TỪ MÔ THỨC CẤU TRÚC ĐẾN ĐẲNG THỨC THẦN LINH

I. Từ mô thức cấu trúc: Trước hết chúng ta cần có một số  nhận thức đứng đắn sơ khởi cho việc tìm hiểu, hay học hỏi về Kinh Thánh như sau:

​1) Nhiều người chưa quen với Thánh Kinh, khi cầm một quyển trong tay, đều cho rằng các tác phẩm Thánh Kinh hình thành theo trật tự đã được sắp xếp trong quyển sách. Theo quan niệm này, thì bài tường trình Sáng tạo, vì nằm đầu quyển sách, nên được coi như phần cổ nhất trong Kinh Thánh. Cũng như đối với sách Tân Ước, người ta cũng cho việc hình thành theo trật tự đã được trình bày theo sách, các Phúc Âm, tiếp đến là sách Công vụ, các thư Phaolô…và kết thúc bằng Khải Huyền. Họ cho cách sắp xếp này là theo trình tự thời gian hình thành. Sự thực không phải là như thế!

2) Cũng thế, nhiều người đọc sách Thánh, xem Thiên Chúa mặc khải cho con người mà không chú ý gì đến trình độ phát triển của con người, môi trường văn hóa, trình độ hiểu biết của con người. Họ cho Thiên Chúa tự mặc khải cho Ađam cũng như cho Abraham, hay Môisen hay ngôn sứ Isaia, y như rằng Thiên Chúa nói sao thì viết đúng như thế! Từ khi Norbert Lohfink nêu câu hỏi: “Abraham dâng lễ vật cho Thiên Chúa nào?” (ngày nay, Thiên Chúa chúng ta thờ không phải dâng những lễ vật như vậy! tỷ dụ như chiên, dê, bò, lừa … Nhưng thực ra Thiên Chúa Tạo Dựng với Thiên Chúa Cứu Độ vẫn là một, chỉ có hình thức tôn giáo là khác biệt), bấy giờ người ta mới chú ý đến trình độ đón nhận của loài người qua các thời đại. Chúng ta biết rằng quyển Cựu Ước được hình thành trong vòng 1000 năm, trải qua biết bao biến chuyển trong lịch sử về đủ mọi mặt, từ một dân du mục, sang định cư, rồi thời kỳ quân chủ, chuyển sang nô lệ phải luôn luôn đấu tranh, suy tư và nhận thức con người phải chịu ảnh hưởng của môi trường cũng biến thiên theo; niềm tin của con người cũng thế! Và trình độ diễn đạt Lời Thiên Chúa trao ban cũng không ngoại lệ.

3) Chúng ta cũng còn cần phải để ý đến điểm này nữa là: Bất cứ dân tộc nào trên trái đất cũng phải trải qua các thời kỳ: Du mục, định cư, thành làng, thành xã, rồi tiến lên quốc gia với các thể chế chính trị từ phong kiến, quân chủ, đế quốc, hay nô lệ; rồi từ giải phóng nô lệ bước sang cộng hòa, hay dân chủ … (Ngay trong thế kỷ 20, người ta đã phân biệt hai thứ dân chủ: Dân chủ đông phương bao giờ cũng thấp, kém hơn dân chủ tây phương. Còn dân chủ kiểu CS thì không phải là dân chủ, mà là Độc tài cộng với chuyên chế. Bây giờ một số quốc gia đang tiến lên nền “Tân dân chủ”). Cứ mỗi một bước nhảy vượt, từ thời này sang thời khác, chế độ này sang chế độ khác, đều mất ít nhất là hàng trăm năm, hoặc hàng ngàn, vạn, hay triệu năm, chứ không phải như ta đọc Cựu Ước một cách xuông sẻ là từ đầu tới cuối trải qua biết bao thời đại mà chỉ có vài ngàn năm. Thí dụ: từ thời ăn lông ở lỗ của Adam, Eva cho đến Ca-in, A-ben ở thời định canh (tức thời kỳ nông nghiệp và chăn nuôi, và còn chép là những người con của Adam, Eva), trên thực tế hai thời kỳ này cách nhau hàng triệu năm (Thời đại nông nghiệp mới cách chúng ta khoảng 10.000 năm mà thôi, nhưng thời con người ăn lông ở lỗ, thời du mục, săn hái cách thời đại chúng ta từ một triệu tới hai triệu rưởi năm). Cũng vậy khi chúng ta đọc Sách Sáng Thế, trong đó mô tả vỏn vẹn chỉ có bảy ngày tạo dựng hết mọi loài là kể cả ngày Chúa nghỉ, thì trên thực tế khoa học ước lượng mỗi ngày cách nhau cũng hàng triệu năm, có khi hàng tỷ năm cũng không chừng, vì khoa học chưa đủ khả năng để đo chiều dài cực đại của thời gian vũ trụ vật thể trải qua. Bởi thế trong bài một (Bài 1) đã có nói các biến cố ấy (trong Cựu Ước) biểu thị dưới nhiều hình bóng khác, chứ đừng chỉ nghĩ tới một phương diện lịch sử hay khoa học, để bảo Kinh Thánh viết thế có đúng không ? Rồi ép niềm tin của chính mình vào trạng thái tiêu cực rằng: “Thôi thì cứ tin vậy!”. Điều này nhất là người VN chúng ta ai cũng đã trải nghiệm về câu chuyện truyền thuyết “Bọc mẹ trăm con”. Không ai đọc câu chuyện đó dưới nhãn quan khoa học, hay nhân chủng học, mà ai cũng hiểu đó là một câu chuyện biểu thị cho một học thuyết sâu sắc (tức là dưới hình bóng của tư tưởng cổ đại tiền nhân, các ngài xây dựng cho dân tộc một học thuyết thâm thúy). Cũng vậy,  đọc Kinh Thánh lại còn phải hiểu xa hơn thế! vì không thuần túy là cuốn lịch sử dân Do Thái, mà là Lịch sử Ơn Cứu Độ. Khi chỉ là cuốn sách tường thuật các biến cố lịch sử nước Do Thái thì nó cực tiểu, còn khi biểu thị những biến cố thuộc sinh mệnh cả thể chất lẫn tâm linh, của cả nhân loại, dưới sự quan phòng và chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thì Kinh Thánh chất chứa tiềm tàng một hình ảnh cực đại, chẳng ai có thể hiểu hết được!

4) Về vấn đề tên tác giả của các sách Thánh, người ta quen thuộc với truyền thống Môisen là tác giả quyển Ngũ Thư, thánh Phaolô là tác giả 14 lá thư… Người ta gắn tên tác giả với tính chất Linh Hứng và Mặc Khải. Nếu như có sự nghi ngờ về tác giả, lập tức người ta gán cho là lạc đạo, là người phủ nhận Lời Chúa. Không thể là như vậy!
Khoa Thánh Kinh ngày nay tiến rất xa, nhờ các công tác khảo cố, khoa tìm hiểu về lịch sử, và nhân văn … Nhất là các tìm hiểu về văn hóa, kinh tế, chính trị không những của Do Thái mà các nước chung quanh xứ Do Thái. Một khám phá mới làm chuyển đổi thật nhiều cách suy nghĩ về Thánh Kinh. Tỉ như cuộc khám phá ở Qumran(1) vào năm 1947, đặt nhiều vấn đề về Gioan Tẩy Giả và ngay Đức Giêsu. Hai vị này có thuộc về cộng đoàn Qumran hay không? Ít ra người ta đã tìm được những tư tưởng của Qumran trong lời nói của Đức Giêsu… Chính vì thế chúng ta có những nhận định như sau: Cách sắp xếp các tác phẩm trong quyển Thánh Kinh hoàn toàn không dựa vào thời biểu của cuộc hình thành các sách. Người ta sắp xếp theo lịch sử cứu độ, nghĩa là từ Sáng tạo đi dần đến kết thúc thế giới (Khải Huyền). Những người sắp xếp kinh bộ không chú tâm đến sự hình thành của từng quyển sách Thánh. Ngược lại ngày nay muốn hiểu một quyển sách Thánh, chúng ta phải cố công đặt sách lại môi trường của nó, do đâu mà quyển sách này được hình thành, hoàn cảnh nào mà tác giả đã trứ tác…Chính cố gắng này sẽ làm rõ ý nghĩa chứa đựng trong sách nhiều hơn.
Quyển Thánh Kinh dù sao cũng là một tác phẩm văn chương. Con người cũng như các sự kiện đứng trong nhiều chiều kích lịch sử. Nếu như quyển Cựu Ước hình thành trong vòng 1000 năm, thì cũng trong thời gian đó, Thiên Chúa tiếp xúc với loài người; nhưng Người chỉ tiếp xúc con người theo trình độ hiểu biết của họ. Vì thế phải chấp nhận có một quá trình phát triển các chân lý tôn giáo ngay trong các sách Thánh. Muốn hiểu được quá trình này, chúng ta cũng phải tìm hiểu lịch sử phát triển từng thời kỳ về các mặt tôn giáo, chính trị, văn học. triết học … (có bài đọc thêm). Theo thói quen, người ta gán cho Môisen là tác giả quyển Ngũ Thư. Ngày nay, người ta thấy trong Ngũ Thư có quá nhiều truyền thống khác nhau của nhiều tập thể khác nhau, nên khó mà gọi Môisen là tác giả được (Bài 1 đã có nói trong mục số 2 về Nguồn gốc các sách trong Cựu Ước). Cũng như trong 14 lá thư được gọi là của thánh Phaolô, nhiều lá thư chỉ được hình thành sau khi thánh nhân đã được phúc tử đạo, nhất là các lá thư mục vụ hay thư Do Thái (có thể do các đệ tử hay những người bạn đồng thời của ngài viết lại ?). Nếu như người ta khám phá và nêu lên sự thật này, thì không thể nói rằng người ta phủ nhận Sách Thánh. Sự linh hứng của một quyển sách thánh không nằm trong tên tác giả, nhưng được xác định do Huấn quyền của Hội Thánh. Nếu như từ trước đến nay người ta vẫn coi sách Khải Huyền là do thánh Tông đồ Gioan viết mà nếu tới lúc nào đó, người ta khám phá, vị đó không phải là Gioan Tông đồ mà là một vị khác, thì không phải vì sự khám phá này mà sách mất đi linh hứng.
Hai ngàn năm qua, mọi Kitô hữu đều tìm hiểu Thánh Kinh, nhưng thật ra không ai dám vỗ ngực nói rằng mình đã thấu đáo hết. Các nhà Thánh Kinh chỉ tìm tòi theo cách khoa học; nhưng Niềm Tin không phải là khoa học. Một câu Lời Chúa có thể biến đổi cả cuộc đời, nhiều thánh nhân đã minh chứng điều này. Tác động của Thánh Thần mới làm cho Lời Chúa sống động và nhập thể trong con người chúng ta, chứ không phải khoa học. (x.tiếp Bài 4)

GHI-CHÚ:
(1). Qumran: Tên của một vùng hoang tàn với những hang động trong các vách núi ở trên bờ phía bắc của Biển Chết. R. De Vaux đã khai quật những tàn tích vào những năm 1951, 1953 – 1956 với hy vọng soi sáng cho nguồn gốc của một số cuộn sách đã tìm được từ năm 1947 trong những hang động này. Một số người Do Thái đã cư ngụ tại đây từ thế kỷ thứ 8 Trước Công Nguyên (viết tắt: TC), được mở mang, kiến thiết đầu thời Alexander Jannaeus trị vì (135-104 TC) dân cư đã tụ tập đông đúc. Rồi sau trận động đất vào năm 31 TC, đã bị phá hủy, xong lại được xây dựng lại và trở thành những đồn lũy kháng chiến chống lại đế quốc La Mã, cho đến năm 68 SC bị người La Mã tiêu diệt hoang tàn qua một cuộc bạo lực. Các nhà sử học cho rằng họ thuộc phái (giáo phái) Essenes, có mặt tại đây ít nhất là khoảng giữa thế kỷ thứ 2 TC cho đến cuộc nổi dậy chống lại đế quốc La Mã từ 66-70 SC. Khác với phái Sa-Đốc được nói tới trong Tân Ước, phái Essenes tin vào số mệnh và tính bất tử của linh hồn, tức có đời sau – sau cái chết về thể xác – Phái này quan trọng việc gìn giữ các lề luật. Sự giàu có bị xem thường như là nguyên nhân làm con người hư hoại. Họ để gần hết thời gian vào việc nghiên cứu Sách Thánh. Vi phạm luật Môi-se và những qui luật của cộng đồng bị phạt rất nghiêm khắc bằng phạt vạ, hoặc bị trục xuất. Mặc dù họ không được đề cập tới trong Tân Ước, nhưng họ có một số điểm giống sinh hoạt của các cộng đoàn dân Chúa thời tiên khởi, như về tổ chức, chức vị, bữa ăn chung, tài sản chung, thanh tẩy. Trong những cuộn sách tìm thấy ở Qumran đều có ghi lại những việc này.

Bài đọc thêm:
Khi đọc mỗi cuốn sách trong bộ Kinh Thánh, ta tìm hiểu sự kiện lịch sử của mỗi biến cố, cho dù biết rằng nó không cần thiết cho việc am hiểu Kinh Thánh, rồi ta cũng lại nên xét tính cách văn học của nó, bởi nhiều khi nó cũng giúp cho chúng ta am hiểu cách chính xác hơn. Tất nhiên là xem nó thuộc loại thể văn nào trong văn học ? Tức là cách thức tác giả xử dụng ngôn ngữ. Thí dụ cuốn sách viết về lề luật, thì không thể xử dụng thể văn để viết cho thi ca. Vì ngôn từ của lề luật nhấn mạnh vào việc diễn tả chính xác một điều, nên thể loại này đòi hỏi người viết chọn lọc từ ngữ sao cho không thừa, cũng không thiếu dù một chữ. Trong khi thi ca chỉ nhắm tới việc gợi lên một điều gì đó như chất liệu, hay nguyên tố, để người ta tự do thả hồn vào và sống cách kín nhiệm với cái nguyên tố hay chất liệu ấy. Cũng vậy, thể văn tiểu thuyết là một trình thuật cố gắng trung thực với đời sống con người và môi trường xã hội của từng thời đại, từng địa phương, để gợi lên cho người đọc thấy rõ con người biến thiên (nhân vật trong truyện) ra sao và thế nào, nhưng nó không nhất thiết phải bảo cho biết các biến cố trong truyện thật sự xảy ra như thế (tức chuyện kể không nhất thiết phải có thật). Hoàn toàn khác với lối văn thông tin, hay các bản tường trình là đưa ra một chuỗi các sự việc chính xác và có thật với sự kiện được nói đến, mà không chú tâm vào việc diễn tả cuộc sống đổi thay con người.
Mỗi thời văn thể cho dù cùng loại cũng có thay đổi mỗi khác. Khác về từ: từ cũ, từ mới; Hoặc khác về cách diễn đạt. Một mệnh đề ngắn gọn hôm nay, có thể gồm trọn ý nghĩa của một câu dài người ta dùng cách đây nửa thế kỷ. Bởi thế, nếu ta không đặt mình vào cái thời xa xưa đó, ta sẽ hiểu sai ý nghĩa của nó. Thí dụ: Trong dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22,1-14) tường thuật câu chuyện những khách được mời là những người ở ngoài đường. Trong số này có người không mặc áo cưới bị vua sai lính “trói chân tay” và “quăng … vào chỗ phải khóc lóc nghiến răng”. Nếu người đọc không đặt mình vào luật lệ và phong tục tiệc cưới vua chúa Do Thái thời xưa, là ai nấy đều được phát áo cưới (áo mới) trước khi vào phòng tiệc, thì đã cho vị vua này quá phi lý! Đây chỉ là vì người này không chịu mặc tấm áo đã được phát mà dám đi vào phòng tiệc, không cần biết vì lý do gì … đều mang tội khi quân. Đó là chưa kể câu chuyện còn ngụ ý “hình ảnh” về tâm linh với nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn nữa, là tấm áo tinh tuyền được cấp phát khi rửa tội. Đến ngày được Thiên Chúa gọi vào dự tiệc cưới nước trời, mà người ta đã làm lấm lem tấm áo, hoặc đã giục bỏ nó đi tự bao giờ, để không còn áo mà vào phòng tiệc.
Thực tế đã xảy ra nhiều hiểu lầm trong việc giải thích Cựu Ước nói riêng, Kinh Thánh nói chung. Chúng ta có khuynh hướng tiếp cận các trình thuật Kinh Thánh theo thói quen của trí óc ngày nay, xem như các sách ấy chỉ là những bản tường trình với hoặc là quá ít, hay quá nhiều nghĩa đen, chưa kể những sai lạc ngay từ trong quan niệm, khởi từ những sự kiện xảy ra đã cách chúng ta mấy ngàn năm, lại ở một xứ sở từ luật lệ đến phong tục tập quán, rất khác xa với bất cứ một xứ sở nào, mà ngày nay chúng ta biết.
Nhiều độc giả có thể sẽ bảo rằng: Cần gì phải xét kỹ đến văn thể như thế, cứ đọc sao thì hiểu vậy có phải dễ không, sao lại rắc rối chi thế! Xin thưa, vì dễ tính như thế nên mới hay ngộ nhận. Hễ ít nghĩa đen thì cho là phi lý, quá nhiều nghĩa đen lại cho là bất nhất, sao không ăn nhập. Chẳng hạn có nhiều người tưởng rằng tác giả sách Sáng Thế viết bản tường trình về sáu ngày tạo dựng của Chúa (?). Không, đây là văn thể theo hình thức thi ca chứ không phải là bản văn tường thuật! Ngay tự thế kỷ thứ 13, Thánh Tô-ma A-qui-nô đã có nhận định này và cảnh báo đừng đem nó vào suy nghĩ của óc thực dụng, vì đây là một bản văn thi ca cao nhã. Ngụ ý của nó là gợi lên cho người ta sự truyền đạt về quyền năng kỳ diệu nhiệm màu trong việc tạo dựng muôn loài từ bàn tay Thiên Chúa. Chứ nếu là tường thuật một công trình sáng tạo thì bây nhiêu đó quá ít, sao đủ ?
Nhiều độc giả người Việt đọc Tam Quốc Chí, cứ tưởng là đọc lịch sử nước Trung Hoa thời kỳ “chia ba thiên hạ”, rồi tâm phục, khẩu phục nhân vật Khổng Minh Gia Cát Lượng. Sai! Cuốn Tam Quốc Chí chỉ có mười lăm phần trăm (15%) là chính sử; còn lại tới 85% là tiểu thuyết hóa.
Cũng vậy, rất nhiều độc giả đọc câu chuyện Adam, Eva như là một câu chuyện lịch sử, tức xếp nó vào thể văn tường thuật, cho nên cũng nghĩ tên tuổi và chi tiết của câu chuyện mang tính cách lịch sử. Từ lâu, người ta đã biết tính chất của câu chuyện chỉ là giải quyết vấn đề con người – không, phải nói rõ hơn và rộng hơn: Nó thuộc về vấn đề nhân sinh quan, vũ trụ quan của cả nhân loại – Cũng có thể xem là cốt tủy của học thuyết Kitô giáo. Từ Sáng Thế Ký 2 cho tới 11 đều là như vậy hết. Chỉ từ Sáng Thế 12 trở đi mới là văn Sử (thể văn tường trình lịch sử dân Israel). Nhưng nó vẫn không phải là cách viết của những nhà sử học ngày nay, mà là cách người Hipri viết sử (tất nhiên là chưa đúng với phương pháp (khoa) viết sử ngày nay). Họ chỉ muốn nói lên căn bản của những sự kiện vĩ đại là Thiên Chúa lập lên giao ước; cùng với Sự bội ước của loài người; Sự khôi phục, hay sự trở về của một nhân loại hoang đàng trong niềm tin vào  tình yêu Thiên Chúa.
Chúng ta cũng phải có thêm một nhận định khác, Những cuốn tuy không phải là sách sử, nhưng cũng không phải là tiểu thuyết, vì thể loại văn học tiểu thuyết hôm nay, không có vào thời đó trong dân Israel, mặc dù dọc dài Cựu Ước sự mô tả của các tác giả nhiều sự kiện, nhiều biến cố hết sức là cường điệu … “Cường điệu mà không là tiểu thuyết” chính đó là văn thể đặc biệt, và khá có tính thống nhất trong toàn thể các tác giả Cựu Ước. Chúng ta có thể nói cách tổng quát rằng: Văn thể Israel thời ấy đã dễ dàng chuyển các biến cố bên trong thành những cái xảy ra bên ngoài. Chuyển biến những gì Thiên Chúa nói với Israel, một dân tộc nhỏ bé, thành tiếng nói thiêng liêng ngân vang cho toàn thể nhân loại. Và cũng chỉ khi nào đi sâu vào chi tiết từng cuốn sách, chúng ta mới khám phá hết được các góc cạnh tuyệt vời, mà sự cường điệu của bút pháp thời đó nhìn trên bề mặt phiến diện ngoại vi, chúng ta chỉ thấy toàn là phép lạ, nhưng không cần thắc mắc sao Thiên Chúa không làm nơi những dân tộc khác, mà trái lại, chúng ta cảm nhận được mọi việc làm của Thiên Chúa qua ngòi bút của các tác giả Kinh Thánh tác động đến toàn thể nhân loại, chứ không phải chỉ cô đọng nội tại nơi một dân tộc mà các tác giả các sách Cựu Ước tự nhận mình là dân riêng của Chúa./.

[/fusion_text][/fusion_builder_column][/fusion_builder_row][/fusion_builder_container]