Đẳng Thức Thần Linh:
3) Đồng Nhất Diệu Nguyên:
Sau khi đọc toàn diện từ đầu tới cuối bộ Thánh Kinh, chúng ta thấy rõ ràng sự hoạt động kỳ diệu của thần linh mang tính đồng nhất ngay tự lúc bắt đầu. Chúng ta hãy nhìn lại cách dân Do-thái được cứu thoát khỏi cảnh làm nô lệ ở Ai-cập, tương ứng với một nhân loại ngày hôm nay đang làm nô lệ cho tội lỗi. Cứ mỗi một điều luật của Pha-ra-ô ràng buộc người nô lệ Do-thái, là y như một thứ gông cùm của tội lỗi hôm nay ràng buộc con người văn minh đương thời vào mê lộ đớn đau, khó mà rút chân được. Khi vua Ai-cập ra lệnh giết chết những trẻ nam sơ sinh Do-thái, thì ngày nay chúa của tội lỗi cũng đang ra lệnh cho những con người nô lệ của nó giết các thai nhi cách ghê gớm và nhiều khủng khiếp đến như vậy. Hình ảnh của Gia-vê và Môi-se thời Cựu Ước, chính là hình ảnh Chúa Ki-tô và giáo hội của Người hôm nay đã và đang giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và những trấn áp của chúng (Trấn áp đây là các phương tiện văn minh vật chất nào có hệ lụy làm con người xa rời tinh thần trước, đánh mất thần linh sau) khiến chúng ta yếu đuối vì nó. Cũng vậy, khi chúng ta đọc về những chiến trận dân Israel đánh với các quân thù, thì sang thời Tân Ước, Chúa Giê-su đã chuyển những trận chiến này thành trận chiến chống lại các sự dữ. Và còn hình ảnh nào rõ ràng hơn hết khi bàn thờ tế lễ chiên non trong thời cũ, cũng chính là bàn thờ tế lễ ChiênThiên Chúa trên đỉnh đồi Cal-ve của thời mới, hoặc trên bàn thờ Thánh Lễ mỗi ngày. Phải chăng cùng một lối trình thuật dùng cách diễn tả chuyện xa xưa làm thành biểu tượng cho cuộc cứu rỗi thời Tân Ước. Chắc chắn trong mọi trường hợp, các tác giả Cựu Ước đã không thể bảo nhau cùng ý thức được điều đó ! Vậy chỉ có thể qui kết rằng chính Thần Linh Thiên Chúa đã “rợp bóng” trên toàn bộ chương trình và kế hoạch, để mọi thành phần trong Kinh Thánh đều có tác dụng hỗ trợ và làm sáng ý cho nhau. Cũng trong ý nghĩa nhiệm màu đó, nhờ vào sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, Đức Kitô và các Tông đồ dạy bảo chúng ta cách đọc những trình thuật xa xưa như là những biểu tượng của cuộc đời chúng ta với Đức Kitô khi đọc Tân Ước. Từ đó chúng ta nhận diện ra trận chiến của Gio-suê tương quan với trận chiến sau cùng của Đức Giêsu mà chúng ta đương cùng chiến đấu với Ngài để chiến thắng và thiết lập nên một Trời Mới, Đất Mới. Và cũng từ Cựu Ước, cho chúng ta nhận diện được kẻ thù hôm nay nhân loại phải đối đầu, chính là “con rắn năm xưa” trong vườn địa đàng với lời nguyền “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”.
4) Tác phẩm của Thánh Linh:
Trong phần “Dẫn nhập tổng quát” của Bộ Kinh Thánh (xuất bản năm 1999 tại VN) đã viết: Sách Thánh là Lời Chúa đã thành lời người, cũng như Ðức Ki-tô là Lời Chúa đã thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Cả hai là công trình của Thánh Thần: Lời Chúa thành lời người do Thánh Thần linh hứng cho các tác giả viết ra; Lời Chúa thành người phàm do Thánh Thần tạo dựng tác động trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a. Công Ðồng khẳng định: “Lời của Chúa diễn tả qua ngôn ngữ của loài người, được đồng hoá với tiếng nói loài người, cũng như xưa Lời của Chúa Cha hằng hữu đã trở nên giống loài người, sau khi nhận lấy sự yếu đuối của xác phàm” (MK 13) (1).
Tính cách “nhập thể” này khiến người ta phải nhờ đến các phương pháp nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, xã hội, các phương pháp phân tích văn chương để “tìm hiểu điều các tác giả Sách Thánh thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ” (x.MK12). Công việc này Công Ðồng kêu gọi các nhà chuyên môn thực hiện để giúp những người có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa “truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa cho các tín hữu”. Còn chính “những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa? phải gắn bó với Sách Thánh nhờ chăm đọc và ân cần học hỏi? để khỏi trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe Lời Thiên Chúa trong lòng” (x. MK 23-26).
“Nhưng Sách Thánh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và chú giải trong Chúa Thánh Thần.” Muốn thế, phải tôn trọng toàn thể hoạt động của Thánh Thần, nghĩa là “phải ân cần lưu ý đến nội dung, và sự thống nhất toàn bộ Kinh Thánh, dựa trên truyền thống sống động của toàn Hội Thánh và trên sự tương hợp toàn bộ đức tin” (MK 12).
Vậy phải chăng người Ki-tô hữu giáo dân (không phải là giáo sĩ, tu sĩ, nhà nghiên cứu?) đành chỉ chờ nghe giảng dạy chứ không cần cầm Sách Thánh trong tay mà đọc? Công Ðồng Va-ti-ca-nô II đã ra lệnh: “Phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các Ki-tô hữu” (MK 22). Trách nhiệm của các giám mục là “dạy các Ki-tô hữu biết sử dụng đúng đắn Sách Thánh? nhờ các bản dịch” (MK 25). Như vậy Công Ðồng khuyến khích mọi Ki-tô hữu trực tiếp – tiếp xúc với Sách Thánh.
5) Thần Lương (Lời Chúa: lương thực nuôi dưỡng)
Công việc của các nhà nghiên cứu và các người rao giảng là giúp người Ki-tô hữu hiểu Lời Chúa trong Sách Thánh. Nhưng sự hiểu biết đó không sinh ích gì nếu mỗi người không trở thành mảnh đất tốt đón nhận hạt giống Lời Chúa, nghĩa là “những kẻ nghe Lời Chúa với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8,15). Tức: Đọc Lời Chúa; Học hỏi Lời Chúa để mà hiểu Lời Chúa; Rồi đem thực thi Lời Chúa vào đời sống mỗi ngày.
Thánh Phê-rô tuyên xưng : “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” sau khi Chúa Giê-su tuyên bố: “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63.68). Chính vì “tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng” (2 Tm 3,16) và “chính nhờ có Thánh Thần thúc đẩy mà có những người nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1,21), nên Lời Thiên Chúa có sức thông ban Thần Khí cho chúng ta tương tự như các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Do đó điều trước tiên là chúng ta phải cung kính đọc hoặc nghe với đức tin cũng như khi lãnh nhận các bí tích.
Khung cảnh thuận lợi nhất để đón nhận Lời Chúa là khi cử hành các giờ kinh phụng vụ và các bí tích, vì những lúc ấy tâm hồn chúng ta được chuẩn bị, và phụng vụ nâng đỡ chúng ta.
Ngoài khung cảnh phụng vụ, chúng ta có thể đọc và suy niệm, chiêm ngắm Lời Chúa. Ðây là hình thức đón nghe Lời Chúa trong cầu nguyện đã có từ thời Dân Chúa bị lưu đày ở Ba-by-lon (thế kỷ VI trước CN). Khi không còn phụng vụ tế tự tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, Dân Chúa mới chú ý đến lời ông Mô-sê và các ngôn sứ. Họ tụ họp nhau trong Hội đường (ngày sa-bát) để nghe lại Lời Chúa đã phán dạy qua ông Mô-sê và các ngôn sứ. Họ lắng nghe và nghiền ngẫm, đối chiếu với những gì họ đang sống. Nhờ đó họ hiểu được nguyên nhân cuộc sống hiện tại là do tội lỗi của họ gây ra, đồng thời họ tìm được niềm hy vọng vì khi các ngôn sứ răn đe thì cũng công bố lời hứa cứu độ. Như thế Lời Chúa dạy cho họ biết hoán cải và hy vọng. Từ đó họ ăn năn thống hối, cầu xin ơn tha tội, ơn giải phóng, ơn cứu độ … Chính bài học lịch sử ấy, giúp chúng ta cách nhận diện yếu tố Thần Linh áp dụng trong việc Học Hỏi Lời Chúa như sau:
– Cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và trợ giúp (1 Cr 1,26 – 2,16).
– Xin Thiên Chúa tha tội và tẩy rửa tâm linh (1 Ga 1,9).
– Cầu xin được ơn khao khát biết và hiểu về Chúa nhiều hơn (Tv 19,7-14; 42,1).
– Áp dụng những ý sâu sắc trong bản văn vào ngay cuộc sống của chính mình.
– Luôn khiêm nhường và chịu học hỏi (Đối với Đa-Minh còn là việc chấp nhận khổ chế, tức phải chịu khó ép mình học tập).
Nhân nói về việc học hỏi Lời Chúa, chúng ta hãy nghe câu nói của Kierkegaard chí tình, chí lý thế nào hầu giúp ta giàu thêm kinh nghiệm: “Để đọc Lời của Thiên Chúa, người ta phải đọc nó với tấm lòng hớn hở bên trong và ngoài cửa miệng, trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Đọc Kinh Thánh một cách vô ý cẩu thả, hoặc cho dù theo kiểu học giả hay nhà nghề, thì không phải là đọc Lời Thiên Chúa. Khi một người đọc Lời Chúa như đọc bức thư tình, thì người đó đích thị là đang đọc Lời của Chúa vậy” (2)
Nói tóm lại: Hội Thánh muốn trao Sách Thánh (K.Th) vào tay mỗi người tín hữu và cả những người ngoài Kitô giáo, bởi vì “Cũng như đời sống Hội Thánh được tăng triển nhờ năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể, thì cũng có thể hy vọng đời sống thiêng liêng sẽ có một đà tiến mới nhờ gia tăng lòng sùng kính Lời Chúa”, là lời “Hằng tồn tại muôn đời” (MK 25-26).
GHI CHÚ:
(1). MK: Hiến chế Mạc khải của Công Đồng Vaticanô II
(2). Câu của Kierkegaard trích trong “Protestant Biblical Interpretation” của Bernard Ramn — Kierkegaard (Søren Aabye) sinh ngày 5 tháng 5 năm 1813 và được xem là một trong những nhà tư tưởng quan trọng và sung mãn nhất của Đan Mạch trong “thời hoàng kim” của hoạt động trí tuệ và nghệ thuật. Các tác phẩm của ông đa dạng trên nhiều lĩnh vực bao gồm triết học, tâm lý học, phê bình văn học, tiểu thuyết và thần học. Ông được xem là nhà triết học hiện sinh đầu tiên và được biết đến như “cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh”.
Nếu như phái hiện sinh vô thần tìm thấy ở Nietzsche một niềm cổ vũ cuồng nhiệt sau khẳng định khét tiếng “Thượng đế đã chết” thì các nhà thần học tôn giáo lại hay nêu ra Kierkegaard trong các nghiên cứu của ông mỗi khi nói về khoảng cách giữa hiện sinh tuyệt đối với Thiên đàng. Dẫu hiện sinh vô thần như Sartre hay Camus, hay H.S. hữu thần như Jaspers hoặc Gabriel Marcel đều có liên quan tới Kierkegaard. Trong nhiều tác phẩm thần học của mình, ông tập trung vào đạo đức tôn giáo và các câu hỏi làm thế nào để là một Kitô hữu.