Lời Thiên Chúa
1. Thiên Chúa đi tìm con người: Câu chuyện vắn tắt ở đây, lấy không gian là địa lý của vùng đất trù phú giữa hai con sông Nile và Euphrates. Lấy thời gian của nhóm các bộ lạc du cư chạy trốn khỏi xứ sở có nền văn minh là Ai cập, nhưng họ lại không thể sống quây quần cách tự do cũng như giữ đạo của mình. Sau chuyến vượt thoát đầy gian nan, gay cấn nhờ Đức Chúa của họ, tới xứ Khô-rép giữa sa mạc mà tên của vị Thiên Chúa là Gia-vê. Họ không chỉ là một bộ tộc du cư trắng tay, xơ xác, mà còn là một dân tộc lòng trí hoang sơ của một vùng đất tâm linh chưa khai phá. Họ rất dễ hoang mang, hoảng hốt, và lo sợ. Từ đó họ bị dằng co giữa tâm trạng thúc bách lên đường với cơn cám dỗ quay trở lại những “cuộc vui chơi, nếp sống phù phiếm” của văn minh Ai Cập. Thiên Chúa lại đến tìm họ, rồi biến họ thành sở hữu của Ngài giữa các dân tộc “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta” (Xh. 19:5). Rồi câu chuyện về một dân tộc được mạc khải và nghe được Lời Thiên Chúa nói với họ, cứ tiếp tục từ đó như ta có thể đọc thấy trong những tập sách làm thành bộ Cựu Ước.
2. Tình Chúa yêu thương nhân loại: Tiến trình Thiên Chúa đến với loài người ăn khớp với sự hỗ trợ nhịp nhàng theo mức độ phát triển của nhân loại. Dân tộc được Ngài tỏ mình ra đều đã được chia sẻ những thăng trầm và trạng thái tâm lý với các dân tộc khác thời xa xưa cách chính xác. Do Thái, như một dấu chỉ rằng: Từ trong dân tộc này, Thiên Chúa đã tìm kiếm các dân tộc bằng những phương cách độc đáo (và ngay cả đời sống cá nhân mỗi người cũng có được cảm nghiệm này) là Thiên Chúa đã gắn chặt bản thân Ngài cách tự do và rất tinh tế ngay trong cuộc tìm về quê hương của con người nhân loại. Ngài trở thành người bạn đồng hành thiêng liêng, và sẵn sàng nhập cuộc, đàm thoại với con người khi cơ hội tới. Thánh Tôma Aquinô ở thế kỷ13, lặp lại lời Thánh Ambrôsiô thế kỷ thứ tư: “Mọi chân lý, dù được thốt ra từ ai đi nữa, đều phát xuất từ Chúa Thánh Thần”. Điều đó cho thấy rằng cuộc tìm kiếm mò mẫm của nhân loại về Thiên Chúa, cũng sôi nổi y như tiến trình Thiên Chúa đến với loài người.
Qua dân tộc Israel, Thiên Chúa đã nhân danh toàn thể nhân loại, liên kết chính Ngài vào thân phận con người chúng ta, đồng thời ban cho chúng ta con đường vinh quang vĩ đại nhất là: “Thiên Chúa yêu thương thế gian này tới độ Ngài ban cho thế gian Con Một của mình”. Cũng chính tại đây, Đức Giêsu, niềm hy vọng của toàn thể nhân loại đã ra đời, Bắt đầu thời Tân Ước.
3. Vậy Kinh Thánh là gì ? Trước hết KT là tổng hợp các biến cố lớn lao trong hành trình Thiên Chúa tìm kiếm nhân loại, cũng là con đường nhân loại tìm về Thiên Chúa như một lược trình biểu tượng ghi trên, từ Cựu Ước sang Tân Ước. Về phương diện từ ngữ, hai chữ Kinh Thánh (Bible) dịch qua tiếng La Tinh từ ngôn ngữ Hy Lạp “Biblia” nghĩa là “Các Sách” – Các sách được Giáo Hội công nhận là kinh điển, gồm hai phần Cựu Ước và Tân Ước (tiếng Hê-bơ-rơ là tawrat tức là Lề luật; Hy-lạp là Evangelion), tất cả đều được thừa nhận là những lời mạc khải thiên thượng.
4. Hai Giao Ước: Ngày nay chúng ta thường gặp từ Testament (Old Testament; New Testament) có nghĩa là “Chứng cứ” về Lời Thiên Chúa qua các ngôn sứ và sau hết là qua Thánh Tử Giêsu, được các ngôn sứ là các Tông đồ ghi chép lại. Nguyên ngữ của từ testament phát xuất từ tiếng la tinh “testamentum”, dịch từ tiếng Hylạp “diatèkè” mà hầu hết sự xuất hiện của từ này trong Kinh Thánh Hy Lạp đều có nghĩa là Giao Ước (covenant) hơn là mang nghĩa “chứng cứ” (testament): “Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24,7). Cũng thế, các tác giả Tân Ước thấy sự ứng nghiệm lời các tiên tri của giao ước cũ về lời giao ước mới trong một trật tự mới được mở đầu cuộc chịu nạn và Cứu độ của Đức Kitô Giêsu: “Sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén rượu và nói: ‘Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,25). Chính Lời của Chúa Giêsu đã xác lập thẩm quyền về ý nghĩa này, tức ý nghĩa của Giao Ước. Và ngôn ngữ Việt chúng ta cũng đã dùng các từ: Cựu Ước (Giao Ước Cũ) và Tân Ước (Giao Ước Mới).
5. Lời Thiên Chúa: Lời của Giao Ước: Lời của Mạc khải – Hồi đó, không có dân tộc nào ngoài Israel được Thiên Chúa vén cái màng bọc bí mật (mạc khải) về kiếp người, nhân sinh, tương lai, chung cục thế giới, nơi đến và sau nữa là nước trời. Ngày nay, hễ ai muốn biết tất cả những thứ đó, chỉ việc đọc Lời Chúa trong Kinh Thánh. Người ta có thể thâu tóm tất cả mạc khải thiên Chúa ban cho dân tộc Israel bằng chỉ một từ ngữ là “giao ước”. Vì giao ước bao hàm sự hiệp thông và tình thân hữu. Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Người, Thiên Chúa vô hình (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Người đối thoại với họ (x. Br 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Người.
Giao ước luôn luôn có chủ thể và đối tượng. Đối tượng đây là thành phần các dân tộc với nhau, đồng thời cũng giữa các dân tộc với Thiên Chúa. Cái nào cũng là đối tượng, hoặc là chủ thể (trong tình yêu). Cả hai không thể bị tách rời. Hễ tách rời thì không còn là giao ước! hoặc trở nên bội ước. Đọc lịch sử Do Thái chúng ta nhận ra thực tế sâu sắc nhất đó là “Tặng phẩm” của tình bằng hữu và lòng chung thủy của Thiên Chúa dành cho loài người. Nên cũng có thể gọi là “Giao ước của tình yêu”. Vậy Lời của Thiên Chúa chính là “Tiếng nói của Tình yêu” Thiên Chúa ngỏ cùng nhân loại. Cùng một ý nghĩa ấy, chúng ta có thể nói: Mỗi lần Đọc Kinh Thánh là mỗi lần tâm linh chúng ta được tiếp cận với Lời Mật thiết của Thiên Chúa nói với chúng ta, những người yêu của Chúa.
6. Thiên Chúa có mặt trong Lời của Ngài
a) Trong Cựu Ước, “Lời” là phương tiện qua đó công trình của Thiên Chúa đã trở thành hiện thực. Lời là một biểu lộ của Gia-vê, là công việc tự Ngài thực hiện, qua đó Đấng Tạo dựng vũ trụ xuất hiện để con người có thể nhận ra Ngài, Khi chúng ta nhận ra được những qui luật của vũ trụ, của thiên nhiên, thì chính là lúc chúng ta đọc được Lời của Thiên Chúa dạy. Thời Cựu Ước, Lời chính là Luật (tawrat): Thiên Chúa ở với dân Ngài bằng Lời của Ngài, qua một hình thức nhất định của Lời Ngài là Lề Luật: “Khi Ta thi hành án xử đối với những kẻ lân bang đã từng khinh dể chúng. Bấy giờ chúng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng” (Ed 28,26); Các mệnh lệnh của lề luật này là: “Nó không ở mãi trên trời để phải nói ‘Ai sẽ thay Ta lên trời để lấy xuống cho Ta … ?” (Đnl 30,12) Vì Lời ở rất gần con người, trên cửa miệng, trong tâm hồn, lúc suy niệm. Lời còn được biểu lộ qua một hình thức khác, đó là sự “Khôn Ngoan” mà con người có thể chiêm ngắm được Tạo Hóa.
“Khôn ngoan nhất đều do tự Chúa
Và từ đời đời hằng ở với Người
Cát biển, giọt mưa, ngày đời đời, ai nào đếm được ?
Trời cao, đất rộng, vực thẳm ai nào dò ra ?
Trước mọi sự khôn ngoan đã được dựng nên
Và tự đời đời sự thông hiểu minh mẫn.
Nguồn mạch khôn ngoan chính là Lời Thiên Chúa trên cao
Và đường lối (của khôn ngoan) là lệnh truyền hằng có
(Hc 1,1-5)
b) Thời Tân Ước, Lời Chúa và bí tích Thánh Thể là hai cách hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh. Câu chuyện “Trên đường Em-mau” trong Tin Mừng Luca (Lc 24,13-32) đã gợi cho chúng ta niềm tin xác tín này. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). “Ai tuân giữ Lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8,51). Cũng vậy, “Bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Chính vì thế Hội Thánh luôn công bố Lời Chúa khi cử hành các bí tích và các giờ kinh phụng vụ, vì sách Thánh phân phát cách bất di bất dịch Lời của chính Thiên Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Ngôn sứ cùng các Tông đồ. Bởi vậy mọi lời giảng dạy trong Hội Thánh cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Sách Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Thực thế, trong các Sách Thánh, Cha trên trời đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ Lời với họ bằng tất cả lòng trìu mến (MK 21)*. Do Đó Mỗi khi đọc Lời Chúa thì Chúa thật sự hiện diện như Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể vậy.
(GHI CHÚ: MK: Hiến chế Mạc khải của Công Đồng Vaticanô II)