II. Đẳng thức Thần Linh:
1) Nhìn từ Thế hệ (hay Thời đại):
Từ bài một tới giờ, chúng ta đã đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là Lời Chúa – Lời Thiên Chúa nói với nhân loại – Nhưng phải thành thực mà nói rằng rất nhiều độc giả Kinh Thánh không cảm thấy thỏa mãn về rất nhiều điểm trong cuốn sách. Bởi cứ theo lẽ tự nhiên, người ta muốn tìm trong những bản văn Kinh Thánh một nguồn thác chân lý siêu tuyệt, với những hình ảnh đạo đức cao vời. Chân lý siêu vượt thì có rồi, nhưng những nhân vật thần tượng trong cựu ước toát ra một gương sống thơm mùi đức hạnh thì không hẳn, ngay cả những vấn đề luân lý đơn thuần có khi cũng đã không đạt. Nhiều câu chuyện kể lại các bậc tổ phụ bao gồm cả những hành vi thô lỗ, man rợ, ngay cả những việc rõ ràng là vô luân cũng được tường thuật cách tự nhiên. Một thánh vương như Đa-vít, được Chúa chọn làm nhà lãnh đạo dân riêng của Ngài, phạm những tội lỗi tầy trời như mê đắm sắc dục, mà sao cũng chép vô. Nhà vua đứng trên sân thượng, ôi cái sân thượng khốn nạn vào một ngày đã trở nên phương tiện khiến con người bước vào đường tội lỗi. Đứng trên đó, nhà vua chỉ thoáng nhìn thấy người phụ nữ đẹp đang tắm ở phía bên kia hàng rào, mà sinh lòng say đắm, khát khao ngoại tình. Đức vua chiếm đoạt vợ người chưa đủ, lại còn dùng quyền lực của mình, đặt kế hoạch để đưa chồng của người tình đến chỗ tử vong. Một Salomon sang trọng được Chúa hứa ban, muốn gì được nấy, ngay cả sự khôn ngoan Chúa cũng cho, thế mà chẳng những đa thê, đa thiếp, lại còn nghe các bà vợ của mình, lập các đền thờ tà thần, ngoại đạo. Đó chẳng phải là thái độ bất trung cùng Thiên Chúa? Nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi ngay trong số các tổ phụ, như Gia-cóp chẳng hạn, cướp quyền trưởng nam của E-sau anh mình, một cách lừa bịp trắng trợn, qua sự dàn cảnh bất công, đầy thiên vị, nhưng rất nhỏ nhen của bà mẹ. Có gì là hay đâu mà cũng kể tự nhiên như chẳng xem đó là gương mù, gương xấu, lại đặt Thiên Chúa vào cái thế nhắm mắt chuẩn y cho một sự đã rồi, là cất nhắc Gia-cóp lên hàng tổ phụ … Rồi các trận chiến đầy tính thù nghịch; Việc “dân Chúa” diệt chủng các cư dân ở Canaan để chiếm lấy đất đai của họ làm lãnh thổ của mình, rồi lại cho là Đức Gia-vê ban hành lệnh ấy. Nếu là hôm nay, có lẽ đã bị cả thế giới lên án là xâm lược, bá quyền? Nhìn chung, ai cũng thấy đầy rẫy những khiếm khuyết của thời cựu ước. Nhưng chúng ta thử tạm đổi từ “Cựu Ước” thành từ “Nguyên thủy”, hay “thế giới loài người thời cổ đại”, thì sẽ nảy sinh cho chúng ta “Một cái nhìn” khác. Đó là chúng ta đang nhìn những người thời đó qua mặt khác của lăng kính thời đại hôm nay: Thời đại mà cái gì cũng được xem như đã trưởng thành, hay tiến bộ vượt bực: Từ luật pháp, quan niệm đạo đức, luân lý xã hội, sự tiến bộ của khoa học … cũng như sự tích lũy và từng trải qua nhiều nền văn minh nhân loại … Chính những sự kiện này đã cho chúng ta cái nhìn khắt khe, hay thiếu quảng đại về nhân sinh quan cùng sinh hoạt đời sống của các bậc tổ phụ thời cựu ước, chứ nếu đặt mình vào thời xa xưa đó, chúng ta cũng sẽ sống giống như vậy, hoặc tệ hơn là như các dân ngoại.
Ở đây, các tác giả Thánh Kinh hầu như chỉ chú ý vào việc làm nổi bật lên sự kiện một dân tộc đã nhận ra Thiên Chúa là vị thần thánh độc nhất, và duy nhất để tôn thờ, không thần nào khác. Cũng như dù dân Thiên Chúa có sa đi, ngã lại ngàn vạn lần, thì họ cũng cố gìn giữ “Thông Điệp” căn bản trong trình thuật Abraham là học nơi vị tổ phụ này cách ông giữ lòng trung thành với Đức Gia-vê trong mọi sự. Và chính vì hậu quả của những sai phạm, lỗi lầm đó mà dân tộc này vẫn cứ tin tưởng và đợi chờ Ơn Cứu Độ. Ở thời Đức Giêsu, cách chúng ta đã 2.000 năm, Ngài cũng đã nói về sự kiện người đàn ông rẫy vợ, và ly dị người đàn bà của mình ở thời Môi-se, và được ông Môi-se cho phép. Việc đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa! Mà vì sự phôi thai và yếu đuối của loài người. Cứ từ đó suy ra thì chắc chắn là cũng đúng với các cuộc tàn sát trong sách Gio-suê. Thiên Chúa chẳng phải là Thiên Chúa của chiến tranh. Ngài cũng chẳng phải là Thiên Chúa của sự dữ. Nhưng phải như vậy thì chúng ta mới có thể nhìn thấy trong Cựu Ước một sự tinh lọc luân lý và đạo đức cách từ từ trong sự lớn lên của một dân tộc. Thần khí của Đức Chúa thấm dần, thấm dần, cùng với sự vươn lên chầm chậm của con người, thần khí cũng làm cho họ thay đổi từng bước, từng bước, cách tiệm tiến. Thiên Chúa không đòi hỏi con người phải tốt ngay! Cũng như trong đời sống tâm linh của mỗi người, chúng ta cũng có được cảm nghiệm về một Thiên Chúa khoan dung, không bất bình, và Ngài hằng kiên trì bước đi bên cạnh ta, lúc ta sa ngã, tội lỗi; Lúc ta lười biếng, nhếch nhác, khô khan, cho đến khi ta tập tành làm quen với việc đọc kinh, dâng lễ; Rồi thần linh của Chúa tác động chúng ta, dạy chúng ta làm những việc lành phúc đức … y hệt như người mẹ nắm tay dẫn dắt con trẻ chập chững bước đi … Cựu Ước đã được mô tả theo tính cách đó! Như một cuốn phim không chỉ được thâu vào những lúc con trẻ đã vững vàng bước đi, rồi nô đùa, chạy nhảy … mà ngay cả hình ảnh lúc đứa bé té (ngã) xuống, không chỗi dậy được, phải đợi người mẹ chạy tới, ãm lên. Cũng trong tinh thần ấy, khi nói chuyện với những người đang đặt ra cho Giáo Hội những vấn nạn có tính thời đại (ly dị, rồi tái hôn; phá thai v.v…) Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “việc hoán cải cõi lòng là những gì lệ thuộc vào ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, chầm chậm, từ từ, để cố gắng làm cho đời sống của mình hợp với những gì Chúa Giêsu và Giáo Hội dạy. Nó là một tiến trình liên tục”. Câu nói này thay lời kết luận cho một đặc trưng có thể nhìn ra được trong Cựu Ước như một kinh nghiệm lịch sử, và cũng là kinh nghiệm bản thân mỗi người Kitô hữu qua phần trình bày ở trên.
2) Tác động của Thánh Linh:
Trong Cựu Ước, Thánh Linh đã làm việc cách sống động. Ngài ở trong tất cả các biến cố. Ngài đồng hành với Israel trong những bước đi khập khễnh. Ngài đun đẩy, Ngài thôi thúc, vì con người vốn có bản chất không chỉ biếng nhác mà lắm khi còn ù-lỳ; đến nỗi có khi thần linh còn phải bắt cóc bỏ đĩa như trường hợp “lè-phè” ươn lười, bê bối, trốn chạy lệnh Chúa của tiên tri Giô-na (đâu phải tiên tri mà không làm biếng? Nhưng dưới con mắt chúng ta hôm nay cứ đòi họ phải hoàn hảo, phải tuyệt vời. Có lẽ con người khó hơn Thượng Đế?). Cũng như đời sống các tổ phụ, các tiên tri, và ngay cả dân Chúa, các tác giả Thánh Kinh đều được sự tác động của Thánh Linh. Thánh Linh ở đàng sau các lời ấy. Cách nào đó, Ngài đã làm cho các lời ấy được viết ra, nhưng không có nghĩa là Thánh Linh đọc cho họ viết ra các cuốn sách đó! Cũng không có nghĩa là một sự thần hứng cho ra những ý tưởng lại chẳng dính líu gì tới đời sống và đức tin của một dân tộc. Một cách lý giải trực tiếp là: Các tác giả Kinh Thánh đã diễn giải đức tin của Israel bằng chính bút pháp của họ, qua tầm nhìn của chính họ bằng vào mọi cái của thời đại họ đang sống. Bạn có thể hình dung qua một khúc nhạc thính phòng, toàn bộ những âm hưởng mà bạn nghe được đúng thực là đã phát ra từ cây dương cầm. Nhưng cũng toàn bộ âm hưởng ấy do người xử dụng cây đàn tấu lên. Vậy bản văn Kinh Thánh vừa là công trình của Thánh Linh, cũng vừa là sự cộng tác trong khả năng con người của từng thời đại. Trong khi người nghệ sĩ xuầt thần thì bản nhạc nghe như có hồn, ở đây còn hơn vậy, các tác giả đã viết trong lúc tràn đầy ân sủng thần linh, như chính Thánh Linh đang làm việc trong họ vậy!
Một cách tóm gọn: Thiên Chúa của Cựu Ước và Thiên Chúa của Tân Ước cũng là một. Nhưng trong Cựu Ước, vì trình độ dân trí, Thiên Chúa mặc khải chưa đầy đủ như trong Tân Ước. Về luân lý, Thiên Chúa cũng chưa đòi hỏi đến độ hoàn thiện như trong Tân Ước. (xem tiếp Bài 5)
Bài đọc thêm: Hành Trình Đức Tin
1- ƠN GỌI CỦA CHÚA
Toàn bộ Cựu Ước là cuộc hành trình đức tin của Israel. Người Kitô hữu chúng ta thuộc về thời Tân Ước. Mỗi người cũng đi trong hành trình đức tin của mình. Mỗi hành trình đức tin là một công cuộc của ân sủng. Hành trình bắt đầu với lời mời gọi của Chúa như Chúa đã gọi Môi-sê trong đám lửa từ giữa bụi cây bên núi Khô-rép (Xh. 3,1-6). Lời gọi này có thể mang nhiều hình thức. Nó có thể là một cơn đói thiêng liêng sâu đậm. Hoặc có thể do một người bạn hay người vợ hoặc chồng. Dù mang hình thức nào thì lời gọi của Thiên Chúa cũng không phải là những gì chúng ta hoàn toàn xứng đáng lãnh nhận. Chúng ta không thể làm gì để bắt buộc Chúa phải gọi chúng ta, mà chúng ta chỉ cần biết mở lòng đón nhận lời gọi ấy. Lời gọi ấy là một quà tặng. Đó là hoàn toàn do ân sủng.
Một khi đã bắt đầu, cuộc hành trình đức tin sẽ tiếp diễn như một tiến trình lần hồi, một tiến trình trở về. Thiên Chúa dẫn chúng ta đi từng bước một, từ nơi Ngài gặp chúng ta tiến tới nơi Ngài muốn chúng ta đến. Thiên Chúa đồng hành với chúng ta trong từng chặng đường. Ngài soi sáng nẻo đường chúng ta đi khi đường tối. Ngài làm tinh thần chúng ta phấn khởi khi tâm hồn chúng ta mệt lả. Ngài đỡ chúng ta dậy khi chúng ta vấp ngã. Ân sủng của Chúa bao bọc chúng ta từng gang tấc trên cuộc hành trình đó.
Thiên Chúa để chúng ta được tự do.
Thiên Chúa không ép buộc chúng ta. Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta. Có nghĩa là nếu muốn để cho ân sủng đến và biến đổi chúng ta, chúng ta phải mở lòng cho ơn sủng. Chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ơn sủng. Nói cách khác, chúng ta phải làm phần dành cho chúng ta. Chúng ta phải hành động như là mọi sự tùy thuộc chúng ta, nhưng phải tin tưởng như là mọi sự thuộc về Thiên Chúa. Điều này đưa chúng ta sang điểm thứ hai nói về cuộc hành trình.
2- ĐẾN VỚI NGƯỜI KHÁC ĐỂ XIN GIÚP ĐỠ
Cách Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta, đó là qua người khác, nhất là qua cộng đồng Ki-tô. Chúng ta hãy nhớ lại một số thí dụ trong Kinh Thánh. Gio-an Tẩy giả đã giới thiệu An-rê với Đức Giê-su (Ga 1:35-40). An-rê đem Si-mon Phê-rô đến với Đức Giê-su (Ga 1:40-42). Phi-líp-phê dẫn Na-ta-na-en tới Đức Giê-su (Ga 1:45-51). Mỗi cuộc hành trình đức tin đều có bàn tay giúp đỡ của cộng đồng tín hữu.
Đức Giê-su là gương mẫu về sự giúp đỡ trong cộng đồng: Chúng ta có một thí dụ cụ thể về sự được giúp đỡ trong cuộc hành trình đức tin, đó là câu chuyện Đức Giê-su đã giúp hai môn đệ vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Hai ông trở về làng Em-mau, chán nản vì những biến cố xảy ra ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Kinh Thánh nói rằng: “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?… Họ thưa lại Người: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét… Các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.” Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24:15-17,19-20,25-26) Đức Giê-su đã tiến tới và nâng đỡ các môn đệ, hướng dẫn và khích lệ họ khi cần. Đó chính là phương thức cộng đồng Ki-tô có thể giúp đỡ chúng ta trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta.
Sau đó thì chúng ta bước sang bước thứ ba: Lắng Nghe Lời Chúa (Chúng ta sẽ nghiên cứu nó một ngày gần đây).