc ấy tôi nghĩ rằng: Chắc chẳng bao giờ cô tiết lộ, nếu như tôi nói theo sách vở, theo những điều tôn giáo đã dạy, thì chắc rồi cô cũng chỉ bổ xung chút đỉnh mà thôi. Nên tôi bỏ lửng câu nói đó, nghĩ mình nên đặt những câu hỏi loanh quanh kiểu khác hơn là trực diện vấn đề như đã đặt ra.)

06- Chú phải hỏi cách thành thật!

– Cô có hài lòng về chỗ hiện mình đang ở không? (Tôi muốn lường về chỗ ở hiện tại của cô: Thiên đàng hay vẫn còn trong nơi thanh luyện)

– Ý chú muốn hỏi cháu là: Hiện cháu có được ở bên Chúa, Đ. Mẹ không? … nếu chú cho là cháu nói đúng với ý chú muốn hỏi, thì cháu sẽ nói tiếp … nhưng chú phải thành thật!

07- Ai khi đã chết, cũng được gặp Chúa và Đ. Mẹ một lần, dù là có tội!

– Vâng! Cô hãy tin tôi là khi nói chuyện với cô, tôi luôn thành thật. Vậy tôi xin hỏi là cô đã được gặp Chúa và Đ.Mẹ chưa?

– Thưa chú, khi chết ai cũng được gặp Chúa một lần. Không phải chỉ những ai sạch tội mới được thấy Chúa, thấy Đ.Mẹ.

Cháu cũng bình thường như bao linh hồn khác. Có điều được Chúa và Đ. Mẹ xét công, nên cho được về (theo tôi hiểu chữ “về” đây là về bên Chúa, nhưng cũng có thể là về nói chuyện với người trần gian), và được đi đây, đi đó, vui vẻ.

(Khi cô nói “bình thường như bao linh hồn khác”, ta thấy rằng đó là đặc tính khiêm tốn nơi những linh hồn thánh thiện. Tôi cũng thêm nhận xét: Linh hồn này khi nói chuyện, biểu lộ tính lịch sự, rất lễ phép, và luôn cẩn trọng.)

08- Có được ở bên Chúa hay không đều là do Chúa xét.

– Cô vừa dùng chữ: “Như bao Linh hồn khác” và trước đó là chữ “bình thường”. Vậy tôi xin hỏi cô là: “Các linh hồn bình thường” thì có được ở bên Chúa mãi không?

– Cái đó, như cháu nghĩ chắc là: Chúa còn phải xét lại! Xét lại từng trường hợp của từng linh hồn.

(cô Thủy không dùng mệnh đề có tính cách khẳng định, mà dùng nhóm chữ: “Cháu nghĩ chắc là”, điều đó cho thấy, có sự đắn đo, cẩn thận, ví như ngoài hiểu biết và thẩm định của mình. Tôi cũng rút ra ở đây một suy luận: Linh hồn khi về cõi Tâm Linh, không mang theo chút gì thuộc thân xác, kể cả bộ óc. Vậy mà Linh hồn vẫn có suy nghĩ, vẫn nhớ lại rõ ràng tất cả những gì mình biết lúc sống trên đời. Như vậy, sự hiểu biết hay linh mẫn, không thực sự thuộc về trí óc. Bộ não hay óc, chỉ là cái vỏ, cái nhà, tạm thời cho sự “hiểu biết” của tinh thần trú ngụ trong khoảng đời của mình, nơi cõi thế. Trong những cuộc tiếp xúc dài dài, sau này, ta sẽ thấy, các linh hồn ngoài những sự hiểu biết hơn lên, đều nhớ rất rõ tất cả mọi việc, mọi chuyện, mọi sự kiện đã diễn ra trong đời, khi mình còn sống trên trần).

09- Lý do ông xui tôi không được nói nhiều.

– Khi nào ông Trường Sơn (cha của cô Thủy) cũng sẽ được nói nhiều như cô?

– Bố cháu khác, cuộc đời của bố cháu không có xiêng năng đến với Chúa, vì chuyện gia đình, vì cuộc sống … tới khi về già, mới có sự gần gũi Chúa. Chú cứ làm con toán chia ba … , nên bây giờ Chúa cho được như thế này, đã là do ân huệ của lòng thương xót Chúa dành cho nhiều rồi. Bố cháu đâu có dám lộng hành, đòi hỏi gì nữa … Chú hiểu ý cháu nói không?